Bạn đã từng nghe hay đã từng thốt ra các câu hỏi như thế này bao giờ chưa:
- Tại sao anh ta không làm việc chăm chỉ hơn?
- Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?
- Tại sao họ lại cản trở công việc của tôi?
Hãy thật lòng nói ra cảm giác của bạn lúc đó. Bạn cảm thấy thoải mái như trút được mối ưu phiền, tìm ra phương cách giải quyết vấn đề của mình hay chỉ càng cảm thấy bế tắc hơn? Những câu hỏi với ý phàn nàn, than trách như thế không phải là những lời giải đáp hợp lý, chúng tạo cho ta cảm giác bị dồn ép như một nạn nhân đang tìm kiếm sự cảm thông từ người khác. Tuy nhiên, những câu hỏi "tại sao" như thế lại là những câu mà chúng ta thường hay đặt ra nhất.
Bất kỳ ai cũng có thể rơi vào cái bẫy của những câu hỏi "tại sao" này. Có lần trong cuộc trò chuyện ngắn với người quản lý một siêu thị nhỏ, tôi hỏi anh ta: "Anh có bao nhiêu nhân viên?". Anh ta đáp: "Khoảng sáu người". Và sau đó như muốn trút ưu phiền, anh ta tuôn ra một tràng những nhận xét về nhân viên của mình dưới hình thức những câu hỏi tỏ vẻ không được hài lòng: "Tại sao tôi không thể tìm được những nhân viên có năng lực và có trách nhiệm hơn với công việc?", "Tại sao thế hệ trẻ bây giờ không chịu làm việc một cách nghiêm túc?", "Tại sao chúng tôi không nhận được sự hướng dẫn của vị quản lý cấp cao nào?"... Qua đó, chúng ta có thể xem anh chàng quản lý này như một điển hình của những người có năng lực yếu kém. Một khi còn tự đặt ra những câu hỏi như vậy thì anh ta còn bế tắc trong việc tìm lời giải đáp thỏa đáng nhất, và đó là đại diện của mẫu người có suy nghĩ tiêu cực xuất hiện đầy dẫy trong xã hội ngày nay.
Theo kinh nghiệm thực tế của mình, tôi nhận thấy rằng những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện hầu khắp ở mọi người, bất kể họ là ai, làm nghề gì, có vị thế ra sao trong xã hội, sống sung túc hay thiếu thốn... Đó thực sự như một căn bệnh chung của toàn xã hội.
Tôi vừa nhận được e-mail của một quý ông thổ lộ rằng trong suốt 10 năm phục vụ trong quân ngũ, mỗi khi có quân nhân nào vi phạm kỷ luật thì câu nói duy nhất được chấp nhận sẽ là: "Không biện minh, thưa ngài!". Ông đã chấp nhận, tin tưởng và sống với điều đó.
Sau thời gian tại ngũ, ông trở về và làm việc cho một công ty lớn trong ngành thực phẩm với vai trò quản lý. Tuy nhiên, ông đã không đảm trách tốt công việc như cấp trên mong đợi và ngay chính bản thân ông cũng không hài lòng về năng lực của mình. Ông thường đặt ra những câu hỏi đầy bức xúc với cấp trên của mình:
Vì sao ông không cho tôi thêm thời gian? Vì sao ông không chỉ dạy tôi nhiều hơn?
- Vì sao chúng ta không sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới?
- Vì sao các chiêu thức tiếp thị không hỗ trợ chúng ta hơn nữa?
Và ông đã kết thúc e-mail của mình bằng dòng chữ: "Tôi đã nhận ra điều này khi học chương trình QBQ, rằng từ chiến trường đến thương trường, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, tôi lại trở thành người mà tôi ghét nhất: nạn nhân". Nếu người đàn ông này, sau mười năm sống và thực hành với triết lý "Không biện minh" lại sa vào những suy nghĩ như vậy thì không có gì phải băn khoăn khi tất cả chúng ta phải luôn cẩn trọng để không rơi vào hoàn cảnh tương tự trong suốt cuộc đời mình.
Ngay cả những người mà chúng ta ngỡ là đã đủ đầy, thành đạt và thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội cũng đôi lúc vướng phải lối suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy chúng ta hãy đừng thờ ơ với căn bệnh chung này của xã hội vì từng cá nhân chúng ta đang hình thành nên xã hội ấy, trong đó có cả bạn và tôi. Cách tốt nhất chúng ta có thể làm được là loại bỏ dần thói quen suy nghĩ tiêu cực trong bản thân mỗi chúng ta.
Hãy tập cho mình những câu hỏi: "Điều gì/Cái gì?", "Làm cách nào?" rồi tìm lời giải đáp cho nó, thay vì nói "Tại sao?", "Khi nào?" hoặc "Ai?". Bạn hãy thay thế 3 câu hỏi "tại sao" ở đầu chương bằng 3 câu hỏi sau và xem có biến chuyển mới nào diễn ra không nhé:
- Làm thế nào để hôm nay tôi làm việc tốt hơn?
- Tôi có thể làm gì để cải thiện tình hình?
- Bằng cách nào tôi có thể hợp tác với mọi người trong công việc?