Chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình cùng con trai mình trong hơn hai năm tiếp theo. Những tuần và tháng sau này đã cho chúng tôi thật nhiều cơ hội để cải thiện và điều chỉnh quá trình phục hồi của Raun. Vào sinh nhật thứ ba, Raun đã chứng minh được với mọi người rằng con là đứa bé năng động và hòa nhập nhất. Thỉnh thoảng, vào buổi sáng, Raun sẽ nắm tay chúng tôi, nói liến thoắng rồi dẫn chúng tôi tới phòng mình, chỉ trỏ vào cái kệ chứa đầy những món đồ chơi, trò chơi, sách và các dụng cụ học tập khác. Chúng tôi đã biến căn phòng dạy học thành nơi kỳ diệu và năng động nhất vũ trụ này. Trước đó, tất cả những tương tác đều phụ thuộc vào phản ứng của Raun đối với những lời mời mọc của chúng tôi. Giờ thì Raun đã bắt đầu mời chúng tôi tham gia cùng con. Rõ ràng là cậu bé thích học nhiều hơn cả hai cô chị. Chương trình của chúng tôi đã đánh thức khao khát khám phá, tìm hiểu về bản thân lẫn môi trường xung quanh con.
Ngoài ra, con cũng đã bộc lộ những khả năng phi thường. Raun có thể nghe thấy những âm thanh mà chúng tôi không nghe được. Ví dụ, trong một buổi thảo luận sôi nổi về một cuốn sách có minh họa các cơ chế sinh học bên trong cơ thể người, Raun đã giơ tay lên để chặn lời chúng tôi lại. Sau đó, con cười và giải thích về khả năng nghe thấy tiếng tim mình đập. Khi tôi hỏi Raun rằng con đã làm như thế nào, con nói: “Chỉ cần nghe thôi”. Sau đó, con đứng cạnh tôi khi tôi ngồi xuống sàn nhà và khẳng định rằng mình có thể nghe cả nhịp tim của tôi nữa. Tôi theo dõi mạch của mình bằng cách đặt ngón tay lên động mạch cổ. Ngạc nhiên thay, con gõ tay theo nhịp tim rất chính xác. Khi tim tôi lỡ một nhịp, điều này cũng thường xảy ra, thì nhịp gõ của Raun cũng dừng lại và tiếp tục khi tim tôi bắt nhịp trở lại.
Một khả năng đặc biệt khác – khả năng giữ thăng bằng của Raun – cũng rất tuyệt vời. Con có thể bước trên rìa lan can thấp như một người đi dây chuyên nghiệp mà chưa bao giờ phải nhìn xuống chân. Thi thoảng, Raun sẽ đứng hoặc nhảy lò cò khắp nơi. Cậu bé rất vui khi thử thách khả năng điều khiển cơ thể của mình. Con còn có thể giữ cân bằng những đồ vật bên ngoài nữa. Raun dựng được những cái tháp to lớn, đặt những khối gỗ chồng lên nhau mà chẳng hề làm đổ kiến trúc khổng lồ đó. Cả Samahria, Bryn, Thea và tôi hay bất cứ tình nguyện viên nào tham gia dự án này, đều không ai điêu luyện như Raun. Theo định kỳ, Raun và tôi sẽ thi xây tháp và xem xét tác phẩm của nhau. Vào một dịp nọ, Raun nhìn sang tôi và lắc đầu một cách đầy tinh nghịch. Cậu bé gợi ý rằng tôi nên dịch khối gỗ trên cùng sang bên trái một chút. Và thế là tòa tháp của tôi giữ được thăng bằng ngay lập tức. Tôi cười vì nhận ra khả năng xây dựng đầy tinh tế của Raun.
Tuy nhiên, so với tất cả những kỹ năng và tính cách cá nhân đang dần được hình thành, sự dịu dàng đáng kinh ngạc lẫn vẻ ngây thơ, ngọt ngào của con mới chính là điều làm chúng tôi cảm động nhất.
Chập tối nọ, khi sắp kết thúc bữa tối thì Bryn và Thea tranh cãi về việc ai sẽ được phần tráng miệng nhiều hơn. Samahria nói rằng hãy quyết định bằng cách tung đồng xu. Cả hai đều đồng ý và nhờ Raun thực hiện trò này. Có vẻ cậu bé rất vui khi được tham gia và bắt đầu tung đồng xu lên không trung. Mọi người đều nhìn theo đồng xu khi nó rơi xuống bàn. Mặt sấp! Thea thắng và hét lên sung sướng. Khi cô bé chạy đến kệ bếp để lấy bánh thì cái đĩa trượt khỏi tay con và rớt xuống sàn nhà. Cái đĩa vỡ toang và món tráng miệng cùng những mảnh vỡ văng tung tóe. Thea nhún vai và nhoẻn miệng cười. Nhưng khi Bryn bắt đầu cười lớn, chỉ xuống sàn và cười khanh khách không ngớt, thái độ của Thea thay đổi trong chớp mắt. Thea phản ứng lại. Những cô gái trong nhà bắt đầu cãi nhau. Raun chỉ quan sát toàn bộ câu chuyện mà không bình luận gì cả. Con đưa cái đĩa đựng món tráng miệng mới ăn được vài miếng của mình lên cho Thea đang cực kỳ bất ngờ kia. Khi Thea cười với Raun và từ chối lời mời, con đã cầm lấy tay chị mình, nắm chặt và đứng cạnh cô bé, không nói một lời. Bryn ngừng cười và nhìn em trai mình bằng ánh mắt đầy chín chắn. Rồi bất ngờ thay, cô bé đã đề nghị lau dọn sàn nhà cho Thea. Trong vài giây, chẳng ai nói lời nào cả cho đến khi Raun hỏi rằng con có thể phụ giúp không. Không khí trong nhà bếp đã thay đổi. Chỉ cần một hành động đơn giản và chân thành, cậu bé tinh tế, đáng yêu ấy đã có thể tác động lên chúng tôi rồi.
Khi ngắm nhìn ba đứa trẻ trong nhà trợ giúp lẫn nhau, tôi không thể ngừng thắc mắc về sự kỳ diệu đáng ngạc nhiên đến từ cách hành xử của con người. Tôi còn nhớ một người bạn từng dạy tại trường đại học đã cảnh báo chúng tôi về những góc nhìn tiềm ẩn trong chương trình dành cho Raun. Anh khẳng định: “Đây không phải là cách thế giới vận hành”, “Mọi thứ đều ổn và tốt lành khi chúng ta chấp nhận và không phán xét, nhưng con người không thường đối xử với nhau như thế. Người ta sẽ giận dữ. Người ta sẽ hét lên và la lối vào mặt nhau. Người ta sẽ làm tổn thương lẫn nhau. Anh cũng phải dạy cho Raun biết khía cạnh này của cuộc sống.” Khi quan sát con trai mình và những cử chỉ ngọt ngào vô tư của cậu bé dành cho hai người chị, tôi luôn thắc mắc rằng tại sao có ai đó lại nghĩ đến chuyện cần phải dạy cho trẻ về những cảm xúc giận dữ và cuồng nộ – như thể những hành động đến từ tình yêu và sự tôn trọng lại không có sức mạnh như vậy.
Mọi khía cạnh trong đời sống của chúng tôi đều đã thay đổi nhờ vào chương trình với con trai. Chúng tôi đã học được cách sử dụng chính tình thương của mình, đã sát lại bên nhau như một gia đình. Những cô con gái của chúng tôi, dù vẫn còn trẻ, nhưng đã trở thành những người bạn và đồng nghiệp thân thiết nhất. Samahria và tôi trở nên mạnh mẽ hơn để giải quyết những thử thách đến từ Raun và cả hai đều cảm thấy hạnh phúc nhờ có cơ hội này.
Cuối cùng thì, một đêm nọ, tôi đã gợi ý một chuyện mà tôi cho rằng “không thể tưởng tượng nổi”. Việc kinh doanh trong thành phố của tôi không còn quan trọng nữa, trong khi công trình dành cho Raun lại rất giàu ý nghĩa. Dù còn không thể đoán được rằng con đường này cuối cùng sẽ dẫn đến đâu nhưng tôi muốn thay đổi hướng đi của đời mình và cống hiến hết sức lực cho chương trình của con trai chúng tôi. Điều này có nghĩa là việc kinh doanh sẽ ngừng lại. Samahria nhoẻn miệng cười.
“Tại sao em cười?” Tôi hỏi.
“Em đã thắc mắc liệu khi nào anh sẽ nghĩ đến điều này”.
“Em thấy ổn không?” Cô ấy gật đầu đầy chắc chắn. “Nhưng này, em có hiểu những gì anh đang nói không? Anh sẽ ngừng kinh doanh và để hết mọi thứ lại phía sau. Chúng ta sẽ phải sống dựa vào tiền tiết kiệm trong ít lâu, rồi khi hết tiền – chà, chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa. Chúng ta có thể mất nhà, xe, mọi thứ”.
Samahria khiến tôi vững tâm hơn: “Bear, em hiểu mà”. “Và em sẽ luôn bên cạnh anh dù anh quyết định thế nào đi chăng nữa. Được không anh?”
Tôi tiếp tục liến thoắng và hầu như chẳng nghe được cô ấy nói gì. “Anh cảm thấy như mình đã dành quá nhiều năm để đi tìm câu trả lời, và giờ, cùng với Raun, điều cốt lõi trong đời anh đã ở đó, vững chãi hơn và cực kỳ tuyệt vời. Giúp con trai mình là trải nghiệm tuyệt nhất, tuyệt nhất trần đời! Anh còn muốn làm nhiều hơn thế nữa. Đây chính là một bước đi liều lĩnh, nhưng anh nghĩ chúng ta có thể sống sót. Anh nghĩ rằng điều này không thực tế lắm, nhưng…”
“Anh đang cố thuyết phục ai vậy?” Samahria ngắt lời tôi. “Em ư? Hay chính bản thân anh?”
Tôi nhận ra sự thật ngay tại khoảnh khắc đó. Tôi muốn cô ấy phản đối để tranh luận, tìm ra một hành động nào đó xác đáng và hợp lý hơn. “Là anh. Anh đang thuyết phục chính mình”.
“Bear, em biết quyết định này khó với anh như thế nào. Nhưng em rất tin tưởng anh. Em chẳng muốn gì hơn là anh được hạnh phúc. Hãy làm những gì anh muốn! Nếu đây là quyết định của anh thì em sẽ luôn ủng hộ.” Cô ấy cười và chạm vào cánh tay tôi. “Đó là ý của em. Đây không phải là một vấn đề to tát. Chúng ta sẽ xử lý được hết. Hơn nữa”, cô ấy cười, “như thế này thì cả Raun và em sẽ được ở cùng anh nhiều hơn.”
Tôi nín thở, cứ như là một người nhảy dù đang chuẩn bị nhảy khỏi máy bay vậy. Rồi tôi thở dài. Cả cơ thể tôi giãn ra và nhẹ nhõm với quyết định này. “Anh sẽ làm thế. Anh sẽ tạm biệt công ty. Anh sẽ tạm biệt thành phố. Và từ giờ, đây chính là cuộc sống của anh”.
Ngày hôm sau, tôi gặp các kế toán và luật sư của mình. Chẳng ai có thể hiểu được quyết định dứt khoát này. Bố tôi cũng thuyết phục tôi tiếp tục công việc của mình.
Steve là kế toán đã làm việc về các vấn đề tài chính kể từ ngày công ty mới thành lập, cậu ta cũng cố gắng khiến tôi đổi ý lần cuối. “Tôi biết là anh đã phải làm việc chăm chỉ như thế nào để có được công ty này, Bear ạ. Làm sao mà anh có thể rời khỏi thành công này chứ?”
“Tôi không ra đi, Steve à. Thật đấy! Tôi đang về với con trai mình và đi theo một điều mà tôi vô cùng tin tưởng. Sẽ ổn thôi mà.”
“Anh có biết mình sẽ gặp phải những rủi ro gì không?”
“Mọi thứ sẽ tốt thôi. Dù cho có đổ sông đổ bể đi nữa thì ít nhất tôi cũng đã thử. Và khi con tôi đủ tuổi để hiểu, tôi sẽ nói với chúng như vậy. Hãy đi theo những giấc mơ của mình. Có khi rủi ro lớn nhất chính là việc không nghe theo bản thân mách bảo”.
“Anh có chắc là mình muốn làm điều này chứ?” Steve hỏi lại lần nữa.
“Chắc mà”.
“Tôi không thể tin rằng anh sẵn sàng làm vậy vì con mình”.
“Vì tôi, Steve à. Tôi làm điều này vì chính mình. Anh có hiểu không?”
“Không. Không hiểu lắm. Nhưng tôi mong mọi chuyện tốt nhất đến với anh”. Cậu ấy lắc đầu và ra khỏi văn phòng của tôi. Rồi cậu ấy quay lại nhìn tôi, lắc đầu trong giây lát và bằng một cử chỉ rất kỳ lạ, cậu ấy ôm lấy tôi.
Tôi thì thầm: “Này, anh chàng tốt bụng, cảm ơn vì đã quan tâm tôi nhé.”
Hai tháng sau, tôi hoàn thành một bài viết cho tờ New York Magazine với tiêu đề “Chạm đến đứa trẻ ngoài tầm với”. Dù đã dừng viết lách gần chục năm nay, nhưng tôi vẫn tiến lại chiếc máy đánh chữ vào những tối muộn sau mỗi buổi đánh giá về tiến độ hồi phục của Raun trong ngày. Lúc ấy, tôi sẽ ghi chép những thứ tốt lành hai vợ chồng đã được trải nghiệm. Danh tiếng từ bài viết này đã giúp tôi có được một hợp đồng viết sách với Harper & Row. Ngay sau khi xuất bản cuốn Son-Rise (bản gốc), chúng tôi bị choáng ngợp bởi các yêu cầu của những ông bố bà mẹ từ khắp nơi trên thế giới. Họ đang kiếm tìm sự trợ giúp cho con cái mình. Đó là những đứa trẻ giống như Raun, bị chẩn đoán là ngoài tầm với, không thể chữa trị và hoàn toàn vô vọng. Dù phải trả lời hàng trăm cuộc điện thoại và bắt đầu hỗ trợ những gia đình này nhưng chúng tôi vẫn luôn tâm huyết với chương trình dành cho Raun.
Trong vòng 12 tháng tiếp theo, khi những phần nền tảng của chương trình bắt đầu phức tạp hơn thì khả năng lĩnh hội của Raun cũng phát triển rất nhanh. Cậu bé không chỉ giao tiếp với chúng tôi bằng những câu phức tạp mà mức độ hiểu của con cũng vượt xa những đứa trẻ cùng nhóm tuổi. Chúng tôi giới thiệu cho Raun những bài đọc thuộc trình độ lớp Một cũng như lớp Hai và cậu bé đã dễ dàng hiểu rõ các bài văn ấy khi mới chỉ 3 tuổi rưỡi. Chúng tôi tặng Raun những cuốn sách về địa lý, toán học và nghệ thuật. Dù Raun chẳng bao giờ quay trở lại thế giới tự kỷ của mình nữa, nhưng chúng tôi vẫn nhận ra rằng nếu không có những sự khuyến khích đầy năng lượng từ bố mẹ thì con sẽ lại giảm tương tác với mọi người và cũng ít tò mò về môi trường xung quanh hơn.
Chúng tôi phải giúp Raun bước thêm một bước lớn nữa. Một lần nữa, chúng tôi lại chuyển hướng của chương trình bằng những trò chơi thiết lập trí tưởng tượng. Chúng tôi không còn sử dụng sách, các miếng ghép và đồ chơi để tương tác hằng ngày nữa, thay vào đó, cả hai khuyến khích Raun tưởng tượng, đi tìm những hình ảnh và các ý tưởng trong tâm trí con và dùng những chất liệu ấy để cùng chúng tôi thiết kế các trò chơi.
Ví dụ, chúng tôi tận dụng niềm yêu thích máy bay và tên lửa của con để tạo ra những trò chơi tương tác mới. Vào một buổi trị liệu buổi chiều, Bryn ngồi với Raun ở giữa căn phòng và miêu tả thật chi tiết về một cái buồng lái trong tưởng tượng. Raun lắng nghe rất chăm chú. Trong vòng vài phút đầu, trông con rất hoang mang. Nhưng rồi Raun cũng tham gia trò chơi này với chị mình. Cuối cùng, Raun trở thành cơ trưởng và Bryn là cơ phó. Trong vòng 20 phút sau đó, cả hai đã cùng nhau lái phi cơ, quẹo thật gấp và đổ người theo hướng của những khúc cua. Khi chứng kiến và ghi chép gần hết buổi trị liệu này, tôi quyết định nâng cấp sự tưởng tượng đó lên một bậc. Tôi thình thịch đi lại chỗ chiếc máy bay của hai đứa trẻ và tưởng tượng mình là một cơn bão. Ban đầu, Raun nhìn chằm chằm vào tôi bằng tôi mắt to tròn và chẳng biết phải làm gì cả. Nhưng Bryn bắt đầu nảy lên và bảo với em trai mình rằng cả hai đang gặp thời tiết khắc nghiệt. Cậu bé bắt đầu nảy lên nảy xuống và bật cười mỗi lần ngã xuống mặt đất.
Trong một buổi học khác, cô bạn Lara – giờ cũng là giáo viên của chương trình – đã tạo ra một con thuyền buồm tưởng tượng và ghé thăm những hòn đảo kỳ bí với cậu học sinh đặc biệt. Cả hai cùng hái những trái dừa và nhúng ngón chân của mình vào những làn sóng tưởng tượng. Thea dạy em trai nhảy và rồi biểu diễn với Raun trên một sân khấu vô hình. Theo như cô bé kể lại, cả hai còn cúi chào những khán giả vô hình đang đứng thẳng lên mà vỗ tay thán phục nữa. Rõ ràng là Raun đã láu lỉnh hơn xưa. Cậu bé có vẻ đam mê với những trò chơi tưởng tượng. Tuy nhiên, Raun vẫn không khởi xướng những hoạt động thuộc dạng này. Trên thực tế, trong một số thử nghiệm, chúng tôi đã để con một mình trong phòng để xem cậu bé sẽ làm gì. Nếu đồ chơi, những miếng xếp hình hoặc sách đang có sẵn tại đó thì Raun sẽ chộp lấy chúng ngay. Nếu lấy hết tất cả đồ đạc ra khỏi phòng thì Raun sẽ ngồi một mình trong năm, mười và thậm chí là 15 phút, có vẻ rất hạnh phúc nhưng lại không hoạt động gì cả. Con sẽ nhìn chằm chằm vào cửa sổ hoặc nằm tựa đầu lên tay như thể đang chờ ai đó hoặc thứ gì đó xuất hiện, con không có khả năng tự khởi đầu các hoạt động của riêng mình.
Chúng tôi vẫn kiên trì. Trí tưởng tượng trở thành một phần quan trọng trong những buổi học suốt nhiều tháng nay. Và rồi, một ngày nọ, Raun bước vào phòng trị liệu của con và gợi ý một trò chơi tưởng tượng: con và người giáo viên tình nguyện – Andy – sẽ du hành thời gian vì cả hai đã đọc về điều đó trong những cuốn sách có mô hình minh họa. Andy gật đầu nhưng vẫn nói với Raun rằng con phải chỉ cho cậu cách thực hiện. Thật là vui mừng! Raun yêu cầu giáo viên ôm con để cả hai có thể chui vừa vào cái máy du hành thời gian hình cầu bé tí hon. Sau đó, con nhấn vào một cần gạt vô hình, tạo ra những âm thanh của “máy du hành thời gian” rất kỳ lạ và hạ cánh tại một thảo nguyên xanh rì đầy khủng long. Andy nhìn ngó xung quanh với ánh mắt cực kỳ ngạc nhiên và chỉ tay vào một số những sinh vật bước qua tàu của cả hai. Raun cười và gọi tên hai con khủng long mà cậu bé đã đọc trong sách của mình. Raun nói rằng: “Chà! Chúng trông lớn hơn trong những bức ảnh.”
Sau đó không lâu, chúng tôi lại dọn hết mọi thứ đi và để Raun lại một mình. Thật mừng làm sao, con đã ngay lập tức chơi với những người bạn tưởng tượng và quyết định rằng mình sẽ chế biến một bữa ăn bằng nồi, chảo, đĩa, spaghetti và nước xốt vô hình cùng với sự hỗ trợ đến từ những người bạn nọ. Khi Samahria và tôi quan sát, cả hai biết rằng Raun đã phá vỡ được thêm một giới hạn nữa. Con đã giải phóng cho những cảm hứng sáng tạo trong đầu mình và bắt đầu chủ động dùng tất cả những thứ con biết. Từ hôm ấy, cậu bé nhỏ xíu này không chỉ thưởng thức và tương tác với thế giới xung quanh con mà còn tận hưởng và tương tác với những suy nghĩ và hình ảnh con tạo ra trong đầu.
