Ở tuổi 25, sau lần thức tỉnh đầu tiên mà tôi mô tả, tôi đã có thể phỏng đoán: “Ồ, ra là thế; tất cả là như thế. Mình đã nhìn thấy bản chất tuyệt đối của thực tại”. Tôi đã có thể tuyên bố với cả thế giới những gì mình khám phá ra, nhưng may thay, có một tiếng nói nho nhỏ bên trong tôi nhắc nhở: “Đây chưa thực sự là nó. Đây không phải là tất cả của nó. Tiếp tục đi”.
Theo một nghĩa nào đó, giọng nói nho nhỏ này giống như một vị cứu tinh. Bởi vì, tại thời điểm đặc biệt ấy trong cuộc hành trình, người ta có xu hướng rất lớn muốn tóm lấy những gì đã thấy, tuyên bố nó ra, sở hữu nó, và rồi lập ra một “bản ngã giác ngộ” mới, một “cái tôi giác ngộ” xây nên từ những gì đã được nhận thức.
Tôi đã may mắn có được giọng nói này bên trong. Đôi khi, tiếng nói bảo chúng ta tiếp tục lại đến từ bên ngoài – từ hoàn cảnh, từ chính cuộc sống. Dù bằng cách nào, điều thiết yếu là sự thức tỉnh ban đầu không phải là thứ có thể sở hữu hoặc tuyên bố, và không phỏng đoán là đã hoàn thành. Cho dù có thể cảm thấy dường như hành trình đã chấm dứt nhưng quan trọng phải nhận thức rằng chỉ là hành trình cũ đã kết thúc – cuộc hành trình hướng tới cái nhìn ban đầu, hành trình mà bạn không hề có ý thức mình là ai, là cái gì. Giờ đây, một hành trình mới bắt đầu – cuộc hành trình thể hiện sự không chia rẽ ở mọi cấp độ tồn tại của bạn. Và đây là một hành trình có thể mất nhiều năm để tự hoàn thành chính nó.
Không Chia Rẽ có nghĩa là gì?
Trong những bài giảng này, tôi đã từng nói về sự không chia rẽ và xem thức tỉnh ngang với tồn tại trong trạng thái không chia rẽ. Nhưng tôi muốn đảm bảo rằng không ai bị hiểu sai nghĩa của không chia rẽ. Không chia rẽ là ảnh hưởng của thức tỉnh; đó là biểu hiện của nhận thức về bản chất chân thật của chúng ta. Như tôi đã nói, không chia rẽ không liên quan gì đến hoàn hảo hay thánh thiện. Ngoài ra, không bảo đảm là sau khi thức tỉnh, ở thời điểm bất kỳ nào đó, bạn sẽ không trải nghiệm chia rẽ theo một cách nào đó; không có gì bảo đảm rằng sẽ không bao giờ xảy ra chia rẽ nữa. Trong thực tế, để tự do và thức tỉnh thì phải buông bỏ lo âu về những điều như thế, rằng người thức tỉnh thì phải thế này hay không được thế kia.
Một trong những bài thơ Thiền tuyệt vời đã kết thúc bằng lời mô tả trạng thái thức tỉnh là: “Không lo lắng về sự không hoàn hảo”. Thế nên không chia rẽ không có nghĩa là hoàn hảo. Không chia rẽ không phải là uốn cho hợp với những tưởng tượng về sự thánh thiện hay hoàn hảo mà chúng ta có thể có trong tâm trí. Nếu ai đó nhìn vào cuộc sống của tôi, chắc chắn họ có thể đưa ra nhiều lý do để nói đại loại như: “Ồ, nó chẳng giống gì với ý niệm của tôi về đấng giác ngộ. Nó không khớp với tưởng tượng của tôi về người không bị chia rẽ phải như thế nào”. Tôi chắc chắn rằng cuộc sống của tôi có lẽ sẽ không khớp với ý tưởng của rất nhiều người về giác ngộ thì phải như thế nào. Bởi vì, trên thực tế, tôi là một người bình thường hơn rất nhiều so với tưởng tượng của đa số mọi người. Đối với tôi, một phần của sự thức tỉnh đang chết dần thành bình thường, thành vô ưu.
Cho dù người ta có thể nói gì khi nhìn vào cuộc sống của tôi hay của ai khác thì bạn vẫn không thể hiểu được trạng thái không chia rẽ, cho đến khi nó bắt đầu thức tỉnh trong bạn. Tôi chỉ có thể khuyên bạn đừng tin vào bất kỳ tưởng tượng nào có thể nảy sinh trong tâm trí mình về sự thánh thiện hay hoàn hảo, bởi vì chúng chỉ gây cản trở. Không chia rẽ – nhận thức và hành động từ chỗ không chia rẽ, từ nhất nguyên – là điều mà chúng ta phải tự khám phá cho chính mình. Vượt lên trên cả tình yêu và thù ghét, trên cả thiện và ác, trên cả đúng và sai, nó là cái gì? Những điều này phải được khám phá qua trải nghiệm của chính bạn. Rút kinh nghiệm của người khác về sự không chia rẽ chẳng giúp ích gì. Điều duy nhất quan trọng là bạn đang ở đâu. Ở bất cứ thời điểm nào, bạn đang trải nghiệm và hành động từ sự chia rẽ, hay từ nhất thể? Là từ cái nào?
Như tôi đã đề cập, sự thức tỉnh ảnh hưởng đến người ta theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào thực trạng của họ. Một mô hình mà tôi thấy hữu ích khi làm việc với các học viên là xem xét sự thức tỉnh tác động như thế nào đến chúng ta, trên ba cấp độ khác nhau: ở tầng tinh thần (tầng tâm trí), tầng cảm xúc (tầng tim), và tầng hiện sinh (tầng ruột). Khi sự thức tỉnh thâm nhập vào toàn thể hiện hữu của chúng ta, chúng ta có thể trải nghiệm không chia rẽ ở những mức độ khác nhau, trên mỗi tầng này. Hãy nhớ rằng ba cấp độ này là ẩn dụ; đây chỉ là một công cụ hỗ trợ làm rõ điều mà mọi người trải nghiệm. Miễn là mô hình khái niệm này không bị hiểu quá cứng nhắc thì nó có thể dùng được. Vào thời điểm thức tỉnh thật sự, Tâm Linh được giải phóng hoàn toàn trên mọi cấp độ tồn tại, tất cả cùng một lúc. Đột nhiên, chúng ta bỗng bừng tỉnh trước một cái nhìn, một cách nhận thức hoàn toàn khác với những gì ta từng biết. Sau biến cố thức tỉnh đó, chúng ta có thể hoặc không thể thiết lập được quan điểm đầy đủ và trọn vẹn ở mọi cấp độ tồn tại của mình. Thường thì nó giống như dây dù bungee tự bung ra hết cỡ, nhưng rồi vì những khuynh hướng nghiệp báo nhất định, nó lại tự thu về. Nó không bao giờ thu ngược trở lại nơi ta bắt đầu trước khi thức tỉnh, nhưng nó rút lại ở một mức độ nhất định. Điều này có thể xảy ra không đồng đều, theo những cách khác nhau, trong suốt sự tồn tại của chúng ta.
Thức tỉnh ở tầng tâm trí
Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào những gì xảy ra ở tầng tâm trí khi trải nghiệm nhận thức bừng tỉnh. Trải nghiệm không chia rẽ ở tầng tâm trí nghĩa là thế nào? Chúng ta đều biết chia rẽ ở tầng tâm trí nghĩa là có các ý nghĩ mâu thuẫn với nhau, một phần của tâm trí nói “Mình nên làm điều này”, còn một phần khác của tâm trí nói “Mình không nên làm điều đó”. Tâm trí chia rẽ là tâm trí bị xung đột với chính nó.
