* Sự ủy quyền: Thẩm quyền thực hiện chính sách hoặc tiến trình hành động, được Cử tri trao cho một ứng viên hay một đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Sự Suy Tàn Của Quyền Lực Trong Nền Chính Trị Quốc Gia
Bản chất của chính trị là quyền lực, bản chất của quyền lực là chính trị. Và kể từ thời cổ đại, con đường kinh điển dẫn tới quyền lực đã là theo đuổi chính trị. Thật vậy, quyền lực với chính trị gia như là ánh mặt trời với cây cỏ. Các chính trị gia sử dụng quyền lực của mình theo nhiều cách khác nhau, nhưng khát khao quyền lực là đặc điểm chung tối quan trọng của họ. Như Max Weber đã nhận xét gần một thế kỷ trước: “Ai hoạt động chính trị đều khát khao quyền lực, hoặc như một phương tiện để phục vụ các mục đích, lý tưởng hay sự vị kỷ khác, hoặc ‘chỉ vì đó là quyền lực,’ có nghĩa là, để được tận hưởng cảm giác uy quyền mà quyền lực mang lại”.1
Nhưng “cảm giác uy quyền” là một cảm xúc mong manh.
Và những ngày này, chu kỳ của cảm giác đó ngày càng ngắn hơn. Hãy xem xét thập kỷ vừa qua trong nền chính trị Mỹ, mà nhà phân tích chính trị Ron Brownstein đã gọi là “Thời đại Bay hơi”. Các cử tri trao cho phe Cộng hòa quyền kiểm soát cả Quốc hội và Nhà Trắng năm 2002 và 2004, rồi lấy lại của họ vào năm 2006 và 2008 - chỉ để rồi khôi phục quyền kiểm soát Hạ viện cho họ vào năm 2010 và 2012. Trước đó, trong năm cuộc bầu cử từ năm 1996 tới 2004, số ghế giành được từ đảng đối thủ nhiều nhất ở Hạ viện của bất kể đảng nào là 9. Năm 2006, phe Cộng hòa mất 30 ghế. Năm 2008, phe Dân chủ giành 21, và năm 2010, phe Dân chủ mất 63. Số cử tri Mỹ đăng ký như những cử tri độc lập ngày nay thường là cao hơn số những người gắn với phe Cộng hòa và Dân chủ.2 Năm 2012, tầm quan trọng của các cử tri Latin trở nên rõ ràng.
Đây không chỉ là một hiện tượng ở Mỹ. Khắp mọi nơi, cơ sở của quyền lực chính trị đang trở nên mong manh hơn, giành được đa số phiếu bầu không còn đảm bảo khả năng ra quyết định, bởi vì một loạt các “quyền lực vi mô” có thể phủ quyết, trì hoãn hay làm xói mòn chúng. Quyền lực đang tuột dần ra khỏi tay những kẻ chuyên quyền và các hệ thống độc đảng dù cho họ có tiến hành cải tổ hay không. Nó đang lan ra từ những đảng chính trị lớn và được thành lập lâu đời sang những đảng nhỏ với nghị trình hẹp hay các khu vực bầu cử nhỏ bé. Ngay cả trong nội bộ đảng, những người đứng đầu ra quyết định, lựa chọn ứng cử viên và thiết lập nên nghị trình chính trị đằng sau các cánh cửa đóng đang phải nhường chỗ cho những kẻ nổi loạn và những người ngoài cuộc - cho các chính trị gia mới vốn chưa leo cao trong guồng máy của đảng, những người không bao giờ thèm quỵ lụy các lãnh đạo đảng. Những người hoàn toàn ở bên ngoài cấu trúc đảng - các cá nhân đầy sức hút, một số có những người ủng hộ giàu có từ bên ngoài lĩnh vực chính trị, những người khác đơn giản là chớp được một làn sóng ủng hộ nhờ vào những công cụ vận động và truyền tải thông điệp mới mà không cần tới các đảng phái - đang khai mở một con đường mới dẫn tới quyền lực chính trị.
Dù họ theo con đường nào để tới đó, các chính trị gia trong chính phủ đang thấy rằng nhiệm kỳ nắm giữ chức vụ của họ đang trở nên ngắn ngủi hơn và quyền lực của họ để định hình chính sách đang bị xói mòn. Chính trị luôn là nghệ thuật thỏa hiệp, nhưng ngày nay chính trị là một nỗi thất vọng rành rành - đôi khi có cảm giác nó là nghệ thuật của chẳng thứ gì cả. Thế bế tắc ngày càng phổ biến ở mỗi mức độ ra quyết định trong hệ thống chính trị, trong tất cả những lĩnh vực của chính quyền và trong hầu hết các quốc gia. Nhiều liên minh sụp đổ, những cuộc bầu cử diễn ra thường xuyên hơn và “sự ủy quyền” tỏ ra khó nắm giữ hơn bao giờ hết. Sự tản quyền và trao quyền đang tạo ra những cơ quan lập pháp và hành pháp mới. Tới lượt họ, có nhiều chính trị gia hơn và nhiều quan chức hơn - được bầu cử hay bổ nhiệm - nổi lên từ những đô thị tự trị và hội đồng dân biểu vùng đang lớn mạnh hơn này, xâm lấn vào quyền lực của những chính trị gia hàng đầu ở thủ đô. Ngay cả nhánh tư pháp cũng đóng góp vào điều đó: các thẩm phán trở nên năng nổ và thường xuyên điều tra các lãnh đạo chính trị hơn, cản trở hay đảo ngược hành động của họ, lôi họ vào những cuộc điều tra tham nhũng khiến họ phân tâm trong việc thông qua các đạo luật và thiết lập chính sách. Chiến thắng một cuộc bầu cử có thể vẫn là sự phấn khích tuyệt vời trong đời, nhưng hào quang sau đó đang tắt dần. Ngay cả đỉnh cao của một chính phủ toàn trị cũng không còn là ngai vị an toàn và quyền lực như đã từng. Như giáo sư Minxin Pei, một trong những chuyên gia đáng kính nhất thế giới về vấn đề này, từng nói với tôi: “Các thành viên hàng đầu ngày nay nói công khai về những ngày xưa cũ tốt đẹp khi những người tiền nhiệm của họ ở đỉnh cao của quyền lực không phải lo lắng về những kẻ viết blog, những tay hacker, tội phạm xuyên quốc gia, các lãnh đạo tỉnh tồi tệ hay các nhà hoạt động tổ chức 180.000 cuộc biểu tình mỗi năm. Khi những kẻ thách thức xuất hiện, những cựu lãnh đạo có nhiều quyền lực hơn để đối phó với họ. Những nhà lãnh đạo ngày nay vẫn rất quyền lực, nhưng không còn nhiều như một vài thập kỷ trước và quyền lực của họ đang suy giảm liên tục”.3
Đó là những tuyên bố thật mạnh mẽ. Xét cho cùng, sự đa dạng của hệ thống chính trị thế giới thật đáng nể. Có những hệ thống tập quyền và liên bang cùng vô số biến thể ở giữa, chưa kể một số nước là một phần của những hệ thống chính trị siêu quốc gia như Liên minh Châu Âu. Những chính thể độc tài có thể là độc đảng, đa đảng trên danh nghĩa hoặc chẳng có đảng phái nào; đó có thể là chính thể quân sự hay cha truyền con nối hoặc có cột trụ là những nhóm sắc tộc hay tôn giáo đa số, và vân vân. Nền dân chủ thậm chí còn đa dạng hơn. Các hệ thống Tổng thống và nghị viện phân mảng thành vô số tiểu thể loại tổ chức bầu cử theo những chương trình khác nhau, dành chỗ cho ít hay nhiều hơn các đảng phái, và có những quy định phức tạp điều chỉnh sự tham gia, đại diện, tài chính cho bầu cử, kiểm soát và cân bằng*, cùng tất cả những thứ còn lại. Các tập tục và truyền thống trong đời sống chính trị thay đổi theo khu vực, ngay cả sự tôn kính dành cho những nhà lãnh đạo và sức hấp dẫn của sự nghiệp chính trị cũng phụ thuộc vào vô số những yếu tố đang thay đổi. Vậy thì làm sao chúng ta có thể tổng quát hóa và tuyên bố rằng chính trị đang phân mảng và rằng ở khắp mọi nơi, quyền lực chính trị đối diện với nhiều sự bó buộc hơn và đang ngày càng trở nên phù du hơn?
* Kiểm soát và cân bằng (Checks and balances): Hệ thống chính trị trong một nước dân chủ thật sự, gồm ba ngành là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi ngành có nhiệm vụ kiểm soát (checks) quyền lực của hai ngành kia để tạo sự cân bằng (balances) quyền lực của cả ba.
Trước hết, hãy xem xét câu trả lời từ chính các chính trị gia. Mỗi nhà lãnh đạo chính trị hay nguyên thủ nhà nước mà tôi đã trao đổi đều nói về một sự gia tăng liên tục những lực lượng gây trở ngại làm giới hạn khả năng cai trị của họ: không chỉ những phe nhóm trong đảng của họ và liên minh cầm quyền, hay những nghị sĩ không chịu hợp tác và các thẩm phán ngày càng tự do hơn, mà cả những người nắm giữ trái phiếu chính phủ hung hăng và các đại diện khác của thị trường vốn toàn cầu, các nhà điều hành quốc tế, các định chế đa quốc gia, các phóng viên điều tra và những người vận động tranh cử trên mạng xã hội, và một vòng tròn ngày càng mở rộng các nhóm những nhà hoạt động. Như Lena Hjelm- Wallén, cựu phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng giáo dục Thụy Điển, và một trong những chính trị gia hàng đầu ở đất nước bà, trong nhiều năm, đã nói với tôi: “Tôi chưa bao giờ thôi ngạc nhiên về việc quyền lực chính trị đã thay đổi nhiều và nhanh như thế nào. Giờ tôi nhìn lại và lấy làm kinh ngạc bởi nhiều thứ chúng tôi có thể làm được vào những năm 1970 và 1980 mà hiện tại, gần như không thể tưởng tượng được, nhiều nhân tố mới đã làm suy giảm và chậm lại khả năng hành động của các chính phủ cùng những chính trị gia”.4
Các chính trị gia lâu năm cũng va phải một loạt nhân vật mới trong hành lang của quyền lực lập pháp. Trong những cuộc bầu cử Quốc hội ở Brazil năm 2010 chẳng hạn, ứng viên giành được nhiều phiếu nhất cả nước (và nghị sĩ giành được nhiều phiếu thứ hai trong lịch sử quốc gia) là một anh hề - một anh hề thật sự đã tranh cử với cái tên Tiririca và mặc trang phục hề trong khi vận động. Bài diễn thuyết chính trị của ông phản chính trị đến tối đa. “Tôi không biết một nghị sĩ ở Quốc hội làm gì”, ông nói với các cử tri trong những đoạn video YouTube thu hút hàng triệu lượt xem, “nhưng nếu quý vị đưa tôi tới đó tôi sẽ nói cho quý vị biết”. Ông cũng giải thích rằng mục tiêu của ông là “giúp đỡ những người cần giúp đỡ ở quốc gia này, nhưng đặc biệt là gia đình tôi”.5
Chính trị theo quan điểm đúng mực của Max Weber là một “nghề nghiệp” - một kiểu kỹ năng đòi hỏi kỷ luật mà chính trị gia mong muốn, một bộ các đặc điểm tính cách và sự nỗ lực đáng kể. Nhưng khi “tầng lớp chính trị” tiêu chuẩn ở hết quốc gia này tới quốc gia khác đánh mất sự tín nhiệm từ quần chúng, những kẻ ngoài lề như Tiririca đang tìm thấy nhiều thành công hơn. Ở Ý, diễn viên hài Beppe Grillo, người đã chỉ trích các chính trị gia mọi thể loại, viết trang blog nổi tiếng nhất trong nước và lấp đầy mỗi sân vận động mà ông xuất hiện. “Cứ gọi ông ấy là một diễn viên hài, một gã hề hay một kẻ trình diễn, nhưng Beppe Grillo là phần lý thú nhất của tin tức chính trị ở Ý trong một thời gian dài”, Beppe Severgnini viết trên báo Financial Times năm 2012. Trong các cuộc bầu cử địa phương năm đó, phong trào của Grillo đã giành được khoảng 20% số phiếu trên cả nước và giành chiến thắng trong một số cuộc đua thị trưởng.6 Ở Canada, Rob Ford - với tiền án đã trở thành tiêu điểm cho các đối thủ của ông tấn công bằng những khẩu hiệu như “hãy bầu tên nát rượu đánh vợ, phân biệt chủng tộc làm thị trưởng” - đắc cử thị trưởng Toronto năm 2010. Ở Tây Ban Nha, Belén Esteban, một ngôi sao truyền hình với chất giọng the thé đã phô bày những bí mật thầm kín nhất của cô trước máy quay, thu hút được một nhóm cốt cán những người theo dõi đầy phấn khích mà nhiều chính trị gia truyền thống hẳn sẽ muốn có.