Vào một buổi chiều mùa hè nọ, Samahria quyết định tổ chức phiên điều trị của Raun dưới mái hiên bên hông nhà chúng tôi. Cô ấy mang theo ba cuốn sách minh họa được thực hiện rất công phu với chủ đề các hành tinh, hệ Mặt trời và những vì sao xa xôi. Khi đã ngồi xuống bàn, Raun cẩn thận lật từng trang sách, chọn những từ con có thể đọc và đưa ra rất nhiều, rất nhiều câu hỏi. Tại sao Sao Thổ lại có vành đai ở xung quanh? Con người có sống trên Sao Hỏa không? Mặt trời có bốc cháy thật không? Samahria giải nghĩa những đoạn văn và đưa ra những câu trả lời tốt nhất cho Raun. Sau khoảng 20 phút, Raun bắt đầu chán. Vì muốn kích thích trí tò mò của Raun nên Samahria quyết định hỏi con một câu hỏi rất kỳ lạ và bất ngờ.
“Này Raun, trên kia là một bầu trời bao la, rộng lớn. Và con đúng là một anh chàng đặc biệt. Mẹ biết là con đến từ một hành tinh khác đấy. Thế, con đến từ hành tinh nào vậy?”
Cậu bé bối rối nhìn mẹ nhưng không trả lời.
“Raun, nếu con có thể tưởng tượng về cả thế giới rộng lớn ngoài kia, và con chỉ cần nghĩ, nghĩ và nghĩ về quê hương của mình thì đó sẽ là hành tinh nào? Con đến từ hành tinh nào?”
Raun nhìn chằm chằm lên bầu trời, đưa mắt tìm kiếm khắp các tầng mây và rồi con quay lại nhìn mẹ mình. Raun đưa ra câu trả lời mà chẳng báo trước. Con nói: “Ồ”, con đến từ hành tinh nhà vệ sinh”. Samahria há hốc mồm.
“Quả thật là như vậy”, cô ấy nói khi những giọt nước mắt đang tỏa sáng lung linh.
Trong khi Raun tiếp tục phát triển, sự vô tư và thoải mái của con đã khiến chúng tôi nể phục. Ngoài ra thì cậu bé cũng bắt đầu tự học cũng như phát triển bản thân bằng chính sự tò mò và chủ động của mình. Con đã trở nên thích quan sát người khác và đưa ra những câu hỏi về tương tác của mọi người với nhau. Đáng chú ý nhất là Raun thích khám phá – máy giặt, máy nướng bánh mì, lũ kiến bò trên cỏ, những bọt bóng nhỏ trong chai soda, vũng nước mưa, huýt sáo (chà, cậu chàng cũng từng thử huýt sáo rồi, nhưng rất tiếc là không thành công lắm), những bánh răng của một chiếc đồng hồ, chiếc máy đánh chữ chạy điện của tôi, lông vũ của chiếc gối rách và cả điện thoại (cậu bé thích nghe âm thanh từ điện thoại và nói vào trong ống nghe). Danh sách những thứ khiến đứa trẻ này say mê dường như vô tận. Chúng tôi bắt đầu tự hỏi mình có nên tiếp tục chương trình này nữa không vì rõ ràng là Raun đã vượt qua chứng tự kỷ của mình và chẳng còn bộc lộ bất kỳ dấu vết nào của những khó khăn ngày trước. Kết luận của chúng tôi là: để Raun tự quyết định.
Sau sinh nhật lần thứ tư của Raun, chúng tôi nhận thấy rằng chất lượng các cuộc tương tác của con với người khác vẫn rất tuyệt vời dù cho các buổi trị liệu được tổ chức ở trong phòng hay ngoài trời. Chúng tôi bắt đầu mở rộng thế giới của con bằng những chuyến đi đến trung tâm thương mại, sở thú, bãi biển, nhà hàng và cuối cùng là một cuộc phiêu lưu ở thành phố New York. Ban đầu, tiếng ồn đến dồn dập từ đô thị khổng lồ đã làm cậu bé bị sốc. Khi chúng tôi quan sát Raun, có vẻ như cậu bé đang điều chỉnh mức độ nhạy cảm âm thanh của cơ thể mình vậy. Thay vì chạy trốn khỏi sự hỗn loạn của những âm thanh từ các loại xe hơi, xe buýt, còi và những người xung quanh, con hào hứng đi bộ và thi thoảng chạy dọc những con đường của thành phố.
Mối quan tâm đặc biệt của Raun dành cho những đứa trẻ khác cũng bộc lộ trong thời gian chúng tôi khám phá New York. Cậu bé dễ dàng cười với những đứa trẻ mà cậu thấy lần đầu tiên. Thỉnh thoảng, những đứa trẻ này cười lại với Raun, nhưng hầu hết, chúng nhìn con trai tôi đầy hiếu kỳ như thể cậu bé đang thiếu đi một kỹ năng xã hội quan trọng: giữ khoảng cách với người lạ mặt trong thành phố. Không hề nản lòng, Raun vẫn rướn người ra để chạm tay vào những đứa trẻ đi ngang qua con. Ví dụ, Raun đã ôm lấy một cậu bé đang đứng chờ tại một góc phố với mẹ mình. Người phụ nữ kéo đứa trẻ ấy ra khỏi vòng tay của Raun với vẻ hoàn toàn phản đối. Chúng tôi cười và gật đầu đầy tôn trọng với cô ấy.
Ngắm nhìn Raun tương tác khi dạo quanh thành phố đã khiến chúng tôi thấy nơi này trở nên thân thiện hơn. Chúng ta quyết định cách nhìn của mình với thế giới. Nghĩ về rồng, chúng ta sẽ thấy rồng. Rõ ràng là Raun đã nghĩ rằng thành phố này cũng chỉ là một phần mở rộng của sân chơi nhà mình. Cậu bé không nhìn thấy sự lạnh lùng hay thù địch ở đây. Thay vào đó, con hành động như thể mọi người đều muốn cười với mình và nói xin chào. Đúng là một bài học hay! Trước buổi trưa, chúng tôi đã hoàn toàn nghe theo sự chỉ đạo của Raun. Ở Công viên Trung tâm, chúng tôi nói xin chào với tất cả mọi người đi ngang qua. Bất ngờ làm sao, hầu hết mọi người đều chào lại chúng tôi. Hừm. Thật lòng thì ai mới là giáo viên thực thụ trong gia đình này đây?
Nửa năm nữa lại trôi qua. Tôi không thể nhớ mình và vợ đã dừng chương trình chính thức dành cho Raun vào ngày hay tháng nào. Khi sự kiên định và tính độc lập của cậu bé phát triển lên nhiều, cách dạy của chúng tôi lại thay đổi theo từng tuần. Chúng tôi có được nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Sau khi đánh giá, tôi có thể nói rằng Raun đã vượt xa chương trình nhờ chính bản thân con. Một ngày nọ, cả hai nhận ra rằng, theo thời gian, cán cân đã đổi chiều nhiều đến nỗi con đã học được cách tự mình hồi phục.
Khi nhìn quá trình trưởng thành trong 16 năm sau đó của Raun, tôi đã rất biết ơn vì hàng loạt những cơ hội và những tình huống đặc biệt mà con đã mang tới. Con giống như là một đứa trẻ đến từ thiên đàng mà Chúa đã đặc biệt tuyển lựa cho chúng tôi. Tôi biết rằng điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, cứ như là một ảo tưởng không có thật vậy – nhưng đó là tất cả những gì hai chúng tôi có. Khi Samahria và tôi – cũng như những người mà chúng tôi đào tạo – làm việc với bố mẹ của những đứa trẻ đặc biệt, chúng tôi đều muốn họ nhận ra điều tốt lành chứ không phải tai ương. Tai ương – chà, đó cũng chỉ là một sự lầm tưởng khác, như rồng và quỷ trong những giấc mơ của chúng ta. Ta nhìn thấy những thứ muốn thấy – những thứ ta tin tưởng chính là những thứ ta sẽ thấy. Nhưng biết đâu, chỉ là biết đâu, chúng ta tạo ra được những điều kỳ diệu và đẹp đẽ nếu rũ bỏ khỏi tâm trí mình thứ ta nghĩ là mình phải tin tưởng. Bánh vẽ ư? Không thực tế ư? Tôi chắc là thế! Chúng ta sẽ không thể đánh bại những thứ kỳ lạ và nắm lấy giấc mơ của mình nếu quá thực tế.
Những người hoài nghi vẫn thắc mắc rằng liệu sự phát triển đầy ngoạn mục của Raun có tiếp tục duy trì hay không. Điều này có kéo dài không? Raun có tiếp tục thành công không?
Tôi sẽ cố trả lời câu hỏi đó bằng nhiều cách. Sự thành công này không chỉ kéo dài mà càng ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với những người thích phản đối và soi xét tinh thần lạc quan của chúng tôi thì – chà, tôi có một câu chuyện dành cho các bạn đây. Cuộc phiêu lưu này không dừng lại khi Raun thoát khỏi chứng tự kỷ. Hành trình của con còn trở thành hình mẫu cho một chương trình tại nhà do chính các ông bố bà mẹ cầm trịch. Nhờ đó, hàng loạt những trẻ em khác đã có thể học tập và phát triển. Phương pháp dạy bảo chủ chốt là thái độ yêu thương và chấp nhận. Mọi thứ bắt đầu với việc nhận diện những ý nghĩ phán xét của chúng ta rồi học cách loại bỏ chúng. Đây quả thật là một bài tập cực kỳ đơn giản! Chúng tôi truyền đạt điều này đến mọi người mỗi ngày. Và lợi ích mang lại là rất to lớn.
Sau khi xây dựng nhiều chương trình tương tự dựa trên mô hình này, nhiều phụ huynh đã giúp những đứa trẻ giống Raun vượt qua được khiếm khuyết từng bị coi là không thể thay đổi và không thể chữa lành. Có phải tất cả những người mà chúng tôi hướng dẫn đều thành công? Không đâu. Chẳng ai có thể chắc chắn như thế được. Nhưng ai cũng cần có một cơ hội, dù nhỏ bé đến thế nào. Kinh Thánh có một câu nói rằng: “Cứu rỗi một mạng người là cứu rỗi toàn cõi đời.” Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhỏ bé đi vì cố gắng đâu. Chẳng bao giờ!
Vậy thì tại sao chúng ta không vươn tới những vì sao! Tại sao không chiếm lấy ngôi vàng? Không phải đồng. Không phải bạc. Phải là vàng! Những lời phán xét từ quan điểm này xoay quanh niềm tin cho rằng chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng và tuyệt vọng nếu không đạt được thành công. Tại sao chúng ta không thay đổi quan điểm này và giúp mọi người nhìn nhận việc “cố gắng” theo một hướng mới? Hào quang chiến thắng không nằm ở đích đến mà từ cách chúng ta bước đi như thế nào.
Các nhà tâm lý học và những giáo viên giáo dục đặc biệt buộc tội vợ chồng tôi là đã tiêm nhiễm vào đầu các bậc phụ huynh khác những niềm hy vọng sai lầm. Họ khẳng định chắc nịch rằng có thể đoán biết được cuộc đời tương lai của một đứa trẻ mới 2 hay 3 tuổi. Tầm phào! Đó cũng chỉ là một lầm tưởng khác. Hãy cứ tước đi niềm hy vọng và khả năng của con người đi, tinh thần sáng tạo, năng lượng và lòng quả cảm sẽ bị thui chột.
Hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn, hy vọng cho thế giới hòa bình, hy vọng dập tắt nạn đói và bệnh tật trên hành tinh này đã khiến chúng ta phải sáng tạo và tháo vát. Hy vọng khiến chúng ta sống. Nếu có một thứ tôi muốn nói để khích lệ mọi bậc phụ huynh có con đặc biệt thì đó là đừng bao giờ từ bỏ hy vọng! Hãy mơ giấc mơ của bạn! Bạn sẽ chẳng bao giờ thất bại khi yêu thương và trợ giúp một đứa trẻ vươn tới những vì sao cả. Nếu ai đó đánh giá rằng tình trạng của con cái bạn – hoặc tình trạng của chính bạn là vô vọng thì cũng đừng tin. Niềm tin sẽ trở thành những lời tiên tri tự nghiệm.
Mỗi chúng ta đều là một, là riêng, là duy nhất. Chúng ta không cần tin vào những lời dự đoán của người khác. Raun đã dạy tôi điều ấy. Hy vọng chẳng liên quan gì đến kết quả mà lại cực kỳ quan trọng đối với các cảm xúc trong ta. Hy vọng khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn, truyền cảm hứng để chúng ta hỗ trợ và quan sát được các khả năng dù nó đang nằm giữa đống tro tàn. Hy vọng là hạt giống đã nảy rễ trên mảnh đất khô cằn và u ám. Hy vọng chính là nước và ánh nắng!
Điều này có kéo dài không! Raun có tiếp tục thành công không?
Hơn bất cứ điều gì mọi người có thể tưởng tượng. Tôi có thể dẫn bạn đi qua từng khoảnh khắc nhỏ trong các giai đoạn phát triển của con trai chúng tôi theo từng ngày, từng tuần hoặc thậm chí là từng tháng. Đây chính là khoảng thời gian chứa đầy những phép màu và điều kỳ diệu. Nhưng thay vào đó, tôi sẽ chia sẻ về một loạt các chi tiết đã đánh dấu những sự kiện nổi bật và sáng tỏ có thể giúp bạn biết thêm về hành trình phát triển thành một người đàn ông của Raun. Hãy sẵn sàng cho những bất ngờ đi nào. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên đấy!
Raun 4 tuổi rưỡi
Bước tiếp theo sẽ là giúp cậu bé hòa nhập với nhà trẻ hay trường mẫu giáo. Trong tất cả những cơ sở mẫu giáo tại nơi gia đình tôi sống, có một nơi có vẻ được coi trọng cũng như được cho là tân tiến nhất. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho Raun đối mặt với trải nghiệm sắp tới. Con sẽ bắt đầu hành trình này bằng việc cùng Samahria tham quan trường chỉ đúng một lần.
Samahria lái xe tới khuôn viên của trường đại học nơi trường mẫu giáo ấy tọa lạc. Khi cả hai đi vào khu vực tiếp tân rộng lớn có trần nhà cao kiểu Gothic, một người phụ nữ đến chào Raun và Samahria rất trịnh trọng và yêu cầu cả hai thực hiện bước đầu tiên đó là hoàn thành mẫu đăng ký. Samahria nhận ra rằng dù người phụ nữ này rất kính cẩn và chuyên nghiệp nhưng cô lại chẳng bao giờ nhìn thẳng vào Raun, chẳng nở nụ cười. Thay vào đó, cô thể hiện một bộ mặt chuyên nghiệp lạnh lùng. Chúng tôi muốn một người có cảm xúc cùng một môi trường nồng ấm và vui vẻ cho con trai của mình. Lúc bấy giờ, Samahria vẫn nghĩ rằng môi trường học tập của các học viên sẽ khác với sự khuôn phép của văn phòng này.
Sau khi hoàn thành giấy tờ, Samahria ngồi bên cạnh con trai tôi, bắt đầu tương tác với con bằng trò vật tay bằng ngón tay cái và đợi. Chỉ sau vài phút, một người phụ nữ ngồi tại chiếc bàn nằm khá xa trong khu vực tiếp tân bước đến và giới thiệu bản thân với Samahria và Raun. Người quản lý này đọc to những số liệu thống kê với sự chính xác như một chiếc máy tính – thời lượng học, ngày học mỗi tuần, học phí. Ngoài ra thì khi thấy tóc của Raun hơi dài, cô ấy còn nói rằng cậu bé phải được cắt một mái tóc thích hợp hơn. Thực tế thì đó là một trong những yêu cầu nhập học đã được quy định sẵn. Một yêu cầu khác đó là: trước khi họ quyết định Raun có đủ khả năng nhập học hay không, cậu bé phải tham gia một lớp khác. Samahria thấy yêu cầu này hợp lý nên đã bảo con trai tôi đi cùng người phụ nữ nọ vào lớp. Cậu bé nắm lấy tay người phụ nữ một cách dễ dàng và rời đi với một nụ cười tươi rói. À, đây chính là trải nghiệm đầu tiên của Raun tại trường học!
Khi Samahria đi theo cậu bé, một nhân viên khác chặn cô ấy lại. Không, cô ấy không thể quan sát. Họ tin rằng sự hiện diện của mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến cả Raun lẫn lớp học. Năm phút nữa trôi qua. Samahria đi qua đi lại trong sảnh và khó chịu nhận ra rằng đây chính là lần đầu tiên Raun tự mình trải nghiệm cuộc sống. Cô ấy biết rằng mình phải bình tĩnh trở lại. “Con trai mình sẽ làm tốt thôi”, cô ấy tự trấn an bản thân.
Cuối cùng thì người quản lý rời khỏi bàn của mình sau khi quan sát cậu bé, rõ ràng là cô ấy đang đến đón Raun. Samahria nhìn cô ấy rảo bộ trên hành lang dài tới phòng học cuối cùng. Đột nhiên, từ trong cánh cửa đang mở của căn phòng ấy, cô ấy nghe thấy tiếng trẻ em đang hét lên. Theo bản năng, cô ấy di chuyển tới hướng âm thanh ấy và muốn giúp đỡ. Khi đi bộ thật nhanh dọc theo hành lang, một cảm giác bồn chồn như cho rằng tiếng hét ấy đến từ Raun, dù cho Samahria chưa từng nghe thấy cậu bé hét như thế bao giờ. Samahria chạy tới cửa phòng học đúng lúc người phụ nữ đến từ khu vực tiếp tân nọ đang cầm tay Raun kéo lê con trên sàn nhà dù cho con đang hét lên phản đối.
“Cô đang làm gì vậy?” Samahria phản đối. “Buông thằng bé ra.”
Người quản sinh nói với một chất giọng đầy mệnh lệnh: “Đứa trẻ này phải bị phạt”, “Cậu bé không cho tôi mặc áo khoác và đòi tự mặc”.
“Thả thằng bé ra ngay!” Samahria yêu cầu. Người phụ nữ ấy thả tay con trai chúng tôi ra và lắc đầu phản đối. Raun chạy tới vòng tay của mẹ và ôm cô ấy thật chặt. “Không sao đâu, con yêu. Mọi chuyện ổn rồi. Con có muốn mặc áo khoác vào không?” Cậu bé gật đầu dù còn đang khóc. Cô đưa chiếc áo ấy cho Raun và ngước nhìn người phụ nữ đang quan sát hai mẹ con trò chuyện. “Tôi thực sự không hiểu được tại sao cô lại đối xử với một đứa trẻ như thế. Ngôi trường này không dành cho con trai tôi. Thực tế thì tôi nghĩ rằng nơi này chẳng phù hợp với đứa trẻ nào cả.” Cô nhẹ nhàng cầm lấy tay Raun và nói: “Đi nào, con yêu, chúng ta ra khỏi đây thôi.”
Raun vượt qua sự cố này chỉ trong vòng vài phút. Sau đó, cả Samahria và tôi đã giải thích cho cậu bé rằng người phụ nữ này đã làm dựa trên suy nghĩ về việc giáo dục và trẻ em của cô. Chúng tôi biết rằng có lúc cả hai đã từng suy nghĩ giống người phụ nữ đó – vì chúng tôi cũng được dạy dùng sự áp đặt để tác động tới trẻ nhỏ. Chúng tôi nhận ra rằng giờ đây hai vợ chồng đã rất khác ngày xưa. Chúng tôi muốn con được yêu thương – đó chính là điều quan trọng nhất. Chúng tôi muốn người ta tôn trọng con và cả những lựa chọn của con. Tôi hỏi Raun tại sao con lại hét lên. Con giải thích rằng một đứa trẻ nọ cũng làm y như thế – hét lên khi giáo viên cầm những cây bút sáp đi và cô ấy đã ngay lập tức trả lại bút cho đứa bé kia. Con nghĩ rằng người phụ nữ kéo con đi sẽ thả ra nếu con hét lên giống vậy. Có điều, lần này không thành công. Tôi cười lớn. Raun nhoẻn cười với tôi. Con trai chúng tôi đã bắt đầu học được cách thế giới vận hành.
Trong lần trải nghiệm thứ hai, chúng tôi đã chọn một nơi ít kỳ lạ hơn ngôi trường đầu tiên. Bryn và Thea đã từng tham gia một nhóm mẫu giáo tại khu chúng tôi sống và cực kỳ yêu thích hoạt động này. Một cựu giáo viên mẫu giáo thực hiện chương trình đó ngay tại nhà cô cùng sự giúp đỡ của các phụ tá. Chẳng có những triết lý tân tiến nào cả. Không có sự chuyên nghiệp hào nhoáng. Dường như tình yêu của trẻ thơ đã tiếp lửa cho chương trình này. Vâng, cô đã cho học sinh của mình tiếp xúc với đồ chơi giáo dục và hướng dẫn các con cách học tập. Tuy nhiên, trên hết, cô chú trọng vào mối quan hệ cá nhân giữa những đứa trẻ. Hoàn hảo. Hơn hết thảy, chúng tôi mong muốn và hy vọng rằng Raun sẽ có một sự chuyển tiếp trôi chảy, đầy tình thương và những điều thú vị để tham gia vào những tương tác xã hội với những người bạn đồng trang lứa.
