Không có gì nhiều xảy ra ở phía Tây. Hầu như không có tiếng súng nổ. Người Đức trên đường phố bắt đầu gọi đấy không phải là Blitzkrieg (có nghĩa: Chiến tranh sấm sét) mà nói trại thành Sitzkrieg (có nghĩa: Chiến tranh ngồi, hoặc nói trại thành Chiến tranh lấm lét). Ở phương Tây, người ta gọi là “chiến tranh giả vờ”. Tướng Anh G. F. C. Fuller diễn tả:
Quân đội mạnh nhất thế giới [Pháp] đối mặt với không hơn 26 sư đoàn [Đức], ngồi im lìm và trú thân phía sau lớp thép và bê-tông trong khi một đồng minh dũng cảm kiểu Don Quixote đang bị tiêu diệt!1
Phía Đức có lấy làm ngạc nhiên không? Không ngạc nhiên lắm. Nhật ký của Halder phân tích tình hình ở phía Tây nếu Đức tấn công Ba Lan. Ông xem việc Pháp tấn công là khó xảy ra. Ông chắc chắn Pháp sẽ không hành quân qua Bỉ “chống lại ý muốn của người Bỉ”. Ông kết luận rằng Pháp sẽ giữ thế phòng thủ. Ngày 7 tháng 9, khi số phận lực lượng Ba Lan đã bị định đoạt, Halder đang bận rộn với kế hoạch chuyển những sư đoàn Đức qua phía Tây.
Hai ngày sau, Hitler ban hành Chỉ thị Số 3 về việc Tiến hành Chiến tranh, ra lệnh chuyển những đơn vị Lục quân và Không quân từ Ba Lan sang phía Tây. Nhưng không nhất thiết là để tác chiến. Chỉ thị nêu:
Ngay cả sau khi Anh và Pháp miễn cưỡng bắt đầu hành động thù địch, phải xin lệnh của tôi cho mỗi trường hợp sau đây: Mỗi khi lực lượng trên bộ của ta [hoặc]... một máy bay vượt biên giới phía tây; [và] mỗi cuộc không kích trên nước Anh.2
Anh và Pháp đã cam kết sẽ làm gì trong trường hợp Ba Lan bị tấn công? Sự đảm bảo của Anh chỉ có tính chung chung. Nhưng Pháp thì cụ thể hơn, như nêu trong Hiệp định Quân sự Pháp-Ba Lan ngày 19 tháng 5 năm 1939. Pháp sẽ “mở những cuộc hành quân mạnh dần lên chống lại những mục tiêu giới hạn vào ngày thứ ba sau Ngày Tổng động viên”. Pháp đã tuyên cáo tổng động viên ngày 1 tháng 9. Hiệp định nêu thêm rằng “ngay khi Đức có nỗ lực chính yếu nhắm vào Ba Lan, Pháp sẽ tấn công Đức, bắt đầu từ ngày thứ mười lăm sau ngày tổng động viên của Pháp”. Khi Tổng Tham mưu phó của Quân đội Ba Lan, Đại tá Jaklincz, hỏi Pháp sẽ có bao nhiêu quân cho chiến dịch tấn công này, Thống chế Gamelin đáp sẽ có 35 đến 38 sư đoàn.3
Nhưng vào ngày 23 tháng 9, khi có dấu hiệu Đức sắp tấn công Ba Lan, vị Thống chế nhút nhát trả lời rằng phải đợi “không đến hai năm... vào năm 1941-1942, dựa trên tiền đề là vào lúc ấy binh sĩ Anh và trang thiết bị của Mỹ sẽ hỗ trợ Pháp” ông mới có thể mở một chiến dịch tấn công nghiêm túc.
Trong những tuần lễ đầu của cuộc chiến, Anh chỉ gửi qua Pháp một nhúm binh sĩ. Đến ngày 11 tháng 10, ba tuần sau khi cuộc chiến ở Ba Lan chấm dứt, Anh có 4 quân đoàn – 158.000 quân – ở Pháp. Churchill gọi đây là “sự đóng góp tượng trưng”. Thương vong đầu tiên của Anh – một hạ sĩ bị bắn thiệt mạng khi đi tuần tiễu – xảy ra ngày 9 tháng 12, tức hơn 3 tháng sau khi Quân đội Đức tràn sang Ba Lan.
