Bạn đã bao giờ nghe câu ngạn ngữ: "Thủy thủ tồi đổ thừa tại gió", "Thợ vụng than đồ nghề" hay "Huấn luyện viên dở đổ vấy cho cầu thủ" chưa? Và trong thực tế thì chúng ta còn bắt gặp bao nhiêu trường hợp khác nữa, hết sức gần gũi với mình như:
Giáo viên dở đổ thừa tại học trò.
Nhân viên kinh doanh thiếu năng lực đổ thừa cho hoàn cảnh.
Cha mẹ không gương mẫu đổ thừa do số phận.
Quản lý yếu đổ thừa cho thuộc cấp.
Nhân viên kém đổ thừa cho cấp trên.
Cá nhân tồi đổ thừa cho xã hội.
....
Ai phải chịu trách nhiệm cho những thiếu sót của những người như thế khi ngay cả bản thân họ cũng không chịu trách nhiệm về năng lực của mình? Không ai dám nhìn nhận sự thật, không ai dám nhìn vào sự yếu kém của bản thân như vậy thì đến bao giờ cái sự "tồi" mới trở nên "tốt hơn"?
Trách nhiệm cá nhân bỗng dưng trở thành một trái bóng được đá qua hết người này đến người khác không biết đến bao giờ mới dừng lại, vì chẳng ai muốn nhận nó vào mình. Từ những chuyện trong công ty như va chạm giữa các bộ phận với nhau, giữa quản lý và nhân viên hay giữa các nhân viên, đến những bất đồng giữa các thành viên trong gia đình, trong xã hội... ta đều dễ dàng thấy cách hành xử như vậy. Ai cũng cho rằng mình là hoàn hảo và khi nói tới trách nhiệm của mình đối với sự việc, họ sẽ thốt lên một câu ngơ ngác: "Tôi ư?"!
Vì sao vậy? Phải chăng trong suốt một thời gian dài chúng ta đã sống mà không ý thức rõ về bản thân mình?
Trách nhiệm cá nhân bắt đầu từ chính mỗi người! Có nghĩa là nó không bắt đầu từ những người khác, sự việc khác mà bắt đầu từ chính bản thân mỗi chúng ta. Đó là một sự thừa nhận thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào thực tế của bản thân để chịu trách nhiệm cho những điều chúng ta làm và chấp nhận kết quả của nó.
Nếu bạn chưa đủ tự tin để nhìn nhận về trách nhiệm bản thân mình thì hãy bắt đầu làm quen với cách thức sau đây: mỗi khi gặp vấn đề mà bạn đang hoang mang, nghi ngại thì thay vì hỏi bằng đại từ ám chỉ người khác như: "họ", "chúng nó", "chúng ta" hay "bạn", hãy đặt vào đó đại từ nhân xưng "tôi". Những câu hỏi mở đầu bằng đại từ nhân xưng "tôi" sẽ chuyển hướng tập trung của chúng ta về chính bản thân mình, bởi chỉ có chúng ta mới kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình. Đặt ra những câu hỏi tập trung vào những gì chúng ta có thể thực hiện sẽ thực tế và mang lại hiệu quả hơn là những câu hỏi xem người khác có thể làm gì cho chúng ta.
Sức mạnh của nhóm là một công cụ tuyệt vời, nhưng sức mạnh của trách nhiệm cá nhân còn làm nên nhiều điều diệu kỳ hơn nữa!