Cuộc Cách Mạng Nhiều Hơn, Cuộc Cách Mạng Di Động Và Cuộc Cách Mạng Tinh Thần
Javier Solana, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha vào giữa những năm 1990, đã trở thành Tổng Thư ký NATO rồi Cao ủy Phụ trách Đối ngoại của Liên minh châu Âu, từng nói với tôi: “Trong một phần tư thế kỷ qua - một giai đoạn bao gồm các cuộc chiến Balkan và Iraq, cùng những cuộc thương lượng với Iran, những vấn đề Israel-Palestine và vô số cuộc khủng hoảng khác - tôi đã chứng kiến nhiều lực lượng và nhân tố mới kiềm chế ngay cả những cường quốc giàu có và phát triển nhất về công nghệ. Họ - và ý tôi là chúng ta - hiếm khi nào còn có thể làm những điều chúng ta muốn nữa”.1
Solana đã đúng. Những kẻ nổi dậy, những Đảng chính trị bên lề, những công ty khởi nghiệp sáng tạo, những tay tin tặc, những nhà hoạt động được tổ chức lỏng lẻo, báo chí công đang phất lên, những người trẻ không có ai lãnh đạo ở các quảng trường thành phố, những cá nhân đầy sức hút có vẻ như “xuất hiện từ hư không” đang làm rung chuyển trật tự cũ. Không phải tất cả đều lành mạnh; nhưng mỗi yếu tố đóng góp vào sự suy tàn quyền lực của lực lượng hải quân và cảnh sát, những mạng lưới truyền hình, những đảng chính trị truyền thống và những ngân hàng lớn.
Quyền lực vi mô này: những nhân tố nhỏ, không được biết tới và từng bị phớt lờ, đã tìm được cách để làm xói mòn, bao vây hay vượt qua những tay chơi siêu hạng, những tổ chức quan liêu lớn trước kia kiểm soát địa hạt của họ. Theo những nguyên tắc trong quá khứ, quyền lực vi mô lẽ ra chỉ là sự lầm lạc. Vì chúng thiếu quy mô, sự phối hợp, những nguồn lực hay một uy tín sẵn có, chúng lẽ ra thậm chí không thể tham gia vào cuộc chơi - hay ít ra, không tồn tại được lâu cho tới khi bị đè bẹp hay thâu tóm bởi một địch thủ áp đảo. Nhưng điều ngược lại mới đang đúng. Thật vậy, quyền lực vi mô đang từ chối những tay chơi đang nắm quyền khỏi vô số lựa chọn mà họ từng sử dụng một cách nghiễm nhiên trước giờ. Trong một số trường hợp, quyền lực vi mô thậm chí còn chiến thắng trong cuộc đấu với những tay chơi siêu hạng.
Phải chăng quyền lực vi mô mới xuất hiện này đạt được điều đó bằng cách vượt lên trong cuộc cạnh tranh và đẩy những kẻ nắm quyền lớn ra khỏi ngành? Hiếm khi là như thế. Chúng không được trang bị cho những cuộc tiếp quản lớn. Lợi thế của chúng chính là ở chỗ chúng không phải chịu gánh nặng của kích cỡ, quy mô, danh mục tài sản và tài nguyên, sự tập trung lẫn hệ thống thứ bậc mà các tay chơi siêu hạng đã triển khai, dành quá nhiều thời gian cùng nỗ lực để nuôi dưỡng và quản lý. Quyền lực vi mô càng mang nhiều đặc điểm đó, chúng càng trở thành loại tổ chức mà các quyền lực vi mô khác sẽ tấn công với sự hiệu quả tương tự. Thay vào đó, quyền lực vi mô thành công biết tận dụng những lợi thế và kỹ thuật mới. Chúng làm suy kiệt, cản trở, làm xói mòn, phá hoại và đánh vào sườn những tay chơi siêu hạng theo cách mà những tay chơi siêu hạng, với tất cả nguồn lực khổng hồ, vẫn thấy họ không được trang bị và chuẩn bị tốt để kháng cự lại. Và hiệu quả của những kỹ thuật này trong việc làm lung lay và thay thế những gã khổng lồ được bảo vệ, đồng nghĩa với việc quyền lực đang trở nên dễ gián đoạn và khó củng cố hơn. Những ngụ ý này thật ngoạn mục. Chúng báo hiệu sự kiệt quệ của hệ thống quan liêu kiểu Weber, hệ thống tổ chức đã mang tới lợi ích và cũng là thảm họa của thế kỷ XX. Sự phân tách quyền lực khỏi quy mô, do đó phân tách khả năng sử dụng quyền lực hiệu quả khỏi sự kiểm soát của một hệ thống quan liêu lớn kiểu Weber, đang làm thay đổi thế giới. Và phân tích này gợi ra một suy nghĩ đáng băn khoăn: nếu tương lai của quyền lực nằm ở sự đứt gãy và can thiệp, không phải bởi sự quản trị và củng cố, liệu chúng ta có thể chờ đợi sự ổn định như từ trước tới giờ?
VẬY ĐIỀU GÌ ĐÃ THAY ĐỔI?
Thật khó xác định thời điểm sự phân rã và suy tàn của quyền lực, cùng sự suy yếu của lý tưởng quan liêu kiểu Weber, bắt đầu - khó xác định chính xác hơn nhiều so với, lấy ví dụ, cách nhà thơ Philip Larkin đánh dấu cho sự khởi đầu cuộc cách mạng tình dục: “Giữa thời gian gỡ bỏ lệnh cấm Chatterley” và album đầu tiên của Beatles.2
Dẫu vậy, ngày 9 tháng 11 năm 1989 - ngày Bức tường Berlin* sụp đổ - là một cột mốc không tồi để khởi đầu. Mở cửa một nửa châu lục và các biên giới, mở ra những thị trường mới, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cùng cuộc đấu tranh quyết liệt về ý thức hệ và tính hiện sinh của nó, tất cả đã làm xói mòn mọi lý lẽ bênh vực cho nền an ninh quốc gia khổng lồ và những cam kết về nguồn lực kinh tế, chính trị và xã hội để ủng hộ cho nền an ninh đó. Những nền kinh tế vốn mắc kẹt trong hệ thống gần như đóng được mở ra cho nguồn đầu tư và thương mại nước ngoài vốn được bảo hộ bởi đoàn lũ các công ty đa quốc gia giàu có. Như tướng William Odom, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia của Ronald Reagan, đã nhận xét: “Bằng cách tạo ra một chiếc ô an ninh ở châu Âu và châu Á, nước Mỹ đã giảm bớt chi phí giao dịch trong kinh doanh ở những khu vực này: Bắc Phi, Tây Âu và Đông Bắc Á - tất cả đều trở nên giàu có hơn”.3 Giờ thì chi phí giao dịch hạ thấp đó còn có thể mở rộng hơn nữa, cùng với chúng là lời hứa hẹn về tự do kinh tế rộng lớn hơn.
* Bức tường Berlin: là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin của Tây Đức với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức.
Không đầy một năm sau khi hàng nghìn người Đức dỡ bỏ Bức tường Berlin, vào tháng 12 năm 1990, Tim Berners-Lee, một nhà khoa học máy tính người Anh ở Tổ chức Châu Âu Nghiên cứu Hạt nhân ở biên giới Pháp-Thụy Sĩ, lần đầu tiên liên lạc thành công giữa một Giao thức Truyền tải Siêu văn bản (Hypertext Transfer Protocol) và một máy chủ thông qua Internet, qua đó tạo ra Mạng lưới Toàn cầu (World Wide Web). Phát minh đó, tới lượt nó, làm trỗi dậy cuộc cách mạng thông tin liên lạc toàn cầu, đụng chạm tới mọi mặt đời sống chúng ta.
Kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự ra đời Internet chắc chắn là những nhân tố giúp quyền lực vi mô ngày nay nổi lên, nhưng không lý gì chúng là nhân tố quan trọng duy nhất. Chúng ta thường khó cưỡng lại sự thôi thúc gán ghép một thời kỳ nhiều biến động lớn vào một nguyên nhân duy nhất. Lấy ví dụ, vai trò của tin nhắn văn bản và mạng xã hội như Facebook và Twitter trong những đảo lộn trên toàn thế giới. Một cuộc tranh luận gay gắt nhưng rốt cuộc là vô nghĩa nổ ra giữa những người cho rằng mạng xã hội làm bùng lên các phong trào chính trị, và những người nói ảnh hưởng của chúng đã bị đánh giá quá cao. Là nhân tố trong cuộc đấu tranh quyền lực, mạng xã hội đã giúp phối hợp các cuộc biểu tình và thông tin cho thế giới bên ngoài về sự xâm hại nhân quyền. Nhưng những thể chế đàn áp khôn ngoan như ở Iran và vài quốc gia khác cũng sử dụng công cụ này để theo dõi và đàn áp. Và khi nghi ngờ, một chính phủ có thể đơn giản là ngắt tiếp cận Internet trên toàn quốc (ít ra là ở quy mô lớn, như Ai Cập và Syria đã làm khi nhà độc tài của họ bị thách thức), hay thiết lập một hệ thống lọc và kiểm soát tỉ mỉ nhằm hạn chế dòng chảy thông tin không được chấp thuận trên mạng (như Trung Quốc đã làm với “Vạn lý tường lửa”). Có rất nhiều trường hợp và phản trường hợp minh họa cho cuộc tranh luận của những người lạc quan về Internet, và những nhà kỹ nghệ-tương lai học như Clay Shirky, cũng như lập luận phản bác của những người nghi ngờ như Evgeny Morozov và Malcolm Gladwell. Vì thế, để hiểu tại sao rào cản với quyền lực giờ đầy các lỗ hổng, chúng ta cần nhìn vào sự chuyển đổi sâu sắc hơn - vào những thay đổi đã bắt đầu tích tụ và tăng tốc, thậm chí trước cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mạng web ra đời. Thách thức lớn nhất với quyền lực trong thời đại của chúng ta tới từ các thay đổi trong những điều cơ bản của đời sống - trong việc chúng ta sống thế nào, ở đâu, trong bao lâu và tốt đến đâu. Điều đã thay đổi là bối cảnh chung mà quyền lực vận hành.
Đây là địa hạt của nhân khẩu học, mức sống, mặt bằng y tế và giáo dục, hình mẫu di cư, gia đình, cộng đồng, và rốt cuộc, thái độ của chúng ta: những điểm tham chiếu cho cảm hứng, niềm tin, khát khao của chúng ta, và thật vậy, cách mà chúng ta nghĩ về chính bản thân và những người khác. Để mô tả những thay đổi ở mức độ sâu sắc và để nắm rõ chúng đã tác động gì đến quyền lực, chúng ta cần chia chúng ra làm ba loại: cuộc cách mạng Nhiều Hơn, cuộc cách mạng Di Động và cuộc cách mạng Tinh Thần. Cuộc cách mạng thứ nhất đang nhấn chìm những rào cản của quyền lực; cuộc cách mạng thứ hai làm lung lay chúng; cuộc cách mạng thứ ba đục khoét chúng.
