Cách đây 18 năm, Việt Nam là một trong 25 nước hứng chịu dịch bệnh SARS với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong. Ngày 28/4/2003, Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc 45 ngày kinh hoàng chống SARS. Đại dịch Covid-19 lần này đã diễn ra hơn một năm qua chính là một phép thử minh chứng cho thấy những giá trị của Việt Nam đã và đang vượt qua và phát triển mạnh mẽ nhưng trên một tầm cao mới nhờ đáp ứng tốt nhu cầu bùng nổ về văn phòng từ xa, giáo dục trực tuyến, chăm sóc y tế trực tuyến nhờ chuyển đổi số, nhờ sự phát triển của hạ tầng bưu chính, hạ tầng số, an toàn thông tin và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống báo chí, truyền thông nước nhà. Cả hai lĩnh vực Truyền thông và Công nghệ của ngành đều giữ vai trò tích cực và chủ động trong công tác phòng chống dịch, người dân được cung cấp và chủ động tham gia vào công tác truyền thông, đảm bảo thông tin đầy đủ, theo thời gian thực dưới nhiều hình thức; các nền tảng, ứng dụng công nghệ mới được phát triển đáp ứng nhu cầu kết nối thông tin và tạo sức mạnh cộng đồng, xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước, là năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Nước, 90 năm thành lập Đảng; là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị, tạo nền tảng cho Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; đồng thời, là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bối cảnh như vậy đã đặt Việt Nam nói chung và ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng trước một “cánh cửa thời cơ” mới, với sự chủ động và khát vọng đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Với việc ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 đánh dấu dấu mốc quan trọng ngành Thông tin và Truyền thông gánh vác sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, tiên phong hiện đại hóa năng lực quản trị quốc gia dựa trên dữ liệu và xây dựng kinh tế số, xã hội số, tiếp tục vững bước truyền thống lịch sử của ngành trong chặng đường 75 năm hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử vinh quang, hào hùng đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước.
Điểm lại kết quả hoạt động trong năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành và đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.063.606 tỷ đồng, tăng trung bình 7,5% giai đoạn 2016 - 2020, nộp ngân sách nhà nước 105.876 tỷ đồng, tăng trung bình 7,2%. Thể chế tiếp tục được cải thiện nhằm hỗ trợ các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nguồn nhân lực toàn ngành đạt 1.324.606 triệu lao động trong đó lần đầu tiên đã vượt qua con số 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin1 với trên 64.000 doanh nghiệp, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia.
Bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông nổi lên nhiều điểm sáng tích cực trên cả bình diện quốc tế và trong nước.
Đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế
Về Bưu chính: Theo Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố năm 20202, Việt Nam tiếp tục xếp hạng thứ 49/170 nước, 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia trên thế giới, thứ 4 trong khu vực ASEAN, thứ 10 châu Á về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính.
Về Viễn thông: Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố năm 2020, vị trí xếp hạng về chỉ số thành phần Hạ tầng viễn thông (TII) của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi lớn, tăng 31 bậc so với năm 20183.
Về Chuyển đổi số: cũng theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố năm 2020, Việt Nam xếp hạng ở vị trí thứ 86/193 quốc gia về chỉ số chung phát triển Chính phủ điện tử, tăng 02 bậc so với năm 20184, cao hơn so với trung bình thế giới. Chỉ số dữ liệu chính phủ mở (OGDI) của Việt Nam năm 2020 nằm trong nhóm chỉ số OGDI trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193 quốc gia. Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index - EPI) cũng có sự tăng hạng (tăng 2 bậc so với năm 2018), có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia.
Về an toàn thông tin mạng: Theo báo cáo An toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của ITU năm 2020, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, xếp hạng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực ASEAN. Như vậy, so với kỳ đánh giá gần nhất công bố vào năm 2019, xét trên toàn cầu Việt Nam tăng 25 bậc, vượt qua Thái Lan để xếp thứ 4/11 quốc gia khu vực ASEAN.
1 Nhân lực CNTT năm 2020 đạt 1.030.000 lao động
2 Postal Development Report 2020, 10/2020, UPU
3 Năm 2020, xếp hạng TII thứ 69; năm 2018, xếp thứ 100.
4 Chỉ tính riêng chỉ số EGDI, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao (0,6667 điểm), cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực Châu Á (0,6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321).
Một số kết quả hoạt động theo từng lĩnh vực
Ngành Bưu chính đang thực hiện những bước chuyển dịch mạnh mẽ từ việc cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống sang cung cấp dịch vụ bưu chính số, hướng tới mục tiêu bưu chính trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử, đảm bảo sự đồng bộ giữa dòng chảy vật chất và dòng chảy dữ liệu phục vụ nhu cầu phát triển, tiếp tục gánh vác trọng trách phân phối dịch vụ thiết yếu, dịch vụ công đến toàn xã hội. Năm 2020, tổng doanh thu ngành bưu chính đạt 56.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 rất ấn tượng đạt 23,69%. Thị trường bưu chính hiện có khoảng 573 doanh nghiệp đang hoạt động với 21.600 điểm phục vụ, trong đó số điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng chiếm 58,33%, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,92 km/điểm phục vụ, đạt chỉ tiêu tối thiểu mỗi xã một điểm phục vụ. Sản lượng bưu gửi phục vụ cải cách thủ tục hành chính là 21.070 triệu bưu gửi.
