Thường ở đời, mọi biến cố xảy đến theo những cách thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Công ty đang yên đang lành đột nhiên cắt giảm nhân sự và ta có tên trong danh sách bị sa thải. Người bạn đời chung chăn chung gối bỏ ta mà đi. Một thành viên trong nhà lâm bệnh nặng, hoặc một người bạn chí thân vừa qua đời. Chính phủ cắt bỏ chương trình phúc lợi xã hội ta đang sống dựa vào. Gặp phải những tình cảnh trớ trêu này, ta có thể rơi vào cảm giác bế tắc hoàn toàn, thậm chí dù chỉ một cách thức tạm bợ nhằm cải thiện tình hình, ta cũng không nghĩ ra nổi.
Có thể bạn từng trải qua cảm giác làm hết cách hòng tìm được việc làm mới, giúp đỡ gia đình, nối lại tình cảm với người bạn đời, hay đơn thuần là cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng rốt cuộc chẳng cách nào có vẻ hiệu quả. Hễ mỗi lần thử một cách tiếp cận mới, dốc hết sức mình, ấy vậy mà vẫn “xôi hỏng bỏng không” trong việc đạt tới mục tiêu, lẽ thường là chúng ta ngại thử lại lần nữa. Vì sao ư? Vì tất cả chúng ta đều muốn tránh né nỗi đau! Và chẳng ai muốn lặp lại thất bại ê chề. Chẳng ai muốn đánh đổi mọi thứ, chỉ để chuốc lấy nỗi thất vọng. Thường thì sau nhiều trải nghiệm đắng cay chán ngán, ta sẽ dừng cố gắng! Ta đi đến niềm tin chắc nịch rằng chả có cách nào cứu vãn được nữa.
Nếu thấy mình đi đến chỗ thậm chí thử cũng không muốn, nghĩa là bạn đã đặt mình vào một trạng thái được gọi là “bất lực thành tính” hay “sự tuyệt vọng tập nhiễm”. Bạn chính xác đã học được, hoặc tự dạy mình thứ ý thức rằng bạn là một kẻ “bất lực”.
Tin vui là bạn đã nhầm to. Bạn “đủ lực” làm cho mọi thứ xảy ra! Bạn có thể thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống hiện tại bằng cách thay đổi nhận thức và hành động của mình.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
‘‘Tôi không hề nản lòng, bởi mỗi nỗ lực sai bị loại bỏ đều là một bước tiến mới.’’
- Thomas Edison
Bước đầu tiên giúp đảo ngược thế bế tắc trong cuộc sống của bạn là vứt bỏ suy nghĩ tiêu cực cho rằng bạn không thể làm nên trò trống gì hay bạn là một kẻ vô dụng. Làm sao bạn làm được điều đó? Thông thường, nguyên do khiến mọi người cho rằng họ không thể thực hiện một điều gì đó là vì họ đã gắng thực hiện chúng trong quá khứ mà bất thành. Nhưng hãy tâm niệm điều này, và tôi đã tự nhủ câu này suốt đời mình, quá khứ của bạn không tương đồng với tương lai của bạn – không phải chuyện gì đã xảy ra hôm qua mà là những hành động bạn đang làm ngay bây giờ.
Quá khứ của bạn
KHÔNG TƯƠNG ĐỒNG VỚI
Tương lai của bạn
– không phải chuyện gì đã xảy ra hôm qua
mà là những hành động bạn đang làm ngay bây giờ.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
Thế mà nhiều người vẫn đang cố gắng du hành tới tương lai bằng cách dùng một tấm gương chiếu hậu phản ảnh quá khứ làm vật dẫn đường cho họ. Nếu cứ như vậy, sớm muộn bạn cũng đâm sầm vào một góc âm u nào đó. Thay vì thế, bạn phải tập trung vào những gì bạn có thể hành động ngày hôm nay nhằm cải thiện cuộc sống của mình.