CUỘC CÁCH MẠNG NHIỀU HƠN:
NHẤN CHÌM NHỮNG PHƯƠNG TIỆN KIỂM SOÁT
Thời đại chúng ta là thời đại của sự thừa thãi. Đơn giản là hiện giờ tất cả mọi thứ đều có nhiều hơn. Có nhiều người, quốc gia, thành phố, Đảng chính trị, quân đội hơn; nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, nhiều công ty bán chúng hơn; nhiều vũ khí và nhiều thuốc men hơn, nhiều sinh viên và nhiều máy tính hơn; nhiều người giảng đạo và nhiều tội phạm hơn. Sản lượng kinh tế thế giới đã tăng năm lần kể từ năm 1950. Thu nhập bình quân đầu người lớn hơn ba lần rưỡi so với khi đó. Quan trọng hơn hết, đã có nhiều người hơn - 2 tỉ người nhiều hơn so với hai thập kỷ trước. Tới năm 2050, dân số thế giới sẽ lớn hơn gấp bốn lần so với năm 1950. Hiểu được quy mô dân số cũng như cấu trúc tuổi, sự phân phối về mặt địa lý, tuổi thọ, y tế và những nguồn cảm hứng là cực kỳ quan trọng để hiểu điều gì xảy ra với quyền lực.
Cuộc cách mạng Nhiều Hơn không chỉ giới hạn trong một góc phần tư của toàn cầu hay một phần nhân loại. Nó đã tiến bộ trong việc đối đầu với tất cả sự kiện tiêu cực lên sóng truyền thông mỗi ngày: suy thoái kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, động đất, sự đàn áp, nội chiến, thảm họa thiên nhiên, những mối đe dọa với môi trường. Không bác bỏ tính khẩn thiết và những hệ quả của các cuộc khủng hoảng đó với con người và với hành tinh, chúng ta có thể đánh giá thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI có lẽ là thành công nhất trong lịch sử loài người: như nhà phân tích Charles Kenny đã bình luận, “Thập kỷ. Tuyệt vời nhất. Từ trước tới giờ” của chúng ta.4 Nhiều dữ liệu ủng hộ tuyên bố này. Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2005 tới 2008, từ châu Phi hạ Sahara tới Mỹ Latin và từ châu Á tới Đông Âu, tỉ lệ người sống ở mức nghèo cùng cực (những ai với thu nhập dưới 1,25 đô-la Mỹ một ngày) đã giảm mạnh - lần đầu tiên kể từ khi thống kê về nghèo đói toàn cầu được thu thập. Do thập kỷ đó được đánh dấu bởi sự khởi đầu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất kể từ Đại Suy thoái năm 1929, sự tiến bộ này lại càng đáng kinh ngạc. Thật vậy, vào giữa cuộc khủng hoảng, Robert Zoellick, khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về ảnh hưởng của cuộc đổ vỡ tài chính với tình trạng nghèo đói: các chuyên gia, ông nói, đã nói với ông rằng số người nghèo sẽ tăng đáng kể. Thật may mắn, họ đã sai. Thật ra, thế giới được kỳ vọng sẽ đạt được Những mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về đói nghèo được xác lập năm 2000 bởi Liên Hiệp Quốc sớm hơn nhiều so với dự kiến; một trong những mục tiêu là giảm nghèo đói cùng cực trên thế giới còn một nửa tới năm 2015, một mục tiêu đã đạt được trước đó năm năm.
Lời giải thích là bất chấp cuộc khủng hoảng, những nền kinh tế của các nước nghèo tiếp tục tăng trưởng và tạo ra việc làm. Và đó là một khuynh hướng đã bắt đầu ba thập kỷ trước: lấy ví dụ, 660 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo từ năm 1981. Ở châu Á, tỉ lệ người sống trong nghèo đói cùng cực đã giảm từ 77% dân số vào những năm 1980 xuống còn 14% năm 1998. Điều này xảy ra không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và những nền kinh tế mới nổi thành công khác mà còn cả ở những nước nghèo nhất tại châu Phi. Các nhà kinh tế Maxim Pinkovskiy và Xavier Sala-i-Martin chỉ ra rằng từ 1970 tới 2006, nghèo đói ở châu Phi đã giảm nhanh hơn nhiều so với cảm nhận chung. Kết luận của họ, dựa trên phân tích thống kê chính xác, là ở châu Phi “sự giảm nghèo mang tính phổ cập một cách ấn tượng: nó không thể được giải thích bởi một quốc gia lớn, hay thậm chí một nhóm các quốc gia sở hữu một số đặc điểm lợi thế về địa lý và lịch sử. Tất cả các kiểu quốc gia, bao gồm những nước với lịch sử và địa lý bất lợi, đều trải qua sự giảm nghèo. Đặc biệt, nghèo đói giảm cả ở những nước không có biển lẫn những nước ven biển; những nước giàu khoáng sản và nghèo khoáng sản; những nước với nền nông nghiệp được ưu ái và không được ưu ái; bất chấp nguồn gốc thuộc địa của quốc gia đó; và những nước dưới hay trên mức xuất khẩu nô lệ trung bình trên đầu người trong thời kỳ buôn bán nô lệ châu Phi. Năm 1998, lần đầu tiên kể từ khi có dữ liệu, đã có nhiều người ở châu Phi sống trên mức nghèo khó hơn là dưới mức đó”.5
Tất nhiên, hàng tỉ người vẫn đang sống trong những điều kiện khốn khó không thể kể xiết. Và có thu nhập ba hay năm đô-la mỗi ngày, thay vì 1,25 đô-la Mỹ mà Ngân hàng Thế giới trích dẫn là tiêu chuẩn nghèo cùng cực, vẫn có nghĩa là một cuộc đời vất vả và bị bóc lột. Nhưng thực tế đúng là chất lượng cuộc sống đã tăng, ngay cả với “một tỉ người dưới đáy”, nghèo và dễ tổn thương nhất của thế giới. Từ năm 2000, tỉ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm hơn 17%, và số trường hợp trẻ em chết vì bệnh sởi giảm 60% trong khoảng năm từ 1999 tới 2005. Ở các nước đang phát triển, số người bị xếp loại “thiếu dinh dưỡng” đã giảm từ 34% năm 1970 xuống còn 17% năm 2008.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở nhiều nước nghèo, kéo theo sự suy giảm của nghèo đói, đã tạo động lực cho một “tầng lớp trung lưu toàn cầu” tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng từ năm 2006, 28 nước “thu nhập thấp” trước kia đã gia nhập nhóm được gọi là nước “thu nhập trung bình”. Tầng lớp trung lưu mới này có thể không thịnh vượng bằng những người cùng hoàn cảnh ở các nước phát triển, nhưng thành viên của tầng lớp này đang tận hưởng một tiêu chuẩn sống chưa từng có tiền lệ. Và đây là nhóm tăng trưởng nhanh nhất về mặt nhân khẩu học trên thế giới. Như Homi Kharas của Viện Brookings, một trong những nhà nghiên cứu đáng kính nhất về tầng lớp trung lưu toàn cầu mới, đã nói với tôi: “Kích cỡ của tầng lớp trung lưu toàn cầu đã tăng gấp đôi từ khoảng 1 tỉ vào năm 1980 lên 2 tỉ vào năm 2012. Nhóm xã hội này vẫn đang tăng trưởng rất nhanh và có thể đạt tới 3 tỉ vào năm 2020. Tôi ước tính tới năm 2017, tầng lớp trung lưu châu Á sẽ đông hơn so với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Tới năm 2021, dựa trên những khuynh hướng hiện giờ, có thể có hơn 2 tỉ người châu Á ở các hộ gia đình trung lưu. Riêng ở Trung Quốc, có thể có hơn 670 triệu người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu”.6
Và Kharas nhanh chóng chỉ ra rằng điều này xảy ra không chỉ ở châu Á: “Khắp thế giới, những nước nghèo, tăng trưởng nhanh đã liên tục gia tăng tầng lớp trung lưu. Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ không tiếp tục trong những năm sắp tới, bất chấp vài cản trở thỉnh thoảng xuất hiện trên đường có thể làm chậm lại sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu ở vài nước trong một thời gian. Nhưng trên toàn cầu, khuynh hướng này là rõ ràng”.
Bối cảnh kinh tế xã hội thế giới đã thay đổi sâu sắc trong ba thập kỷ qua. Danh sách những thay đổi - thật ra là những thành tựu - vừa dài vừa đáng kinh ngạc: 84% dân số thế giới giờ biết đọc, so với 75% vào năm 1990. Giáo dục đại học tăng lên, và thậm chí điểm trung bình trong các cuộc trắc nghiệm trí thông minh trên toàn thế giới giờ cũng cao hơn. Trong khi đó, số người tử vong vì chiến tranh giảm xuống - ở mức hơn 40% từ năm 2000. Tuổi thọ trung bình ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch HIV/ AIDS đang tăng trở lại. Và chúng ta cung cấp cho nhu cầu nông nghiệp của mình tốt hơn bao giờ hết: từ năm 2000, sản lượng ngũ cốc ở các nước đang phát triển đã tăng gấp hai lần mức tăng dân số. Ngay cả “đất hiếm” - mười bảy loại nguyên tố hiếm được sử dụng trong chế tạo điện thoại và thiết bị lọc dầu - cũng không còn quá hiếm nữa, khi những nguồn cung cùng những nhà sản xuất mới gia nhập thị trường. Có lẽ lý do cho tất cả sự tiến bộ này là sự mở rộng nhanh chóng của cộng đồng các nhà khoa học chuyên môn cao: ở những nước được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành điều tra, số các nhà khoa học đang làm việc đã tăng từ 4,3 triệu vào năm 1996 lên 6,3 triệu vào năm 2009.7 Đó còn chưa tính đến một số nước với cộng đồng khoa học lớn đang tăng trưởng, đáng kể nhất là Ấn Độ.
Chắc chắn con người đang tận hưởng cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh hơn. Theo Chỉ số Phát triển Con người Liên Hiệp Quốc, kết hợp với chỉ số y tế, giáo dục và thu nhập để đưa ra một thước đo toàn cầu về phúc lợi, mặt bằng cuộc sống đã tăng ở khắp mọi nơi trên thế giới kể từ năm 1970. Thật ra, bạn có thể đếm trên một bàn tay những nước mà chỉ số này vào năm 2010 thấp hơn so với năm 1970. Và từ năm 2000 tới 2010 chỉ duy nhất một nước trên thế giới - Zimbabwe - chứng kiến chỉ số phát triển con người đi xuống. Từ tỉ lệ đói nghèo và tử vong ở trẻ em, tới thành tựu giáo dục và lượng calory hấp thụ, những con số chủ chốt vào cuối năm 2012 đều tốt hơn so với năm 2000. Nói một cách đơn giản, hàng tỉ người, cho tới gần đây còn sống mà hầu như chẳng có tài sản gì, giờ đã có nhiều thức ăn hơn, nhiều cơ hội hơn và sống lâu hơn bao giờ hết.
