Chuyện những người Mỹ sống ở Đức tìm đến Đại sứ quán Mỹ ở Berlin không hiếm, nhưng hoàn cảnh của người đàn ông tìm đến đây hôm thứ Năm, ngày 29 tháng 6 năm 1933 thì rất lạ. Tên anh ta là Joseph Schachno, ba mươi mốt tuổi, một bác sĩ đến từ New York. Cho đến mãi gần đây, anh ta vẫn đang hành nghề y ở ngoại ô Berlin. Giờ đây, anh ta đang trần truồng đứng giữa một trong các phòng khám bệnh có che rèm, ở tầng một của Đại sứ quán, nơi vào ngày thường, một bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra y tế những người nộp đơn xin visa nhập cảnh vào Mỹ. Nhiều phần da trên cơ thể anh ta đã bong tróc.
Hai viên chức Đại sứ quán bước vào phòng khám bệnh. Một người tên là George S. Messersmith, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Đức từ năm 1930 (không có quan hệ gì với Wilhelm “Willy” Messerschmitt, kĩ sư máy bay người Đức). Từng là nhân viên Sở Ngoại vụ cao cấp tại Berlin, Messersmith giám sát mười lãnh sự quán Mỹ trên khắp nước Đức. Đứng cạnh ông ta là Phó Tổng Lãnh sự, Raymond Geist. Nói chung, Geist là người lạnh lùng và điềm tĩnh, một thuộc cấp lí tưởng, tuy nhiên Messersmith xem Geist như một kẻ nhợt nhạt và yếu bóng vía.
Cả hai người đều khiếp đảm trước thương tích của Schachno.
“Từ cổ đến chân anh ta phơi ra thịt đỏ lòm,” Messersmith nói. “Thực tế là người này bị đánh bằng roi đến mức như bị lột da, máu me be bét. Mới nhìn qua, tôi đã phải chạy đến nôn thốc nôn tháo ở cái bồn rửa mặt, chỗ ‘vị bác sĩ phẫu thuật sức khỏe công cộng’ rửa tay.”
Messersmith biết trận đòn này diễn ra đã chín ngày trước, thế nhưng các vết thương vẫn chưa lành. “Các vết lằn ngang dọc hằn rõ trên hai xương bả vai xuống đến đầu gối, cho thấy anh ta bị đánh từ cả hai bên. Thực tế là mông anh ta bị mất hết da, các mảng thịt lớn lòi ra ngoài. Ở nhiều chỗ, thịt đã nát bét.”
Và Messersmith tự hỏi đã qua chín ngày rồi mà còn thế này, vậy thì ngay sau khi bị đánh, các vết thương sẽ trông như thế nào?
Câu chuyện xảy ra như sau:
Đêm ngày 21 tháng 06, một nhóm lính mặc đồng phục ập vào nhà Schachno, vì có kẻ tố cáo nặc danh anh ta là kẻ thù nguy hại của Nhà nước. Chúng khám nhà, và cho dù chẳng tìm thấy gì, chúng vẫn lôi anh ta đến trụ sở. Schachno bị ép phải cởi hết quần áo, và ngay lập tức bị hai tên dùng roi đánh rất tàn bạo, suốt mấy giờ đồng hồ. Đánh chán, chúng thả anh ta về. Bằng cách nào đó, anh ta về được đến nhà, rồi dắt vợ cùng bỏ trốn đến trung tâm Berlin, trú tạm ở nhà mẹ vợ. Anh ta nằm bẹp trên giường suốt một tuần. Ngay sau khi cảm thấy có thể đi lại được, anh ta bèn đến Đại sứ quán.
Messersmith ra lệnh đưa anh ta đến bệnh viện, cùng ngày cấp cho anh ta hộ chiếu Mỹ mới. Ngay sau đó, Schachno cùng vợ trốn qua Thụy Điển, rồi sang Mỹ.
Từng xảy ra nhiều vụ bắt bớ và đánh đập công dân Mỹ, kể từ khi Hitler làm thủ tướng vào tháng Một, nhưng chưa vụ nào khủng khiếp như thế này - cho dù hàng nghìn người Đức bản xứ cũng bị đối xử tàn bạo tương tự, và thường là tồi tệ hơn nhiều. Đối với Messersmith, đây là một dấu hiệu nữa về thực tế cuộc sống dưới sự cai trị của Hitler. Ông hiểu toàn bộ làn sóng bạo lực này không chỉ là hậu quả của cơn điên rồ tàn bạo thoáng qua, mà là sự thay đổi căn bản đã diễn ra ở Đức.
Ông biết điều đó, nhưng tin rằng không mấy người Mỹ hiểu được. Càng ngày ông càng thấy khổ sở vì khó mà thuyết phục được cả thế giới về mức độ nguy hiểm của Hitler. Ông hiểu quá rõ thực tế Hitler đang bí mật và hùng hổ kéo Đức vào chiến tranh chinh phục. “Tôi ước gì mình thực sự giải thích được cho đồng bào tôi hiểu,” ông viết trong lá thư vào tháng Sáu năm 1933 gửi Bộ Ngoại giao, “vì tôi cảm thấy họ cần phải hiểu tinh thần hiếu chiến này được phát triển chắc chắn ra sao tại Đức. Nếu chính phủ này còn nắm quyền thêm một năm nữa, và nếu vẫn tiếp tục đi theo hướng này, nước Đức sẽ tiến xa đến mức gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới nhiều năm sau nữa.”
Ông nói thêm, “Tôi và các ngài không thể hiểu nổi suy nghĩ của hầu hết những người đang điều hành chính phủ này. Vài người trong số họ thần kinh không ổn định và thông thường sẽ cần phải bị đưa đi điều trị ở đâu đó.”
Nhưng nước Đức vẫn không có nhà riêng cho Đại sứ Mỹ. Cựu Đại sứ Mỹ, Frederic M. Sackett đã về Mỹ vào tháng Ba, sau khi Franklin D. Roosevelt trở thành Tân Tổng thống Mỹ (lễ nhậm chức năm 1933 diễn ra vào ngày 04 tháng 03). Trong gần bốn tháng, vị trí này bỏ trống và người mới được bổ nhiệm phải ba tuần nữa mới đến. Messersmith không hề quen biết vị đại sứ này, ngoài những gì nghe nói từ nhiều mối quan hệ của ông trong Bộ Ngoại giao. Điều ông biết là đại sứ mới sẽ lâm vào hiểm cảnh của tàn bạo, tham nhũng và quá khích. Ông ta sẽ phải là người quyết liệt để chứng tỏ được quyền lợi và sức mạnh Mỹ, vì sức mạnh là thứ duy nhất Hitler và đồng bọn của hắn hiểu.
Ấy thế nhưng, vị đại sứ mới được xem là thuộc dạng người ít phô trương, từng thề sống một cuộc đời khiêm nhường tại Berlin, như một cử chỉ đồng cảm với người dân Mỹ đang thiếu thốn, cơ cực trong cuộc Đại Khủng hoảng6. Điều khó tin là ông ta thậm chí còn mang cả chiếc xe cũ của mình sang Berlin - một chiếc Chevrolet tàn tạ - nhằm chứng minh tính tiết kiệm của mình. Đây là thành phố nơi quan chức của Hitler tiến vào trên những chiếc xe du lịch màu đen, mỗi chiếc to gần bằng xe buýt.
6 Đại Khủng hoảng: thời kì suy thoái kinh tế toàn cầu, kéo dài từ năm 1929 đến đầu những năm 1940.