N
ăm 1909, tôi là một trong những kẻ bất hạnh nhất New York. Tôi kiếm sống bằng nghề bán xe tải nhưng không biết nó vận hành thế nào, và tệ hơn nữa là tôi cũng chẳng muốn biết điều đó. Tôi ghét công việc của mình. Tôi ghét phải sống chung với lũ gián dơ bẩn trong một căn phòng tồi tàn. Tôi còn nhớ hồi ấy tôi thường treo những chiếc cà vạt của mình trên tường, thế rồi một buổi sáng, khi với tay lấy một chiếc thì chạm phải một bầy gián từ trong đó chạy túa ra. Tôi cũng ghét phải ăn trong những nhà hàng rẻ tiền và mất vệ sinh mà rất có thể cũng lúc nhúc gián trong gian bếp.
Mỗi đêm, tôi trở về căn phòng trống vắng với những cơn đau đầu như búa bổ. Những cơn đau bắt nguồn từ sự thất vọng, lo âu, cay đắng và cảm giác muốn nổi loạn. Thực sự là tôi đang nổi loạn, bởi những giấc mơ ấp ủ từ thời đại học giờ đã trở thành những cơn ác mộng. Cuộc sống là thế này sao? Cuộc phiêu lưu đầy ý nghĩa mà trước kia tôi háo hức mong đợi là thế này sao? Cả đời tôi chỉ có vậy thôi ư – làm công việc mình căm ghét, sống chung với gián, ăn những thức ăn chán ngắt – và chẳng có hy vọng gì về tương lai?. . . Tôi ước ao biết nhường nào được đọc và viết những quyển sách mình đã ấp ủ từ thời sinh viên.
Tôi biết mình sẽ có được mọi thứ và chẳng mất gì nếu từ bỏ công việc mà mình chán ghét. Tôi không hứng thú với việc kiếm nhiều tiền. Tôi chỉ khát khao được sống hết mình. Nói một cách ngắn gọn, tôi đang đứng trước ngã rẽ của đời mình – đã tới lúc tôi phải làm cái việc mà hầu hết những người trẻ tuổi phải làm khi mới vào đời: quyết định hướng đi cho tương lai. Và tôi đã có một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nhờ quyết định ấy, tôi đã sống một cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa, vượt xa cả những mơ ước không tưởng nhất của mình.
Tôi quyết định sẽ từ bỏ công việc chán ngắt ấy để trở thành giáo viên. Trước đó, tôi đã từng học bốn năm Đại học sư phạm tại Warrensburg, Missouri. Tôi sẽ kiếm sống bằng cách đi dạy buổi tối ở các trường dành cho người lớn. Ban ngày tôi sẽ được thảnh thơi đọc sách, soạn bài, viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Tôi muốn “sống để viết và viết để sống”.
Nhưng tôi sẽ dạy gì ở lớp học buổi tối đây? Khi nhìn lại quá trình học đại học, tôi thấy rằng những kiến thức và kinh nghiệm có được khi học và thực hành môn nói trước công chúng tỏ ra hữu ích cho công việc và cuộc sống của tôi hơn tất cả kiến thức của các môn khác gộp lại. Vì sao? Vì nó đã xóa đi tính nhút nhát và thiếu tự tin của tôi, nó giúp tôi có đủ dũng khí và sự vững vàng khi làm việc với mọi người. Một điều hiển nhiên là những ai có thể đứng lên nói lưu loát và rõ ràng suy nghĩ của mình sẽ là những người có khả năng lãnh đạo.
Tôi nộp đơn xin dạy môn này trong các khóa học buổi tối của trường Đại học Columbia và Đại học New York, nhưng cả hai trường đều nói rằng họ có thể tự xoay xở mà không cần sự giúp sức của tôi.