Ở Mỹ, sự vươn lên của phong trào Đảng Trà - còn xa mới bị coi là vô tổ chức, nhưng cũng rất xa với cách tổ chức chính trị truyền thống - đã tạo động lực cho những ứng viên như Christine O’Donnell, người bị cáo buộc thực hành phép phù thủy và khiến các đối thủ thủ dâm là một phần chủ chốt trong nghị trình của bà. Ngay cả khi O’Donnell và người đồng chí trong phong trào Đảng Trà của bà, nghị sĩ Cộng hòa của bang Nevada, Sharron Angle (người từng gợi ý cách sửa chữa Quốc hội là để cho người Mỹ xử lý thông qua “Giải pháp khắc phục bằng Tu chính án thứ hai” - tức là vũ trang cho mọi người dân7) thất bại trong các cuộc chạy đua, thì chiến thắng của họ ở các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2010 nhấn mạnh sự suy giảm khả năng của các lãnh đạo đảng truyền thống trong việc kiểm soát quy trình đề cử. Những lãnh đạo truyền thống của Đảng Cộng hòa không chỉ thiếu quyền lực kiểm soát sự cạnh tranh tàn bạo giữa các ứng viên Tổng thống trong vòng đề cử của đảng, mà còn không thể bảo vệ một số nghị sĩ đang tại chức (đáng kể nhất là Richard Lugar, nghị sĩ phục vụ lâu năm của bang Indiana) và những ứng viên nghị sĩ được ấn định (David Dewhurst, Phó Thống đốc bang Texas) trước những thách thức trong vòng bầu cử sơ bộ thành công năm 2012 của những kẻ mới phất thuộc Đảng Trà.
Ngày càng nhiều những người hùng chính trị đang vượt qua không chỉ trong các đảng phái chính trị, mà chính nền chính trị có tổ chức. Họ tập hợp quyền lực và ảnh hưởng không nhất thiết để tìm kiếm và giữ một vị trí chính trị, mà để thúc đẩy và lôi kéo sự chú ý với mục tiêu của họ. Đó là những người như Alexey Navalny, luật sư và người viết blog người Nga đã trở thành tâm điểm cho phong trào chống Putin; Tawakkol Karman, mẹ của ba đứa con, đã giành giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của bà thúc đẩy tự do và dân chủ ở Yemen; Wael Ghonim, người nổi lên như một lãnh đạo chủ chốt trong cuộc cách mạng của Ai Cập (và giống như Karman, là một biểu tượng của Mùa xuân A-rập nói chung) từ vị trí một giám đốc cấp trung tại văn phòng địa phương của Google.
Tất nhiên, dù ấn tượng như thế nào, những câu chuyện này chỉ là những câu chuyện kể. Để thực sự lập biểu đồ mạng lưới và dòng chảy của quyền lực trong chính trị, và cụ thể là sự suy tàn của nó, chúng ta cần dữ liệu và bằng chứng rõ ràng. Chương này nhắm tới việc cung cấp bằng chứng rằng ở nhiều (và ngày càng nhiều hơn) các quốc gia, những trung tâm quyền lực được định nghĩa rõ ràng của quá khứ giờ không còn tồn tại nữa. Một “đám mây” những tay chơi đã thay thế cho trung tâm đó, mỗi tay chơi có một số quyền lực để định hình những kết quả của chính trị hay của chính phủ, nhưng không tay chơi nào đủ quyền lực để đơn phương định đoạt chúng. Điều đó có thể nghe giống một nền dân chủ lành mạnh với sự kiểm soát và cân bằng đáng thèm muốn, và trên một số phương diện đúng là như thế. Nhưng ở nhiều nước, sự phân mảng của hệ thống chính trị đang tạo ra tình huống mà sự bế tắc và khuynh hướng chỉ thực thi các quyết định tối thiểu vào phút chót, làm xói mòn nghiêm trọng chất lượng của chính sách công và khả năng của chính phủ trong việc đáp ứng kỳ vọng của các cử tri và giải quyết những vấn đề cấp thiết.
TỪ NHỮNG ĐẾ QUỐC TỚI NHỮNG NHÀ NƯỚC: CUỘC CÁCH MẠNG NHIỀU HƠN VÀ SỰ SINH SÔI CỦA CÁC QUỐC GIA
Liệu có một ngày nào đó, một khoảnh khắc nào đó, làm thay đổi lịch sử? Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, gọi đó là một “cuộc hẹn hò với định mệnh”. Và thật vậy, khoảnh khắc vào lúc nửa đêm, sắp bước sang ngày 15 tháng 8 năm 1947, không chỉ đánh dấu sự tự do chính trị cho Ấn Độ và Pakistan. Nó bắt đầu cho làn sóng phi thực dân hóa làm thay đổi trật tự thế giới từ chỗ bị thống trị bởi các đế quốc thành một thế giới ngày nay với gần hai trăm quốc gia riêng rẽ có chủ quyền. Và với điều đó, nó đã thiết lập một bối cảnh mới trong đó quyền lực chính trị sẽ vận hành tương ứng - một bối cảnh chưa từng được biết tới kể từ thời đại của những công quốc trung cổ và các nhà nước-thành bang, và chắc chắn trước kia chưa từng được biết tới ở tầm thế giới. Nếu chính trị thế giới ngày nay đang phân mảng, đó là vì có quá nhiều quốc gia ngay từ đầu, mỗi nước nắm một số lượng ít ỏi quyền lực. Sự phân rã các đế quốc thành những quốc gia riêng rẽ, mà giờ chúng ta nghiễm nhiên công nhận sự tồn tại, đại diện cho mức độ đầu tiên của sự phân tầng trong chính trị.
Trước khoảnh khắc năm 1947 đó, thế giới có 67 quốc gia có chủ quyền.8 Hai năm trước, Liên Hiệp Quốc được thành lập với bảng danh sách ban đầu gồm 51 thành viên (xem Hình 5.1). Sau Ấn Độ, sự phi thực dân hóa lan sang châu Á, tới Myanmar, Indonesia và Malaysia. Rồi nó ập tới châu Phi với toàn bộ sức mạnh. Trong vòng năm năm sau khi Ghana tuyên bố độc lập vào năm 1957, thêm hai tá các nước châu Phi đã giành được tự do khi các đế quốc Anh và Pháp tan rã. Gần như trong mỗi năm cho tới đầu những năm 1980, ít nhất một quốc gia mới ở châu Phi, Caribe hay Thái Bình Dương giành được độc lập.
Những đế quốc thuộc địa biến mất nhưng Liên Xô - cả cấu trúc chính thức Liên bang Xô Viết và liên bang trên thực tế của toàn khối Đông Âu - vẫn còn. Điều này cũng nhanh chóng thay đổi nhờ vào một “cuộc hẹn hò với định mệnh” khác. Ngày 9 tháng 11 năm 1989 đã chứng kiến sự sụp đổ của Bức tường Berlin và bắt đầu cho sự tan rã của Liên Xô, Tiệp Khắc và Nam Tư. Chỉ trong bốn năm, từ 1990 tới 1994, Liên Hiệp Quốc bổ sung thêm 25 thành viên. Kể từ đó, dòng chảy đã chậm đi nhưng không ngừng lại hoàn toàn. Đông Timor gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 2002 còn Montenegro vào năm 2006. Ngày 9 tháng 7 năm 2011, Nam Sudan trở thành quốc gia có chủ quyền mới nhất trên thế giới.
HÌNH 5.1 SỐ QUỐC GIA CÓ CHỦ QUYỀN ĐÃ TĂNG GẤP BỐN LẦN KỂ TỪ NĂM 1954
Nguồn: Phỏng theo “Sự gia tăng các thành viên Liên Hiệp Quốc, 1945 - nay”, http://www.un.org/en/members/growth.shtml.
Với tư duy của thế kỷ XXI, chuỗi sự kiện này có vẻ quen thuộc. Nhưng quy mô của thay đổi chúng ta đã trải qua trong hai hay ba thế hệ là chưa từng có tiền lệ. Cuộc cách mạng Nhiều Hơn mà chúng ta đã tìm hiểu ở chương trước xuất hiện rõ ràng trong sự sinh sôi của các quốc gia độc lập với thủ đô, chính phủ, tiền tệ, quân đội, nghị viện và các thể chế riêng khác của họ. Sự sinh sôi này, tới lượt nó, đã làm giảm khoảng cách chính trị giữa những người bình thường và những kẻ cai trị họ. Người Ấn Độ nhìn vào New Delhi, chứ không phải London, cho những quyết định ảnh hưởng tới họ. Trung tâm quyền lực của Ba Lan là Warsaw, không phải Moscow.
Sự thay đổi này đơn giản nhưng sâu sắc. Các thủ đô giờ ở trong tầm với gần hơn, cuộc cách mạng Di Động khiến việc đi lại dễ dàng hơn, rẻ hơn và sự lan truyền thông tin nhanh hơn đã tạo điều kiện cho việc liên lạc giữa những kẻ bị cai trị và chính phủ của họ. Nhưng cũng có nhiều hơn hẳn các vai trò chính trị cần phải đáp ứng, nhiều hơn hẳn những vị trí quan chức và công chức được bầu cử và những thứ tương tự. Việc tham gia chính trị giờ là một khả năng ít xa vời hơn nhiều, phạm vi nhóm các nhà lãnh đạo giờ là một câu lạc bộ ít đặc quyền hơn nhiều. Với sự tăng gấp bốn lần các quốc gia có chủ quyền chỉ trong hơn nửa thế kỷ, nhiều rào cản với sự tiếp cận quyền lực có ý nghĩa đã trở nên ít đe dọa hơn. Chúng ta không nên tối thiểu hóa những thay đổi gây ra bởi sự phân tầng thứ nhất của quyền lực đơn giản chỉ vì chúng có cảm giác quá quen thuộc. Nhưng sự phân tầng tiếp theo - sự phân mảng và hòa tan đang gia tăng trong chính trị ở tất cả các quốc gia chủ quyền độc lập - chứa đựng nhiều sự ngạc nhiên khác.
TỪ NHỮNG KẺ CHUYÊN QUYỀN TỚI NHỮNG NGƯỜI DÂN CHỦ
Trong sự kiện được biết tới như là cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng, binh lính đổ ra khắp các đường phố ở Lisbon, Bồ Đào Nha, đặt những bông hoa vào họng súng của họ để khẳng định với người dân về ý định hòa bình của họ. Và những sĩ quan lật đổ Tổng thống Antonio Salazar vào ngày 25 tháng 4 năm 1974 đã chứng tỏ mình giữ lời. Để kết thúc gần nửa thế kỷ bị cai trị đàn áp, họ tổ chức những cuộc tuyển cử vào năm sau, đưa Bồ Đào Nha tới nền dân chủ mà nước này vẫn còn tận hưởng cho đến ngày nay.
Nhưng ảnh hưởng mở rộng hơn nhiều. Sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng, dân chủ nở rộ ở các quốc gia chủ chốt Địa Trung Hải từng bị kìm giữ bởi chế độ độc tài khỏi những tiến bộ xã hội và kinh tế ở phần còn lại của Tây Âu thời hậu chiến. Ba tháng sau cuộc nổi dậy Lisbon, chính quyền quân đội của các đại tá đang điều hành Hy Lạp sụp đổ. Tháng 11 năm 1975, Francisco Franco qua đời, Tây Ban Nha cũng trở thành một nền dân chủ. Từ 1981 tới 1986, cả ba nước đó sẽ gia nhập Liên minh Châu Âu.
Làn sóng lan rộng. Argentina năm 1983, Brazil năm 1985, Chile năm 1989 - tất cả bước ra khỏi chế độ độc tài quân sự kéo dài và đầy đau buồn. Vào lúc Liên Xô sụp đổ, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Nam Phi đang ở giữa những cuộc chuyển giao dân chủ của chính mình. Khắp châu Phi, các quốc gia độc đảng nhường đường cho những cuộc bầu cử đa đảng trong năm 1990 và sau đó. Cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng đã bắt đầu cho điều mà học giả Samuel Huntington đặt tên là Làn sóng Thứ ba của dân chủ hóa. Làn sóng thứ nhất đã tới vào thế kỷ XIX, với sự mở rộng của quyền bỏ phiếu phổ thông và sự xuất hiện của các nền dân chủ hiện đại ở Mỹ và Tây Âu, để rồi hứng chịu sự đảo ngược trong khoảng thời gian dẫn tới Chiến tranh Thế giới Thứ hai với sự nổi lên của các ý thức hệ chuyên chế. Làn sóng thứ hai tới sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai với sự khôi phục dân chủ ở châu Âu, nhưng nó dường như kết thúc khi chủ nghĩa cộng sản và các chế độ một đảng hình thành ở khối Đông Âu và nhiều quốc gia mới độc lập. Làn sóng thứ ba vừa lâu dài vừa lan rộng. Số lượng nền dân chủ trên thế giới là chưa có tiền lệ. Và thật ấn tượng, ngay cả những quốc gia còn tồn tại chế độ toàn trị cũng ít toàn trị hơn so với trước kia, với hệ thống bầu cử ngày càng mạnh mẽ và người dân được trao quyền bởi các hình thức tranh luận mới mà những nhà cai trị chuyên chế chỉ được trang bị một cách nghèo nàn để đàn áp. Những cuộc khủng hoảng và sự thụt lùi ở tầm mức địa phương là có thật, nhưng khuynh hướng toàn cầu thì mạnh mẽ: quyền lực tiếp tục tuôn chảy khỏi những kẻ chuyên quyền và trở nên phù du và phân tán hơn (xem Hình 5.2).
HÌNH 5.2 SỰ SINH SÔI CỦA CÁC NỀN DÂN CHỦ VÀ SỰ SUY GIẢM CỦA CÁC THỂ CHẾ CHUYÊN CHẾ: 1950 - 2011
Nguồn: Phỏng theo Monty G. Marshall, Keith Jaggers và Ted Robert Gurr, “Những đặc điểm và những cuộc chuyển giao chế độ chính trị, 1800 - 2010”, Dự án Polity IV, http://www.systemicpeace. org/polity4.htm.