Ruthanne chào đón chúng tôi và con trai. Vì rất nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học tại khu vực đã tham gia làm tình nguyện viên trong chương trình của Raun nên bà biết mọi thứ về hành trình của cậu bé. Ngoài ra, bà ấy cũng muốn hiểu và đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi tốt nhất có thể. Samahria chia sẻ với bà ấy về quan điểm trong việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ của chúng tôi. Không những cảm nhận được sức mạnh đến từ các nguyên tắc chúng tôi giới thiệu, bà Ruthanne còn cực kỳ hài lòng về ý tưởng không phán xét mà sử dụng các câu hỏi để hiểu thêm về hành vi của những cá nhân nhỏ tuổi. Bà ấy đồng ý với việc khuyến khích Raun tham gia chứ không ép con. Không la hét hay điều khiển các hành động của con.
“Chuyện này thật tuyệt”, bà ấy nói. “Có con trai anh chị trong lớp học, chúng tôi sẽ cẩn thận nhiều hơn trong công việc của mình – theo hướng tích cực.”
Samahria cũng muốn ở cạnh Raun trong lớp học mỗi ngày trong tuần đầu tiên. Cô ấy đã yêu cầu được ở lại và quan sát. Nếu bà Ruthanne từ chối yêu cầu này, chúng tôi sẽ đi tìm ngôi trường khác. Ngược lại, bà ấy đồng ý. Tuy nhiên, bà Ruthanne không có cửa sổ một chiều để theo dõi Raun khi con ở trong phòng chơi mà Samahria thì lại không muốn đi vào phòng này với Raun vì sợ làm con phân tâm, vậy nên cô đưa ra một gợi ý khác. Vì bà Ruthanne có một phòng chơi tại tầng hầm nên Samahria có thể theo dõi mọi chuyện từ bên ngoài căn nhà qua cửa sổ.
Chúng tôi sắp xếp một buổi làm quen để đánh giá trước. Raun gặp bà Ruthanne, bà ấy ôm con vào lòng như một người bà hiền lành. Bà cho cậu bé xem phòng chơi, đồ chơi và còn thảo luận với Raun về những người bạn sẽ chơi cùng. Raun lắng nghe rất chăm chú. Cậu bé cầm lấy bàn tay của người phụ nữ nọ và dẫn bà tới chỗ những khối vuông được xếp ngay ngắn thành một cột nằm gần tường.
“Con chơi với mấy món này được không? Con thích xây những tòa tháp”, Raun nói.
“Đương nhiên rồi. Nếu muốn, con có thể nhờ những bạn nhỏ khác giúp con. Con có thích thế không?”
Raun gật đầu chắc chắn. Samahria dõi theo cả hai. Nước mắt của cô ấy trào ra. Cô ấy cảm thấy rất biết ơn bà Ruthanne và cả con mình nữa, cậu bé đã mở tâm hồn và tâm trí để đón nhận thế giới.
Ngày đầu tiên ở trường, Samahria dẫn con trai chúng tôi tới lớp học và đứng cạnh cửa khi vẫn đang nắm tay con. Raun buông tay mẹ ra chỉ trong vòng vài giây rồi sà xuống cùng những đứa trẻ khác và bà Ruthanne ngồi thành vòng tròn. Bà ngay lập tức giới thiệu cậu bé với mọi người. Một bé trai nhỏ xíu đứng dậy bắt tay con trai chúng tôi. Raun nhìn về phía Samahria, cô ấy gật đầu khích lệ con đáp lại người bạn kia. Raun bắt tay cậu bé kia rất mạnh mẽ và rồi làm đứa trẻ này ngạc nhiên khi bỗng nhiên được ôm. Bà Ruthanne nhoẻn cười. Trong gia đình tôi, những chiếc ôm đã trở thành một phương thức dùng để chào đón thay vì hành động bắt tay. Thật tuyệt vời làm sao khi thấy Raun được biết thêm về thế giới này trong một môi trường đầy thân thiện và tôn trọng.
Vì đã yên tâm về sự an toàn của con trai trong môi trường mẫu giáo này nên Samahria vẫy tay chào và rời đi. Ra ngoài, cô ấy đi tới chỗ cửa sổ của tầng hầm để quan sát. Một trận bão mùa đông mới đây đã khiến mặt đất bị tuyết bao phủ. Luồng khí lạnh từ Nam Cực làm cho gió thổi lạnh buốt. Vì rất muốn quan sát nên Samahria đã nằm sấp người xuống lớp tuyết để nhìn qua khung cửa sổ sát mặt đất. Cô ấy chỉ thấy mỗi con trai mình giữa đám trẻ nhỏ.
Đột nhiên, Samahria nhận ra rằng cô ấy đang run hết cả lên vì lạnh. Các ngón chân rất đau vì tuyết và gió. Tuy nhiên, Samahria không muốn nhúc nhích vì cô đã bị mê hoặc bởi thứ mà cô miêu tả là “thước phim” hấp dẫn và thoải mái nhất mà cô từng được xem. Cuối cùng thì cô ấy cũng gượng đứng lên và khập khiễng đi về xe, khuôn mặt nở một nụ cười thanh thản.
Raun rất khoái ngày đầu đi học của con. Dựa vào những quan sát của mình, Samahria đã đưa ra một vài gợi ý cho bà Ruthanne để giúp Raun hòa nhập với lớp hơn. Bà Ruthanne lắng nghe với vẻ mặt đầy chú ý cùng một nụ cười rộng mở, rõ ràng là bà rất thích cuộc đối thoại này. Cả Samahria và tôi đều rất thích sự cởi mở và lòng nhân hậu của bà đối với chúng tôi.
Cuối tuần đó, khi đang nằm trên một chiếc chăn phủ lên tuyết, Samahria chứng kiến một sự kiện rất đáng chú ý. Một đứa trẻ bự con hơn cả đã giật lấy chiếc xe cứu hỏa từ một cậu bé nhỏ hơn và đẩy cậu bé rất thô bạo. Khi đứa trẻ nhỏ hơn cố giật chiếc xe lại, cậu bé bự con lại xô ngã bạn mình, lần này còn mạnh bạo hơn. Đột nhiên, sau khi quan sát một lúc, Raun ngừng chơi với mấy khối gỗ và đi tới chỗ đứa trẻ đang bắt nạt bạn cùng lớp của mình. Jimmy Lớn nhìn con trai chúng tôi chằm chằm. Raun trông rất nhỏ bé khi đứng trước cân nặng và chiều cao cực kỳ ấn tượng của Jimmy. Trong một khoảnh khắc, cả hai đứa trẻ đều nhìn nhau. Khi Jimmy hầm hè, Raun cười và ngọt ngào hỏi xin lại chiếc xe cứu hỏa. Ban đầu, Jimmy trông rất hoang mang vì yêu cầu thẳng thắn của Raun, rồi cậu bé nhún vai và đưa chiếc xe cho Raun, con đã trả món đồ chơi này cho cậu bé kia. Jimmy Lớn quay về chỗ để chơi với những cái xe khác. Và Raun bước lại chỗ cái pháo đài đang xây dở của mình.
Samahria lặng lẽ vỗ tay khen ngợi con trai. Chỉ có những cái cây cao và những bụi cây phủ đầy tuyết có thể nghe được tiếng vỗ tay tán thưởng của cô ấy. Bà Ruthanne rất ngạc nhiên khi thấy sự thoải mái của Raun cũng như cách giải quyết mâu thuẫn đầy hiệu quả của con. Jimmy có một số vấn đề về cư xử kể từ khi cậu bé ấy tham gia lớp học. Bằng sự nhẹ nhàng và chân thành của mình, Raun đã chạm đến cậu bé ấy. Chỉ vài tháng sau đó, Jimmy thay đổi và rồi cậu bé trở thành bạn cùng chơi của Raun. Trên thực tế, bà Ruthanne báo lại rằng không chỉ Jimmy mà rất nhiều đứa trẻ khác đều tỏ ra yêu thương và trìu mến nhau hơn khi có sự hiện diện của Raun.
Raun 5 tuổi
Raun chuyển sang một ngôi trường mẫu giáo khác. Vào ngày đầu tiên đi học, Samahria, Raun và tôi tham gia cùng với các phụ huynh và những trẻ em khác trong buổi chào đón và giờ ra chơi. Một giáo viên trẻ tuổi đầy hoạt bát và chân thành nói chuyện với chúng tôi với một vẻ phấn khích rõ ràng. Cô chia sẻ với chúng tôi về chương trình học và mục tiêu của cấp học mẫu giáo khi mấy đứa trẻ cùng người trợ giảng chơi đùa với nhau ở phía cuối căn phòng. Raun hạnh phúc tham gia cùng các bạn. Trên thực tế, con có vẻ hướng ngoại và chú tâm vào hoạt động này hơn là những người bạn của mình.
Vào cuối ngày, khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, một cậu bé chạy tới chỗ Raun và hỏi xin cây bút dạ màu trong tay con. Trước khi Raun kịp trả lời, đứa trẻ nọ đã đấm vào mặt con, giật cái bút và chạy đi. Raun trông rất sững sờ. Cậu bé chưa bao giờ bị đánh cả. Nhưng Raun không khóc. Con chỉ ôm lấy má và nhìn chằm chằm cậu bé kia, lúc ấy đang bị mẹ mắng. Người phụ nữ này đã đánh đứa trẻ. Có lẽ là cô ấy không thể nhận ra được mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của cô ta và của con trai mình.
Samahria và tôi ngồi quỳ xuống và nhìn Raun. Chúng tôi biết rằng phản ứng của bản thân dành cho con sẽ quan trọng thế nào. Nếu chúng tôi nhìn nhận sự kiện này như là một điều gì đó đáng sợ hay tệ hại thì chúng tôi sẽ khiến con nghĩ đây là một khung cảnh ghê rợn và không vui vẻ gì. Thay vào đó, chúng tôi quyết định hỏi về cảm nhận của con.
“Con yêu à, con ổn không?” Samahria hỏi. Raun gật đầu.
“Con có muốn bố xoa má cho con không?” Tôi hỏi. Chúng tôi có thể nhìn thấy dấu tay của cậu bé nọ còn hằn đỏ trên mặt con. Raun cầm tay tôi đặt lên má và tôi xoa khuôn mặt con thật nhẹ nhàng. Cô giáo đi tới chỗ chúng tôi và xin lỗi vì sự việc đã xảy ra.
Trong xe, Raun hỏi tại sao cậu bé kia lại đánh con. Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi không rõ dù có lẽ cũng đã đoán được lý do. Nếu con thực sự muốn biết thì con nên tự đi hỏi cậu bé nọ.
“Raun”, Samahria nói, “Tất cả mọi người, kể cả trẻ con, đều có lúc không vui và họ thể hiện điều này bằng nhiều cách khác nhau. Thỉnh thoảng họ buồn. Thỉnh thoảng họ sợ hãi. Thỉnh thoảng họ tức giận và còn đánh rồi làm tổn thương người khác.”
“Thỉnh thoảng”, tôi nói thêm, “Họ buồn, sợ hãi và tức giận cùng một lúc. Khi chuyện này xảy ra, họ trở nên bối rối. Bố nghĩ rằng đó là khi người ta làm tổn thương nhau.”
“Cậu bé vừa đánh con có bối rối không?” Raun thắc mắc.
“Mẹ tin rằng một phần nào đó bên trong cậu ấy có đấy”, Samahria gợi ý.
“Sao mẹ cậu ấy lại nói cậu ấy xấu?” Raun hỏi chúng tôi.
Tôi trả lời rằng: “Bảo ai đó xấu chính là cách mà người ta dùng để nói về thứ họ không muốn. Ví dụ như – “đứa trẻ hư” nghĩa là “đừng làm như thế nữa”. Tôi ngừng lại và cười với tâm hồn ngọt ngào, bé bỏng này. “Này, Raun, con thấy thế nào khi bị đánh?”
Cậu bé trầm ngâm nhìn tôi, hít một hơi thật sâu và thở dài. “Đau”.
“Bố biết. Cậu ấy đánh con hơi mạnh.”
“Con không thích như vậy bố ơi. Và chắc chắn là con chẳng muốn cậu ấy làm như thế lần nào nữa.”
“Bố cũng không muốn cậu bé ấy làm như vậy nữa đâu”, tôi đồng tình. “Giờ thì con nghĩ gì về cậu bé ấy?”
“Ồ”, Raun nhoẻn cười. “Chúng con đã chơi xích đu rất vui với nhau. Con cực thích cậu ấy.”
Không oán giận. Không thù hằn. Không ai dạy Raun ghét bỏ hay thù hận, vì thế con đã chẳng làm vậy.
Tại buổi họp phụ huynh diễn ra sau đó một vài tuần, giáo viên của con, cô Jennar đã chia sẻ với chúng tôi một câu chuyện liên quan đến Raun khiến cô rất vui. Một vài đứa trẻ ngồi tại bàn cuối đã làm gián đoạn bài học vì nói chuyện và ném bút sáp màu vào nhau. Cô đã bảo các học sinh của mình dừng lại rất nhiều lần, nhưng không, những đứa trẻ này chẳng nghe lời. Theo phỏng đoán của cô, kẻ cầm đầu rõ ràng là một cậu bé tên Michael. Cảm thấy không còn kiên nhẫn được với hành vi của cậu bé ấy nữa nên cô đã la đứa trẻ. Cậu bé trở nên cực kỳ tức giận và hét vào mặt cô giáo. Vừa thừa nhận rằng cô đã không nói năng sáng suốt như mong muốn, cô vừa kể lại những lời nói của cô với cậu bé ấy mà không giấu giếm cái gì với chúng tôi. “Michael”, cô nói, “Dừng lại ngay lập tức. Con là một đứa trẻ hư.” Khoảng hai phút sau, Raun đi tới bàn của cô và nói: “Cô Jennar ơi, Michael không hư, cậu ấy chỉ đang không vui thôi.” Cô nghĩ về lời nói của con cả ngày hôm đó. “Thật tình thì”, cô nói với chúng tôi, “Đúng như Raun đã quan sát, Michael quả có không vui thật.”
Vài ngày sau, cô kể rằng khi đang chuẩn bị la một học sinh khác là hư, cô đã kịp ngừng lại ngay giữa chừng. Cô quay người và nhìn con trai chúng tôi. Cậu bé đang quan sát cô rất chăm chú từ bàn học của mình. Cô Jennar nhoẻn cười với Raun và nói: “Ừ, cô nhớ mà Raun, bạn ấy không hư, bạn ấy chỉ đang không vui thôi.”
“Thật tuyệt vời”, cô tiếp lời. “Lời nhận xét nho nhỏ của Raun đã thực sự khiến tôi phải thay đổi chính mình. Rõ ràng là Michael, rồi Jonathan và những đứa trẻ khác đã không vui. Các con không hư – kiểu như là một người xấu. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ gọi một đứa trẻ nào đó là xấu lần nữa đâu.”
Cô cũng nói về những bức tranh Raun vẽ trong lớp. Cô giáo đã yêu cầu các học sinh mẫu giáo vẽ tranh mô tả về một sự kiện nào đó trong quá khứ mà các con thích, có thể là được mua một chiếc xe đạp mới hoặc đi tới sở thú. Các học sinh nộp lại cho cô những bức vẽ rất đẹp đẽ, đầy màu sắc và sống động. Một em đã vẽ về một chú mèo lớn đang chơi với mấy con mèo con. Em khác thì vẽ một chú cá voi khổng lồ mà em đã nhìn thấy khi tham quan thủy cung vào mùa hè trước. Nhưng Raun đã họa lên một bức tranh có chủ đề rất khác so với những bức mà cô từng thấy. Ngoài ra, con cũng nhớ về những ký ức xa xôi hơn tất cả những đứa trẻ nào trong lớp hay bất kỳ đứa trẻ nào mà cô đã từng dạy.
Cô Jennar lấy bức tranh ra, đưa cho chúng tôi xem. Cô vẫn đang bối rối bởi cách lựa chọn đề tài của Raun. Trong bức vẽ là một người phụ nữ đang mang thai với một cái bụng rất to được vẽ bằng những nét hí hoáy của trẻ con. Theo như Raun giải thích, bên trong bụng là một cậu bé đang dùng ngón tay để quay đĩa. Khi giáo viên yêu cầu Raun làm rõ người phụ nữ trong bức tranh thì con nói đây là mẹ của con. Và con tự hào nói rằng cậu bé kia chính là con. Cô Jennar không biết gì về quá khứ của Raun, chứng tự kỷ nặng và các hành vi tự kích thích của con.
Chúng tôi đính bức vẽ vào một cái tủ bên trong nhà bếp. Chúng tôi cực kỳ yêu thích bức tranh này, dù sau này nó bị ngả vàng và những nét bút chì bắt đầu phai dần.
Sáu tháng sau, vào giờ ăn tối. Trong phòng bếp ở nhà chúng tôi, Thea đổ hết số nước ép còn sót lại trong hộp vào ly của con. Raun cầm lấy cái hộp, dốc ngược nó vào ly của mình và đợi. Rồi con nhận ra rằng chị mình đã lấy sạch nước ép rồi, con chỉ vào ly nước ép của Thea và yêu cầu chị chia cho mình một chút. Cô bé từ chối. Con hỏi lại lần thứ hai. Cô bé vẫn từ chối. Trước khi Samahria hay tôi kịp can thiệp thì Raun đã làm một hành động rất lạ. Con nắm chặt tay lại và nhăn hết mặt mũi của mình vào để tạo thành một biểu cảm giận dữ.
Chúng tôi chết lặng nhìn con trai mình.
“Này Raun”, tôi hỏi, “con đang làm gì đấy?”
“Con cho chị Thea thấy rằng mình đang tức giận.”
“Ồ”, tôi thốt lên. Vẻ mặt của con có vẻ như là một màn trình diễn vậy – và nó không thuyết phục cho lắm. “Trông con không giận dữ lắm. Phải không nào?”
Cậu bé thả nắm tay ra ngay và biểu cảm trên mặt con cũng bình thường trở lại. Và rồi cậu bé chia sẻ cho chúng tôi những gì con đã học được trên trường. Cô Jennar nói với các học trò rằng mình đã đặt một chiếc gối ở mỗi góc phòng học, như thế nếu có ai đang bực tức thì có thể đấm vào những chiếc gối này thay vì đánh những người có mặt trong lớp. Cô cũng giải thích rằng khi người ta không có được thứ mình muốn, đương nhiên là họ sẽ trở nên bực tức. “Điều này là lẽ tự nhiên”, cô nói với các học sinh của mình. Vì thế Raun kết luận rằng nếu không nhận được thứ mình muốn từ Thea thì chắc chắn là con sẽ phải bực tức. Những gì chúng tôi chứng kiến chính là thói quen giận dữ mà Raun đã thấy bạn bè mình thể hiện.
“Nhưng Raun ơi, con có giận Thea không?” Samahria hỏi.
“Dạ không.”
“Chà, vậy thì”, cô ấy nói, “Những gì con có thể học được từ tình huống này đó là con không phải bực tức hay giận dữ nếu không nhận được thứ mình muốn. Con vẫn có thể vui vẻ. Đó là lựa chọn của con.”
“Con vui vẻ”, Raun đảm bảo với chúng tôi bằng sự ngây thơ vô tư của con.
Tối hôm ấy, tôi có một cuộc nói chuyện rất dài với cô Jennar qua điện thoại. Hóa ra cô ấy đã tham gia một khóa học về liệu pháp Gestalt để lấy bằng thạc sĩ. “Kết nối và thể hiện cảm xúc” đã trở thành khẩu hiệu của cô ấy.
“Cho trẻ một nơi để bày tỏ sự tức giận là một phương pháp lành mạnh”, cô cam đoan với tôi.
Tôi đồng ý điều này. Tôi rất hiểu cô tận tâm và chu đáo đến nhường nào khi cố gắng giúp đỡ học sinh của mình kết nối với cảm xúc của các em. Tuy nhiên, tôi cũng cố giải thích rằng chúng tôi đã dạy con mình một điều hơi khác với thông điệp mà cô truyền tải trên lớp. Chúng tôi chỉ ra rằng các con không cần cảm thấy tồi tệ hoặc bắt bản thân mình phải tức giận nếu người khác làm điều gì đó các con không thích hoặc không nhận được thứ mình muốn. Trẻ có quyền lựa chọn cách phản ứng với những vấn đề xảy ra với mình. Tôi nói với cô Jennar rằng chúng tôi đã dạy Raun và các chị em ruột của cậu bé là bực tức cũng ổn thôi, nhưng các con luôn có một sự lựa chọn khác, đó là vui vẻ cho dù thế giới không như ta muốn. Chúng tôi muốn Raun biết rằng con phải chịu trách nhiệm cho chính hạnh phúc cũng như bất hạnh của bản thân mình.
