TRÍ TUỆ CỔ XƯA
Luật đầu tiên của Nghiệp chỉ rõ: Nếu bạn muốn bất cứ điều gì từ cuộc đời này, bạn phải làm điều đó cho người khác trước đã.
- Jey Rinpoche (1357 – 1419)
Giáo thọ của Đức Dalai Lama thứ nhất.
HIỆU ỨNG TIẾNG VỌNG
Làm thế nào để ứng dụng hiệu quả nghiệp vào trong kinh doanh?
Hãy nhớ, chúng ta đã nói rằng nghiệp nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nói, làm hay suy nghĩ. Nhưng giờ chúng ta cần làm rõ điều này một chút: “bất cứ điều gì chúng ta làm cho một ai đó,” bởi vài trường hợp đặc biệt chúng ta chỉ có thể gieo trồng nghiệp vào trong tâm chúng ta bằng cách làm gì đó cho người khác. Đó là lý do mà những cuốn sách cổ Tây Tạng thường so sánh nghiệp với một tiếng Vọng: Bạn có thể đứng bên bờ một đại dương và hét vang lên, nhưng chẳng có tiếng vọng nào cả. Tốt hơn là hãy tìm một cái hang, nơi có rất nhiều bức tường đá tự nhiên bao quanh để những âm thanh dội lại. Điều này như thể ai đó thích dùng một thiết bị đẩy những hạt giống nghiệp ở dưới sâu nổi lên trên bề mặt nhận thức của chúng ta.
Nếu không có những người khác, chẳng có hạt giống nào được gieo trồng cả; chẳng có hạt giống, thì cũng không có thành công – và chúng ta lại quay trở lại với trò chơi may rủi. Chúng ta thực sự cần những người khác.
MỘT SỰ CÔNG BẰNG CHO MỌI VIỆC
Sự thật về cách thức nghiệp vận hành – sự thật là chúng ta chỉ có thể có được điều mà mình mong muốn bằng cách mang điều đó đến cho người khác trước. Đây thực sự là điều thỏa đáng nhất trong tất cả những gì thuộc thế giới quan về Quản lý Nghiệp. Sâu thẳm trong tim mình, chúng ta luôn khao khát sự công bằng cho thế giới này. Cần phải có một logic về cách mọi thứ vận hành. Thành công không phải là một chuỗi tình cờ, cuộc đời cũng không phải là một trò chơi xổ số. Những điều tốt cần phải xảy ra với những người làm việc tốt cho người khác.
Và nếu đó là cách mà mọi thứ xảy ra thì sự vật cũng phải xảy ra theo cách ấy. Bạn thấy đấy, nó không thể là 58% những người thành công nhờ nghiệp, bởi họ đã khiến những người khác thành công trước và 42% những người thành công khác thì nhờ may mắn. Nếu thế thì chúng ta lại quay trở lại trò chơi may rủi và chúng ta sẽ lại mệt mỏi vì nó.
Đã đến lúc phải dừng lại và nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng. Ý tưởng về Quản lý Nghiệp không phải là một lời hứa viển vông hay là trò vui của một vài người thích làm người tốt. Đó là chiến lược kinh doanh mạnh mẽ, dứt khoát, không khoan nhượng cho những kết quả tài chính có thể đo đếm được – kết quả quay trở lại luôn đi kèm với một cảm giác hạnh phúc và đầy đủ của cá nhân. Điều đó cũng không phải là bạn đang có những người khác tiến hành những việc đúng đắn cho bạn, hay bạn được trả lương hậu hĩ để làm những việc đúng đắn cho họ mà bởi vì cách thức Quản lý Nghiệp vận hành, bạn sẽ luôn làm việc vì thành công của người khác nữa – điều sẽ khiến họ hạnh phúc, và bạn hạnh phúc về chính mình và khiến mọi người hạnh phúc vì bạn: Mọi người, hạnh phúc, Mọi người, thành công. Vậy thì hãy nắm bắt lấy nó đi.
