B
ố mẹ bạn có thể gọi bạn là một nữ hoàng (hay ông hoàng) sân khấu vì bạn luôn quan trọng hóa mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống – chẳng hạn như bạn khóc hết nước mắt sau khi bị ngã và trầy đầu gối, sợ chết điếng trong phòng khám bác sĩ lúc chuẩn bị được tiêm thuốc, hay khi bạn làm mình làm mẩy vì bố mẹ không đáp ứng những yêu cầu của bạn ngay lập tức.
Thế nhưng, cũng sẽ có những lúc ông hoàng hay nữ hoàng sân khấu trong nhà không phải là bạn, mà là bố hoặc mẹ bạn. Và có thể nói, bố mẹ bạn mới chính là một ông vua hay nữ hoàng sân khấu thực sự trong gia đình bạn. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, tôi đã có rất nhiều trận chiến bằng gối với các em gái và em trai của mình. Hầu hết những cuộc chiến rất vui vẻ đó đã bị mẹ tôi ngăn lại một cách không khoan nhượng. Bà đi lên lầu, hướng về phía phòng ngủ của tôi và yêu cầu tất cả chúng tôi dừng ngay cuộc chiến bằng gối lại ngay lập tức vì: “Tất cả đều vui vẻ và là trò chơi cho đến khi có ai đó bị thương tật!”.
Lần đầu tiên nghe mẹ nói câu này, tất cả chúng tôi đều đứng lặng người trên giường một lúc và cố gắng hiểu xem ý nghĩa trong câu nói này là gì. Chúng tôi tự hỏi làm sao có thể bị đau trong một cuộc chiến bằng gối với những cái gối thậm chí còn không có cả dây kéo như vậy (mà tôi tin rằng dù có dây kéo thì nó cũng chẳng có vấn đề gì nguy hiểm cả). Sau một lúc, tất cả chúng tôi cười rộ lên vì không tin rằng việc đánh nhau bằng gối có thể trở thành một thảm họa như mẹ nghĩ.
Nhiều năm sau, con gái của tôi cũng có phản ứng tương tự và bật cười khi tôi nói câu đó. Và đến lúc này, tôi nhận ra rằng điều mà mẹ tôi muốn nói đến ngày đó còn quan trọng hơn cả việc đánh nhau bằng gối.
Tôi luôn cho rằng công việc chính của một đứa trẻ là tìm hiểu xem điều gì có thể đem đến niềm vui cho mình. Còn công việc chính của các bậc phụ huynh là xác định xem điều gì thì nguy hiểm với con cái họ. Cả hai công việc này đều quan trọng. Nhưng hầu hết mọi đứa trẻ đều cảm thấy bị tổn thương khi bị bố mẹ ngăn cấm chúng không được làm một điều gì đó đang gây hứng thú cho chúng. Lúc này, chúng không ý thức được rằng những việc làm đó rất nguy hiểm và có khả năng khiến mình bị tổn thương. Nhảy ào xuống đáy hồ bơi hay đáy biển có thể rất vui đấy. Nhưng nếu bạn không biết mực nước sâu bao nhiêu, bạn có thể bị cụng đầu và gãy cổ như chơi. Đi xe đạp cũng rất vui vẻ, nhưng nếu bạn đi không vững hoặc không nhìn trước ngó sau khi sang đường, bạn có thể bị té hoặc bị xe khác tông phải.
Việc nhận thức được rằng sự vui vẻ cũng đi cùng với nguy hiểm là một trong những lý do mà bố mẹ bạn nói với bạn những câu có vẻ rất vô lý như vậy. Không phải họ không muốn bạn được vui vẻ. Chỉ là họ muốn bạn cẩn thận khi tận hưởng niềm vui đó cũng như cân nhắc những rủi ro có thể xảy ra.
Những đứa trẻ lớn lên an toàn, thông minh và vui vẻ là những đứa trẻ biết cách kiểm soát được những nguy cơ mà chúng phải đối mặt trong cuộc sống. Xác định xem một trò gì đó ẩn chứa nguy cơ gì – hay có thể trở nên nguy hiểm ra sao – là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn cần phải học trong cuộc sống. Những người thông minh vẫn có thể bị tổn thương, mất mát tiền của và cả những mối quan hệ quanh mình nếu họ không học cách xác định xem điều gì là an toàn và điều gì ẩn chứa nhiều rủi ro.
Khi bạn lớn hơn một chút, sự mạo hiểm mang một ý nghĩa khác biệt và mới mẻ hơn. Nếu bạn bắt chước người lớn uống bia rượu, khi đó bạn không chỉ đang vi phạm pháp luật mà còn tự đặt mình vào vòng nguy hiểm. Men rượu khiến bạn không đủ tỉnh táo để làm chủ bản thân mình và có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc về sau. Nhiều người lái xe trong tình trạng say xỉn và cái giá mà họ phải trả chính là mạng sống của họ. Ma túy cũng vậy. Ma túy có thể tạo ra cảm giác rằng mọi thứ trên thế giới này thật hoàn hảo ngay khi bạn sử dụng, nhưng nó cũng chính là nguyên nhân khiến đầu óc bạn mụ mị và phá hỏng cuộc đời bạn.
Tuy vậy, nếu bạn có thể học được cách nhận biết những rủi ro tiềm ẩn, cuộc sống của bạn sẽ là một trận đánh lớn bằng gối đầy hạnh phúc và không có dây kéo sắc nhọn. Và tất nhiên khi đó sẽ không có ai bị thương cả.