Câu lạc bộ thôn quê nơi có trang trại của Dodd
Khi trải qua những tháng ngày đen tối dưới sự cai trị của Hitler, tôi đã không nhận ra bóng tối sẽ tràn ngập linh hồn mình nhiều bao nhiêu. Nói chung, tôi tự hào với bản thân khi sở hữu năng lực của phóng viên, khả năng khóc than vì bi kịch, nhưng đồng thời lại thưởng thức thứ quyền lực tường thuật của nó. Tuy vậy, đi ra đi vào, sống cùng Quốc xã quả thật là một trải nghiệm gay go, độc đáo. Có thời, tôi giữ trong ngăn kéo một cuốn Hitler 1889-1936: Kẻ xấc xược của Ian Kershaw, một tác phẩm đại quy mô mà tôi xem như cuốn sách minh họa cho các hoạt động chính trị của kỉ nguyên này. Bìa sách là bức ảnh chụp Hitler mà với tôi - xin lỗi Hiệp sĩ Ian - nó ghê tởm đến mức tôi luôn phải lật sấp nó, như lúc này đây, vì nếu phải bắt đầu mỗi ngày bằng cách nhìn vào đôi mắt chất chứa nỗi căm ghét, đôi má xệ và một nhúm lông Brillo mà xem như hàng ria mép ấy, thì đúng là chịu hết nổi.
Có nhiều tác phẩm lịch sử về Hitler và Thế Chiến II phải đọc, dù cho tình tiết mình muốn nghiên cứu nhỏ đến thế nào. Tất cả những nội dung này làm tinh thần của tôi ngày càng kiệt quệ thêm, không phải vì dung lượng khổng lồ của chúng mà vì những nỗi kinh hoàng được tiết lộ. Chiều rộng và chiều sâu của bối cảnh cuộc chiến do Hitler tạo ra không thể đánh giá nổi - người Do Thái bị lưu đày đến các trại diệt chủng, ngay cả sau khi Đức thất bại là điều ai cũng biết. Những trận đấu xe tăng với các lực lượng Nga cướp đi hàng chục ngàn mạng sống chỉ trong vài ngày. Những vụ thảm sát trả đũa khét tiếng của Quốc xã, khi mà vào một buổi chiều ngập nắng nào đó, trong một ngôi làng tại Pháp, mười hai người bị đuổi ra khỏi nhà và cửa hàng, bị bắt đứng dựa vào tường, rồi bị bắn chết. Không có lời mào đầu, không chào tạm biệt, chỉ có tiếng chim hót và máu đổ.
Một vài tác phẩm, nhất là cuốn Kẻ xấc xược của Kershaw, cực kì hữu ích, vì nêu chi tiết cách bố trí lực lượng và con người một cách quy mô, trong những tháng năm trước Thế Chiến II. Những cuốn này bao gồm cả hai tác phẩm cổ điển, tuy cũ nhưng vẫn đáng giá, Hitler: Nghiên cứu về sự bạo ngược của Alan Bullock và Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba của William Shirer, cũng như các tác phẩm gần đây hơn của một tác giả ngang tầm Kershaw về trí tuệ uyên bác, Richard J. Evans, với hai cuốn Đệ tam Đế chế nắm quyền: 1933 - 1939 và Đệ tam Đế chế trong chiến tranh: 1939 - 1945. Đây đều là những cuốn sách khổng lồ, đầy những chi tiết hấp dẫn, mặc dù khiến người ta kinh hãi.
Một số cuốn sách tập trung chặt chẽ hơn vào một phần rất hữu ích, trong số này có Chống lại Hitler: Mildred Harnack và Dàn Giao hưởng Màu đỏ của Shareen Blair Brysac, Khu rừng quỷ ám của các sử gia KGB Allen Weinstein và Alexander Vassiliev, Gián điệp: Thăng trầm của KGB tại Mỹ của Vassiliev, John Earl Haynes và Har- vey Klehr.
