C
ha lớn lên với hình ảnh của ông con trong tâm trí. Tất cả những tính cách cũng như cuộc sống của cha đều có dấu ấn của ông con.
Cha nhớ tấm lưng mạnh mẽ của ông con khi ông làm việc muộn mỗi tối, nhổ cỏ, cào đất hoặc sơn tường,… mồ hôi ướt đẫm chảy dọc tấm lưng.
Cha nhớ bàn làm việc của ông dưới tầng hầm, nơi mỗi dụng cụ đều được sắp xếp gọn gàng và các hộp đều được dán nhãn phân biệt.
Cha nhớ những cơn giận dữ tột cùng của ông, và những lần trò chuyện ngập ngừng giữa hai cha con về giới tính.
Cha nhớ ông con rất cần cù và kiệm lời. Nhớ ông đã nỗ lực như thế nào để thông qua những cuốn sách đạo đức mà dạy cho cha những điều ông ngại cất thành lời.
Và cha nhớ niềm tự hào lặng lẽ của ông khi các con trưởng thành và bắt đầu cuộc sống riêng.
Những điều này ông con không nhớ nhiều đâu. Trí nhớ ông đã kém rồi. Người đàn ông từng đọc vanh vách địa chỉ của Lincoln ở Gettysburg bây giờ còn không thể nhớ nổi các ngày trong tuần. Bàn làm việc của ông đã lung lay nhiều, những dụng cụ lâu ngày không ai đụng đến nằm xếp chồng đầy bụi bặm trong xó nhà. Người đàn ông mạnh mẽ từng là trụ cột của gia đình giờ đây bỗng trở nên nhỏ bé, chậm chạp trong từng cử chỉ và vụng về trong mỗi bước đi.
Cha cảm thấy rất buồn vì điều này. Trong nỗi buồn còn có niềm lo sợ. Mỗi ngày trôi qua cha càng nhận ra rõ hơn hình ảnh ông đã sống trong cha nhiều thế nào, và cái bóng ông phủ xuống cuộc đời cha mới vĩ đại làm sao.
Tất cả chúng ta đều giống nhau: không ai chạy trốn khỏi hình bóng của người cha, ngay cả khi hình bóng ấy tràn ngập nỗi sợ hãi, ngay cả khi nó không có tên hay không định hình rõ ràng. Cho dù chúng ta đang cố gắng để cảm thấy xứng đáng với cha mình, hay để chứng tỏ một điều gì đó, hoặc thậm chí để quên đi mọi ký ức về cha mình – cho dù sức ảnh hưởng của cái bóng người cha ra sao, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của nó.
Cha thật may mắn. Dù có giận dữ đến đâu hay cô đơn tận đáy lòng, ông con cũng không bao giờ làm tổn thương đến cha. Bàn tay ông luôn đặt lên vai để động viên mỗi khi cha cần.
Tuy nhiên không phải ai cũng có một người cha tốt như vậy. Nhiều người phải sống và chịu đựng trong một môi trường đầy bạo lực, tàn nhẫn, đầy mùi bia rượu, và mỗi đêm họ thường phải thu mình vào góc tối trong tiếng chai lọ bị đập vỡ. Hay cũng có người, ký ức về cha với họ chỉ là khoảng không trống trải. Nhưng dù thế nào thì tất cả chúng ta đều có ảnh hưởng từ những hình bóng này. Ta sẽ trở thành ai và ta hy vọng thành người đàn ông như thế nào, phần lớn có liên quan đến hình ảnh người cha trong trái tim mỗi chúng ta.
Cha bỗng nhìn thấy hình ảnh ông con hiện ra trước mắt mình. Ông đang đứng trên hành lang tranh tối tranh sáng ở một căn hộ. Cha đứng ngay phía sau ông, lúc đó cha chỉ là đứa trẻ 10 tuổi đang sợ sệt, rụt rè nhìn về phía cửa chính. Bên cạnh hai cha con là một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp này là một “tay đua màu tía” (cha và ông gọi nó như vậy) có phanh tay, có thể sang số và là chiếc xe đẹp nhất mà cha từng nhìn thấy. Ông và cha đang mang chiếc xe trả lại cho chủ của nó.
Ông con đã tìm thấy chiếc xe đạp này trong một buổi đi dạo lúc sáng sớm trên bãi biển. Ông đã cất nó trong ga-ra nhà, bọc một lớp vải phủ. Ông không cho cha chạy nó, vì ông bảo rằng nó thuộc về người khác. Chiếc xe ở trong ga-ra nhà hàng tuần lễ trong lúc ông đăng quảng cáo trên tờ báo địa phương để tìm chủ nhân của nó. Cha đã thầm mơ ước rằng sẽ không có ai gọi điện đến để cha có thể trở thành người sở hữu chiếc xe đó.
Nhưng người chủ chiếc xe đạp đã gọi điện.