Lúc đó tôi rất thất vọng – nhưng bây giờ tôi lại cảm thấy biết ơn điều đó, bởi nhờ vậy mà tôi đã đến giảng dạy ở các trường buổi tối của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Young Men’s Christian Association – YMCA), nơi tôi phải đưa ra những kết quả làm việc thuyết phục chỉ trong một thời gian ngắn. Đó quả là một thách thức lớn! Học viên đến nghe tôi giảng không phải vì muốn có chứng chỉ đại học hay để khẳng định địa vị xã hội. Họ đến vì một lý do duy nhất: họ muốn giải quyết các vấn đề của mình. Họ muốn có thể đứng lên và tự tin phát biểu trong bất kỳ cuộc họp nào. Những người bán hàng muốn gõ cửa nhà các khách hàng khó tính nhất mà không cần phải đi vòng quanh khu nhà ở của khách hàng đến ba lần để lấy can đảm. Họ muốn có được sự tự tin và một tư thế đĩnh đạc. Họ muốn thăng tiến trong công việc. Họ muốn mang về nhiều tiền hơn cho gia đình. Do học phí trả theo từng kỳ và học viên sẽ không phải trả tiền nếu không thấy hiệu quả, và cũng vì tiền lương của tôi không được trả theo tháng mà dựa trên phần trăm tổng số học phí thu được, những bài giảng của tôi buộc phải hữu ích và bám sát thực tế.
Thời gian đó, tôi cảm thấy điều kiện giảng dạy như thế rất bất lợi, nhưng giờ đây tôi hiểu rằng mình đã có một cơ hội rèn luyện vô giá. Tôi phải tạo động lực cho các học viên. Tôi phải giúp họ giải quyết các rắc rối. Tôi phải làm sao để buổi học nào cũng hấp dẫn và khiến họ muốn đến tiếp vào các buổi sau nữa.
Và đó là một công việc tuyệt vời. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy các học viên của mình nhanh chóng xây dựng được sự tự tin và rất nhiều người đã sớm được thăng chức, tăng lương. Các giờ học thành công vượt xa những hy vọng lạc quan nhất của tôi. Sau ba khóa, YMCA trả cho tôi 30 đô-la mỗi tối, trong khi trước đó họ còn không đồng ý trả 5 đô-la. Ban đầu tôi chỉ dạy môn Nói Trước Công Chúng (Public Speaking), nhưng sau nhiều năm, tôi nhận ra con người còn cần thêm khả năng thu phục lòng người. Vì không thể tìm được một giáo trình ưng ý về việc cải thiện và xây dựng mối quan hệ giữa con người với nhau nên tôi đã tự viết một quyển sách. Nó không được viết theo cách thông thường mà được khởi nguồn và phát triển dựa trên kinh nghiệm của chính các học viên tham dự khóa học. Tôi đã đặt tựa đề cho quyển sách là How to Win Friends and Influence People (Đắc Nhân Tâm).
Vì quyển sách ấy được viết để làm giáo trình cho các lớp học dành cho người lớn của tôi và cũng vì bốn quyển sách tôi viết trước đó chẳng nhận được sự chú ý nào nên tôi không ngờ nó lại có thể bán chạy đến thế. Có lẽ tôi là một trong những tác giả bị làm cho sửng sốt nhất thời đại này!
Thời gian trôi qua, tôi phát hiện thêm một trong những rắc rối lớn nhất của người lớn: lo lắng. Phần lớn học viên của tôi là doanh nhân – giám đốc điều hành, nhân viên bán hàng, kỹ sư, kế toán; tuy thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhưng hầu như ai cũng có những rắc rối của riêng mình! Trong lớp cũng có cả phụ nữ là các nữ doanh nhân và các bà nội trợ. Bạn thấy đấy, họ cũng gặp rắc rối! Rõ ràng là tôi cần một giáo trình hướng dẫn cách chế ngự sự lo lắng. Vậy là một lần nữa tôi lại cất công tìm kiếm. Tôi đến thư viện lớn nhất của New York và rất ngạc nhiên khi chỉ tìm được 22 quyển sách xếp dưới đề mục WORRY – LO LẮNG. Và cũng cảm thấy thích thú không kém khi có tới 189 quyển xếp dưới đề mục WORMS – CÁC LOÀI GIUN! Số sách viết về giun nhiều gấp gần chín lần số sách viết về lo lắng! Thật bất ngờ phải không? Vì lo lắng là một trong những vấn đề lớn nhất của nhân loại, các bạn có nghĩ rằng mỗi trường học từ cấp trung học trở lên nên có một khóa học về “Cách loại bỏ lo lắng” không?
Chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn đọc thấy David Seabury viết trong quyển How to Worry Successfully (Làm thế nào để lo lắng một cách hiệu quả) rằng: “Chúng ta bước sang tuổi trưởng thành với những chuẩn bị nghèo nàn cho việc đối mặt với áp lực đến mức mỗi khi bị căng thẳng, ta chẳng khác nào một con mọt sách bị yêu cầu múa ba lê!”. Kết quả là gì? Hơn một nửa số bệnh nhân nằm viện là những người gặp các rắc rối về tinh thần và cảm xúc.
Tôi đã xem hết 22 quyển sách viết về nỗi lo lắng xếp trên giá của Thư viện New York. Tôi cũng mua tất cả sách có thể tìm được về chủ đề này, nhưng vẫn không thể tìm ra dù chỉ là một quyển thích hợp để dùng làm tài liệu giảng dạy cho các khóa học của mình. Thế là tôi quyết định sẽ tự viết.
Tôi bắt đầu chuẩn bị cho việc viết quyển sách này cách đây 7 năm bằng cách đọc những gì các triết gia của mọi thời đại đã nói về lo lắng. Tôi cũng đọc hàng trăm quyển tiểu sử, từ Khổng Tử cho tới Churchill. Tôi phỏng vấn hàng chục người nổi tiếng ở những lĩnh vực khác nhau như võ sĩ quyền Anh Jack Dempsey, Tướng Omar Bradley, Tướng Mark Clark, nhà sáng lập hãng ô-tô Ford – Henry Ford, Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, nhà báo Dorothy Dix... Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu.
Tôi còn tiến hành một việc khác, có ý nghĩa quan trọng hơn hẳn so với việc chỉ phỏng vấn và tham khảo các bài viết. Tôi đã làm việc 5 năm trong một phòng thử nghiệm chế ngự lo lắng – một phòng thử nghiệm được thực hiện với chính các học viên trong lớp học buổi tối dành cho người lớn của chúng tôi. Theo tôi được biết, đây là phòng thử nghiệm đầu tiên và duy nhất trên thế giới thuộc loại này. Chúng tôi đề ra một số quy tắc nhằm chế ngự lo lắng rồi yêu cầu học viên áp dụng chúng vào cuộc sống và báo cáo kết quả đạt được trước lớp. Một số người khác thì kể lại những cách thức mà họ đã sử dụng trong quá khứ.
Nhờ thế mà tôi cho rằng mình là người được nghe nhiều cuộc nói chuyện về cách chế ngự lo lắng hơn bất cứ ai. Bên cạnh đó, tôi cũng đọc hàng trăm bài viết về chủ đề này được gửi tới bằng thư – đó là những bài nói đã đoạt giải trong các lớp học của chúng tôi được tổ chức trên toàn thế giới.
Do đó, quyển sách này không hề là một mớ lý thuyết xa rời thực tế. Nó cũng không phải là một bài thuyết giảng kinh viện, giải thích những cơ chế khoa học nhằm kiểm soát những nỗi lo lắng. Thay vào đó, tôi đã cố gắng viết một tài liệu chính xác, súc tích kể lại việc hàng nghìn người trưởng thành đã chế ngự nỗi lo lắng của mình ra sao. Có một điều chắc chắn rằng: Đây là một quyển sách gắn liền với thực tế, và bạn có thể ứng dụng nó dễ dàng.
Triết gia người Pháp Valéry nói: “Khoa học là tập hợp những công thức thành công”. Quyển sách này cũng vậy: nó là tập hợp những công thức giải tỏa lo lắng hiệu quả và đã được thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên, tôi xin nói trước rằng: có thể bạn sẽ không thấy điều gì mới mẻ, nhưng bạn sẽ nhận ra nhiều điều đã bị chúng ta bỏ quên. Vấn đề không phải là chúng ta không biết hay không hiểu, mà là chúng ta không hành động. Mục đích của quyển sách này là kể lại, làm sáng tỏ, tôn vinh và phân tích dưới góc nhìn mới của thời đại về những chân lý căn bản đã có từ xa xưa, nhằm xây dựng niềm tin nơi bạn và giúp bạn tự tin áp dụng chúng.
Khi chọn đọc quyển sách này, chắc hẳn điều mà bạn mong mỏi là thực hiện một sự thay đổi. Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa?
Chúc bạn sớm quẳng gánh lo đi và vui sống!
- DALE CARNEGIE
9 GỢI Ý GIÚP PHÁT HUY CAO NHẤT TÁC DỤNG CỦA QUYỂN SÁCH