Tác phẩm đặc biệt, rõ ràng có giá trị là Nhật kí của Đại sứ Dodd, qua sự biên tập của Martha và Bill Jr., cùng hồi kí của Martha, Góc nhìn Đại sứ quán. Chẳng tác phẩm nào hoàn toàn đáng tin cậy, cả hai phải được nghiên cứu cẩn trọng và chỉ nên sử dụng cùng với các nguồn tư liệu khác vững chắc hơn. Hồi kí của Martha là tiếng nói của riêng cô về những con người và sự kiện cô gặp, cũng là một ô cửa sổ không thể thiếu để soi vào những suy nghĩ, cảm xúc của cô, nhưng lại bao gồm những thiếu sót rất thú vị. Chẳng hạn, không một dòng nào cô gọi thẳng tên của Mildred Fish Harnack hoặc Boris Winogradov, có thể vì cô đã làm thế trong tác phẩm xuất bản năm 1939 và khiến cả hai người lâm vào nguy hiểm lớn. Tuy nhiên, bằng phép đo tam giác, các tài liệu nằm trong đống giấy tờ của Martha ở Thư viện Quốc hội cho thấy có những thời điểm trong hồi kí của cô xuất hiện cả hai cái tên Harnack và Winogradov. Những giấy tờ của cô bao gồm các miêu tả chi tiết, không bao giờ được xuất bản về mối quan hệ của cô với Boris và Mildred, cùng những lá thư hai người gửi cho cô. Boris viết thư khi ở Đức, có điểm xuyết những câu tiếng Anh và thi thoảng anh dùng từ “Darling!”. Để biên dịch những câu ngoại ngữ này, tôi nhờ một người bạn ở Seattle, Britta Hirsch, người cũng từng liều lĩnh dịch cả những đoạn dài dằng dặc của nhiều tài liệu tẻ ngắt hơn nhiều, trong số này có hóa đơn bán căn nhà Tiergartenstrasse đã cũ và các đoạn trong hồi kí của Rudolf Diels, Lucifer Ante Portas.
Về phần nhật kí của Đại sứ Dodd, vẫn còn nguyên thắc mắc rằng liệu đây có thực sự là cuốn nhật kí như mọi người đã hiểu không, hay đúng hơn là bản tóm tắt những văn bản của ông được Martha và Bill tổng hợp lại dưới dạng nhật kí. Martha luôn một mực khẳng định rằng cuốn nhật kí này là thật. Robert Dallek, ngươi viết tiểu sử cho các tổng thống, trăn trở với câu hỏi này khi viết tiểu sử cho Dodd năm 1968, mang tựa đề Nhà Dân chủ và Nhà Ngoại giao. Ông may mắn nhận được lá thư của chính Martha, trong thư cô mô tả quá trình hình thành cuốn nhật kí. “Cuốn sách tuyệt đối chân thực,” cô nói với Dallek. “Cha tôi có hai mươi tư cuốn sổ tay kích cỡ trung bình, màu đen sáng bóng, đêm nào ông cũng cố gắng viết vào đó, trong phòng làm việc tại Berlin, trước khi đi ngủ và vào cả những khoảng thời gian khác nữa.” Cô giải thích, những thông tin này hợp thành phần cốt lõi của nhật kí, cho dù hai anh em cô có thêm vào những yếu tố khác như các bài diễn văn, thư từ và báo cáo họ thấy được viết thêm vào giữa các trang. Martha viết, bản thảo ban đầu là 1.200 trang nhật kí, biên tập viên chuyên nghiệp do nhà xuất bản thuê đã lược bớt đi. Dallek tin rằng cuốn nhật kí “nói chung là chuẩn xác.”
Tất cả những gì tôi có thể thêm vào cuộc thảo luận là vài khám phá nhỏ của riêng mình. Trong khi tìm kiếm tại Thư viện Quốc hội, tôi tìm thấy một cuốn nhật kí bìa da, kín mít các mục từ năm 1932. Chí ít điều này minh chứng cho thiên hướng của Dodd là hay giữ lại một bản ghi chép như vậy. Nó nằm ở Gian 58. Trong số các tài liệu khác của Dodd, tôi tìm thấy những tham khảo chéo cho cuốn nhật kí toàn diện hơn và bí mật hơn. Điều ấn tượng nhất của phần tham khảo này nằm trong lá thư ngày 10 tháng 03 năm 1938 của bà Dodd gửi cho Martha, được viết không lâu trước khi ngài Đại sứ về hưu, có chuyến đi sang New York. Bà Dodd nói với Martha rằng, “Ông ấy có mang theo vài cuốn nhật kí cho con xem qua. Xem xong gửi lại khi ông ấy cần nhé. Hãy cẩn thận với những gì con trích dẫn.”
