1
Năm ngoái, từ giữa tháng Chạp, bạn tôi ở Thành nhắn tin, lúc nào rảnh lên nhà bạn lấy rau sạch vườn nhà về để dành ăn Tết. Loay hoay bao việc bận rộn, đến ngày cận Tết tôi mới chực nhớ lời bạn dặn thì lười, ngại đi vì không còn thời gian trống. Tặc lưỡi, sáng ba mươi tôi ù ra chợ mua rau, mùng Hai đã nhóm chợ.
Từ nhà tôi lên nhà bạn khoảng mười cây số. Khoảng cách này không là vấn đề vì nhà bạn ở Thành, cũng là quê tôi, riêng tháng Chạp, tôi đi về đến mấy bận vì còn mộ ba nơi ấy. Muốn ăn rau sạch nhưng lại làm biếng thì đành chịu.
Qua Tết, một hôm ngẫu hứng, nhớ rau sạch, tôi chạy xe lên nhà bạn. Nhìn vườn rau của bạn mới tá hỏa và cảm thấy hổ thẹn vì tính lười của mình. Miếng đất khoảng 30 m2 mà bạn làm giàn, đánh luống trồng bao nhiêu là rau, củ, từ rau nấu canh đến ăn sống, từ khoai lang đến cà chua, chưa kể dưa leo, khổ qua, đậu. Bạn nói, chịu khó tưới nước, hằng tuần có rau sạch đóng thùng gửi cho con ở thành phố, rau ăn không kịp, đôi lúc phải năn nỉ hàng xóm ăn giùm.
Hôm đó bạn cắt cho tôi rau sống, rau nấu canh, rau xào mấy bị to đùng. Tôi chở xe máy chẳng khác người mang rau ra chợ bán. Bạn dặn, về nhà đừng rửa, cứ thế cho hết vào ngăn mát tủ lạnh, để dành ăn rất lâu. Quả đúng vậy, gần hết tháng Giêng, tủ lạnh tôi mới sạch sẽ các loại rau vườn nhà bạn.
2
Tôi về chung cư này được nửa năm. Chung cư mới xây, chỉ có hai khối nhà trước và sau với khoảng 180 căn hộ. Lúc tôi dọn đến có chưa tới 30 căn có người ở. Tòa nhà ngay mặt đường, tường rào ba mặt chung quanh. Men theo tường có bồn hoa, nghe bảo sẽ trồng cây xanh tạo bóng mát. Khi ấy những bồn hoa trống không, gạch, đá, cát, vữa vẫn còn đầy bên trong.
Rồi người lục tục đến ở đông hơn và các bồn hoa được đổ đất.
Ra vô không chú ý, một ngày, đi bộ một vòng quanh tòa nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả những bồn hoa được phủ xanh, không phải hoa mà là rau.
Thì ra, có những gia đình mang hạt giống xuống trồng lấy rau sạch để ăn. Tôi thấy họ chăm, tưới, cũng “bận bịu con mọn”, nhổ cỏ, thêm đất hệt nhà nông chính hiệu. Để chữa bệnh cho cây, các chị xịt nước pha với ớt hay thực phẩm kị loại sâu nào đó, các chị ấy có giải thích nhưng tôi không nhớ hết. Mỗi sáng hay chiều các anh, chị, ông, bà… tập trung dưới sân chơi, vừa chuyện trò vừa chăm rau. Chỗ này đậu bắp, chỗ kia cải non, chỗ nọ mồng tơi… Tôi không rành việc trồng tỉa này lắm, hết đợt thu hoạch lại thấy loại rau khác thay đổi. Đặc biệt có vài cây chuối, tôi quan sát chúng từ lúc bắt đầu trổ mã màu xanh non tơ đến lúc chuyển sang màu xanh già, trông cũng hay hay.
Quen mắt với đám rau, một hôm, chạy xe một vòng, tôi ngạc nhiên khi thấy vạt dài men theo tường là gừng, cây cao khoảng gần nửa mét.
Mới hiểu ra là để chuẩn bị Tết nhưng không biết chủ nhân của nó đã ươm gừng từ khi nào.
Thấy tôi ngắm vạt gừng, một người nói, vậy là nhà này có gừng kịp làm mứt tết.
Tự nhiên, tôi cảm giác như khứu giác được đánh thức bởi mùi Tết, gian bếp cồn cào thêm bởi tiết trời se lạnh buổi sáng.
Lại nhớ, nhiều năm trước, đối diện nhà tôi khi ấy còn ở phố, có gia đình làm nghề mứt Tết. Khoảng đầu tháng Chạp đêm phố thơm nức mùi gừng, lào rào tiếng chậu thau và cả tiếng rì rầm nói chuyện. Mùi Tết đậm đặc, ngọt ngào hơn khi đến công đoạn sên đường rồi cứ thế lan tỏa từ khu phố nhỏ ra đường lớn.
Cũng thời ấy, có mấy nhà cạnh nhà tôi năm nào cũng nổi lửa nấu bánh trước nhà khi con cháu về đông đủ. Mùi khói len lỏi khắp xóm, từng nhà. Những đêm chờ Tết nhờ thế mà vui. Nhà không nấu bánh thường là gia đình ít người, vợ chồng trẻ. Một vòng phố về, người thảnh thơi dừng xe nói vài ba câu chuyện làm quà với người đang canh nồi bánh. Có khi, nán lại lâu hơn nếu câu chuyện không có hồi kết, dường như không có khoảng thời gian một năm giữa người đi xa và người ở lại.
Thời gian dần trôi, những nồi bánh tét nhỏ dần rồi mất hẳn. Có gia đình bán nhà theo con vào thành phố, có gia đình con cái ra riêng tự lo Tết ở gia đình nhỏ. Đôi lúc tôi thắc mắc không hiểu họ có đem theo mùi khói Tết cuối năm về xóm nhà mới.
Mùi gừng cũng dần biến mất khi bà cụ qua đời, con cái bán nhà, dọn đi xóm khác. Tôi cũng không biết họ có mang mùi gừng cuối năm về xóm mới.
Tôi lại nhớ đến những nồi bánh tét “công nghiệp” trên con đường tôi đi chợ mỗi ngày. Đâu quãng 20 tháng Chạp, có một người đàn ông làm công việc đắp lò ở ngoài sân. Bắt đầu là xây gạch vòng tròn sau đó mới đắp đất chung quanh. Cạnh đó cánh phụ nữ vừa vo nếp vừa chuyện trò rôm rả. Nhìn vào trong nhà nào lá, nào nếp, nào đậu xanh, dây lạc... Không khí vui như Tết khi người gói, tay làm, miệng nói, tiếng gọi bảo nhau…
Hồi tưởng tiếp, tối 30 Tết dạo một vòng ra phố, tôi thấy những cây mía ở quê đem xuống từ chiều. Lúc ấy nhà nhà sạch sẽ, tươm tất từ những chậu hoa bên ngoài cho đến đèn sáng rực bên trong.
Ngày mai là mùng một mọi người được sống chậm. Phố sẽ thức dậy trễ, đường phố vắng hơn. Mọi thứ chộn rộn dường như đã lùi lại.