Mục tiêu của tôi không phải là phát biểu như Tiến sĩ Pangloss* của Voltaire**, người đã tuyên bố rằng “tất cả vì những điều tốt đẹp nhất trong những điều tốt đẹp nhất của tất cả những thế giới có thể”. Thật vậy, bất cứ điều nào trong những tiến bộ chói lòa đã được đề cập cũng chỉ ra các thách thức và kỳ vọng ghê gớm thường biến thành bi kịch. Sự tiến bộ của các nước nghèo đối lập rõ ràng với tình hình gần đây ở châu Âu và Mỹ, nơi giai cấp trung lưu từng tận hưởng nhiều thập kỷ tăng trưởng thịnh vượng đang đánh mất nền tảng kinh tế và suy giảm vì cuộc sụp đổ tài chính. Dẫu vậy, bức tranh chung của loài người, sống thọ và khỏe mạnh hơn, với những nhu cầu cơ bản được đáp ứng tốt hơn bao giờ hết, là cực kỳ quan trọng để hiểu sự chuyển đổi và tái phân phối quyền lực ngày nay - và để đặt vào trong bối cảnh những giải thích hợp thời hơn về các dòng sự kiện. Phải, Mùa xuân Ả Rập và các phong trào xã hội khác gần đây đã tận dụng một cách ngoạn mục công nghệ hiện đại. Nhưng chúng còn mắc nợ nhiều hơn từ sự gia tăng nhanh chóng của tuổi thọ trung bình ở Trung Đông và Bắc Phi từ năm 1980, bởi “sự giãn nở của tuổi trẻ” đã tạo ra hàng triệu người dưới 30 tuổi khỏe mạnh và được giáo dục, với một cuộc đời lâu dài ở phía trước, nhưng không có công ăn việc làm và triển vọng sáng sủa, và tất nhiên, bởi sự vươn lên của giai cấp trung lưu tích cực hoạt động chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà Mùa xuân Ả Rập bắt đầu ở Tunisia, quốc gia Bắc Phi với chỉ số kinh tế tốt nhất và đã thành công nhất trong việc đưa những người nghèo lên giai cấp trung lưu. Thật ra, một giai cấp trung lưu thiếu kiên nhẫn, có nhiều thông tin hơn, muốn sự tiến bộ diễn ra nhanh hơn những gì Chính phủ có thể làm được, không thể chịu đựng với tham nhũng, đã trở thành một lực lượng đối lập tiềm tàng, là động cơ thúc đẩy nhiều thay đổi chính trị của thập kỷ này. Chỉ mình sự gia tăng dân số và thu nhập là không đủ để thay đổi sự thực thi quyền lực: quyền lực vẫn có thể tập trung trong tay một số ít người. Nhưng cuộc cách mạng Nhiều Hơn không chỉ là về số lượng, nó cũng là về những cải thiện định lượng được trong đời sống con người. Khi con người hưởng dinh dưỡng tốt hơn, khỏe mạnh hơn, được giáo dục hơn, có nhiều thông tin hơn, và kết nối với người khác nhiều hơn, rất nhiều trong số các yếu tố khóa chặt quyền lực giờ không còn hiệu quả như thế nữa.
* Tiến sĩ Pangloss: nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Candide (1759) của Voltaire.
** Voltaire: là nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời khai sáng.
Điểm mấu chốt là: Khi con người đông đúc và sống cuộc đời viên mãn hơn, họ trở nên khó bị áp đặt và kiểm soát hơn.
Việc thực thi quyền lực trong bất cứ lĩnh vực nào liên quan tới, một cách cơ bản, khả năng áp đặt và duy trì sự kiểm soát lên một quốc gia, thị trường, khu vực bầu cử, nhóm những người đi theo, mạng lưới các tuyến đường thương mại và vân vân. Khi con người trong một vùng lãnh thổ - dù là binh sĩ, cử tri, khách hàng, người lao động, đối thủ cạnh tranh hay giáo dân triển vọng - đông đúc hơn và sở hữu trọn vẹn khả năng phát huy các phương tiện và chức năng của mình lớn hơn bao giờ hết, họ trở nên khó điều phối và kiểm soát hơn. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski, nhớ lại những thay đổi sâu sắc trong trật tự thế giới kể từ khi ông bước vào đời sống chính trị, trình bày mạch lạc: “Ngày nay, giết chết một triệu người chắc chắn là dễ dàng hơn kiểm soát họ”.8
Với những ai nắm quyền lực, cuộc cách mạng Nhiều Hơn đưa tới những thế lưỡng nan khó chịu: Làm sao để cưỡng chế hiệu quả khi việc sử dụng sức mạnh ngày càng đắt đỏ và rủi ro hơn? Làm sao để thực thi quyền hành khi đời sống của mọi người đầy đủ hơn và họ cảm thấy ít phụ thuộc và khó bị tổn thương hơn? Làm sao để ảnh hưởng lên mọi người và trao phần thưởng cho sự trung thành của họ trong một thế giới mà họ có nhiều lựa chọn hơn? Nhiệm vụ cai quản, tổ chức, vận động, ảnh hưởng, thuyết phục, đưa vào kỷ luật hay đàn áp một số đông người có tiêu chuẩn sống tương đối tốt đòi hỏi những phương pháp khác biệt so với những phương pháp vốn hiệu quả với một cộng đồng nhỏ hơn và kém phát triển hơn.
CUỘC CÁCH MẠNG DI ĐỘNG: CHẤM DỨT CẦM TÙ KHÁN GIẢ
Ngày nay không chỉ có nhiều người hơn, họ sống cuộc đời đầy đủ và khỏe mạnh hơn: họ cũng di chuyển nhiều hơn hẳn. Điều đó khiến họ khó kiểm soát hơn. Nó cũng thay đổi sự phân phối quyền lực bên trong và giữa người dân, dù thông qua sự vươn lên của những cộng đồng di cư sắc tộc, tôn giáo và nghề nghiệp hay của các véc-tơ ý tưởng, nguồn vốn và đức tin cá nhân, đều có thể dẫn đến sự bất ổn hay trao quyền. Liên Hiệp Quốc ước tính có 214 triệu người di cư trên toàn cầu, tăng 37% trong hai thập kỷ qua. Trong cùng giai đoạn, số những người di cư tăng 41% ở châu Âu và 80% ở Bắc Mỹ. Chúng ta đang trải qua cuộc cách mạng Di Động, trong đó số lượng người đang di chuyển lớn hơn bao giờ hết tại bất cứ thời điểm nào trong lịch sử thế giới.
Lấy ví dụ, hãy xem xét ảnh hưởng của sự di động toàn cầu gia tăng với phong trào lao động ở Mỹ. Năm 2005, nửa tá các liên đoàn lao động rời bỏ AFL-CIO* để thành lập một liên đoàn cạnh tranh có tên gọi Change to Win. Những liên đoàn tách ra này bao gồm Liên đoàn Quốc tế Người lao động Dịch vụ (SEIU) và Liên đoàn ngành dệt may UniteHere, cả hai có một tỉ lệ cao các công nhân nhập cư lương thấp trong đội ngũ, những người mà lợi ích và các ưu tiên khác với những công nhân trong liên đoàn các ngành công nghiệp và chế tạo kiểu cũ như Teamsters. Ảnh hưởng của sự chia tách này lan sang cả nền chính trị quốc gia. Như Jason DeParle, một phóng viên ở báo New York Times, đã viết: “Những liên đoàn Change to Win đã đóng một vai trò quan trọng (một số người cho rằng vai trò quyết định) trong những giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Obama”.9 Và trong nỗ lực tái cử của ông năm 2012, cử tri Latin đã chứng tỏ mình là những người bỏ lá phiếu quyết định. Một cách không ngờ tới, sự di động quốc tế giúp định hình kết quả chính trị ở Mỹ - như nó sẽ làm ở mọi nơi.
* AFL-CIO: Liên đoàn Lao động và Hiệp hội các Tổ chức Công nghiệp Mỹ (American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations).
Theo điều khoản của Đạo luật Trưng cầu Dân ý Sudan năm 2009 được cơ quan lập pháp Sudan thông qua, các cử tri từ cuộc di cư của Sudan, bao gồm khoảng 150.000 người ở Mỹ, đã được trao quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2011 liên quan tới quyết định liệu Nam Sudan có trở thành một quốc gia độc lập. Một số thành viên của Quốc hội Colombia được bầu ra bởi những người Colombia định cư ở nước ngoài. Những ứng viên chính trị cho ghế Thống đốc bang hay Tổng thống những nước với số người di cư lớn - lấy ví dụ như ghế Thống đốc bang ở Mexico hay Senegal - thường tới Chicago, New York hoặc London, hay bất cứ nơi nào đồng bào của họ đang sinh sống, để vận động các lá phiếu và tiền bạc.
Tương tự, những người di cư đang thay đổi các ngành kinh doanh, tôn giáo và nền văn hóa ở những nước họ tới định cư. Ở Mỹ, dân số gốc Latin đã tăng từ 22 triệu vào năm 1990 lên 51 triệu vào năm 2011, tới mức hiện cứ sáu người Mỹ thì có một người gốc Latin, họ chiếm hơn một nửa sự gia tăng dân số Mỹ trong thập kỷ qua. Và ở Dearborn, Michigan, tổng hành dinh thế giới của Ford Motor Company, 40% dân số là người Mỹ-Ả Rập, những thành viên Hồi giáo của nhóm này đã xây nên nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Bắc Mỹ. Những nhóm như thế đang làm thay đổi những hình mẫu liên minh và bỏ phiếu cũng như các chiến lược kinh doanh, thậm chí cả sự cạnh tranh thành viên của những nhà thờ. Các đảng chính trị, chính trị gia, doanh nghiệp và những định chế khác ngày càng đối mặt với những kẻ cạnh tranh có gốc rễ sâu hơn và hiểu biết tốt hơn nhóm dân số mới này. Điều tương tự đang diễn ra ở châu Âu, khi các Chính phủ không thể ngăn cản dòng người di cư từ châu Phi, châu Á, và thật ra là cả từ những nước châu Âu khác, ít giàu có hơn. Một trường hợp thú vị đáng xem xét: năm 2007, một người đàn ông sinh ở Nigeria được bầu lên ở Portlaoise, Ireland, một thị trấn của dân đi làm công nhật* phía Tây Dublin, và là thị trưởng da đen đầu tiên của nước này.
* Thị trấn mà phần lớn người dân đi làm ở những vùng khác mặc dù họ sống và sinh hoạt tại thị trấn.
Ngay cả những nỗ lực hạn chế sự di động mới này cũng có thể gây ra hậu quả gay gắt không ngờ tới. Jorge G. Castañeda, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, và Douglas S. Massey, một nhà xã hội học ở Đại học Princeton, giải thích rằng để đáp lại sự đối xử hà khắc hơn và môi trường thiếu chào đón với người di cư ở một số bang của Mỹ, “nhiều công dân thường trú gốc Mexico đã đưa ra lựa chọn không ngờ tới: Thay vì rời nước Mỹ vì cảm thấy không được chào đón, họ trở thành công dân Mỹ - một hành động được biết tới như là ‘nhập tịch phòng vệ’. Trong thập kỷ trước năm 1996, trung bình 29.000 người Mexico nhập tịch mỗi năm, từ năm 1996, trung bình có 125.000 người mỗi năm, tạo ra hai triệu công dân mới, những người sau đó có thể mang người thân gần gũi của họ sang. Hiện giờ, gần 2/3 những công dân thường trú từ Mexico vào Mỹ với tư cách thân nhân của công dân Mỹ”.10 Tất nhiên, những công dân mới này cũng là một cử tri - một thực tế đang định hình lại bối cảnh bầu cử.