Cuối cùng, tôi chỉ đưa ra một nhận xét mơ hồ sau khi đọc xong hồi ký của Martha, tiểu thuyết Udet cùng các giấy tờ của cô và hàng nghìn trang thư từ, điện tín, báo cáo của Đại sứ Dodd. Đó là cuốn nhật kí được xuất bản của Dodd có vẻ giống Dodd nhất, cảm thấy nó chân thực, diễn tả những cảm xúc hoàn toàn ăn khớp với những lá thư ông gửi cho Roosevelt, Hull và nhiều người khác.
Chi nhánh Kho Lưu trữ Quốc gia ở College Park, Maryland - nổi tiếng là Kho Lưu trữ Quốc gia II - được xem là nơi sở hữu bộ sưu tập kì diệu các tư liệu, trị giá hai mươi bảy két sắt đựng tiền, liên quan đến đại sứ quán và lãnh sự quán Berlin. Trong số này bao gồm bản mô tả tất cả đồ ăn tối trong từng đại sứ quán và lãnh sự quán, đến số lượng các chậu nước rửa tay sau khi ăn tráng miệng. Thư viện Quốc hội, nơi lưu trữ các tài liệu của William và Martha Dodd, Cordell Hull cùng Wilbur J. Carr, luôn được thừa nhận là món quà từ thiên đường cho giới nghiên cứu. Tại trường Đại học Delaware ở Newark, tôi đã xem xét các tài liệu của George Messersmith, một trong số những bộ sưu tập được lưu trữ đẹp nhất tôi từng xem qua, rồi cảm thấy ngây ngất khi ngồi trong ngôi nhà của những người bạn lớn, Karen Kral và John Sherman, uống rượu thả phanh. Tại Harvard - nơi đã từng từ chối đơn xin vào trường cao đẳng cho sinh viên chưa tốt nghiệp của tôi vài năm trước, chắc chắn là bị bỏ sót, và tôi đã tha thứ cho điều đó, gần như thế - tôi dành mấy ngày vui vẻ lật qua các trang tài liệu của William Phillips với Jay Pierrepont Moffat, cả hai đều ở Harvard. Mấy anh bạn ở Thư viện Bản thảo và Sách hiếm Beinecke của Đại học Yale rất tử tế lùng sục bộ sưu tập các tài liệu của Thornton Wilder giùm tôi, và cung cấp cho tôi các bản sao những lá thư Martha Dodd gửi cho ông. Các kho lưu trữ khác cũng hữu ích không kém, đặc biệt là các bộ sưu tập lịch sử truyền miệng tại cả trường Đại học California lẫn Thư viện Công cộng New York.
Tôi có xu hướng không tin tưởng các nguồn tài liệu trực tuyến, nhưng có tìm được vài trang cực kì hữu ích. Trong số này có một bộ sưu tập các lá thư giữa Roosevelt và Dodd, nhã ý của Thư viện Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ở Hyde Park, New York, cùng với các cuốn sổ tay của Alexander Vassiliev, cựu điệp viên KGB hóa ra lại là học giả, người đã rất độ lượng công khai các tài liệu này trên trang web của Dự án Lịch sử Quốc tế Chiến tranh Lạnh, tại Trung tâm Học giả Woodrow Wilson ở Washington, D.C. Bất kì ai muốn cũng có thể truy cập thông qua cái gọi là Verona Intercepts, những thông tin liên lạc giữa Trung tâm Moscow và các mật vụ KGB tại Mỹ, được các quan chức tình báo Mỹ chặn được và giải mã, bao gồm công văn liên quan đến Martha Dodd và Alfred Stern. Từng là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của Mỹ, những tư liệu này giờ đây nằm trên trang web công cộng của Cơ quan An ninh Quốc gia, không chỉ tiết lộ rằng nước Mỹ đầy rẫy những gián điệp, mà sự theo dõi này có xu hướng biến thành cuộc săn đuổi trần tục rất tỉ mỉ.