Lòng kiên trì được đền đáp
Nhiều người bảo tôi: “Tôi đã thử hàng triệu cách để vươn tới thành công nhưng không cách nào hữu hiệu cả!”, hoặc: “Tôi đã thử hàng ngàn cách rồi!”. Nhưng thử nghĩ mà xem. Có khi họ còn chưa thử hết một trăm cách hay thậm chí một tá cách để xoay chuyển tình hình. Phần lớn người ta sau khi thử tám, chín hay mười cách hòng tạo chuyển biến và phát hiện ra chúng chẳng đâu vào đâu thì họ đã nhanh chóng bỏ cuộc.
Chìa khóa thành công là quyết định xem những điều gì thực sự quan trọng đối với bạn và sau đó hành động bền bỉ mỗi ngày để hoàn thiện chúng, ngay cả khi chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chúng đang có tác dụng.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một ví dụ. Bạn đã bao giờ nghe qua một người đàn ông tên là Colonel Sanders chưa? Khả năng cao là bạn đã từng nghe qua. Bằng cách nào mà Colonel Sanders đã trở thành một người thành công đáng kinh ngạc như vậy? Phải chăng ông sinh ra đã ngậm thìa vàng? Gia thế ông giàu có? Và ba mẹ cho ông theo học một trong những trường hàng đầu nước Mỹ, như Harvard? Hay có thể ông thành công bởi lẽ ông đã khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ. Đâu trong số này là lý do thực sự?
Câu trả lời là không lý do nào đúng cả. Colonel Sanders không hề bắt tay hiện thực hóa giấc mơ của mình mãi cho tới khi ông sáu mươi lăm tuổi! Điều gì cuối cùng đã xui khiến ông hành động? Đơn giản thôi, ông trót lâm vào cảnh túng quẫn và cô đơn cùng cực. Ông nhận được khoản Bảo hiểm xã hội đầu tiên của mình với số tiền vỏn vẹn 105 đô la, và đùng đùng nổi giận. Nhưng sau đó thay vì đổ lỗi cho xã hội hay chỉ để lại một lời phàn nàn đầy cáu kỉnh gửi tới Quốc hội, ông bắt đầu tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để mang lại giá trị cho người khác? Đâu là điều tôi có thể đóng góp cho mọi người?”. Ông bắt đầu nghĩ ngợi về những gì mình làm được mà có thể mang lại giá trị cho người khác.
‘‘ Hãy nhớ rằng mỗi thất bại có thể là một phiến đá lót đường đưa ta đến những điều tốt đẹp hơn.’’
- Colonel Sanders
Đáp án đầu tiên xuất hiện trong đầu ông là: “Xem nào, mình có công thức làm món gà rán mà mọi người có vẻ đều thích nó! Nếu mình bán công thức làm gà này cho các nhà hàng thì sao nhỉ? Mình có thể sẽ kiếm được tiền từ vụ làm ăn này?”. Liền sau đó ông nghĩ lại: “Thật buồn cười! Bán công thức thậm chí còn không trả nổi tiền thuê nhà nữa là”. Và ông chợt nảy ra một ý tưởng mới: “Sẽ ra sao nếu mình không chỉ bán cho họ công thức mà còn chỉ cho họ thấy cách nấu món gà cho thiệt ngon? Sẽ ra sao nếu món gà ngon đến nỗi giúp việc kinh doanh của họ phát đạt? Nếu nhiều người kéo đến nhà hàng hơn và họ bán được nhiều gà hơn, có thể họ sẽ chia cho mình một khoản phần trăm dựa trên doanh số gia tăng thu được”.
Nhiều người sở hữu những ý tưởng vĩ đại, nhưng Colonel Sanders thì khác. Ông là người không chỉ dừng lại ở việc ngồi nghĩ những điều đao to búa lớn. Ông biến chúng thành hành động. Ông đã đi khắp nơi và bắt đầu gõ cửa, kể cho từng chủ nhà hàng nghe về câu chuyện của mình: “Tôi có trong tay một công thức làm món gà ngon tuyệt đỉnh, và tôi nghĩ nếu bạn dùng nó, doanh số nhà hàng của bạn sẽ tăng vùn vụt. Và tôi muốn được chia một khoản phần trăm trích ra từ doanh số gia tăng đó”.
