Như các bạn đã thấy, cuộc sống còn biết bao điều đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn cách xử lý sao cho khéo léo và thông minh để thu được kết quả tốt nhất. Nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ đó là đừng bao giờ quên đi trách nhiệm cá nhân của mình trong cuộc sống. Đó không chỉ là hình thức tư duy thông minh mà còn là một công cụ hữu ích hỗ trợ chúng ta trong mọi hoàn cảnh.
Chương trình thực hành trách nhiệm cá nhân này được xây dựng dựa trên quan sát thực tiễn về cách phản ứng của nhiều người khi gặp phải những chướng ngại, từ đơn giản đến phức tạp. Và kết quả thu được thật bất ngờ: đa phần những phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là tiêu cực và gợi lên trong tâm trí những câu hỏi thiếu sáng suốt. Tuy nhiên trong những thời khắc quyết định ấy, nếu chúng ta biết cách suy xét chín chắn các câu hỏi của mình thì chắc hẳn giải pháp cũng đến với chúng ta một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Một trong những nguyên tắc đó là "Câu trả lời nằm trong chính câu hỏi" với mục đích chuyển tải một sự thật: Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi tích cực thì câu trả lời cũng sẽ tích cực. Nhưng làm thế nào để đưa ra một câu hỏi tích cực trong một tình huống không mấy thuận lợi?
Sau đây là những hướng dẫn căn bản giúp bạn nắm được nguyên tắc chung của quá trình thực hành QBQ một cách hiệu quả trước khi tìm hiểu chi tiết hơn về quá trình này.
Khi đứng trước những trở ngại:
1. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "điều gì?" hay "bằng cách nào?" (thay vì hỏi "tại sao?", "khi nào?" hoặc "ai sẽ làm?").
2. Hãy đưa ra những câu hỏi hàm chứa đại từ nhân xưng là "tôi" (không phải "họ", "những việc ấy", "chúng tôi" hoặc "bạn").
3. Tập trung vào hành động.
Phương pháp này có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá các khía cạnh đó và xem xét tầm ảnh hưởng của phương pháp QBQ khi được áp dụng vào cuộc sống của chúng ta.