Biên phòng - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyên nhân cơ bản, quyết định nhất.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón quân giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh: TTXVN
Đánh giá thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Đúng vậy, trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới có quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi tiếng súng ở chiến trường Điện Biên Phủ vừa kết thúc, Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Ðông Dương (ngày 20-7-1954) được ký kết, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược của thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, song miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Trong lúc quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Geneve thì Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương Tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và nhân dân ta.
Trước tình hình đó, tháng 6-1956, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết khẳng định “đấu tranh chính trị không có nghĩa là tuyệt đối không dùng hình thức vũ trang tự vệ trong hoàn cảnh nhất định”; và tiếp sau đó, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ đã viết “Ðề cương cách mạng miền Nam”, đề cập đến vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang. Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15, xác định mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở miền Nam và miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là đấu tranh giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang.
Tiếp theo Nghị quyết Trung ương 15, trước xu thế phát triển và đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (tháng 9-1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam. Với sự ra đời Nghị quyết Trung ương 15 và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một trang mới.
Để biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này được xác định là: Xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh của cả nước; phát triển mạnh mẽ lực lượng ba thứ quân ở cả hai miền; xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, căn cứ hậu cần - kỹ thuật chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, ác liệt ở chiến trường miền Nam; mở rộng và phát triển mạng lưới giao thông chiến lược trên đất liền và trên biển; tăng cường quan hệ quốc tế sâu rộng với các nước XHCN và lực lượng hòa bình tiến bộ trên thế giới...
Quán triệt tinh thần đó, miền Bắc đi lên xây dựng CNXH với khí thế mới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công - nông trường được xây dựng, chỉ trong một thời gian ngắn, “miền Bắc đã hoàn toàn thay da đổi thịt”. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh đã chuyển qua một giai đoạn mới - kết hợp chặt chẽ trên cả ba mặt: Đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao.
Năm 1968, ta chủ động mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt của hầu hết các tỉnh, thành phố, thị xã trên toàn chiến trường miền Nam, làm chấn động thế giới và “lung lay cả Lầu Năm Góc”. Sau những thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và tiếp sau đó là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971; đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn.
Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã quyết định phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai nhằm tàn phá hậu phương lớn miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu chiến lược khác ở miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, nhờ đó, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt sự dính líu quân sự ở Việt Nam, rút toàn bộ quân về nước. Mỹ rút quân về nước, thế và lực trên chiến trường miền Nam hoàn toàn do ta chủ động. Và cuối cùng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước một lần nữa khẳng định chân lý: “Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, song đã đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-xít, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược”.
Với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã chứng minh cho toàn thế giới thấy sự phá sản không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu, bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đó là chân lý không thể phủ nhận được.
Nhận rõ sứ mệnh, trọng trách lịch sử của mình trước giai cấp, dân tộc và phong trào cách mạng thế giới, Đảng ta đã ra sức xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do vậy, đã đáp ứng ngày càng đầy đủ những yêu cầu rất khắt khe về sức mạnh chiến đấu của một đảng cầm quyền. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kịp thời đưa ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đồng thời kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được mục tiêu, con đường nhiệm vụ cách mạng đã đặt ra.
Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thể hiện đỉnh cao của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy trang bị kỹ thuật ít hơn và kém hiện đại đánh thắng kẻ thù có trang bị kỹ thuật hiện đại hơn; biểu thị một tư duy quân sự sáng tạo, tiêu biểu cho đường lối chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam...
Bài học lịch sử về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã và đang soi sáng con đường đi lên CNXH trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc nhằm bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà các thế lực phản động và thù địch luôn sử dụng nhất định sẽ thất bại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đăng Hiến
Báo Biên phòng, mục Chính trị, số ra ngày 21/4/2021