Một thách thức tôi phải đối mặt khi nghiên cứu cuốn sách này là làm sao mường tượng ra được quận Tiergarten của Berlin trước chiến tranh, nơi Dodd và Martha dành rất nhiều thời gian. Phần lớn quận này đã bị phá hủy tan tành bởi các máy bay ném bom của quân Đồng minh và cuộc tấn công cuối cùng của quân Nga vào thành phố. Tôi thu được một bản hướng dẫn Baedeker trước chiến tranh, mang lại thông tin vô giá, giúp tôi xác định được những cột mốc lịch sử, như quán cà phê Romanisches trên đường Kurfürstendamm 238 và khách sạn Adlon trên đường Unter den Linden 1. Tôi đọc càng nhiều hồi kí về giai đoạn này càng tốt, khai thác chúng để có cái nhìn thấu suốt vào cuộc sống hằng ngày ở Berlin. Tuy nhiên, vẫn không được quên một điều, những hồi kí trong kỉ nguyên Quốc xã thường có xu hướng tự chỉnh sửa, nhằm mục đích đảm bảo tác giả không dính líu đến sự trỗi dậy và cai trị của Đảng Quốc xã, trong khi có lẽ anh ta thực sự có liên can. Ví dụ điển hình nhất cho điều này chắc chắn là cuốn Những hồi kí của Franz von Papen, xuất bản vào năm 1953, theo đó ông ta cho rằng mình đã chuẩn bị bài diễn văn Marburg “cực kì thận trọng”, một lí lẽ không ai xem là nghiêm túc. Bài diễn văn cũng gây ngạc nhiên lớn đối với ông, cũng như với khán giả của ông.
Các tiểu thuyết theo kiểu hồi kí của Christopher Isherwood, có tựa là, Những ngày cuối cùng của Ngài Norris và Tạm biệt Berlin, được xem là đặc biệt hữu ích đối với các nhà quan sát về vẻ đẹp và cảm xúc của thành phố, trong những năm ngay trước khi Hitler trỗi dậy, khi bản thân Isherwood cũng cư trú ở Berlin. Thi thoảng, tôi cực kì vui sướng khi đăng nhập vào trang Youtube.com, tìm kiếm những thước phim lưu trữ đã cũ về Berlin và tìm thấy kha khá phim, bao gồm bộ phim câm năm 1927 Berlin: Bản giao hưởng của một thành phố vĩ đại, hướng tới mô tả trọn vẹn cuộc sống hằng ngày tại thành phố Berlin. Tôi thực sự vui khi tìm được một cuốn phim tài liệu năm 1935, Điều kì diệu của chuyến bay, nhằm mục đích kêu gọi các thanh niên đăng kí vào Lực lượng Không quân Luftwaffe. Trong phim, người tình một thời của Martha, Ernst Udet đóng vai của chính mình và thậm chí còn quay cả căn hộ của anh ta ở Berlin, trông rất giống cách Martha mô tả trong hồi kí của cô.
Tôi nhận thấy Hội Lịch sử Nhà nước Wisconsin là nơi lưu trữ các tư liệu có liên quan, chuyển tải nền móng căn bản của cuộc sống tại Berlin thời Hitler. Tại đó, trong một mục tôi tìm được các giấy tờ của Sigrid Schultz, Hans V. Kaltenborn và Louis Lochner. Tôi đã đến thư viện trường Đại học Wisconsin sau cuốc dạo bộ ngắn và thú vị, tìm thấy một nguồn phong phú các tư liệu chỉ nói về cô gái từng học trường Wisconsin bị chặt đầu theo mệnh lệnh của Hitler, Mildred Fish Harnack.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trải nghiệm của tôi về chính Berlin. Thành phố này vẫn còn lại đầy đủ bằng chứng cho tôi cảm nhận được toàn bộ mọi thứ. Thật lạ kì khi các tòa nhà Bộ Không quân của Göring phần lớn vẫn còn nguyên vẹn, cũng như nhiều trụ sở quân đội ở Khu phố Bendler. Điều làm tôi kinh ngạc nhất là mọi thứ sao gần nhà của Dodd đến thế, với từng cơ quan chính phủ quan trọng chỉ cần đi bộ là tới, bao gồm các trụ sở Gestapo và dinh thủ tướng của Hitler, không một công trình nào trong số này còn tồn tại đến ngày nay. Nhà của Dodd từng ở trên phố Tiergartenstrasse 27a giờ bỏ không, khoảnh đất cỏ mọc um tùm bao quanh là hàng rào dây xích. Có thể nhìn thấy Khu phố Bendler đằng sau.