Những người di cư gửi hàng tỉ đô-la kiều hối về quê nhà họ, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trên toàn cầu, họ chuyển phát, gửi qua bưu điện hoặc mang về quê nhà 449 tỉ đô-la Mỹ trong năm 2010 (Năm 1980, kiều hối tổng cộng chỉ 37 tỉ).11 Ngày nay, kiều hối lớn hơn năm lần so với tổng viện trợ nước ngoài trên toàn thế giới và lớn hơn dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm vào các nước nghèo. Nói một cách ngắn gọn, những công nhân sống xa quê - và thường chính họ cũng nghèo khó - gửi nhiều tiền về quê hơn các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều hơn các nước giàu gửi viện trợ tài chính.12 Thật vậy, với nhiều nước, kiều hối đã trở thành nguồn tiền mặt lớn nhất và trên thực tế, lĩnh vực lớn nhất của nền kinh tế, qua đó chuyển đổi cấu trúc kinh tế và xã hội truyền thống cũng như bối cảnh thương mại.
Có lẽ khía cạnh quyết liệt nhất làm thay đổi quyền lực của cuộc cách mạng Di Động là sự đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa vốn nhanh nhất trong lịch sử đang tiếp tục tăng tốc, nhất là ở châu Á. Nhiều người đã di chuyển và tiếp tục di chuyển, từ các trang trại sang thành phố, hơn bao giờ hết. Năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử, có nhiều người sống ở thành phố hơn ở các vùng nông thôn. Richard Dobbs mô tả quy mô rộng lớn của sự chuyển đổi này như sau: “Siêu đô thị* sẽ là nhà của tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở Trung Quốc và Ấn Độ - tạo ra những thị trường tiêu dùng lớn hơn Nhật Bản và Tây Ban Nha ngày nay”.13 Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ tính toán rằng “mỗi năm 65 triệu người được bổ sung vào dân số thành thị thế giới, bằng với việc thêm 7 thành phố bằng Chicago hay 5 thành phố bằng London mỗi năm”.14 Hậu quả của cuộc cách mạng này với sự phân phối quyền lực mang tính nội tại ghê gớm, thật vậy, ngày càng nhiều người đang chi tiêu và đầu tư ở hai (hay nhiều hơn) quốc gia cùng lúc. Sự di cư nội bộ - đặc biệt là những chuyển đổi dân số từ nông thôn sang thành phố - có thể cũng gây ra sự đứt gãy với quyền lực như sự di cư quốc tế.
* Siêu đô thị: là thuật ngữ chỉ các khu vực đô thị có dân số hơn 10 triệu.
Dù không có tác động rộng bằng sự đô thị hóa, một hình thức di động mới cũng đang định hình lại bối cảnh quyền lực: sự luân chuyển chất xám. Các nước nghèo có khuynh hướng mất nhiều công dân lành nghề và học vấn cao hơn vào tay những nước giàu, vốn thu hút họ bằng kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự “chảy máu chất xám” nổi tiếng này lấy mất của các quốc gia những y tá, kỹ sư, nhà khoa học, doanh nhân và các chuyên gia ngành khác với chi phí đào tạo đắt đỏ - những sự ra đi rõ ràng làm giảm nguồn vốn con người của các quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những người có chuyên môn trở lại cố hương và làm đảo lộn những ngành kinh doanh cũng như trong các ngành sản xuất, các trường đại học, truyền thông và chính trị. AnnaLee Saxenian, hiệu trưởng trường Thông tin ở Đại học California, Berkeley, thấy rằng những người di cư Đài Loan, Ấn Độ, Israel và Trung Quốc từng làm việc ở Thung lũng Silicon, California, thường trở thành những “nhà đầu tư thiên thần” và “nhà tư bản mạo hiểm” ở quê hương họ, khởi động nhiều công ty và dần dần quay trở về, hay bay qua bay lại giữa đất nước mới và cũ (điều đó giải thích tại sao Saxenian gọi nó là sự luân chuyển chất xám). Bằng cách này, họ mang theo văn hóa, những cách tiếp cận, kỹ thuật mà họ học được ở Mỹ về nước. Không thể tránh khỏi, ở trường hợp của các doanh nhân, nền văn hóa doanh nghiệp cơ động, cạnh tranh cao và có tính phá vỡ trật tự phổ biến - tồn tại ở những trung tâm kinh doanh lớn - xung đột với cách làm ăn đơn nhất và truyền thống - thường thấy ở các nước đang phát triển với những tập đoàn kinh doanh gia đình trị chiếm ưu thế. Đây là một ví dụ khác về những cách đáng ngạc nhiên mà cuộc cách mạng Di Động đang làm thay đổi sự thâu tóm và thực thi quyền lực ở các xã hội truyền thống, nhưng thay đổi nhanh.15
Sự di chuyển của những người di cư tạm thời và lâu dài xảy ra trong bối cảnh sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, tiền bạc, thông tin và các ý tưởng gia tăng mạnh. Du hành cự ly ngắn đã tăng gấp bốn lần: năm 1980, số khách du lịch quốc tế chỉ chiếm 3,5% dân số toàn cầu, so với gần 14% vào năm 2010.16 Mỗi năm, ước tính có 320 triệu người dùng máy bay để tham dự các cuộc họp ngành nghề, hội thảo và sự kiện quốc tế - và con số này tiếp tục tăng đều đặn.17
Thương mại hàng hóa hầu như không bị chậm lại bởi cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2008. Năm 1990, tổng xuất nhập khẩu của thế giới chiếm 39% nền kinh tế toàn cầu; tới năm 2010, con số này đã tăng lên 56%. Và từ năm 2000 tới 2009, tổng giá trị hàng hóa thương mại đi qua các biên giới tăng gần gấp đôi, từ 6,5 nghìn tỉ đô-la Mỹ lên 12,5 nghìn tỉ đô-la Mỹ (theo thời giá đô-la hiện tại), theo Liên Hiệp Quốc. Tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong giai đoạn đó tăng từ 7,9 nghìn tỉ đô-la Mỹ lên 18,7 nghìn tỉ đô-la Mỹ, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tiền cũng trở nên cơ động một cách chưa có tiền lệ. Khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài - ước tính theo tỉ lệ nền kinh tế thế giới - nhảy từ 6,5% vào năm 1980 lên mức cao ngất 30% năm 2010, trong khi khối lượng tiền tệ di chuyển ở quy mô quốc tế mỗi ngày tăng bảy lần trong giai đoạn giữa năm 1995 và 2010. Trong năm 2010, hơn 4 nghìn tỉ đô-la Mỹ đã đổi chủ qua các biên giới quốc tế mỗi ngày.18
Khả năng di chuyển thông tin cũng đã được mở rộng rất lớn. Bao nhiêu người bạn biết không sở hữu một chiếc điện thoại di động? Rất ít. Câu trả lời này đúng ngay cả ở những nước nghèo nhất và hỗn loạn nhất. “Các Công Ty Điện Thoại Di Động Somalia Phát Đạt Bất Chấp Hỗn Loạn” là tựa đề một bản tin mà hãng thông tấn Reuters* phát đi từ đất nước bị tàn phá này năm 2009.19 Somalia tiêu biểu cho khái niệm “nhà nước thất bại”, một xã hội mà người dân khó tiếp cận các dịch vụ cơ bản mà hầu hết chúng ta coi là đương nhiên. Tuy nhiên, ngay cả ở đó, điện thoại di động của thế kỷ XXI cũng có khắp mọi nơi. Sự phổ biến của điện thoại di động thật đáng ngạc nhiên bởi tốc độ cũng như sự mới mẻ của nó. Năm 1990, cứ 100 người thì có 0,2 thuê bao điện thoại di động. Tới năm 2010, con số đã bùng nổ lên đến hơn 78 thuê bao cho mỗi 100 người.20 Hiệp hội Viễn thông Quốc tế cho biết năm 2010, số thuê bao di động đã vượt mốc 6 tỉ - một tỉ lệ đáng kinh ngạc, tương đương 87% dân số thế giới.21
* Reuters: hãng thông tấn lớn nhất thế giới có trụ sở ở thủ đô London, Vương Quốc Anh.
Và, tất nhiên rồi, còn có Internet. Không cần phải phân tích tỉ mỉ sự phổ biến của nó và những phương thức mới đáng kinh ngạc mà nó được sử dụng (và lạm dụng). Năm 1990, số người dùng Internet là không đáng kể - chỉ 0,1% dân số thế giới. Con số đó tăng lên 30% dân số thế giới vào năm 2010 (và hơn 73% ở các nước phát triển).22 Tới năm 2012, Facebook tám tuổi đang trên đà có hơn 1 tỉ người dùng (hơn một nửa truy cập mạng xã hội này thông qua điện thoại di động và máy tính bảng của họ), Twitter (ra mắt năm 2006) có 140 triệu người sử dụng hoạt động, Skype - dịch vụ thoại qua Internet được tạo ra năm 2003 - tự hào với gần 700 triệu người dùng thường xuyên.23
Cuộc cách mạng Twitter và Facebook ở Trung Đông cùng ảnh hưởng của mạng xã hội lên chính trị đã được thảo luận nhiều, giờ chúng ta tìm hiểu vai trò của chúng trong sự suy tàn của quyền lực. Nhưng trên phương diện thảo luận ban đầu về cuộc cách mạng Di Động này, chúng ta cũng nên xem xét ảnh hưởng của một công cụ khác đã không nhận được sự khen ngợi xứng đáng trong việc thay đổi thế giới: thẻ điện thoại trả trước. Người dùng web cần điện, một chiếc máy tính và một nhà cung cấp dịch vụ Internet, những thứ hầu hết chúng ta coi là đương nhiên, nhưng quá đắt đỏ cho hầu hết dân số thế giới. Người dùng thẻ trả trước chỉ cần vài xu và một chiếc điện thoại để kết nối với phần còn lại của thế giới, bất chấp địa điểm của họ bị cô lập hay xa xôi tới đâu. Sự tăng trưởng của việc sử dụng thẻ điện thoại trên quy mô toàn cầu nhanh chóng vượt qua sự tăng trưởng của Internet. Thẻ điện thoại trả trước được phát minh ở Ý năm 1976 để đối phó với việc thiếu tiền xu kim loại và giảm tình trạng ăn cắp, phá hoại ở các trạm điện thoại trả tiền. Sản phẩm mới gặt hái thành công và đến năm 1977, nó được ra mắt ở Áo, Pháp, Thụy Điển, Anh và năm năm sau, ở Nhật Bản (cùng một nguyên nhân là sự thiếu hụt tiền xu). Nhưng sự tăng trưởng thực sự bùng nổ một khi những thẻ điện thoại trả trước trở nên phổ biến ở các nước nghèo trên thế giới. Được thúc đẩy bởi lợi nhuận ở các nước nghèo, doanh thu của ngành này tăng vọt từ 25 triệu đô-la Mỹ vào năm 1993 lên hơn 3 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2000.24 Ngày nay thẻ điện thoại trả trước đang nhường chỗ cho điện thoại di động trả trước. Thực ra, điện thoại di động trả trước đã thay thế cho những thẻ trả trước vốn đòi hỏi đăng ký dài hạn và cột chặt người dùng với một nhà cung cấp dịch vụ qua một hợp đồng chi tiết.25 Những người nghèo phải rời nhà để tìm kiếm một công việc tốt hơn, hay đơn giản là một công việc, ở nơi xa xôi không còn phải đối mặt với lựa chọn khắc nghiệt giữa việc được gần gũi gia đình cùng cộng đồng và việc cải thiện tài chính nữa.