ĐỐI TÁC TÂM LINH TRONG KINH DOANH
Chúng ta đã bắt đầu vào Quản lý nghiệp luật thứ Ba: xác định đối tác tâm linh trong kinh doanh của bạn. Các đối tác tâm linh trong kinh doanh chính là điều cốt lõi của Quản lý Nghiệp. Đó chính là những người sẽ mang tới kết quả như bạn mong muốn, người sẽ mang nghiệp của bạn trở lại thành kết quả tốt đẹp cho bạn. Họ sẽ khiến nghiệp được vun trồng trong tâm trí bạn, vì thế nó có thể quay trở lại như những cơ hội thành công mà bạn sẽ thấy và những người khác (những người đã không tạo ra những nghiệp lực đó) thì bỏ qua.
Bạn cần phải làm việc vì những đối tác này. Bạn cần phải cố gắng nỗ lực khiến họ thành công. Hãy ghi nhớ điều đó trong tâm trí. Bạn sẽ cần nỗ lực để tập trung hết tâm sức vào việc khiến những người khác thành công. Và rồi sau đó công việc của chính bạn cũng sẽ thành công – bạn không cần phải lo lắng về điều đó, thậm chí bạn cũng không cần phải nghĩ về điều đó nhiều. Hãy khiến mọi đối tác tâm linh trong kinh doanh của bạn thành công, và rồi 100.000 sản phẩm của bất cứ cái gì – sẽ được bán chỉ trong vòng một tuần, với giá cao nhất của công ty của bạn.
Vậy thì ai sẽ là đối tác của bạn đây? Có bốn nhóm đối tác và bạn cần phải khiến mỗi người trong họ thành đạt:
1. Đồng nghiệp
Đồng nghiệp hay nhân viên của bạn là nhóm đầu tiên trong số những đối tác của bạn. Hãy nhớ, sếp giao cho đội của bạn 12 người để bán 100.000 sản phẩm. Có thể trong quá khứ bạn coi những người này gần như là những công cụ - nhân viên, người mà bạn thuê hay sử dụng để công việc được hoàn thành.
Dù thế, trong Quản lý Nghiệp, mọi thứ cần phải thay đổi. Ở đây bạn cần ở trong một mối quan hệ mới mẻ với mọi người làm việc xung quanh bạn. Bạn phải gửi nghiệp của mình ra bên ngoài từ phía bạn, hướng về phía họ. Bạn PHẢI chắc rằng dự án này khiến họ thành công. Đó là cách duy nhất để làm nảy nở nghiệp tốt mà bạn cần để tống khứ 100.000 sản phẩm này đi. Chúng ta hãy nhìn vào hiệu ứng tiếng vang:
Cả quá trình vận chuyển và bán 100.000 sản phẩm phải khiến cho 12 nhân viên trong đội của bạn trở thành những anh hùng của công ty, nó phải làm họ trở nên tốt hơn, giỏi giang hơn và hạnh phúc hơn.
2. Khách hàng
Rõ ràng mục tiêu của một công việc hay dự án là để cung cấp một điều gì cho một ai đó: Người này có thể là một khách hàng, nhưng trong một nghĩa nào đó thì họ có thể là sếp của bạn hay nhà đầu tư trong công ty. Và vì thế, bạn có thể nghĩ rằng chẳng có gì nhiều để nói về việc bạn sẽ làm gì đó cho khách hàng của mình. Bạn biết điều đó rồi: Ai đã nghĩ rằng bạn sẽ sắp sửa ăn hết 100.000 chiếc pizza?
Nhưng đó không phải là điều mà chúng ta đang nói đến ở đây.
Nếu bạn muốn Quản lý Nghiệp vận hành hiệu quả cho bạn, bạn phải có 100% sự chú ý và thích thú về ý tưởng làm cho khách hàng của bạn thành công. Vào thời gian mà bạn hoàn thành dự án 100.000 sản phẩm thì sếp của bạn dường như là một thiên tài trong mắt sếp của bà ta. Các nhà đầu tư thì sắp sửa có thêm lợi nhuận, và cùng thời gian đó bạn tìm mọi cách để khách hàng mua pizza với giá rẻ hơn và cắt giảm lượng cholesterol trong mỗi chiếc bánh.
Giờ đây có bao nhiêu tiếng vọng bạn nhận được ở đó?
3. Nhà cung cấp
Nếu bạn nghĩ quan điểm cũ của bạn về “nhân viên” là xấu, hãy nhìn vào cách bạn đối xử với những nhà cung cấp. Mối quan hệ một chiều: Họ đáng lẽ phải đưa cho tôi loại bột mì tốt hơn và sốt cà chua với giá rẻ nhất, số lượng phải đầy đủ và không được trễ hẹn. Làm sao họ có thể làm điều đó và họ hoàn thành được bao nhiêu là vấn đề của họ; đó chính là công việc của một nhà cung cấp.
