T
hế là, công và thụ đã làm hòa với nhau.
Mỗi ngày lại giống như trước kia: Thụ hay đem ít đồ ăn đến để trong tủ lạnh cho công, đôi lúc lại ghi một tờ giấy nhớ viết mấy thứ linh tinh; Công thường xuyên được thưởng thức món ăn ngon, nhìn mẩu giấy thụ viết nhưng vẫn không hồi đáp lấy một lần.
Về chuyện này, A đã từng hỏi công, sao không viết giấy trả lời thụ, giao lưu hai chiều như thế mới tốt. Công mặt mũi hiện rõ dòng chữ “không thể tin được”, đáp: “Như thế không phải là quá tầm thường rồi sao?”.
A: “... Mấy việc khác ông làm thì không phải quá tầm thường chắc?”.
Có điều A cũng nhắc nhở công, mặc dù công đã xác định ‘giới tính thật’ của mình rồi, nhưng thụ hình như vẫn là một cậu con trai bình thường mà thôi, bảo công phải chuẩn bị tâm lý trước đi. Công nghe xong, một lúc lâu không nói gì, mãi mới mở miệng: “Tôi cũng chẳng nghĩ gì, chỉ là thích đồ ăn cậu ấy nấu, thật đấy, thật đấy”.
Nói thì nói thế, nhưng công vẫn không kìm chế được mà muốn tiếp xúc nhiều hơn với thụ. Anh không chịu viết trả lời trên giấy nhớ, đành phải nghĩ cách khác để nhấn mạnh sự tồn tại của mình: ví dụ như để một chú ếch gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ; ví dụ như để một con hươu gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ; ví dụ như để một con thỏ gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ...
Khoảng một tháng sau, thụ nhìn thấy trên bàn một đoàn thú: “Ừm, hay là tô thêm màu nhỉ, chừng này đủ để mở một vườn thú rồi”.
Nói thật, thụ chẳng có cảm giác gì với mấy thứ này, toàn bộ đều đem cho con gái chủ nhà trọ hết. Cô bé đó thích lắm, kéo tay cậu nói: “Chú ơi, cháu sẽ về nói mẹ giảm thêm cho chú một tháng tiền điện nữa”. Thụ quả thật dở khóc dở cười, có điều trong lòng cậu lại vô cùng rối rắm. Về lý mà nói, ngoại hình của công cũng rất tuấn tú, hành vi, cử chỉ, lời nói đều rất phóng khoáng, sao lại làm mấy chuyện đầy nữ tính thế này không biết?
Mặt khác, trong lòng công lúc này đang vui vẻ vô cùng, anh cho rằng người chỉ nhìn qua cũng thấy là dạng người tốt bụng, yêu thương động vật như thụ, nhất định sẽ thích mấy thứ đồ kia.
Để tránh việc công tiếp tục gấp cả đoàn xiếc thú, thụ cảm thấy mình bắt buộc phải tìm đến gặp anh một lần. Thế là, buổi tối một ngày, thụ lại đến quán cà phê. Ánh đèn của tiệm trong đêm tối càng trở nên rực rỡ, từ đằng xa cậu đã nhìn thấy công không biết đang chuyên chú làm cái gì đó. Đợi đến lúc cậu tiến đến gần, đứng ngay bên ngoài nhìn vào mới thấy...
Công đang gấp giấy.
Trước mặt công là một quyển sách để mở, trên bàn bày rất nhiều giấy, có những cái đã bị vo thành một cục, xem ra đã thất bại không ít lần. Bên cạnh còn có một ít đồ văn phòng như giấy màu, kéo, bút lông..., tóm lại là rất lộn xộn. Anh gấp rất chăm chú, hoàn toàn không phát hiện có người đang nhìn mình. Thụ đứng bên ngoài nhìn công tay chân lóng ngóng, lại còn rất kỹ tính, soi từng góc một cho đều, thầm nghĩ: Anh ta chắc chẳng bao giờ biết bộ dạng anh ta lúc này hay ho đến thế nào.
Thụ lại đứng xem thêm một lúc nữa, sau đó bước vào tiệm, đi thẳng đến trước bàn của công, gõ gõ lên mặt bàn. Công ngẩng đầu lên, nhận ra người đến là thụ thì có phần kinh ngạc: “Sao cậu lại đến đây?”.
Thụ không nói gì, chỉ nhìn chăm chăm món đồ trên tay công. Công thấy thế có phần mất tự nhiên, nói: “Con cá ngày hôm nay gấp hơi khó...”.
Thụ: “Anh gấp con ếch cho tôi đi”.
Công vui sướng vô cùng: “Được, cái đó tôi giỏi lắm, không cần nhìn sách cũng làm được”.
Quả nhiên chỉ một loáng sau công đã làm xong, còn tô cả màu nữa. Thụ đặt con ếch xanh vào lòng bàn tay, nói: “Về sau đừng gấp những thứ này nữa”.
Công lập tức trở nên lo lắng: “Cậu không thích à?”. Khó khăn lắm công mới nghĩ ra được một phương pháp giao lưu không “quá tầm thường” như thế mà!
Thụ cố ý liếc mắt nhìn đám giấy bị vo viên vứt đi: “Bảo vệ rừng, ai cũng có trách nhiệm”, sau đó đến trước quầy thanh toán, đặt con ếch xanh vào hộp thủy tinh đựng kẹo, quay người nhìn công đang ủ rũ cúi đầu thu dọn đồ đạc trên bàn, nói: “Trước khi đến làm ca tối anh qua nhà tôi ăn cơm chiều đi. Tất nhiên là nếu anh không ngại mỗi ngày đều phải đi chợ mua đồ đợi tôi tan ca”.