Khi hướng dẫn các học viên của mình bắt tay vào tiến hành một điều gì đó, tôi nhận thấy tâm lý chung của họ thường là do dự, lo lắng không dám làm ngay vì sợ gặp rủi ro. Và điều duy nhất tôi có thể làm lúc ấy là động viên họ rằng: Thà chúng ta gặp rủi ro khi thực hiện công việc còn hơn chúng ta bị đào thải chỉ vì không dám làm gì cả.
- Hãy hành động dẫu có vấp phải sai lầm, nó sẽ giúp ta học hỏi và tiến bộ nhanh hơn. Còn việc không làm gì cả chỉ dẫn đến sự trì trệ và bào mòn khả năng sáng tạo.
- Hành động sẽ đưa chúng ta đến giải pháp. Không hành động kéo chúng ta thụt lùi về quá khứ.
- Hành động mang đến sự dũng cảm. Không hành động chỉ đem lại nỗi sợ hãi.
- Hành động xây dựng nên sự tự tin, không hành động mang lại sự ngờ vực.
Một người bạn rất thành đạt của tôi đã từng chia sẻ: "Hành động cho tôi sức mạnh. Càng than trách, tôi càng cảm thấy bế tắc và muốn buông xuôi".
Hãy quyết định hôm nay bạn cần phải làm gì. Và sau đó hãy hành động.
Để tập trung vào các hành động theo tinh thần QBQ, khi đặt vấn đề chúng ta cần thêm vào các động từ như "làm", "hành động", "đạt được", "xây dựng"... đi kèm với các từ như "cái gì", "thế nào", "bằng cách nào"... Hãy nhớ rằng các câu hỏi luôn phải đi kèm với đại từ nhân xưng "tôi".
Nhưng QBQ không chỉ dừng lại ở đó, bạn không chỉ đặt ra câu hỏi: "Tôi làm gì?" hay "Làm thế nào để tôi đạt được điều đó?" mà câu hỏi QBQ còn phải thêm vào cụm từ "ngay bây giờ", "hôm nay".
"Tôi cần phải làm gì ngay hôm nay?"
"Ngay bây giờ, tôi sẽ tạo nên sự khác biệt như thế nào?"
Thật đơn giản, những câu hỏi này sẽ dẫn đến hành động. Thông qua hành động, chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề của mình, dù đó là vấn đề khó khăn nhất.