Ông nội con gõ cửa. Có tiếng mở cửa ken két. Một người đàn ông xuất hiện, nhìn lướt qua hai cha con và hướng về phía chiếc xe. Ông ta kéo chiếc xe đến phía cửa và kiểm tra. Cha và ông đứng ngay bên, chờ đợi.
– Xe có nhiều vết trầy mới. – Người đàn ông nói.
Ông con không trả lời.
Người đàn ông tiếp tục xoay bánh, kiểm tra ghi-đông. Ông ta nhìn ông con như muốn kết tội. Lúc đó cha chỉ muốn hét lên với ông ta rằng chả có vết trầy nào cả, rằng nó đã được giữ cẩn thận trong ga-ra.
Người đàn ông đẩy chiếc xe vào nhà và lẩm bẩm: “Tôi nghĩ là nên cho ông một thứ gì đó”. Sau đó ông ta mang ra một tấm séc nhàu nát và ném nó về phía ông con. Ông con đã trả lại tấm séc.
Ông ta nhìn chằm chằm vào hai cha con và sau cùng quay trở vào nhà để xem xét chiếc xe.
Ông và cha cũng quay ra. Trên đường đi, cha níu lấy áo ông hỏi:
– Tại sao chúng ta lại đối xử tốt với hắn ta vậy? Hắn ta thật vô ơn.
Ông con vẫn tiếp tục bước đi:
– Có thể một ngày nào đó, anh ta cũng sẽ đối xử tốt như vậy với một người khác.
Cha đuổi theo ông xuyên qua ánh sáng màu vàng rực. Hai cha con không bao giờ nhắc về chuyện chiếc xe nữa.
Rồi hình ảnh này trở nên nhạt phai, lùi xa và bị thay thế bằng một hình ảnh khác.
Đó là hình ảnh của nhiều năm về sau. Lúc đó cha đang ghé thăm một nhà tù địa phương để thực hiện một vài công việc hành chính lặt vặt. Lúc đang ngồi trong phòng đợi, cha bỗng để ý thấy trên danh sách tù nhân có tên người học trò cũ của cha. Anh này bị bắt vì chứng nghiện rượu và phá hoại tài sản công cộng. Đây không phải là lần đầu tiên anh ta bị bắt.
Trước giờ cha vẫn luôn yêu mến người học trò này, một phần cũng vì hoàn cảnh của anh ta: cậu ta là trẻ mồ côi. Sau đó, cha xin được gặp cậu ta.
Cha được đưa đến một căn phòng bằng xi-măng, loang lổ bên trong là thứ ánh sáng yếu ớt của đèn huỳnh quang.
– Đợi ở đây nhé. – Người quản ngục nói.
Rồi ông ta dẫn người học trò vào.
– Chào Chris. – Cha nói.
Chris không trả lời. Đôi mắt cậu ta đầy sợ hãi.
– Người này hơi hung dữ nên phải nhốt một mình. Đợi một lúc để anh ta làm quen với ánh sáng đã. – Người quản ngục phân trần.
Chris nhìn cha. Môi anh ta run run.
– Làm ơn đừng để họ đưa tôi vào đây nữa. – Đôi mắt cậu ta trông giống hệt đôi mắt một đứa trẻ đầy sợ hãi.
– Làm ơn! – Anh ta lặp lại một lần nữa. Cha chưa từng nghe Chris nói “làm ơn” với bất kỳ ai.
Cha nhìn Chris một lúc lâu. Cha chỉ nhìn thấy đôi mắt sợ hãi của cậu ta.
Cha liên hệ với người quản lý trại giam và trả tiền bảo lãnh cho Chris. Họ mang quần áo đến cho cậu ta. Cha ký vào một vài tờ giấy và đưa cậu ta ra xe. Cha mua cho Chris một cái ham-bơ-gơ, sau đó chở cậu ta đến ngôi nhà mà cậu ta yêu cầu. Trên đường đi, Chris huyên thuyên với cha đủ thứ chuyện, thái độ và giọng nói đầy vẻ nghênh ngang ngông cuồng.
Khi cha dừng xe lại, cậu ta ngay lập tức nhảy ra khỏi xe và nói: “Bye nhé”. Từ đó cha không bao giờ gặp cậu ta nữa.
Ngày hôm sau cha kể cho một người bạn nghe về Chris. Bạn cha nổi giận:
– Không thể tin được cậu lại làm vậy. Cậu đã để nó ép buộc cậu, như nó đã ép buộc bao nhiêu người khác. Lẽ ra cậu nên để nó chết dần chết mòn trong tù mới phải. Như vậy nó mới học được bài học rằng không phải lúc nào cũng có thể khua môi múa mép được. Sao cậu lại có thể ngốc nghếch đến vậy cơ chứ?
Cha nói:
– Có thể một ngày nào đó, anh ta cũng sẽ đối xử tốt như vậy với một người khác.
Bạn của cha lắc đầu và quay trở lại công việc của anh ấy.
Ở nơi quê nhà xa xôi, cha biết ông con đang mỉm cười.