Ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam bước vào năm 2019 trước cơ hội đặc biệt khi Việt Nam đang tích cực triển khai chuyển đổi số, tận dụng những lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để thúc đẩy, tạo bứt phá tăng trưởng, hay nói cách khác thực hiện đột phá chiến lược lần thứ ba[1] nhờ chuyển đổi số toàn diện và đổi mới sáng tạo, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự phát triển của công nghệ số đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, Đảng và Nhà nước đã xác định ngành CNTT-TT là một trong những ngành quan trọng, có tính sẵn sàng cao trong tham gia cuộc CMCN 4.0[2], là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
[1] Đột phá chiến lược lần thứ nhất vào những năm 1990 là đi thẳng vào số hoá viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp dịch vụ tiên tiến kể cả Internet để đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Đột phá chiến lược lần thứ hai là xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh quốc tế với Internet là năm 1997 và với viễn thông là từ năm 2000.
[2] Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm 2019 vừa qua chứng kiến ngành CNTT-TT đã và đang từng bước trở thành nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tham gia giải quyết hầu hết các bài toán khó của quốc gia nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng. Trong tình hình phát triển chung của đất nước, ngành CNTT-TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trên các mặt trận kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng… và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới: Hệ thống cơ sở hạ tầng số quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển nhanh chóng, vững chắc; Công nghệ số được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong trong mọi mặt của đời sống xã hội: trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người dân có vai trò dẫn dắt phục vụ ngày càng đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước; Công nghiệp công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, có đóng góp ngày càng cao cho GDP, bước đầu xây dựng được lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Đã hình thành được hệ thống cơ sở vật chất cho việc đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng quốc gia; Thông tin, tuyên truyền đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đấu tranh phòng chống tiêu cực, chống diễn biến hòa bình và các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, đã thể hiện dòng chảy của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Năm 2019, với tư duy mới, cách tiếp cận và cách làm mới, ngành CNTT-TT đã đạt được những kết quả khích lệ ban đầu ở hầu hết các lĩnh vực của ngành, không chỉ ở trung ương mà còn ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, các hiệp hội, không chỉ trong nước mà còn trên bình diện đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế: Năm 2019 với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam”, các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc Ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Về bưu chính, theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018), đứng thứ 4 khu vực ASEAN và thứ 10 Châu Á.
Về viễn thông: Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam hạng 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, trong đó các chỉ số liên quan đến hạ tầng của trụ cột ứng dụng CNTT đều tăng mạnh: Tỷ lệ người sử dụng Internet tăng 22 bậc (từ hạng 88/140 năm 2018 lên hạng 66/140 năm 2019), Số thuê bao Internet cáp quang tăng 48 bậc (từ hạng 74/140 năm 2018 lên hạng 26/141 năm 2019), Số thuê bao điện thoại di động tế bào tăng 36 bậc (từ hạng 50/140 năm 2018 lên hạng 14/141 năm 2019).
Về ứng dụng CNTT: Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có chỉ số phát triển cao. Năm 2018 xếp hạng 88/193 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng thứ 6 ASEAN.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số dịch vụ trực tuyến của chính phủ xếp hạng 57/129 nền kinh tế được đánh giá, tăng 15 bậc so với năm 2018 (xếp hạng 72/129). Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, trụ cột ứng dụng CNTT tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tăng 25,7 điểm và 54 bậc, từ 43,3 điểm lên 69,0 điểm và theo đó thứ hạng tăng từ vị trí 95/129 lên vị trí 41/129).
Về an toàn thông tin mạng: Xếp hạng chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế là 50/175, tăng 50 bậc so với năm 2017, đứng thứ 5 khu vực ASEAN và thứ 11 Châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2019, cùng với việc xây dựng Chiến lược đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Bảng 1: Xếp hạng của Việt Nam trong lĩnh vực TTTT theo đánh giá của các tổ chức quốc tế
Ghi chú: "-" không có số liệu hoặc chưa đến thời điểm đánh giá xếp hạng
Về an toàn, an ninh mạng: xếp hạng chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế là 50/175, tăng 50 bậc so với năm 2017, đứng thứ 5 khu vực ASEAN và thứ 11 châu Á-Thái Bình Dương. Trong năm 2019, cùng với việc xây dựng Chiến lược đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã và đang triển khai giải pháp đồng bộ để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Một số kết quả hoạt động theo các lĩnh vực:
Bưu chính: Thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, lĩnh vực bưu chính đã và đang chuyển đổi trở thành hạ tầng mạng lưới, bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính đã tập trung đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ, phương thức kinh doanh, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển chung của đất nước. Năm 2019, số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng trưởng mạnh đạt 468 doanh nghiệp (trong đó có hơn 95% là doanh nghiệp tư nhân), doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 28.279 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2015. Tổng sản lượng bưu gửi năm 2019 đạt 715 triệu bưu gửi, tăng hơn 54% so với năm 2018. Toàn mạng bưu chính có 18.800 điểm phục vụ trong đó tổng số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng là 12.400 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,92 km2/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 01 điểm phục vụ bưu chính.