Ngày 9 tháng 10, tác giả đi đến bờ đông của Sông Rhine với chiều dài hơn 100 kí-lô-mét làm biên giới Pháp-Đức. Không có dấu hiệu của chiến tranh. Một nhân viên hỏa xa nói với tôi rằng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, không có một phát súng nào. Binh sĩ hai bên có thể nhìn thấy nhau và ở trong tầm bắn của nhau. Quân Đức đang vận chuyển súng đạn và hàng hậu cần ở tuyến đường sắt, nhưng quân Pháp không làm gì để quấy rầy.A
Chú thích:
A Berlin Diary, tr. 234. (TG)
Tướng lĩnh Đức khai trước Tòa án Nuremberg rằng các nước Đồng Minh bỏ lỡ cơ hội bằng vàng khi không tấn công ở phía Tây. Tướng Tham mưu trưởng Lục quân Halder nói:
Chiến dịch Ba Lan thành công chỉ là nhờ biên giới phía Tây hầu như hoàn toàn bỏ ngỏ. Nếu Pháp nhận ra lý lẽ của tình hình và lợi dụng việc các lực lượng Đức đang tham chiến ở Ba Lan, thì đáng lẽ họ đã có thể vượt Sông Rhine mà chúng tôi không thể ngăn chặn, rồi họ có thể đe dọa vùng RhurA, là yếu tố có tính quyết định nhất trong việc tiến hành chiến tranh của Đức...4
Chú thích:
A Vùng Rhur nằm ở miền tây nước Đức, giáp với Pháp, là vùng công nghiệp hóa hàng đầu ở Tây Âu nhờ có nhiều mỏ sắt và mỏ than làm cơ sở cho công nghiệp luyện thép và cơ khí, vì thế có tầm quan trọng cốt lõi trong việc sản xuất vũ khí và năng lượng cho Quân đội Đức. (ND)
Tham mưu phó Hành quân Jodl của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực khai:
Nếu chúng tôi không sụp đổ năm 1939, đấy chỉ là nhờ trong chiến dịch Ba Lan, khoảng 110 sư đoàn Pháp và Anh hoàn toàn bất động khi đối mặt với 23 sư đoàn của Đức.5
Tham mưu trưởng Keitel của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực khai thêm:
Những quân nhân như chúng tôi đã nghĩ Pháp sẽ tấn công trong thời gian chiến dịch Ba Lan, và rất ngạc nhiên khi thấy chẳng có gì xảy ra... Một cuộc tấn công của Pháp sẽ chỉ đối mặt với một lực lượng mỏng của Đức, không phải là phòng thủ thật sự.6
Thế thì, tại sao quân Pháp có ưu thế vượt trội ở phía Tây nhưng lại không tấn công như Gamelin và Chính phủ Pháp đã cam kết trên giấy tờ?
Có nhiều lý do: tư tưởng chủ bại trong Bộ Tổng Tham mưu Quân đội, Chính phủ và người dân Pháp; hồi ức trong Thế chiến I khi Pháp bị bỏ mặc cho đến kiệt quệ và e sợ cuộc thảm sát tương tự lần này; Pháp nhận ra rằng vào giữa tháng 9 quân Ba Lan đã bị đánh tan nát và Đức chẳng bao lâu sẽ chuyển quân về phía Tây và có thể đẩy lùi bước tiến của Pháp; nỗi e sợ ưu thế hỏa lực của Lục quân và Không quân Đức. Vì thế, tuy một chiến dịch oanh kích tổng lực trên vùng Ruhr, trung tâm công nghiệp của Đức, có thể là thảm họa cho Đức, nhưng ngay từ đầu Chính phủ Pháp yêu cầu Không lực Hoàng gia Anh đừng oanh kích Đức vì sợ Đức sẽ trả đũa nhằm vào các nhà máy của Pháp.
