Hãy sống như một đứa trẻ và bạn sẽ trở nên sáng tạo. Mọi đứa trẻ đều sáng tạo. Để sáng tạo, ta cần có sự tự do – tự do thoát khỏi tâm trí, kiến thức và những định kiến. Người sáng tạo là người có thể thử cái mới lạ. Người sáng tạo khác hẳn với con rô-bốt. Rô-bốt chẳng thể nào sáng tạo được, chúng chỉ biết lặp lại mà thôi.
Do vậy, hãy trở lại là một đứa trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mọi trẻ nhỏ đều rất sáng tạo, dù chúng được sinh ra ở đâu. Tuy nhiên người lớn chúng ta lại không tạo điều kiện cho trẻ phát huy tính sáng tạo của mình. Chúng ta đã đè bẹp và giết chết tính sáng tạo của trẻ. Chúng ta “giẫm lên chân” trẻ và dạy trẻ cách “đúng đắn” để làm mọi thứ.
Song, bạn hãy nhớ cho rằng người sáng tạo chẳng bao giờ ngần ngại thử nghiệm, dẫu có sai. Nếu lúc nào bạn cũng làm theo cách đúng, bạn sẽ chẳng bao giờ sáng tạo được bởi “cách đúng” chính là cách đã được người khác khám phá. Và làm theo “cách đúng” có nghĩa là bạn sẽ trở thành người sản xuất, kỹ thuật viên chứ không phải là nhà phát minh, người sáng tạo.
Người sáng tạo chẳng bao giờ ngần ngại thử nghiệm, dẫu có sai. Nếu lúc nào bạn cũng làm theo cách đúng, bạn sẽ chẳng bao giờ sáng tạo được bởi “cách đúng” chính là cách đã được người khác khám phá.
Đâu là sự khác biệt giữa người sản xuất và người sáng tạo? Người sản xuất biết cách đúng đắn, cũng như cách tiết kiệm nhất để làm một việc gì đó, sao cho công sức bỏ ra ít nhưng thu được kết quả tối đa. Còn người sáng tạo thì cứ làm những chuyện ngớ ngẩn. Anh ta không biết đâu là cách đúng nhất để làm, chính vì vậy mà anh không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau. Và rất nhiều lần anh ta đi sai hướng, nhưng với mỗi bước đi ấy anh lại học được nhiều điều và nhờ vậy trải nghiệm sống, cũng như kinh nghiệm làm việc của anh ngày một dày hơn. Anh ta làm những việc mà trước nay chưa ai từng làm.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện nhỏ sau:
Một giáo viên dạy giáo lý yêu cầu học trò của mình vẽ một bức tranh về gia đình Chúa Jesus. Giờ nộp bài, cô thấy đa số các em đều vẽ những bức tranh truyền thống, mô tả gia đình Chúa quây quần quanh máng cỏ, đang cưỡi trên con la hoặc đại loại như thế.
Duy chỉ có một cậu bé vẽ chiếc máy bay với bốn cái đầu ló ra ngoài cửa sổ. Cô giáo bèn tiến lại đề nghị em này giải thích về bức tranh.
− Cô hiểu em vẽ ba cái đầu là để tượng trưng cho Thánh Joseph, Mẹ Maria và Chúa Jesus Hài Đồng. Nhưng còn cái đầu thứ tư kia là của ai vậy?
− Dạ, – chú bé trả lời, – đó là phi công Pontius(*) ạ!
(*) Pontius Pilate (Pilate /’pailət/ đồng âm với từ pilot, nghĩa là phi công trong tiếng Anh) là Tổng trấn của Judae từ năm 26 đến năm 36 sau Công nguyên. Rất nhiều người chỉ trích, lên án Pilate vì ông là người trực tiếp tuyên Jesus án tử hình, đóng đinh trên Thập tự giá. Tuy nhiên, Kinh thánh đã khẳng định hết sức rõ ràng rằng chính Pilate đã bào chữa cho Jesus và tin tưởng Jesus vô tội. Pilate đã nói ông không thấy hành động của Jesus là hành vi phản nghịch. Ông ta đã thuyết phục phần lớn thành phố phóng thích Jesus và đề nghị lựa chọn giữa Jesus và tên tội phạm Barabbas. Tuy nhiên, thật không may là kế hoạch của Pilate lại mang lại kết quả ngược với dự tính. Người dân Do Thái đã kết luận Jesus phạm tội phản nghịch và lúc đó, Pilate hoàn toàn không thể làm gì để thay đổi điều đó.
