Tự tại từ bên trong mang đến sự tự do bên ngoài
Một lí tưởng sống lành mạnh giúp chúng ta dễ dàng từ bỏ các chấp trước Thân thể và tinh thần chúng ta tự tại trước những khao khát tham đòi đó mới là sự tự do thực sự
Một người đàn ông trẻ có nước da ngăm ngăm, ăn mặc lịch lãm, ngồi trước mặt tôi. Mái tóc của anh ta được vuốt gọn gàng sang một bên. Anh rõ ràng là một người nửa nghệ sĩ nửa trưởng giả học làm sang. Người như anh rất phổ biến trong đô thị hiện đại. Những lời than vãn của anh ta là những thở than quen thuộc của người bị chứng loạn thần kinh chức năng hiện đại. Anh mệt mỏi và yếu đuối, anh không có khả năng tập trung trong thời gian dài. Anh làm thư kí trong một văn phòng, và đã mất việc vì sự suy giảm khả năng ghi nhớ của mình. Cha anh vất vả tìm được cho anh ta một vị trí trong ngân hàng. Ở nơi đó, một tương lai tươi sáng đang chờ anh. Cũng chính ở nơi đó, một hiện tại nhàm chán dần hạ gục anh. Cả ngày không có gì ngoài những con số, con số và con số. Anh không thể chịu được điều đó. Sự kiên nhẫn của anh gần như cạn kiệt. Những con số nhảy múa trước mắt anh, anh mắc nhiều lỗi vượt quá mức cho phép của một viên chức ngân hàng. Anh ta xin tôi kí giấy xác nhận cho tình trạng mất kiên nhẫn của mình, để anh ta từ chức ở văn phòng một cách danh dự trước khi bị sa thải vì không đủ năng lực.
“Vâng, và anh sẽ làm gì tiếp theo? Anh đã có công việc nào khác chưa?”
“Chắc chắn rồi.” Anh trả lời sốt sắng, đối lập hẳn với vẻ u sầu, bất cẩn của mình. “Tôi muốn được tự do. Tôi không phù hợp với công việc văn phòng. Tôi không thể chịu đựng các vị sếp xung quanh và bị Tom, Dick hay Harry giáo huấn chỉ vì họ đã làm việc lâu hơn tôi vài năm.”
“A, bây giờ tôi đã hiểu tại sao anh không thể tính toán hay suy nghĩ. Anh đang sống trong tình trạng xung đột tâm lí thường trực. Bởi vì anh không có ham muốn làm công việc mà anh không thể làm. Nhưng anh muốn làm việc gì? Anh đã học hỏi được gì?”
“Học được ư? Nói thật nhé, đó chỉ là những gì người ta học ở một trường thương mại. Tôi không muốn làm kinh doanh. Tôi chỉ muốn tờ giấy xác nhận đó để cha tôi thấy rằng sức khỏe của tôi không cho phép tôi làm việc trong văn phòng. Ông có nghĩ bất cứ ai cũng có thể làm việc hiệu quả từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối và chỉ có một tiếng cho bữa trưa không?”
“Anh làm việc tám giờ một ngày thôi mà! Tôi đảm bảo với anh rằng có hàng ngàn người chỉ cần được làm việc cũng đã thấy hạnh phúc rồi. Anh có chắc sẽ làm việc ít hơn khi anh tự do?”
“Chắc chắn. Khi đó tôi sẽ chẳng phải làm việc gì.”
“Vậy...” Tôi trả lời một cách kinh ngạc “... Tôi tò mò muốn biết ở công ty nào người ta không phải làm việc. Anh định làm gì khi cha anh cho anh tiền?”
Khuôn mặt trẻ trung nở một nụ cười hạnh phúc, như một ngôi sao lấp lánh. “Tôi biết chơi các môn thể thao. Tôi sẽ tham gia các cuộc thi đấu!”
Khát khao tự do thực ra là mong muốn an dật và lười biếng
Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi biết những con người hiện đại làm việc miễn cưỡng ra sao. Họ dồn toàn bộ năng lượng cho những mơ mộng viển vông. Nhưng người đàn ông khôn ngoan này lại thẳng từng nói ra mong muốn đó. Thật là mới lạ với tôi. Một động lực kì quặc cho mục đích trở nên tự do. Tôi suy nghĩ về vấn đề này liên tục trong một thời gian dài. Tôi sớm nhận thấy rằng chàng trai kia chỉ là một kẻ cực đoan. Anh ta thuộc một nhóm người phổ biến thích thể hiện bản thân họ qua ham muốn tự do. Khi tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa hơn của ham muốn tự do, chúng ta sẽ thấy đó là mong muốn đảm bảo cho chính mình một niềm vui lớn chỉ từ một khoản đầu tư nhỏ. Nhưng rõ ràng nó chỉ là mộng mơ vậy thôi.