Hình 1: Tổng doanh thu thị trường bưu chính giai đoạn 2016 - 2020
Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số (Vpostcode) được công bố ngày 07/5/2020 đã số hóa được hơn 23 triệu địa chỉ, giúp định vị chính xác vị trí, địa chỉ khách hàng nhằm cung cấp thông tin về vị trí và mã của bất kỳ địa điểm nào trên toàn quốc. Mỗi hộ gia đình vừa trở thành một cửa hàng, vừa trở thành một người mua hàng, có khả năng tiếp cận dễ dàng bằng địa chỉ số.
Bằng hành động thiết thực, các doanh nghiệp bưu chính cũng tích cực góp sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ tới địa điểm cách ly, tặng khẩu trang cho khách hàng tại bưu cục trên toàn quốc và cho người dân ở một số địa điểm tập trung đông tại Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng và tp. Hồ Chí Minh, ủng hộ kinh phí, miễn phí giao hàng nhanh đối với các đơn hàng nhu yếu phẩm...
Tổng doanh thu ngành viễn thông đạt 381.000 tỷ đồng (17 tỷ USD), trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 130.000 tỷ đồng (5.544,53 tỷ USD). Tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt 17,11%, cao hơn mức trung bình thế giới là 15,2%. Năm 2020, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động mặt đất/100 dân đạt 71,44% so với mức 75% của thế giới. Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone trên tổng thuê bao điện thoại di động đạt 69,55%.
Toàn mạng viễn thông đã có hơn 1 triệu km cáp quang được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước. Sóng di động 3G đã phủ tới 99,8% dân số, trong đó, vùng phủ 4G phục vụ trên 98,5% dân số. Mạng di động 5G đã được thử nghiệm thương mại hoá dịch vụ, đánh dấu cột mốc ấn tượng đưa Việt Nam triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới, trong đó chúng ta là nước thứ 5 sản xuất được thiết bị 5G5. Xử lý triệt để vấn đề SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên thị trường với hơn 22 triệu SIM có dấu hiệu nghi ngờ đã bị thu hồi, hủy, cập nhật thông tin thuê bao.
5 Ngày 17/1/2020, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã cho ra mắt thiết bị thu phát sóng gNodeB 5G tự nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Với thiết bị 5G Make in Viet Nam, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G đã được thực hiện.
Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 81,87%, tăng hơn 3 lần trong 5 năm qua, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,4 lần (tỷ lệ 57,4%). Tên miền quốc gia “.vn” vượt mốc nửa triệu, đạt 512.245 tên miền, lần đầu tiên vượt qua tên miền quốc tế với tỷ lệ 50,6%/49,4%, tiếp tục đứng số 1 ASEAN. Việt Nam trong top 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới (IPv6) cao nhất toàn cầu, đạt 45,86%, gấp 1,7 lần trung bình thế giới với 34 triệu người sử dụng IPv6.
Lần đầu tiên trong lịch sử Triển lãm Thế giới số được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Make in Viet Nam. Sự kiện được tổ chức vào ngày 20/10/2020 thu hút được số lượng tham gia kỷ lục của 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Bộ trưởng của hơn 50 quốc gia, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về đất nước Việt Nam năng động, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia lấy người dân là trung tâm, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, hình thành chính phủ số, xã hội số. Hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đã và đang chuyển đổi thành hạ tầng số với 77% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng hoặc thuê trung tâm dữ liệu và 64,76% cơ quan nhà nước có sử dụng dịch vụ trên hạ tầng điện toán đám mây. Bước đầu tạo lập nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Tăng mạnh tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhờ cách làm mới dựa trên nền tảng. Mất 4 năm để đưa tỷ lệ bộ ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP lên con số 33%, nhưng chỉ trong năm 2020 con số này đã đạt 100% và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NDXP. Trong năm 2020, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 cả nước cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, và tăng hơn 20 lần so với năm đầu giai đoạn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 37,82%. Đã có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai triển khai đề án đô thị thông minh. Ngày 31/8/2020, Bộ TTTT đã tổ chức lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia Data.gov.vn, làm nền tảng, phương tiện triển khai quản trị dữ liệu quốc gia và mở dữ liệu Chính phủ cho xã hội, cộng đồng.