Cái này mới thật là hay đây! Cái này mới là sáng tạo đây! Chú bé đã khám phá ra một điều gì đó. Nhưng chỉ có trẻ con mới làm được. Còn bạn, bạn sẽ ngần ngại làm như thế vì sợ rằng mình sẽ trông thật ngốc nghếch trong mắt người khác.
Tuy nhiên, người sáng tạo phải dám bất chấp việc trở nên ngốc nghếch trong mắt người khác. Người sáng tạo phải dám liều lĩnh đánh đổi cả lòng tôn kính dành cho anh ta. Chính vì lẽ đó mà bạn luôn thấy nhà thơ, họa sĩ, vũ công và nhạc sĩ đều không phải là những người được nhiều người kính nể. Một khi họ được vị nể, được trao giải Nobel thì họ không còn sáng tạo nữa. Kể từ giây phút đó, tính sáng tạo biến mất.
Điều gì đã xảy ra? Có bao giờ bạn thấy ai đó đoạt giải Nobel lại viết tiếp một tác phẩm khác có giá trị không? Có bao giờ bạn thấy người được tôn sùng, vị nể lại làm một điều gì đó sáng tạo không? Anh ta rất sợ. Vì nếu làm sai thì thanh danh của anh ta sẽ ra sao. Anh ta không chịu đựng nổi điều đó. Chính vì vậy mà khi một nghệ sĩ được quá nhiều người suy tôn, đấy cũng là lúc anh đã chết.
Chỉ những ai sẵn sàng đánh đổi danh tiếng, sự kiêu hãnh và lòng tôn kính của mọi người dành cho họ và dấn bước vào những “lãnh địa” mà chẳng ai nghĩ là đáng giá để bỏ công thì mới có thể sáng tạo. Những người sáng tạo thường bị coi là khùng điên trong mắt mọi người. Thế giới sẽ thừa nhận họ nhưng rất muộn màng. Dư luận vẫn nghĩ có gì đó không đúng ở những con người này và họ thường bị coi là lập dị.
Tôi cũng xin nhắc lại rằng mọi trẻ em khi sinh ra đều có khả năng trở thành người sáng tạo. Tất cả các em đều cố gắng trở thành người sáng tạo, thế nhưng người lớn chúng ta đã không cho phép điều đó xảy ra. Ngay lập tức, chúng ta dạy cho trẻ cách “đúng đắn” để làm cái này cái kia; và một khi đã học được cách làm, chúng sẽ trở thành những con rô-bốt. Cứ thế chúng lặp đi lặp lại cách làm “đúng đắn” đó và càng làm thì càng hiệu quả, càng hiệu quả thì chúng càng được mọi người nể trọng.
Trẻ trong độ tuổi từ bảy đến mười bốn thường có sự thay đổi rất lớn. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu hiện tượng này để tìm hiểu xem tại sao nó lại xảy ra và chuyện gì đã xảy ra.
Bộ não của chúng ta có hai bán cầu. Bán cầu trái không có tính sáng tạo nhưng lại rất giỏi về mặt kỹ thuật. Nó giúp ta có thể làm được điều gì đó sau khi được hướng dẫn một lần và làm rất hiệu quả, nghĩa là đúng theo kết quả dự kiến, “y khuôn” như một cái máy. Bán cầu não này mạnh về khả năng lập luận, tư duy lô-gic và toán học. Đây là bán cầu của sự tính toán, kỷ luật và trình tự.
Người sáng tạo phải dám bất chấp việc trở nên ngốc nghếch trong mắt người khác. Người sáng tạo phải dám liều lĩnh đánh đổi cả lòng tôn kính dành cho anh ta. Chính vì lẽ đó mà bạn luôn thấy nhà thơ, họa sĩ, vũ công và nhạc sĩ đều không phải là những người được nhiều người kính nể.
Trong khi đó, bán cầu não phải thì hoàn toàn ngược lại. Nó là thế giới của sự hỗn loạn, phi trật tự; là bán cầu của thơ ca chứ không phải của văn xuôi tụng ca; là bán cầu của tình yêu chứ không phải lô-gic. Bán cầu não phải có khả năng cảm nhận mạnh mẽ về cái đẹp, thấu rõ nét độc đáo, thuần chất, nguyên thủy.
