Ước gì tôi có được quyển sách này khi tôi mới bước vào sự nghiệp lãnh đạo lần đầu tiên trong cuộc đời mình. Khi đó, tôi lần mò và mắc nhiều sai sót thật đáng tiếc. Với vai trò là một chuyên gia về bệnh bạch cầu và là hiệu trưởng trường Y khoa Lozano Long thuộc trường Đại học Texas Health Center tại San Antonio, tôi lãnh đạo một ngôi trường y khoa với hơn 1.300 bác sĩ và nhà khoa học, 900 sinh viên y khoa, gần 3.000 nhân viên, cùng 800 bác sĩ đang học tập và nghiên cứu tại đó. Thêm nữa, tôi còn quản lý một phòng thí nghiệm đang nghiên cứu những loại thuốc mới giúp chữa ung thư. Trước đó, tôi là trưởng khoa Dược thuộc Đại học Florida, tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã thực hiện chuyển giao công nghệ sinh học ra thị trường trị giá hơn một tỷ đô-la Mỹ.
Tôi phải lãnh đạo những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nhà hóa học hữu cơ, sinh học phân tử, tim mạch, chiếu xạ laser trên da. Từ các kỹ sư y sinh đến toán học, từ nhà sinh lý học đến dược lý phân tử, tôi còn phải làm việc với hàng trăm nhà khoa học khác không phải là bác sĩ. Chúng tôi hỗ trợ một nhóm đa dạng những nhà khoa học máy tính, từ các kỹ sư phần cứng, lập trình viên phần mềm, chuyên gia an ninh mạng và phân tích dữ liệu số. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi bao gồm cả các nhà báo, chuyên gia kiểm định chất lượng, phân tích thị trường, kế toán và các chuyên gia quản trị kinh doanh. Kinh nghiệm làm việc của tôi với những chuyên gia rất thông minh này đã dạy cho tôi một điều rằng thiên tài xuất hiện không hề giống nhau mà muôn hình vạn trạng, không chỉ xuất hiện ở một hoặc vài lĩnh vực. Hàng trăm người, mỗi người mỗi vẻ, xuất chúng trong nhiều lĩnh vực, tất cả họ đều là thành viên của nhóm nghiên cứu này. Một điều tôi biết chắc là nhóm thiên tài này cần những nguyên tắc lãnh đạo mới.
Thách thức của tôi chính là việc quản lý những thiên tài trải rộng từ nhiều lĩnh vực khác nhau ngay trong cùng một tổ chức, đưa công nghệ tiên tiến áp dụng vào thực tế, và bảo đảm cho ra những kết quả có ý nghĩa. Điều khó khăn nhất trong công việc của tôi là làm sao để tất cả những người thông minh này có thể làm việc cùng với nhau. Những người thông minh nhất thường nghĩ rằng họ biết nhiều nhất những điều cần biết và thường có xu hướng làm theo ý riêng của mình, cũng có nghĩa là không điều gì được hoàn thành cả vì một người không thể làm tất cả mọi việc. Kinh nghiệm cho tôi biết quản lý thiên tài khác biệt và khó khăn hơn tất cả các hình thức lãnh đạo khác. Nhưng nếu biết cách để làm cho họ phối hợp với nhau, chúng ta có thể thay đổi cả thế giới.
“Dẫn dắt các thiên tài cũng giống như dẫn dắt một quân đội gồm toàn các tướng lĩnh”, Bob Leverence, một bác sĩ và chuyên gia kiểm định chất lượng, nhận xét. Tôi có thể làm chứng cho Bob. Thiên tài, với những suy nghĩ sâu thẳm vĩ đại bên trong bộ óc không ai có thể hiểu được, có thể có những ý tưởng căn bản và thường muốn đi theo suy nghĩ riêng đó.
Với suy nghĩ đó, một thiên tài thường thích “cô đơn” với ý tưởng của mình. Những nhà khoa học máy tính, bác sĩ y khoa, và những nhà sinh học phân tử xuất sắc của phòng tôi không thích ý nghĩ cho rằng tôi đang dẫn dắt họ. Họ thích hoạt động độc lập với tôi và với người khác. Xuyên suốt lịch sử, các thiên tài đã đạt được những thành tựu to lớn trong tình trạng “cô đơn” trong suy nghĩ của họ.
Ngày nay, công nghệ đang dẫn dắt các doanh nghiệp đi đến thành công. Nhà kinh tế học Robert Solow nhận được giải thưởng Nobel nhờ nhận ra rằng mỗi sự phát triển kinh tế lớn không đến từ việc mở rộng lực lượng lao động hoặc cơ sở hạ tầng mà chính từ công nghệ, còn được biết đến với cái tên Mô hình Tăng trưởng Solow. Tăng trưởng về hạ tầng cơ sở và lực lượng lao động chỉ chiếm 15% tăng trưởng sản lượng kinh tế Mỹ. Mô hình Tăng trưởng Solow chiếm phần còn lại, 85% đầy ấn tượng trong nền kinh tế Mỹ.