Về cơ bản, có lẽ câu trả lời đúng nhất tại sao Pháp không tấn công trong tháng 9 năm 1939 là của Churchill: “Cuộc chiến này đã bị bại vài năm trước”7, tại Munich năm 1938; vào lúc Đức chiếm lại vùng Rhineland năm 1936; và năm trước nữa khi Hitler ban hành lệnh tổng động viên trong thái độ thách thức Hòa ước Versailles. Cái giá của những lần Đồng Minh thiếu cương quyết như thế bây giờ họ phải trả, dù Anh và Pháp dường như nghĩ rằng khi không hành động gì cả thì không phải trả giá gì cả.
Có đụng độ hải quân trên mặt biển.
Hải quân Đức không bị kiềm chế như Lục quân Đức. Trong tuần lễ đầu của cuộc chiến, Đức đánh đắm 11 tàu của Anh có tổng tải trọng gần 65.000 tấn, gần bằng phân nửa tải trọng mà tàu ngầm Đức đánh đắm hằng tuần vào cao điểm tháng 4 năm 1917 khi Anh đang ở gần bờ vực thảm họa trong Thế chiến I. Tổn thất của Anh giảm dần: hơn 53.000 tấn trong tuần lễ thứ hai, hơn 12.000 tấn trong tuần lễ thứ ba, và chỉ không đến 5.000 tấn trong tuần lễ thứ tư. Tổng cộng trong tháng 9 năm 1939, tổn thất phía Anh gồm 26 tàu với tổng tải trọng hơn 135.000 tấn bị tàu ngầm Đức đánh đắm, và 3 tàu với tổng tải trọng hơn 16.000 tấn bị trúng ngư lôi. Churchill, lúc này là Bộ trưởng Hải quân, cung cấp số liệu cho Viện Dân biểu ngày 26 tháng 9.
Bài diễn văn của ông có một mẩu chuyện kỳ thú: một hạm trưởng tàu ngầm Đức gửi điện đến đích thân báo cho ông biết vị trí một chiếc tàu của Anh mà anh vừa bắn chìm và thúc giục gửi cứu hộ đến. Churchill nói: “Tôi không rõ phải phúc đáp theo địa chỉ nào. Tuy nhiên, anh ấy ở trong tay chúng tôi.” Nhưng anh ấy không ở trong tay Churchill. Hai ngày sau ở Berlin, tác giả phỏng vấn hạm trưởng chiếc tàu ngầm, Đại úy Herbert Schultze, trong bài phát thanh về Mỹ. Anh ấy cho tôi xem nhật ký hải hành ghi bức điện gửi cho Churchill.A
Chú thích:
A Xem Churchill, The Gathering Storm, tr. 436-37; Berlin Diary, tr. 225-27. (TG)
Có một lý do, mà Anh không biết, giải thích tại sao tổn thất giảm nhanh mỗi tuần. Ngày 7 tháng 9, Thủy sư Đô đốc Raeder có buổi họp kéo dài với Hitler. Quá vui mừng với chiến thắng ở Ba Lan và với việc Pháp bất động ở phía Tây, Hitler khuyên Hải quân nên giảm mức độ tấn công. Pháp thì tỏ ra “kiềm chế về chính trị và quân sự”, và Anh thì “lưỡng lự”.
Trong tình hình này, các tàu ngầm ở Đại Tây Dương nhận lệnh tránh tất cả tàu chở hành khách mà không có ngoại lệ, tránh tấn công Pháp, và rút hai tàu thiết giáp bỏ túi Deutschlandvà Graf Spee về vị trí “chờ đợi”. Raeder ghi vào nhật ký:
Chính sách tổng quát là kiềm chế cho đến khi tình hình chính trị ở phía Tây trở nên rõ ràng hơn, và sẽ cần chờ một tuần.8
Vụ đánh đắm tàu hành khách Athenia
Có một quyết định khác khi Hitler họp với Raeder ngày 7 tháng 9:
Không nên làm gì để giải quyết vụ Athenia cho đến khi các tàu ngầm đã trở về căn cứ.