Người sáng tạo không thể mang lại kết quả đúng như dự kiến, bởi anh ta cứ phải liên tục thực nghiệm. Lúc nào anh cũng sẵn sàng đón nhận rủi ro. Mạo hiểm là người tình của anh ta!
Bán cầu não phải hoạt động từ khi đứa trẻ mới được sinh ra, còn bán cầu não trái thì không. Rồi sau đó, chúng ta bắt đầu dạy cho trẻ sự vâng lời và theo đuổi cái có sẵn. Qua nhiều thời đại, chúng ta đã trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc chuyển dịch năng lượng từ bán cầu não phải sang bán cầu não trái. Toàn bộ những gì nhà trường dạy cho đứa trẻ thật ra chỉ là cách làm thế nào để đặt dấu chấm hết cho bán cầu não phải và kích hoạt bán cầu não trái. Từ bậc mẫu giáo cho đến bậc đại học, cái được gọi là giáo dục - đào tạo chỉ là một nỗ lực nhằm hủy diệt bán cầu phải và giúp cho bán cầu trái phát triển. Thế là người lớn chúng ta đã thành công, còn đứa trẻ thì đã chết!
Kể từ đó, đứa trẻ không còn hoang sơ nữa mà đã trở thành người văn minh. Trẻ được học về kỷ luật, ngôn ngữ, lô-gic và văn xuôi tụng ca. Trẻ bắt đầu cạnh tranh ở trường, trở thành con người đầy bản ngã và tập nhiễm theo những thứ khùng điên đang lan tràn khắp xã hội. Trẻ quan tâm hơn đến quyền lực, tiền bạc. Trẻ bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để trở nên học thức hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều quyền lực hơn; hoặc làm thế nào để kiếm tiền nhiều hơn, có nhà to hơn… Khi đó, bán cầu não phải ngày càng hoạt động ít đi hoặc chỉ hoạt động khi bạn ngủ mơ, hoặc thỉnh thoảng khi bạn say ma túy…
Ở các nước phương Tây, ma túy có một sức hấp dẫn lớn là vì phương Tây đã thành công trong việc hủy diệt hoàn toàn bán cầu não phải với cách giáo dục cưỡng bức. Họ đã trở nên vô cùng “học thức”, nghĩa là họ đã lệch hẳn sang một thái cực. Giờ đây gần như không còn khả năng nào nữa… Trừ khi chúng ta có phương cách nào đó có thể giúp tăng cường sử dụng bán cầu não phải trong trường học, bằng không thì tình trạng nghiện ngập ma túy chẳng đời nào được xóa bỏ. Chúng ta không thể cấm sử dụng ma túy chỉ đơn thuần bằng luật pháp.
Cái hấp dẫn của ma túy là ở chỗ bạn có thể ngay lập tức “sang số”, tức là chuyển năng lượng từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải. Rượu bia cũng có tác dụng “hỗ trợ” tương tự như vậy từ hàng thế kỷ qua, nhưng ngày nay đã có các loại chất gây nghiện với tác dụng vượt trội như LSD (một loại ma túy gây ảo giác cực mạnh), cần sa và trong tương lai thậm chí sẽ còn nhiều loại ma túy khác công hiệu hơn nữa.
Và tội phạm không chỉ là kẻ nghiện ma túy mà còn có cả các chính trị gia, các nhà giáo dục học. Họ đã buộc tâm trí con người phải tiến về một thái cực đầy cực đoan. Thơ ca đã biến mất hoàn toàn khỏi đời sống con người, cái đẹp cũng mất tăm và tình yêu cũng thế. Giờ thì tiền, quyền lực và sức ảnh hưởng đã trở thành “Thượng đế”.
Làm sao nhân loại có thể sống không tình yêu, không thơ ca, không niềm vui và không lễ hội? Sẽ chẳng được bao lâu đâu. Và trên toàn thế giới, thế hệ công dân mới đang làm một công việc phục vụ lớn lao là phô bày ra sự ngu xuẩn của cái gọi là giáo dục. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những kẻ nghiện ma túy hầu như đều bỏ học nửa chừng. Đó là một phần của cuộc nổi dậy.