Các phát minh về công nghệ cần đến những bộ óc rất thông minh. Những người có công nghệ tiên tiến có thể đi đến tận cùng của kiến thức. Không những họ có thể nắm bắt được những đỉnh cao trong công nghệ, họ còn có khả năng vượt qua đỉnh cao đó. Trong quá khứ, những người thông minh nhất thường có mặt ở các viện nghiên cứu của trường đại học, nhưng giờ đây khá nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều những nhà khoa học đỉnh cao và kỹ sư làm việc tại các doanh nghiệp đại chúng, đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo nhất và dẫn dắt sự bành trướng về quy mô kinh tế. Khoa học y sinh, máy tính và máy móc đang được phát minh với tốc độ nhanh đến chóng mặt, khiến những công nghệ mới gần đây cũng trở nên lỗi thời. Nếu không phát minh ra điều mới kế tiếp, chúng ta sẽ bị đào thải. Với sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ, dẫn dắt các thiên tài một cách hiệu quả là việc làm vô cùng cần thiết nhằm đạt năng suất cao trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Để tạo ra được những tiến bộ kỹ thuật, chúng ta phải tạo điều kiện cho nhiều thiên tài làm việc cùng nhau, bởi vì hầu hết các công nghệ đều có quá nhiều bộ phận kết nối lại với nhau và cũng đòi hỏi sự tinh thông trong nhiều lĩnh vực riêng biệt. Vấn đề nằm ở chỗ hầu hết thiên tài vốn tự nhiên không phải là những người dễ làm việc nhóm. Thông thường, sự thông minh đã làm cho họ trở thành người cô đơn từ khi còn nhỏ. Họ thích giải quyết vấn đề theo cách riêng, theo lịch trình riêng của họ.
Bill Gates và Elon Musk là những biểu tượng quen thuộc và cũng là những người đi đầu về sáng chế công nghệ. Cả hai đều là thiên tài và nhà lãnh đạo xuất chúng, nhưng họ là những ngoại lệ. Nhìn chung, chúng ta rất hiếm khi nghe chuyện các nhà lãnh đạo tham gia vào những dự án công nghệ cụ thể, bởi vì họ không tạo ra những phát minh hay phát hiện. Nhà lãnh đạo các thiên tài không đạt giải Nobel, họ không sở hữu các bằng sáng chế, và họ không trình bày những đột phá về công nghệ tại các hội thảo. Họ đứng sau tấm màn, trong khi các thiên tài đứng trên bục khán đài nhận được sự tán thưởng từ khán giả.
Mặc dù các thiên tài thu hút sự chú ý của công chúng, người dẫn dắt họ đạt được những thành tựu cũng quan trọng không kém. Một mình các thiên tài chưa đủ để đưa họ đến thành công. Một lãnh đạo giỏi hoàn thành công việc bằng cách tập hợp nhóm lại, hạn chế thấp nhất những rào cản, nhìn thấy được mục tiêu, giúp người khác chia sẻ tầm nhìn, và quyết định được ứng dụng nào tốt nhất cho một khám phá mới.
Tôi đã học được nhiều thứ về việc dẫn dắt những thiên tài bằng phương pháp “thử - sai” trong hàng thập niên qua. Ước gì tôi đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho một số trường hợp khó khăn và khó chịu mà tôi đã đối diện trong sự nghiệp của mình. Không một khóa học quản lý nào tôi được tham dự từng đề cập đến chủ đề về cách quản lý những người thông minh. Tôi nhận ra rằng các lý thuyết về thuật lãnh đạo được chấp nhận rộng rãi thường không ứng dụng được khi quản lý những người thông minh xuất chúng. Với tư cách là một nhà quản lý và là một thành viên của nhóm nghiên cứu khoa học, phải làm việc với cả hai vế của một phương trình, tôi có một quan điểm độc đáo về những vấn đề có thể nảy sinh và về những công cụ lãnh đạo cần thiết để dẫn dắt thành công các thiên tài. Tôi đã đúc kết những bài học tôi từng trải qua thành mười nguyên tắc mà tôi đã áp dụng và kiểm nghiệm trong nhiều năm trời. Chúng tôi quyết định viết quyển sách để mở rộng những nguyên tắc này.
Trong suốt nhiều năm, khi tôi đối mặt với những thách thức trong lãnh đạo, tôi tự hỏi sếp của nhà khoa học lừng danh Einstein phải là người như thế nào để chịu trách nhiệm dẫn dắt một người được đánh giá là thông minh nhất lúc bấy giờ. Tôi phát hiện người sáng lập Institute for Advanced Study tại Princeton, bang New Jersey, ông Abraham Flexner, quản lý cả một nhóm những thiên tài nổi tiếng trên thế giới, đã sử dụng rất nhiều trong mười nguyên tắc tôi đưa ra. Quyển sách này là sự đúc kết kinh nghiệm dựa trên những ví dụ về phát minh, thành công, cơ hội bị bỏ lỡ, và cả những thất bại trong kinh doanh, đan kết với câu chuyện về tầm nhìn phi thường của Abraham Flexner và khả năng đạt được kết quả tốt nhất từ các thiên tài ông cùng làm việc. Khi ứng dụng mười nguyên tắc này vào thực hành, chúng ta sẽ nhận thấy sự sáng tạo và năng suất tăng đáng kể. Những chiến lược này đã hữu dụng đối với tôi, và sẽ giúp chúng ta trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả hơn.
Quyển sách sẽ đem đến cho độc giả một sự thấu hiểu về những điều phức tạp mà các thiên tài hàng đầu thế giới gặp phải, những kiến thức giúp nhà lãnh đạo tránh được sai lầm khiến thiên tài rời bỏ nhóm làm việc, những chiến lược giúp tăng cường hiệu quả làm việc nhóm và đạt được mục tiêu chung, và những hướng dẫn để áp dụng mười nguyên tắc của tôi.
- Bác sĩ Robert Hromas