Hai đặc điểm chung của những công nghệ tăng cường sự di động này là tốc độ và mức độ sụt giảm trong chi phí vận chuyển hàng hóa, tiền bạc, con người và thông tin. Những tấm vé máy bay từng tốn kém hàng nghìn đô-la giờ có thể được mua với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với 20 hay 30 năm trước, chi phí cho việc vận chuyển một tấn hàng hóa theo dặm ngày nay thấp hơn mười lần so với những năm 1950. Chuyển tiền từ California tới Mexico vào cuối những năm 1990 tốn khoảng 15% số tiền được chuyển, ngày nay chỉ còn không tới 6%. Các nền tảng điện thoại di động cho phép chuyển tiền từ một điện thoại di động này sang một điện thoại khác khiến những khoản kiều hối gần như không tốn phí.
Và chính xác thì tất cả những thay đổi mang tính cách mạng này trong sự di động và thông tin liên lạc có ý nghĩa như thế nào với quyền lực? Cuộc cách mạng Di Động gây ra tác động sâu sắc chỉ có thể nắm bắt bằng trực giác giống như cuộc cách mạng Nhiều Hơn. Thực thi quyền lực không chỉ cần duy trì sự kiểm soát và phối hợp với một vùng lãnh thổ thực hay hữu hình, mà còn cần giám sát những đường biên giới của nó. Điều đó đúng với một quốc gia-nhà nước, nhưng cũng đúng cho một doanh nghiệp thống trị một thị trường nhất định, một tổ chức chính trị phụ thuộc vào một khu vực bầu cử giới hạn về địa lý, hay một ông bố muốn kiểm soát các con cái của mình. Quyền lực cần một khán giả bị cầm tù. Trong tình huống mà các công dân, cử tri, nhà đầu tư, người lao động, giáo dân hay khách hàng có ít hay không có lựa chọn thay thế nào, họ không có cách nào ngoài việc chấp thuận những điều khoản của định chế mà họ đang đối mặt. Nhưng khi đường biên giới thủng lỗ chỗ và những người dân bị cai trị - hay bị kiểm soát - trở nên cơ động hơn, những tổ chức nắm quyền vốn được bảo vệ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ vững quyền thống trị. Ví dụ cực đoan nhất là sự di cư, khi người ta đơn giản là di chuyển từ sự phân phối quyền lực này sang một sự phân phối khác, nhờ đó đặt bản thân vào một vị trí mà họ tin rằng mình có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Không thể tránh khỏi, sự lưu thông và vận tải dễ dàng cùng những cách nhanh hơn, ít tốn kém hơn để vận chuyển thông tin, tiền bạc hay các giá trị khiến cuộc sống dễ dàng hơn cho những kẻ thách thức và khó khăn hơn cho những kẻ nắm quyền.
CUỘC CÁCH MẠNG TINH THẦN:
KHÔNG CÒN GÌ LÀ TẤT NHIÊN NỮA
Vào cuối những năm 1960, Samuel Huntington, nhà khoa học chính trị ở Đại học Harvard, đã đưa ra tranh luận nổi tiếng rằng một nguyên nhân nền tảng của sự bất ổn xã hội và chính trị ở các nước đang phát triển - mà ông thích gọi là “những xã hội thay đổi nhanh chóng” - là bởi kỳ vọng của mọi người tăng nhanh hơn nhiều so với khả năng của bất cứ Chính phủ nào để có thể thỏa mãn được họ.26 Những cuộc cách mạng Nhiều Hơn và Di động đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, rộng lớn và tăng trưởng nhanh, mà các thành viên của nó ý thức rõ rằng nhiều người khác được tận hưởng sự phồn vinh, tự do hay sự hài lòng bản thân còn lớn hơn họ nữa - và họ hi vọng lẫn kỳ vọng sẽ bắt kịp. “Cuộc cách mạng của những kỳ vọng” và sự ngắt kết nối nó tạo ra giờ mang tính toàn cầu. Sức ảnh hưởng của chúng tới các nước giàu và nước nghèo là như nhau. Thật ra, phần đa số áp đảo của dân số thế giới đang sống trong những đất nước có thể được gọi là “những xã hội thay đổi nhanh chóng”. Sự khác biệt, tất nhiên, là trong khi ở các nước đang phát triển, giai cấp trung lưu đang mở rộng; còn ở hầu hết các nước giàu, nó đang thu hẹp. Và cả giai cấp trung lưu đang tăng lên và giảm xuống đều tạo động lực cho rối loạn chính trị. Những giai cấp trung lưu đang thu hẹp thì xuống đường và đấu tranh để bảo vệ tiêu chuẩn sống của họ, trong khi những giai cấp trung lưu đang mở rộng lại biểu tình để có nhiều những hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Ở Chile chẳng hạn, các sinh viên đã bạo động gần như liên tục từ năm 2009, đòi hỏi giáo dục đại học rẻ hơn và tốt hơn. Không phải là vấn đề khi vài thập kỷ trước, sự tiếp cận giáo dục bậc cao là đặc quyền dành riêng cho một nhóm nhỏ tinh hoa, còn các trường đại học giờ đây tràn ngập con trai và con gái của tầng lớp trung lưu mới. Với các sinh viên và cha mẹ họ, sự tiếp cận giáo dục bậc cao không còn đủ nữa. Họ muốn giáo dục rẻ hơn và tốt hơn. Và họ muốn ngay. Điều tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi những cuộc biểu tình về chất lượng kém cỏi của các căn hộ chung cư, bệnh viện và trường học trở nên phổ biến. Ở đây, lập luận rằng vài năm trước thậm chí còn không có các căn hộ, và trường học đó không xoa dịu được nỗi bất bình của những người mong muốn sự cải thiện từ chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục đang được cung cấp. Đây là một kiểu tư duy mới - một sự thay đổi về tinh thần - gây ra hậu quả nghiêm trọng với quyền lực.
Một sự thay đổi sâu sắc trong kỳ vọng và tiêu chuẩn đang diễn ra không chỉ trong các xã hội tự do, mà ngay cả trong những xã hội thủ cựu nhất. Hầu hết mọi người quan sát thế giới, những người láng giềng, ông chủ, những nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị gia và Chính phủ của họ với đôi mắt khác so với bố mẹ của họ. Ở một mức độ nào đó, điều này luôn xảy ra. Nhưng tác động của cuộc cách mạng Nhiều Hơn và Di động đã mở ra ảnh hưởng rất rộng về nhận thức, thậm chí là cảm xúc, của việc tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực và khả năng di chuyển, học hỏi, kết nối và liên lạc rộng hơn, cũng như rẻ hơn bao giờ hết. Không thể tránh khỏi, điều này làm sâu sắc thêm khoảng cách liên thế hệ về mặt tinh thần - và trong thế giới quan.
NÓ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Hãy xem xét tình trạng ly hôn, lời nguyền đối với nhiều xã hội truyền thống, ngày nay lại trở nên phổ biến khắp nơi. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2010 cho thấy tỉ lệ ly hôn đã tăng ngay cả ở các quốc gia bảo thủ vùng Vịnh, đạt tới 20% ở Ả Rập Xê-út, 26% ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và 37% ở Cô-oét. Thêm vào đó, việc tỉ lệ ly hôn cao hơn có tương quan tới giáo dục. Cụ thể, số phụ nữ có học tăng lên đang gây ra sức ép cho những cuộc hôn nhân bảo thủ, dẫn tới xung đột trong hôn nhân và các cuộc ly dị chóng vánh được tuyên bố bởi những người chồng cảm thấy bị đe dọa. Ở Cô-oét, tỉ lệ ly dị tăng nhanh tới 47% trong những cặp vợ chồng mà cả hai đều có bằng đại học. “Phụ nữ thường chấp nhận những hy sinh xã hội”, nhà xã hội học và tác giả người Ả Rập Xê-út, Mona al-Munajjed, nói, so sánh các xã hội vùng Vịnh ba mươi năm trước với ngày nay. “Hiện giờ họ sẽ không chấp nhận điều đó nữa”.27
Thế giới Hồi giáo không chỉ là một nguồn dồi dào ví dụ về việc cuộc cách mạng Tinh Thần đang thay đổi những truyền thống lâu đời ra sao, từ sự vươn lên của thời trang và ngành công nghệ sắc đẹp nhắm vào những phụ nữ đeo hijabi (mạng hay khăn trùm kín đầu), tới sự lan rộng của ngân hàng không lãi suất ở các nước phương Tây, nơi những cộng đồng Hồi giáo di cư lớn đã được thành lập. Trong khi đó ở Ấn Độ, sự chuyển đổi thái độ đang lan từ thế hệ trẻ sang thế hệ lớn tuổi hơn: một đất nước mà ly hôn từng một thời bị coi là đáng hổ thẹn - đặc biệt là phụ nữ bị phản đối tái hôn - giờ chứng kiến ngành quảng cáo hôn nhân ngày càng năng động nhắm một cách tích cực vào những công dân cao tuổi đã ly dị, một số người ở độ tuổi tám mươi hay thậm chí là chín mươi, tìm kiếm tình yêu vào cuối đời mà không hề xấu hổ. Những người trưởng thành đang từ bỏ các cuộc hôn nhân sắp đặt mà họ bị ép buộc khi còn trẻ. Cuối đời, họ cuối cùng đã có thể nổi loạn chống lại những quyền lực, phép tắc của gia đình, cộng đồng, xã hội và tôn giáo. Họ đã thay đổi về mặt tinh thần.
Sự thay đổi trong tinh thần lẫn thái độ đối với quyền lực và uy quyền cũng đang diễn ra đối với những người trẻ tuổi - một bộ phận dân số giờ đông đảo hơn bao giờ hết so với trước kia. Theo Hội đồng Tình báo Mỹ, “Ngày nay, hơn 80 quốc gia có dân số với độ tuổi trung bình là 25 tuổi, hoặc thấp hơn. Các quốc gia này đã tạo thành một nhóm có ảnh hưởng rất lớn lên các vấn đề thế giới - kể từ những năm 1970, khoảng 80% tất cả các cuộc xung đột dân sự và sắc tộc có vũ trang… có nguồn gốc từ những quốc gia với dân số trẻ. ‘Biểu đồ nhân khẩu học của sự bất ổn’ được vẽ ra bởi những dân số trẻ này, bao gồm những nhóm ở giữa tại Trung Mỹ và Trung Andes, bao phủ toàn bộ châu Phi hạ Sahara* và trải dài khắp Trung Đông tới Nam và Trung Á”.28
* Châu Phi hạ Sahara: là một thuật ngữ địa lý được dùng để miêu tả một vùng của lục địa Châu Phi nằm phía Nam Sahara, hay các quốc gia châu Phi nằm hoàn toàn hay một phần ở phía Nam Sahara.