“Đó là một góc nhìn thú vị”, cô Jennar trả lời. “Tôi có thể nói với tụi trẻ rằng mình sẽ đưa các con gối nếu chúng quyết định trở nên giận dữ chứ không phải khi chúng trở nên giận dữ. Sống và học hỏi. Tôi đoán là mình không nên cho rằng ai cũng sẽ tức giận nếu họ không có được điều họ muốn. Tôi thích như thế. Chắc tôi cũng có thể nhắc nhở bản thân mình như thế”, cô ấy cười.
Raun 6 tuổi
Một hành trình mới đang đợi Raun vào năm đặc biệt này.
Ấn bản gốc bìa cứng của cuốn Son-Rise được xuất bản dưới dạng bìa mềm. Câu lạc bộ Book of the Month (Sách hằng tháng) đã giới thiệu nó như một lựa chọn thay thế. Các vị phụ huynh, chuyên gia và giáo viên khắp Hoa Kỳ đã liên hệ với chúng tôi. Cuốn sách cũng được chuyển ngữ sang 12 thứ tiếng, mang tới cho chúng tôi rất nhiều những yêu cầu giúp đỡ từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã cố gắng trả lời mọi người tốt nhất có thể.
Hằng tuần, vài lần một ngày, các gia đình đến từ những bang và quốc gia khác nhau đi tới nhà chúng tôi. Họ dẫn theo những đứa trẻ đặc biệt – phần lớn là trẻ tự kỷ, một số trẻ khác gặp phải chứng chậm phát triển và rối loạn chức năng thần kinh. Bố mẹ của những đứa trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, động kinh cấp độ nặng, bại não và các trở ngại khác mà chúng tôi không thể đọc nổi tên cũng mong muốn được tới đây. Họ có cùng một liên kết chung với chúng tôi: chẳng còn hy vọng nào về khả năng trẻ có cơ hội trải qua những thay đổi tích cực. Dù trong lòng đầy những nỗi tuyệt vọng, những con người dũng cảm này vẫn đứng lên và chiến đấu với những người phản đối và họ cũng đã dám hy vọng thêm nhiều điều.
Muốn giúp mọi người là vậy nhưng chúng tôi cũng cảnh báo với họ này rằng chúng tôi không thể đảm bảo được điều gì. Trong trường hợp các bậc phụ huynh này áp dụng quan điểm của chúng tôi là xuất phát từ thái độ và phát triển thành công các chương trình giáo dục tại nhà cho con họ thì vẫn chẳng ai có thể dự đoán được kết quả sau cùng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng hành trình lớn lao chứa đầy tình yêu và sự chấp nhận ấy sẽ chính là món quà dành cho con cái và cho cả chính bản thân họ.
Một vài tình nguyện viên từng hỗ trợ Raun cũng đã giúp chúng tôi. Cả Bryn và Thea cũng tham gia, cả hai đều rất vui khi được dạy những đứa trẻ khác giống như hồi còn dạy em mình. Cậu tình nguyện viên gây bất ngờ nhất: đó chính là Raun. Khi chúng tôi đón tiếp các phụ huynh đến nhà, cậu bé rất phấn khích. Và khi gặp nhau, Raun cực kỳ thích thú khi được chơi cùng bọn trẻ. Con thấy những người bạn mới này thật khó đoán, hài hước và thú vị.
Nhưng cuộc phiêu lưu tuyệt nhất của Raun vào thời gian này chính là kết quả của quá trình làm việc trực tiếp với một đứa trẻ rất đặc biệt trong suốt một năm trời. Giai đoạn phát triển và hình thành tính cách đáng chú ý nhất của Raun đến từ những ngày con tham gia đợt trị liệu của Francisca và Roberto Soto cũng như con trai họ, Robertito.
Gia đình Soto rời quê hương Mexico của mình để đi tới một đất nước xa lạ với ngôn ngữ mà họ chẳng rành, cũng như dùng tiền tiết kiệm cả đời để thuê một căn nhà nằm cách gia đình tôi một vài dãy phố nhằm tiện cho việc giúp họ xây dựng một chương trình phù hợp với cậu con trai. Francisca và Roberto đã thể hiện được lòng can đảm và sự hy sinh thông qua những nỗ lực tiếp cận đứa con mắc chứng tự kỷ mức độ nặng của mình. Chúng tôi không chỉ đào tạo họ mà còn tập hợp và huấn luyện một nhóm tình nguyện viên để hỗ trợ. Tất cả chúng tôi, bao gồm Raun – người giáo viên cực kỳ năng động và tận tâm – đã trở thành một đại gia đình và cùng nhau dốc sức để giúp đỡ Robertito.
Những mô tả tiếp theo ghi chép lại một vài đóng góp của Raun cho một hành trình mà tôi đã viết trong cuốn sách mang tên A Miracle to Believe In (Tạm dịch: Tin vào phép màu).
Trước khi bắt đầu chương trình chuyên sâu cùng cậu bé Robertito 5 tuổi rưỡi, chúng tôi đã sắp xếp thời gian cho một bài kiểm tra thần kinh toàn diện.
Sau vài tiếng đồng hồ thực hiện những bài kiểm tra phức tạp, bác sĩ nhìn cậu bé nhỏ nhắn kia với một ánh mắt đầy quan tâm và đồng cảm.
“Khả năng nhận thức của con rất kém, cực kỳ kém.” Ông ấy dừng lại, lắc đầu và tự lặp lại đến lần thứ ba. “Khả năng nhận thức rất kém. Hãy nhắc lại đi nào, các bạn muốn đạt được điều gì ở đứa trẻ này?”
“Chúng tôi muốn biết liệu mình có thể giúp con về với thế giới này hay không; nhưng trước nhất, chúng tôi phải đến thế giới của con đã”, tôi nói.
“Cậu bé ấy là một đứa trẻ xinh xắn và rất dễ thương. Việc đó sẽ khiến anh rất cực đấy.” Ông ấy ngừng nói. “Khá là ngại ngùng khi viết ra chỉ số IQ của con. Con số này nằm đâu đó trong khoảng 7 và 14. Tôi đã kiểm tra rất nhiều trẻ em trong đời và đây chính là đứa trẻ có khả năng nhận thức kém nhất tôi từng thấy. Này, nghe đây”, ông ấy vừa nói vừa chỉ vào các số liệu trên hai thang đo mức độ phát triển. “Cậu bé này 5 tuổi rưỡi, nhưng sự phát triển về khả năng tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ của con chỉ bằng một đứa trẻ 1 đến 2 tháng tuổi. Mức độ trì trệ trong việc phát triển xã hội thật không thể tin nổi. Cậu bé không lắng nghe bất kỳ yêu cầu nào, không kết nối và không hề nói một lời. Cậu bé không bộc lộ được bất kỳ dấu hiệu nào của khả năng vận động tinh lẫn vận động thô. Tôi phải nói rằng, điều này thật buồn vì đây là một cậu bé đáng yêu.”
“Chúng tôi không nghĩ rằng điều này đáng buồn đâu”, Samahria nói. “Chúng tôi nghĩ cậu bé là số một!”
“Chà”, nhà tâm lý học nọ trả lời, “Những gì các bạn đã làm cho con trai mình đúng là một phép màu; nhưng nếu bạn thực hiện được bất cứ điều gì, ý của tôi đó là bất cứ điều gì cho cậu bé này, thì sẽ chẳng có ngôn từ nào có thể mô tả được chuyện ấy đâu. Nó sẽ tuyệt hơn cả những điều kỳ diệu.”
Robertito tự ngồi dựa vào bức tường trong phòng điều trị của mình. Dù đang tự vẫy vẫy tay ngay trước mặt nhưng cậu bé vẫn tiếp tục liếc theo bóng Raun. Sau khi nói chuyện với Robertito bằng tiếng Tây Ban Nha và giới thiệu con với người bạn mới, Samahria quan sát mọi thứ từ phía bên kia căn phòng. Dưới sự chỉ đạo của cô ấy, con trai chúng tôi đã nhảy lên tấm nệm, nhào lộn và tự tin chơi với những khối gỗ.
“Được rồi, cậu bé đáng yêu à, mẹ muốn con ở bên cạnh Robertito”, cô ấy nhẹ nhàng nói. “Làm theo những gì cậu bé làm cứ như bố mẹ đã chỉ ấy.”
Raun cười toe toét. Con nhiệt tình ngồi xổm rồi vẫy vẫy tay mình ngay trước mặt Robertito. Sau một vài giây, Robertito cười lớn. “Chuyện này vui thật”, Raun thì thầm với Samahria. Hai đứa trẻ di chuyển thật đồng nhất trong vòng vài phút. Rồi Robertito đi đi lại lại xung quanh căn phòng. Raun đi theo. Robertito càu nhàu mấy tiếng. Raun cũng bắt chước theo.
“Mẹ ơi, con có thể véo má cậu ấy không? Mẹ nghĩ cậu ấy có thích con làm vậy không?”
“Mẹ không biết nữa Raun”, cô thì thầm. “Sao mình không đợi đến sau này nhỉ? Còn bây giờ, hãy cùng tập trung vào việc ở bên cạnh cậu bé nhé!”
Khi hai cậu bé đi cạnh nhau, Robertito vừa kỹ càng quan sát hai bàn chân của Raun vừa bập bẹ vài âm thanh lạ lùng. Raun lặp lại y chang những âm thanh ấy và cách lên xuống giọng của Robertito vô cùng dễ dàng. Raun nhìn sang Samahria và nói: “Con đang nói chuyện với cậu ấy bằng tiếng tự kỷ”. Con dừng lại và trầm ngâm một lúc rồi kết luận: “Ngôn ngữ này khác tiếng Tây Ban Nha đấy.”
Samahria cười phá lên. Cô ấy tiếp tục quan sát và rất kinh ngạc khi thấy Robertito cười khá nhiều trong suốt buổi điều trị cùng Raun.
Ánh mắt của cả hai đứa trẻ đều chất chứa những sức mạnh lớn lao như nhau. Khi giáp mặt nhau, Raun đã với tay ra và chạm vào má của Robertito. Samahria cầm lấy đôi tay đang thả lỏng của Robertito vuốt dọc má Raun. Cậu bé đã thông qua sự tương tác này và liếc nhìn Raun vài lần. Rồi cậu bé tự động bắt đầu vuốt ve mặt con trai chúng tôi. Mắt Raun mở to ra. “Nhìn này, cậu ấy đang tự mình làm thế”, Raun thốt lên. “Chuyện này thật tuyệt phải không?” Raun nhoài người tới và hôn lên má người bạn nhỏ của mình. Samahria dõi theo những giao tiếp chẳng cần lời nói của hai đứa trẻ.
Khi rời khỏi nhà của gia đình Sato, Samahria hỏi Raun. “Con có vui không?”
“Thật tuyệt”, Raun vừa tuyên bố vừa xoa xoa bụng như thể đó là nơi gợi ra cảm giác này. “Robertito tuyệt tới nỗi con đã nghĩ rằng cậu ấy sắp nói được bằng tiếng Anh đó mẹ”. Cậu bé cười với chính mình. “Con thích nhún nhảy cùng cậu ấy. Con cũng thích những điều khác nhưng đây chính là thứ con thích nhất.”
“Raun, con có vui khi mình tự kỷ không?” Samahria hỏi.
Cậu bé nghĩ ngợi trong giây lát. “Dạ có”, Raun trả lời, “Nhưng giờ con còn thích hơn nữa.”
Samahria và tôi tham gia cùng Raun trong một buổi trị liệu dành cho Robertito vài tuần sau đó. Cả bốn chúng tôi bắt đầu vỗ tay và nhảy nhót cùng nhau. Robertito rất hay nhoài người để chạm vào Raun. Có lần, khi cảm thấy Robertito ấn tay lên vai mình đủ mạnh, Raun giả vờ ngã rồi thì thầm với chúng tôi: “Con giả vờ ngã để Robertito cảm thấy mình mạnh mẽ đó.”
Người bạn bé nhỏ đáng yêu đến từ Mexico của chúng tôi bắt đầu thực hiện một loạt các “hành vi đặc biệt” của riêng mình: vẫy vẫy tay, lúc lắc những sợi dây nằm ở hai bên đầu và nhún nhảy trong phòng. Tuy nhiên, trong lúc đang thực hiện những hành vi đặc biệt, cậu bé vẫn liên tục liếc nhìn Raun. Con trai chúng tôi mỉm cười rạng rỡ và đơn giản là bắt chước theo những chuyển động của Robertito với tâm trạng đầy vui vẻ và tràn đầy sức sống. Con thể hiện rõ ràng sự tôn trọng và hoan nghênh của mình đối với các cử chỉ của cậu bé.
Thỉnh thoảng, Robertito sẽ dừng lại và nhìn thẳng vào mắt Raun. Ánh nhìn này chỉ kéo dài vài giây mà thôi. Nhưng lần nào Raun cũng hiểu rõ ý nghĩa của nó và vỗ tay tán thưởng vì đã giao tiếp bằng ánh nhìn trực diện dù chỉ thoáng qua.
Dần dà, sự liên kết đã được hình thành.
Sau đó, khi Robertito lăn lộn trên sàn nhà, Raun cũng lăn lộn theo. Rồi Raun đã thể hiện sự yêu thương của mình thật tự nhiên bằng cách vòng tay qua ôm người bạn của con. Ngạc nhiên làm sao, Robertito đã phản ứng lại bằng cách đặt rũ tay mình lên vai Raun. Có vẻ như là vì Raun, Robertito sẽ cố một chút nữa và vươn người ra xa một chút.
Tôi bật nhạc và hướng dẫn hai đứa trẻ nhảy nhót cùng nhau. Tay choàng vai nhau, cả hai di chuyển qua lại với nhịp điệu 2 – 4. Cuối cùng thì Robertito dừng lại, ngồi trên sàn và bắt đầu thực hiện hành vi vẫy vẫy tay tự kích thích của con.
Raun bắt trước tư thế ngồi giống Phật của Robertito, vung vẩy tay theo một nhịp điệu hoàn hảo và tham gia thế giới của cậu bé kia để khiến bản thân dễ hiểu hơn với bạn. Đột nhiên, Robertito không vẫy tay nữa. Raun cũng dừng lại. Robertito ngước lên, cố tình mặt đối mặt với người hướng dẫn trẻ tuổi và nhìn chằm chằm vào mắt Raun. Con trai chúng tôi cười. Bốn giây kéo dài thành mười giây. Robertito không quay mặt đi như thường lệ nữa. Hai đứa trẻ dán mắt vào nhau trong vòng 20 giây đầy tuyệt vời. Tôi kinh ngạc khi thấy Robertito giao tiếp với ánh mắt trực diện, kéo dài đến nửa phút và không bị gián đoạn mà cậu bé chưa từng trao cho ai. Samahria và tôi nín thở theo dõi, không dám di chuyển. Chúng tôi chưa từng thấy Robertito hành động như vậy bao giờ. Chưa bao giờ!
Đột nhiên, Raun quay đầu về phía chúng tôi. Một nụ cười rạng rỡ, trưởng thành xuất hiện trên gương mặt con. Với một chất giọng mềm mại và vang vang hiếm thấy, Raun nói: “Chúng con đang kể cho nhau nghe những sự thật. Chúng con trò chuyện bằng mắt.”
Sau tám tháng, Robertito bắt đầu bước qua cây cầu nối giữa thế giới của cậu bé và thế giới của chúng tôi. Con bắt đầu nói chuyện. Robertito thường xuyên khởi xướng những tương tác. Những hành vi đặc biệt không còn thường xuyên nữa. Con gần như đã hiểu được hết những khái niệm đơn giản, như có và không, giống và khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường phải trải qua những khoảng thời gian đầy cô đơn. Đó là lúc Robertito dường như không biết hay không nhớ về những gì mình học hôm trước. Tuy nhiên, dù vẫn còn lưỡng lự giữa việc chọn thế giới của riêng mình và thế giới bên ngoài nhưng quá trình học hỏi của Robertito đã phát triển vượt bậc.
Một ngày nọ, Robertito đã sẵn sàng cho chuyến đi thăm công viên. Samahria cầm tay Robertito còn tôi cầm tay Raun để băng qua đường và đi vào sân chơi. Tôi vác trên vai một chiếc xe đạp hai bánh được gắn các bánh phụ. Chúng tôi ngắm nhìn người bạn nhỏ bé ấy, con trông chẳng khác gì những đứa trẻ 6 tuổi khác trong công viên cả. Hôm nay, dáng vẻ của con đã mang một sự khác biệt rõ ràng, đôi chân con đã bước vững vàng vào thế giới của chúng tôi.
Samahria và tôi bế cả hai đứa trẻ lên xích đu. Cả hai nhìn nhau đầy tinh nghịch. “Bố ơi đẩy đi”, Raun chỉ đạo. “Robertito ơi, chúng ta sẽ bay cao”, con nói bằng tiếng Anh. Tôi thì thầm một cụm từ bằng tiếng Tây Ban Nha với Raun. Rồi Raun hét lên: “Robertito ơi, ý mình là ờ... Arriba1!”
1 Tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “bay lên” – (N.D).
“Quiero arriba2”, Robertito lẩm bẩm, xác nhận ý muốn được bay vút lên cao của mình.
2 “Con muốn bay.”
Bằng một lực đẩy đều đều, chúng tôi đẩy các con vọt thẳng vào không trung. Raun vừa cười và hét lên: “Cao nữa! Cao nữa!”, vừa đá chân mình về phía trước. Robertito nhìn chằm chằm vào sân chơi mở ra trước mặt khi chân còn đang đung đưa.
“Raun đâu rồi?” Samahria hỏi học sinh của mình bằng tiếng Tây Ban Nha.
Robertito nhiệt tình chỉ trỏ và nói, “iAqui3!”
3 “Ở đây.”
“Đúng rồi, Robertito. Tuyệt vời! Xuất sắc! Giờ con có nhìn thấy cậu ấy không?” Robertito vẫn nhìn chằm chằm vào một chỗ.
“Ôi, thôi nào, Robertito”, Raun ré lên. “Mình là bạn của cậu mà. Nhìn mình này.”
Cậu bé nhỏ nhắn ngước qua nhìn người bạn đang cười toe của mình. Rồi Robertito tỏ vẻ cực kỳ thích thú khi nhìn thấy chân của Raun và đột nhiên làm theo chuyển động ấy bằng chính đôi chân của con. “Kìa, kìa...!” Raun hét lên trong vui sướng. “Cậu ấy đang làm rồi – thấy không, con đã bảo là cậu ấy thông minh rồi mà.”
Samahria và tôi lẳng lặng theo dõi Raun hướng dẫn Robertito chơi tại khu vực leo trèo và cầu trượt. Sau đó, Raun đưa cho Robertito vài mẩu bánh mì để cho vịt ăn, nhưng người bạn nhỏ bé của con lại bỏ chỗ thức ăn ấy vào thẳng miệng mình.
“Xem mình này”, Raun vừa nói vừa chạm vào cánh tay của Robertito. Bằng những động tác chậm rãi, Raun ném một mẩu bánh mì xuống cho lũ vịt đang chơi trên mặt nước. “Nhìn lại lần nữa nhé.”
Sau khi hoàn thành xong lần hướng dẫn thứ hai, Raun dúi vào tay cậu bé mà con đang chăm sóc một mẩu bánh mì nữa. Robertito nhanh chóng nhét miếng bánh mì vào miệng mình. “Này, không công bằng chút nào!” Raun phản đối. Rồi con phá lên cười, vỗ vỗ vai Robertito và quay lại cười với chúng tôi. “Con thích cho cậu ấy ăn hơn là cho vịt ăn.”
Năm phút sau, bụng Robertito đã no căng nên con ném mẩu bánh mì đầu tiên xuống nước. Raun nhảy nhót và hoan hô. Robertito quay sang nhìn con và hoan hô lại.
“Raun!” Samahria gọi. “Con muốn thử đạp xe không?” Con gật đầu, nắm tay bạn mình lần nữa và đưa cậu bé trở lại chỗ chúng tôi.
“Có lẽ con nên chỉ cho cậu ấy đạp xe trước”, tôi đề nghị.
“Robertito, nhìn mình này!” Raun nói. “Nào, nhìn mình đi!” Raun nhảy lên chiếc xe và đạp thành một vòng tròn. Robertito theo dõi vài phút, rồi ngoảnh đi, xoay vòng mấy ngón tay bên cạnh đầu. “Cậu ấy không theo dõi”, Raun thông báo.