Tôi còn nợ Gianna Sommi Panofsky và chồng bà lời cảm ơn đặc biệt. Ông ấy chính là Hans, con trai của Alfred Panofsky, chủ cho thuê nhà của gia đình Dodd tại Berlin. Cặp vợ chồng định cư tại Evanston, Illinois. Hans giảng dạy tại trường Đại học Northwestern. Bà Panofsky tử tế cung cấp cho tôi các bản vẽ mặt bằng gốc ngôi nhà trên phố Tiergartenstrasse (được một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo chí Northwestern, Ashley Keyser, thận trọng giữ gìn và sao chép thay mặt tôi). Bà Panofsky rất vui được nói chuyện với tôi. Đáng buồn là bà đã mất đầu năm 2010, do ung thư ruột kết.
Trên hết, tôi xin cảm ơn những độc giả đầu tiên trung thành của tôi: Carrie Dolan cùng chồng cô ấy, Ryan Russell: các con gái tôi, Kristen, Lauren và Erin: rồi lúc nào cũng thế, là vợ tôi, vũ khí bí mật của tôi, Christine Gleason, với những dòng ghi chú bên lề - hoàn chỉnh với các khuôn mặt cười và các dòng zzzzzzz dài dằng dặc - một lần nữa được xem là không thể thay thế. Xin cảm ơn các con gái tôi vì những lời phê bình ngày càng sắc sảo của chúng cho bản thảo của tôi. Tôi mang món nợ to lớn đối với Betty Prashker, biên tập viên của tôi trong ngót hai thập niên, và John Glusman, với bàn tay khéo léo đã dẫn đường cho cuốn sách này đến với độc giả. Tôi cũng xin cảm ơn Domenica Alioto, vì đã đảm nhận những nhiệm vụ lẽ ra không nên đảm nhận, và Jacob Bronstein, vì sự khéo léo khi băng qua giới tuyến giữa trang Web và thế giới. Một tiếng hoan hô nữa cho Penny Simon, vì tình bạn và chuyên môn của cô ấy khiến tôi làm được những việc mà tôi không muốn làm; cho Tina Constable vì sự tự tin của cô ấy; cho David Black, nhân viên lâu năm của tôi, một nhà tư vấn rượu vang, và là một người bạn tuyệt vời. Cuối cùng, một cái ôm thật lâu dành cho Molly, chú chó đáng yêu, ngọt ngào của chúng tôi. Nó đã phải chịu đựng căn bệnh ung thư gan ở tuổi lên mười, khi công trình của tôi gần hoàn tất. Tuy nhiên, trong những tuần cuối đời, nó vẫn bắt được một con thỏ, việc nó đã cố gắng làm nhiều năm nhưng không thành công. Chúng tôi ngày nào cũng nhớ về nó.