Xu hướng nghi ngờ uy quyền và thách thức quyền lực của người trẻ tuổi giờ được khuếch đại bởi các cuộc cách mạng Nhiều Hơn và Di động. Không chỉ có nhiều hơn bao giờ hết những người dưới độ tuổi ba mươi, họ cũng có nhiều hơn bao giờ hết - thẻ điện thoại trả trước, radio, ti-vi, điện thoại di động, máy tính và sự tiếp cận Internet, cũng như khả năng đi lại lẫn thông tin liên lạc với những người giống họ ở quê nhà và trên khắp thế giới. Họ cũng cơ động hơn bao giờ hết. Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số đang già đi có thể là chủ điểm ở một vài xã hội công nghiệp hóa, nhưng ở nơi khác, những người trẻ - bất tuân trật tự, tìm kiếm sự thay đổi, thách thức, nắm thông tin tốt hơn, cơ động và được kết nối - tạo thành nhóm nhân khẩu học lớn nhất. Và như chúng ta thấy ở Bắc Phi và Trung Đông, họ có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ.
Bức tranh này bị phức tạp hóa ở một số xã hội hiện đại do những khuynh hướng nhân khẩu học giao cắt vốn được thúc đẩy bởi sự di cư. Cuộc điều tra dân số Mỹ vào năm 2010 cho thấy dân số Mỹ dưới 18 tuổi đã trải qua một thập kỷ dài suy giảm nếu không có hàng triệu người trẻ di cư từ Latin và châu Á. Những người di cư trẻ tuổi này là nhân tố quan trọng đằng sau một sự chuyển đổi chưa có tiền lệ: năm 2012, những em bé da trắng là thiểu số trong các ca sinh ở Mỹ.29 Theo William Frey, một nhà nhân khẩu học ở Viện Brookings, bởi tỉ lệ những người di cư ở Mỹ đã ở mức thấp nhất thế kỷ XX từ 1946 tới 1964, những người (Mỹ) thuộc thế hệ bùng nổ dân số tiếp xúc ít nhất với người từ các quốc gia khác. Ngày nay, những người nhập cư chiếm 13% dân số và họ đa dạng hơn nhiều. Điều này tạo ra sự cô lập dai dẳng. Trong những người Mỹ hơn 50 tuổi, 76% là người da trắng, và dân số da đen, ở mức 10%, là cộng đồng thiểu số lớn nhất. Trong những người trẻ hơn 30 tuổi, 55% là da trắng. Người Latin, châu Á và các sắc tộc thiểu số không phải da đen khác chiếm 31% nhóm tuổi này. Những người trẻ hơn, nhiều khả năng hơn hẳn thế hệ người Mỹ thứ nhất và thứ hai của những người không có nguồn gốc châu Âu, có thể nói được tiếng Anh và những ngôn ngữ khác.30
Nói ngắn gọn, những người già ngày nay không chỉ không hiểu, họ thậm chí không thể nói. Nhưng cho những ai tìm kiếm việc giành lấy, thực thi và nắm giữ quyền lực ở Mỹ và châu Âu, hiểu biết về tư duy và kỳ vọng của những cử tri mới này sẽ là rất quan trọng.
Một số cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu đang cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về mức độ và sự mau lẹ của sự thay đổi thái độ này. Từ năm 1990, Cuộc điều tra Các giá trị Thế giới (WVS) đã theo dõi những thay đổi trong thái độ của mọi người ở hơn 80 quốc gia, chiếm 85% dân số thế giới. Cụ thể, Ronald Inglehart, giám đốc WVS, và một số đồng tác giả của ông, đáng kể có Pippa Norris* và Christian Welzel**, đã ghi nhận những thay đổi sâu sắc trong thái độ liên quan tới sự khác biệt về giới tính, tôn giáo, Chính phủ và sự toàn cầu hóa. Một trong những kết luận của họ về những thay đổi trong tư tưởng con người là có một sự nhất trí ngày càng cao trên toàn cầu liên quan tới tầm quan trọng của sự tự trị cá nhân và bình đẳng giới, cũng như sự không chấp nhận phổ biến tương ứng với chủ nghĩa toàn trị.31
* Pippa Norris: nhà khoa học chính trị so sánh người Anh.
** Christian Welzel: nhà khoa học chính trị người Đức.
Mặt khác, bằng chứng thăm dò phong phú chỉ ra một khuynh hướng thái độ sâu sắc tương đương nhưng đáng lo hơn: ở những nền dân chủ trưởng thành (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản), sự tin tưởng của dư luận vào những nhà lãnh đạo và các định chế cai trị dân chủ như Nghị viện, các Đảng chính trị và hệ thống tư pháp không chỉ thấp, mà còn cho thấy sự suy giảm liên tục.32
Nhận xét về khuynh hướng này, Jessica Mathews, Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ghi nhận rằng:
Cứ hai năm một lần, kể từ năm 1958, nhóm Nghiên cứu Bầu cử Quốc gia Mỹ lại hỏi người dân Mỹ cùng một câu: “Bạn có tin tưởng rằng Chính phủ Washington làm điều đúng đắn, trong phần lớn thời gian?” Cho tới giữa những năm 60, 75% người Mỹ trả lời có. Sự suy giảm bắt đầu sau đó và tiếp tục lao dốc trong mười lăm năm, cho tới năm 1980, chỉ 25% trả lời có. Tất nhiên, trong thời kỳ chuyển giao là cuộc Chiến tranh Việt Nam, hai vụ ám sát, vụ bê bối Watergate* và việc Tổng thống suýt bị luận tội, cùng lệnh cấm vận dầu mỏ của thế giới Ả Rập. Vậy nên, có rất nhiều lý do để mọi người cảm thấy Chính phủ xa rời, thậm chí là đối nghịch với người dân. Nhưng điều quan trọng nhất là lòng tin không thể khôi phục. Trong ba thập kỷ qua, mức độ đồng ý ở đâu đó quanh khu vực từ 20 tới 35%. Tỉ lệ tin tưởng giảm xuống hơn một nửa vào khoảng năm 1972. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai dưới tuổi 40 đã sống cả cuộc đời của họ ở một quốc gia mà phần lớn người dân không tin tưởng rằng chính Chính phủ của họ làm điều mà họ nghĩ là đúng. Suốt bốn thập kỷ dài, không thay đổi lớn nào trong vị trí lãnh đạo và trong hệ tư tưởng mà người Mỹ đã bỏ phiếu thay đổi được điều đó. Hãy nghĩ về ý nghĩa của nó đối với sự vận hành lành mạnh của một nền dân chủ, khi mà 2/3 tới 3/4 người dân không tin Chính phủ của họ làm điều đúng đắn trong phần lớn thời gian.33
* Vụ bê bối Watergate: là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ trong thái độ được chứng thực bởi Gallup*, vốn đã theo dõi ý kiến dư luận từ năm 1936. Lấy ví dụ, Gallup thấy rằng ở Mỹ, sự tán đồng của dư luận với các liên đoàn lao động và sự tin tưởng vào Quốc hội, các Đảng chính trị, doanh nghiệp, ngân hàng lớn, báo chí, tin tức truyền hình và rất nhiều định chế nền tảng khác đang suy giảm (Quân đội là một trong sô ít ỏi những định chế giữ được lòng tin và sự ủng hộ của người dân Mỹ).34 Ngay cả Tòa án Tối cao Mỹ, một định chế từ lâu đã có uy tín rất cao trong lòng người Mỹ, cũng hứng chịu sự suy giảm ủng hộ mạnh của công chúng - từ tỉ lệ tán đồng gần 70% trong cuộc thăm dò năm 1986 xuống còn 40% vào năm 2012.35
* Gallup: là một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C.
Không có gì ngạc nhiên khi, theo dữ liệu thăm dò thu thập được của Dự án Pew về Thái độ Toàn cầu xác nhận, sự suy giảm lòng tin vào Chính phủ và các định chế khác không chỉ là hiện tượng riêng của nước Mỹ.36 Trong cuốn Critical Citizens (tạm dịch: Công Dân Phê Bình), Pippa Norris của Đại học Harvard và một mạng lưới quốc tế các chuyên gia đã kết luận rằng: sự không hài lòng đối với hệ thống chính trị và những định chế Chính phủ cốt lõi là hiện tượng đang gia tăng và mang tính toàn cầu.37 Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát ở Mỹ rồi tàn phá châu Âu, thổi bùng lên những cảm xúc mạnh mẽ nhằm vào các nhân tố đầy quyền lực mà dư luận cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng: Chính phủ, các chính trị gia, các ngân hàng và vân vân.38
Không cuộc thăm dò nào trong số đó bao quát hết mọi khía cạnh, nhưng mỗi cuộc thăm dò cho thấy ít nhất một vài cách mà thái độ và các giá trị đang thay đổi là kết quả của - và đôi khi diễn ra trước - những thay đổi chính trị và vật chất trong đời sống con người.
Cuộc cách mạng Tinh Thần chứa đựng những thay đổi sâu sắc trong các giá trị, tiêu chuẩn và quy tắc. Nó phản ánh tầm quan trọng gia tăng đang đóng góp vào sự minh bạch, quyền sở hữu tài sản và vào sự công bằng, dù là trong cách đối xử với phụ nữ trong xã hội, với những sắc tộc ít người và nhóm thiểu số khác, thậm chí cả với những cổ đông thiểu số ở các doanh nghiệp. Rất nhiều trong số những tiêu chuẩn và quy tắc này có gốc rễ triết học sâu xa. Nhưng sự lan truyền và phổ biến của chúng ngày nay - dù vẫn chưa đồng đều và chưa hoàn hảo - thật ngoạn mục. Những thay đổi tinh thần này được thúc đẩy bởi sự thay đổi nhân khẩu và cải cách chính trị, bởi sự mở rộng của nền dân chủ và sự thịnh vượng, bởi sự gia tăng mạnh mẽ tỉ lệ người biết đọc và sự tiếp cận với giáo dục - và bởi sự bùng nổ trong thông tin liên lạc và truyền thông.