Và một khi đã cảm nhận được niềm vui từ ma túy, con người rất khó cưỡng lại. Họ chỉ có thể từ bỏ ma túy khi tìm được những cách khác tốt hơn có thể giúp họ giải phóng tinh thần thơ ca. Thiền định là một cách như thế, ít gây tàn phá hơn, ít độc hại hơn bất kỳ loại hóa chất nào. Trong thực tế, thiền định không hề có hại mà chỉ có lợi. Thật ra thì thiền định cũng có tác dụng chuyển dịch sự tập trung từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải. Nó giúp giải phóng tiềm lực sáng tạo bên trong bạn.
Hiểm họa do ma túy gây ra trên khắp toàn cầu chỉ có thể tránh khỏi bằng một biện pháp duy nhất, đó là thiền định, ngoài ra không còn cách nào khác. Nếu thiền định ngày càng trở nên phổ biến và đi vào đời sống con người thì ma túy sẽ biến mất.
Giáo dục cũng nên bắt đầu như thế nào để tuyệt đối không bỏ lơ bán cầu não phải cùng các chức năng của nó. Phải chi trẻ con được dạy rằng bộ não bao gồm hai bán cầu, cũng như được dạy cách vận dụng, lẫn thời điểm vận dụng từng cái một... bởi có những tình huống chỉ cần đến bán cầu não trái (chẳng hạn như tính toán khi đi chợ hoặc trong công việc hằng ngày) và có những lúc chỉ cần đến bán cầu não phải.
Hãy luôn nhớ rằng não phải là mục tiêu, còn não trái chỉ là phương tiện. Não trái phải phục vụ cho não phải. Não phải là “ông chủ” bởi bạn kiếm tiền chỉ vì muốn tận hưởng cuộc sống, muốn làm cho cuộc sống của mình trở thành ngày hội. Bạn muốn có một số tiền trong ngân hàng chỉ vì để bạn có thể yêu đương. Bạn làm việc để mình có thể vui chơi, thư giãn. Do vậy mà vui chơi và thư giãn mới là mục tiêu.
Tư tưởng “sống vì công việc” chỉ là một tàn tích của quá khứ và chúng ta phải vứt bỏ nó đi. Nền giáo dục phải trải qua một cuộc cách mạng. Chúng ta không nên ép buộc mọi người, con trẻ cũng không nên bị ép buộc theo những khuôn mẫu sáo mòn. Giáo dục là gì? Có bao giờ bạn suy ngẫm về nó chưa? Đơn giản nó chỉ là một sự rèn luyện trí nhớ. Bạn không thể nào thông minh hơn nhờ nó mà chỉ càng trở nên tối dạ hơn. Bạn trở thành kẻ ngốc! Khi mới bắt đầu đi học, đứa trẻ nào cũng thông minh sáng dạ nhưng hiếm có ai tốt nghiệp đại học mà vẫn còn thông minh. Rất hiếm! Bạn ra trường với tấm bằng trong tay nhưng bạn đã mua nó với một cái giá rất đắt: bạn đã đánh đổi nó bằng sự thông minh, niềm vui và cả cuộc đời của bạn; bạn đã đánh mất chức năng của bán cầu não phải.
Rồi bạn đã học được những gì? Chỉ là thông tin thôi. Tâm trí bạn chứa đầy dữ liệu, ký ức. Bạn lặp lại chúng, thế là bạn tạo ra sản phẩm. Bài thi cũng là một dạng sản phẩm như thế. Người được cho là thông minh chính là người có thể nôn ra những gì đã được tọng vào! Trước tiên, anh ta bị ép phải nuốt vào, phải nuốt tọng, để rồi lại nôn trở ra trên bài thi. Nếu bạn nôn chính xác những gì đã được nhồi vào, bạn sẽ là người thông minh.
Tư tưởng “sống vì công việc” chỉ là một tàn tích của quá khứ và chúng ta phải vứt bỏ nó đi. Nền giáo dục phải trải qua một cuộc cách mạng. Chúng ta không nên ép buộc mọi người, con trẻ cũng không nên bị ép buộc theo những khuôn mẫu sáo mòn.
Bạn cần hiểu rằng bạn chỉ có thể nôn ra những gì mình không tiêu hóa được. Còn nếu đã tiêu hóa được, bạn không thể nào nôn ra mọi thứ y như cũ, mà phải có cái gì đó mới mẻ – chẳng hạn như máu, chứ không thể nào là ổ bánh mì bạn đã ăn. Do vậy, bạn chỉ cần giữ mọi thông tin bên trong mà không cần tiêu hóa gì, sau đó mọi người sẽ bảo rằng bạn rất, rất thông minh. Ôi, những kẻ ngu ngốc nhất lại được cho là thông minh nhất! Thật đáng tiếc!
