TRÍ TUỆ CỔ XƯA
Tất cả thất bại đều đến từ sự hiểu lầm.
– The wheel of life (Bánh xe cuộc đời), năm 500 trước CN
Chúng tôi gọi phần này là “50.000 năm thất bại”. Người ta ước tính rằng những hoạt động có tổ chức của con người đã diễn ra trên Trái Đất này từ khoảng 50 thiên niên kỷ trước. Nghĩa là con người cố cùng nhau làm việc để hoàn thành một công việc hoặc một dự án nào đó như di chuyển những tảng đá khổng lồ để xây dựng Kim Tự Tháp, hay tạo ra và cung cấp hàng trăm ngàn chi tiết của phần mềm máy tính.
Hàng triệu hàng triệu công việc, lớn và nhỏ, hàng triệu hàng triệu những giao dịch: “Tôi sẽ đưa cho bạn chút ngũ cốc nếu bạn chuyển cục đá đó cho tôi” được hoàn thiện bởi bàn tay con người. Mỗi hành động nhỏ đều nhắm tới việc hoàn thành một việc nào đó.
Và tất cả mọi thứ đều là sai lầm. 100% thất bại.
Vậy là sao? Các Kim Tự Tháp vẫn đứng vững, những phần mềm vẫn chạy trên máy tính.
Nhưng hãy nhìn kỹ hơn. Bất cứ ai từng khởi nghiệp đều có thể nói với bạn rằng chín trên mười doanh nghiệp mới thành lập sẽ gặp khó khăn chồng chất hoặc sẽ phá sản trong vòng ba năm đầu tiên. Có thể khẳng định rằng nếu câu nói từ The Wheel of Life là đúng, hầu hết chúng ta đều hiểu nhầm cách làm thế nào để hoàn thành một công việc.
Vậy những thành công thì sao? Thành công của Google, Microsoft và cả Walmart nữa?
À, đây chính là nơi mà mọi việc trở nên thú vị. Chúng tôi sẽ phải định nghĩa rõ ràng về “thành công” ở đây. Việc bạn “thành công” trong một công việc nào đó có nghĩa là gì? Chúng tôi sẽ nói đó là khi công việc hay dự án mà bạn nhận trách nhiệm đó được hoàn thành như dự kiến, vì cách mà bạn tiến hành công việc hoặc dự án đó. Và rằng điều đó kéo chúng ta vào trò may rủi.
Chúng ta, những người sống trên Trái Đất, vẫn là những kẻ xa lạ suốt 50.000 năm qua. Suốt thời gian đó, chúng ta cũng không chắc chắn về lý do tại sao mọi thứ lại hoạt động như vậy.
Liệu chiếc xe của bạn có chạy tốt vào lúc bạn cần nó để đi làm? Nếu bạn thành thật với chính mình và theo Quản lý Nghiệp – luật thứ nhất, bạn cần phải thành thật với chính mình – thì sau đó bạn sẽ trả lời rằng: “Tôi nghĩ là nó sẽ chạy tốt”. V ì bạn biết rằng bạn không thể trả lời: “Tôi biết rằng nó sẽ chạy tốt”. Ngay cả khi chiếc xe hoạt động rất tốt vào tối hôm trước khi bạn về nhà thì bằng kinh nghiệm, bạn vẫn biết rằng bạn không thể nói chắc chắn rằng nó sẽ tiếp tục chạy tốt vào sáng nay.
Và vì thế chúng ta đang chơi đùa với những rủi may. Cả cuộc đời này của chúng ta là một trò chơi may rủi. Có vài cơ hội, vài phần trăm may rủi, rằng tôi có thể chết trong một tai nạn xe hơi trên đường đi làm hôm nay. Có vài phần trăm rằng tôi sẽ bị sa thải ngay cả khi tôi có đi làm hôm nay. Và cũng có thể là dù tôi có định làm gì tại nơi làm việc hôm nay thì một vài việc có thể sẽ không thành công.
Và vì thế chúng ta là những kẻ đáng thương hại trong suốt 50.000 năm qua. Thành công trong các công việc kinh doanh lớn thường được gán cho không phải là con đường chúng ta tạo dựng sự thành công đó mà cho mức độ linh hoạt - chúng ta đã “uyển chuyển” thế nào khi sự việc không diễn ra theo đúng như những gì chúng ta chờ đợi. Chúng ta nghĩ rằng một người khôn ngoan là một người biết rõ rằng sự việc sẽ chẳng bao giờ đi theo hướng mà người đó dự đoán rằng nó sẽ diễn ra, vì chúng chỉ đơn giản là sẽ không diễn ra như vậy, với bất cứ ai cũng thế.