(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)
Hình 1: Tổng doanh thu của doanh nghiệp bưu chính 2017 - 2019
Viễn thông: Với sứ mệnh trở thành hạ tầng số bao gồm mạng viễn thông và nền tảng điện toán đám mây, ngành viễn thông tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh thu viễn thông đạt hơn 5,6 tỷ USD, dung lượng băng thông kết nối quốc tế đạt hơn 10 Tbps, tăng hơn 6 lần so với năm 2015. Mạng lưới cáp quang đã được triển khai đến các xã bản với gần 01 triệu km cáp quang, tăng 1,9 lần so với năm 2017. Tổng số thuê bao truy nhập Internet đạt 75 triệu (bao gồm 61 triệu băng rộng di động và 14 triệu băng rộng cố định), tăng 1,5 lần so với năm 2015. Số tên miền .vn đạt trên 509.000 tên miền, đứng đầu khu vực ASEAN về lượng đăng ký sử dụng tên miền quốc gia. Tỷ lệ số thuê bao ứng dụng IPv6 đạt gần 40%, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 8 trên thế giới.
Song song với việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế, ngành CNTT-TT đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao. Việc triển khai các dịch vụ viễn thông công ích và phủ sóng thông tin di động trên vùng biển, đảo của Tổ quốc đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an ninh, quốc phòng biển, đảo. Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo 2016 – 2019 trong lĩnh vực thông tin, số hộ nghèo về tiếp cận thông tin tại Việt Nam theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 giảm dần theo các năm trên cả hai chỉ số: sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
(Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Hình 2: Hộ nghèo thiếu hụt chỉ số về tiếp cận thông tin giai đoạn 2016 - 2019
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Hình 3: Tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Việt Nam giai đoạn 2015-2019
Ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng CNTT hướng tới chuyển đổi số được triển khai sâu rộng trong hoạt động của cơ quan Đảng, nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, hiệu quả, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia ngày càng được hoàn thiện cả về quy mô, phạm vi cũng như số lượng đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan nhà nước như trong các lĩnh vực thuế, tài chính, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, hộ tịch, hộ chiếu… Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ, bước đầu cho thấy vai trò kiến tạo phục vụ phát triển. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. CNTT đã thực sự phát huy vai trò vừa là công cụ, vừa là động lực của kinh tế xã hội.
An toàn, an ninh mạng: Đến hết 2019, hệ thống chia sẻ giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đã giám sát 20/30 bộ, ngành và 51/63 địa phương. Bước đầu hình thành công nghiệp an toàn thông tin mạng “Make in Viet Nam” với rất nhiều sản phẩm an toàn thông tin thương hiệu Việt. Xây dựng và phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia với gần 200 thành viên gồm các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.
Công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông: Trong năm 2019, ngành Công nghiệp CNTT tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu đạt gần 113 tỷ USD, tăng trưởng 9,3% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Các mặt hàng công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 26,4 tỷ USD. Năm 2019 cũng ghi nhận sự cố gắng của nhiều địa phương trên cả nước. Những địa phương mạnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang chiếm tới trên 90% doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông.
Năm 2019, doanh thu công nghiệp phần cứng, điện tử đạt 100 tỷ USD, chiếm 89% doanh thu ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,6% so với năm 2018. Về kim ngạch xuất khẩu, các sản phẩm CNTT - điện tử, viễn thông đạt 87,3 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNTT - điện tử, viễn thông chiếm 96,6% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp CNTT.
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Hình 4: 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng về giá trị lớn nhất năm 2019
Công nghiệp phần mềm có tốc độ phát triển cao, tiếp tục được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới. Doanh thu năm 2019 đạt gần 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt hơn 10%. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức uy tín quốc tế xếp hạng top 10 trong danh sách các điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm xuất khẩu[3].
[3] Báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016” của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam đứng thứ 5 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu năm 2019.