Kết quả là, rất nhiều người cười vào mặt ông. Họ bảo: “Nhìn kìa, một lão già, ra khỏi đây ngay. Cái ông mặc bộ đồ trắng ngu ngốc này định làm gì vậy?”. Liệu Colonel Sanders có bỏ cuộc sau khi nghe những lời mỉa mai kia? Không hề. Ông sở hữu chìa khóa thành công thứ nhất; tôi gọi nó là sức mạnh cá nhân. Sức mạnh cá nhân có nghĩa là luôn kiên trì hành động: Mỗi khi thực hiện điều gì đó, bạn học hỏi từ nó, bạn sẽ tìm ra cách thực hiện nó tốt hơn lần sau. Colonel Sanders hẳn đã tận dụng sức mạnh cá nhân của ông ấy! Thay vì cảm thấy tồi tệ mỗi khi có một nhà hàng từ chối ý tưởng của mình, ông bắt đầu tập trung tức thì tới việc làm cách nào để trình bày câu chuyện của mình sao cho hấp dẫn và hiệu quả hơn ở nhà hàng tiếp theo.
Bạn đoán xem Colonel Sanders phải nghe bao nhiêu lời từ chối trước khi nhận được lời hồi đáp mà ông hằng mong muốn. Cả thảy là 1.009 lần bị khước từ trước khi ông nhận được câu trả lời “Có” đầu tiên. Ông đã dành hai năm lái xe băng qua khắp các nẻo đường nước Mỹ trên chiếc xe hơi cà tàng của mình, ngủ ở ghế sau trong khi vẫn mặc bộ đồ trắng nhăn nhúm, háo hức thức dậy mỗi ngày đặng chia sẻ ý tưởng của mình với một người mới. Thường thì thức ăn duy nhất ông có là ngoạm nhanh một miếng những mẫu gà dùng thử mà ông làm sẵn cho khách hàng tiềm năng. Bạn nghĩ có bao nhiêu người trải qua 1.009 lời đáp “Không” – suốt hai năm liền bị “đá đít”! – mà vẫn bền chí? Rất hiếm người làm được. Đó là lý do vì sao chỉ có duy nhất một Colonel Sanders. Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ không trụ nổi sau 20 lời từ chối, ít hơn nhiều so với hàng trăm hoặc hàng ngàn! Nhưng đôi khi đây chính là yếu tố cần thiết cho sự thành công.
Nếu bạn nhìn vào cuộc đời của bất cứ người thành công kiệt xuất nào trong lịch sử, bạn sẽ tìm thấy ở họ điểm chung này:
Sẽ không chấp nhận bất cứ lời đáp “không” nào.
Họ sẽ không cho phép bất cứ thứ gì ngăn cản họ hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu của mình, thật đấy! Bạn có biết Walt Disney đã bị từ chối 302 lần trước khi nhận được tài trợ để thực hiện giấc mơ tạo ra “nơi hạnh phúc nhất trên hành tinh” không? Tất cả ngân hàng đều nghĩ ông bị điên. Ông không hề điên; ông là một người có tầm nhìn xa trông rộng, và quan trọng hơn, ông đã cam kết biến tầm nhìn ấy thành hiện thực. Ngày nay, hàng triệu người cùng sẻ chia với nhau “niềm vui của Disney”, một thế giới không giống bất kỳ nơi nào khác, một thế giới được khởi tạo từ quyết định của một người đàn ông.