Cuộc chiến trên biển bắt đầu 10 tiếng đồng hồ sau khi Anh tuyên chiến. Chiếc tàu Athenia của Anh chở 1.400 hành khách bị đánh đắm lúc 9 giờ tối ngày 3 tháng 9 năm 1939, cách Hebrides (tây Scotland) khoảng 320 kí-lô-mét về phía tây. Có 112 hành khách thiệt mạng, trong số ấy có 28 người mang quốc tịch Mỹ. Bộ Thông tin và Tuyên truyền Đức kiểm tra với Bộ Tư lệnh Hải quân Đức, được báo không có tàu ngầm Đức trong vùng, và lập tức phủ nhận trách nhiệm của Đức. Vụ việc khiến cho Hitler và Bộ Tư lệnh Hải quân rất bối rối và ban đầu họ không tin. Hạm trưởng tàu ngầm đã nhận lệnh nghiêm ngặt phải tuân thủ Hiệp định HagueA, quy định cấm tấn công một chiếc tàu mà không cảnh cáo trước. Vì tất cả tàu ngầm Đức đều giữ im lặng vô tuyến, ngay lúc đầu không thể kiểm tra chuyện gì đã xảy ra.
Chú thích:
A Gồm một số Hiệp định Hague kể cả Hiệp định Hague 1907, với Điều 1 quy định không được bắt đầu hành vi thù địch mà không cảnh báo trước rõ ràng dưới hình thức tuyên chiến hoặc tối hậu thư nêu ra việc tuyên chiến có điều kiện. (ND)
Ngày kế, tất cả tàu ngầm đều báo cáo:
Theo lệnh của Lãnh tụ, đã không có động thái nào chống lại tàu chở hành khách, kể cả khi tàu được hộ tống [bởi hải quân đối phương].
Trong vòng vài ngày, báo chí Đức dưới sự kiểm soát của Quốc xã tố cáo Anh đã cố tình đánh đắm tàu của họ nhằm khích động Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến.
Chính phủ Đức thật sự quan ngại với phản ứng của Mỹ đối với một thảm kịch gây ra cái chết của 28 công dân Mỹ. Một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công tàu Athenia, Thứ trưởng Ngoại giao Weizsaecker cho mời Đại biện Lâm thời Alexander Kirk của Mỹ đến và phủ nhận tin tàu ngầm Đức đã gây ra. Ông khẳng định là không có tàu của Đức nào hiện diện quanh vùng. Theo lời khai của Raeder ở Tòa án Nuremberg, Weizsaecker đến gặp ông để nhắc lại việc Đức đánh đắm chiếc Lusitania trong Thế chiến I khiến cho Mỹ tham gia Thế chiến và thúc giục ông “phải làm mọi việc” hầu tránh khiêu khích Hoa Kỳ. Raeder trấn an Weizsaecker rằng “không tàu ngầm nào của Đức có thể can dự”.9
Do Ribbentrop thúc giục, Raeder mời Tùy viên Hải quân Mỹ đến gặp ông ngày 16 tháng 9 và nói bây giờ ông đã nhận được báo cáo từ tất cả tàu ngầm, “với kết quả là có thể xác định chắc chắn rằng chiếc Athenia không bị tàu ngầm của Đức đánh đắm”. Raeder yêu cầu vị Tùy viên Hải quân Mỹ thông báo cho Chính phủ Mỹ như thế, và ông này nhanh chóng làm theo lời.10 Bức điện gửi về Washington hiển nhiên không được mã hóa, vì một bản ghi chép trong số tài liệu Hải quân Đức được trình ra trước Tòa án Nuremberg.
Vị Thủy sư Đô đốc không nói ra sự thật. Không phải tất cả tàu ngầm hoạt động ngày 3 tháng 9 đã trở về căn cứ. Trong số tàu chưa trở về có chiếc U-30 của Trung úy Lemp, nó chỉ trở về ngày 27 tháng 9, và Đô đốc Karl Doenitz, tư lệnh lực lượng tàu ngầm, chờ sẵn ở căn cứ.