Dữ liệu này xác nhận sự chuyển đổi: 1977 là điểm mốc cao tột đỉnh của sự cai trị độc đoán, với 90 quốc gia toàn trị. Theo Polity Project, một dự án nghiên cứu khoa học chính trị với dữ liệu được công bố và sử dụng rộng rãi, tới năm 2008, thế giới bao gồm 95 nền dân chủ, chỉ 23 chế độ chuyên chế và 45 trường hợp nằm đâu đó ở giữa.9 Một nguồn đáng tin cậy khác, Freedom House*, đã đánh giá liệu các quốc gia có phải là nền dân chủ bầu cử, dựa trên việc liệu họ có tổ chức các cuộc bầu cử thường xuyên, đúng lúc, cởi mở và công bằng hay không, ngay cả nếu thiếu một số sự tự do dân sự và chính trị khác (xem Hình 5.3 về các khuynh hướng khu vực). Năm 2011, họ tính được 117 trong 193 nước được thăm dò là các nền dân chủ bầu cử. Hãy so sánh điều đó với năm 1989, khi chỉ 69 trong 167 quốc gia đạt được điều đó. Nói cách khác, tỉ lệ nền dân chủ trên thế giới đã tăng hơn gấp rưỡi chỉ trong hai thập kỷ.
* Freedom House: Tổ chức phi chính phủ quốc tế có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới.
HÌNH 5.3 NHỮNG KHUYNH HƯỚNG KHU VỰC (FREEDOM HOUSE 2010)
Nguồn: Phỏng theo Freedom House, Freedom in the World: Political Rights and Civil Liberties 1970 - 2008 (New York: Freedom House, 2010).
Điều gì đã gây ra sự chuyển đổi toàn cầu này? Rõ ràng những nhân tố địa phương cũng có vai trò, nhưng Huntington cũng ghi nhận một số lực lượng lớn. Nhiều chính phủ toàn trị quản trị kinh tế yếu kém và làm xói mòn vị thế của họ trong dân chúng. Tầng lớp trung lưu đang lên đòi hỏi dịch vụ công tốt hơn, sự tham gia rộng hơn và cuối cùng là nhiều tự do chính trị hơn. Các chính phủ và nhà hoạt động phương Tây khuyến khích sự bất đồng quan điểm và ban phần thưởng cho cải cách, chẳng hạn như tư cách thành viên NATO hay EU hay sự tiếp cận với quỹ từ các định chế tài chính quốc tế. Một Giáo hội Công giáo dưới thời Giáo hoàng John Paul II, đóng vai trò như một nhà hoạt động, đã trao quyền cho phe đối lập ở Ba Lan, El Salvador và Philippines. Trên hết, thành công lại sinh ra thành công, một quá trình đã được tăng tốc bởi tầm vươn ra và tốc độ mới của truyền thông đại chúng. Khi tin tức về những chiến thắng của nền dân chủ lan từ quốc gia này sang quốc gia khác, sự tiếp cận rộng hơn với truyền thông, thông qua dân số biết đọc gia tăng, khuyến khích sự ganh đua. Trong nền văn hóa kỹ thuật số ngày nay, sức mạnh của nhân tố đó bùng nổ. Việc biết đọc và được giáo dục, những thành tựu điển hình cho cuộc cách mạng Nhiều Hơn toàn cầu, đã khiến việc liên lạc chính trị qua các biên giới dễ dàng hơn nhiều và tạo động lực cho khao khát chính trị - cuộc cách mạng Tinh Thần đang hoạt động, được áp dụng cho những giá trị cốt lõi của sự tự do, sự tự bày tỏ và mong muốn về sự đại diện có ý nghĩa.
Tất nhiên, đã có những ngoại lệ - không chỉ ở các nước nơi nền dân chủ chưa lan tới mà cả ở những nước nơi nó đã bị đảo ngược. Larry Diamond, một học giả hàng đầu trong lĩnh vực này, gọi sự bế tắc trong những năm gần đây ở các nước như Nga, Venezuela hay Bangladesh là một “sự thoái trào dân chủ”. Tuy nhiên trái với điều này là bằng chứng ngày càng nhiều rằng thái độ của công chúng đã thay đổi. Ở Mỹ Latin chẳng hạn, bất chấp tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng dai dẳng cùng những vụ bê bối tham nhũng liên tiếp, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự tin tưởng vào một chính quyền dân sự lớn hơn là chính quyền quân đội.10
Ngày nay, ngay cả những chế độ chuyên chế cũng ít chuyên chế hơn. Theo một nghiên cứu về hệ thống bầu cử dân chủ trên thế giới, Brunei có thể là quốc gia duy nhất mà “nền chính trị bầu cử đã thất bại trong việc bén rễ theo bất cứ cách nào có ý nghĩa”.11
Với những chế độ ít áp chế hơn nhiều trên thế giới, người ta có thể kỳ vọng sự phản kháng xuất hiện ở những nơi mà tự do và cạnh tranh chính trị bị tăng cường đàn áp. Nhưng thực ra điều ngược lại mới đúng. Tại sao? Những cuộc bầu cử là trọng tâm của nền dân chủ nhưng không phải là chỉ dấu duy nhất về sự cởi mở chính trị. Tự do báo chí, tự do dân sự, sự kiểm soát và cân bằng giới hạn quyền lực của bất cứ định chế đơn nhất nào (bao gồm cả nguyên thủ quốc gia), và những biện pháp khác đều mang lại cảm giác về sự siết chặt quyền lực của chính phủ lên xã hội. Và dữ liệu cho thấy về trung bình, trong khi số lượng các chế độ toàn trị cũng đã giảm bớt, điểm số cho nền dân chủ ở những nước vốn còn đóng cửa về chính trị đã tăng lên. Sự cải thiện đáng kể nhất xảy ra đầu những năm 1990, cho thấy những sức mạnh, từng thúc đẩy rất nhiều nước tiến vào nền dân chủ lúc đó, cũng đang tác động giải phóng sâu sắc lên các quốc gia phi dân chủ còn lại.
Điều này có thể chỉ là sự an ủi muộn mằn cho một nhà hoạt động hay một nhân vật bất đồng bị bắt giam. Và từ Cairo tới Moscow, từ Caracas tới Tunis, với mỗi bước tiến về phía trước, có thể tìm thấy những câu chuyện đầy tính cảnh giác hay các ví dụ phản bác có thể kiềm chế bớt bất cứ sự bùng nổ nào của quả bom dân chủ. Phản ứng dữ dội của các chính phủ đầy quyền lực chống lại những công cụ và kỹ thuật dân chủ mới là một chủ đề thường hiện diện trên tin tức, không có gì ngạc nhiên khi các quyền lực siêu hạng đang phản kháng lại những khuynh hướng làm suy giảm sức mạnh của họ. Tuy nhiên, cho tới giờ, điều có thể nói chắc chắn là nền dân chủ đang lan ra, do đó những khuynh hướng ở các nền dân chủ đang ngày càng trở thành dấu hiệu báo trước cho những khuynh hướng ở các nước vốn chưa hoàn toàn dân chủ. Hơn thế, những con số và thực tế cho thấy rằng trong nền dân chủ - trong những cơ chế rối rắm của các kiểu bỏ phiếu, những thỏa thuận ở nghị viện, những liên minh chính phủ, sự tản quyền và các cơ quan dân biểu vùng của chúng - sự suy tàn của quyền lực đã tìm thấy một động lực lớn.
TỪ ĐA SỐ TỚI THIỂU SỐ
Chúng ta đang bỏ phiếu thường xuyên hơn. Thường xuyên hơn rất nhiều. Đây là một khuynh hướng lớn của đời sống dân sự trong nửa thế kỷ vừa qua, ít nhất là với những ai sống trong các nền dân chủ đã được định hình ở phương Tây. Trong một nhóm 18 nước đã là nền dân chủ ổn định từ năm 1960, bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand và hầu hết Tây Âu, tần suất mà công dân được kêu gọi tới các hòm phiếu đã tăng trong đa số lớn các trường hợp vào giai đoạn 1960 tới 2000. Do đó các công dân những nước này có nhiều cơ hội thường xuyên hơn để lựa chọn hay từ chối những người đại diện cho họ cũng như lên tiếng thông qua các cuộc trưng cầu ý dân về những ưu tiên của họ trong các vấn đề chính sách công hay vấn đề ưu tiên của quốc gia. Các cuộc bầu cử tổ chức thường xuyên không có nghĩa là cử tri có nhiều khả năng tham gia hơn: ở nhiều nước phương Tây, tỉ lệ không đi bỏ phiếu đã tăng trong những năm gần đây. Nhưng những ai lựa chọn bỏ phiếu có nhiều cơ hội hơn để tham gia bầu cử - và điều đó có nghĩa là các chính trị gia phải giành lại sự đồng thuận của công chúng nhiều lần hơn hẳn. Sự soi xét và gánh nặng của các cuộc bầu cử diễn ra liên tục không chỉ rút ngắn khung thời gian - dùng để ra quyết định hay lựa chọn những gợi ý chính sách để đầu tư thời gian và vốn liếng chính trị - của các quan chức được bầu, mà còn giới hạn rất lớn quyền tự trị của họ.
Chúng ta đã bỏ phiếu nhiều hơn bao nhiêu? Một nghiên cứu của Russell Dalton và Mark Gray đã tìm hiểu câu hỏi này. Trong giai đoạn năm năm từ 1960 tới 1964, những nước họ tìm hiểu đã tổ chức 62 cuộc bầu cử toàn quốc (Hình 5.4). Trong giai đoạn năm năm từ 1995 tới 1999, họ đã tổ chức 81 cuộc bầu cử như thế. Tại sao có sự tăng lên này? Nguyên nhân có thể liên quan tới những thay đổi trong quy định bầu cử, việc sử dụng trưng cầu dân ý gia tăng, hay sự xuất hiện của những cuộc bầu cử hội đồng dân biểu vùng mới mà một số quốc gia đã tạo ra. Các thành viên của EU đã tổ chức bầu cử thường xuyên vào Nghị viện Châu Âu (EP). Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng dữ liệu chỉ bao gồm những ngày các cuộc bầu cử được tổ chức, không phải là số lượng các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ được tổ chức vào mỗi ngày bầu cử. Thực ra, khuynh hướng này thậm chí có thể còn mạnh mẽ hơn những gì con số của họ thể hiện, vì một số nước đã sáp nhập nhiều cuộc bầu cử (chẳng hạn, Tổng thống với cơ quan lập pháp hay cơ quan lập pháp với chính quyền địa phương) trong một ngày bầu cử duy nhất. Mỹ, với truyền thống tuyển cử toàn quốc cố định mạnh mẽ vào những ngày tháng 11 mỗi hai năm, là một ngoại lệ với khuynh hướng này - nhưng không phải vì người Mỹ đang bỏ phiếu ít thường xuyên hơn. Thực ra, chu kỳ bầu cử mới mỗi hai năm của Hạ viện Mỹ là ngắn nhất trong tất cả các nền dân chủ đã định hình, khiến người Mỹ thuộc vào nhóm những cử tri được kêu gọi đi bầu cử nhiều nhất thế giới.12
HÌNH 5.4 TỔNG SỐ CUỘC BẦU CỬ THEO NĂM TRONG MẪU CÁC QUỐC GIA TRÊN TOÀN THẾ GIỚI: 1960 - 2001
Nguồn: Phỏng theo Russell Dalton và Mark Gray, “Mở rộng thị trường bầu cử”, trong Bruce E. Cain et al., eds., Democracy Transformed? Expanding Political Opportunities in Advanced Industrial Democracies (New York: Oxford University Press, 2003).
Thế giới nói chung đang theo xu thế hướng tới những cuộc bầu cử thường xuyên hơn ở mọi cấp độ chính quyền. Matt Golder, một giáo sư Đại học Pennsylvania, đã theo dõi các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp dân chủ ở 199 nước từ năm 1946 (hay năm các nước đó độc lập) cho tới năm 2000.13 Ông thấy rằng trong giai đoạn đó, 199 nước đã tổ chức 867 cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và 294 cuộc bầu cử tổng thống. Nói cách khác, trong giai đoạn năm mươi bốn năm (bao gồm hơn một thập kỷ trong đó các nền dân chủ không phổ biến như chúng trở nên sau này), ở đâu đó trên thế giới, trung bình có hai cuộc bầu cử quan trọng mỗi tháng.