Trong Quản lý Nghiệp, thái độ này cần phải thay đổi tức khắc 100%. Một lượng lớn nghiệp trong bất cứ dự án nào – gần như tất cả thành công hay thất bại – đến từ cách chúng ta đối xử với mọi người – những người có thể biến dự án thành hiện thực. Có thể đó là công ty sản xuất ra động cơ cho các tủ lạnh của chúng ta, hay người thợ tới sơn nhà bếp cho chúng ta, hay chuyên viên máy tính - người đã ở lại suốt đêm để viết nốt những mã cuối cùng cho phần mềm cài đặt cho công ty bạn.
Bạn cần phải làm điều tốt với họ; bạn cần phải đặt những ưu tiên cá nhân vào họ; bạn cần phải quan sát họ và chắc rằng dự án này cũng khiến họ thành công. Liệu bạn có thể có đủ các động cơ của tủ lạnh cho tôi không? (Này, chưa có ai từng hỏi tôi như vậy). Tôi cũng thấy bạn đang sơn nhà bếp cho hàng xóm của tôi nữa. Nếu bạn chẳng thể nào chứng minh với tôi rằng bạn đang nghỉ ngơi và tập một vài động tác yoga sau mỗi 90 phút bạn ngồi làm việc trên máy tính, tôi sẽ cắt bớt tiền lương trả cho bạn vào tuần tới đấy.
4. Thế giới
Đối tác cuối cùng của bạn là một đối tác tương đối lớn. Đó là thế giới quanh bạn. Tất cả các đối tác mà chúng ta đã đề cập tới luôn gần cận với bạn: những người đồng nghiệp, những khách hàng, nhà cung cấp thường là những cá nhân cụ thể, gần gũi với bạn. Đó là, dù bạn làm gì để giúp họ cũng là bạn đang làm việc cho chính bạn, vì thế tiếng vọng sẽ chẳng mấy ấn tượng – chỉ là một cái gì đó giống như bạn hét lên vào trong một phòng trống trong nhà.
Chúng ta cần đi ra ngoài, đi đến vài nơi lớn hơn, vài chỗ cách xa chúng ta để có thể có được những tiếng vọng lớn hơn. Để có được thành công trong thế giới này, chúng ta cần làm điều gì đó khiến thế giới này cũng là một thành công. Dự án của chúng ta giờ đây là làm điều gì đó cho thế giới.
Đừng nghĩ về những điều hão huyền, hãy tử tế với mọi người, đóng góp vào quỹ thiện nguyện của công ty cho công tác từ thiện! Việc quyết định dành 1.000 đô la cho United Way trong vòng năm phút và sau đó quên luôn việc đó đi sẽ chẳng bao giờ mang lại cho công ty bất cứ thành công nào. Bạn cần mang tất cả nguồn lực của bạn – những kĩ năng, sự sáng tạo của bản thân bạn và đội của mình, cũng như một lượng tiền kha khá của dự án – tới một dự án khác ngoài công ty bạn, tới người đang cố gắng để hoàn thành dự án của họ và thực sự cần giúp đỡ.
Điều chúng ta đang nói, thực sự có tác dụng, là dự án thiết kế nhà bếp mới sẽ thành công nếu bạn đến và giúp người hàng xóm của mình hoàn thành việc tạo mẫu mới của họ thành công – hay tốt hơn – nếu lúc đầu bạn đã liên kết với một tổ chức làm những mẫu thiết kế bếp cho những gia đình nghèo trong thành phố. Đội sản xuất của bạn có 100.000 bộ đồ bơi cần phải bán hết, chắc chắn bạn sẽ thành công nếu bạn sải bước đến và giúp đội quảng cáo phân phát thư quảng cáo cho việc bán xả hàng đồ mùa đông. Hay tốt hơn, nếu đội của bạn có thể nói chuyện với ban giám đốc về việc sản xuất thêm 10.000 sản phẩm nữa và cống hiến những sản phẩm này tới các doanh nghiệp thuộc thế giới thứ ba để giúp họ khởi nghiệp.