Phần lớn tâm trí chúng ta đều bị mâu thuẫn dữ dội. Những hình mẫu tư duy của chúng ta di chuyển qua lại giữa tốt và xấu, đúng và sai, thánh thiện và không thánh thiện, xứng đáng và không xứng đáng, và thậm chí cả giữa giác ngộ và không giác ngộ. Những suy nghĩ phân cực này tạo ra trải nghiệm chia rẽ ở tầng tâm trí.
Khi chúng ta thức tỉnh và sự thức tỉnh thâm nhập, bộc lộ ra ở tầng tâm trí, điều chúng ta lần đầu tiên nhận thấy là không có gì trong các mẫu hình tư duy là đúng tuyệt đối. Xin đừng hiểu lầm tôi – tôi không nói rằng tâm trí là vô giá trị hay kém cỏi. Tâm trí, không gì khác ngoài ý nghĩ, là một công cụ như mọi công cụ khác. Nó cũng chỉ là vật dùng như cái búa, cưa, hoặc máy tính.
Nhưng hầu hết nhân loại đều đang trong trạng thái ý thức mà ở đó, tâm trí dễ bị nhầm lẫn với cái không phải là nó. Tâm trí không được xem là công cụ mà là nguồn gốc của ý thức về bản ngã. Đa số mọi người thường xuyên hỏi tâm trí mình: “Tôi là ai?”, “Cuộc sống là gì?”, “Sự thật là gì?”. Họ nhìn vào tâm trí mình để nó bảo họ điều gì nên và không nên. Điều này thật vớ vẩn! Bạn không vào nhà để xe rồi hỏi cái búa của mình rằng bạn là ai và làm gì là đúng hay sai. Nếu bạn làm thế, và cái búa của bạn biết nói, có lẽ nó sẽ bảo: “Bạn đang đòi hỏi gì tôi thế? Tôi là một dụng cụ không phải để hỏi các câu hỏi kiểu này”.
Nhưng chúng ta lại làm điều đó với tâm trí. Chúng ta quên rằng tâm trí là một công cụ – một công cụ rất mạnh mẽ và hữu ích. Mọi thứ bắt đầu trong tâm trí. Mỗi chiếc xe bạn lái, mọi tòa nhà, mọi khu mua sắm bạn đi vào – tất cả đều bắt đầu như một ý nghĩ trong tâm trí ai đó. Ý nghĩ đó được coi là hữu ích và cần thiết, và ý tưởng được thể hiện thông qua hành động. Vì thế, tâm trí mạnh mẽ và hữu ích.
Nhưng trong ý thức con người, tâm trí không được xem chỉ đơn giản là một công cụ. Thay vào đó, điều xảy ra là tâm trí đã cướp đi thực tại. Nó đã trở thành hiện thực của chính nó đến mức mà nhân loại tìm kiếm ý thức về bản ngã – hình ảnh cái tôi mà con người nghĩ là mình – trong quá trình tư duy của mình.
Khi ánh sáng thức tỉnh bắt đầu xâm nhập vào tầng tâm trí, chúng ta thấy rằng tâm trí không có thực tại tiềm ẩn trong nó. Đó là một công cụ mà thực tại có thể sử dụng, nhưng nó không phải là thực tại. Bản thân ý nghĩ chỉ là một ý nghĩ. Một ý nghĩ không có sự chân thật tự nó. Bạn có thể có ý nghĩ về một cốc nước, nhưng nếu bạn khát, bạn không thể uống ý nghĩ. Bạn có thể nghĩ đến một cốc nước cho đến khi chết, nhưng để thực sự lấy một cái cốc thật và uống nước là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Bạn có thể lấy cốc và uống nước mà không hề nghĩ đến cốc hay nước. Và thế thì bản thân ý nghĩ là trống rỗng; nó trống rỗng về thực tế. Cùng lắm thì ý nghĩ là biểu tượng. Nó có thể chỉ hướng của sự thật hay một đối tượng, nhưng nhiều ý nghĩ thậm chí còn không làm thế. Nhiều ý nghĩ trong ý thức con người chỉ là ý nghĩ về những ý nghĩ khác – nghĩ về suy nghĩ. Một người ngồi thiền, và có một ý nghĩ là “Mình không nên nghĩ”. Nhưng, tất nhiên, ý nghĩ đó bản thân nó cũng là một ý nghĩ. Thật dễ dàng bị mắc kẹt trong những cái vòng luẩn quẩn suy nghĩ về suy nghĩ.
Khi thức tỉnh ở tầng tâm trí, chúng ta bắt đầu nhận thức vượt qua tâm trí. Chúng ta nhận ra bản thân tâm trí không hề có thực tế, và đây là một nhận thức sâu sắc. Thật dễ dàng để nói rằng tâm trí không có thực tế. Điều này thậm chí có thể dễ hiểu với một số người. Nhưng thấy được tâm trí không có thực tế thì phải cực kỳ triệt để. Triệt để để thấy rằng toàn bộ ý thức của chúng ta về bản ngã và thế giới được tạo ra trong tâm trí. Khi thấy cấu trúc tư duy không hề bao hàm thực tế bên trong, chúng ta đi đến nhận thức rằng cái thế giới mà chúng ta nhận thức qua tâm trí không thể có chút thực tại nào. Điều này thật chấn động; cái tôi mà chúng ta nhìn nhận là mình hóa ra không hề có thực.
Thức tỉnh ở tầng tâm trí là hủy diệt toàn bộ thế giới của bạn. Đây là điều chúng ta không bao giờ có thể lường trước được. Nó hủy diệt toàn bộ thế giới quan của chúng ta – mọi cách chúng ta được lập trình, mọi mẫu hình niềm tin của chúng ta và của nhân loại, từ thời hiện tại đến quá khứ xa xôi – tất cả những thứ đã cấu thành nên thế giới đặc biệt này, cái thỏa thuận mà nhân loại đã nhất trí, việc xem những điều này là đúng, cho đến tận nghĩa đen “Tôi là một con người” hoặc “Có một thế giới tồn tại như thế” hay “Thế giới cần phải theo cách đặc thù như thế”. Thức tỉnh ở tầng tâm trí là hủy diệt hoàn toàn tất cả những điều này, tức là toàn bộ thế giới của chúng ta.
Khi thức tỉnh ở tầng tâm trí, chúng ta bắt đầu nghĩ: “Trời ơi, mình đã nhìn thế giới theo cách hoàn toàn giả tạo, thật đúng là một mớ huyễn ảo. Nó không hề có cơ sở thực tế gì. Cách mình nhìn bản thân cũng hoàn toàn giả tạo”. Không quan trọng là bạn thấy mình giác ngộ hay không, tốt hay xấu, xứng đáng hay không xứng đáng. Không chia rẽ ở tầng tâm trí là hoàn toàn xóa sạch tất cả những dạng thức bản ngã này. Tôi gần như không thể tả rõ sự phá hủy thế giới này ở tầng tinh thần triệt để đến thế nào. Nó là nhận thức rằng không có cái gì gọi là ý nghĩ chân thực và hiểu nó ở cấp độ sâu sắc nhất, thấy rằng mọi mô hình chúng ta tạo ra – thậm chí cả các mô hình tâm linh, các giáo lý – đều là những thứ huyễn ảo.
Chính Đức Phật cũng nói rằng mọi Pháp đều trống rỗng. Pháp là những giáo lý. Pháp là chính những sự thật mà Ngài đang nói. Một trong những sự thật Ngài nói là, tất cả những Pháp này, tất cả những sự thật mà Ngài vừa nói với các phật tử, đều trống rỗng. Sự thật bạn là ai nằm ở chỗ vượt xa những pháp môn tuyệt vời nhất, những bản kinh vĩ đại nhất, những ý tưởng lớn lao nhất có thể từng được nói, viết ra hoặc đọc thấy.
Điều này được trải nghiệm như sự hủy diệt trong tâm. Tôi thường nói mọi người đừng hiểu nhầm về nó – giác ngộ là một quá trình phá hủy. Nó không liên quan gì đến việc trở nên tốt hơn hoặc ít hay nhiều hạnh phúc hơn. Giác ngộ là sự đổ vỡ của cái không thật. Nó nhìn thấu suốt qua bề mặt giả tạo. Nó là sự xóa sổ hoàn toàn mọi thứ chúng ta tưởng tượng là thật – từ bản thân chúng ta đến thế giới.
Trong quá trình này, chúng ta khám phá ra rằng ngay cả những phát minh lớn lao nhất của những trí tuệ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại cũng chỉ là những giấc mơ trẻ con. Chúng ta bắt đầu thấy rằng tất cả các triết học và triết gia vĩ đại là một phần của giấc mơ. Sự thức tỉnh ở tầng tâm trí giống như kéo toạc tấm rèm, như Dorothy trong Phù Thủy xứ Oz. Cô mong đợi gặp Oz Vĩ Đại, nhưng khi tấm rèm bị kéo về, hóa ra Oz Vĩ Đại là một người đàn ông kéo đòn bẩy. Nhìn thấu bản chất của tâm trí cũng giống như thế. Nó rất triệt để. Thật bất ngờ khi chúng ta thấy rằng mọi thứ tưởng là sự thật thực ra lại là một phần của trạng thái mê và đang níu giữ trạng thái mê lại.
Không có cái gọi là ý nghĩ giác ngộ. Nhận thấy điều này là một cú sốc cho chúng ta. Trên thực tế, đa số chúng ta tự bảo vệ bản ngã khỏi nhìn thấy sự thật này. Chúng ta nói rằng mình muốn sự thật, nhưng có thực sự như vậy không? Chúng ta nói rằng mình muốn biết thực tại, nhưng khi nó xuất hiện, nó quá khác so với những gì chúng ta tưởng. Nó không phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta; nó không phù hợp với hình dung của chúng ta. Đó là một thứ hoàn toàn vượt xa tưởng tượng. Và không chỉ có thế, nó còn thực sự phá hủy khả năng chúng ta nhìn thế giới theo cách cũ. Nó làm cho thế giới của chúng ta thành một đống đổ nát.
Khi mọi thứ đã xong, chúng ta chỉ còn lại hư vô. Chúng ta hoàn toàn trắng tay, không có gì để bám víu. Như Chúa Jesus đã phán: “Chim có tổ trên cây, cáo có hang dưới đất, nhưng con người không có chỗ để cái đầu nghỉ ngơi”. Không có khái niệm, không có mô hình tư duy nào để bạn có thể nghỉ ngơi trên đó.
Giải thoát hoàn toàn có nghĩa như thế đấy. Chỉ có giải thoát hoàn toàn thì sự thật mà chúng ta thấu suốt mới có thể không bị bóp méo. Nhưng sự giải thoát hoàn toàn ở tầng tâm trí này hiếm khi xảy ra ở thời điểm mới thoáng thấy sự thật. Các hình mẫu tinh thần của chúng ta thường tiếp tục tan rã trong một thời gian sau khi thức tỉnh – đấy là, nếu bạn cho phép nó diễn ra, và nếu bạn nhận ra rằng sự sụp đổ của tâm trí và thế giới là cần thiết để cho sự thật của tồn tại được trọn vẹn. Chúng ta không thể nhìn thấy bản chất của vạn vật cho đến khi chúng ta thôi không nhìn vạn vật ở bản chất không chân thật của chúng.
Thức tỉnh hoàn toàn ở tầng tâm trí là một điều rất sâu sắc. Khi gặp những người đã thức tỉnh thực sự, tôi thường thấy rằng, ở một mức độ nào đó, tâm trí của họ phối hợp với những gì họ đã nhận thức và biến nó thành một dạng thức tinh thần khác. Tất nhiên, điều này sẽ khiến cho nhận thức trực tiếp trôi tuột qua kẽ tay họ. Sớm hay muộn chúng ta sẽ biết rằng chúng ta không thể khái niệm hóa sự thật. Khi chúng ta nhận ra điều đó, tâm trí trở thành một công cụ, và nó trở nên hữu ích cho một cái gì đó không phải là suy nghĩ. Xuất hiện khả năng là tâm trí, suy nghĩ, và thậm chí cả lời nói có thể xuất phát từ một nơi khác. Khi đó, Tồn Tại là cái sử dụng tâm trí. Tư duy có thể nảy sinh từ tĩnh lặng; lời nói có thể phát sinh từ tĩnh lặng; giao tiếp có thể nảy sinh từ tĩnh lặng – từ một nơi xa ngoài tâm trí. Rồi sau đó, tâm trí được sử dụng như một công cụ, một thiết bị để giao tiếp, chỉ lối, định hướng. Nhưng nó luôn luôn minh bạch đối với chính nó; nó không bao giờ bám chấp, tạo ra một niềm tin hoặc hệ tư tưởng mới.
Thức tỉnh ở tầng cảm xúc (tâm)
Từ “tâm” đề cập đến toàn bộ hệ thống cảm xúc của chúng ta, tất cả cơ thể cảm xúc của chúng ta. Thức tỉnh ở tầng cảm xúc có nghĩa là không còn phát sinh ý thức bản ngã từ chỗ chúng ta cảm thấy gì hay như thế nào. Bất kể cảm thấy tốt hay xấu, khỏe hay ốm, thức tỉnh hay mệt mỏi, chúng ta không còn tìm kiếm và phát sinh ý niệm về bản ngã qua những gì mình trải nghiệm nữa.
Thông thường, ý thức về bản ngã của chúng ta được liên kết và móc nối với những gì chúng ta cảm nhận. Vì vậy, nếu chúng ta tự nhủ “Mình cảm thấy tức giận” hoặc “Mình đang tức giận” thì điều mà chúng ta thực sự diễn tả là, lúc này, ý thức về bản ngã của tôi hòa vào cảm xúc giận dữ. Và, tất nhiên, sự hòa nhập này là một ảo tưởng, bởi vì một cảm xúc chạy xuyên qua cơ thể không thể định nghĩa được bản chất của chúng ta.
Sự thức tỉnh ở tầng cảm xúc có nghĩa là chúng ta bắt đầu thấy và hiểu rằng điều chúng ta cảm thấy không nói lên được chúng ta là ai, là cái gì. Nó cho chúng ta biết chúng ta cảm nhận gì, ở thời điểm nhất định. Không cần phải né tránh hay phủ định cảm xúc của chúng ta, nhưng nó không định nghĩa được chúng ta. Khi chúng ta không còn định nghĩa bản thân ở tầng cảm xúc thì ý thức bản ngã của chúng ta được giải phóng khỏi tầng này, khỏi những cảm xúc mâu thuẫn đang có ở đây.
Với đa số nhân loại, việc không còn tự xác định mình qua những gì chúng ta cảm nhận cho thấy một biến đổi mang tính cách mạng. Nhưng tất nhiên, chúng ta không thể đến đó bằng cách né tránh những gì mình cảm nhận. Cảm xúc và cảm giác của chúng ta thực sự là những gợi ý tuyệt vời về những gì chưa được giải quyết trong cuộc sống chúng ta, những gì chúng ta có lẽ đã nhìn thấu hoặc còn chưa thấy. Cơ thể chúng ta là thước đo sự thật tuyệt vời; ngay khi chúng ta sa vào nhận thức chia rẽ ở tầng cảm xúc – oán ghét, ghen tị, ghen tuông, tham lam, trách móc, xấu hổ, v.v. – chúng ta biết rằng mình đang nhận thức từ trạng thái chia rẽ. Những cảm xúc đến từ trạng thái chia rẽ giống như những lá cờ đỏ nhỏ xíu, cảnh báo chúng ta rằng mình đang không nhận thức bản chất thật sự của sự vật.
Sự rối loạn cảm xúc bảo chúng ta rằng mình đang có một niềm tin vô thức mà nó không phải là sự thật. Tâm trí chúng ta đã gói kín một điều gì đó – có thể là một sự kiện trong hiện tại hoặc quá khứ.
Chúng ta biết rằng tâm trí đã gói kín một sự kiện theo cách khiến chúng ta bị rối loạn.
Cơ thể cảm xúc là một lối tuyệt vời để đi sâu vào bất cứ điều gì và mọi thứ cần được thấy. Đó là nơi dẫn vào bất kỳ ảo tưởng nào, bất cứ điều gì gây ra ý thức chia rẽ. Nếu chúng ta không ổn định về tình cảm – nếu chúng ta dễ dàng bị mất cân bằng cảm xúc – thì quan trọng là chúng ta bắt đầu nhìn vào cuộc sống tình cảm của mình. Tôi không ngụ ý rằng chúng ta cần phải phân tích cảm xúc của mình hoặc có biện pháp điều trị tâm lý – nó có thể cần thiết và hữu ích với một số người, nhưng đó không phải là điều tôi đang nói ở đây. Ý tôi là về cách đối xử với cơ thể cảm xúc ở mức cơ bản hơn. Ý tôi là về tìm hiểu bản chất của nỗi sợ, bản chất của sự tức giận. Khi chúng ta cảm thấy có vấn đề về tình cảm, bản chất của vấn đề ấy là gì?
Hầu hết cảm xúc của chúng ta – đặc biệt cái gọi là những cảm xúc tiêu cực – đều có thể bắt nguồn từ sự tức giận, sợ hãi và phán xét. Ba điều này được tạo ra khi chúng ta tin vào những ý nghĩ của mình. Cuộc sống tình cảm và cuộc sống trí tuệ của chúng ta thực sự không tách rời; chúng là một. Cuộc sống tình cảm của chúng ta cho thấy cuộc sống trí tuệ vô thức của chúng ta. Chúng ta phản ứng một cách cảm xúc với những ý nghĩ mà chúng ta thường thậm chí không biết là mình đang có; bằng cách đó, những ý nghĩ vô thức này được thể hiện ra.
Thường thì mọi người đến gặp tôi với một số cảm xúc cụ thể đang làm phiền họ – nó có thể là sợ hãi, tức giận, oán giận, ghen tuông, bất cứ điều gì. Tôi nói với họ rằng nếu muốn giải phóng nó, họ phải nhìn vào thế giới quan của cảm giác nằm sâu bên dưới. Cảm xúc đó sẽ nói gì nếu nó có thể nói được? Nó có dạng niềm tin nào? Nó đang phán xét cái gì?
Điều tôi thực sự muốn hỏi là người đó rơi trở lại trạng thái chia rẽ về cảm xúc theo cách nào. Như tôi đã nói, bất cứ khi nào nhận thức từ trạng thái chia rẽ, chúng ta tự nhiên sẽ trải nghiệm cảm xúc tiêu cực. Cuộc sống tình cảm của chúng ta là một thước đo rõ ràng và đáng tin cậy về việc khi nào chúng ta nhận thức mọi thứ từ sự chia rẽ. Bất kỳ khi nào chúng ta sa vào chia rẽ thì sẽ có một xung đột cảm xúc ở mức nhất định mà chúng ta có thể cảm nhận, nó hoạt động như một tiếng gọi chú ý. Ngay khi ai đó cảm thấy xung đột tình cảm, câu hỏi cần được đặt ra là: “Mình bị rơi vào chia rẽ theo cách gì? Lúc này, điều gì đang gây ra cảm giác chia rẽ, cô lập, hoặc tự vệ? Mình đang tin vào điều gì? Mình có giả định nào đang được tái tạo trong cơ thể mình và bộc lộ ra thành cảm xúc?”.
Theo cách này, cảm xúc và suy nghĩ được liên kết; chúng là hai biểu hiện của cùng một thứ. Chúng không thể tách rời. Thông thường, khi người ta gặp tôi với một cảm xúc tiêu cực, tôi yêu cầu họ nhận ra ý nghĩ đứng sau cảm xúc đó. Đôi khi người ta khăng khăng rằng không có ý nghĩ đằng sau cảm xúc. Trong trường hợp đó, tôi đề nghị họ cứ ngồi với cảm xúc đó và suy gẫm về nó. Nếu cảm xúc có thể nói, nó sẽ nói gì?
Lần này qua lần khác, tôi nhận thấy rằng một khi người ta nghiền ngẫm cảm giác khó chịu kia trong một, hai ngày, hoặc một tuần, họ sẽ thấy: “À!”. Họ nói với tôi: “Adya, tôi thực sự tin rằng không có ý nghĩ gắn liền với cảm xúc của mình. Tôi nghĩ nó đơn giản chỉ là sợ hãi, tức giận hay oán hận. Nhưng thật ra, khi thực sự đi sâu vào nó và thực sự tĩnh lặng, bỗng dưng, tôi bắt đầu nghe được câu chuyện. Tôi có thể nghe thấy những ý nghĩ đang tạo ra cảm xúc này”.
Một khi tìm ra được những ý nghĩ tạo ra cảm xúc của mình, người ta có thể bắt đầu truy vấn ý nghĩ đó chính xác là gì, và liệu nó có chân thật không. Bởi vì, tất nhiên, không có ý nghĩ nào gây ra chia rẽ lại là chân thật.
Điều này gây sốc. Tất cả chúng ta lớn lên trong một thế giới mà một số cảm xúc tiêu cực được cho là hợp lý. Cảm giác nạn nhân là một ví dụ điển hình. Chúng ta nói: “Chà, chuyện như thế, như thế đã xảy ra với tôi, người ta đã làm thế này, thế này với tôi, vì vậy tôi là nạn nhân”. Chúng ta có thể xây dựng cả một đời sống tinh thần và cảm xúc xung quanh niềm tin rằng mình có lẽ phải vì mình là nạn nhân. Nhưng khi nhìn vào điều này, chúng ta thấy rằng, đây chỉ là một phương tiện đưa chúng ta đi vào chia rẽ. Thực tại không nhìn vạn vật theo quan điểm nạn nhân. Nó nhìn vạn vật từ một quan điểm hoàn toàn khác. Chúng ta có thể nghĩ “Người ta không nên nói thế với tôi”, nhưng thực tại là, người ta đã làm thế. Khi tâm trí nói điều gì đó không nên xảy ra, lập tức chúng ta trải nghiệm sự chia rẽ nội tâm. Nó diễn ra ngay lập tức. Tại sao chúng ta trải nghiệm sự chia rẽ? Bởi vì chúng ta đang tranh cãi với thực tại.
Điều chắc chắn là: nếu tranh cãi với thực tại vì bất cứ lý do gì, chúng ta sẽ sa vào chia rẽ. Con đường tự nhiên là thế. Thực tại đơn giản là chính nó. Ngay khi chúng ta có bất kỳ ý nào phán xét nó, lên án nó, cho rằng nó không nên thế, thì chúng ta sẽ cảm nhận sự chia rẽ.
Đa số chúng ta được dạy rằng trong một số điều nhất định, sự chia rẽ là tự nhiên. Chúng ta được dạy rằng thế là tự lừa dối bản thân nếu chúng ta không riêng biệt ở vài điều nhất định, về nỗi đau của chúng ta hay của ai đó. Như thể chúng ta không thực sự là một con người có cảm xúc nếu không trải nghiệm một nét riêng biệt nội tâm nào đó, ở các sự kiện cụ thể.
Nhưng đây là một trong những phần đáng kinh ngạc và thậm chí gây sốc khi bước vào các lĩnh vực sâu xa hơn của nhận thức: chúng ta nhận ra rằng không có một lý do chính đáng nào để tranh cãi với thực tại, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc chiến này. Tranh cãi với thực tại chắc chắn đưa đến khổ đau, một toa thuốc hoàn hảo để gây đau đớn.
Tệ hơn nữa, chúng ta thấy mình bị ràng buộc vào bất cứ điều gì mà chúng ta đang phản đối. Cho dù nó đã xảy ra ba mươi năm trước hay mới sáng hôm qua, nếu phản đối nó, chúng ta bị mắc kẹt lại với nó. Chúng ta trải nghiệm cùng một nỗi đau ấy, lặp đi lặp lại. Cưỡng lại cái gì đó không giúp chúng ta vượt qua nó; không giúp chúng ta đối phó với nó. Nó thực sự cầm tù chúng ta; nó trói buộc ta vào bất cứ điều gì mà chúng ta đang cưỡng lại.
Thật đáng kinh ngạc khi nhận ra rằng không hề có tranh luận nào của chúng ta với cái hiện thực đã hoặc đang diễn ra, lại có một chút cơ sở sự thật nào. Tranh luận của chúng ta chỉ là một phần của trạng thái mê. Nhưng nói rằng chúng là một phần của trạng thái mê hay nghe ai đó nói thế vẫn là chưa đủ.
Mỗi người trong chúng ta phải tự mình tìm hiểu; phải nhìn vào cuộc sống tình cảm của chính mình để đi đến nhận thức bất cứ điều gì có sức mạnh khiến chúng ta trải nghiệm sự chia rẽ. Chúng ta cần nhìn vào cảm xúc của mình và thấy đúng bản chất của chúng; chúng ta phải đặt câu hỏi về sự chân thực của chúng, thiền về chúng trong tĩnh lặng, và để cho những sự thật sâu sắc hơn tự bộc lộ ra. Như tôi đã nói, đây không nhất thiết là một quá trình phân tích.
Thật sự tìm hiểu là phải trải nghiệm. Chúng ta không tìm cách ngăn cản điều gì đó xảy ra, vì mục đích của việc tìm hiểu thật sự không gì khác hơn là chính sự thật. Nó không cố gắng chữa lành hoặc ngăn chúng ta khỏi bị những cảm xúc khó chịu. Tìm hiểu không thể có động cơ từ mong muốn hết khổ. Thôi thúc muốn thoát khổ là điều dễ hiểu, nhưng một cuộc truy vấn thực sự cần đi kèm với cái gì đó khác hơn, đó là mong muốn và sẵn sàng nhìn ra sự thật là gì, nhìn thấy chúng ta đang tự đặt mình vào mâu thuẫn như thế nào.
Một khi nhận ra rằng chính chúng ta là người đã tự đặt mình vào mâu thuẫn – rằng không ai và không một tình huống nào trong cuộc sống của chúng ta có khả năng làm điều đó – thì chúng ta sẽ thấy cuộc sống tình cảm của mình là một cổng thông tin. Nó mời gọi ta hãy nhìn thật sâu, nhìn từ trạng thái thức tỉnh – một trạng thái không cố gắng thay đổi hoặc xáo trộn bất cứ điều gì mà là chính bản thân nó, một người yêu sự thật.
Có lẽ điều tôi đang nói dễ bị hiểu nhầm rằng mọi cảm xúc tiêu cực là dấu hiệu của sự chia rẽ. Ý tôi không phải thế. Người ta có thể buồn mà không cảm thấy chia rẽ. Người ta có thể cảm thấy đau khổ mà không bị chia rẽ. Người ta có thể thấy tức giận mà không bị chia rẽ. Văn hóa phương Tây không có nhiều nền tảng cho ý tưởng này. Tuy nhiên ở phương Đông, có rất nhiều kinh về các vị ác thần; ví dụ trong Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ giáo, hiện thân của Trời và các Thần không phải lúc nào cũng ngự ở tòa sen trên thiên giới với nụ cười viên mãn. Ở những pháp môn này cũng như nhiều giáo phái khác trên khắp thế giới, tâm linh bao gồm một loạt các trải nghiệm tình cảm của con người. Do đó không nên kết luận rằng sự hiện diện của những cảm xúc tiêu cực – hay cái mà chúng ta gọi là cảm xúc tiêu cực – là dấu hiệu của ảo tưởng. Điều quan trọng là liệu cảm xúc đó có bắt nguồn từ sự chia rẽ hay không. Nếu có thì cảm xúc đó dựa trên một ảo tưởng. Nếu bạn tìm hiểu một cách chân thành và khám phá ra rằng cảm xúc ấy không bắt nguồn từ sự chia rẽ thì nó không dựa trên ảo tưởng. Nhìn thấy điều này mở ra cho chúng ta có một loạt các cảm xúc. Chúng ta mở ra thành một không gian rộng lớn, trong đó, ngọn gió của những cảm xúc khác nhau có thể thổi qua nội tâm chúng ta.
Như thế, tự do mà tôi đang nói đến là tự do vượt thoát khỏi những cảm xúc bắt nguồn từ sự phân chia.
Cảm xúc nắm giữ ảo tưởng về cái tôi chia rẽ như thế nào?
Nếu nhìn thật sâu, chúng ta sẽ thấy nỗi sợ hãi là sợi dây buộc ý thức bản ngã ở tầng cảm xúc lại với nhau. Vậy tại sao chúng ta lại sợ hãi? Bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình là con người hữu hạn và riêng biệt. Chúng ta hình dung về bản ngã như một ai đó có thể bị đau đớn, tổn thương, hoặc bị xúc phạm.
Chúng ta phải thấy, thông qua tìm hiểu của chính mình, rằng ý thức về bản ngã, ý thức chia rẽ này là một ảo giác. Nó không chân thật. Đó là lời nói dối nho nhỏ mà chúng ta tự bảo mình. Đó là một kết luận nhỏ – rằng tôi là người mà tôi tưởng tượng là mình – khiến chúng ta đâm ra sợ hãi. Bởi cái người mà chúng ta tưởng tượng là ta, lại cũng tưởng tượng mình có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào, và cái ý thức ảo tưởng về bản ngã này thấy cuộc sống rất nguy hiểm. Ai đó có thể đứng lên, nói lời tàn nhẫn, và ý thức ảo tưởng về bản ngã có thể ngay lập tức rơi vào xung đột, đau đớn, khổ sở. Chúng ta cảm thấy không an toàn vì cảm giác về bản ngã của chúng ta có thể bị tổn thương rất dễ dàng.
Cảm nhận về cái tôi chia rẽ của chúng ta bắt nguồn từ sự kết hợp của ý nghĩ và cảm xúc. Phần lớn cảm xúc của chúng ta bắt nguồn từ điều chúng ta nghĩ. Dưới cái cổ, cơ thể của chúng ta là một cỗ máy nhân bản những gì mà tâm trí chúng ta nghĩ. Thân và tâm gắn với nhau như hai mặt của một đồng xu. Chúng ta cảm thấy những gì mình nghĩ. Khi chúng ta có một cảm xúc là thực ra chúng ta đang trải nghiệm một ý nghĩ. Bản thân ý nghĩ thường không ý thức. Điều đáng kinh ngạc trong cách chúng ta được kết nối là trung tâm cảm xúc của chúng ta, trái tim chúng ta, sao chép ý nghĩ thành cảm xúc; biến đổi các khái niệm thành những cảm giác rất thật, sống động, cảm thấy được.
Khi nói đến tầng tâm trí và tầng cảm xúc, có vẻ như tôi đang nói về hai điều khác nhau. Nhưng thực ra tôi đang nói về cùng một hiện tượng: thân và tâm, cảm giác và cảm xúc, hai mặt của một đồng xu.
Khi bắt đầu thức tỉnh khỏi những bám chấp, những nhận thức chia rẽ ở tầng tâm trí và tầng cảm xúc, chúng ta đi tới chỗ thấy rằng không có ai bị tổn thương; không có ai hay bất cứ điều gì bị cuộc sống đe dọa. Thật ra, chúng ta chính là cuộc sống. Khi chúng ta nhìn thấy và nhận thức rằng ta là toàn bộ cuộc sống, chúng ta không còn sợ nó nữa; chúng ta không còn cảm thấy sợ hãi trước sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng cho đến khi nhận ra điều đó, chúng ta vẫn sẽ thấy cuộc sống đầy hăm dọa, như một thứ rào cản mà chúng ta phải vượt qua bằng cách nào đó.
Thức tỉnh ở tầng cảm xúc sẽ giải phóng chúng ta khỏi những bám chấp dựa trên nỗi sợ hãi. Khi bắt đầu thức tỉnh ở tầng này, chúng ta tự do để cảm nhận được thế giới một cách sâu sắc hơn; một tiềm năng hoàn toàn khác mở ra cho chúng ta. Cơ thể cảm xúc, toàn bộ vùng tim, có khả năng nhạy cảm đáng kinh ngạc. Nó là cơ quan cảm giác của những gì chưa được bộc lộ. Chính là qua đó mà những cảm giác chưa từng bộc lộ được trải nghiệm chính nó, và tự hiểu chính nó. Điều này rất khác với khái niệm “tôi” cảm nhận bản thân và tìm ra chính mình qua cảm xúc và cảm giác. Càng thức tỉnh thì chúng ta càng có khả năng trải nghiệm toàn bộ thân-tâm đúng như một công cụ cảm nhận về cái bản ngã tuyệt đối, hợp nhất.
Nói cách khác, chúng ta càng thức tỉnh nhiều hơn khỏi cơ thể cảm xúc thì cơ thể cảm xúc càng tự thức tỉnh. Nó mở ra. Chúng ta càng ít xung đột cảm xúc thì cơ thể cảm xúc của chúng ta càng trở nên cởi mở. Điều này là bởi càng nhận ra rằng không có gì phải bảo vệ – tất cả những suy nghĩ, ý tưởng và niềm tin khiến chúng ta đâm ra tự vệ về cảm xúc đều là giả tướng – thì chúng ta càng trở nên cởi mở hơn.
Sự thức tỉnh ở tầng này rất giống với mở ra trái tim tâm linh. Có lẽ bạn đã thấy các miêu tả chúa Kitô đang rướn tới, kéo toang lồng ngực, và lộ ra một trái tim tỏa sáng rực rỡ, đẹp đẽ. Đây là một mô tả việc mở ra trái tim tâm linh. Người thức tỉnh là người sẵn có tình cảm vô cùng lớn lao – không bảo vệ bản thân ở tầng cảm xúc hoặc trí tuệ. Một phần của những gì xảy ra khi thức tỉnh ở tầng cảm xúc là chúng ta trải nghiệm bản ngã trong ý thức tột cùng, hoàn toàn không tự vệ. Khi chúng ta không tự vệ, chỉ có tình yêu tự nhiên tuôn chảy từ chúng ta – một tình yêu vô điều kiện.
Bản chất cuối cùng của thực tại là không phân biệt; thực tại là hiện hữu. Dấu hiệu xác thực nhất của một trái tim thức tỉnh là người có tình yêu không phân biệt với mọi thứ. Điều này có nghĩa là yêu mọi thứ bởi vì người thức tỉnh nhìn mọi thứ như là chính mình. Tình yêu vô điều kiện ra đời. Một khi tình yêu vô điều kiện bắt đầu nảy nở bên trong chúng ta, đó là cách thực tại bộc lộ chính nó. Thực tại yêu thương chính nó diễn ra qua trái tim thức tỉnh. Đây không phải là một điều cá nhân. Đây là thực tế, một tình yêu không phân biệt, yêu chính bản thân. Yêu mọi thứ và mọi người. Yêu thương ngay cả những người mà ở cấp độ cá nhân, bạn có lẽ không yêu. Thật ngạc nhiên khi bạn bắt đầu nhận thức rằng bạn yêu mọi thứ, mọi việc, mọi người mà bạn không yêu ở cấp độ cá nhân. Bạn nhận ra nó không quan trọng. Khi sự thật được đánh thức, nó yêu mọi thứ; nó yêu thương những người mà cá nhân bạn thích hoặc không thích. Trái tim được đánh thức yêu cả thế giới như nó vốn thế chứ không chỉ như nó có thể thế. Càng thức tỉnh ở tầng cảm xúc, chúng ta càng trải nghiệm tình yêu vô điều kiện, đó là một trong những lời kêu gọi sâu xa nhất của cuộc sống con người.
Thức tỉnh ở tầng ruột
Loại thức tỉnh thứ ba là thức tỉnh ở tầng ruột, là ý thức sinh tồn nhất của chúng ta về bản ngã. Đó là một phần của chúng ta, nơi có một dạng bám víu cốt lõi – một bám víu đến tận gốc của chúng ta. Tựa như có nắm tay bóp giữa ruột của bạn; đó là cảm giác thô sơ nhất của chúng ta về bản ngã. Nó là sự bám víu và co thắt. Từ đó mà tất cả các cảm giác khác về bản ngã được xây dựng xung quanh nó.
Khi Tâm Linh hay ý thức biểu hiện thành hình thức và bộc lộ ra, ban đầu nó được trải nghiệm như một cú sốc. Sự chuyển động đột ngột từ tiềm năng vô hạn đi vào trải nghiệm hình thức hữu hạn gây sốc cho chính ý thức.
Sự bám víu này trong ruột là cơn co thắt, cơn sốc, được trải nghiệm ở cấp độ thể chất.
Để có cảm giác về những gì tôi mô tả, hãy tưởng tượng rằng bạn đang chào đời. Bạn đang ra khỏi môi trường hoàn toàn được nuôi dưỡng, bảo vệ, ấm áp, và đột nhiên ở trong một căn phòng. Nó lạnh hơn nhiều so với chỗ bạn vừa ra khỏi; có ánh sáng lóa mắt và giọng nói ồn ào. Có ai đó đang túm lấy bạn, kéo bạn lên. Đây là lần tiếp xúc đầu tiên của bạn với chính cuộc sống, cuộc sống bên ngoài tử cung. Nếu có thể tưởng tượng được điều đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng đứa bé ấy có thể có một cú co thắt trong ruột. Màn chào đời quá bạo lực, đột ngột, và bất ngờ đến nỗi nó có thể tạo ra dạng bám víu này.
Ngoài cú sốc ban đầu khi hiện hữu đó, trong suốt cuộc đời mình, chúng ta còn có nhiều trải nghiệm về sự bám víu ở ruột. Cho dù ở thời thơ ấu hay trong quá trình trưởng thành, hầu hết chúng ta đều có trải nghiệm khiến chúng ta đôi khi phải đè nén nỗi sợ hãi và sốc. Những trải nghiệm này làm trầm trọng thêm sự bám víu ở tầng ruột.
Làm thế nào để chúng ta đối mặt với sự bám víu đó? Chúng ta phải đối phó với nó thế nào đây? Cuối cùng, chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi của hành động bám víu đó, bởi vì bám víu chỉ là một phản ứng lại với nỗi sợ. Tựa như bạn có bàn tay nắm chặt, bám víu ở ruột mình, và nó gào lên: “Không, không, không, không, không! Không sống đâu, không chết đâu, không tồn tại, không tồn tại đâu! Không không không! Tôi sẽ bám chắc! Tôi sẽ giữ chặt! Tôi sẽ không buông ra đâu!”.
Ngay cả những vận động về hướng thức tỉnh cũng có thể gây ra sợ hãi. Khi càng tiến gần hơn tới sự thức tỉnh thì người ta thường cảm thấy sợ hãi – vì thức tỉnh là buông bỏ đột ngột sự bám víu này trong ruột. Không có gì đảm bảo rằng sự bám víu này sẽ thôi hẳn; nó có thể lại bám víu tiếp. Nhưng ban đầu, thức tỉnh là buông bỏ sự bám víu này. Khi đến gần thức tỉnh, người ta thường cảm thấy một cảm giác bản năng bám giữ chặt hơn, như thể chúng sẽ bị tiêu diệt hoặc giết chết. Đó là một nỗi sợ hãi phi lý nảy sinh trong thâm tâm.
Khi người ta kể với tôi họ đang có dạng trải nghiệm này, điều đầu tiên tôi nói với họ là nó phổ biến, hầu hết mọi người đều có trải nghiệm này vào lúc nào đó. “Không sao đâu”, tôi nói. “Bây giờ bạn đang trở nên có ý thức về một sự bám víu mà trước đây bạn có lẽ không ý thức được”.
Tại thời điểm này, câu hỏi phổ biến là: “Làm thế nào để tôi thoát khỏi nó?”. Câu hỏi này xuất phát từ quan điểm của ý thức cá nhân. Ý thức cá nhân luôn muốn thoát khỏi những gì không thoải mái. Nhưng, tất nhiên, bạn cố gắng thoát khỏi bất cứ điều gì thì lại càng có xu hướng duy trì nó. Chính hành động cố gắng thoát khỏi cái gì lại duy trì nó. Bằng cách cố gắng để thoát khỏi cái gì đó, bạn đang vô tình tặng cho nó thực tế. Nếu bạn cố gắng thoát khỏi nó, bạn phải nhận thức nó là có thật, do đó mà vô thức cung cấp thực tế, tiếp thêm năng lượng cho chính cái bạn đang cố gắng thoát khỏi. Dạng bám níu này không thể giải quyết bằng kỹ thuật. Theo một nghĩa nào đó, nhận thức rằng mình không thể làm được gì là điều quan trọng nhất bạn có thể “làm”.
Hỏi “Tôi nên làm gì?” là một cách che giấu ý nói: “Tôi làm thế nào để kiểm soát tình hình này?”. Thuốc giải duy nhất cho loại ý chí này là buông bỏ nó đi. Làm sao người ta có thể bỏ ý chí được? Chà, nó trở nên rất tinh ma, bởi vì ngay cả cố gắng để bỏ ý chí tự nó lại là một hành động đầy ý chí.
Có lẽ ai cũng từng có kinh nghiệm cố gắng để buông bỏ hoặc đầu hàng, nhưng cố gắng và đầu hàng là hai khái niệm loại trừ lẫn nhau. Khi chúng ta vẫn còn cố gắng tức là không buông bỏ.
Do đó, đến một thời điểm, tất cả các kỹ thuật đều biến mất, ở đấy, mọi điều chúng ta từng học để điều chỉnh ý thức vào một trạng thái sáng rõ hơn đều đưa chúng ta đến thất bại. Kỹ thuật của chúng ta sẽ thành vô dụng. Sẽ có một thời điểm chúng ta phải nhận ra rằng “tôi” không thể làm gì để buông bỏ ở tầng hiện sinh; “tôi” không thể làm gì để đầu hàng. Thế mà đầu hàng và buông bỏ lại là yêu cầu tuyệt đối.
Vào thời điểm đó, điều quan trọng nhất là để sự thật này bước vào – rằng “tôi” không thể làm gì. Hãy để sự thật đó bước vào trọn vẹn, để nhận thức này thâm nhập trọn vẹn, đây chính là sự buông bỏ cuối cùng; là mở ra bàn tay bám chặt, mở ra ý thức hiện sinh nhất, thô sơ nhất về bản ngã.
Để điều đó xảy ra, bạn phải nhận ra rằng mình không thể nào làm điều đó. Bạn phải đi đến cùng đường; tới điểm cuối cùng sợi dây bạn bám. Chỉ khi đó sự đầu hàng tự phát mới có thể xảy ra. Điều duy nhất mà con người chúng ta có thể làm là nhận thấy mọi bám giữ đều là vô ích; mọi bám giữ đều là trá hình để khước từ sự thật chúng ta là ai, là gì.
Khi đầu hàng sự bám níu ở tầng ruột, bạn có thể cảm thấy như mình sắp chết. Nhưng bạn không chết; ảo tưởng về một cái tôi chia rẽ sẽ chết. Tuy thế, có thể bạn vẫn cảm thấy như mình sắp chết. Chỉ khi nào bạn sẵn sàng chết vì sự thật thì sự bám níu kia mới có thể thật sự buông bỏ tận gốc.
Trước khi tiếp tục, tôi muốn bổ sung vài điều có thể áp dụng cho một số người. Có người từng có những khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trong cuộc sống – những người đã trải qua sự kiện thương đau có thể tạo ra một sự bám giữ thậm chí còn sâu sắc hơn ở tầng gốc của tồn tại. Đối với những người này, sự bám giữ ở tầng ruột có thể càng mạnh hơn khi họ gần đến một trạng thái ý thức sâu sắc hơn. Nếu đây là trường hợp của bạn, điều quan trọng là không ép buộc bất cứ thứ gì. Bạn có thể cần sự trợ giúp đặc biệt để giải quyết khía cạnh này của sự thức tỉnh; có thể cần phải tìm cách giải quyết ý thức sâu hơn của sự tổn thương mà bạn đang trải nghiệm trước khi bạn có thể buông bỏ nó. Trong trường hợp đó, tôi khuyên bạn nên tìm người thật sự biết cách đối phó với những trải nghiệm như thế, biết tiếp cận chúng một cách hữu ích. Bạn sẽ biết cách tiếp cận mà người ấy khuyên là có ích vì nó bắt đầu có tác dụng. Sự bám giữ ở tầng gốc này sẽ bắt đầu buông lỏng ra.
Tất nhiên, ai cũng lớn lên với bi kịch ở mức độ nào đó. Ngay cả khi có một nền giáo dục tuyệt vời, cha mẹ đáng yêu nhất và môi trường nuôi dưỡng tốt nhất trên thế giới, không ai có thể trưởng thành mà không trải nghiệm nỗi đau nhất định. Cuộc đời là bể khổ theo một nghĩa nào đó; nó khổ trong cảm nhận của cái tôi chia rẽ. Bản thân cuộc sống là một đe dọa với cảm nhận của cái tôi chia rẽ. Không có cách nào thoát khỏi nó.
Sự thức tỉnh ở tầng ruột đòi hỏi phải đối mặt và giải phóng nỗi sợ sinh tồn sâu sắc nhất của chúng ta. Nó cũng đòi hỏi phải đối mặt và giải phóng cái mà tôi gọi là ý chí cá nhân, hoặc cái phần trong ta vẫn nói: “Tôi muốn cái này, tôi muốn theo cách này”. Cuối cùng, ý chí cá nhân là ảo tưởng, đó là lý do tại sao có cảm giác bực bội khi chúng ta cố gắng dùng nó để kiểm soát và điều khiển các sự kiện. Nhưng dù là ảo tưởng hay không thì nó phải được đối mặt và giải quyết. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự đầu hàng sâu xa nhất, xả thân nhất, và chân thành với chính sự thật.
Nhận thức thật sự, giác ngộ thật sự đến qua việc từ bỏ hoàn toàn ý chí cá nhân – một sự buông bỏ hoàn toàn. Tất nhiên, điều này thường tạo ra sợ hãi trong ý thức huyễn ảo của chúng ta về cái tôi, nó chỉ có thể hiểu việc buông bỏ ý chí cá nhân là bi kịch. Chúng ta sợ buông bỏ sẽ đưa mình vào nguy hiểm. Chúng ta nghĩ rằng nếu buông bỏ ý chí cá nhân, chúng ta sẽ không bao giờ có được những gì mình muốn, thế giới sẽ không bao giờ theo cách ta muốn, và không có gì diễn ra như ý ta nữa.
Cuối cùng, chúng ta nhận ra những kết luận đó bản thân nó chỉ là những ý nghĩ. Thực ra, không có gì là ý chí cá nhân, nhưng cho đến khi nhận ra điều này, chúng ta vẫn trải nghiệm ý chí chủ quan.
Đây là chỗ chúng ta bắt đầu biết đến bài học vỡ mộng. Khi cảm thấy vỡ mộng với cái gì đó, có nghĩa là chúng ta đang đến tận cùng ý chí của mình. Chỉ khi đến tận cùng ý chí của chúng ta thì sự biến đổi mới xảy ra.
Những người từng nghiện ma túy hoặc rượu song đã hồi phục biết rằng một phần rất quan trọng trong quá trình cai nghiện là phải đến tận cùng ý chí cá nhân của mình. Bạn nhận ra rằng mình không thể cai nghiện bằng ý muốn chủ quan; ý chí của bạn không mạnh mẽ đến thế, và bạn không thể làm điều đó với bản thân mình. Khi một người nghiện xuống “đáy”, điều này thực sự nghĩa là ý chí cá nhân của họ đã vụn vỡ. Và khi ý chí cá nhân của chúng ta tan rã, một sức mạnh khác tràn vào bên trong chúng ta. Đó là sức mạnh của Tâm Linh, và giờ đây, nó có thể vận hành bởi vì chúng ta không còn phải tránh né nó bằng cách bám vào ý chí cá nhân.
Tất cả chúng ta, trong quá trình thức tỉnh của mình, sẽ đi đến giới hạn của ý chí cá nhân chúng ta. Hầu hết chúng ta sẽ ghé đến đó vài lần khác, ở mức ngày càng sâu hơn, cho đến khi nó được dập tắt hoàn toàn.
Mất ý chí cá nhân thực ra hoàn toàn không phải là một mất mát. Không phải là nếu thế chúng ta sẽ trở thành đệm lót của nhân loại, không còn biết mình phải làm gì và làm thế nào nữa. Hoàn toàn ngược lại. Bằng cách từ bỏ ảo tưởng về ý chí cá nhân, một trạng thái nhận thức hoàn toàn khác được sinh ra hay tái sinh trong chúng ta. Nó tựa như từ sâu bên trong chúng ta được hồi sinh. Sự hồi sinh này rất khó giải thích, giống như nhiều thứ trong tâm linh, nhưng về bản chất, chúng ta bắt đầu được cuốn vào cuộc sống hoàn toàn, trọn vẹn.
Sự vận động này được mô tả rất sinh động trong Đạo giáo, nó tập trung vào biểu hiện của Đạo, hoặc sự thật, thông qua chúng ta. Nếu đọc qua Đạo Đức Kinh hay nhìn vào một số giáo lý của Đạo giáo, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được cách ý chí được thay thế bằng nhận thức về dòng chảy của Đạo.
Khi ra khỏi ghế lái xe, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống có thể tự lái, rằng thực sự là cuộc sống vẫn luôn tự lái. Khi bạn ra khỏi ghế lái, cuộc sống có thể tự lái dễ dàng hơn nhiều – nó có thể trôi theo những cách mà bạn không bao giờ tưởng tượng nổi. Cuộc sống trở nên gần như huyền diệu. Ảo tưởng về “tôi” không còn nữa. Cuộc sống bắt đầu trôi chảy, và bạn không bao giờ biết nó sẽ đưa bạn tới đâu.
Vì cảm giác về ý chí cá nhân giảm xuống, người ta thường nói với tôi: “Tôi thậm chí còn không biết ra quyết định nữa”. Đó là bởi vì họ đang ngày càng ít điều khiển hơn từ quan điểm cá nhân. Có một phương thức hoạt động mới, không hẳn là về việc ra quyết định thế này hay thế kia, quyết định đúng hay sai. Nó gần với định hướng dòng chảy hơn. Bạn cảm thấy các sự kiện đang vận động tới đâu, và mình nên làm điều gì thì đúng. Nó tựa như một con sông biết rẽ ngả nào để tránh một tảng đá – sang trái hay sang phải. Đó là cảm giác hiểu biết bản năng và trực giác.
Dòng chảy này luôn sẵn có với chúng ta, nhưng hầu hết chúng ta đều bị lạc lối trong suy nghĩ phức tạp của mình mà không cảm nhận được rằng có một dòng chảy tự nhiên và đơn giản vào cuộc sống. Nhưng bên dưới sự hỗn loạn của tư tưởng và cảm xúc, dưới sự bám chấp vào ý chí cá nhân, thực sự có một dòng chảy. Có một sự vận động đơn giản của cuộc sống.
Một trong những định nghĩa về giác ngộ mà tôi rất thích là của Anthony de Mello, một linh mục dòng Tên là đã qua đời cách đây vài năm. Có người đã đề nghị ông định nghĩa trải nghiệm giác ngộ của mình. Ông nói: “Giác ngộ là sự hợp tác tuyệt đối với lẽ tất nhiên”. Tôi thích câu này, bởi vì nó định nghĩa sự giác ngộ không chỉ như một nhận thức mà còn là một hành động. Giác ngộ là khi mọi thứ trong chúng ta hòa hợp với chính dòng chảy cuộc sống, với điều tất nhiên.
Khi không bị mâu thuẫn và chia rẽ bên trong, chúng ta cảm nhận được lẽ tất nhiên – cuộc sống đang chuyển động đi đâu, theo hướng nào. Chúng ta không còn hỏi: “Đây có phải là đúng đường không? Làm sao tôi biết đó là đúng hay sai?”. Câu hỏi này thực sự làm biến dạng nhận thức của chúng ta. Điều đang diễn ra tinh tế hơn thế nhiều; đó chính là dòng chảy của cuộc sống.
Khi chúng ta buông bỏ ý chí cá nhân – khi chúng ta bắt gặp nỗi sợ hãi thắt ruột và có mong muốn chân thành để chấp nhận bất cứ điều gì chúng ta đang sợ – thì mọi thứ mà tôi đang nói đây trở nên sẵn sàng cho chúng ta. Khi chúng ta nói một tiếng vâng đơn giản và chân thành với cuộc sống, với cái chết, với sự tan rã của cái tôi, chúng ta không còn phải đấu tranh nữa. Nó trở thành một cách mới để định hướng đi qua cuộc sống. Dòng chảy là thứ định hướng cho chúng ta đi qua cuộc sống chứ không phải những khái niệm, những ý tưởng, những thứ ta nên hoặc không nên làm, cái gì là đúng hay sai. Theo thời gian, chúng ta sẽ thấy là dòng chảy cuộc sống luôn kỳ diệu.
Đó là biểu hiện của sự hợp nhất, nó hướng tồn tại của chúng ta theo những con đường hàn gắn và yêu thương, và nó đưa mọi thứ đến với nhau theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được.