Đằng sau khát khao tự do không đơn giản chỉ là cảm giác kiêu hãnh khi tự lực. Cốt lõi của vấn đề là: Lười biếng
Tự do? Thật kiêu ngạo! Thật trơ tráo! Một kẻ chẳng hay biết gì về những tấn bi kịch hàng ngày vì những chuyện như thế không xuất hiện trên mặt báo. Người bán hàng sau bao năm làm việc có thể đảm bảo và yên tâm với vị trí của mình, anh trở thành nạn nhân của khao khát tự do. Anh không ngừng đấu tranh với nỗi lo âu và phiền muộn kéo dài để rồi anh suy sụp méo mó. Anh ta từ bỏ giấc mơ đẹp đẽ, đặt cái tôi kiêu hãnh trong vòng kìm kẹp. Một nhà văn bắt đầu viết tờ báo của riêng mình và nhìn thấy những đồng tiền tiết kiệm quý báu của mình chảy đi theo những trang báo in đẹp mắt. Diễn viên trở thành giám đốc công ty riêng của mình. Thương buôn xây dựng nhà máy riêng. Một đám người muốn tự do.
Sẽ thật phiến diện nếu không thừa nhận rằng ngoài yếu tố muốn công việc của mình dễ dàng hơn, ẩn sau một khao khát tự do còn có một tham vọng đứng cao hơn người khác. Con người hiện đại luôn bị ràng buộc với cuộc sống. Chúng ta chỉ là một cái ốc vít nhỏ trong một cỗ máy rộng lớn. Một con ốc có ít hoặc không có ảnh hưởng nào đến hiệu quả làm việc của bộ máy phức tạp. Chúng ta có thể bị ném sang một bên, hoặc bị thay thế. Tất cả chúng ta đều cảm thấy gánh nặng của cuộc sống hiện đại, theo bản năng chúng ta đều phiền muộn vì nó và cố gắng chống lại nó. Chúng ta mong muốn cắt đứt sợi dây trói buộc ta với những ngày tháng tầm thường và trở thành đòn bẩy khiến máy móc hoạt động.
Thật ngu ngốc! Vô dụng và vô ơn! Ngày nay ai có thể tự do và chuyên quyền? Liệu có công việc nào lấy làm tự hào vì đứng bên ngoài cuộc sống không? Đó là một ước mơ hão huyền đang vẫy gọi và dẫn chúng ta vào con đường lầm lạc.
Làm chủ có phải là tự do?
Chúng ta còn lâu mới tự do.
Chúng ta tự lập nghiệp, không còn ông chủ nữa. Nhưng chúng ta lại làm nô lệ của vô số bạo chúa mới.
Chúng ta phải quy phục trước ý chí của khách hàng. Công việc chúng ta làm trông có vẻ tự do nhưng thực tế không hề tự do.
Bác sĩ phụ thuộc vào ý thích bất chợt của bệnh nhân.
Luật sư nài nỉ thiện cảm từ thân chủ.
Nhà văn rên rỉ dưới chiếc roi da của công chúng. Và, thật kì lạ, nghề viết văn lại thu hút nhiều người trẻ vì họ rằng đây là một nghề tự do. Không thiếu những người trẻ bất mãn, họ cầm bản thảo dày cộp cùng hồ sơ xin việc, xin được giới thiệu cho một số nhà xuất bản để từ đó mở ra sự nghiệp của một nhà văn. Họ muốn trở nên tự chủ và tự do. Làm sao để chỉ ra cho họ thấy nghề viết không tự do như họ tưởng.
Một người chưa bao giờ đặt bút viết bỗng quyết định trở thành nhà báo. Anh ta nghĩ chỉ cần có ý chí muốn trở thành một nhà báo thôi là đủ. Họ đã được chuẩn bị năng lực đầy đủ cho nghề báo vì họ viết bài luận xuất sắc khi còn đi học. Họ không ngờ rằng sự tự do của nhà báo là một câu chuyện huyền thoại chỉ được tung hô bởi những người chưa từng trải qua nghề báo. Họ đâu biết nhà báo là nô lệ không chỉ của công chúng mà còn của thời gian. Người làm báo ngay cả một phút trong ngày dành cho bản thân cũng không có. Anh ta sẵn sàng đổi cây bút lấy một công cụ thô kệch hơn, nếu có thứ nào như thế.