Như Bill Sweeney, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Các hệ thống Bầu cử (IFES), một tổ chức phi lợi nhuận vốn là nhà cung cấp quan trọng nhất thế giới trong hỗ trợ kỹ thuật cho các quan chức phụ trách bầu cử, đã nói với tôi: “Nhu cầu cho dịch vụ của chúng tôi đang bùng nổ. Gần như ở mọi nơi, các cuộc bầu cử trở nên thường xuyên hơn và chúng tôi có thể thấy sự khát khao những hệ thống và kỹ thuật đảm bảo cho các cuộc bầu cử không gian lận và minh bạch hơn”.14
Những cuộc bỏ phiếu thường xuyên hơn chỉ là một phương diện mà trong đó, những lãnh đạo chính trị đang phải trải nghiệm các giới hạn lớn hơn trong phạm vi hành động của mình. Một phương diện khác là sự suy giảm đáng kinh ngạc của nhóm đa số trong bầu cử. Ngày nay, những nhóm thiểu số thống trị. Năm 2012, trong số 34 thành viên của “câu lạc bộ các nước giàu”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, chỉ 4 nước là có một chính phủ với đa số tuyệt đối ở Quốc hội.15 Ở Ấn Độ, 35 đảng phái chia sẻ ghế trong cuộc bầu cử năm 2009, không đảng nào giành được đa số tuyệt đối kể từ năm 1984. Thật ra, đa số tuyệt đối đang suy giảm trên toàn cầu. Trong nền dân chủ bầu cử, các đảng thiểu số đã thắng trung bình nhiều hơn 50% số ghế ở Quốc hội trong suốt giai đoạn hậu chiến và đến năm 2008, các đảng thiểu số kiểm soát trung bình 55% số ghế. Nhưng ngay cả ở những nước không được coi là nền dân chủ, các đảng thiểu số đang gia tăng sức mạnh của họ. Ở những nước này, các đảng thiểu số vốn nắm giữ không tới 10% số ghế trong ba thập kỷ trước, giờ phần chia trung bình của họ đã tăng lên gần đạt 30%.16
Vì vậy khi các chính trị gia yêu cầu một “sự ủy quyền” những ngày này, họ thường chỉ là đang mong ước thiếu thực tế. Kiểu chiến thắng áp đảo trong bầu cử có thể xác nhận cho thuật ngữ “sự ủy quyền” đơn giản là quá hiếm hoi. Các nhà khoa học chính trị chỉ ra rằng ngay cả ở Mỹ, nơi hệ thống hai đảng có vẻ sản sinh ra những kẻ chiến thắng và thất bại rõ ràng, chỉ một cuộc bầu cử tổng thống gần đây - Ronald Reagan tái đắc cử vào năm 1984, đánh bại Walter Mondale - được coi là một chiến thắng áp đảo. Reagan không chỉ thắng ở gần như tất cả các bang, chỉ trừ một bang, và Đặc khu Columbia với các phiếu đại cử tri, mà còn thắng lớn về tỉ lệ các lá phiếu thực sự, với 59% - một khoảng cách không ứng viên Mỹ nào đạt được kể từ đó.17 Chiến thắng kiểu này thậm chí càng khó có khả năng hơn ở những hệ thống ba, bốn, năm hay nhiều hơn các đảng lớn và rất nhiều đảng nhỏ cùng chia sẻ lòng tin của các cử tri.
Như thế, nghệ thuật cai trị cao quý giờ phụ thuộc lớn hơn nhiều vào một kỹ năng cụ thể và dơ bẩn: hình thành và duy trì một liên minh. Và những vụ trao đổi mà các liên minh đòi hỏi trao cho các đảng nhỏ nhiều quyền lực hơn để yêu cầu sự nhượng bộ chính sách và các ghế Bộ trưởng cụ thể. Trong bối cảnh bầu cử phân tán, thật tốt khi là một đảng nhỏ. Thật ra, những đảng bên lề - với các quan điểm cực đoan hoặc chỉ tập trung vào một vấn đề, hay có cơ sở vùng - có thể thu được nhiều quyền lực hơn mà không cần làm nhẹ đi lập trường của mình để thu hút thêm những cử tri trung dung. Những người tự do theo chủ nghĩa sô-vanh Liên minh Miền Bắc ở Ý, đảng cực hữu của Bộ trưởng ngoại giao Israel Avigdor Lieberman, những người theo chủ nghĩa ly khai Đảng Nhân dân Flemish ở Bỉ, và rất nhiều đảng Cộng sản ở các nghị viện quốc gia và hội đồng dân biểu vùng ở Ấn Độ đều đang tận hưởng ảnh hưởng ngoại cỡ trong những liên minh, với các đối tác phản đối thông điệp của họ - nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa họ vào liên minh. Tháng 12 năm 2011 chẳng hạn, sự phản đối quyết liệt từ hai đảng trong liên minh do Đảng Quốc đại Ấn Độ dẫn đầu đã buộc Thủ tướng Manmohan Singh phải gác lại kế hoạch để các siêu thị nước ngoài sở hữu 51% doanh nghiệp của họ - một sự nhượng bộ mất mặt.
Các cuộc cãi vã ầm ĩ về những liên minh tiết lộ các nhượng bộ mà một “kẻ thắng cuộc” trong cuộc bầu cử phải đối mặt ngay từ đầu. Vào tháng 5 năm 2010, những cuộc bầu cử ở Anh tạo ra một Quốc hội treo*, dẫn tới việc thành lập liên minh giữa Đảng Bảo thủ của David Cameron và Đảng Dân chủ Tự do của Nicholas Clegg - hai đảng với những khác biệt sâu sắc trong vấn đề nhập cư và hội nhập với châu Âu, trong số nhiều vấn đề khác. Hệ quả là cả hai đảng đã phải nhượng bộ đáng kể. Nhưng đôi khi việc xây dựng liên minh tỏ ra là một mục tiêu khó nắm bắt. Hà Lan mất bốn tháng mà không có một chính phủ nào vào năm 2010. Bỉ còn tệ hơn. Năm 1988, những chính trị gia nước này đã lập kỷ lục quốc gia khi mất tới 150 ngày để thành lập một liên minh. Như thế nghe đã tệ, nhưng vào năm 2007-2008, bị bao vây bởi sự căng thẳng ngày càng leo thang giữa vùng Flemish nói tiếng Hà Lan và vùng Walloon nói tiếng Pháp, quốc gia này phải trải qua chín tháng rưỡi không có chính phủ, trong khi những phe nhóm cực đoan kích động việc chia tách hoàn toàn vùng Flemish. Chính phủ đã từ chức vào tháng 4 năm 2010, kéo theo đó là một giai đoạn bế tắc kéo dài. Tháng 2 năm 2011, Bỉ vượt qua Campuchia để thiết lập kỷ lục thế giới về thời gian một quốc gia vận hành mà không có chính quyền. Cuối cùng, ngày 6 tháng 12 năm 2011, sau 541 ngày đình trệ, một Thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức. Thật đáng chú ý khi nói đến quyền lực suy giảm của các chính trị gia, bất chấp cuộc khủng hoảng chính phủ lố bịch và lẽ ra phải tai hại này, nền kinh tế và xã hội vẫn tiếp tục vận hành ngon lành giống như các láng giềng châu Âu khác. Thật ra, chỉ sau khi Standard & Poor’s, một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, hạ thấp tín nhiệm tín dụng của Bỉ, các đảng đối lập mới cảm thấy áp lực phải tiến tới một giải pháp.18
* Quốc hội treo: Tình trạng Quốc hội không có đảng nào trong số các đảng dẫn đầu sau cuộc bầu cử giành được số ghế đa số và thành lập chính phủ mới.
Nghiên cứu gần đây về các khía cạnh khác của việc hình thành, thời gian tồn tại và sự giải tán của chính phủ mang tới thêm bằng chứng liên quan đến sự suy tàn của quyền lực. Một nguồn thú vị được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu Scandinavia, đã thu thập thông tin chi tiết về các chính phủ ở 17 nền dân chủ châu Âu, trải dài từ cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai, hay trong một số trường hợp, từ lúc mà các quốc gia trong cuộc thăm dò (lấy ví dụ, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) cuối cùng cũng trở thành những nền dân chủ. Dữ liệu bao gồm Đức, Pháp, Anh và các nước lớn ở châu Âu khác. Dù những phát hiện trong nghiên cứu này không thể được tổng quát hóa cho, lấy ví dụ, Ấn Độ hay Brazil hay Nam Phi, chúng vẫn đưa ra những đề mục hấp dẫn về việc ngày nay chính trị ở các nền dân chủ đang đứt gãy ra sao. Một số ví dụ theo sau đây.
Lợi Thế Của Những Kẻ Nắm Quyền Đang Biến Mất
Nói chung, dù những đảng và liên minh đang nắm quyền có lợi thế nội tại như khả năng phân phát lợi lộc và tầm nhìn, họ có khả năng sẽ mất một số phiếu, nếu chẳng may những người ủng hộ họ đánh mất sự nhiệt tình trong khi các đối thủ thì có cả một hồ sơ để chỉ trích. Trong những năm gần đây, tác động của hiện tượng này đã tăng lên: một phân tích với 17 nền dân chủ ổn định ở châu Âu cho thấy trong mỗi thập kỷ kể từ những năm 1940, số phiếu mất đi trung bình của những kẻ nắm quyền mỗi lần tái bầu cử đã tăng lên. Trong những năm 1950, những kẻ nắm quyền đã mất trung bình 1,08% số phiếu. Tới những năm 1980, tỉ lệ mất phiếu trung bình là 3,44% và trong những năm 1990, con số gần gấp đôi lần nữa, lên 6,28%. Trong những năm 1950, 35 nội các ở các nước được thăm dò chiến thắng ở cuộc tái bầu cử trong khi 37 thất cử. Trong những năm 1990, chỉ 11 nội các tái cử thành công trong khi 46 thất cử. Hanne Marthe Narud và Henry Valen, hai nhà khoa học chính trị đã thực hiện phân tích, chỉ ra khuynh hướng này mạnh mẽ ở các nền dân chủ ổn định như Anh hay Hà Lan cũng như các nền dân chủ mới như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Nói cách khác, khuynh hướng này là không thay đổi bất kể bề dày truyền thống và kinh nghiệm của nền dân chủ.19
Các Chính Phủ Đang Sụp Đổ Nhanh Chóng Hơn
Cũng có bằng chứng rằng từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, các liên minh hay nội các nắm quyền ngày càng có khuynh hướng chấm dứt vì đấu đá chính trị nội bộ trước khi nhiệm kỳ của họ kết thúc. Các nhà khoa học chính trị phân biệt hai loại nội các bị hủy bỏ. Một là về mặt chuyên môn - có nghĩa là gắn liền với lý do mang tính hiến pháp cụ thể ở quốc gia được nghiên cứu, hay tình huống trong đó những cuộc bầu cử phải diễn ra theo luật, hoặc một Thủ tướng qua đời và phải được thay thế. Loại chấm dứt nội các kia là nhiệm ý - nói cách khác, vì sự biến động chính trị, chẳng hạn khi một nội các từ chức vì bất đồng chính trị hay thua trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Theo nghiên cứu dựa trên cùng bộ dữ liệu của 17 nền dân chủ nghị viện ở châu Âu từ năm 1945, có nhiều sự kết thúc nội các nhiệm ý hơn sự kết thúc nội các chuyên môn trong những năm 1970 và 1980 (72,9% và 64,7%, tương ứng) so với những thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, vào những năm 1990, tỉ lệ này cân bằng hơn, với số lượng sự kết thúc chuyên môn và nhiệm ý tương đương nhau.20
Không có gì ngạc nhiên, trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, khuynh hướng kết thúc nhiệm ý gia tăng. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008, các chính phủ sụp đổ, các nội các tan tành, các liên minh rã đám, các Bộ trưởng bị cách chức và các lãnh đạo đảng phái từng một thời không thể đụng đến bị buộc phải từ chức. Khi những vấn đề kinh tế lan rộng khắp châu Âu, sự bất lực của những kẻ quyền lực nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ngay cả bên ngoài những hệ thống nghị viện, nhan nhản bằng chứng cho thấy những hạn chế giờ đã làm xói mòn sự ủy quyền bên ngoài của một thắng lợi bầu cử. Ở Mỹ, một nguồn thất vọng ngày càng gia tăng của mỗi chính quyền Tổng thống là thời gian cho những vị trí được đề cử được Thượng viện xác nhận. Như học giả của Đại học New York Paul Light đã nhận xét, “Một quy trình đề cử và xác nhận kéo dài hơn sáu tháng là chưa từng nghe thấy trong giai đoạn từ 1964 tới 1984”. Trong cùng giai đoạn đó, chỉ 5% những người được bổ nhiệm phải đợi nhiều hơn sáu tháng, từ lúc được liên lạc để đề cử cho tới lúc được xác nhận thực sự. Theo tiêu chuẩn lãnh đạm ngày nay, cách tiến hành trong quá khứ có tốc độ khó tin. Từ 1984 tới 1999, Light thấy rằng 30% những người được bổ nhiệm cần nhiều hơn sáu tháng để được xác nhận. Mặt khác, những sự xác nhận nhanh - những người chỉ mất một hay hai tháng - diễn ra trong 50% các trường hợp từ 1964 tới 1984, nhưng chỉ 15% các trường hợp từ 1984 tới 1999. Trong thập kỷ tiếp theo, khi sự phân cực chính trị trở nên kịch liệt hơn, khuynh hướng này chỉ có thể tệ hơn.