Điểm đáng nói là 50.000 năm kinh nghiệm chỉ chứng minh một điều: Chúng ta vẫn không biết làm cách nào để khiến mọi việc xảy ra – chúng ta không biết tại sao mọi việc lại diễn ra như thế – bởi nếu chúng ta biết thì sau đó sẽ chẳng còn có thất bại nào trên thế giới này. Những người thành công ít ỏi trên thế giới sẽ có thể chia sẻ với chúng ta về việc làm thế nào để đạt được thành tựu – nhưng ngay cả họ cũng đang phải chơi trò may rủi. Họ không chỉ không chắc chắn rằng xe hơi của họ sẽ chạy tốt vào mỗi sáng, mà họ cũng không chắc rằng liệu quyết định kinh doanh vừa rồi của họ có khiến họ phá sản hay không. Thành công hay thất bại, chúng ta vẫn phải chơi trò chơi may rủi, và hi vọng vào điều tốt đẹp nhất.
SỐ NGƯỜI THIỆT HẠI CỦA TRÒ CHƠI MAY RỦI
Và vì thế chúng ta thực hiện mọi hành động như chúng ta đã từng làm chỉ để chơi trò may rủi. Theo những gì tôi biết, hiện tại tôi chỉ có thể làm được duy nhất một điều, đó là có cơ hội lớn nhất để gặt hái những gì mà tôi muốn. Và tận sâu trong trái tim mình, tôi cũng biết rằng có một nguy cơ thất bại, một vài rủi ro.
Đó là cuộc đời kiểu gì vậy? Chúng ta không nói về những thứ nhỏ nhặt – mẫu nhà bếp mới, đi làm muộn nửa tiếng vì chiếc xe hơi tự nhiên hỏng. Những quyết định trong đời, cuối cùng, sẽ quyết định xem liệu chúng ta sẽ sống hay chết. Một cuộc đời chơi trò may rủi sẽ gây tổn hại cho mỗi chúng ta – sự đau khổ cá nhân trong mỗi con người khi luôn phải đưa ra hết quyết định này đến quyết định khác trong cuộc đời – trong khi vẫn ý thức rằng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, vẫn hiểu rằng chúng ta chỉ đang làm những gì mà chúng ta hi vọng là nó sẽ tốt đẹp.
Hãy tưởng tượng dù trong giây lát, rằng toàn bộ tấn trò may rủi này là thực sự không cần thiết: Một thảm kịch xảy ra với chúng ta từ lúc đầu đời nhưng rồi lại tiếp tục xảy ra trong suốt cuộc đời của chúng ta. Và giờ đây tâm hồn tôi tự do. Có bao nhiêu phần trăm của sự không hạnh phúc trong thế giới này – bao nhiêu phần trăm thời gian chúng ta sử dụng cho những ý nghĩ của chúng ta – đã bị phí hoài để mà lo lắng về việc liệu những gì chúng ta đang làm có hiệu quả không? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chắc rằng việc chúng ta làm sẽ giải quyết được vấn đề?
Đó chính là lời hứa của Quản lý Nghiệp.
CHI PHÍ XÃ HỘI CỦA NHỮNG MAY RỦI
Thật khó khăn cho bất kỳ ai khi cứ phải đấu tranh để đưa ra quyết định trong suốt cuộc đời mình trong khi không chắc rằng liệu bất kỳ quyết định nào trong số đó liệu có giải quyết được vấn đề hay không – một trò chơi may rủi. Giờ đây hãy tưởng tượng thế giới theo cách này: Sáu tỉ cá nhân, không ai thực sự chắc rằng nên làm gì, đang cố gắng làm việc cùng nhau. Hàng trăm lượt một ngày người này luôn nói với người kia một cách chân thành: “Nếu bạn có thể làm điều đó cho tôi mà tôi biết rằng bạn không thực sự chắc chắn là có thể làm được, thì ngược lại tôi sẽ làm điều đó cho bạn, điều mà tôi cũng không chắc là tôi có làm được hay không.” Vậy thì bạn chỉ nên ngồi xuống với tất cả sự thất vọng về cuộc đời này.