“Con gọi lần nữa đi”, Samahria đề nghị, “Và nói ‘mira’, nghĩa là ‘nhìn này’. Con nhớ mà, phải không?”
Raun gật đầu. “Robertito, mira. Mình đây này. Mira, Robertito”. Cậu bé dừng làm những “hành vi đặc biệt” và dõi theo.
Sau khi hai đứa trẻ đổi chỗ cho nhau, trông Robertito hơi hoang mang lúc ngồi trên xe đạp. Raun và tôi đẩy xe cho con một lúc, mong rằng hai cái pê-đan đang chuyển động sẽ giúp con hiểu được hoạt động này diễn ra thế nào. Mỗi lần chúng tôi dừng lại, Robertito cũng chỉ ngồi đó và chờ đợi.
“Dùng chân của con đi”, Samahria nói với Robertito bằng tiếng Tây Ban Nha. “Như Raun ấy – con có thể làm được. Cô biết con làm được mà.”
“Hay con đạp lại cho cậu ấy xem nhé”, tôi đề nghị con trai mình. Raun đạp xe thật nhanh theo vòng tròn, rồi đạp vài vòng hình số 8. Khi con chuyển chiếc xe lại cho Robertito, con nhìn chằm chằm vào mắt cậu bé kia. Rồi Robertito cầm tay Raun lên và đột ngột hôn nó. Mặt Raun thể hiện rõ sự bất ngờ. Chẳng một chút do dự, Raun cầm bàn tay bé nhỏ của Robertito lên và hôn lại.
Raun nắm tay lái thật chặt và nhoẻn cười. Tôi giúp Robertito ngồi lại lên xe. “Cậu sẽ làm được mà, phải không nào?” Raun vừa nhẹ nhàng nói vừa kéo tay lái và đẩy chiếc xe về phía trước. Vậy mà Robertito vẫn không đạp. Raun cứ tiếp tục, rồi đột nhiên thả chiếc xe ra. Cái xe vẫn di chuyển. Raun bắt đầu chạy ngược còn Robertito đuổi theo con. Và giờ đây, lần đầu tiên trong đời, cậu bé đang đạp hai chiếc pê-đan bằng chính đôi chân mình và đưa chiếc xe tiến lên phía trước. Khi chiếc xe di chuyển nhanh hơn, Raun quay mình và bắt đầu nhảy nước kiệu. Con vẫy tay với bạn mình, dỗ cậu bé đạp xe về hướng con. Trong vòng mười phút tiếp theo, như một anh chàng thổi sáo, Raun chạy vòng quanh sân chơi cùng cậu bé Robertito đang cười và chơi đuổi bắt.
Vào cuối một buổi trị liệu khác, Raun rời khỏi phòng cùng với mẹ. “Cậu ấy thật thông minh, mẹ à”, Raun thốt lên. “Mẹ biết đấy, những người tự kỷ đâu phải là người ngốc nghếch”. “Không ai thực sự ngốc cả”, Samahria giải thích. “Chỉ là trên đời có nhiều kiểu thông minh khác nhau.”
“Con nghĩ rằng Robertito có một kiểu thông minh đặc biệt đấy”, Raun nói với một chất giọng tin tưởng mãnh liệt.
Sự kỳ diệu của mối liên hệ giữa Raun và Robertito vẫn tiếp tục thêm một năm rưỡi vô cùng tuyệt vời nữa. Bên cạnh đó, số lượng người tham gia hỗ trợ ngày càng tăng.
Sau bảy tháng làm việc trong dự án này, chúng tôi ghé thăm người bác sĩ cũ đã thực hiện lần kiểm tra đầu tiên để cập nhật tiến trình phát triển thần kinh của Robertito.
Robertito bước vào phòng khám, đến gần và ngồi lên đùi bác sĩ khi ông đề nghị.
“iHola! Robertito1”, bác sĩ lên tiếng. “iHola!” đứa trẻ trả lời. “Yo quiero agua2”.
1 “Xin chào, Robertito.”
2 “Cháu muốn uống nước.”
“Nước? Thật khó tin. Cậu bé này không những có thể nói từng chữ mà cả một câu luôn ư? Thật tuyệt diệu”.
Về cơ bản, kết quả của các bài kiểm tra tiết lộ rằng: “Robertito đã có thể hiểu các từ ngữ thuộc trình độ trẻ 4 tuổi và vốn từ vựng ấn tượng của con đạt đến trình độ của trẻ 3 tuổi. Chỉ số IQ của cậu bé tăng từ mức dưới 14 lên 40. Con đã biết hợp tác, làm theo các chỉ dẫn và thể hiện ý nghĩ của mình. Con không còn chạy quanh phòng hay vẫy vẫy cánh tay nữa. Giờ đây, con đã nhìn thẳng vào người khác, nói chuyện và chạm vào người họ. Cậu bé tiến bộ rõ rệt xét trên tất cả các khía cạnh.”
“Tôi chưa từng thấy chuyện này bao giờ cả”, vị bác sĩ chẩn đoán khẳng định. “Các bạn à, dù cậu bé này chẳng thể học được một điều nào nữa thì những gì các bạn đã làm vẫn là một điều kỳ diệu.”
Raun 7 tuổi
Một ngày mùa hè ấm áp. Chúng tôi đã thuê một căn nhà thuyền trên một mặt hồ yên ả trên núi. Vì là dân thành phố nên các cô con gái và Raun chưa bao giờ được đi câu cá. Chúng tôi neo nhà thuyền cạnh một cái vũng, ngồi ở boong sau và quăng dây câu xuống nước. Bryn cứ lúc lắc cái dây, chắc là để đuổi đám cá đi chứ không phải là nhử chúng. Thea tự rơi vào trạng thái thiền và nhìn chằm chằm vào khoảng không gian ngoài kia. Ngược lại mấy cô chị, có vẻ như Raun đang tập trung hoàn toàn vào nỗ lực nằm trong tay mình.
“Nếu con nghĩ là ‘Này cá, cắn câu đi nào’, liệu tụi nó có cắn câu sớm hơn không?” Raun thắc mắc.
“Một ý kiến rất thú vị”, tôi trả lời. “Thực ra, suy nghĩ chính là những phản ứng vật lý xảy ra trong cơ thể. Khi chúng ta nghĩ, các chất hóa học sẽ được sản sinh. Hiện tại, một số người tin rằng các suy nghĩ cũng có thể làm thay đổi và di chuyển đồ vật xung quanh. Bố nghĩ rằng chưa ai đưa ra được câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này, chưa đâu. Nhưng nếu con muốn thử thì tại sao không? Hãy nghĩ đi và xem chuyện gì sẽ xảy ra nào.”
“Bố ơi, con sẽ câu được cá nếu con cũng làm như thế phải không?” Thea hỏi.
“Con có nghĩ rằng cách này sẽ hiệu quả không?” Tôi đáp lại.
“Không”, cô bé nhoẻn miệng cười và nhún vai.
“Chà, bố nghĩ là nếu con không tin thì chuyện này sẽ không thành công đâu.”
“Con tin điều đó”, Raun nói. Cậu bé nghiêng người về một bên thuyền, cực kỳ tập trung vào làn nước bên dưới và nói với chúng tôi rằng con đang gửi các thông điệp tới lũ cá.
20 phút sau. Vẫn không có cá. Tuy nhiên, dây câu của Raun đã động đậy một chút. Con phải móc mồi lại đến sáu lần. Đột nhiên, một cú đớp rất mạnh khiến dây câu con giật lên như điên.
“Được rồi”, tôi nói “Giờ thì hãy cuộn dây lại thật chậm. Đừng rút dây quá mạnh. Từ từ thôi. Hoàn hảo. Con làm tốt lắm.”
Mắt Raun sáng lên khi cậu bé kéo con cá về phía cái thuyền. Cuối cùng thì con vật kia vọt ra khỏi làn nước. Bryn đã sẵn sàng với cái vợt trên tay.
Một con cá hồi vân. Nó dài ít nhất phải 20cm. Lần câu cá đầu tiên đầy ngoạn mục của con trai chúng tôi. Raun kéo con cá lên cạnh thuyền. Nó giãy đành đạch rồi đập vào mạn thuyền. Tôi theo dõi sự thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt Raun khi con quan sát những sự kiện diễn ra sau đó. Tôi thấy con rơm rớm nước mắt.
Rồi con bắt đầu hét lên. “Để nó sống đi! Để nó sống đi! Cứu con cá đi!” Raun liên tục hét lên khi con thấy con cá hồi đang vật lộn để tự cứu mình khỏi cái móc. Tôi cầm lấy cái cần câu từ tay Raun và đưa con cá vào chiếc lưới của Bryn.
Thea cố vỗ về em trai mình. “Raun, con cá không bị đau đâu.”
“Làm sao mà chị biết chứ?” cậu bé vừa nói vừa khóc. “Chị không phải là cá mà.” Con quay sang nhìn tôi. “Bố ơi, làm ơn hãy giúp con cá đi.”
Với sự trợ giúp của Bryn, chúng tôi đã cẩn thận lấy được con cá ra khỏi lưới và gỡ cái móc khỏi miệng nó.
“Chúng ta sẽ thả nó lại vào hồ. Được chứ?” Tôi hỏi.
“Được ạ”, Raun mếu máo nói. “Nhưng đừng ném nó xuống. Thả từ từ thôi ạ.”
Chúng tôi dùng một cái lưới khác để đưa con vật xuống và theo dõi nó bơi đi. Raun lau nước mắt.
“Con không muốn câu cá nữa đâu”, cậu bé nói thật chắc chắn. “Và con cũng không bao giờ muốn ăn cá. Được chứ?”
“Đương nhiên rồi Raun. Nếu con muốn thế thì bố đồng ý với con. Được chứ?”
“Được ạ”.
Khi ngắm con mình nhìn chằm chằm vào cái hồ, tôi không thể không nghĩ về việc thế giới kỳ diệu và thiêng liêng đến như thế nào dưới đôi mắt con.
Sau khi xuất bản cuốn sách thứ hai – To love is to be happy with (Tạm dịch: Yêu là hạnh phúc với những gì mình yêu) và cuốn thứ ba – Giant steps(Tạm dịch: Những bước đi lớn), nhiều người, nhiều cặp đôi và gia đình đã ùa đến với chúng tôi. Cùng với đó, chúng tôi mở thêm nhiều buổi giảng dạy để đáp ứng tất cả nhu cầu học hỏi của mọi người. Không chỉ giúp nhiều người đối mặt với các khó khăn như bệnh tật, cái chết của người thân yêu, sự đau đớn do hôn nhân và tài chính trục trặc; chúng tôi còn làm việc với các cá nhân chỉ có những mong muốn đơn giản, đó là cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Đối với chúng tôi, bất hạnh và cảm xúc không thoải mái chẳng phải là vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần mà chính là kết quả từ những suy nghĩ và niềm tin của mỗi chúng ta. Thay đổi cách nghĩ, rồi cuộc sống của chúng ta cũng thay đổi theo.
Những cuốn sách trên đã mang chúng tôi đi khắp thế giới. Tuy vậy, mỗi ngày trôi qua, chúng tôi đều nhớ lại và thấy biết ơn những bài học sâu sắc nhờ áp dụng những nguyên lý trong chương trình để giúp con trai của mình. Một ngày kia, sau khi làm việc với những đứa trẻ nghèo khổ bị lạm dụng, một số còn suýt mất mạng; chúng tôi đã đưa ra một quyết định. Vì muốn được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc dành cho các trải nghiệm đã trải qua cùng Raun nên chúng tôi muốn nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Chúng tôi nói ý định của mình cho Bryn, Thea và Raun. Bọn trẻ hỏi rất nhiều. Raun gọi đây là một “ý tưởng hay ho” và sẽ hỗ trợ chúng tôi hết mình. Tuy nhiên, con có một yêu cầu: Con rất yêu quý những em bé có đôi má phúng phính vì thích nhìn và véo chúng nên liệu bố mẹ có nhận nuôi những em bé có đôi má phúng phính không? Chúng tôi nói rằng sẽ cố hết sức.
Vài tháng sau, chúng tôi trở về từ Nam Mỹ cùng một cậu bé bị bỏ rơi tại một bệnh viện trong rừng, con bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và có thể chất rất yếu. Phía trên cái bụng phình của con là những chiếc xương sườn lộ rõ mồn một; ruột con thì đầy giun sán (phải đến hai năm mới tẩy hết được đám ký sinh trùng này khỏi cơ thể con). Và ngạc nhiên xen lẫn ngạc nhiên. Cậu bé nhỏ nhắn, đáng yêu này có một cặp má rất, rất mũm mĩm. Đối với Raun, cậu bé như một món quà đến từ thiên đường vậy. Con nựng má cậu bé thật nhẹ nhàng và đầy tôn trọng khi cậu về tới nhà. Thea thoải mái chào đón con. Và Bryn – chà, con yêu cậu bé này ngay lập tức và nhanh chóng trở thành người mẹ thứ hai của cậu. Chúng tôi đặt tên cho con là Tayo (theo từ “Tao” – có nghĩa là “đạo”). Dù không ai biết gì về gốc gác hay hoàn cảnh thiếu thốn mà con đã trải qua nhưng các bác sĩ đã tính rằng con khoảng 1 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, không giống như những đứa trẻ đồng trang lứa, con không thể ngồi, lật người hay bò. Nhưng Tayo lại có một nụ cười thật kỳ diệu.
Như một thói quen, chúng tôi ngay lập tức đánh giá mức độ phát triển cũng như năng lực của Tayo, đồng thời nhìn nhận các khó khăn con đang gặp cũng như những cơ hội, cả cho con lẫn cho chúng tôi. Chúng tôi tắm cho Tayo với tất cả tình thương của mình và đồng thời cũng thiết kế một chương trình sử dụng các phương pháp kích thích cho con. Các chị em con đều tham gia giúp đỡ.
Raun muốn chỉ Tayo cách ngồi; cậu bé xác định rằng đấy là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình trong dự án giúp đỡ Tayo. Sau giờ học, con sẽ cùng Tayo chơi một vài trò chơi thể chất để giúp cơ thể của em trai con khỏe khoắn hơn cũng như khuyến khích Tayo di chuyển và tương tác. Một vài bác sĩ cho rằng sự thiếu ăn và thiếu tình thương trong những năm tháng quan trọng và tiền đề kia có khả năng giới hạn sự phát triển về cả thể chất lẫn trí lực của Tayo. Điều này nghe thật quen thuộc. Chúng tôi sẽ không đặt ra giới hạn nào cho Tayo cả. Thay vào đó, cả nhà đã cùng con thực hiện một chương trình được thiết kế kỹ lưỡng nhưng lại vô cùng thoải mái. Con đã thành công. Tayo không chỉ giành lại được quyền kiểm soát cơ thể mình mà con còn phát triển được một trí tuệ đáng kinh ngạc.
Giờ đây, 14 tuổi, Tayo vẫn duy trì được điểm số tốt ở trường, có một cô bạn gái cực kỳ xinh xắn, yêu trượt tuyết và đang đồng thời viết đến hai cuốn tiểu thuyết trên máy tính của chúng tôi.
Raun 8 tuổi
Một ngày nọ, khi đang ăn tối, Raun tuyên bố rằng con muốn sống mãi mãi. Hóa ra, một cuộc thảo luận tại trường về việc bà của bạn cùng lớp mất đã khiến Raun bừng lên ý tưởng này.
“Nghe thật hấp dẫn đấy”, tôi nói. “Tại sao con lại quyết định như thế?”
“Bố mẹ luôn nói về sức mạnh của niềm tin. Ví dụ như bố đã tin rằng con sẽ hồi phục và thế là bố ra sức giúp con. Vì vậy, con nghĩ rằng có vẻ nguyên nhân khiến người ta chết đó là họ tin rằng mình sẽ chết.” Con dừng một chút và nhìn chúng tôi bằng ánh mắt rất chín chắn. “Chà, con thích cuộc sống của mình. Vì thế, con sẽ tin tưởng rằng con có thể sống mãi, và thế là con sẽ được như thế.”
Tôi nhớ rằng mình đã phải nghĩ và nghĩ rất nhiều về câu trả lời tôi cần đưa ra. Tôi có muốn dạy con mình phải biết thực tế không? Galileo không hề thực tế. Louis Pasteur không hề thực tế. Alexander Graham Bell không hề thực tế. Họ đi ngược lại những niềm tin văn hóa đã được chấp nhận rộng rãi về việc cái gì làm được cái gì không, và kết quả là họ đã thay đổi thế giới bằng những thứ hữu ích. Không, tôi không muốn hạn chế con mình bằng cái hiện thực đến từ niềm tin và các giới hạn của những cá nhân khác. Trên thực tế, tôi thấy ý tưởng của con rất hay ho. Tôi nhận ra rằng mình đã luôn nghĩ về cái chết của bản thân trong tương lai. Những người tôi biết cũng có cùng giả thuyết như thế. Tuy nhiên, số người sống trên hành tinh này ở thời điểm hiện tại đã nhiều hơn tổng số lượng những người đã khuất trong hàng thập kỷ. Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng mọi người sẽ chết nếu phần đông những người từng sống vẫn còn tồn tại đến giờ này? Một vài người sẽ gọi những uẩn khúc đầy sâu sắc này là một trò chơi của tâm trí. Tôi yêu điều này, vì những bước ngoặt trong tâm trí ấy cho phép chúng ta mở rộng những giới hạn quanh mình. Tuy nhiên, những phát hiện và phát minh đều xuất phát từ ước mơ làm điều gì đó mới mẻ. Vậy thì tại sao chúng ta không cân nhắc ý tưởng độc nhất vô nhị này của Raun?
Sau cuộc đối thoại này, Raun tranh thủ mọi cơ hội để nói với mọi người rằng con sẽ sống mãi mãi. Một số người phá lên cười. Một số người lại ngẫm nghĩ về ý tưởng của con cực kỳ nghiêm túc. Bữa tối hôm ấy, chúng tôi lại có một cuộc thảo luận khác nữa về cái chết. Một lần nữa, Raun lại đưa vấn đề này ra, vì thế chúng tôi lại hỏi han thêm một chút nữa.
“Raun”, Samahria hỏi, “Chuyện gì sẽ xảy ra khi con 200 hay 2.065 hay 10.300 tuổi và rồi con thay đổi suy nghĩ của mình về cuộc sống bất tử? Sau đó sẽ ra sao?”
Con trai chúng tôi trầm ngâm. Con nghĩ mãi, nghĩ mãi. Cuối cùng thì một nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt con. “Con biết mình sẽ làm gì rồi. Con biết chính xác thứ con sẽ làm.”
“Gì vậy Raun?” Tôi hỏi.
“Con sẽ nói với Chúa rằng nếu chuyện đó xảy ra và con nói rằng con không muốn sống mãi mãi nữa thì Chúa đừng tin con nhé.”
Samahria và tôi cười vang.
Sau giờ học, Samahria và Raun tản bộ cùng nhau. Cái miệng nhỏ như được gắn động cơ liến thoắng không ngừng về những chuyện nhỏ nhất trong ngày của con. Cậu bé giải thích cho mẹ về cách sấm sét xuất hiện và Mặt trăng đã gây ảnh hưởng lên sóng biển như thế nào. Raun không chỉ thích thu thập những thông tin mới mà còn thích kể cho mọi người những thứ mình đã học. Cuối cùng, sau khi kể hết ra những suy nghĩ của mình, con rơi vào im lặng.
Sau khoảng năm phút, con quay sang mẹ mình và nói đầy cảm xúc: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”
Samahria nhoẻn cười với con và cảm nhận được niềm tha thiết trong những từ này. “Mẹ cũng yêu con rất nhiều.” Cô ấy dừng lại một chút rồi tiếp tục: “Mẹ rất cảm kích vì con yêu mẹ nhiều, nhưng tại sao thế? Sao con lại yêu mẹ nhiều đến thế?”
Cậu bé suy nghĩ về câu hỏi của mẹ mình khi cả hai đi dạo và vò đầu bứt tai như thể đang dốc toàn lực để tìm câu trả lời. Đột nhiên, con dừng lại và nhìn thẳng vào mắt mẹ. “Con yêu mẹ cực nhiều vì mẹ rất có ích.”
Lời đánh giá của Raun làm Samahria rất ngạc nhiên. Dù rất nhiều bậc cha mẹ sẽ không chấp nhận lời nhận xét như thế nhưng chúng tôi vẫn rất thích con mắt quan sát và cách đánh giá của con. Chúng tôi chẳng thể tưởng tượng được có điều gì tuyệt vời hơn việc khiến tình yêu thương của mình hữu hình bằng cách trở nên có ích đối với các con cả.
Raun 9 tuổi
Raun đã quyết định được mình sẽ làm gì khi lớn lên (dưới góc nhìn của một đứa trẻ 9 tuổi).
