C
ó lẽ giống như hầu hết các bạn, tôi rất thích để phòng mình bừa bộn. Tôi thích treo quần áo lên cây cột ở đầu giường để có thể mặc chúng vào bất cứ lúc nào. Tôi thích để những miếng pizza ăn dở ngay trên bàn học để có thể dùng chúng làm thức ăn giữa bữa. Tôi thích để những quả bóng của mình gần cửa ra vào, để làm “bằng chứng tố giác” những ai xâm phạm bất hợp pháp vào phòng riêng của mình. Trên hết, tôi thích cái cảm giác rằng tôi có thể đặt những món đồ của mình bất cứ nơi nào mình muốn. Đồ đạc của tôi, phòng của tôi, phong cách của tôi và tôi cảm thấy thoải mái với điều này.
Thật không may, mẹ tôi lại không cảm thấy như vậy. Bà có những suy nghĩ hoàn toàn khác. Một trong những câu nói khó chịu mà tôi phải thường xuyên nghe bố mẹ mình nói là: “Hãy dọn phòng của con đi!”. Tôi tự hỏi tại sao mẹ tôi lại dành một mối quan tâm đặc biệt đối với không gian riêng tư của tôi cũng như cái hệ thống quần áo–bánh pizza nguội–những trái bóng mà tôi đã thiết lập như vậy. Tôi đã đặt một tấm biển “CẤM XÂM PHẠM!” bên ngoài cửa phòng để yêu cầu mẹ tôn trọng sự riêng tư của mình. Nhưng biển báo hiệu này hầu như chưa bao giờ phát huy tác dụng cả.
Rồi một ngày nọ, tôi đến thăm nhà Craig, một người bạn của tôi, và thấy cậu ấy làm một việc mà chưa ai trong số các bạn tôi từng làm. Trước khi chúng tôi đi chơi bóng chày, Craig cho quần áo bẩn của mình vào giỏ và mang cái giỏ đó xuống tầng dưới để cho vào máy giặt. Rồi cậu ấy còn nhấn nút giặt nữa chứ! Tôi nhìn Craig như thể cậu ấy là người ở hành tinh khác vậy. Craig cũng nhìn lại tôi, ngạc nhiên: “Sao thế? Tớ luôn làm việc này mà. Có gì ngạc nhiên đâu!”.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất chính là thái độ của mẹ Craig khi đó. Bà bước tới, nhìn cậu ấy, mỉm cười: “Con là đứa con trai tuyệt vời nhất, Craig ạ. Mẹ rất vui vì hành động này của con đấy”.
Hôm đó về nhà, từ trong sâu thẳm lòng mình, thực sự tôi cũng muốn mẹ tự hào về mình như thế. Vậy là hôm đó tôi dọn dẹp tất cả quần áo của mình, cho những miếng pizza còn lại vào thùng rác và bỏ những quả bóng ra khỏi cửa. Tôi dọn phòng mà không đợi mẹ nhắc nhở, và giữ cho căn phòng gọn gàng, ngăn nắp cho đến khi tôi đi ra ngoài. (Tất nhiên sau đó nó lại quay về tình trạng bừa bộn, nhưng đó lại là một chuyện khác.)
Hôm đó ở nhà Craig, tôi phát hiện ra rằng phòng của tôi không thực sự là phòng của tôi. Nó là phòng của tôi trong ngôi nhà của bố mẹ tôi. Bố mẹ đã làm việc rất vất vả để có một ngôi nhà cho tất cả các thành viên trong gia đình tôi ở, và với việc làm cho phòng mình luôn lộn xộn, tôi đã gián tiếp tuyên bố rằng tôi không tôn trọng những công sức mà bố mẹ mình đã bỏ ra. “Hãy dọn phòng của con đi” không phải là lời nói nhắm đến những bộ quần áo bừa bộn, những miếng bánh pizza nguội lạnh hay những quả bóng bị vứt lung tung. Nó nhắc nhở tôi nhớ rằng tôi là một phần của gia đình và tôi cần góp sức để giữ cho gia đình mình luôn sạch đẹp, đầm ấm và yên vui.
Chúng ta thường dễ dàng nhận biết một ai đó không tôn trọng mình, nhưng liệu chúng ta có thực sự biết khi nào mình tỏ ra không tôn trọng người khác không? Sự tôn trọng phải xuất phát từ cả hai phía thì mới có thể được gọi là tôn trọng thực sự. Đó là một sự thỏa thuận, và việc dọn dẹp phòng của bạn là một phần của sự thỏa thuận đó.
Nếu gia đình bạn có người giúp việc thì điều này cũng không có nghĩa là bạn thoát khỏi nhiệm vụ giữ cho phòng mình ngăn nắp, gọn gàng. Nếu bạn dọn dẹp phòng mình và mang quần áo bẩn đi giặt, người giúp việc sẽ không phải làm việc đó và họ có thể dọn dẹp những phần khác của ngôi nhà. Vì thế họ có thể kết thúc công việc nhanh hơn và tiết kiệm cho bố mẹ bạn được một ít tiền.
Bằng cách tự dọn dẹp phòng riêng, bạn đã chứng tỏ rằng mình biết tôn trọng gia đình và có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Chắc chắn rằng, bánh pizza nóng sốt, quần áo sạch sẽ và cảm giác hài lòng của bố mẹ thật đáng để bạn hy sinh thói lười biếng của mình!