Nhiều năm sau, Doenitz tiết lộ sự thật:
Tôi gặp Trung úy Hạm trưởng Lemp khi chiếc tàu trở về căn cứ, và anh ấy yêu cầu nói chuyện riêng với tôi. Tôi nhận thấy ngay là anh ta tỏ vẻ rất buồn; anh nói ngay với tôi rằng anh nghĩ mình có trách nhiệm trong việc đánh đắm tàu Athenia. Tuân theo chỉ thị của tôi lúc trước, anh đã để ý theo dõi thương thuyền được vũ trang thành tàu tuần dương, và đã ra lệnh bắn ngư lôi đánh đắm một chiếc tàu mà sau đó qua đài phát thanh anh mới biết là chiếc Athenia, chỉ vì anh đã nhận dạng lầm là một tàu tuần dương.
Tôi vội gửi Lemp lên máy bay lập tức để đi báo cáo với Phòng Nhân viên Hải quân ở Berlin; cùng lúc tôi ra lệnh giữ bí mật toàn bộ để phòng xa. Sau đó cùng ngày hoặc ngày hôm sau, tôi nhận lệnh qua Đại tá Hải quân Fricke:
1. Giữ bí mật toàn bộ vụ việc.
2. Bộ Tư lệnh Hải quân (OKM) xét rằng không cần đưa ra tòa án binh, vì họ tin rằng anh hạm trưởng đã hành động mà không có ác ý.A
3. OKM sẽ đảm trách việc giải thích về mặt chính trị.
Chú thích:
A Donitz xét qua công trạng của Lemp trong chuyến hải hành đầu tiên: đánh chìm 2 tàu ngoài chiếc Athenia, tiêu diệt 2 máy bay Anh, vớt 2 phi công Anh lên và đưa họ đến Iceland, điều khiển chiếc tàu ngầm của anh tránh mìn nổ sâu và trở về an toàn. Vì thế mà Donitz quyết định bỏ qua cho Lemp. (http://www.uboataces.com/battle-athenia.shtml) (ND)
Tôi không liên quan gì đến những biến cố chính trị theo đấy Lãnh tụ tuyên bố không có tàu ngầm nào đánh đắm chiếc Athenia.11
Nhưng Doenitz hẳn phải có ý nghi ngờ, nếu không ông đã không đi đến tận bến tàu đế đón chiếc U-30 trở về. Doenitz cũng liên can đến việc khác: ông khai trước Tòa án Nuremberg rằng đích thân mình ra lệnh xóa những ghi chép liên quan đến chiếc Athenia trong nhật ký hải hành của chiếc U-30 và ông cũng xóa như thế trong nhật ký của riêng mình. Ông còn bắt buộc thủy thủ đoàn của chiếc U-30 tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối.
Các sĩ quan kể cả Lemp và vài người trong thủy thủ đoàn được chuyển qua tàu ngầm U-110, rồi đến ngày 9 tháng 5 năm 1941 anh hy sinh cùng với chiếc tàu.
Ít ngày sau vụ bắn chìm chiếc Athenia, một thủy thủ bị thương do đạn máy bay. Anh được đưa đến Reykjavik, Iceland, bị buộc phải giữ bí mật tuyệt đối, sau đó bị đưa đến một trại tù binh ở Canada, và sau chiến tranh ký vào tờ khai báo những sự kiện. Có vẻ như phía Đức e sợ anh khai sớm, nhưng anh chỉ khai sau khi chiến tranh chấm dứt.12
Quân đội mọi nước đều mắc lỗi giết người vô tội. Điều có thể hiểu được – tuy không thể ca ngợi – là Hitler ra lệnh giữ bí mật, đặc biệt vì Hải quân không có ác ý khi ban đầu phủ nhận trách nhiệm và sẽ vô cùng xấu hổ nếu sau đó nhận tội. Nhưng Hitler không dừng ở đây. Ngày 22 tháng 10, đích thân Goebbels phát biểu trên đài phát thanh kết án Churchill đã đánh đắm chiếc Athenia, và ngày hôm sau báo chí Đức phụ họa theo.