Không hài lòng với nghề nghiệp cũng khiến một người muốn tự do. Ngày nay có mấy ai hài lòng với nghề nghiệp của mình, hoặc với chính mình?! Tất nhiên chúng ta chẳng cần quay trở lại “ngày xa xưa tốt đẹp”. Nhưng hạnh phúc trong công việc và sự mãn nguyện với nghề nghiệp thời xưa chắc chắn phổ biến hơn nhiều so với bây giờ. Nếu không, chẳng bao giờ có chuyện truyền nghề từ thế hệ này cho thế hệ sau.
Chúng ta hôm nay thì thế nào?
Vị bác sĩ khóc: “Con trai tôi có thể làm nghề gì cũng được ngoại trừ làm bác sĩ.”
Viên công chức nói: “Con trai tôi sẽ may mắn hơn tôi, dù thế nào nó cũng không phải làm một công chức viên.”
Diễn viên lên tiếng: “Hãy làm những gì con muốn, con trai, nhưng nhưng đừng làm nghệ sĩ. Nghệ thuật là món bánh mì cay đắng nhất.”
Các thương gia muốn con trai mình trở thành một luật sư – luật sư cho một thương gia, v.v…
Chúng ta ghen tị với người khác bởi tất cả chúng ta đều không hài lòng và không vui vẻ với bản thân. Lí tưởng tuyệt vời phơi bày trước mắt chúng ta, chẳng cần đến phiếu giảm giá. Tiền bạc là một đảm bảo cho con đường đến với tự do. Ai cũng nghĩ vậy. Nhưng nếu chúng ta hỏi những người giàu về điều này, chúng ta có lẽ sẽ kinh ngạc. Tôi biết một người phụ nữ sở hữu một khối tài sản rất lớn và là nô lệ tuyệt đối cho nó. Tôi đề nghị cô ấy đi một chuyến du lịch vì sức khỏe. Câu trả lời của cô ấy là: “Anh nghĩ tôi có thể đi xa trong một tuần sao? Anh không biết công việc tôi phải làm. Khi thì làm vài việc với cục thuế, lúc khác lại tuyển một giám sát mới! Rồi đón tiếp khách! Tôi bận rộn từ sáng đến tối.” Tôi khuyên cô ấy thuê một người quản lí, cô ấy cười vui vẻ: “Mọi chuyện sẽ được giải quyết nếu tôi làm thế! Nhưng tôi sẽ mất khoản đền bù duy nhất tôi có: sự tự do của tôi!”
Bất cứ nơi nào chúng ta nhìn vào, ta sẽ thấy: Càng lên vị trí cao, càng ít sự tự do thực sự. Tâm lí xã hội hiện đại cho chúng ta thấy điều gì? Tiếng kêu gào đòi hỏi tự do ở khắp mọi nơi như một thái độ xã hội căn bản.
Phải chăng chúng ta không có sự tự do? Liệu con người có thể vượt lên trên hoàn cảnh của bản thân và có một cái nhìn cao hơn? Chắc chắn có thể tự do. Nhưng chúng ta phải vẽ một đường phân biệt rõ ràng giữa hai loại tự do khác nhau.
Có một loại tự do bên ngoài và một loại tự do bên trong
Người ta có thể hi vọng đạt được sự tự tại trọn vẹn. Chỉ có tự tại từ bên trong mới mang đến sự tự do bên ngoài. Một lí tưởng sống lành mạnh giải phóng tinh thần giúp chúng ta dễ dàng từ bỏ các chấp trước. Thân thể và tinh thần chúng ta tự tại trước những khao khát tham đòi, đó mới là sự tự do thực sự. Đó là lí do tại sao người nghèo nhất trong những người nghèo lại tự do hơn người giàu nhất trong số những người giàu.
Tôi muốn nói về câu chuyện thú vị của nhà vua. Bác sĩ của ngài đã đảm bảo rằng ông sẽ khỏe mạnh nếu có thể mặc áo của một người đàn ông hạnh phúc. Thông điệp tìm kiếm được gửi đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Than ôi! Không thể tìm thấy một người đàn ông hạnh phúc. Cuối cùng họ tìm đến một ẩn sĩ vui vẻ dường như lúc nào cũng hạnh phúc, ở sâu trong một khu rừng tối tăm. Nhưng người đàn ông hạnh phúc duy nhất trên thế giới rộng lớn này không có chiếc áo nào cả.
Chúng ta khoác lên và phô bày vô số bộ quần áo, vỏ bọc, che giấu con người thực sự của mình, nhưng lại tưởng đó là bảo vệ bản thân. Thực tế là chúng ta đang tự vùi lấp chính mình.
Chúng ta sẽ phải cởi bỏ rất nhiều lớp áo để trở nên tự tại từ bên trong