1. Tác phẩm minh họa thứ nhất: Tác phẩm hoa Phong sa (Lilac Clematis) kiểu Moribana.
Nguyên liệu: Hoa Phong sa 3 bông.
Bình hoa: Bát hoa màu trắng (bát hoa cổ).
Đặc trưng: Vẻ đẹp của hoa không thể hiện ở chỗ giản dị mà quan trọng ở bộ phận sắc thể. Vẻ đẹp của sắc thể lại còn phải thích hợp với trường hợp của thời tiết. Nghĩa là ta phải nghiên cứu ở thời tiết nào, cần phải dùng đến màu sắc gì cho thích hợp.
Có màu sắc khi nhìn ta cảm thấy ấm, cảm thấy lạnh, cảm thấy mát; có màu sắc ta cảm thấy vui, thấy buồn, thấy tịch mịch, thấy thích thú. Như vậy màu sắc không những chỉ tiêu biểu cho vẻ đẹp, mà còn thể hiện cảm giác của con người. Khoảng tiết trời tháng sáu nồng nực, nếu ta cắm một bình hoa có màu sắc mát dịu, thì người ngoạn thưởng cũng cảm thấy tươi vui mát mẻ.
Màu sắc của hoa Phong sa, có đủ các màu, màu trắng, màu xanh, màu tía, màu tía nhạt v.v. Đó chính là một loại hoa tuyệt hảo trong thời tiết mùa Hạ. Ta không nên dùng nhiều hoa, chỉ dùng 2 hay 3 cành là đủ. Như tác phẩm này (hình minh họa số 114), ta chỉ dùng có 3 cành chính, cành chính thứ nhất, cành chính thứ hai và cành chính thứ ba, đủ để cấu tạo thành cốt cách của tác phẩm.
Phương pháp trình bày: Trong bát hoa ta đặt một Kenzan, cắm cành chính thứ nhất rủ xuống, cành thứ hai và thứ ba cắm thuận theo lần lượt như trong hình minh họa. Vì hoa Phong sa có rất nhiều lá, ta phải tỉa bớt những chiếc lá thừa, để đủ nhận thấy nét cong của tác phẩm.
Phương pháp dưỡng hoa: Cắt hoa trong chậu nước cho tươi, khi cắt xong ta để mấy hạt muối ở cuống cây hoa.
Không gian trưng bày: Vì là tác phẩm hoa leo, cắm rủ, nên phải trưng bày ở một nơi cao thì tác phẩm mới có sinh khí.
Ứng dụng: Ta có thể thay thế hoa Phong sa bằng hoa Chiêu nhan, hoa Chú nhan, hoa Hồng leo v.v.
2. Tác phẩm minh họa thứ hai: Tác phẩm hoa Kỳ lân và Thu thảo, kiểu Moribana.
Nguyên liệu: Hoa Kỳ lân (Button Snake Root) 7 bông, hoa Thu thảo một vài bông.
Bình hoa: Bát hoa trũng, màu trắng.
Hình minh họa số 115:
Tác phẩm hoa Kỳ lân và Thu thảo, kiểu Moribana.
Đặc trưng: Đặc trưng của tác phẩm này là các đường cong của tác phẩm đều cài răng lược, bắt chéo nhau (hình minh họa số 115). Cắm hoa theo lối cổ điển thì cách cắm cài răng lược là một điều tối kỵ. Nhưng theo lối cắm hoa hiện đại của trường phái Sògetsuryu, thì cách cắm cài răng lược cũng có chủ đề riêng biệt.
Phương pháp trình bày: Trước hết ta cắm hoa Kỳ lân, rồi cắm đến Thu thảo bọc quanh hoa Kỳ lân. Dùng Kenzan để giữ hoa.
Phương pháp dưỡng hoa: Khi cắt hoa Kỳ lân và Thu thảo, ta phải thả vào trong một chậu nước để cắt. Sau khi cắt xong, riêng hoa Thu thảo, nên nhúng vào nước dấm để cây hoa tươi lâu.
Ứng dụng: Ta có thể thay thế thứ hoa khác nếu nhận thấy thứ hoa đó thích hợp với tác phẩm trên.