Tòa án Nuremberg xác định rằng chính Hitler ra lệnh thực hiện việc phát thanh và đăng tải trên báo – và rằng dù Raeder, Doenitz và Weizsaecker vô cùng bất bình với lời nói dối trắng trợn như thế, họ vẫn không dám nói gì.13
Sự hèn yếu của các đô đốc và nhân viên Bộ Ngoại giao tự nhận là chống Quốc xã, cùng tính cách của các tướng lĩnh, sẽ dẫn đến một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử nước Đức.
Hitler đề nghị hòa bình
Buổi chiều 19 tháng 9, tại Danzig tôi nghe Hitler đọc bài diễn văn đầu tiên kể từ ngày ông khởi động chiến tranh. Ông tỏ ra giận dữ vì chưa có cơ hội đọc bài diễn văn này ở Warsaw vốn vẫn còn đang chống trả một cách dũng cảm. Tuy công kích Anh một cách kịch liệt, Hitler có một động thái nhỏ hướng về hòa bình:
Tôi không muốn gây chiến với Anh và Pháp. Tôi xót thương người lính Pháp. Anh ta chiến đấu vì cái gì anh ta không biết.
Và Hitler kêu gọi đến Thượng Đế:
Người đã ban phước cho Quân đội ta, xin cũng giúp những dân tộc khác hiểu được cuộc chiến này là vô ích như thế nào...
Ngày 26 tháng 9, một ngày trước khi thủ đô Warsaw thất thủ, giới báo chí và phát thanh Đức mở chiến dịch tuyên truyền hòa bình. Tôi ghi vào nhật ký:
Tại sao bây giờ Pháp và Anh lại muốn chiến đấu? Không có mục đích gì để theo đấy mà chiến đấu. Đức không muốn gì ở phương Tây.
Ít ngày sau, khi đã nhanh chóng thu nhận phần chiến lợi phẩm của mình ở Ba Lan, Liên Xô tham gia chiến dịch hòa bình. Cùng với việc ký kết Hiệp ước Biên giới và Hữu nghị Đức-Liên Xô, Molotov và Ribbentrop còn ký thêm một bản tuyên ngôn hòa bình:
Hai Chính phủ Đức và Liên Xô... cùng bày tỏ sự tin tưởng rằng, vì quyền lợi của mọi dân tộc, cần chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Đức và Anh-Pháp. Vì thế, hai Chính phủ sẽ góp chung nỗ lực... cho mục tiêu này càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, nếu nỗ lực của hai Chính phủ không có kết quả, điều này chứng tỏ Anh và Pháp phải chịu trách nhiệm cho việc tiếp tục cuộc chiến...
Ngày 26 tháng 9, Hitler có buổi hội đàm kéo dài với Dahlerus. Dahlerus cho biết đã gặp người bạn cũ Ogilvie Forbes, bây giờ là Tham tán ở Na Uy, người nói rằng Chính phủ Anh đang tìm kiếm hòa bình, dựa theo một bản ghi nhớ mật của TS. Schmidt.14 Vấn đề duy nhất là: Làm thế nào Anh giữ được thể diện.
Hitler trả lời:
Nếu Anh thật sự mong muốn hòa bình, họ sẽ có hòa bình trong hai tuần – mà không mất thể diện.
Lãnh tụ nói họ sẽ phải chấp nhận thực tế “là Ba Lan không thể lại cất đầu lên nữa”. Ngoài việc này, ông sẵn sàng đảm bảo tình trạng cho “phần còn lại của Châu Âu”, kể cả đảm bảo cho “an ninh” của Anh, Pháp và các Quốc gia vùng ThấpA. Sau khi xét qua vài phương án cùng với Goering, họ đồng ý là nhờ Dahlerus đi Anh để thăm dò.
Chú thích:
A Các Quốc gia vùng Thấp (nguyên tác: Low Countries) là cụm từ thông dụng chỉ Bỉ, Luxembourg và Hà Lan nằm trên địa hình thấp. (ND)
Trước khi Dahlerus ra đi, Hitler nói với ông này: “Người Anh có thể có hòa bình nếu muốn, nhưng họ phải nhanh lên.”