Điều kỳ diệu là chúng ta đã quen với việc sống trong đại dương của sự không chắc chắn này. Chúng ta chỉ lặng yên chấp nhận nó, chịu đựng sự đùa cợt của nó như một con lừa ngu ngốc, lê bước nặng nề cho tới ngày chúng ta từ giã cõi đời và luôn luôn bất an. Chúng ta đã làm “những gì tốt nhất có thể”.
Đó là cuộc đời kiểu gì vậy? Những cuốn sách cổ Tây Tạng nói rằng có một điều chắc chắn khiến một người không phá bỏ nhà tù. Đó là vì người đó chưa bao giờ nhận ra họ đang ở trong tù ngay từ lúc đầu. Nhà tù của riêng mỗi chúng ta là tình trạng bấp bênh, không chắc chắn rằng liệu những nỗ lực của chúng ta có thực sự giải quyết được vấn đề hay không. Hãy thoát ra khỏi nhà tù đó.
DANH SÁCH NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
• Thực hiện vài thời Ngồi Yên Lặng ở bất cứ nơi nào bạn có thể. Hoặc có thể tìm đến nơi mang lại sự thoải mái và thư thái cho tâm hồn bạn.
• Mang theo một cuốn sổ nhỏ và một cây bút; viết xuống năm điều mà bạn mong muốn hoàn thành trong tuần này. Bên cạnh mỗi việc, hãy viết ra những khó khăn hay rủi ro bạn có thể gặp phải khi hoàn thành chúng theo cách mà bạn mong muốn, ví dụ như “Hoàn thành viết chương này vào thứ Tư, tỉ lệ thành công là 70%”.
• Hãy lưu ý một chút về mức độ áp lực mà những tỉ lệ rủi ro, sự không chắc chắn gây ra trong cuộc đời bạn. Giờ thì hãy quay lại và thay đổi mọi khả năng rủi ro đó thành “100% thành công”. Ngồi nhìn điều đó một lúc và cảm nhận sự khác biệt.
CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG
Lama Christie:
Tôi đã tới một vài trường học có những khóa đào tạo dự bị đại học tại thành phố quê hương tôi ở Los Angeles; tôi thích trường học và đã học rất khá cả các môn khoa học lẫn thể thao. Tôi thực sự rất thích học tại một trường đại học ở New York, và tôi luôn hồi hộp khi nghĩ tới New York. Bốn năm sau tôi đã cầm tấm bằng trong tay và thẳng tiến tới một công việc hấp dẫn tại trường đại học – tôi muốn trở thành một giáo sư, có thể là về văn học Anh.
Và rồi tôi đột nhiên nhận ra mọi thứ không diễn ra theo hướng đó. Ý tôi là, trường học giúp chúng tôi sẵn sàng cho cuộc sống, giúp chúng tôi thành công, hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Nhưng tôi có thể đã thấy rằng có điều gì đó không ổn. Vài người học rất tốt tại trường đại học và thành công; vài người khác cũng học tốt và thất bại. Vài người thậm chí bỏ học và vẫn tìm thấy hạnh phúc; số khác bỏ học và thất bại. Tốt nghiệp đại học tự bản thân nó dường như không làm nên điều thực sự khác biệt.
Vì thế vào thời điểm gần tốt nghiệp đại học, tôi đã có một quyết định gây chấn động, một quyết định khiến tôi rất vui. Tôi đã thực hiện một chuyến đi gần như vòng quanh thế giới, qua những nước: Ai Cập, Thái Lan, Australia, để tìm ra con đường khác tốt đẹp hơn.
Tôi tạm rời xa việc học tập và bắt đầu tập thiền định tại một tự viện trên một ngọn đồi ở Kathmandu, và điều đó đã mang tôi đến với Quản lý Nghiệp, và nó cũng chính là bí quyết khiến trường đại học của chúng tôi thành công.
Khía cạnh đạo đức của câu chuyện này là đôi khi bạn phải thú nhận rằng những gì bạn đang làm chẳng có chút kết quả nào cả, ngay cả khi bạn đã làm điều đó trong một thời gian dài, thậm chí là nó còn khá thuận lợi hay dễ dàng đối với bạn và nếu ai đó vẫn đang làm điều đó mặc cho sự thật rằng mọi người đều công nhận nó chẳng mang lại kết quả nào đáng kể.
Đôi khi chúng ta cần phải rất dũng cảm để có thể thay đổi.