Sự toàn cầu hóa, đô thị hóa, những thay đổi trong cấu trúc gia đình, sự vươn lên của nhiều ngành và cơ hội mới, sự lan rộng của tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu - những điều này đã để lại hậu quả trên mọi phương diện, nhưng tác động sâu sắc nhất nằm ở tầm mức các thái độ. Thật vậy, tác động đáng chú ý của thay đổi này là sự gia tăng nổi bật chưa từng có của khát vọng như là động cơ cho các hành động và hành vi của chúng ta. Khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn là đặc điểm bình thường ở con người, nhưng khát vọng hướng tới những ví dụ và câu chuyện cụ thể về cách cuộc sống có thể trở nên tốt hơn, chứ không phải một ý niệm trừu tượng nào đó về sự cải thiện, là điều thúc đẩy mọi người hành động. Chẳng hạn, những nhà kinh tế đã chứng tỏ đây là nguyên do của sự di cư: Mọi người di cư không phải vì sự thiếu thốn tuyệt đối, mà vì sự thiếu thốn tương đối, không phải vì họ nghèo, mà vì họ ý thức rằng họ có thể làm tốt hơn. Chúng ta càng liên lạc nhiều với nhau, mức độ những tương tác đó tạo ra khát khao càng lớn.
Những tác động của cuộc cách mạng Tinh Thần với quyền lực có nhiều tầng lớp và phức tạp. Sự kết hợp giữa những giá trị toàn cầu đang nổi lên và sự gia tăng các hành vi tạo cảm hứng gây ra những thách thức khó khăn nhất cho cơ sở đạo lý của quyền lực. Nó giúp lan truyền ý tưởng rằng mọi thứ không nhất thiết phải diễn ra như chúng vốn thế - rằng luôn có, ở đâu đó và cách nào đó, một con đường tốt hơn. Nó tạo ra sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng với bất cứ uy quyền nào, cùng sự không sẵn sàng chấp nhận nghiễm nhiên bất cứ sự phân phối quyền lực nào.
Một trong những ví dụ tốt nhất về cả ba cuộc cách mạng này diễn ra đồng thời là ngành thuê ngoài* của Ấn Độ. Những người Ấn Độ trẻ và có học, thuộc tầng lớp trung lưu đang lên, đổ về làm việc ở những trung tâm hỗ trợ qua điện thoại ở đô thị và các công ty kinh doanh xử lý thuê ngoài (BPO) khác, mà trong năm 2011 đã tạo ra 59 tỉ đô-la Mỹ trong doanh thu và trực tiếp cũng như gián tiếp tạo việc làm cho gần 10 triệu người Ấn Độ.39 Như Shehzad Nadeem quan sát trong Dead Ringers, nghiên cứu của ông về ảnh hưởng của các trung tâm hỗ trợ qua điện thoại ở Ấn Độ lên những công nhân của các trung tâm này, “Những bản sắc và cảm hứng của lực lượng lao động ICT [công nghệ thông tin và liên lạc] ngày càng được định nghĩa với sự tham khảo phương Tây… Họ quyết liệt từ chối các giá trị cũ, rõ ràng trong tiêu dùng, những người lao động này xây dựng hình ảnh phương Tây làm tiêu chuẩn cho sự tiến bộ hướng tới hiện đại hóa của Ấn Độ”.40 Dù những công việc này trả lương khá tốt, chúng đẩy những người Ấn Độ trẻ vào một vòng xoáy mà những mâu thuẫn và những nguồn cảm hứng cạnh tranh nhau - đó là cảm hứng thành công trong một bối cảnh xã hội và kinh tế Ấn Độ, trong khi cố nâng cấp bản sắc văn hóa của họ bằng ngữ điệu và những cái tên giả, cũng như đối phó với sự lạm dụng và bóc lột từ những khách hàng giàu có ở một châu lục khác.
* Thuê ngoài (Outsourcing): Hình thức chuyển một phần chức năng nhiệm vụ của công ty ra gia công bên ngoài - những chức năng mà trước đây doanh nghiệp vẫn đảm nhận. Doanh nghiệp thường nghĩ đến việc thuê gia công, hay còn gọi là sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài, mỗi khi muốn tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt đối với phụ nữ Ấn Độ trẻ sống ở đô thị, những công việc này đã cung cấp cơ hội và lợi ích kinh tế mà họ lẽ ra không có, dẫn tới sự thay đổi lâu dài trong hành vi, làm đảo lộn các chuẩn mực văn hóa. Đó là chưa kể bài báo ghê gớm nói về những trung tâm hỗ trợ qua điện thoại như “một phần của Ấn Độ, nơi tự do không có ranh giới, tình yêu là một trò tiêu khiển được yêu thích và tình dục là sự giải trí”. Gần hơn với cột mốc đó là cuộc thăm dò mới đây của Phòng Thương mại Liên hiệp Ấn Độ cho thấy phụ nữ trẻ đã kết hôn và đi làm ở các thành phố Ấn Độ có xu hướng tạm hoãn việc có con để ưu tiên phát triển sự nghiệp của họ.41
NHỮNG HẬU QUẢ CÁCH MẠNG:
LÀM XÓI MÒN CÁC RÀO CẢN VỚI QUYỀN LỰC
Rất nhiều sự kiện có vẻ như cho thấy mọi thứ thực ra không thay đổi nhiều như thế, rằng những quyền lực vi mô là trái lẽ thường, và rốt cuộc, quyền lực lớn có thể và sẽ tiếp tục làm chủ. Những nhà độc tài cá nhân có thể đã biến mất ở những nơi như Ai Cập và Tunisia, nhưng các thế lực lâu nay nắm quyền đằng sau họ vẫn đầy ảnh hưởng. Rốt cuộc, không phải là lời đáp trả đàn áp của các thể chế cường quyền, sự cố kết của các ngân hàng lớn, hình mẫu của sự mở rộng Chính phủ, các vụ cứu trợ doanh nghiệp lớn, và thậm chí là quốc hữu hóa các công ty lớn ở nhiều nước giàu và đang phát triển đang cho thấy rằng cuối cùng thì quyền lực vẫn đi theo những quy luật cũ đó sao? Ngân hàng Goldman Sachs, quân đội Mỹ, chế độ toàn trị và Giáo hội Công giáo không biến mất. Họ vẫn áp đặt ý chí của họ theo rất nhiều cách.
Và trong khi một số gã khổng lồ đã chiến bại, những kẻ nổi lên thay thế họ dường như tiếp tục tuân theo nguyên tắc tổ chức cũ, phô bày ham muốn tương tự trong việc mở rộng và hợp nhất. Liệu có quan trọng không nếu công ty thép lớn nhất thế giới không còn là U.S. Steel hay một trong những gã khổng lồ châu Âu, mà là sự tăng trưởng vượt bậc của một tay chơi Ấn Độ từng chỉ ở bên lề, nếu nó đã giành được nhiều tài sản, con người và khách hàng từ một vài trong số những đối thủ cũ này? Có đúng không khi cho rằng sự nổi lên của những gã khổng lồ mới cũng vận hành tương tự với những kẻ cũ, đặc biệt là trong kinh doanh, chỉ đơn giản là một phần hoạt động bình thường của chủ nghĩa tư bản?
Câu trả lời cho cả hai câu hỏi đó là có và không. Những khuynh hướng chúng ta hiện đang quan sát thấy có thể được giải thích - hay đơn giản là bị bác bỏ - là biểu hiện của điều mà nhà kinh tế Joseph Schumpeter (và trước ông là Karl Marx) gọi là “sự phá vỡ sáng tạo”. Theo lời Schumpeter: “Việc mở ra những thị trường mới, ngoài nước hay trong nước, và sự phát triển mang tính tổ chức từ cửa hàng thủ công và nhà máy tới những mối quan ngại như U.S. Steel minh họa cho cùng quá trình đột biến công nghiệp… vốn liên tục cách mạng hóa cấu trúc kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cấu trúc cũ, liên tục tạo ra cấu trúc mới. Quá trình của sự phá vỡ sáng tạo này là một thực tế rất quan trọng về chủ nghĩa tư bản. Đó là điều mà chủ nghĩa tư bản bao hàm, và là điều bao hàm mối quan tâm của mỗi nhà tư bản”.42
Sự chuyển đổi trong quyền lực mà chúng ta thấy xung quanh - vốn bao gồm và vượt quá sự thăng tiến hay suy sụp của những doanh nghiệp - chắc chắn là nhất quán với những kỳ vọng của Schumpeter. Chúng cũng thích hợp với những quan sát của Clayton Christensen, một giáo sư trường Kinh doanh Harvard, người đã nghĩ ra cụm từ sự sáng tạo đứt gãy, có nghĩa là một thay đổi - trong công nghệ, dịch vụ hay sản phẩm - tạo ra một thị trường mới bằng cách dựa vào một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Những tác động của sự sáng tạo đứt gãy dần tỏa ra các thị trường tương tự hoặc có liên quan khác và làm xói mòn chúng. iPad là một ví dụ tốt. Sử dụng điện thoại di động của bạn để trả tiền mua đồ tạp hóa hay gửi tiền cho con gái bạn ở một châu lục khác cũng là hai ví dụ tốt.
Tuy nhiên, trong khi Schumpeter tập trung vào sức mạnh của sự thay đổi bên trong hệ thống tư bản chủ nghĩa nói chung, còn Christensen mổ xẻ những thị trường cụ thể trong phạm vi hẹp hơn, lập luận ở đây là những sức mạnh tương tự đang hoạt động ở một nền tảng những nỗ lực của con người rộng lớn hơn nhiều. Như chương này cố gắng làm rõ, những cuộc cách mạng Nhiều Hơn, Di Động và Tinh Thần đại diện cho sự thay đổi ở một mức độ và quy mô lớn hơn nhiều.
Mỗi cuộc cách mạng đưa ra một thách thức cụ thể cho mô hình quyền lực truyền thống. Trong mô hình đó, những tổ chức hiện đại lớn, tập trung, hợp tác đã triển khai nhiều nguồn lực, tài sản đặc biệt hay sức mạnh áp đảo cực kỳ dồi dào cho thấy con đường rõ nhất để giành lấy và nắm giữ quyền lực. Trong hàng thế kỷ, mô hình này tỏ ra thích nghi tốt nhất, không chỉ trong việc ép buộc mọi người, mà còn trong việc thực thi quyền lực ở những chiều kích tinh tế hơn.
Như chúng ta đã thấy trong Chương 2, quyền lực vận hành qua bốn kênh riêng rẽ: cơ bắp, hay sự ép buộc thô bạo, với sức mạnh buộc mọi người làm những thứ mà lẽ ra họ đã không làm nếu được lựa chọn; quy tắc, quyền lực của nghĩa vụ đạo đức; lời rao, quyền lực của sự thuyết phục; và phần thưởng, quyền lực của sự lôi kéo. Hai trong số này - cơ bắp và phần thưởng - thay đổi động cơ và định hình lại một tình huống để khiến mọi người hành động theo một cách nhất định, trong khi hai cách kia - lời rao và quy tắc - thay đổi sự đánh giá của mọi người về một tình huống mà không làm thay đổi động cơ. Những rào cản với quyền lực phải phù hợp nếu cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng muốn hiệu quả. Và ảnh hưởng của những cuộc cách mạng Nhiều Hơn, Di Động và Tinh Thần chính xác là điều làm giảm những rào cản đó. Biểu đồ trong Hình 4.1 là một bảng tóm tắt.
HÌNH 4.1 QUYỀN LỰC VÀ BA CUỘC CÁCH MẠNG
Như bảng này làm rõ, ba cuộc cách mạng tạo ra những thách thức với quyền lực ở cả bốn kênh của nó - cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng. Sự ép buộc, tất nhiên, là cách thực thi quyền lực thô sơ nhất - dù được thực thi thông qua pháp luật, quân đội, chính phủ hay những doanh nghiệp độc quyền. Nhưng khi ba cuộc cách mạng này tiến triển, các tổ chức vốn dựa vào sự ép buộc phải đối mặt với chi phí tăng liên tục, đơn giản chỉ để duy trì sự kiểm soát với những địa hạt của chúng và tuần tra an ninh ở các đường biên giới của chúng.
Sự bất lực của Mỹ hay Liên minh châu Âu trong việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp hay buôn bán hàng lậu là một ví dụ cụ thể. Những bức tường, hàng rào, trạm kiểm soát biên giới, hồ sơ nhân thân sinh trắc học, những trung tâm giam giữ, các cuộc truy quét của cảnh sát, những phiên điều trần tị nạn, những vụ trục xuất - chúng chỉ là một phần trong cả một bộ máy ngăn chặn và trấn áp mà cho tới giờ đã tỏ ra cực kỳ đắt đỏ, nếu không muốn nói là vô ích. Hãy chứng kiến thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn dòng ma túy chảy vào từ Mỹ Latin bất chấp “Cuộc chiến chống ma túy” kéo dài và cực kỳ tốn kém của nước này.
Hơn thế nữa, sự kết hợp giữa đời sống ngày càng tốt hơn và các giá trị lan tỏa khắp toàn cầu mang đến cho mọi người không gian, khát vọng và những công cụ để thách thức quyền hành áp bức. Quyền tự do dân sự, quyền con người và sự minh bạch về kinh tế trở thành những giá trị được ca ngợi ngày một nhiều, và ngày càng có thêm những người vận động, chuyên gia, người ủng hộ và diễn đàn sẵn sàng để thúc đẩy chúng. Quan điểm của tôi ở đây không phải là sự ép buộc đã trở thành bất khả, nhưng nó đã trở nên tốn kém hơn và khó duy trì hơn qua thời gian.
Quyền lực được thực thi qua quy tắc, hay nghĩa vụ đạo đức, cũng đối mặt những thách thức khi ba cuộc cách mạng tiến lên. Tập quán và tôn giáo không còn có thể dựa vào để mang tới trật tự đạo đức và giải thích thế giới. Thật vậy, với những người sống cuộc đời ngắn ngủi bị ám ảnh bởi bệnh tật và nghèo đói, các truyền thống ăn sâu trong gia đình hay cộng đồng gắn kết chặt chẽ sẽ giúp họ đối phó, chia sẻ sự ủng hộ và chấp nhận thực tế ngặt nghèo. Nhưng khi sự thoải mái vật chất của họ tăng lên và họ giành được sự tiếp cận với nhiều lựa chọn thay thế hơn, họ trở nên ít phụ thuộc hơn vào hệ thống niềm tin được thừa kế của mình và cởi mở hơn với việc thử nghiệm những niềm tin mới.
Trong thời đại thay đổi quyết liệt của đời sống vật chất và hành vi, sự hấp dẫn từ tập tục hay nghĩa vụ đạo đức ít có khả năng thành công hơn trừ khi chúng phản ánh những điều kiện đang thay đổi. Lấy một ví dụ, hãy xem xét cuộc khủng hoảng của Giáo hội Công giáo La Mã, mà sự bất lực ngày càng tăng trong việc chiêu mộ những linh mục chấp nhận lời thề sống độc thân - hay trong việc cạnh tranh với những nhà thờ Tin Lành nhỏ có thể tùy chỉnh các thông điệp theo nền văn hóa và củng cố các nhu cầu của cộng đồng địa phương cụ thể - như là một câu chuyện cảnh báo ngoạn mục.
Quyền lực cũng vận hành qua sự thuyết phục - lấy ví dụ, lời rao trên một chiến dịch quảng cáo hay từ một tay môi giới bất động sản - và qua sự dụ dỗ - bằng cách tưởng thưởng cho những cử tri, nhân viên hay các đối tượng phục tùng khác với những gói lợi ích đảm bảo sự tham gia và đồng ý của họ. Ba cuộc cách mạng cũng đang thay đổi bối cảnh cho cả lời rao và phần thưởng.
Hãy tưởng tượng một ứng cử viên hay một Đảng chính trị đang tìm cách gia tăng số phiếu cho kỳ bầu cử sắp tới thông qua sự kết hợp các thông điệp, quảng cáo và những lời hứa về phần thưởng dưới hình thức nhiều dịch vụ và việc làm cho khu vực bầu cử. Cuộc cách mạng Nhiều Hơn đang tạo ra nhóm cử tri được giáo dục và thông tin tốt hơn, những người ít có khả năng chấp nhận một cách thụ động hơn những quyết định của chính phủ, có khuynh hướng xoi mói hành vi của nhà cầm quyền hơn, và tích cực hơn trong việc tìm kiếm thay đổi và thực thi quyền của họ. Cuộc cách mạng Di Động đang khiến nhân khẩu học của khu vực bầu cử đa dạng, phân mảng và biến động hơn. Trong một số trường hợp, nó thậm chí có thể tạo ra những tay chơi có lợi ích liên quan và có thể tác động tới cuộc tranh luận, gây ảnh hưởng lên các cử tri ở cách xa địa điểm bầu cử - thậm chí, có thể là ở một đất nước khác. Cuộc cách mạng Tinh Thần nuôi dưỡng sự nghi ngờ gia tăng về hệ thống chính trị nói chung.
Một tình thế lưỡng nan tương tự tác động lên những ông chủ, người làm quảng cáo và bất kỳ ai tìm cách thu hút sự ủng hộ hay doanh số trong các cộng đồng mà mối bận tâm và sở thích bị phân mảng và trở nên ngày càng đa dạng hơn. Tạo ra một gói các lợi ích thu hút tốt sự đồng thuận sốt sắng trong một nhóm nhỏ có lẽ dễ dàng hơn so với việc tạo ra một gói chỉ thu hút ở mức bình thường một nhóm dân số lớn hơn. Lợi thế của kích cỡ và quy mô càng suy giảm, những thị trường ngách và hoạt động chính trị tập trung chỉ vào một vấn đề, lấy ví dụ như thế, càng hưởng lợi. Kết quả là các tập đoàn lớn ngày càng bị thôi thúc, bởi sức mạnh thị trường và hành động của những đối thủ nhỏ hơn, để hành xử như một tay chơi nhỏ - điều không diễn ra một cách tự nhiên đối với các tổ chức vốn lâu nay quen dựa vào quyền lực áp đảo đến từ quy mô của họ.
NHỮNG RÀO CẢN HẠ XUỐNG:
CƠ HỘI CHO NHỮNG QUYỀN LỰC VI MÔ
Trong các trang sắp tới, chúng ta sẽ đưa những khái niệm này vào trong thế giới thực. Một lý do việc nói về quyền lực lại khó khăn - trừ khi trong những khái niệm triết học chung nhất - là vì chúng ta quen nghĩ khác nhau về động lực của quyền lực, phụ thuộc vào việc chúng ta đang tập trung vào xung đột quân sự, cạnh tranh kinh doanh, ngoại giao quốc tế, quan hệ giữa vợ và chồng, cha và con, hay một lĩnh vực nào khác. Nhưng những thay đổi được nhấn mạnh bởi ba cuộc cách mạng tác động tới tất cả các lĩnh vực này, vượt xa hơn bất cứ khuynh hướng hiện tại cụ thể nào. Thật vậy, chúng liên hệ sâu sắc với nhau thành những kiểu mẫu và kỳ vọng của xã hội con người ngày nay hơn so với chúng đã từng chỉ vài năm hay vài thập kỷ trước. Và chúng đang thách thức suy nghĩ thông thường về việc cần làm gì để có, sử dụng và giữ được quyền lực. Câu hỏi về việc những thách thức đó mở ra như thế nào, những tay chơi áp đảo thừa kế từ thế kỷ XX phản ứng với chúng ra sao, sẽ chiếm hết phần còn lại của cuốn sách này.
Quyền lực lớn không hề chết: những tay chơi lớn, đã thiết lập quyền lực đang phản công, trong nhiều trường hợp họ vẫn chiến thắng áp đảo. Những nhà độc tài, những nhà tài phiệt, các doanh nghiệp khổng lồ và những người lãnh đạo các tôn giáo lớn sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng của bối cảnh toàn cầu, và là nhân tố xác định trong cuộc sống của hàng tỉ người. Nhưng các tay chơi siêu hạng đó đang bị hạn chế hơn trong những gì họ có thể làm so với họ từng làm trong quá khứ, việc nắm giữ quyền lực của họ đang ngày càng kém chắc chắn hơn. Những chương sắp tới sẽ cho thấy bằng cách nào quyền lực vi mô đang giới hạn những lựa chọn với các tay chơi siêu hạng và buộc các tay chơi siêu hạng phải rút lui, trong một số trường hợp - như Mùa xuân Ả Rập, thậm chí là đánh mất cả quyền lực.
Những cuộc cách mạng Nhiều Hơn, Di Động và Tinh Thần đang tấn công mô hình tổ chức từng được vận động một cách đầy thuyết phục bởi Max Weber và những người theo gót ông trong xã hội học, kinh tế học cùng các lĩnh vực khác, và chúng đang tấn công chính xác ở những trọng điểm cung cấp sức mạnh cho mô hình đó. Những tổ chức lớn hiệu quả hơn vì chúng vận hành với chi phí thấp hơn, nhờ vào kinh tế học của quy mô. Tuy nhiên, ngày nay, chi phí duy trì trật tự và sự kiểm soát đang tăng lên. Những tổ chức lớn hiệu quả hơn vì chúng tập trung và thu gom các nguồn lực khan hiếm. Ngày nay, các nguồn lực như hàng hóa vật chất, thông tin, tài năng con người và các khách hàng dễ tìm và dễ phục vụ hơn, từ cả khoảng cách gần và xa. Những tổ chức lớn có sự huy hoàng của quyền uy, sự hiện đại và tinh vi. Ngày nay, các tay chơi nhỏ mới gia nhập đang gây chú ý và thách thức những quyền lực lớn. Và trong khi lợi thế của quy mô lớn, mô hình tổ chức duy lý, phối hợp và tập trung đang bị xói mòn, cơ hội gia tăng cho các quyền lực vi mô để lại dấu ấn của chúng bằng cách sử dụng một mô hình khác để thành công.
Nhưng quyền lực suy tàn tới mức độ nào? Và đem tới những hậu quả gì? Trong phần còn lại của cuốn sách, chúng ta quay sang những điểm cụ thể về việc tiến trình này đóng vai trò ra sao trong chính trị nội địa, chiến tranh, địa chính trị, kinh doanh, và các lĩnh vực khác. Chính xác thì những rào cản nào của quyền lực đang hạ xuống? Những tay chơi mới nào đã nổi lên, những kẻ từng nắm quyền lực phản công lại ra sao?
Sự tái tổ chức lại quyền lực, khi những rào cản sụp đổ, còn lâu mới hoàn tất, nhưng nó đã tạo ra những thay đổi sâu sắc.