Đó chỉ là một chiều hướng trong ý nghĩ của Hitler. Ông nói về một chiều hướng khác với tướng lĩnh. Một ngày sau khi gặp Dahlerus, 27 tháng 9, Hitler cho triệu tư lệnh các quân chủng đến Phủ Thủ tướng và báo cho họ quyết định của mình là “tấn công phương Tây càng sớm càng tốt, vì quân Anh-Pháp chưa chuẩn bị xong.” Theo Brauchitsch, Hitler định ngày cho cuộc tấn công: 12 tháng 11.15 Chắc hẳn là vào ngày đi đến quyết định này, Hitler trở nên hứng chí qua tin báo Warsaw rốt cuộc đã đầu hàng. Có lẽ ông nghĩ Pháp sẽ chịu khuất phục dễ dàng như Ba Lan.
Ciano có lẽ là người hiểu đầu óc của Hitler rõ nhất khi trao đổi với Hitler ngày 1 tháng 10. Vị Ngoại trưởng Ý trẻ bây giờ vô cùng khinh bỉ người Đức nhưng vẫn phải đi gặp gỡ họ. Ciano tóm tắt cảm tưởng của mình:
... Hitler vẫn còn cảm thấy hấp dẫn với mục đích đem lại cho nhân dân ông một nền hòa bình vững chãi sau một thắng lợi lớn. Nhưng nếu vì muốn đạt nền hòa bình này mà phải hy sinh, dù chỉ là một ít, thành quả chiến thắng mà ông cho là đúng luật, thì hàng nghìn lần ông vẫn muốn đánh đổi.16
Khi tôi ngồi trong Nghị viện ngày 6 tháng 10 và nghe Hitler thốt lên lời kêu gọi hòa bình, tôi có cảm tưởng đấy như là một đĩa ghi âm được quay lại lần thứ năm hoặc thứ sáu. Cũng từ diễn đàn này, đã nhiều lần tôi lắng nghe ông – với cùng một giọng bề ngoài ra vẻ tha thiết và chân thành – đề xuất cái mà ta nghe như hòa bình nghiêm chỉnh và hợp lý. Ông làm cách tương tự lần nữa vào ngày mùa thu này, với ngôn từ hùng biện và đạo đức giả như từ bấy lâu nay. Đó là một bài diễn văn dài – một trong những bài diễn văn dông dài nhất – nhưng lúc gần cuối, sau hơn một tiếng đồng hồ thốt lên những lời xuyên tạc lịch sử và ba hoa về chiến công của Quân đội Đức ở Ba Lan, Hitler nói:
Tôi gắng sức nhằm chủ yếu gạt ra mọi ác ý trong mối quan hệ với Pháp và cải thiện mối quan hệ này được thỏa đáng cho đôi bên... Đức không đòi hỏi gì thêm nữa ở Pháp... Tôi đã không muốn nhắc đến ngay cả Alsace-Lorraine... Tôi luôn bày tỏ với Pháp mong muốn của tôi là dẹp bỏ hẳn mối bất hòa xưa cũ và mang hai quốc gia lại gần nhau...
Anh quốc thì sao?
Tôi đã dồn không kém nỗ lực nhằm đạt đến sự cảm thông Anh-Đức, không, hơn thế nữa, tình hữu nghị Anh-Đức. Không có lúc nào và không ở nơi nào mà tôi hành động ngược lại với quyền lợi của Anh quốc... Ngay cả hôm nay tôi vẫn tin rằng chỉ có một nền hòa bình thật sự ở Châu Âu và khắp thế giới nếu Đức và Anh đi đến sự cảm thông.
Hòa bình thì sao?
Tại sao phải chiến đấu cho cuộc chiến ở phía Tây này? Để tái lập Ba Lan ư? Ba Lan của Hòa ước Versailles sẽ không bao giờ vươn lên nữa... Việc tái lập quốc gia Ba Lan là vấn nạn mà chiến tranh ở phía Tây không thể giải quyết được, chỉ do Nga và Đức giải quyết thôi... Sẽ là điều vô nghĩa khi sát hại hàng triệu người và phá hủy tài sản trị giá hàng triệu nhằm tái lập một quốc gia vốn khi sinh ra đã bị xem là chết yểu...