1) Du hành thời gian
Con muốn thiết kế một chiếc máy du hành thời gian để đi tới không chỉ quá khứ mà còn là tương lai. Thời điểm yêu thích: thời khắc vũ trụ hình thành, thời kỳ khủng long (đúng là một điểm nhấn), thời khắc những người tiền sử nam và tiền sử nữ còn sống (con rất khéo léo và tế nhị khi nhắc về vấn đề giới tính), thời Hy Lạp Cổ đại, miền Tây hoang dã, và 100 năm nữa trong tương lai, 1.000 năm nữa trong tương lai và 5.000 năm nữa trong tương lai. Rồi dựa trên những trải nghiệm đó, con sẽ chọn thêm các điểm đến tiếp theo.
2) Trở thành phi hành gia
Con tin rằng việc bay tới Mặt trăng và sau đó là những hành tinh xa hơn sẽ là một hành trình cực kỳ tuyệt vời. Con thấy hiện tượng không trọng lực rất thú vị. Nếu là một phi hành gia, con sẽ thực hiện các cuộc phiêu lưu: thăm thú những hệ mặt trời và các thiên hà khác rồi khám phá một thiên hà chưa được ai biết tới. Và người ta sẽ dùng tên con để đặt tên cho thiên hà ấy: Thiên hà Raun Kaufman.
3) Trở thành một ca sĩ nhạc rock nổi tiếng
Con nghĩ rằng việc ăn vận lạ đời và bay nhảy trên sân khấu cùng những cặp kính râm và cây đàn guitar sẽ cực kỳ thú vị. Thú thực thì con cho rằng âm nhạc không quan trọng lắm. Dù con đã học đánh đàn piano, học kéo violin rồi hiện tại là viola và đàn gõ, con thích các hành động tạo ra âm nhạc (bằng cánh tay, bàn tay, ngón tay) hơn là chính âm thanh đó.
4) Không bao giờ hôn một cô gái nào
Con rất muốn cưới vợ và có con. Tuy nhiên, Raun đã thề rằng con sẽ không bao giờ hôn một cô gái nào, ngay cả vợ mình.
Một sự kiện quan trọng khác nữa xảy ra trong cuộc sống của gia đình tôi và của cả Raun: nhận nuôi một cậu bé 5 tuổi đã ở trại mồ côi khá nhiều năm sau khi suýt nữa bị chính cha ruột giết. Vào năm 2 tuổi, mẹ cậu bé qua đời. Lúc 3 tuổi, cậu bé phải sống trong điều kiện cực kỳ nghèo khổ, người cha đã tấn công bằng dao và rạch cổ cậu bé – đến hai lần. Kỳ diệu thay, đứa trẻ vẫn sống sót.
Dù dây thanh quản vẫn nguyên vẹn, nhưng cậu bé rất ít nói. Thỉnh thoảng, cậu bé sẽ vừa đứng vừa ngủ như thể đang im lặng bảo vệ chính mình bằng cách giữ nguyên tư thế thẳng người. Một bác sĩ tâm lý cho rằng hành vi của con là bất thường, nhưng bất thường “có lý do”. Chúng tôi cười khi nghe bác sĩ nói thế. Chúng tôi chỉ thấy một cậu bé nhạy cảm và hoảng loạn đang cố gắng hết sức để chăm sóc bản thân và thấu hiểu thế giới đầy những bạo lực kia. Chúng tôi chẳng cần bất kỳ đánh giá nào cả.
Chúng tôi gọi con là Ravi, cái tên này có nghĩa là mặt trời hoặc mặt trời mọc. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, con gọi tôi là Popi, sau này, cách gọi ấy đã thay thế “Bố” vì những đứa trẻ khác cũng bắt đầu sử dụng từ ấy để gọi tôi. Ravi chẳng bao giờ xa tôi nửa bước, luôn đứng cạnh và ôm chân tôi. Các anh chị con còn tinh nghịch gọi con là “cái đuôi”. Vào những ngày đầu tiên, tôi chẳng thể biết được liệu con thích tôi hay đang sợ tôi và mong rằng tôi sẽ không làm những gì Popi đầu tiên của con đã làm. Có lẽ con tin rằng bằng cách giữ chân tôi thật chặt, con có thể củng cố được mối quan hệ giữa hai chúng tôi và tạo ra một kết quả khác biệt.
Lần nào nói chuyện, tôi cũng đảm bảo với con rằng tôi yêu con và sẽ chẳng bao giờ làm hại con. Tôi cố không làm con giật mình, đi lại thật nhẹ nhàng và tỏ ra dễ đoán bởi lúc nào con cũng căng thẳng dõi theo tôi. Tim tôi tan chảy khi Ravi ôm lấy tôi và mỗi lần tôi đều cảm nhận được cánh tay đang run rẩy của con.
Ai cũng quý mến Ravi. Tayo trở thành người hướng dẫn cũng như bảo vệ của Ravi trong tháng đầu con có mặt tại nhà. Bryn và Thea nhanh chóng chào đón Ravi đến với gia đình và coi con như thể đã luôn là người thân trong gia đình. Raun – một cậu bé cực kỳ tò mò – muốn được xem những vết sẹo của Ravi. Chúng tôi giải thích rằng cả nhà nên cho cậu em trai mới một chút thời gian đã. Có thể một ngày khác, Ravi sẽ cho Raun xem những vết sẹo ấy.
Raun đã luôn là bé cưng của gia đình và mãi là đứa con út. Nhưng với sự xuất hiện của Tayo và Ravi, giờ đây, cậu bé đã trở thành người anh lớn của hai cậu em nhỏ. Con thích vai trò này và thực thi cực kỳ nghiêm túc. Raun tình nguyện dạy tiếng Anh cho Ravi, giúp con biết thêm về căn nhà và chơi bóng cùng cậu bé. Rõ ràng là khi Raun càng lớn, con càng đón nhận nhiều trách nhiệm hơn và coi gia đình đang càng ngày càng đông đúc này là những thử thách thú vị – ví dụ như trọng trách làm anh lớn trong nhà.
Dù ban đầu Ravi không hề cởi mở một chút nào, nhưng con đã dần dần thoát khỏi lớp vỏ bọc nhờ những sự giúp đỡ đầy dịu dàng và yêu thương của các anh chị. Thoạt đầu, dường như hầu hết các tương tác của con đều rất thận trọng và mang tính thăm dò. Nhưng cuối cùng, khi bắt đầu dạn dĩ hơn, con đã chia sẻ sự ngọt ngào của mình với chúng tôi và trở thành một người trợ giúp đắc lực. Dù là chúng tôi đang lau bàn bếp, treo mấy chiếc xe đạp lên móc trong ga-ra hay là rửa xe, Ravi đều bước tới trước để giúp một tay và luôn đóng góp một phần công sức đáng kể.
Tại trường cấp hai, con vượt qua chính mình bằng việc can đảm ứng cử chức chủ tịch hội học sinh và đứng phát biểu trước toàn trường. Con đã thắng cử. Sau hàng năm trời, Ravi trở thành một vận động viên giỏi giang, con cũng đã tin tưởng hơn vào bản thân và năng lực của chính mình. Hiện tại, Ravi đang học cấp ba. Bạn luôn có thể nhìn thấy cậu chàng đội chiếc mũ Chicago Bull yêu thích và gật gù theo tiếng nhạc rap phát ra từ cái máy Walkman trên tay. Phòng con được trang trí bằng rất nhiều giải thưởng thể thao. Và dù vẫn chưa phải là một người có tài ăn nói nhưng trí thông minh và óc hài hước của con luôn làm chúng tôi cười bể bụng.
Raun 10 tuổi
Vào chính năm này, Raun đã trải nghiệm quá trình chuyển tiếp tiếp theo. Con phải rời khỏi căn nhà mà mình đã biết cả đời và chào tạm biệt môi trường phố thị con đã luôn yêu thích.
Số lượng yêu cầu đến từ các cá nhân, gia đình và hội nhóm tăng chóng mặt từ năm này sang năm khác. Hai vợ chồng tôi vừa làm việc với những cá nhân có chỗ ở bên ngoài, vừa thuê một số cơ sở gần nhà để cung cấp nơi lưu trú cho dòng người đông đúc ghé tới. Samahria và tôi đã thảo luận rất nhiều về điều kiện môi trường tối ưu để làm việc cùng mọi người – một trung tâm tịnh dưỡng mang phong cách đồng quê nằm tại một khu vực nông thôn yên bình, thú vị và tách biệt khỏi những bộn bề của thành phố.
Vào năm 1983, sau hàng năm trời tìm kiếm, chúng tôi đã tìm ra một nơi nằm tại một vùng núi thuộc phía đông Massachusetts. Tại đây, chúng tôi thành lập viện The Option Institute and Fellowship trên một mảnh đất cũ có khu nhà chính mới được cải tạo một phần sau nhiều năm trời bỏ hoang và đổ nát. Cuối cùng, khu học viện rộng 85 mẫu này đã hoàn thiện, bao gồm một dãy các tòa nhà được thiết kế cẩn thận để hòa quyện cùng khung cảnh thiên nhiên: những dây thường xuân cao vút lên trời, hàng sồi cổ thụ sừng sững, hẻm đá vôi tuyệt diệu và một nhánh sông nhỏ quanh co qua thung lũng sau khi đổ nhào xuống những thác trên núi, rồi lượn vòng quanh vài hồ nước tự nhiên trong vắt. Vào buổi chiều tối, lũ hươu nhấm nháp cỏ trên sân. Thỉnh thoảng, chúng tụ tập tới 12 đến 14 con mỗi lần. Đối với tôi – một chàng trai thành phố – việc chuyển tới mảnh đất này giống như là lên đến thiên đường.
Tuy nhiên lúc đầu, các con tôi có một số thắc mắc rất thú vị về sự kiện này. Dù đã thảo luận rất nhiều về sự thay đổi to lớn trong lối sống và được các con hỗ trợ nhiệt tình (cùng bỏ phiếu và đều nhất trí) nhưng các con vẫn lo lắng nhiều về chuyện mất đi sự riêng tư nếu sống chung với những người chúng tôi sẽ giúp đỡ. Và dù đã đưa các con đến rạp chiếu phim địa phương, nhà hàng, sân chơi và các sân bowling tại những thị trấn lân cận ở cả Massachusetts và Connecticut (mảnh đất của chúng tôi nằm giữa hai bang này), lũ trẻ vẫn cho rằng hàng xóm ở đây chỉ toàn là hươu, bò và gấu mèo mà thôi.
Hai vợ chồng tôi đảm bảo với các con rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ để khiến cuộc sống tại vùng quê ổn định và rằng điểm cốt yếu ở đây chính là cả nhà sẽ không bao giờ phải từ bỏ sự gắn kết và thân thiết của gia đình. Chúng tôi vẫn sẽ có một không gian sống tách biệt và cả những ngày Chủ nhật chỉ dành riêng cho nhau như thường lệ. Các vị khách sẽ sống tại các tòa nhà như những người hàng xóm nhưng vẫn ở cùng một mảnh đất với chúng tôi.
Bryn là đứa trẻ gặp nhiều khó khăn nhất. Con đang học năm cuối cấp ba và giờ con phải rời xa những người bạn mà mình đã biết từ rất lâu. Thea ung dung điều chỉnh cuộc sống của con và chào đón hành trình mới. Giờ đây Tayo và Ravi là một đôi bạn không thể tách rời. Cả hai thân thiết hơn khi cùng nhau bắt đầu giai đoạn đầy lạ lẫm này trong đời.
Và Raun – chà, Raun đã bước vào cuộc sống mới mẻ của mình với sự nhiệt tình rất quen thuộc. Ban đầu, chúng tôi phải leo lên đỉnh núi nằm sau mảnh đất này thì mới trông thấy được các thung lũng và hồ từ đằng xa. Rồi chúng tôi phải trèo lên những tảng đá trong khe núi và gặp cá, ếch, kỳ nhông cùng hàng tá những sinh vật khác cư ngụ ở đây. Chúng tôi không cần ghé thăm Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ hay thủy cung hoặc sở thú nữa. Giờ đây, Raun và các chị em con được chơi cùng thế giới tự nhiên ngay tại khu vườn sau nhà.
Khi đi tới ngôi trường vùng nông thôn lần đầu tiên, dường như Raun không thể hiểu nổi tại sao nơi đây lại nhỏ bé như thế. Dù họ vẫn có hai lớp học mỗi khối nhưng số lượng học sinh và giáo viên vẫn rất khiêm tốn so với trường tiểu học cũ của con tại New York.
“Con không muốn xấu tính đâu”, cậu bé nói “Nhưng trường hơi nhỏ ạ”. Khi quan sát kỹ khu vực đậu xe hiện chỉ đang chứa 10 chiếc xe hơi, có vẻ như con còn ngạc nhiên hơn. Con lắc đầu, nhún vai và cười lớn. “Mọi người đâu cả rồi?”
À, đó là thế giới qua con mắt của Raun đấy, con vẫn luôn tò mò, ngây thơ và cực kỳ sửng sốt mà.
Vào cuối năm, Raun tham gia tổ chức Little League, viết truyện ngắn đầu tiên và phải lòng một cô bé trong lớp. Nhưng trên hết, con bộc lộ một sự quan tâm sâu sắc với các dự án dành cho người trưởng thành của chúng tôi. Con biết tất cả mọi thứ về chương trình dành cho các gia đình có trẻ đặc biệt; trên thực tế, con đã tham gia hoạt động này và thỉnh thoảng còn trò chuyện với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, những chương trình nhóm dành cho người trưởng thành có vẻ bí ẩn hơn cả.
Dù chúng tôi cho phép con tham gia các chương trình tổ chức vào cuối tuần và trong tuần nhưng con vẫn hỏi han rất nhiều về chương trình hè mang tên “Sống với ước mơ” diễn ra trong tám tuần. Trong số những hội thảo mà chúng tôi đã trình bày suốt năm ấy, có lẽ đây là khóa học mang tới sự tiếp xúc với trái tim và tâm hồn sâu sắc nhất.
Raun muốn biết liệu những người tham gia sẽ làm gì cùng nhau trong hai tháng này. Tôi giải thích cho con nghe mục đích của chương trình là khám phá niềm tin của con người với những chủ đề như: những mối quan hệ, sức khỏe, giới tính, tiền bạc, công việc, cách làm cha mẹ, tính xác thực, quá trình lão hóa và cái chết. Ngoài ra, những người tham gia cũng sẽ có cơ hội thay đổi các quan niệm không hữu ích – chính là những thứ gây ra phiền muộn và bất an. Trên thực tế, mục tiêu của chương trình này chính là khai quật bản chất con người chúng ta và tái tạo lại bản thân theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng cá thể – giống như cách con đã tái tạo lại chính mình trong chương trình của gia đình tôi theo hướng phù hợp với đặc điểm độc nhất của con.
“Trong chương trình của con, con đã có cơ hội trau dồi để trở thành phiên bản tốt nhất mà mình có thể trở thành”, tôi nói. “Giờ đây, những con người này, trong đó có các giáo viên, bác sĩ, nội trợ, luật sư, doanh nhân, những người thuộc ngành nghề mang tính hỗ trợ, các nghệ sĩ và học sinh – gần như là tất cả mọi người – đều sẽ có cơ hội tạo ra tương lai tương tự cho chính mình”.
Raun cười và rồi trầm ngâm nhìn tôi một lúc. “Vì chương trình này diễn ra vào mùa hè và lúc ấy con không phải đi học”, Raun cất lời, “Con có thể tham gia chương trình đó không?”
Yêu cầu của con khiến tôi ngạc nhiên. Chao ôi! Tôi cố tưởng tượng đến hình ảnh Raun – một cậu bé 10 tuổi – ngồi giữa những người trưởng thành chia sẻ những tâm tư và nỗi sợ thầm kín nhất một cách cực kỳ cởi mở và thành thật. Con có thể chịu nổi chuyện này không? Họ có thể chịu nổi con không?
Sau rất nhiều cuộc thảo luận, Samahria và tôi quyết định bắt đầu khóa học này mà không có sự tham gia của Raun. Tuy nhiên, nếu trong tương lai chúng tôi cảm thấy Raun hiểu cách thức hoạt động của nhóm, cậu bé sẽ được tham gia một số lượng buổi học giới hạn. Và chỉ sau vài ngày, chuyện này đã diễn ra. Raun tham gia với tư cách là khách mời trong một buổi học về chủ đề sức mạnh của niềm tin và sự phán xét. Con rất thích trải nghiệm này và ngạc nhiên thay, con còn giơ tay lên để xin được chia sẻ như những thành viên khác trong nhóm. Mọi người đều yêu quý Raun và khuyến khích tôi mời cậu bé tham gia chương trình này nhiều hơn.
Vào độ giữa mùa hè, chúng tôi bắt đầu giảng dạy cho một nhóm thành viên hiện tại có tên gọi là Đối thoại Optiva, đây là một quá trình tự khám phá bản thân (thuộc The Option Process (Tạm dịch: Quy trình lựa chọn) khá đơn giản và đầy tôn trọng. Nó được khởi xướng với mục đích giúp đỡ mọi người đi tìm những câu trả lời cho chính mình nhằm thay đổi các niềm tin cố hữu. Nhờ đó, họ sẽ có được những trải nghiệm thoải mái và rõ nét hơn. Raun tham gia tất cả các lớp học ấy. Con hiểu, có lẽ còn nhanh hơn nhiều người rằng một thái độ yêu thương và không phán xét rất quan trọng đối với tính hiệu quả của những cuộc đối thoại này.
Vào một buổi chiều, chúng tôi chia nhóm thành nhiều cặp nhỏ trong vòng một tiếng để lần lượt thực hành những cuộc đối thoại đặc biệt này với nhau. Đầu tiên, một người sẽ đóng vai trò hướng dẫn và đưa ra những câu hỏi không phán xét để giúp người còn lại khám phá và giải quyết vấn đề của chính họ. Rồi hai người sẽ đổi vai cho nhau. Cuối cùng, Raun được bắt cặp với thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm. Đó là một người đàn ông 71 tuổi có tính cách chân thành nhưng hơi hoài nghi tên là Charlie, một giám đốc kinh doanh đã nghỉ hưu. Ông lắc đầu không đồng tình khi bước tới chỗ người bạn bé nhỏ của mình. Charlie thở dài não nề khi Raun cầm lấy tay ông, tỏ ý rõ ràng rằng ông chẳng hài lòng khi được chia cặp với thành viên bé tí ấy và giờ cậu bé này lại đang cầm tay ông. Cả hai bước tới chỗ trống của bãi cỏ và cùng nhau ngồi dưới tán một cái cây dẻ gai cổ thụ. Tôi đang định thế chỗ Raun nhưng rồi quyết định rằng đây có thể là một trải nghiệm hữu ích đối với Charlie. Người đàn ông ấy luôn chống đối các tình huống mới và có vẻ như đã bị áp đảo bởi cả tá những phán xét mà ông luôn mang theo từ rất lâu.
Tôi cẩn thận để mắt đến Raun từ đằng xa. Rõ ràng là Charlie đã thực hiện vai trò hướng dẫn trước. Cỗ máy nói bé nhỏ của chúng tôi liến thoắng về những chủ đề mà tôi chắc rằng con rất muốn khám phá. Khi con và Charlie đổi vai cho nhau, Raun nghiêng người về phía trước và tập trung vào từng chữ mà ông nói ra. Thỉnh thoảng, con thận trọng đưa ra một số câu hỏi cho Charlie và rồi lại tiếp tục lắng nghe.
Khi mọi người quay về để tập hợp lại thành nhóm lớn, ông Charlie lắc đầu qua lại và rồi giơ tay lên. Những lời phàn nàn sắp tới rồi, tôi nghĩ. Tuy nhiên, người đàn ông này đã khiến tôi và những người đang ngồi thành một vòng tròn vô cùng ngạc nhiên.
“Tôi chỉ muốn nói rằng Raun và tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời. Tôi còn không thể tin được ấy chứ”, ông nói. “Anh chàng bé nhỏ này đưa ra rất nhiều câu hỏi thú vị và tôi, chà, tôi đã thực sự giải quyết được vấn đề khiến mình đau đầu trong nhiều năm trời.”
Cả nhóm hoan hô.
“Chờ đã”, ông Charlie lên tiếng và giơ tay lên lần nữa. “Đừng hoan hô tôi. Hãy hoan hô Raun nào. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi ở cạnh trẻ con. Bọn trẻ có thể cho tôi được cái gì vào cái tuổi thất thập này cơ chứ?” Ông dừng lại. “Các bạn biết đấy, tôi đã đinh ninh rằng buổi thực hành này sẽ là một thảm họa. Nhưng không phải thế. Nó rất hữu ích. Tôi sẽ không bao giờ nhìn tụi trẻ bằng ánh mắt đó lần nào nữa đâu.”
