Vật chất làm chúng ta phân tâm khỏi hạnh phúc thực sự.
- Douglas Horton
Trong bộ phim Wall Street: Money Never Sleeps, có một nhân viên trẻ hỏi tỷ phú cần thêm bao nhiêu tiền. Bạn đoán câu trả lời thử xem.
Nhiều thêm nữa!
Đây là cách nghĩ của rất nhiều người. Dù không có công thức chính xác để hạnh phúc nhưng có một điều chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ: so sánh với người khác.
Dù bạn giàu có, tài giỏi đến mức nào, sẽ luôn có người hơn bạn. Và cuộc sống luôn có sẵn các kịch bản để chi phối bạn – những câu chuyện thành công trên trang nhất – để khiến bạn cảm thấy lo lắng vì thua kém.
Mỗi ngày tôi có thể lựa chọn: so sánh với người khác, giàu hơn, trẻ hơn, đẹp hơn, nhà to hơn, xe đẹp hơn… Nhưng tôi không làm thế. Trái lại, tôi biết ơn những gì mình đang có bởi vì tôi biết chắc chắn rằng so sánh với người khác sẽ dẫn đến tham lam, và đó chính là điều dẫn đến đau khổ.
So sánh khiến bạn tập trung vào những thiếu sót, nó dẫn đến lo lắng. Biết ơn tạo ra sự thanh thản vì tập trung vào hiện tại, vào những gì bạn đang có.
Vấn đề với sự so sánh là bạn sẽ không bao giờ có thể ngưng lại – sẽ luôn có người nào đó hơn bạn một điều gì đó. Nhưng đừng nhầm lẫn điều này với nguyên tắc cải thiện liên tục Kaizen – nó tập trung vào việc so sánh với bản thân bạn để dần tốt hơn chứ không phải là vật chất bên ngoài.
Do đó, kỷ luật đầu tiên để duy trì thành quả của bạn là: Không so sánh. Bạn hài lòng với những gì mình có và theo đuổi những điều quan trọng – mặc kệ kịch bản cuộc đời vẽ ra những điều vớ vẩn.
Ví dụ, tôi có thể dễ dàng so sánh với các doanh nhân khác và đi đến kết luận: tôi không thành công và giàu có bằng họ. Điều này sẽ buộc tôi phải hành động trái với mục đích của mình. Tuy vậy, mục đích sống của tôi không giống như của họ. Mục đích của tôi là cuộc sống tự do lựa chọn, chứ không phải lên trang nhất của những tờ báo. Nếu tôi so sánh, nó sẽ khiến tôi cho rằng những gì người khác suy nghĩ là quan trọng hơn những gì tôi nghĩ. Nói một cách đơn giản, nếu so sánh, tôi sẽ phải sống cuộc đời của người khác, còn cuộc đời của tôi thì sao?
QUAN TÀI MẠ KIM CƯƠNG!?
Văn hóa tôn sùng tiêu dùng luôn nhấn mạnh sự so sánh. Kỷ luật không so sánh nghĩa là mặc kệ những ảo tưởng từ vật chất – bởi vì nô lệ có ăn diện đẹp cỡ mấy, thì bản chất vẫn chỉ là nô lệ.
Ví dụ, xem thử những quảng cáo này nhé:
Giải phẩu thẩm mỹ: Ngực bạn quá bé, mũi quá cong! Bơm ngực, sửa mũi là bạn sẽ hạnh phúc.
Nhẫn cưới: Hãy tặng hôn thê của bạn chiếc nhẫn để mọi người phải ghen tị nào!
Đồng hồ, xe, quần áo, giày dép: Không thứ gì cho mọi người biết bạn thành công hơn là cái đồng hồ trị giá 120 ngàn đô-la!
Mục đích của nó? Bạn phải xài hết những gì mình có để đua tranh với người khác.
Với kỷ luật không so sánh, bạn biết mình đã có đủ tất cả. Bạn biết giá trị của bản thân không phải do đôi giày, hay do bất kỳ thứ đồ vật nào tạo ra. Hãy để những kẻ khờ chơi trò đuổi hình bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ – với cái kết là nợ nần, tương lai mờ mịt và làm nô lệ cho đến chết.
Đừng lãng phí thời gian để khảm kim cương vào quan tài của bạn!