Hình 2: Tỷ lệ các bộ ngành địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP giai đoạn 2016 - 2020
Hình 3: Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 của cả nước giai đoạn 2016 - 2020
Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống Covid-19 trong toàn dân. Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và Công ty BKAV phát triển. Trong năm 2020 đã có hơn 23 triệu lượt thuê bao di động cài đặt và sử dụng. Đồng thời, Bluezone có mã nguồn mở, là lần đầu tiên một ứng dụng của Chính quyền được mở mã nguồn để huy động sự tham gia đóng góp, giám sát, chung tay của cộng đồng. Bên cạnh đó, các nền tảng số quốc gia liên tục được ra mắt với trên 38 nền tảng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Với sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên số, khi dữ liệu trở thành tài nguyên, tài sản của mỗi quốc gia, cùng với mức độ sử dụng xuyên biên giới thì vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhận thức được điều đó, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những bước đi quan trọng, nỗ lực trong việc tạo lập niềm tin của cộng đồng với thế giới số và hướng tới đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Hành lang pháp lý về đảm bảo an toàn thông tin đang dần hoàn thiện6, tổ chức quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng cơ bản được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Trong năm 2020, 100% cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp. Tổng doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 1.948 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 27,41% giai đoạn 2018 - 2020 với 87 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt 91% so với mức 13,6% năm 2016. Tỉ lệ tổ chức có đơn vị/bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin đạt 75% năm 2020. Số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động đạt 1.570.039 chứng thư, tăng 2,14 lần so với năm 2015.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 16,23%/năm trong giai đoạn từ 2016 - 2020 (tăng hơn 1,8 lần sau 5 năm), trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Năm 2020, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông đạt 123,528 tỷ USD. Doanh thu công nghiệp phần cứng, điện tử đạt 110,118 tỷ USD lọt vào top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất năm 2020, trong đó phần doanh thu phát sinh tại Việt Nam đạt 14 tỷ USD. Doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 5,413 tỷ USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt 934 triệu USD. Trong 5 năm, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cả nước đã tăng 1,8 lần với trên 44.532 doanh nghiệp đạt tỷ lệ 0,59 doanh nghiệp/1.000 dân. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số sẽ giúp Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí trong năm 2020 đối với khối báo chí thuộc bộ, ngành và khối báo chí địa phương đã đảm bảo đúng phương án, lộ trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 20257. Triển khai thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020 số lượng cơ quan báo chí giảm mạnh, cả nước có tổng số 779 cơ quan báo chí8. Đúng 0h00 ngày 28/12/2020, Việt Nam tuyên bố hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Truyền hình số DVB-T2 phủ sóng trên 80% dân số; tăng từ 5 chương trình thông thường lên khoảng 70 kênh chất lượng cao; giải phóng được 112 MHz cho di động 4G, 5G.
Đặc biệt, phục vụ Đại hội Đảng các cấp và trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, báo chí, truyền thông đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trên mọi mặt trận: thông tin đại chúng, tin nhắn SMS, thông tin cơ sở, truyền thông trực quan tại cộng đồng, truyền thông xã hội và các kênh truyền thông khác. Tỷ lệ xã, phường có đài truyền thanh đạt trên 91%. Đấu tranh mạnh mẽ với các nền tảng xuyên biên giới để gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tỷ lệ mức độ tuân thủ xử lý vi phạm của Facebook đạt trên 95%, Google đạt trên 87%9.
6 Ngày 14/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Sau 3 tháng triển khai, đã tiếp nhận 1.666 hồ sơ cấp tên định danh và cấp 613 tên định danh, chặn 724.919 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, 54.757 số điện thoại gây ra các cuộc gọi rác, chặn 110.846.148 tin nhắn rác.
7 Tổng số 78 cơ quan, tổ chức, địa phương phải thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí trong năm 2019 và năm 2020 theo Quy hoạch
8 Khối báo chí trung ương giảm 36 cơ quan báo chí, khối báo chí địa phương giảm 35 cơ quan báo chí
9 Facebook gỡ hơn 4.125 bài viết, 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng, 2200 link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền giả… YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 29.792 video vi phạm, Google đã gỡ 173 game cờ bạc, game bạo lực, game không phép...
Mạng xã hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế, với các tên tuổi như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam đạt hơn 90,5 triệu tài khoản.
Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Giai đoạn 5 năm tới sẽ là giai đoạn bản lề để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp và tiến bước trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Dịch bệnh Covid-19 rồi sẽ qua đi, nhưng những nền tảng số mà ngành đã và đang xây dựng sẽ tiếp tục được mở rộng tới mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội góp phần hoàn thành mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Ngành Thông tin và Truyền thông ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại trở thành nền tảng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng từ khâu thiết kế; xây dựng hạ tầng dữ liệu tạo nền móng để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn dân, toàn diện; phát triển và làm chủ các công nghệ số, nền tảng số “Make in Viet Nam” đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong nước và đưa các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế; Báo chí truyền thông tiếp tục thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, góp phần tạo dựng đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.