TỪ ĐẢNG PHÁI TỚI PHE PHÁI
Các lãnh đạo đảng phái phì phèo những điếu xì-gà và đổi chác những lợi ích bảo trợ khi họ thiết lập các nghị trình chính trị cùng các chính sách và các ứng cử viên - một hình ảnh đầy đe dọa trong các câu chuyện chính trị, nhưng nó ngày càng trượt ra khỏi thực tế. Ví dụ ngay trước mắt là sự thay đổi vận mệnh của Đảng Cộng hòa ở Mỹ. Cách đây chưa lâu, Đảng Cộng hòa tiêu biểu cho sự bảo thủ trong giới doanh nghiệp truyền thống và kỷ luật đi cùng với điều đó - những đặc điểm mà đảng đã duy trì thành công khi đối mặt với sự khuấy động có dự tính, và đôi khi thành công, của các nhóm bảo thủ trong những vấn đề xã hội. Sự nổi lên của Đảng Trà đã chứng tỏ họ còn hơn là một thách thức về mặt tổ chức. Đáng nói, Đảng Trà không hề là một đảng phái mà chỉ là một hỗn hợp những tổ chức phe phái và nhóm giống nhau về cấu trúc cùng nhiều cá nhân, được thúc đẩy bởi các ý tưởng (mà chính những ý tưởng này cũng hay thay đổi) mà họ gắn với khái niệm và thương hiệu “Đảng Trà”. Một số ứng cử viên và nhóm trong Đảng Trà đã gom góp được tiền tài trợ từ các nhóm lợi ích kinh doanh hùng mạnh có kinh nghiệm đáng kể trong việc tạo ảnh hưởng lên nền chính trị Mỹ (ví dụ, David và Charles Koch, những tỉ phú điều hành Koch Industries, công ty tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ). Những thành phần khác của Đảng Trà không giống gì hơn là các nhóm những nhà hoạt động dân chủ trực tiếp cơ bản đang tham gia vào nền chính trị truyền thống lâu đời ở Mỹ. Những thành phần tạp nham này kết hợp lại với nhau theo một cách không đảng chính trị truyền thống nào, với những ủy ban cùng điều lệ và nhóm nhỏ những kẻ môi giới quyền lực tinh hoa của nó, có thể hy vọng dung nạp. Chỉ mất vài tháng sau sự nổi lên của Đảng Trà vào năm 2009 để phong trào này định hình lại phe Cộng hòa, và cùng với nó, nền chính trị Mỹ, đưa tới chiến thắng ở các vòng bầu cử sơ bộ cho những người bên ngoài giới lãnh đạo chóp bu của đảng và những người vốn không được các nhân vật quyền lực trong đảng ưa thích. Thật vậy, trong cuộc bầu cử năm 2008, Đảng Trà không tồn tại. Bốn năm sau đó, những ứng cử viên Tổng thống của phe Cộng hòa năm 2012 đều háo hức tìm kiếm sự ủng hộ của nó.
Đảng Trà là một hiện tượng rất Mỹ, dù như là hình ảnh phản ánh sự mê đắm kiểu Mỹ với nền dân chủ trực tiếp, hoặc như một phương tiện để bơm tiền vào chính trị, hay như bình chứa mới nhất cho chủ nghĩa dân túy chính phủ nhỏ. Nhưng sự nổi lên nhanh chóng của nó từ hư không cũng tạo ra những hệ quả. Ở châu Âu, phong trào Đảng Cướp biển, dựa trên tư tưởng của một tay tin tặc về thông tin tự do và quyền tự do dân sự rộng lớn hơn, đã mở rộng từ quê hương của nó tại Thụy Điển vào năm 2006 sang Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha. Nghị trình của nó, cái gọi là Tuyên bố Uppsala được công bố năm 2009, tập trung vào tự do hóa tác quyền và luật bản quyền, thúc đẩy sự minh bạch và tự do ngôn luận và vận động các cử tri trẻ. Nó không chỉ giành được 7,1% số phiếu ở cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu của Thụy Điển và 2 ghế nghị sĩ châu Âu của Thụy Điển, mà vào tháng 9 năm 2011, nó đã có đại diện ở một Quốc hội tầm quốc gia với việc giành được 9% số phiếu tại Berlin. Trong số những đảng bị nó giành mất phiếu có một đối tác chủ chốt trong liên minh cầm quyền của Angela Merkel, Đảng Dân chủ Tự do đã được hình thành lâu đời - vốn thậm chí không vượt được ngưỡng 5% số phiếu cần thiết để có đại diện ở Quốc hội quốc gia.21 Năm 2012, Đảng Cướp biển đạt được một cột mốc khác khi một thành viên trong chi nhánh Thụy Sĩ của nó giành thắng lợi tại cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Eichberg.22
Một kiểu chiến dịch nổi dậy khác được Ségolène Royal tiến hành trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2007. Chạy đua để lãnh đạo Đảng Xã hội chống lại Nicolas Sarkozy, Royal phản đối mọi “cây đa cây đề” truyền thống của đảng với mạng lưới ủng hộ sâu rộng của họ trong những đảng viên trụ cột và quan chức đắc cử cấp cao.
Vậy thì làm thế nào Royal trở thành một ứng viên được? Thông qua một phong trào kiểu Đảng Trà - và giống như ở Mỹ, thông qua việc sử dụng các vòng bầu cử sơ bộ để xác định ứng viên. Vòng sơ bộ là một công cụ mới xuất hiện gần đây ở các nền dân chủ: tại Mỹ, nơi chúng phổ biến nhất, chúng chỉ thật sự trở nên phổ quát vào cuối những năm 1960, và ở những nơi khác, chúng còn mới hơn thế. Chúng cũng đang ngày càng trở nên quen thuộc. Trong cuộc bầu cử năm 2007 ở Pháp, Đảng Xã hội tổ chức một vòng sơ bộ mở cho tất cả các đảng viên - và bộ phận tranh cử của Royal đã mở một chiến dịch lớn để đăng ký các thành viên mới, vừa kịp lúc để tham gia. Thông qua công cụ này, cùng với một trang web và thông điệp chính trị - tách biệt Royal với bộ máy của đảng, bà đã giành được tỉ lệ phiếu áp đảo 61% trong vòng sơ bộ - dù trong cuộc tổng tuyển cử bà đã thua.
Những Đảng viên Xã hội Pháp, không hài lòng với sự sáng tạo này, đã quyết định tiến một bước xa hơn vào năm 2011 khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2012. Lần này họ quyết định tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ cho tất cả các cử tri có thể ra ứng cử, chứ không chỉ cho các đảng viên của họ. Để tham gia, cử tri chỉ cần ký tên của mình vào tuyên bố chấp nhận một thỏa thuận cơ bản với những giá trị của cánh tả - không hề là một thỏa thuận sắp xếp ràng buộc hay mang tính ép buộc. Và có ít nhất một ứng viên không phải là đảng viên đã đăng ký. Nói cách khác, cách đảng phái này lựa chọn ứng viên để đối đầu với Tổng thống đương nhiệm không còn gì nhiều giống với hoạt động của một đảng phái nữa. François Hollande, đã sống chung với Ségolène Royal từ những năm 1970 và có với nhau bốn mặt con, giành chiến thắng trong kỳ đề cử của Đảng Xã hội và đánh bại Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống. Tới khi đó, Hollande và Royal đã ly thân và tân Tổng thống chuyển tới Điện Élysée với nhân tình của ông, nhà báo Valérie Trierweiler.
Đảng Trà ở một thái cực chính trị và những Đảng viên Xã hội Pháp ở thái cực kia chỉ là hai ví dụ về một khuynh hướng quốc tế: khắp các nền dân chủ tiên tiến, những đảng phái lớn đang cảm thấy khoảng cách giữa những nhà lãnh đạo được lựa chọn đằng sau cánh cửa đóng kín và những người có thể vận động cử tri. Với các đảng thiểu số đang lên, nhu cầu thích nghi đã trở nên khẩn thiết. Ở nhiều nước, các đảng phái - trong nhiều thập kỷ chờ đợi có một phần chia hay tới lượt được nắm quyền - đã cởi mở hơn trong cách lựa chọn những người mang tiêu chuẩn của họ. Sử dụng phương pháp này hay phương pháp khác, họ đang mở rộng “biên độ lựa chọn” - từ dùng để chỉ phạm vi những người có thể có tiếng nói trong việc lựa chọn lãnh đạo đảng.23
Sự lan rộng của những vòng bầu cử sơ bộ là một dấu hiệu đáng kể về sự thay đổi. Kiểm đếm 50 đảng lớn từ 18 nền dân chủ nghị viện, Ofer Kenig, đứng đầu nhóm nghiên cứu về các đảng phái chính trị ở Viện Dân chủ Israel, đã ghi nhận trong năm 2009 rằng 24 trong số đó trao cho các đảng viên bình thường “một vai trò quan trọng” trong việc lựa chọn người lãnh đạo. Những đảng khác phân chia giữa việc lựa chọn bởi các nghị sĩ thành viên và lựa chọn bởi một ủy ban được chỉ định nào đó.24
Như được ghi nhận, các vòng bầu cử sơ bộ cũng lan rộng ra những nơi khác.25 Ở Mỹ Latin, ước tính 40% các cuộc bầu cử tổng thống, kể từ sự chuyển đổi chính trị ra khỏi nền cai trị quân sự trong những năm 1980, bao gồm ít nhất một ứng viên lớn được lựa chọn thông qua kỳ bầu cử sơ bộ. Một cuộc điều tra các đảng chính trị ở Mỹ Latin cho thấy rằng vào năm 2000, hơn một nửa đã sử dụng kiểu bầu cử sơ bộ hay kiểu bầu cử nội bộ giống như sơ bộ. Một nghiên cứu khác chỉ ra mức độ tín nhiệm thấp nhất đối với các đảng chính trị ở Mỹ Latin là ở những nước, chẳng hạn như Bolivia và Ecuador, nơi các ứng viên chưa bao giờ được lựa chọn qua các vòng sơ bộ. Nhìn chung, các nhà khoa học chính trị thấy rằng dù các kỳ bầu cử sơ bộ mở - kiểu mang lại “biên độ lựa chọn” lớn nhất - chỉ xuất hiện ở một số hạn chế các nước, nó vẫn là một khuynh hướng quốc tế mà các đảng chính trị đi theo. Và California, từ lâu đã là bang đầu đàn cho những khuynh hướng quốc gia ở Mỹ, ngả về phía ưu ái cử tri thay vì đảng phái: bang này nhất trí thông qua trưng cầu dân ý vào năm 2011, yêu cầu tất cả các ứng viên sơ bộ xuất hiện trong một kỳ bỏ phiếu duy nhất, với hai người nhận được nhiều phiếu nhất sẽ bước vào vòng tổng tuyển cử bất chấp đảng phái của họ.
Như thể các lãnh đạo đảng phái ở Mỹ chưa có đủ vấn đề trong việc giữ lại quyền lực của họ và áp đặt kỷ luật, những Super-PAC* xuất hiện, một cơ chế mới được khai sinh vào năm 2010 khi Tòa án Tối cao thông qua phán quyết của tòa trong vụ kiện của Citizens United loại bỏ những giới hạn đóng góp cho vận động chính trị và trao quyền cho những tập đoàn tư nhân như các nhân vật chính trị. Những Siêu Ủy ban Hoạt động Chính trị này không được phép phối hợp với các ứng cử viên mà họ ủng hộ, nhưng trong chiến dịch năm 2012, rõ ràng là mỗi ứng viên Tổng thống (ngay cả mỗi ứng viên trong vòng đề cử của Đảng Cộng hòa) đã có một hay nhiều hơn những Super-PAC với các sáng kiến gây quỹ khổng lồ giúp quảng bá cho họ hay tấn công đối thủ của họ. Super-PAC vừa là một hình thức mới của quyền lực chính trị trọng yếu dựa trên khả năng tiếp cận với một lượng lớn tiền bạc, nhưng đồng thời là ví dụ về một hình thức phân rã khác của chính quyền lực đó. Những người bảo vệ chúng coi đây chỉ là sự bổ sung lành mạnh cho kho đạn dược của những ai muốn đem tới thêm sự cạnh tranh cho chính trường. Joel M. Gora, một giáo sư luật từng giúp các nhóm vận động trong nỗ lực chống lại các yêu cầu tiết lộ nhà tài trợ chính trị, nói rằng nhiều trong số các quy định cho phép việc tiếp cận Super-PAC đơn giản là một phần của “mánh lới bảo vệ những kẻ đang nắm quyền”. Như ông lập luận, “Những luật lệ này hạn chế những người ngoài cuộc, dù họ thuộc phe tự do hay cánh tả hay phe bảo thủ và cánh hữu”.26 Trên thực tế, doanh nhân Leo Linbeck III đã ra mắt một Super-PAC vào năm 2012 với mục tiêu duy nhất là đánh bật những kẻ đang nắm quyền được bảo vệ, những kẻ mà ông tin rằng không còn đáp lại các cử tri. Như Paul Kane của báo Washington Post viết, “Trong khi hầu hết các PAC nhắm vào việc tăng cơ hội cho một ứng cử viên được ưa thích hay hạ gục một đối thủ khác ý thức hệ, Super-PAC này có một mục tiêu hoàn toàn khác: đánh đổ những kẻ đang nắm quyền. Của cả hai đảng. Và tại sao không?... [Super-PAC của Linbeck] đã giúp đánh bại hai người kỳ cựu phe Cộng hòa và hai người phe Dân chủ lâu năm, hạ gục tổng cộng gần 65 năm kinh nghiệm ở Hạ viện”.27 Và dù các quỹ của Linbeck là có hạn và Super-PAC của ông đã hết tiền, người phát ngôn của nó vẫn công bố với giọng điệu chiến thắng rằng “chúng tôi đã cho thấy ý tưởng của chúng tôi hiệu quả”.28
* Super-Political Action Committee (Siêu Ủy ban Hoạt động Chính trị): Tiền thân là Ủy ban hoạt động chính trị (PAC) do các nhóm tư nhân lập ra để quyên tiền ủng hộ các bên ứng viên. Super-PAC không đóng góp trực tiếp cho đảng phái hoặc ứng viên mà tham gia vào chiến dịch bằng cách mua không gian quảng cáo. Họ có thể huy động vốn từ các cá nhân và tập đoàn mà không chịu bất kỳ giới hạn pháp lý về quy mô đóng góp lẫn chi tiêu.
Super-PAC có thể là một hiện tượng của riêng nước Mỹ, nhưng trên toàn thế giới, tiền bạc rõ ràng đang trở thành một động lực chính trị - dẫn tới những kết quả chính trị - cũng tiềm năng như ý thức hệ một thời. Dẫu vậy, như các trường hợp của Silvio Berlusconi ở Ý, Thaksin Shinawatra ở Thái Lan, Ben Ali ở Tunisia và nhiều trường hợp khác cho thấy ngày nay, chỉ riêng tiền bạc thì còn lâu mới đủ để chặn hết vô số lỗ rò mà qua đó quyền lực đang chảy mất.