Công nghiệp nội dung số bước đầu được hình thành, có tốc độ tăng trưởng nhanh, có giá trị tăng và năng suất lao động cao. Tính đến cuối năm 2019, đã có 3.982 doanh nghiệp tham gia với tổng doanh thu đạt 851 triệu USD. Một số doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường trong nước và bước đầu đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
Các khu CNTT tập trung được hình tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT. Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đạt trên 95%, hiệu quả sử dụng đất cao hơn so với khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu Công viên phần mềm Quang Trung được xếp vào nhóm hàng đầu tại khu vực Châu Á, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về mô hình, tầm nhìn và định hướng phát triển.
Phát triển nhân lực CNTT: Năm 2019, Việt Nam có 158 trên tổng số 240 trường đại học có đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin. Chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin năm 2019 là 68.435, tăng 34% so với năm 2018. Năm 2019, tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp CNTT là 1.055.000 người, tăng 31.514 so với năm 2018, hoàn thành sớm hơn 1 năm mục tiêu nhân lực CNTT Việt Nam đạt 1 triệu người vào năm 2020[4].
[4] Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”.
Lĩnh vực báo chí, tuyên truyền: Hệ thống báo chí đã và đang được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được ban hành tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2019[5]. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in; 24 cơ quan báo, tạp chí điện tử độc lập; 1.760 trang thông tin điện tử; 67 Đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương với 20.450 nhà báo được cấp thẻ.
[5] Đã có 06/18 Bộ, 04/04 cơ quan ngang Bộ, 06/7 cơ quan thuộc Chính phủ và 33/63 địa phương đã thực hiện việc sắp xếp theo đúng quy hoạch; 19/24 tổ chức Hội ở TW đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí. Đến năm 2025 sẽ giảm khoảng 180 cơ quan báo chí theo kế hoạch (còn 688 cơ quan). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TW có 01 đài phát thanh và truyền hình; mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Những thành tích đạt được năm 2019 của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, vừa là định hướng cho một giai đoạn mới, vừa là sự khích lệ, khẳng định những nỗ lực cũng như cách tiếp cận đúng đắn của ngành trong thời gian qua, đó là:
- Xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Việt phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh bưu chính hiệu quả và làm nền tảng phát triển các ứng dụng phục vụ thương mại điện tử. Mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng sẽ đảm bảo dòng chảy vật chất của các giao dịch thương mại điện tử.
- Với việc thử nghiệm 5G năm 2019, đẩy nhanh thương mại hoá và đầu tư vào mạng 5G vào năm 2020, Việt Nam đã thể hiện cam kết sẽ triển khai mạng thông tin di động 5G cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Lộ trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.
- Cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của Chính phủ về việc giao cho nhà mạng đảm nhận thêm vai trò của các nền tảng mới, như nền tảng số, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Với lợi thế phổ cập, cả về mạng lưới và kênh phân phối và cả lợi thế về công nghệ và tài chính, mạng viễn thông có thể đảm nhiệm tốt vai trò các nền tảng khác, giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn. Việc phát triển mạng cáp quang băng rộng, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, tài chính điện tử, tài chính toán diện sẽ thúc đẩy thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới[6].
[6] Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4% triệu tỷ đồng, tăng 262,5% và 353,1% so với năm 2016; qua điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 980,9% và 793,6%.
- Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 07/6/2019 về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng; sự ra đời của Liên minh phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; đưa vào vận hành Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử là những thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển đất nước thành cường quốc an ninh mạng, về việc Việt Nam sẽ làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
- Chủ trương Make in Viet Nam, hướng tới một nền công nghiệp CNTT tự chủ trong sáng tạo và thiết kế sản phẩm đã chính thức truyền đi thông điệp về phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, về chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm Việt Nam: “Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, giải quyết các bài toán Việt Nam, vươn ra khu vực và thế giới”[7].
[7] Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ, ngày 09/05/2019 tại Hà Nội
- Việc triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về muốn phát triển tốt hơn thì cũng cần quản lý tốt hơn, hướng tới xây dựng hệ thống báo chí mang tính cách mạng có quy mô hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, vững mạnh, giữ vai trò trụ cột định hướng dư luận và hình thành thị trường sản phẩm thông tin tuyên truyền lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông, đạt trình độ ngang tầm với khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và thế giới, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bước sang năm mới, năm cuối của giai đoạn 2016 - 2020, cùng với cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, đặc biệt với vai trò dẫn dắt triển khai chuyển đổi số cho cả nước, nhưng cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Với bề dày truyền thống vẻ vang của mình, ngành CNTT-TT quyết tâm cam kết hiện thực hóa cơ hội này, đổi mới tư duy để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước.