Trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” với Liên Xô, không quân chiến lược Mỹ được trang bị tới hơn 400 chiếc B-52 để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ném bom nguyên tử vào đối phương.
Được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, B-52 đã làm mưa làm gió trên khắp thế giới mà chưa ở đâu gặp phải đối thủ. Cuối năm 1972, trong ván bài cuối cùng hòng lật ngược thế cờ trên chiến trường Việt Nam, Mỹ đã quyết định tung ra đòn tấn công chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội. Nhưng chính ở đây, thần tượng B-52 đã bị hạ gục trước lưới lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc tập kích lớn chưa từng có của B-52
Trong hơn 8 năm tham chiến ở Việt Nam, B-52 đã thực hiện 124.532 phi vụ, thả 2.674.745 tấn bom (lớn hơn cả số bom mà không quân Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai). Khi bị sa lầy ở Việt Nam, Lầu Năm Góc đành phải sử dụng B-52 mang bom thường làm nhiệm vụ yểm trợ chiến thuật nhằm cứu vãn tình thế. Tuy vậy, hiệu quả của B-52 trong nhiệm vụ chiến thuật thì chính Lầu Năm Góc cũng phải hoài nghi, vì “càng nhiều bom ném xuống rừng rậm thì các con đường của đối phương càng mọc ra nhiều hơn”. Lần duy nhất B-52 làm nhiệm vụ ném bom chiến lược là trong chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 mà giới quân sự Mỹ gọi là “Chiến dịch ném bom 11 ngày” (trừ một ngày nghỉ Noel). Toàn bộ số B-52 trên chiến trường (gần 200 chiếc, tương đương 48% toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ) cùng với hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại, trên 6 tàu sân bay, các căn cứ không quân ở Thái Lan và Guam, đã thực hiện 4.583 phi vụ (có 740 phi vụ B-52, theo số liệu của SAC-Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ). Các máy bay này đã ném hàng chục nghìn tấn bom với mục đích tàn bạo là đánh vào dân thường để gây sức ép buộc Việt Nam phải ký hiệp định theo điều kiện của Mỹ.
Đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong trận "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.
Hoa Kỳ liên tục cải tiến, hoàn thiện cho B-52 và đã có tới 8 kiểu nối tiếp nhau ra đời từ B-52A đến B-52H. Lúc đầu, B-52D chỉ mang được 52 quả bom (12.247kg), sau cải tiến lên tới 108 quả (27.216kg). Khi mới tham chiến, mỗi B-52 chỉ được trang bị 8 máy gây nhiễu, tới năm 1972 đã có 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, tên lửa mồi bẫy Quail… Đi kèm mỗi B-52 trung bình có 7 máy bay các loại để trinh sát, gây nhiễu, chế áp phòng không, chỉ huy và cảnh giới, hộ tống chặn MiG, tiếp dầu, cứu hộ. Để an toàn hơn cho B-52, Mỹ đã gây nhiễu công suất lớn trên các dải tần số làm việc của hệ thống ra-đa cảnh giới và điều khiển hỏa lực của ta cũng như của hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy chiến đấu. Không quân Mỹ suốt ngày đêm đánh phá dữ dội vào lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) của miền Bắc Việt Nam. Địch bắn tên lửa và ném bom ồ ạt nhiều lần vào 19 trận địa tên lửa (có nơi bị đánh 6 lần), 14 trận địa pháo cao xạ và 8 sân bay, gây khó khăn rất lớn cho hệ thống PK-KQ Việt Nam.
Trước tình hình đó, bắt đầu từ ngày 20-12, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ: “Bộ đội tên lửa hoàn toàn dành cho nhiệm vụ đánh B-52. Rút một số đơn vị cao xạ ra khỏi chốt để bảo vệ trực tiếp các tiểu đoàn tên lửa”. Do vậy, các tiểu đoàn tên lửa có điều kiện dành toàn bộ thời gian để rút kinh nghiệm và làm công tác chuẩn bị chiến đấu ban đêm với B-52. Các trận địa tên lửa được ngụy trang kỹ lưỡng để tránh sự lùng sục, đánh phá ban ngày của các loại máy bay chiến thuật Mỹ. Một số trung đoàn cao xạ đã được tăng cường ngay trong đêm trước về Hà Nội để đánh trả các loại máy bay địch ban ngày, bảo vệ Thủ đô và các đơn vị tên lửa của ta đang giấu mình chờ đánh B-52. Cùng với Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt, lực lượng dân quân, tự vệ bắn máy bay được tăng cường triển khai với 346 phân đội, trang bị 1.428 khẩu pháo và súng máy cao xạ (trong đó có 32 khẩu cao xạ 100mm, 16 khẩu 85mm…). Tổ chức 71 trận địa pháo tập trung cùng với hàng trăm đài quan sát mắt, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng lớn và lưới lửa dày đặc với máy bay Mỹ ở tầng thấp và tầng trung, hất chúng lên tầng cao làm mồi cho tên lửa của ta.
Thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử
Sau khi chiến dịch kết thúc, giới quân sự Mỹ ra sức nghiên cứu, tìm hiểu lý do thiệt hại nặng nề của B-52 trước đối thủ tên lửa SAM-2 mà theo họ tính toán thì đã bị vô hiệu hóa, các “pháo đài bay” chỉ việc “nối đuôi nhau bay đi rồi bay về như đi dạo”… Lý do không thể phủ nhận được chính là sức mạnh của hệ thống phòng không Việt Nam mà Lầu Năm Góc đã tính nhầm! Phía Mỹ đưa ra con số rất lớn về số lượng tên lửa SAM-2 được phóng lên (hơn 1.200 quả) để biện minh cho sự thiệt hại nặng nề của B-52. Nhưng thực tế, chúng ta không có nhiều đến thế và cũng không bao giờ phung phí một số lượng tên lửa lớn như vậy trong khi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ác liệt. Với lực lượng không quá 13 tiểu đoàn tên lửa trực tiếp bảo vệ Hà Nội, ngày cao điểm nhất chúng ta cũng chỉ phóng lên 74 quả tên lửa (trên tổng số 334 quả toàn chiến dịch). Đặc biệt, trong trận chiến đấu đạt hiệu quả cao nhất (đêm 20-12 bắn rơi 18 máy bay địch, trong đó có 7 chiếc B-52), các tiểu đoàn tên lửa của ta chỉ phóng 36 quả đạn, đạt hiệu quả chiến đấu rất cao: 5,2 tên lửa diệt một B-52.
Một phi công B-52 trực tiếp tham chiến, Đại úy Robert E. Wonfre đã viết trong Tạp chí Không lực (tháng 9-1979) như sau: “Linebaker II-cuộc tập kích bằng B-52 kéo dài 11 ngày vào tháng Chạp năm 1972 đánh phá miền Bắc Việt Nam là một trong những trường hợp sử dụng tập trung hỏa lực không quân ở mức độ cao nhất trong lịch sử chiến tranh, chống lại một hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới. Ở đây, chúng tôi có một suy nghĩ không đúng, nhiều phi công tưởng rằng đoạn bay trong lúc bắn phá sẽ là nguy hiểm nhất, nhưng trên thực tế, giai đoạn rời khỏi mục tiêu cũng vậy. Chúng tôi phát hiện ra là tên lửa SAM đạt hiệu quả cao nhất khi B-52 đổi hướng để rời mục tiêu. Lúc này, ra-đa của đối phương thu được hình ảnh tối đa của máy bay và chúng tôi đã bị thiệt hại vô ích vì phương thức rập khuôn này. Sau 36 giờ ngừng ném bom dịp Noel, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn chiến thuật, sử dụng nhiều hướng tiến vào mục tiêu và tấn công cùng một lúc ở các độ cao khác nhau làm đối phương bù đầu. Thế nhưng không sao giải thích được nguyên nhân B-52 vẫn đều đặn bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội…”.
Trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam” (xuất bản ở London năm 1979) John Grillus viết: “Chỉ trong 3 ngày đầu, không quân Mỹ đã bị tổn thất nặng nề: 9 chiếc B-52 bị hạ. Giá mỗi chiếc B-52 cải tiến bị bắn rơi là 56-64 triệu USD (theo thời giá năm 1972). Ngay như con số Mỹ thừa nhận thì tỷ lệ tổn thất là hơn 10%-một cái giá không thể chịu đựng được. Mỹ đã quyết định tăng cường chế áp các trận địa và kho chứa tên lửa SAM của Hà Nội nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề…”.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, không quân chiến lược Mỹ đã bị một đòn nặng nề nhất trong lịch sử của lực lượng này. SAC không thể tiếp tục chiến dịch nếu cứ để mất mỗi đêm 6 máy bay B-52 hay thậm chí chỉ 3 chiếc thôi… Ngay khi đó, hãng tin Reuters (Anh) đã nhận xét: “Cứ đà bị rơi như thế thì chỉ sau 2 tháng nữa là Mỹ sẽ hết nhẵn B-52 ở khu vực này”. Còn hãng tin AFP (Pháp) ngày 30-12-1972 thì bình luận: “Chưa bao giờ B-52 của Mỹ vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế, bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một thời gian ngắn như thế ở một thành phố như Hà Nội”. Chiến dịch bất ngờ này gây tác động mạnh cả với nước Mỹ vì người dân cũng đang tin vào lời hứa “hòa bình đã trong tầm tay”. Tờ Thời báo New York lúc đó đã viết: “Trong hành động này, chính nước Mỹ có nguy cơ trở thành dã man và quay trở lại thời kỳ đồ đá, làm cho cả nền văn minh Mỹ sụp đổ”. Chưa bao giờ chính quyền Mỹ bị cô lập cả ở trong nước và trên chính trường quốc tế đến như vậy trong một hành động chiến tranh.
Cuộc tập kích lớn nhất lịch sử bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 vào Hà Nội đã kết thúc mà không đem lại kết quả mong muốn cho người Mỹ. Ngoài thiệt hại nặng nề chưa từng thấy về số B-52 bị bắn hạ cùng với hàng trăm phi công thiệt mạng và rơi vào tay đối phương, Mỹ còn bị cả nhân loại lên án về sự dã man, tàn bạo đối với nhân dân Việt Nam. Và cuối cùng thì họ đành phải ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 chấm dứt chiến tranh, rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và rà phá thủy lôi phong tỏa vùng biển miền Bắc, trao trả tù binh trong vòng hai tháng...
NGUYỄN THỤY ANH