Số phận ư? Hãy quên bản thân mình đi, hãy làm điều đó cho người khác, mọi thứ rồi sẽ vận hành đúng cách. Nhưng hãy trung thực. Đó không phải là cách bạn luôn hi vọng rằng thế giới này sẽ tốt đẹp sao?
CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG
Michael Gordon:
Tại Bumble & Bumble, từ lúc bắt đầu, chúng tôi đã thực hiện việc lựa chọn đối tác tâm linh này rồi, và lại cũng chỉ bằng bản năng: Điều đó đúng, và dĩ nhiên là nó mang lại cho chúng tôi những kết quả như mong đợi.
Đồng nghiệp: Gần đây tôi có tổ chức một sự kiện tại thành phố New York và có một người phụ nữ đến nói với tôi: “Xin chào, tôi là Lori Barbaria. Tôi không biết liệu anh có còn nhớ tôi không, nhưng tôi từng làm việc với anh tại Bumble vào năm 1978 – 79. Tôi đã rất hỗn xược, điên khùng và chẳng chịu tuân theo luật lệ gì cả – nhưng anh đã cho tôi cơ hội. Và anh biết rằng những gì tôi thực sự muốn là làm việc tại các tạp chí. Vì thế một ngày, anh đã nói với tôi: ‘Nếu cô thực sự muốn làm điều đó thì cô cần tới Milan hay Paris.’ Anh đã đưa tiền cho tôi để mua vé máy bay đến đó. Tôi đã không có cơ hội gặp lại anh để cảm ơn và tôi chưa bao giờ trả được số tiền đó, tôi chỉ muốn anh biết rằng tôi không bao giờ quên điều đó. Chưa từng có đồng nghiệp nào từng đối xử với tôi như vậy.”
Khách hàng: Chúng tôi bắt đầu tăng trưởng 25% – 30% một năm, điều chưa từng xảy ra trong ngành chúng tôi, và chúng tôi đã xây dựng nên một tòa nhà tuyệt vời tại Quận Manhattan Meatpacking – nơi giờ đã trở thành một trong những trung tâm thời trang sầm uất nhất thành phố. Chúng tôi đặt tên toà nhà là House of Bumble, và ngay sau đó tôi có cảm giác rằng chúng tôi sẽ trở nên quá kiểu cách, quá ngạo mạn và kiêu sa; rằng khách hàng của chúng tôi, cho dù họ là những salon (tiệm làm tóc và làm đẹp) lớn, cũng không thể nhận được nhiều tình cảm từ phía chúng tôi. Vì thế chúng tôi đã tổ chức buổi họp công ty và trong khoảng một tiếng, chúng tôi đã có một kế hoạch giúp đỡ khách hàng.
Mỗi tháng chúng tôi cung cấp vài mặt hàng miễn phí cho khách hàng khiến họ rất thích và hứng khởi, chúng tôi nói chuyện về đồ thủ công, tình yêu dành cho nó, và mọi thứ với văn hóa làm tóc. Tuy không có khách hàng nào yêu cầu mang sản phẩm của chúng tôi đến tận nơi hay yêu cầu giảm giá bán hoặc một ưu đãi đặc biệt. Chúng tôi chỉ làm để giúp họ, mong muốn họ thành công.
Sau này ý tưởng đó được phát triển tại trường Kinh Doanh Bumble của chúng tôi. Chúng tôi đã mời ba người từ một salon là khách hàng của chúng tôi (và tổng số lên tới hàng ngàn người) bay tới New York, chúng tôi mời họ tham gia một chương trình năm ngày về cách chúng tôi đã khởi nghiệp và thành công thế nào. Họ phải nghỉ một tuần tại sở làm, học hỏi về cách mà chúng tôi làm mọi thứ từ tóc tới marketing. Cách tiếp cận này hoàn toàn khác biệt trong ngành của chúng tôi, và tiếng vọng từ nghiệp đó là nó đã thúc đẩy chúng tôi tiến tới vị trí dẫn đầu.
Các nhà cung cấp: Vào lúc chúng tôi mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm dành cho tóc, chúng tôi tìm thấy một công ty nhỏ ở khu vực Trung Tây1 có thể giúp việc sản xuất này. Hai người chủ của công ty tên là Bob và Wally, và thế là chúng tôi trở thành đối tác của nhau.
1 Midwest: là khu vực xung quanh Great Lakes và thung lũng Mississippi; bao gồm các bang Ohio, Indiana, Illinois, Michigan, Wisconsin, Minnesota, Iowa, Missouri, Kansas, and Nebraska; nổi tiếng vì sự trù phú đất đai cho nông nghiệp và các khu công nghiệp.
Sau đó đột nhiên (những tiếng vọng) kết quả kinh doanh của chúng tôi rất tốt, và trong vòng tám năm chúng tôi trở thành một công ty sản xuất lớn. Vào lúc đó, khi đã trở thành một công ty lớn, hầu hết các công ty đều siết chặt các nhà cung cấp. “Các bạn phải chia sẻ lợi nhuận với chúng tôi”; “Tôi muốn giảm giá, chúng tôi sẽ đặt hàng nhiều hơn”.
Nhưng chúng tôi đã không làm điều đó. Chúng tôi vẫn còn nhớ những vất vả khó khăn mà Bob và Wally đã trải qua khi bắt đầu hợp tác với chúng tôi, và chúng tôi khiến họ yên lòng khi nói rằng họ là một đối tác toàn diện và tin cậy trong mỗi thành công tài chính của chúng tôi.
Thế giới: Có một điều tôi đã làm từ khi mới bắt đầu sự nghiệp của mình đó là gieo một trong những hạt giống tâm thức quan trọng nhất trong hàng thập kỷ để tạo nên thành công liên tục của tôi. Tôi lớn lên tại nước Anh, trong một gia đình có truyền thống về thời trang. Lúc 15 tuổi tôi đã thực tập tại Rene of Mayfair, một salon có uy tín tại khu sang trọng bậc nhất London. Sau đó, khi 21 tuổi tôi đã tới Nam Phi để bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.
Nhân viên đầu tiên của tôi là một phụ nữ da đen, cô ấy đến từ bộ tộc Bantu và tên là Elizabeth. Bạn phải nhận ra rằng những ngày đó chính sách Apartheid (chính sách phân biệt chủng tộc da đen – da trắng, tồn tại ở Nam Phi rất lâu) – còn rất mạnh. Cô ấy được phép vào studio, nhưng chỉ được coi là một “người hầu” (người giúp việc) và chỉ làm công việc lao công.
Một ngày, tôi quan sát cô ấy và quyết định rằng cô ấy cần phải trở thành một nhà tạo mẫu tóc. Trong những salon tốt nhất tại London, tại những nơi mà tôi đã được học, điều này luôn bắt đầu bằng việc học cách gội đầu – và việc này rất được coi trọng.
Và vì thế, một đêm trước khi cô ấy về nhà tôi bắt đầu dạy Elizabeth gội đầu. Đó là một hành động phạm pháp trong thế giới của tôi vào thời gian đó. Elizabeth ở lại và phát triển cùng công ty trong nhiều năm cho tới khi tôi dời Nam Phi đến New York. Ẩn sâu trong trái tim tôi cảm thấy hành động nhỏ này đã giúp thế giới một điều gì đó thực sự góp phần vào những thành công trong tương lai cho Bumble.
Có một chủ đề mà bạn sẽ tìm thấy xuyên suốt tất cả những câu chuyện thành công với những đối tác tâm linh kinh doanh của chúng tôi ở đây. Chẳng có mối dây nào ràng buộc, bạn chỉ đang cố gắng giúp người khác thành công.
DANH SÁCH NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
• Bạn biết điều gì sắp đến. Hãy vào một quán café. Lấy cuốn Quản lý Nghiệp ra, và ở trên đầu mỗi trang hãy viết tên của bốn nhóm những đối tác của bạn: đồng nghiệp, khách hàng, nhà cung cấp (đối tác) và thế giới.
• Tất nhiên những gì chúng ta muốn là tên của từng người dưới mỗi nhóm. Đó là điều bạn cần cho tiếng vọng: Người bạn sắp mang lại thành công cho họ với dự án Quản lý Nghiệp mà bạn đang tiến hành.
• Sau mỗi cái tên, một dòng miêu tả ngắn của những gì là thành công của họ biểu hiện ra ngoài với thời gian mà bạn hoàn thành. Có thể là chẳng có gì lớn lao, nhưng là một điều gì đó rất cụ thể.