TỪ CÁC THỦ ĐÔ TỚI CÁC VÙNG
Nhiều quốc gia hơn. Nhiều nền dân chủ hơn. Nhiều áp lực phải chia sẻ quyền lực hơn, ngay cả ở những quốc gia với chế độ toàn trị, trong khi nền dân chủ đưa ra nhiều lựa chọn hơn cả ở bên trong lẫn bên ngoài các đảng phái chính trị. Những cuộc bầu cử thường xuyên hơn, nhiều cuộc trưng cầu dân ý hơn, nhiều sự soi xét hơn và nhiều ứng viên hơn. Tất cả những khuynh hướng này chỉ về cùng một hướng: sự tái phân bố và phân tán của quyền lực từ những tay chơi đã định hình tới nhiều kẻ cạnh tranh hơn.
Hãy bổ sung thêm một khuynh hướng toàn cầu nữa: quyền lực cũng đang chuyển từ những thủ đô và nhánh hành pháp sang các bang và chính quyền địa phương.29
Hãy lấy ví dụ nước Anh. Hệ thống chính trị của quốc gia này nổi tiếng ổn định. Đảng Bảo thủ và Lao động thay nhau nắm quyền, với Đảng Dân chủ Tự do nắm một phần nhỏ ở trung dung. Khi không đảng chính nào có đa số, tạo ra một “nghị viện treo”, như vào năm 2010, một liên minh với những người Dân chủ Tự do sẽ đưa một trong hai đảng lên nắm quyền. Cuộc thương lượng đó, kể cả khi nghiêm túc nhất, cũng ít phức tạp hơn nhiều so với một cuộc thương lượng nhằm tập hợp một liên minh năm hay sáu đảng để hình thành đa số ở Quốc hội.
Ở Anh, ba đảng đó kiểm soát phần lớn Hạ viện và các quy định bầu cử khiến bất kỳ ai khác khó chen vào. Vậy thì chúng ta giải thích sự hiện diện của nhiều đảng phái mà chúng ta nghe thấy những năm gần đây ra sao? Đảng Độc lập Anh, Đảng Dân tộc Anh, Đảng Dân tộc Scotland, Sinn Fein, những người Liên đoàn Bắc Ireland, Đảng Plaid Cymru của xứ Wales - bối cảnh chính trị Anh đã đa dạng hơn rất nhiều so với bức tranh truyền thống. Một số mang tính khu vực, một số thì cực đoan, những đảng này đã kiếm được các vị trí quan chức qua bầu cử - cùng sự chú ý của truyền thông và sự tin cậy kèm theo đó - trong hai thập kỷ qua. Như thế nào? Nhờ vào những cơ quan được bầu cử mới. Năm 1998, cuộc cải cách chính trị rộng lớn được biết tới như là phong trào ủy quyền đã chuyển một số quyền lực pháp quy từ nghị viện Anh sang các nghị viện Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Thêm vào đó, tư cách thành viên EU đem đến quyền tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, nơi hệ thống đại diện theo tỉ lệ mở ra cánh cửa cho những đảng nhỏ giành ghế. Đảng Độc lập Anh, vốn nghi ngờ lợi ích của tư cách thành viên EU, vươn lên nhờ vào việc tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu. Và Đảng Dân tộc Anh cực hữu, bài ngoại giành hai ghế Nghị viện Châu Âu năm 2009 - một chiến thắng nhỏ bé về số lượng, nhưng là một đột phá lớn trong sự tín nhiệm dành cho một tổ chức bị giới chính trị chính thống coi là bên lề xã hội.
Không chỉ có nước Anh. Ở Tây Ban Nha, hai đảng lớn, Partido Popular (PP) và Partido Socialista Obrero Español (PSOE), đã thay nhau nắm quyền kể từ khi nền dân chủ hình thành năm 1978. Nhưng giống như ở Anh, Tây Ban Nha cũng có những đảng vùng quan trọng, và Chính quyền các tỉnh (xứ Catalonia và Basque, trong số nhiều vùng khác) đã rất thành công trong việc giành thêm quyền tự trị với cái giá là quyền lực của chính quyền trung ương ở Madrid. Ở Ý, điều tương tự diễn ra với Lega del Nord và các nhóm chính trị vùng miền khác.
Nghị viện Châu Âu đang mở ra những con đường cho các đảng nhỏ ở 27 quốc gia thành viên tham gia. Việc nghị viện có thực quyền hay không không quan trọng bằng con đường nó mang lại cho tính chính danh và khả năng phát triển ở quê nhà. Trong khi đó, sự ủy quyền trở thành một khuynh hướng quốc tế. Ý đã thành lập nhiều hội đồng địa phương qua bầu cử từ năm 1970. Pháp theo bước với các viện dân biểu vùng năm 1982. Bỉ biến mình thành một hệ thống liên bang với các viện dân biểu vùng năm 1993. Phần Lan, Ireland, New Zealand và Na Uy đều giới thiệu một kiểu cơ quan bầu cử mới nào đó ở dưới cấp độ quốc gia trong giai đoạn giữa những năm 1970 tới những năm 1990. Ở một số quốc gia, số các đô thị tự trị với quan chức được bầu cử đã tăng: Bolivia tăng gấp đôi số đô thị tự trị vào năm 1994 và tăng luôn quyền hạn của các đô thị này.
Một lần nữa, những nền dân chủ đang ngày càng ổn định ở Mỹ Latin đang đóng góp vào tốc độ của sự phi tập trung hóa. Số các quốc gia ở Mỹ Latin mà những nhà cầm quyền hành pháp ở chính quyền địa phương (các thị trưởng) được bầu trực tiếp bởi người dân, trái với việc được bổ nhiệm bởi nhà chức trách trung ương, đã tăng từ 3 vào năm 1980 lên 17 vào năm 1995.30
Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Quốc tế cho thấy chính quyền dưới cấp độ quốc gia ở các vùng đã từ chỗ xử lý 8% chi tiêu công lên 15% trong giai đoạn mười lăm năm bắt đầu vào năm 1990. Ở những quốc gia phi tập trung hóa nhiều nhất, tỉ lệ này cao hơn nhiều: khoảng 40% chi tiêu ở Argentina, Brazil, và Colombia. Các chương trình phi tập trung hóa lớn cũng đang được tiến hành ở các nước như Philippines, Indonesia và Estonia.31
Trong khi đó, một số hệ thống liên bang đã chia các bang hiện hữu làm hai, tạo ra những cơ quan hành pháp và lập pháp mới. Từ năm 2000, Ấn Độ đã bổ sung các bang Chhattisgarh, Uttarakhand cùng Jharkhand và đề xuất một bang khác, Telangan. Nigeria đã tăng gần gấp đôi số bang của nước này, từ 19 vào năm 1976 lên 36 ngày nay. Ngay cả Canada cũng đã chia Northwest Territories (Những vùng lãnh thổ Tây Bắc) ra, thành lập tỉnh Nunavut.
Những diễn đàn mới đồng nghĩa với những cơ hội mới. Khắp châu Âu, một loạt các đảng cánh tả, cánh hữu, vì môi trường, vùng miền, tập trung một vấn đề, và trong một số trường hợp, hoàn toàn lập dị như Đảng Cướp biển Quốc tế, đã tận dụng những sân chơi mới để giành được sự tôn trọng và giành lấy những lá phiếu từ những tay chơi truyền thống. Mỗi lá phiếu cho họ không còn là sự lãng phí nữa, kích cỡ nhỏ hay lập trường khác thường của họ không còn là trở ngại xác đáng nữa. Những đảng “bên lề” này có thể phá rối, gây xao nhãng, làm chậm trễ hay thậm chí phủ quyết những quyết định từ các đảng lớn hơn cùng liên minh của các đảng lớn đó. Những đảng “cướp biển” nhỏ đã luôn tồn tại, nhưng ngày nay có nhiều đảng như thế hơn và khả năng của họ trong việc hạn chế lựa chọn của các tay chơi siêu hạng được cảm thấy ở hầu hết các nền dân chủ trên thế giới.
Việc những nhà chức trách địa phương và vùng có nhiều quyền lực hơn cũng đã thay đổi viễn cảnh và hồ sơ công chúng của thị trưởng và Thống đốc vùng, đôi lúc thúc đẩy sự nghiệp chính trị của họ lên tầm quốc gia và đôi lúc tạo ra sự thay thế vượt qua thủ đô hoàn toàn. Chính sách ngoại giao thực tế mà một số thành phố và vùng tiến hành hiện giờ vượt xa các đoàn đại biểu xúc tiến thương mại và các lễ kết nghĩa với thành phố khác như thông thường.
Một số học giả tranh luận rằng nhiều thành phố và vùng giờ đã thành công trong việc cởi bỏ sự ràng buộc từ chính quyền trung ương, tới mức một phiên bản hiện đại của trật tự nhà nước- thành bang thời trung cổ đang được hình thành.32
TỪ CÁC THỐNG ĐỐC TỚI NHỮNG LUẬT SƯ
Hình mẫu và những tay chơi là giống nhau. Trong hơn bảy mươi năm, một tầng lớp tinh hoa dân sự và quân sự nắm giữ quyền lực ở Thái Lan, đầu tiên qua sự cai trị của quân đội và rồi, sau năm 1970, khung bầu cử mong manh bị đảo lộn thường xuyên bởi những cuộc đảo chính và các chính phủ quân sự chuyển giao trong nhiều giai đoạn. Bất chấp sự bất ổn, Thái Lan vẫn đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào những năm 1980 và 1990. Các ngân hàng do quân đội sở hữu, các nhà sản xuất và doanh nhân dân sự vẫn phát đạt xuyên qua các cuộc đảo chính và các hiến pháp. Tỉ phú và cựu cảnh sát Thaksin Shinawatra trở thành Thủ tướng năm 2001, dựa trên một nghị trình dân túy, và tái cử vào năm 2005. Các cáo buộc về hành động phi pháp và tham những bắt đầu lan đi nhanh chóng. Một cuộc khủng hoảng chính trị hai năm tiếp nối. Nó bao gồm những cuộc bầu cử bế tắc, một cuộc đảo chính, và cuộc bầu cử lần nữa vào năm 2007, với kết quả là em gái của Thaksin trở thành Thủ tướng.
Giữa sự hỗn loạn này, một tay chơi chính trị mới đang xác lập quyền lực: nhánh tư pháp. Bắt đầu từ năm 2006, những phán quyết của các tòa án cao nhất Thái Lan liên tục thiết lập hướng đi cho nền chính trị quốc gia. Các tòa án đã giải tán đảng của Thaksin và một số đảng khác, cấm hàng loạt các nhà lãnh đạo hoạt động chính trị và có thời điểm còn bãi nhiệm một Thủ tướng vì hành động thù lao để xuất hiện trong một chương trình nấu ăn trên truyền hình. Vào tháng 12 năm 2008, Tòa án Hiến pháp đã giải tán đảng cầm quyền vì một nguyên nhân nghiêm trọng hơn, gian lận trong bầu cử, kết thúc ba tháng biểu tình và mở đường cho một chính phủ liên minh mới.
Các tòa án Thái Lan được che chở. Cuộc can thiệp ban đầu năm 2006 tới từ một tòa án vốn do quân đội Thái Lan thành lập. Và không lâu trước đó, nhà vua Thái Lan - một nhân vật với quyền hành đạo đức rất lớn - đã có một bài phát biểu, trong đó ông hối thúc các tòa án hành động một cách khôn ngoan. Dẫu vậy, sự nổi lên của các tòa án trong đời sống chính trị đã thay đổi những truyền thống được thiết lập lâu đời và trao cho người biểu tình cùng những nhà hoạt động một diễn đàn mới để lên tiếng. Ở Ấn Độ, Tòa án Tối cao đã bước vào khoảng trống tạo ra bởi liên minh cồng kềnh và thiếu hiệu quả của Thủ tướng Manmohan Singh, điều tra việc khai mỏ bất hợp pháp, đảo ngược những quyết định bổ nhiệm, thậm chí xác định tuổi hưu của tư lệnh quân đội. Như một nhà bình luận Ấn Độ từng được trích dẫn, “Ấn Độ đã trở thành một nước cộng hòa chuối trong đó quả chuối do tòa án tối cao bóc vỏ”.33
Nhánh hành pháp hoạt động đúng chức năng là một chuyện. Tòa án giải quyết những tranh chấp chính trị hay vào cuộc để loại bỏ chính phủ là một chuyện hoàn toàn khác. Ngay cả ở những nước với hệ thống tư pháp có uy tín, tiền lệ cho việc đó cũng khá ít ỏi. Nhưng những tiền lệ đó thật ngoạn mục. Một trong số đó là vụ kiện ở Tòa Thượng thẩm Florida và Tòa Tối cao Mỹ năm 2000 dẫn tới việc George W. Bush giành chức Tổng thống Mỹ thông qua phán xét tư pháp. Một ví dụ khác là cuộc điều tra Mani Pulite (“Bàn tay sạch”) của một ủy ban các thẩm phán Ý, do Antonio di Pietro đứng đầu, bắt đầu năm 1992. Nó phanh phui một hệ thống tham nhũng rộng lớn tới mức trở thành tangentopoli, hay “khu hối lộ”. Trong vài tháng, cuộc điều tra đã tóm cổ các lãnh đạo đảng phái, cựu Bộ trưởng và quan chức vùng cùng rất nhiều nhà tư bản.