Bạn có biết Albert Einstein đã từng thi rớt đại học? Thông minh sáng tạo là thế đấy. Ông ấy khó mà hành xử ngu ngốc theo cách mà mọi người vẫn làm.
Khi một người làm theo phương thức mới, anh ta nên được đánh giá cao. Không nên đặt ra những đáp án đúng - sai, bởi chẳng hề có câu trả lời đúng - sai mà chỉ có câu trả lời thông minh hay đần độn mà thôi. Chính việc phân loại đúng - sai đã là sai trái.
Tất cả những người nổi tiếng đạt huân chương vàng trong trường đều biến mất. Họ chẳng thể hiện được họ có thể mang lại những lợi ích nào. Hào quang của họ chấm dứt cùng với những tấm huân chương và rồi chẳng ai tìm thấy họ nữa, cuộc đời chẳng còn nợ họ điều gì. Chuyện gì đã xảy ra với những con người ấy? Để có được tấm chứng chỉ, họ đã phải đánh đổi bằng tất cả mọi thứ.
Kiểu giáo dục này phải được thay đổi một cách triệt để. Trong các lớp học cần có thêm nhiều tiếng cười hơn, náo loạn hơn, nhiều vũ điệu hơn, nhiều bài hát hơn, nhiều thơ ca hơn, nhiều sự sáng tạo hơn và nhiều sự thông minh hơn. Kể cả tình trạng lệ thuộc vào trí nhớ cũng phải chấm dứt.
Mọi người nên được theo dõi sát sao và được giúp đỡ để phát huy trí thông minh hơn nữa. Khi một người làm theo phương thức mới, anh ta nên được đánh giá cao. Không nên đặt ra những đáp án đúng - sai, bởi chẳng hề có câu trả lời đúng - sai mà chỉ có câu trả lời thông minh hay đần độn mà thôi. Chính việc phân loại đúng - sai đã là sai trái.
Không hề có câu trả lời đúng – sai: hoặc là đần độn, rập khuôn; hoặc là sáng tạo, nhanh nhạy, thông minh. Ngay cả câu trả lời rập khuôn có vẻ đúng thì cũng không nên được đánh giá cao quá vì đó chỉ là sự lặp lại. Còn câu trả lời thông minh, cho dù không hoàn toàn đúng hay thích hợp với tư tưởng cũ, thì cũng nên được khen ngợi vì nó mới mẻ và thể hiện được sự thông minh.
Nếu muốn sáng tạo, bạn phải làm gì? Hãy buông bỏ tất cả những gì xã hội đã làm cho bạn. Khi đó bạn sẽ lại trở nên sáng tạo, bạn sẽ có lại cảm giác hồi hộp, sôi nổi và hào hứng thuở ban đầu. Cảm xúc đó vẫn nằm yên chờ bạn và đang bị kìm nén. Và một khi năng lượng sáng tạo trong bạn được giải phóng, bạn sẽ trở thành con người tâm linh. Đối với tôi, người tâm linh luôn có tính sáng tạo. Tất cả chúng ta khi được sinh ra ai cũng sáng tạo, nhưng tiếc rằng rất ít người còn nuôi giữ được khả năng này.
Nếu muốn sáng tạo, bạn phải làm gì? Hãy hủy bỏ tất cả những gì xã hội đã làm cho bạn. Khi đó bạn sẽ lại trở nên sáng tạo, bạn sẽ có lại cảm giác hồi hộp, sôi nổi và hào hứng thuở ban đầu.
Thoát ra khỏi cái bẫy chính là quyền lợi của bạn. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Dĩ nhiên là bạn phải hết sức can đảm bởi khi bạn bắt tay vào việc buông bỏ một điều gì đó mà xã hội đã định đoạt cho bạn, bạn sẽ đánh mất sự kính nể của mọi người. Người ta sẽ không còn thấy bạn đáng trọng nữa và trong mắt mọi người, bạn là một kẻ gàn dở: “Con người đáng thương này bị làm sao ấy!”.
Nếu muốn sáng tạo, nhất định bạn phải mạo hiểm nhưng đó là việc đáng làm.