Thời còn sống trong căn hộ nhỏ xíu nhếch nhác, rửa chén dĩa trong bồn tắm, tôi phải liên tục nhắc nhở bản thân bằng những câu chuyện kiểu này. Tôi phải thường xuyên nhắc nhở chính mình rằng: Không có vấn đề nào tồn tại mãi mãi. Không có vấn đề nào có thể tác động đến toàn bộ cuộc sống của tôi. Khó khăn này rồi cũng sẽ qua nếu tôi tiếp tục hành động không ngừng nghỉ, tích cực và mang tính xây dựng.
Tôi cố gắng giữ suy nghĩ: “Dẫu cho đời mình trông tệ hại lúc này, vẫn có nhiều điều đáng tri ân, chẳng hạn như hai người bạn chí cốt luôn bên cạnh khi tôi cần, hay một thực tế đơn giản là tôi còn đủ mọi giác quan nhạy bén và có thể hít thở không khí trong lành”. Tôi luôn luôn nhắc nhở mình phải tập trung vào nơi tôi muốn đến, tập trung vào các giải pháp khả dĩ thay vì những khó khăn. Và tôi nhớ nằm lòng rằng không có vấn đề nào ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của mình, ngay cả khi nó trông có vẻ như thế lúc này.
Không vấn đề nào tồn tại mãi mãi.
Không vấn đề nào có thể tác động
đến toàn bộ cuộc sống của tôi.
Khó khăn này rồi cũng sẽ qua
nếu tôi hành động
không ngừng nghỉ,
tích cực và mang tính xây dựng.
Cho nên, tôi quyết định sẽ thôi tin rằng toàn bộ đời mình có thể bị rối tung rối mù lên chỉ đơn giản vì những khó khăn tài chính hay cảm giác thất vọng. Tôi chọn tin rằng không có gì bất ổn ở tôi cả, chẳng qua là tôi đang rơi vào giai đoạn hơi trì trệ mà thôi. Nói một cách khác, tôi ý thức rằng nếu tôi tiếp tục chăm bón những hạt giống mà tôi đã gieo trồng – tiếp tục làm những điều đúng đắn – tôi sẽ thoát khỏi “mùa đông lạnh giá” của đời mình và hưởng những ngày nắng xuân ấm áp, đẹp đẽ, khi ấy tôi sẽ gặt hái những “hoa thơm trái ngọt” sau nhiều năm tháng nỗ lực tưởng chừng vô ích. Tôi cũng đi đến kết luận rằng thực hiện chính xác cùng một cách lặp đi lặp lại và mong đợi một kết quả khác đi là một ý nghĩ điên rồ. Tôi phải thử nghiệm một cách mới, và tôi phải tiếp tục dấn thân cho tới khi tôi tìm thấy đáp án mà mình cần.
Tôi gửi đến bạn một thông điệp đơn giản, mà tôi tin rằng sâu thẳm trong tim bạn đã biết điều này là sự thật: Hành động một cách kiên định và nhất quán với sự bền bỉ tuyệt đối và ý thức linh hoạt trong việc theo đuổi mục tiêu rốt cuộc sẽ mang đến điều bạn mong muốn, nhưng bạn phải loại bỏ bất kỳ ý nghĩ nào lóe lên trong đầu cho rằng mọi thứ đã bế tắc. Bạn phải lập tức tập trung vào những hành động bạn có thể làm ngày hôm nay, ngay cả khi đó chỉ là những việc nhỏ.
Điều này có ý nghĩa với bạn, phải không? Thế thì tại sao mọi người lại không nghe theo lời khuyên trong quảng cáo của hãng giày Nike và bắt tay vào hành động? Câu trả lời là họ bị giam cầm bởi nỗi sợ thất bại. Nhưng tôi đã khám phá ra một vài điều thú vị về sự thất bại. Đó là…
Hành động một cách kiên định và nhất quán với sự bền bỉ tuyệt đối và ý thức linh hoạt trong việc theo đuổi mục tiêu rốt cuộc sẽ mang đến điều bạn mong muốn, nhưng bạn phải loại bỏ bất kỳ ý nghĩ nào lóe lên trong đầu cho rằng mọi thứ đã bế tắc.