Dần dần, cuộc điều tra liên can tới quá nhiều nhân vật trong các đảng truyền thống chủ chốt ở Ý, bao gồm đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo và đảng viên Xã hội, tới mức trong các cuộc bầu cử sau đó, những đảng này mất hết ảnh hưởng vì bị coi là bất chính. Năm 1994, đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo, vốn cung cấp cho nước Ý phần lớn các Thủ tướng kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, giải thể hoàn toàn, phân tán vào các đảng khác. Cũng năm đó, Đảng Xã hội - mà người lãnh đạo Bettino Craxi, từng là Thủ tướng vào những năm 1980, trở thành một mục tiêu chính của cuộc điều tra - cũng tự giải thể sau 102 năm tồn tại. Mani Pulite không chỉ giúp nước Ý thoát khỏi tham nhũng. Nó còn thay đổi hoàn toàn bối cảnh chính trị Ý, làm nổ tung hệ thống đảng phái cũ và thiết lập sân khấu cho các nhóm mới bên cánh hữu (Forza Italia của Silvio Berlusconi), cánh tả (đảng viên Dân chủ), các đảng địa phương và những đảng khác. Các thẩm phán trở thành những người đóng vai chính quan trọng vào giai đoạn thống trị dài của Silvio Berlusconi trong nền chính trị Ý, khi mà ông hết mắc vào vụ bê bối này tới vụ bê bối khác. Những vụ bê bối đó khiến ông trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc điều tra tư pháp cho tới khi ông cuối cùng cũng sụp đổ và mất quyền lực năm 2011.
Những cuộc điều tra như thế đã biến các thẩm phán nổi tiếng trở thành những tay chơi mới trong nền chính trị. Antonio di Pietro, thẩm phán ở trung tâm của cuộc điều tra, rốt cuộc đã từ chức và tự mình bước vào địa hạt chính trị trong vai trò lãnh đạo của một đảng nhỏ. Baltasar Garzon, thẩm phán người Tây Ban Nha đứng đầu hàng loạt cuộc điều tra gây nhiều chú ý ở trong và ngoài nước, từng nhắm vào các chính trị gia, chủ ngân hàng Tây Ban Nha, tổ chức quân sự xứ Basque ETA cũng như các quan chức Mỹ, Al Qaeda và những nhà cựu lãnh đạo quân sự Argentina. Vụ nổi tiếng nhất của ông là yêu cầu của ông đòi dẫn độ nhà cựu độc tài Chile, Augusto Pinochet, dẫn tới việc ông Pinochet bị giam giữ rất lâu ở Anh vào giai đoạn 1998-1999 (Chính Garzon rồi sẽ bị truy tố và bị treo quyền thẩm phán vì vượt quá quyền hạn trong một cuộc điều tra dữ dội nhằm vào tội ác của chế độ Francisco Franco). Việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế ở thành phố The Hague và sự thiết lập các tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh đã khiến những thẩm phán trở thành nhân vật của công chúng quốc tế, ví dụ như Richard Goldstone của Nam Phi và Louise Arbour của Canada. Mức độ nổi bật và quyền lực của họ trên sân khấu quốc tế dễ dàng vượt qua một số người tiền nhiệm của họ trong hai phiên tòa tội ác chiến tranh của phe Đồng minh sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Trong bối cảnh nền chính trị quốc nội, quyền lực gia tăng của các thẩm phán rất đa dạng tùy theo từng quốc gia, nhưng nhìn chung, nó áp đặt những hạn chế mới lên việc thực thi quyền lực của các lãnh đạo chính phủ và đảng phái chính trị. Không sai, với nhiều hệ thống tư pháp độc lập một cách không chắc chắn, tần suất gia tăng của các phán quyết tư pháp trong chính trị không hề bảo đảm sự giám sát khôn ngoan. Ở Pakistan chẳng hạn, nhiều người nghi ngờ rằng quân đội nước này đã sử dụng Tòa án Tối cao để kiểm soát chính quyền dân sự. Đó không nhất thiết là một sự phát triển dân chủ - trách nhiệm của các thẩm phán rất khác nhau - nhưng dẫu sao nó vẫn đóng một vai trò thật sự trong sự suy tàn của quyền lực chính trị.
TỪ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TỚI NHỮNG THƯỜNG DÂN
Ai là nhà lãnh đạo của chúng ta? Đã có lúc các nhà lãnh đạo bị quấn chặt với bộ máy chính phủ và đảng phái. Ngay cả những cuộc cách mạng cũng là vì sự thiết tha với các cương vị lãnh đạo. Tuy nhiên gần đây, nhiều người hùng của chúng ta đã đạt được danh tiếng thông qua thế giới kỹ thuật số - sử dụng công nghệ để lan truyền những thông điệp và tác động đến kết quả theo những cách mà trước kia đòi hỏi cơ sở hạ tầng của các đảng phái, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay báo chí truyền thống. Tác giả và nhà hoạt động ở Bắc Kinh, Lưu Hiểu Ba, tiên phong cho một hiến chương trên mạng, Hiến chương 08, kêu gọi Trung Quốc tiếp nhận các giá trị tổng quát của dân chủ và nhân quyền vào quá trình hiện đại hóa và các cải cách của nước này - và ông đã bị bắt và bỏ tù ngay tức khắc, chiến thắng giải Nobel Hòa bình năm sau đó, trong khi vẫn đang ngồi tù vì những hoạt động phản đối của mình.
Nhân vật người Ai Cập Wael Ghonim, thấy rằng những đảng đối lập địa phương yếu ớt và không đáng tin cậy, đã tổ chức một phong trào qua Facebook để đòi hỏi trách nhiệm giải trình của chính quyền. Ở Colombia, một kỹ sư tên là Oscar Morales đã khởi động một nhóm Facebook với tên gọi “Một Triệu Tiếng Nói Chống Lại FARC” để phản đối những cuộc tấn công rộng khắp của nhóm nổi dậy này nhắm vào thường dân, kết quả là những cuộc tuần hành lớn và áp lực dẫn đến việc thả các con tin. Những nhà hoạt động trên Twitter ở Moldova giúp làm bùng lên sự chuyển đổi chính trị ở quốc gia này. Luật sư người Kenya Ory Okolloh và một người viết blog tên “M” đã ra mắt một trang giám sát vào năm 2006 trong bối cảnh chính trị đầy tham nhũng ở Kenya.34 Nhân vật người Mỹ gốc Iran Kelly Golnoush Niknejad đã khởi động trang TehranBureau.com để thu thập và lan truyền tin tức trực tiếp từ những người đồng hương Iran trong cuộc nổi loạn tiếng tăm sau đợt bầu cử tổng thống năm 2009, khi các nhà báo nước ngoài bị cấm vào nước này.35 Sami Ben Gharbia, một người viết blog và nhà hoạt động xã hội dân sự, giúp kích động những cuộc biểu tình chống chế độ ở Tunisia, bằng cách sử dụng blog nhóm của ông để lan truyền những câu chuyện có sức công phá lớn về tham nhũng trong các công hàm ngoại giao của Mỹ - vốn bị tiết lộ thông qua WikiLeaks.
Những tay chơi mới này đang làm phong phú phạm vi của cuộc nghị luận về chính trị khắp thế giới. Họ hoạt động bên ngoài những kênh và sự kiểm soát của các tổ chức chính trị truyền thống, liên quan tới cả chính phủ và đảng phái. Họ xuất hiện khắp nơi, khi đối mặt với sự đàn áp, họ cũng có khả năng cao né tránh được. Nhưng công nghệ đơn giản chỉ là công cụ. Bức tranh lớn hơn là sự khuếch tán phân tầng của quyền lực đã đặt các cá nhân vào một vị trí chưa từng có tiền lệ - không chỉ để vượt qua những định chế chính trị đã được phát triển hàng thập kỷ, mà còn để gây ảnh hưởng, thuyết phục hay hạn chế các nhà chính trị “thực thụ”, một cách trực tiếp và hiệu quả hơn so với bất cứ lý thuyết gia chính trị cổ điển nào có thể tưởng tượng ra.
NHỮNG QUỸ ĐẦU TƯ VÀ NHỮNG NHÀ HOẠT ĐỘNG KIÊM TIN TẶC
Nếu ở chung trong một căn phòng, John Paulson và Julian Assange có thể sẽ sớm lao vào ẩu đả. Paulson điều hành Paulson & Co, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Assange là nhà sáng lập WikiLeaks, tổ chức trên mạng chuyên tiết lộ thông tin bí mật của các chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên họ có một điểm chung rất đáng kể: cả hai đều là biểu tượng của một dòng những nhân tố mới đang làm thay đổi nền chính trị quốc gia bằng cách hạn chế quyền lực của chính phủ.
Với khả năng di chuyển hàng tỉ đô-la với tốc độ ánh sáng khỏi một quốc gia có chính sách kinh tế mà họ không tin tưởng, những quỹ đầu tư chỉ là một trong nhiều định chế tài chính với những quyết định có thể hạn chế quyền lực các chính phủ. Tác giả Thomas Friedman, cây bút xã luận của báo New York Times, gọi những hạn chế mà các tay chơi này áp đặt là “Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng”:
Để mặc vừa Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng, một quốc gia hoặc phải áp dụng, hoặc phải được coi là đang hướng tới, những quy tắc vàng sau: biến lĩnh vực tư nhân thành động cơ tăng trưởng kinh tế chính của quốc gia đó, duy trì tỉ lệ lạm phát thấp và giá cả ổn định, giảm bớt quy mô nền quan liêu nhà nước, duy trì ngân sách cân đối nhất có thể, nếu không phải là thặng dư, loại bỏ và hạ thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, dỡ bỏ các rào cản cho đầu tư nước ngoài, loại bỏ hệ thống hạn ngạch và các doanh nghiệp độc quyền trong nước, tăng xuất khẩu, tư nhân hóa các ngành và dịch vụ công do nhà nước sở hữu, giải điều tiết các thị trường vốn, đảm bảo đơn vị tiền tệ trong nước có thể chuyển đổi được, mở cửa các ngành nghề, có thị trường chứng khoán và trái phiếu cho đầu tư và sở hữu trực tiếp nước ngoài, giải điều tiết nền kinh tế để thúc đẩy sự cạnh tranh quốc nội càng nhiều càng tốt, loại bỏ tham nhũng trong chính phủ, càng nhiều trợ cấp và các khoản lại quả càng tốt, mở cửa các hệ thống ngân hàng và viễn thông cho sở hữu tư nhân và cạnh tranh, cho phép công dân lựa chọn từ hàng loạt các phương án hưu trí cạnh tranh và các quỹ hưu trí và tương hỗ do nước ngoài sở hữu. Khi bạn ghép tất cả các mảnh này lại với nhau bạn sẽ có Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng… Khi đất nước bạn mặc lên Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng, hai điều có xu hướng xảy ra: nền kinh tế của bạn tăng trưởng và nền chính trị suy giảm. Tức là, trên mặt trận kinh tế, Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng thường thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn và thu nhập bình quân cao hơn - thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp, tư nhân hóa nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực dưới áp lực của sự cạnh tranh toàn cầu. Nhưng trên mặt trận chính trị, Chiếc Áo Câu Thúc Bằng Vàng thu hẹp các lựa chọn chính sách chính trị và kinh tế của những ai có quyền lực xuống còn những giới hạn tương đối hẹp… Các chính phủ - dù được lãnh đạo bởi đảng viên Dân chủ hay Cộng hòa, Bảo thủ hay Lao động, Gaullist hay Xã hội, Dân chủ Thiên Chúa giáo hay Dân chủ Xã hội - mà chệch hướng quá xa khỏi những quy luật cơ bản sẽ chứng kiến các nhà đầu tư tháo chạy tán loạn, lãi suất tăng và giá trị thị trường chứng khoán suy giảm.36
Sự tàn phá gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu là một ví dụ cực đoan về quyền lực của các thị trường trái phiếu và các nhà cung cấp tài chính toàn cầu áp đặt điều kiện lên những chính phủ, và như trong trường hợp của Hy Lạp, thậm chí làm sụp đổ các chính phủ nếu họ kháng cự lại những đòi hỏi kinh tế từ các thị trường tài chính.