Raun 13 tuổi
Raun rất thích trường học và cực kỳ tự hào về bản thân khi đã giành được hầu hết điểm A. Con cũng đã xây dựng cho mình một nhóm bạn thân thiết, bao gồm cả một số bạn gái hoạt bát. Dù Raun đam mê quần vợt và bóng chuyền nhưng dường như môn thể thao ưa thích của con chính là nói - con tham gia những cuộc đối thoại sâu sắc cũng như đặt những câu hỏi nhằm khám phá con người, chính trị và khoa học. Con luôn cố gắng tìm tòi cách mọi thứ vận hành.
Trong cùng năm ấy, các phụ huynh cùng những đứa trẻ đặc biệt từng ghé thăm học viện của chúng tôi để học về chương trình Son-Rise đã lan tỏa những câu chuyện của họ. Họ nói về vô số rào cản phải vượt qua để nhận được các kết quả chẩn đoán chính xác cũng như đi tìm sự trợ giúp dù là nhỏ bé nhất cho con cái mình. Và cũng bất ngờ làm sao, họ lại gặp phải khó khăn với việc giữ cho số điện thoại và địa chỉ của trung tâm học tập này tránh khỏi sự quan sát của Hội Tự kỷ Hoa Kỳ (trước đây được gọi là Hiệp hội Trẻ em tự kỷ Quốc gia).
Vợ chồng tôi đã biết từ lâu rằng rất nhiều cá nhân liên quan đến tổ chức này không hề đồng tình với triết lý và cách dạy của chúng tôi. Những người này tin rằng việc lặp lại các hành động tự kỷ của trẻ sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với chúng. Ngoài ra, rất nhiều người trong số họ phản đối việc phụ huynh tự thiết kế và thực hành những chương trình tại gia bởi cho rằng đây là công việc của chuyên gia và trường học. Và những người khác lại cười vào ý niệm về sự liên quan giữa thái độ không phán xét với việc giảng dạy trẻ tự kỷ hoặc trẻ chậm phát triển.
Qua nhiều năm, chúng tôi đã giữ liên lạc với tổ chức này và luôn thông báo cho họ về công trình đang diễn ra của mình. Chúng tôi gửi cho họ những bản sao của Son-Rise và cuốn sách A miracle to believe in (Tạm dịch: Tin vào một phép màu). Những tài liệu này đã kể chi tiết hành trình của chúng tôi cùng với gia đình Soto can trường. Họ đến từ Mexico và quyết định định cư ở mảnh đất này để giúp đỡ đứa con đặc biệt của mình. Cuốn sách cũng mô tả vô cùng tỉ mỉ quá trình phát triển không ngừng của Raun. Ngoài ra, thi thoảng chúng tôi cũng gửi đến các thành viên của tổ chức này những bài luận về chương trình của mình.
Tôi quyết định gọi cho trụ sở chính của họ tại Washington, D.C. Một người đàn ông trả lời điện thoại. Anh ta giới thiệu rằng mình có một người em trai mắc chứng tự kỷ và rất sẵn lòng giúp đỡ tôi. Khi tôi hỏi anh ta về những người khởi xướng “Son-Rise”, người đàn ông này nói với tôi rằng Raun bị đưa tới một viện nọ và vẫn còn tự kỷ cũng như kém phát triển; rằng Samahria và tôi đã ly dị, rồi những đứa con nhà chúng tôi đã bị đưa tới trung tâm nuôi dưỡng tạm thời. Khi tôi giới thiệu về mình, người đàn ông nọ đã xin phép ngắt máy vài phút rồi tiếp tục trả lời. Dù tôi đã khẳng định những thông tin này hoàn toàn sai sự thật nhưng anh ta cứ khăng khăng là nó rất đáng tin. Tôi yêu cầu người đàn ông đó xác minh thì anh ta từ chối. Tôi khuyên anh ta không nên nêu lại câu chuyện sai lầm này nữa vì giờ anh đã biết chúng không có thật thì người đàn ông ấy thoái thác.
Khi tiếp tục cuộc trò chuyện, tôi nhận ra tình thế nan giải của anh ta. Giả sử nếu tôi có em trai mắc chứng tự kỷ và không thể hoạt động bình thường như anh ta, đồng thời có bằng chứng rất thuyết phục rằng chưa ai mắc hội chứng này từng được chữa khỏi thì tôi cũng sẽ dễ hiểu được quan điểm của anh ta, cũng tin rằng tình trạng bất ổn trong tâm thần của Raun là có thật. Tại sao anh ta lại muốn ủng hộ các dữ liệu có vẻ đối nghịch với trải nghiệm của mình cơ chứ. Nhưng tôi không muốn từ bỏ và rồi tôi đã mời anh chàng ghé thăm viện của chúng tôi để theo dõi những hoạt động dành cho các gia đình và những đứa trẻ, cũng như tận mắt gặp Raun. Anh ta trả lời rằng mình rất bận nhưng vẫn cảm ơn vì lời mời vừa rồi. Sau đó, tôi gửi lời mời ấy cho toàn thể các nhân viên của tổ chức này.
Người đàn ông ấy và cả những người đồng nghiệp của anh ta chưa bao giờ ghé thăm chúng tôi ngay cả sau khi tôi đã gọi cho những người khác và đưa ra lời mời tương tự.
Samahria và tôi luôn cố gắng dùng tất cả những sự kiện gây tranh cãi như một cách để học hỏi. Dù chúng tôi thi thoảng cũng thất bại như bao người khác nhưng vẫn luôn đứng dậy sau khi thu được một bài học hữu ích. Chúng tôi gọi đây là bước tiến vĩ đại (chúng tôi đã đi qua những trải nghiệm như thế kha khá nhiều lần trong đời). Thay vì cố gắng chống lại hay thúc ép những người luôn muốn giữ lại những niềm tin cũng như tầm nhìn cố hữu dù các thông tin mới mẻ đã xuất hiện, chúng tôi vẫn tập trung năng lượng vào việc chia sẻ điều mình học được với những cá nhân muốn lắng nghe.
Raun 14 tuổi
Một thay đổi nữa đến với nguồn năng lượng của gia đình và nó đã trở thành một thử thách thực sự dành cho Raun.
Một người phụ nữ gọi cho chúng tôi và kể về một cô bé mồ côi 10 tuổi tại đất nước bị tổn thương nặng nề do nội chiến – El Salvador. Cô đã tự đi tìm cho đứa bé này một mái ấm. Sau khi giải thích về những khó khăn để tìm một ngôi nhà cho cô bé đang ở độ tuổi này vì các điều kiện tệ hại và tuổi thơ bất hạnh của con, cô ấy đã hỏi liệu chúng tôi có thể nhận nuôi bé này không. Sau khi trò chuyện cùng các con, chúng tôi đã phản hồi bằng một lời đồng ý. Cô hỏi rằng chúng tôi có muốn bay tới thủ đô San Salvador để xem liệu gia đình tôi có thiện cảm với bé gái này trước khi đưa ra lời cam kết cuối cùng không? Vì chúng tôi tin rằng việc yêu thương ai đó chính là một lựa chọn nên đã quyết định yêu thương cô bé này ngay tại thời điểm đó mà chẳng cần phải tìm hiểu trước.
Nếu phải nêu lên thông điệp quan trọng nhất của những buổi học này thì đó sẽ là: hạnh phúc là một sự lựa chọn. Đối với chúng tôi, quan điểm này hiển nhiên có nghĩa rộng hơn, đó là việc yêu thích ai đó, hay thật ra là mê đắm ai đó, cũng chính là một sự lựa chọn. Chúng tôi có thể quyết định yêu quý con và thương mến con tại thời điểm đó và chúng tôi đã làm như thế.
Rồi chúng tôi gửi cho con những tấm ảnh và một lá thư được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Vài ngày sau khi con nhận được thông tin của chúng tôi, một điều khá bất ngờ đã xảy ra. Bộ phim Son-Rise từng được chiếu trên đài NBC-TV tại Hoa Kỳ (Samahria và tôi chính là những người viết kịch bản) đã được phát sóng tại kênh truyền hình Quốc gia El Salvador. Sage (đây là tên chúng tôi đặt cho cô bé) đã xem bộ phim này và gửi lại một tin nhắn cho chúng tôi: “Con rất muốn trở thành một phần của gia đình”.
Trong vòng 24 giờ sau khi con về tới nhà, cô bé Sage nhỏ bé, chỉ cao 144cm và nặng 37kg đã nhìn ngắm cơ thể nặng 90kg, cao 178cm của tôi và đưa ra một thông điệp rất ngạc nhiên bằng tiếng Tây Ban Nha. Cô bé vừa nói: “Thứ nhất: Con sẽ không học tiếng Anh đâu”, vừa chỉ ngón tay nhỏ bé tinh tế kia về hướng tôi. Thứ hai: Con sẽ không đi học, không bao giờ. Và thứ ba: Con không thích chú.”
Nếu có ai đó đã nghe lỏm được thông báo này thì hẳn sẽ cho rằng cô bé này chắc sẽ là một mớ rắc rối to lớn. Nhưng Samahria và tôi thì không đâu. Chúng tôi chỉ nhìn thấy một bé gái đang hoảng sợ cùng với đôi mắt đen tuyền đang cố hết sức để khẳng định chủ quyền và chăm sóc cho bản thân. Sage đã giữ đúng lời cam kết của mình. Cô bé không chịu học tiếng Anh trong vòng nhiều tháng. Con mặc kệ chương trình hướng dẫn phức tạp chúng tôi đã thiết kế cho con ngay tại nhà. Ngoài ra, con cũng trộm đồ và nói dối, đây là những thói quen còn sót lại sau bao nhiêu năm tháng phải vật lộn sinh tồn. Con thường hay bộc lộ cảm xúc giận dữ. Thỉnh thoảng, con lại rất muộn phiền. Thử thách mà hằng ngày con mang đến cho chúng tôi đã tạo ra một cơ hội để chạm đến nơi mềm yếu nhất của bản thân mình. Khi con tức giận từ chối thì cả gia đình đáp lại con bằng niềm hạnh phúc. Chúng tôi nhìn thấy sự hoài nghi không ngừng nghỉ của con đối với tình yêu. Dù đối xử với con rất cứng rắn nhưng đồng thời, cả nhà cũng cố tạo ra một môi trường cực kỳ an toàn, luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhất quán và yêu thương cho con. Có lẽ một ngày nào đó, con sẽ tin tưởng chúng tôi và thậm chí còn có thể yêu thương gia đình này.
Đối với những đứa trẻ khác, đặc biệt là Raun, Sage đã chứng minh rằng con không chỉ là một cơ hội mới xuất hiện. Cậu bé ngọt ngào, cực kỳ thật thà và hiền lành này có vẻ như không thể chịu được bản tính thiếu trung thực và ngỗ nghịch của cô em mới. Có lần, cô bé đã đem một món đồ nào đó trên bàn của Raun đi chôn. Khi chúng tôi tìm thấy món ấy, Raun không thể tin được là Sage đã làm một việc như thế. Những đứa trẻ còn lại cũng phát điên khi cô bé cố đổ tội cho chúng.
Trên thực tế thì vào một sáng Chủ nhật nọ, Thea, Raun, Tayo và Ravi đã họp nhau lại trong nhà bếp và cùng quyết định rằng Sage nên trở lại El Salvador. Raun có vẻ hối lỗi khi đưa ra quyết định này, tuy nhiên, con cũng nói rằng nếu Sage không muốn ở với gia đình chúng tôi thì con mong bố mẹ sẽ tìm thấy đứa trẻ nào đó muốn ở.
Chúng tôi giải thích cho Raun và các con về những khó khăn Sage đã phải trải qua khi còn sống tại El Salvador, đó là những điều cô bé không muốn chia sẻ với người khác. “Sage vẫn rất sợ hãi, dù đã cố che giấu bằng những cơn tức giận. Cô bé sẽ chẳng thể yêu thương và tin tưởng ai được. Các con có thể giúp Sage bằng cách cứ kiên nhẫn và yêu thương cô bé dù cô bé có làm gì đi chăng nữa. Đằng sau lớp mặt nạ đáng yêu kia chính là một trái tim nhân hậu. Hãy cho cô bé thêm chút thời gian nhé”, tôi nói.
Thea suy nghĩ về lời nói của tôi rồi hỏi, “Nhưng Popi à, chuyện này sẽ kéo dài bao lâu? Con rất tốt với em ấy, nhưng Sage lại cực kỳ xấu tính.”
“Bố mẹ biết”, Samahria xen vào. “Có thể con cũng biết rằng từ sâu thẳm, Sage cũng muốn yêu thương và muốn được yêu thương như con vậy. Chỉ là cô bé chưa biết điều này mà thôi.”
“Liệu sau này em ấy có biết không?” Raun hỏi.
“Bố mẹ không biết. Hy vọng vậy. Hãy cho cô bé một cơ hội nhé.” Tôi nhìn cả đám trẻ. Các con chưa tán thành cho lắm vì thế tôi quyết định thử một chiến thuật khác. “Được rồi, cả nhà, bố mẹ sẽ nói với Sage rằng bố mẹ muốn là Popi và là mẹ của Sage cho đến lúc nào cô bé không còn muốn nữa. Vì thế cô bé đến đây là để ở lại. Vì Sage vẫn sẽ là em của các con nên các con phải lựa chọn – vui vẻ hoặc không vui vẻ về điều này. Gợi ý của bố là: cố gắng vui vẻ đối với chuyện này – điều ấy giúp các con cảm thấy tốt hơn nhiều.” Raun nhìn tôi với ánh mắt đầy tò mò.
“Được rồi, Raun, cái đầu đáng yêu của con đang nghĩ gì thế?” Tôi hỏi.
“Chà, con sẽ cực kỳ hạnh phúc đối với chuyện em ấy ở lại đây. Con vừa mới quyết xong”, cậu bé nói chắc nịch. “Nhưng con có thể vừa vui vừa muốn gửi trả em ấy không?”
Mọi người cười lớn.
Phải mất ba năm Sage mới cởi bỏ được lớp áo giáp phía ngoài và cho chúng tôi hiểu con hơn. Những gì con bộc lộ khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Sức mạnh chối bỏ của Sage giờ đây đã trở thành sức mạnh thúc đẩy con tham gia, cống hiến và trở thành một cục cưng chính hiệu. Hiện tại, con đã 17 tuổi và vẫn luôn là một đóa hoa bé nhỏ, chỉ cao mét rưỡi và nặng khoảng 38 cân. Trong phòng, con có hẳn một cái vườn ươm chứa đầy những loài cây mà con chăm bẵm bằng tất cả tình yêu, sự dịu dàng và đôi tay cẩn thận. Con trở thành người gìn giữ môi trường của gia đình chúng tôi, luôn cập nhật những thông tin về việc tái chế rác thải nhằm bảo vệ hành tinh này. Năm nay, Sage tuyên bố rằng con muốn tham gia Peace Corps (Tổ chức Hòa bình). Dù đích đến cuối cùng của Sage là ở đâu thì cô gái trẻ ở độ tuổi này đã chứng tỏ rằng mặc cho cái hố có sâu bao nhiêu thì chúng ta vẫn có thể trèo ra khỏi đó. Và dù có bị hành hung hay đang sợ hãi đến thế nào thì chúng ta vẫn có thể chữa lành chính mình và bắt đầu lại mọi thứ – với tình yêu và sự chăm sóc.
Raun 17 tuổi
Raun dành rất nhiều mùa hè để tham gia trại hè máy tính cũng như chương trình xiếc ngoại khóa hằng năm. Thực ra thì vào một năm nọ, con đã trở thành người dẫn chương trình của các buổi lễ. Những năm cắm trại sau đó, con đã tham gia giúp các nhân viên hướng dẫn cho những thành viên nhỏ tuổi hơn ở trại hè.
Con tốt nghiệp trường tiểu học bằng rất nhiều điểm A và duy trì được thành tích tương tự ở trường cấp ba. Vì con nghĩ rằng các lớp học tại trường cấp hai ở địa phương không có nhiều thử thách nên chúng tôi đã chuyển cậu bé đến một ngôi trường dự bị tại đây. Raun – một thiếu niên đang tuổi ăn, tuổi lớn – đã phải trải qua những trận căng thẳng thường thấy và cả các vấn đề tiền dậy thì: mê tít các cô gái và đối mặt với bản thân với tư cách là một anh chàng trẻ tuổi sắp bước vào đời.
Vào sinh nhật thứ 17 của Raun, chúng tôi tặng con món quà, đó là tám tuần tham gia chương trình “Sống với ước mơ” của Học viện Lựa chọn – nhưng lần này, con sẽ tham gia như một thành viên đã hoàn toàn trưởng thành. Con vẫn còn nhớ những kỷ niệm ngọt ngào ít ỏi của lần tham gia đầu tiên bảy năm trước và tin chắc rằng mình có thể sử dụng những trải nghiệm đó vào lần này. Càng về sau, Raun ngày càng nghiêm túc hơn và thi thoảng có hơi bối rối vì những sự kiện và câu hỏi về tương lai khi đã là người lớn.
Vì đóng một vai trò quan trọng trong việc giảng dạy của chương trình này nên tôi đã rất vinh dự và hạnh phúc khi được ngắm nhìn Raun chia sẻ sự vui sướng, những gì con nghĩ và cả nỗi sợ với 40 người lớn khác. Đó là những người lạ mặt ở cùng một nhóm với nhau để xây dựng một gia đình tràn đầy yêu thương và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Một lần nữa, Raun lại phát hiện được rằng con là cá nhân nhỏ tuổi nhất dù một vài thành viên khác trong nhóm cũng chỉ lớn hơn con vài tuổi. Con trải qua từng tương tác với trái tim đầy nhiệt huyết, trở thành thành viên sôi nổi của các nhóm thảo luận và luôn thách thức những người tham gia khác bằng tính cách chân thật và táo bạo tuyệt vời – tuy nhiên mọi điều vẫn luôn được thực hiện bằng phương cách nhẹ nhàng của con. Vào cuối mùa hè ấy, con bắt đầu yêu một cô gái “lớn tuổi hơn”. Đó là một cô bé 19 tuổi. Raun trưởng thành bằng cách khám phá mối quan hệ này với cô bé. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của con dành cho nhóm và cả những lớp học ấy vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt. Con dùng chương trình này để tinh chỉnh trí thông minh của mình, buông bỏ một vài lời phán xét thường thấy, thay đổi niềm tin và tạo ra nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống thường ngày. Là một người cha, tôi chẳng mong đợi gì hơn thế cả.
Vào mùa thu, Raun lại tập trung vào chuyện học hành. Và hằng tuần, con cũng ghé thăm những phụ huynh đã tới viện để giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt của họ. Vì biết rằng năm sau con sẽ vào đại học nên chúng tôi bắt đầu ghi hình lại những buổi trò chuyện của con với các gia đình này để những phụ huynh đến với học viện trong tương lai có thể gặp cậu bé qua các băng hình nếu không thể nói chuyện trực tiếp.
Những đoạn nói chuyện dưới đây được ghi lại từ một trong những video này. Đoạn băng là những câu hỏi của bố mẹ một trẻ tự kỷ trong chuyến thăm hỏi vào buổi tối. Những câu trả lời của Raun không chỉ phản ánh những suy nghĩ và kinh nghiệm của con mà còn là tính cách được phát triển qua từng năm tháng.
Người bố: Cháu là thành viên của một gia đình rất đặc biệt từ khi sinh ra. Vậy cháu nghĩ gì về những triết lý và cách sống của cha mẹ cháu, và những điều này đã ảnh hưởng đến cháu như thế nào?
Raun: Vâng, khá là ngộ nghĩnh đấy. Cháu chưa bao giờ hiểu hết những điều ấy cả. Vì cháu đã luôn là một đứa trẻ rất hạnh phúc. Mọi thứ đều xảy ra theo dự định của cháu vì thế cháu hiểu rất rõ cuộc đời này. Ý cháu là, cháu đã từng liên tục nói rằng: “Tôi yêu cuộc sống”, nhưng cháu chưa bao giờ nghĩ rằng bố mẹ chính là người khiến cháu có suy nghĩ như thế. Hẳn là bố mẹ đã nuôi dưỡng cháu bằng một phương pháp độc đáo, nhưng cháu nghĩ rằng mình không hoàn toàn hiểu được nó. Cháu chỉ luôn: “Chà, tuyệt thật. Đó chính là những gì bố mẹ tin tưởng”. Và rồi khi học trung học, cháu bớt hạnh phúc đi một chút. Không có gì to tát đâu. Cháu chỉ không hạnh phúc bằng lúc nhỏ tuổi mà thôi. Rồi mùa hè năm ngoái, bố mẹ cho cháu tham gia chương trình “Sống với ước mơ” tại viện. Cháu đã tham gia. Thật sự thì đó chính là hai tháng tuyệt nhất trong đời cháu. Không ai có thể diễn tả được điều đó đâu. Cháu đã thay đổi hoàn toàn. Chú thấy đó, đây không chỉ là hai tháng mà đây là hai tháng tuyệt nhất đời cháu. Chương trình này đã làm quãng đời còn lại của cháu rẽ sang một hướng khác. Điều này khá quan trọng đấy ạ. Giờ thì cháu có thể nói rằng cháu mê những thứ bố mẹ dạy. Điều này rất quan trọng đối với cháu.