Khi tôi ở Berlin, một chuyện lạ lùng đã xảy ra, một trong những khoảnh khắc kì lạ của sự trùng hợp không gian và thời gian, dường như luôn xảy ra khi tôi hoàn toàn chìm đắm vào công việc nghiên cứu một cuốn sách. Tôi đã ở Ritz-Carlton gần công viên Tiergarten, không phải vì đây là khách sạn Ritz mà vì đây là khách sạn hoàn toàn mới, cho thuê phòng với mức giá thấp rất gọi mời. Việc lúc ấy là tháng Hai cũng giúp ích nhiều. Vào buổi sáng đầu tiên, quá mệt mỏi sau chuyến bay dài, không làm nổi chuyện gì quá tham vọng, tôi đi tản bộ và tiến thẳng đến công viên Tiergarten, với ý tưởng mơ hồ rằng tôi sẽ đi tiếp đến khi tìm thấy nhà của gia đình Dodd, trừ phi trước đó tôi chết vì lạnh. Hôm ấy là buổi sáng buốt giá, gió mạnh dữ dội, thi thoảng có sự xuất hiện của những bông tuyết rơi theo góc nghiêng. Trên đường đi, tôi bước qua một di tích kiến trúc đặc biệt thú vị - phần lớn mặt tiền một tòa nhà lỗ chỗ vết đạn, nằm khuất sau bức tường kính khổng lồ. Sàn nhà như cây cầu, dọc suốt chiều dài mặt tiền đỡ vài tầng của căn hộ xa hoa hiện đại. Vì tò mò ngẫu hứng, tôi bước đến chỗ tấm biển giới thiệu thông tin về mặt tiền này. Nó thuộc về khách sạn Esplanade, nơi gia đình Dodd từng ở khi họ mới đến Berlin. Cũng ở đây, cũng đằng sau tấm kính này, là bức tường trong của căn phòng ăn sáng ở Esplanade, được khôi phục lại y như cũ. Thật lạ lùng khi chứng kiến các món tạo tác kiến trúc này nằm ẩn sau bức tường kính, giống như con cá khổng lồ, bất động nhưng cũng hé lộ nhiều điều. Trong thoáng chốc, tôi có thể thấy Dodd và Martha lên đường bắt đầu những ngày mới. Dodd đang đi rất nhanh về phía bắc đến công viên Tiergarten, để tới các văn phòng đại sứ quán trên đường Bendlerstrasse. Martha thì đang lao về phía nam để gặp Rudolf Diels, tại một trường nghệ thuật cũ trên phố Prinz-Albrecht-Strasse, trước khi có bữa ăn trưa yên tĩnh ở một nơi kín đáo.
Những ghi chú tiếp theo đây chắc chắn không thể nào thấu đáo hết được. Tôi luôn rất cẩn thận ghi ra nội dung trích dẫn từ các tác phẩm khác, ghi chú những sự thật và quan sát vì một lí do, hoặc vì tiếng kêu gào đòi dẫn chứng, chẳng hạn như tiết lộ của Ian Kershaw - trong cuốn Kẻ xấc xược, trang 485 - rằng một trong những bộ phim yêu thích nhất của Hitler là King Kong. Thường thì, đối với những độc giả thích đọc ghi chú - mà số này rất nhiều - tôi đã bao gồm các câu chuyện và sự thật nhỏ không thích hợp với mạch truyện chính, nhưng tôi thấy nó quá hấp dẫn hoặc thú vị, không thể bỏ sót. Xin hãy tha lỗi cho tôi vì sự đắm đuối này.
Nguồn hình ảnh
Trang tiêu đề: Kho lưu trữ Nghệ thuật / Marc Charmet
P1.1: (Thư viện Quốc hội)
P2.1: ullstein bild / Bộ sưu tập Granger, New York P3.1: ullstein bild / Bộ sưu tập Granger, New York P3.2: (Thư viện Quốc hội)
P4.1: ullstein bild / Bộ sưu tập Granger, New York
P5.1: Albert Harlingue / Roger-Violet/ Tác phẩm Ảnh
P6.1: Bildarchiv Preussischer Kulturbesitz / Tài nguyên Nghệ thuật, NY
P7.1: Bildarchiv Preussischer Kulturbesitz / Tài nguyên Nghệ thuật, NY
Epl.1: Bildarchiv Preussischer Kulturbesitz / Tài nguyên Nghệ thuật, NY
Tôi thả bước trên mặt đường trống trải phủ đầy tuyết, ở công viên Tiergarten. Nơi đây có một pho tượng vỡ và một cây non mới trồng. Phía trên Cổng Brandenburg, lá cờ đỏ bay phấp phới giữa nền trời xanh mùa đông. Đằng chân trời là mái của nhà ga xấu xí, trông y hệt một bộ xương cá voi. Dưới ánh nắng ban mai, cảnh tượng này nguyên sơ và thẳng thắn như tiếng nói của lịch sử, nhắc bạn không được tự lừa dối mình. Chuyện này có thể xảy đến với bất kì thành phố nào, với bất kì ai và với chính bạn.
- Chistopher Isherwood, Một chuyến thăm -