Nhưng như đã thảo luận ở phần trước, một giai cấp mới các nhà hoạt động chính trị, được cởi bỏ sự ràng buộc khỏi các đảng chính trị và tổ chức chính trị truyền thống khác, cũng trở thành nguyên nhân suy sụp của các chính phủ. Ngày nay, những nhà hoạt động này được biết đến với tên gọi hacktivists (những nhà hoạt động kiêm tin tặc, một cụm từ được đưa ra năm 1996 bởi Omega, một thành viên nhóm tin tặc Internet tự gọi mình là The Cult of the Dead Cow). Chủ nghĩa tin tặc hoạt động, được định nghĩa là “việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số hợp pháp và/hoặc bất hợp pháp để theo đuổi mục tiêu chính trị”,37 buộc các chính phủ phải chơi một trò chơi công nghệ mèo đuổi chuột không có hồi kết - một trò chơi bao gồm và vượt quá những nỗ lực xâm nhập và làm tổn hại các mạng máy tính thông thường. Nó cũng bao gồm việc sử dụng đa dạng các công nghệ thông tin và liên lạc (ICT) mà giáo sư Đại học Stanford, Larry Diamond, gọi là “Những Công Nghệ Tự do”. Như Diamond chỉ ra trong cuốn sách cùng tên của ông:
Vài năm trước, trong lúc hoàn tất một công trình về cuộc đấu tranh dân chủ trên khắp thế giới, tôi kinh ngạc trước việc gia tăng sử dụng Internet, thế giới blog, mạng xã hội và điện thoại di động để phát lộ và thách thức sự lạm dụng quyền lực ở các chế độ toàn trị; để cung cấp những kênh thay thế, qua đó thông tin và liên lạc có thể chảy ra ngoài sự kiểm duyệt và kiểm soát được ấn định bởi các chế độ độc tài; để giám sát các cuộc bầu cử; để huy động mọi người biểu tình. Vào năm 2007 - mà giờ có vẻ như là cả một thế hệ trước nếu nói về tốc độ phát triển công nghệ - ICT kỹ thuật số đã đạt được một số thành công ngỡ ngàng. Những công nghệ mới cho phép xã hội dân sự Philippines xuống đường và tước quyền một Tổng thống tham nhũng (Joseph Estrada); tạo điều kiện huy động nhanh chóng đám đông chống lại chủ nghĩa toàn trị như trong cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine và Cách mạng Tuyết tùng ở Lebanon; ghi nhận lại việc gian lận trong cuộc bầu cử ở Nigeria năm 2007; phát lộ (thông qua ảnh chụp vệ tinh) sự bất bình đẳng gây sửng sốt hiện diện ở những khu phức hợp cung điện của gia đình hoàng gia Bahrain; buộc ngưng hoạt động một nhà máy hóa chất đe dọa môi trường ở Hạ Môn, Trung Quốc, thông qua sự lan tràn cực nhanh của hàng trăm nghìn tin nhắn điện thoại di động đầy cảm xúc. Tôi đã gọi những ICT mà các công dân này sử dụng là “những công nghệ tự do” bởi tiềm năng đã được thể hiện của chúng trong việc trao cho công dân quyền lực để đối đầu, hạn chế và buộc các chế độ toàn trị phải giải trình - hay thậm chí là giải phóng xã hội khỏi sự cai trị độc đoán.38
CỖ MÁY LY TÂM CHÍNH TRỊ
Nếu bạn là một chính trị gia chuyên nghiệp được tôi luyện bằng quan điểm kinh điển của nghề nghiệp, ảnh hưởng kết hợp từ sáu thập kỷ phân rã trong đời sống chính trị quốc gia có sức tàn phá rất lớn. “Cảm giác uy quyền”, mà Max Weber đã xác định là khát khao sâu sắc của một chính trị gia, tan dần vì lý do khắc nghiệt là quyền lực tiềm ẩn của văn phòng chính trị đang thoái trào.
Nhiều quốc gia hơn, nhiều chính phủ hơn, nhiều các tổ chức và thể chế chính trị phản ánh và định hình các ý kiến, lựa chọn và hành động của chúng ta hơn bao giờ hết. Sự di cư và đô thị hóa đã tạo ra những mạng lưới chính trị, xã hội, văn hóa và nghề nghiệp mới, tập trung chúng ở các đầu mối đô thị được đầu tư bởi những quyền lực mới và đang lên. Những quy tắc toàn cầu đã đạt được một tầm cao mới. Những khát vọng và kỳ vọng cá nhân đã được nạp năng lượng mạnh mẽ bởi mạng xã hội, cáp quang, vệ tinh và điện thoại di động. Mọi việc như thể một máy ly tâm chính trị đã tách những yếu tố tạo nên nền chính trị chúng ta từng biết và rải chúng ra khắp một bộ khung mới và rộng lớn hơn. Dưới đây là một vài ảnh hưởng chủ chốt của nó.
Đảng Phái Không Còn Là Kẻ Trung Gian
Trong hàng thế kỷ, chính trị hoạt động dựa trên tiền đề là nó điều hướng mối quan tâm của đám đông (được thể hiện thông qua các lá phiếu hay được ấn định bởi những kẻ cai trị) thành những kết quả kèm theo. Chính phủ đại diện có nghĩa vụ điều hướng ý chí dư luận từ mức độ các khu phố hay thị trấn, qua những vùng hay tỉnh, và rốt cuộc, lên trên nhà nước chủ quyền. Các đảng phái chính trị, hay các nhóm có tổ chức với một đảng, cùng với các liên đoàn lao động và các hiệp hội dân sự, hứa hẹn đại diện cho người dân thường và truyền tải quan điểm của họ lên trên qua các kênh như thế.
Các đảng phái không còn đóng vai trò tối quan trọng này nữa. Tại sao? Vì những kênh truyền tải giờ ngắn và trực tiếp hơn nhiều so với chúng đã từng. Như Lena Hjelm-Wallén, cựu Phó thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển, đã bảo tôi, với giọng điệu kết hợp giữa sự bực tức và cam chịu: “Người dân dễ vận động hơn nhiều bởi những vấn đề đơn lẻ ảnh hưởng tới họ, thay vì những ý thức hệ mơ hồ, bao quát mà các đảng phái tuân theo”.39
Các diễn đàn và không gian chính trị mới hướng sự ủng hộ của công chúng tới những nhà lãnh đạo chính trị, hay mang lại lợi ích và trách nhiệm giải trình mà không cần thông qua một đảng chính trị làm trung gian. Trong bối cảnh các nghị viện và lá phiếu phân mảng, các đảng chính trị áp đảo đã ít nhiều mất đi vẻ hấp dẫn. Gia nhập, bỏ phiếu cho, hay thậm chí là thành lập một đảng nhỏ mới có chi phí thấp hơn nhiều so với trước kia. Một điều cực kỳ quan trọng là ủng hộ một trong những đảng mới này cũng có chi phí cơ hội thấp hơn. Nói cách khác, chúng ta mất ít hơn khi bỏ phiếu ủng hộ một đảng nhỏ thay vì một đảng lớn, hay khi gia nhập vào quá trình chính trị thông qua những biện pháp thay thế khác. Những đảng chính trị lớn, định hình từ lâu đời tiếp tục là phương tiện chính để giành sự kiểm soát chính phủ ở một nền dân chủ. Nhưng chúng đang ngày càng bị xói mòn và vượt qua bởi những hình thức tổ chức và tham gia chính trị mới.
Chính Phủ Bị Kiềm Chế
Ở mọi mức độ, sự suy thoái quyền lực hạn chế quyền tự chủ hành động. Ngay cả trong hệ thống Tổng thống*, sự gia tăng của chính trị phe phái khiến cho việc thông qua các đạo luật ở Quốc hội khó khăn hơn. Nhưng những hạn chế với chính phủ còn tới từ bên ngoài hệ thống chính trị tiêu chuẩn. Danh sách những tay chơi, với khả năng thổi còi, loại bỏ sự ủng hộ quyết định, hay đưa ra một câu chuyện phá hoại kiềm giữ hành động của chính phủ một cách thành công, giờ trải dài từ những người nắm giữ trái phiếu và các nhà hoạt động quốc tế tới những người viết blog và các nhân vật nổi tiếng. Như Ricardo Lagos, cựu Tổng thống Chile, từng nói với tôi: “Những NGO càng có nhiều quyền lực theo đuổi những mục tiêu đơn lẻ, chính phủ càng có ít quyền lực cai trị. Trên thực tế, nhiều NGO là những nhóm lợi ích theo đuổi riêng một vấn đề với sự nhanh nhạy chính trị, hiểu biết truyền thông và linh động trong môi trường quốc tế hơn so với phần lớn các chính phủ. Sự lan nhanh của chúng cột chặt bộ máy chính quyền lại và hạn chế rất lớn tầm mức những lựa chọn. Chính tôi đã trải nghiệm điều này khi còn là Tổng thống và tôi chứng kiến chúng trong những chuyến đi khi tôi trao đổi với các nguyên thủ quốc gia và Bộ trưởng nội các khác. Nhìn chung, các NGO là tốt cho xã hội, nhưng tầm nhìn hẹp của họ cùng áp lực từ những cử tri và nhà tài trợ buộc họ phải chứng minh được kết quả có thể khiến họ rất cứng nhắc”.40 Trong quá khứ, các chính phủ có thể tìm cách định hình lại bối cảnh chính trị - dù là qua việc thỏa mãn nhu cầu của dư luận hay thay vào đó, đàn áp nhu cầu này - bằng cách thay đổi luật bầu cử, thông qua những sửa đổi hiến pháp hay áp đặt các luật khẩn cấp. Họ vẫn có thể thử các biện pháp đó hiện giờ, nhưng họ sẽ phải đối phó ngày càng nhiều với sự soi mói và các hành động tới từ bên ngoài nền chính trị quy ước.
* Hệ thống Tổng thống (Presidential system): Hệ thống chính phủ mà trong đó nguyên thủ quốc gia cũng là người lãnh đạo chính phủ, đứng đầu một ngành hành pháp tồn tại tách biệt khỏi ngành lập pháp. Ngành hành pháp này không có trách nhiệm với ngành lập pháp và không thể giải tán ngành lập pháp trong hoàn cảnh bình thường. Ngược lại, ngành lập pháp có thể giải tán ngành hành pháp thông qua cáo buộc.
Giới Thiệu Sự Siêu Cạnh Tranh
Với việc phân rã của quyền lực chính trị đã trở thành những lằn ranh mờ trong việc phân loại các tay chơi chính trị: các đảng chính trị (lớn và nhỏ, chính thống và cực đoan), các nhóm vận động, báo chí, các cử tri. Những quan chức được bầu cử và nhân viên chính phủ giờ có nhiều khả năng tự sản xuất ra sản phẩm truyền thông của chính họ hay liên hệ trực tiếp với cử tri trên mạng. Các nhóm lợi ích chuyên tập trung vào một vấn đề, thay vì tham gia vào quy trình chính trị xa xôi, giờ tự đưa ra các ứng cử viên của chính họ. Với những rào cản cho việc gia nhập hạ thấp hơn bao giờ hết, sân chơi cho các đối thủ đã rộng lên. Một chính trị gia đầy khát khao phải xem xét các liên minh và lường trước những vụ tấn công đến từ một môi trường liên tục thay đổi các đảng phái, nhà hoạt động, nhà gây quỹ, những người đưa ra ý kiến, những nhà báo công dân, những tổ chức giám sát và vận động đủ loại.
Trao Quyền Cho Các Cá Nhân
Sự mở rộng vai trò của các cá nhân - không phải chính trị gia hay những người có chuyên môn - có lẽ là ảnh hưởng kích thích nhất và thách thức nhất của cỗ máy ly tâm chính trị. Nó dẫn tới sự sụp đổ những rào cản tổ chức và văn hóa đã chia rẽ những lão làng chính trị với những người bên ngoài. Sự thích đáng suy giảm của các đảng chính trị lớn và sự lan nhanh của những phương thức trực tiếp, hoạt động ngay để nhảy vào các cuộc tranh luận chính trị đã khiến những rào cản đó trở nên lỗi thời. Sự phát triển này đòi hỏi lời hứa về dân chủ trực tiếp, trên mô hình quảng trường tụ họp thời Athens hay hội nghị bang ở Thụy Sĩ được đưa vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Tương tự, nó mời gọi sự đứt gẫy lớn, và đã xuất hiện khắp nơi những ví dụ về một cá nhân có ác ý hay một nhóm từ bên ngoài với khả năng gây phân tán hay cản trở quy trình chính trị.
Vậy là Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso, Phó Thủ tướng Đức Joschka Fischer, Lena Hjelm-Wallén người Thụy Điển và Ricardo Lagos người Chile không chỉ than phiền một cách vu vơ từ vị trí của quyền lực và đặc quyền. Quyền lực từ những cương vị chính phủ cao ngất của họ đang thực sự bị thu hẹp, và không phải vì lợi ích của một chính trị gia hay tổ chức đối địch nào mà họ có thể phản công, mua đứt, hay cho ngưng hoạt động. Quyền lực không rò rỉ bởi đội ngũ nhân sự hay những nghị trình của họ theo những hướng mà họ có thể sửa chữa bằng cách thay đổi lập trường chính trị hay thuê cố vấn mới. Thay vào đó, quyền lực đang chảy khỏi chính vị trí của họ - từ những cương vị cao của quyền lực và uy tín trước giờ vẫn từng, với một sự nghiệp chính trị, là phần thưởng cuối cùng. Một lần nữa, quyền lực không chỉ chuyển đổi. Nó đang suy tàn và, trong một số trường hợp, biến mất.
Cỗ máy ly tâm chính trị thách thức các chế độ toàn trị, mang tới cho kẻ thù của họ sự né tránh hiệu quả hơn và tung ra những kẻ thách thức lẫn cạnh tranh mới. Nhưng tác động của nó cũng thách thức các nền dân chủ. Với nhiều người vận động, dân chủ là một đích đến - và sự suy thoái của quyền lực ở các chính phủ toàn trị đã giúp thúc đẩy rất nhiều nước tới mục tiêu này. Nhưng tác động của sự suy tàn không dừng lại ở đó. Sức mạnh kinh tế, công nghệ và văn hóa sâu sắc đằng sau nó đang trao quyền cho hàng loạt các ý tưởng và cảm xúc, không phải tất cả đều mang tinh thần dân chủ. Chủ nghĩa ly khai vùng miền, chủ nghĩa bài ngoại, các chiến dịch chống người nhập cư và những kẻ cực đoan tôn giáo đều hưởng lợi từ sự suy tàn của quyền lực. Hiệu ứng chung của máy ly tâm quyền lực ở mọi nơi là làm phức tạp bối cảnh chính trị và loại bỏ những hình mẫu và thói quen cũ. Điều chắc chắn là nó sẽ tiếp tục làm như thế.