Người bố: Cháu có trò chuyện nhiều không?
Raun: Ý chú là trò chuyện với bạn bè sao?
Người mẹ: Không, với gia đình hay bất kỳ ai mà cháu thích nói chuyện cùng. Cháu có trò chuyện trực tiếp nhiều không?
Raun: Thỉnh thoảng, nhưng không thường xuyên hoặc liên tục. Cháu cảm thấy rằng mình không thích hoạt động này lắm. Cháu chỉ thích tự tìm ra cách giải quyết các vấn đề.
Người bố: Kiểu như tự đối thoại ấy à?
Raun: Vâng, thực sự là thế. Cháu nói chuyện với bản thân khi ở một mình hay khi buồn bã. Cháu sẽ tự đưa ra những câu hỏi cho bản thân. Cách này đã giúp cháu tìm hiểu mọi thứ và thay đổi thái độ của mình. Nhưng cháu không thường xuyên dành ra một giờ để đi bộ với ai đó và nói chuyện một cách trịnh trọng giống như những nhân viên ở đây luôn thực hiện với những người ghé thăm.
Người mẹ: Cháu có trải qua giai đoạn nổi loạn không?
Raun: Thực ra thì cháu vừa mới nghĩ về chuyện này dạo gần đây thôi vì cháu thường dừng lại và nghĩ về chuyện mình đang đứng ở đâu. Không, thực sự là cháu chưa bao giờ trải qua giai đoạn đó cả. Có vài lần cháu muốn đi chơi với bạn bè hơn là gia đình, nhưng không phải kiểu nổi loạn đâu.
Người mẹ: Cháu có nghĩ rằng chuyện này là kết quả của việc bố mẹ cháu chẳng bao giờ phán xét và luôn chấp nhận cháu không, kiểu như thế đấy?
Raun: Cháu cũng nghĩ thế. Cháu chưa bao giờ muốn làm vậy.
Người bố: Cháu theo học một ngôi trường trung học tại địa phương đúng không?
Raun: Cháu từng học tại một trường công của thị trấn, nhưng ở đây chẳng có gì khó nhằn cho lắm. Vì thế, cháu bắt đầu học tại trường dự bị. Đó cũng là lý do cháu mặc đồ như thế này đấy. Trường có quy định về trang phục như thế này: cháu phải mặc một cái áo khoác và dùng cà vạt, vào những ngày nóng đến 26 độ C thì cháu không cần áo khoác. Con gái không có các quy định về trang phục, các bạn ấy chỉ cần chỉn chu là được. Nhưng tụi con trai phải tuân thủ một quy định trang phục rất nghiêm ngặt. Khá là căng đấy ạ. Chúng cháu đi học sáu ngày một tuần, kể cả thứ Bảy.
Người mẹ: Có chuyên ngành nào mà cháu...
Raun: Chuyên ngành học ấy ạ?
Người mẹ: Đúng rồi.
Raun: Vâng, chuyện này rất thú vị đấy. Càng học, cháu càng nghĩ về chúng nhiều hơn. Cháu phải thú thật rằng khi còn bé, cháu thiên về toán và khoa học hơn. Khi lớn hơn một chút, thời điểm trước khi vào trung học, cháu chuyển sang yêu thích tiếng Anh, lịch sử và các môn ngoại ngữ hơn. Điều thú vị ở đây là cháu học rất đồng đều. Điểm của từng môn đều ngang ngang nhau hết. Vì thế cháu có thể dễ dàng chọn môn cháu muốn học. Nhưng cháu không chắc về một môn học lắm. Hiện tại, cháu vẫn chưa biết là mình nên chọn ngành nào ở đại học nữa.
Người bố: Có lẽ đó chính là điều mà các bạn trẻ 17 tuổi hay được hỏi ngoài câu: “Tối nay con định lái xe của bố đi đâu thế?” Vậy thì cháu có dự định gì cho cuộc đời của mình chưa?
Raun: Cháu đang suy nghĩ về kinh tế học, nhưng không biết liệu mình có theo lĩnh vực này hay không nữa. Dù sao thì cũng có tới 50% các sinh viên thay đổi chuyên ngành của mình mà. Cháu thích viết lách, nhưng không muốn đi theo ngành viết sáng tạo. Dù cháu thích chương trình học này, nhưng đây không phải là một tấm bằng mà cháu có thể dùng trong đời thực. Tuy vậy cháu vẫn rất đam mê nó. Hiện tại, cháu đang viết một cuốn tiểu thuyết. Hy vọng là nó sẽ thật tuyệt vời. Cháu mong là sẽ có ngày được xuất bản nó.
Người bố: Vậy là cháu đã thừa hưởng một chút năng khiếu thiên bẩm của bố nhỉ?
Raun: Thực sự thì những gì chú vừa nói cũng hơi kỳ lạ. Cháu sẽ không gọi đây là “thiên bẩm” đâu. Khi bố học trung học, các giáo viên đã nói rằng bố không chỉ là viết văn kém mà còn là rất tệ. Các thầy cô nói rằng bố sẽ chẳng thể học đại học vì thiếu kỹ năng viết lách. Bố rất muốn lên đại học và đã chăm chỉ rèn luyện. Đó chính là sức mạnh của động lực đó ạ.
Người mẹ: Cô cũng tham gia khá nhiều khóa học viết lách và cô rất thích hoạt động này. Cháu đã bao giờ đọc sách của bố chưa?
Raun: Vâng, gần như là hết rồi ạ. Cháu rất thích những cuốn sách ấy. Cháu đã đọc Son-Rise để làm một bài báo cáo về sách hồi lớp bốn.
Người mẹ: Cháu có được điểm A không?
Raun: Dạ, có chứ. [Mọi người cười lớn]
Người bố: Cháu làm gì để giải trí vậy? Cháu có thú vui nào không?
Raun: Về thể thao ạ?
Người bố: Thể thao, hay những điều cháu thích làm lúc rảnh rỗi.
Raun: Cháu chơi tennis. Cháu thích môn này. Cháu thi đấu cho một đội quần vợt. Cháu cũng rất thích bóng chuyền, nhưng không thể chơi trong một môi trường chuyên nghiệp được vì trường cháu chỉ thi đấu bóng chuyền nữ thôi. Vì không thể tham gia đội tuyển nên cháu thường chơi với bạn bè. Chúng cháu có một tấm lưới tại viện và chơi suốt mùa hè. Cháu rất thích chơi môn này. Cháu cũng thích một vài môn thể thao khác, như là khúc côn cầu và bóng chuyền, nhưng không đến mức có thể dành nhiều thời gian để chơi.
Người mẹ: Còn âm nhạc thì sao? Cô nhớ là có một cuốn sách đề cập tới cháu và cả âm nhạc nữa.
Raun: Cháu thích những nhạc cụ như cello, viola và đàn gõ trong một khoảng thời gian. Cháu có thử học mấy món này nhưng chẳng thể gắn bó với âm nhạc. Sau một khoảng thời gian, cháu hết hứng luôn.
Người mẹ: Hình như cô đã từng đọc ở đâu đó rằng cháu không nhớ khoảng thời gian mình mắc tự kỷ.
Raun: Vâng, hoàn toàn không ạ.
Người mẹ: Nhưng cháu còn nhớ hồi cháu hỗ trợ Robertito không, hồi đó ra sao?
Raun: Đương nhiên rồi. Cháu còn nhớ chi tiết khoảng thời gian ấy. Ngộ nghĩnh lắm: cháu có thể nhớ một vài kỷ niệm cụ thể, những thứ không hề nổi bật gì cả, ví dụ như hình dáng của những chiếc thìa ở nhà Soto. Cháu nhớ rằng ở bên cậu ấy rất vui. Hồi ấy, đối với cháu, những kỷ niệm ấy không thực sự nổi bật lắm. Cháu không biết liệu nổi bật có phải là một từ đúng trong trường hợp này không, từ ấy có lẽ nên là nghiêm túc. Không phải là kiểu: “Được rồi, mình muốn làm điều gì đó quan trọng, hãy chăm chỉ nào”. Đúng hơn là: “Ồ, mình sắp được chơi cùng Robertito rồi. Vui thật”. Lúc ấy cháu khoảng 6 tuổi. Cháu nghĩ rằng ở tuổi đó, đáng lẽ là cháu phải có một ký ức gì đó về chứng tự kỷ của mình, nhưng cháu không chắc nữa. Ký ức xa nhất mà cháu nhớ chính là ngày sinh nhật lần thứ tư.
Người mẹ: Vậy còn những cô cậu bé em nuôi của cháu thì sao? Cô biết rằng các bé gặp phải khá nhiều vấn đề hoặc thử thách lúc mới được bố mẹ cháu nhận nuôi; cháu có làm gì trong giai đoạn đó không?
Raun: Có ạ. Giai đoạn này đỡ căng thẳng hoặc không cần nhiều sự tập trung như với Robertito. Các em ấy không mắc phải dạng khuyết tật nghiêm trọng nào, vì thế gia đình cháu không phải ngồi lại và dành ra cả nửa ngày để hỗ trợ các em như lúc bố mẹ hỗ trợ cháu. Nhà cháu giúp đỡ các em ấy theo những cách đời thường hơn. Và vâng, cháu cũng có chung sức.
Người bố: Cháu có tham gia bất kỳ hoạt động nào của Viện The Option Institute không? Trong thời gian những chương trình này vận hành ấy? Ý của chú là, việc ghé thăm và trò chuyện với các gia đình như chú bây giờ quả là rất tuyệt, nhưng cháu cảm thấy thế nào về viện – khi sống trong môi trường này và ở bên cạnh các gia đình?
Raun: Vâng, khá là ngộ nghĩnh đấy. Cháu chưa từng đánh giá cao điều ấy cho đến mùa hè này. Ban đầu, cháu nghĩ rằng: “Tại sao những người này đi lại xung quanh đây? Mình không quen biết họ nhiều cho lắm”. Câu hỏi này liên quan đến sự riêng tư của cháu, chú biết đấy. Nhưng cháu lại chẳng gặp vấn đề gì cả. Tuy nhiên cháu cũng chưa nghĩ rằng: “Chà, nơi này thật tuyệt!”
Người bố: Đây chỉ là nơi cháu sống thôi phải không?
Raun: Đúng rồi. “Đây là nơi cháu sống. Và cháu yêu ngôi nhà của mình”. Rồi sau khi tham gia chương trình tám tuần trong mùa hè này, cháu đã nghĩ rằng: “Trời ạ, thật tệ. Mình đã sống ở đây gần tám năm rồi mà chưa bao giờ nhận ra những chuyện này”. Cháu hoàn toàn được mở rộng tầm mắt của mình. Hiện tại, cháu thường xuyên dừng lại, nhìn ngó xung quanh và nghĩ “Nơi này thật tuyệt vời”.
Người mẹ: Một ngày nào đó, cháu sẽ muốn trở lại đây đấy. Có lẽ là sau khi cháu đã thành công trong cuộc sống.
Raun: Chúng ta không đoán trước được điều gì cả. Bryn chẳng nghĩ là chị ấy sẽ quay lại đâu.
Người mẹ: Cô bé rất giỏi. Nhìn Bryn hỗ trợ con trai chúng tôi... Ôi trời, cô ấy ở ngay kia kìa. Bryn thật tuyệt đấy!
Raun: Và chị ấy cũng rất thích làm việc với trẻ em nữa.
Người mẹ: Thea thế nào rồi?
Raun: Thea là một vũ công. Chị ấy vừa tốt nghiệp trường Đại học New York hồi tháng Sáu. Chị ấy thật xuất sắc. Cháu chưa bao giờ thích chị ấy và có vẻ như cũng rất ít người thích chị. Kể từ khi mới 8 hay 9 tuổi, Thea đã muốn trở thành một vũ công rồi. Không giống như Thea, cháu không phải là một người có mục tiêu. Làm vũ công chính là mục tiêu cả đời của chị ấy. Ý của cháu là, Thea toàn tâm toàn ý thực hiện mục tiêu này và chuyện ấy thật đáng kinh ngạc.
Người mẹ: Cô bé múa ba-lê hay nhảy hiện đại?
Raun: Chị ấy chẳng thích ba-lê đâu. Nhưng chị ấy có thể múa vài đường. Ban đầu, chị ấy rất mê nhạc jazz. Hiện tại, chị thích nhảy hiện đại hơn. Chị ấy cũng là một biên đạo múa rất xịn.
Người bố: Khi đi chơi với bạn bè, các cháu thường làm gì? Ví dụ, các cháu thường thảo luận những chuyện gì? Chỉ là những thứ dành cho các bạn trẻ 17 tuổi thôi sao?
Raun: Có ạ. Nhưng cũng đa dạng lắm. Chúng cháu có thể trò chuyện về mọi thứ trên đời mà chú có thể tưởng tượng ra.
Người bố: Chắc không bàn về các ngôi sao đâu nhỉ?
Raun: Ồ không, cháu không thích chủ đề này. Ôi trời. Chẳng ai quan tâm hết, thật là tuyệt. Gần như mấy đứa bạn cháu đều biết, nhưng bọn nó không chú ý lắm. Chủ đề ấy không thích hợp tí nào. Thực ra thì lớp cháu vừa xảy ra một chuyện hài hước nhất trần đời. Mới hôm nay thôi, đứa bạn cháu phải đọc một cuốn sách và viết báo cáo để nộp cho lớp lịch sử. Trường cháu có quy định là mỗi tháng, học sinh phải chọn một cuốn sách nằm ngoài chương trình của từng môn, đọc nó và làm báo cáo. Dễ quá phải không ạ? Vì vậy, cậu ấy quyết định làm báo cáo về Son-Rise. Cậu ấy là một trong những người bạn tốt của cháu, nhưng cũng là một kẻ chây lười như cháu. Cậu ấy chẳng thể đọc nổi cuốn sách đó và hôm nay là hạn chót rồi, vậy là cậu ấy cứ oai oái: “Trời ơi trời, mình nên làm sao đây?” Vì thế, cháu đáp: “Cầm một tờ giấy ra đây nào” rồi kể cho cậu ấy toàn bộ câu chuyện trong sách. Cậu ấy bảo: “Ôi trời, tuyệt đó. Cảm ơn nhé. Này, anh bạn mình là một người nổi tiếng”. Kiểu đùa ấy ạ, nhưng chuyện này thực sự vui.
Người mẹ: Cháu có bạn gái chưa?
Raun: Dạ hai – nhưng không cùng lúc đâu. Còn bây giờ thì không. Cháu sẽ giải quyết tình trạng hiện tại ngay khi có thể. Chúng cháu sắp có một bài nhảy rất hoành tráng đấy.
Người bố: Cháu có tham gia hoạt động ngoại khóa không – ví dụ như câu lạc bộ?
Raun: Cháu viết bài cho tờ báo của trường là tờ The Dome (Tạm dịch: Mái vòm). Tạp chí này giới thiệu thơ và truyện ngắn. Cháu rất thích gửi đi truyện ngắn của cháu. Việc này rất tuyệt. Và cháu cũng sẽ làm vậy khi đi học đại học.
Người mẹ: Cháu có hâm mộ nhà văn nào không?
Raun: Dạ có một vài người. Cháu rất thích Terry Brooks.
Thực ra là nhiều lắm. Cháu không biết là cô có biết họ không, nhưng những tác giả này khá nổi tiếng. Cháu thích đọc truyện kỳ ảo.
Người mẹ: Cháu có thích khoa học viễn tưởng không?
Raun: Khoa học viễn tưởng có hơi hướm tương lai và công nghệ hơn. Kỳ ảo thì nhiều phép thuật.
Người mẹ: Như truyện của Tolkien?
Raun: Như Tolkien ạ. Cháu chưa đọc sách của Tolkien. Cháu để dành mấy cuốn đó đến sau cùng. Mọi người bảo rằng một khi đã đọc sách của Tolkien rồi thì sẽ ghét những cuốn đọc trước đó vì Tolkien viết sách rất hay. Không biết là cô đã nghe về Stephen R. Donaldson chưa nhỉ? Ông ấy rất tài năng. Và cháu cũng thích cả Pierce Anthony.
Người bố: Còn âm nhạc thì sao? Cháu có sở thích âm nhạc nào đặc biệt không?
Raun: Ví dụ như những nhóm nhạc ấy ạ?
Người bố: Nhóm nhạc cháu thích ấy. Hoặc thể loại nhạc.
Raun: Cháu thích nhạc rock. Chắc là cháu sẽ gọi nó là pop rock. Cháu có thể kể tên một vài nhóm nhạc cháu thích như Steve Winwood. Anh ấy rất đa dạng. Ngoài ra, cháu còn thích Prince, Billy Joel, Peter Gabriel. Cháu rất mê Phil Collins và Genesis nữa.
Người bố: Chú có ít nhất một album của những nghệ sĩ cháu vừa nhắc tới.
Người mẹ: Cô có một câu hỏi mà có lẽ người khác đã hỏi cháu rồi, nhưng cô đã đọc rằng cháu có chỉ số IQ gần bằng các thiên tài, hay là sao đó. Có lẽ cháu chưa bao giờ tự đọc về điều ấy. Cháu có nghĩ rằng tự kỷ có liên quan đến phẩm chất này không?
Raun: Chà, cháu có một giả thuyết. Cháu nghĩ rằng mọi người phải thật thông minh mới tự kỷ được đấy. Cháu biết điều này hơi kỳ lạ. Nhưng cháu không cho rằng nó đúng với mọi trường hợp, ví dụ như hội chứng Down, vân vân. Cháu tin rằng chúng ta cần một mức độ thông minh nhất định để có thể trở thành người tự kỷ. Vì thế, cháu không biết có nên nói mình thông minh là nhờ chứng tự kỷ hay không, nhưng cháu sẽ nói rằng có lẽ, sự thông minh này đã luôn hiện diện bao lâu nay rồi. Cháu không chắc chắn lắm, nhưng sẽ suy nghĩ thêm về điều ấy.
Người mẹ: Cô thích các câu trả lời của cháu vì cô cũng có cùng suy nghĩ như vậy về trẻ em cũng như những người lớn mắc tự kỷ. Hoàn cảnh họ phải trải qua chắc hẳn là phải cực kỳ, cực kỳ lạ lùng và họ chọn chính cách này để đối mặt với thế giới. Họ phải rất thông minh để nghĩ ra giải pháp này đấy.
Raun: Hồi còn nhỏ xíu, cháu phát hiện ra rằng mình có thể dựng đứng cái hộp giày lên bằng góc của nó và xoay tròn. Giờ thì cháu không làm được nữa. Cháu không biết mình nghĩ ra điều đó như thế nào, nhưng cháu đã có thể làm được trò này. Ý của cháu là chuyện ấy nghe thật bất thường.
Người mẹ: Có lẽ đây chính là một trong số những cách tập trung tuyệt vời của trẻ tự kỷ mà chúng ta không làm được – vì các con chỉ chăm chú vào đồ vật.
Raun: Và bỏ qua mọi thứ khác.
Người mẹ: Cháu có điều gì để nói với phụ huynh của trẻ tự kỷ như cô chú không?
Raun: Cháu không biết là cô đã nghe qua chưa nhưng nếu chưa thì cháu xin được nói rằng nếu con của cô chú là một đứa trẻ đặc biệt và cô chú đang chuẩn bị hỗ trợ các em thì điều quan trọng đó là hằng ngày – hằng ngày – khi ở cạnh đứa trẻ này, hãy tự nghĩ rằng mình làm điều ấy vì mình muốn làm. Vì cô chú muốn làm chuyện này cho chính mình hơn là, ví dụ như, cho con mình, như thể điều này là bắt buộc vậy. Kiểu như: “Ồ đúng rồi, bé con này đang ở trong một tình huống rất tệ. Mình muốn giúp con, mình sẽ phải hỗ trợ con, làm điều này cho con, và có thể, con sẽ bình phục”. Đấy, cái kiểu làm mọi thứ vì đứa trẻ ấy. Cháu nghĩ là mình nên vì một lý do khác, ví dụ như vì bản thân mình thì nó sẽ trở nên quan trọng hơn.
Raun 18 tuổi
Raun tốt nghiệp trường phổ thông với tư cách là một học sinh danh dự và đạt giải thưởng Cum Laude Society. Vào mùa thu năm đó, cậu bé nhập học một trong những trường đại học hàng đầu của đất nước, đây chính là lựa chọn số một của Raun trong danh sách những trường gửi thư báo đỗ cho con.
Ai mà có thể tưởng tượng được điều này cơ chứ?