Nếu khởi động cuộc chiến này chỉ nhằm thiết lập cho Đức một chế độ mới... thì hàng triệu người sẽ phải hy sinh một cách vô ích... Không, cuộc chiến ở phía Tây này không thể giải quyết bất kỳ vấn nạn nào...
Có nhiều vấn nạn cần phải giải quyết. Hitler kể ra nguyên danh sách: thành lập Nhà nước Ba Lan (mà ông đã đồng ý với Liên Xô là không tồn tại); giải quyết vấn nạn người Do Thái; những khu định cư cho Đức; hồi phục mậu dịch quốc tế; đảm bảo vô điều kiện nền hòa bình; giải trừ quân bị; quy ước chiến tranh trên không, hơi độc, tàu ngầm, v.v...; và giải quyết những vấn đề dân tộc thiểu số.
Nhằm “giải quyết những hậu quả to lớn như thế”, Hitler đề nghị một hội nghị của các nước Châu Âu hàng đầu “sau khi chuẩn bị thật kỹ lưỡng”. Ông nói tiếp:
Không thể nào một hội nghị như thế, nhằm quyết định vận mệnh của lục địa này trong nhiều năm tới, có thể tiến hành thảo luận trong khi đạn pháo đang ầm vang hoặc những đoàn quân cơ giới đang tạo áp lực.
Tuy nhiên, nếu không sớm thì muộn phải giải quyết những vấn nạn này, thì nên tìm ra giải pháp trước khi hàng triệu người bị đẩy đến cảnh chết chóc và hàng tỉ giá trị tài sản bị hủy diệt. Tiếp tục tình trạng hiện nay ở phía Tây là không thể chấp nhận được...
Có một điều chắc chắn: trong dòng lịch sử của thế giới không bao giờ có hai người chiến thắng, nhưng nhiều khi chỉ có kẻ chiến bại. Mong những dân tộc và những nhà lãnh đạo có cùng ý nghĩ hãy trả lời bây giờ...
Hitler đang nghĩ đến Churchill:
Tuy nhiên, nếu ý kiến của ông Churchill và những cộng sự là thắng thế, đây sẽ là tuyên bố dứt điểm của tôi. Rồi chúng ta sẽ chiến đấu... Sẽ không bao giờ có một ngày trong tháng 11 năm 1918 nữaA, trong lịch sử nước Đức.
Chú thích:
A Ngày 11 tháng 11 năm 1918, Đức phải ký hiệp định đình chiến vì bại trận trong Thế chiến I. (ND)
Tôi thấy Anh và Pháp khó mà lắng nghe hơn năm phút những đề nghị mơ hồ này. Nhưng phía Đức lại lạc quan.
Qua báo cáo của các Đại sứ Tây Ban Nha và Ý tại Pháp, Chính phủ Đức tin rằng đa số thành viên nội các Pháp không có lòng dạ nào mà chiến đấu. Ngay vào ngày 8 tháng 9, Đại sứ Tây Ban Nha đã báo cho Đức rằng
Xét vì công luận ở Pháp không ủng hộ chiến tranh, Bonnet đang cố tìm cách đạt thỏa hiệp ngay khi các cuộc hành quân ở Ba Lan chấm dứt. Có những chỉ dấu chắc chắn cho thấy ông ấy đang tiếp xúc với Mussolini cho mục đích này.17
Ngày 2 tháng 10, Attolico trao cho Weizsaecker bản thông từ Đại sứ Ý tại Pháp, cho biết đa số trong nội các Pháp nghiêng về một hội nghị hòa bình, và bây giờ vấn đề chính là “giúp cho Pháp và Anh đỡ mất sĩ diện”. Tuy nhiên, có vẻ như Thủ tướng Pháp không thuộc về đa số.18 A
Chú thích:
A Ít lâu sau, ngày 16 tháng 11, Ý thông báo cho Đức biết, theo nguồn tin của họ ở Paris, “Thống chế Petain được xem là thuận theo chính sách hòa bình ở Pháp... Nếu vấn đề hòa bình trở nên cấp thiết thì Petain sẽ có một vai trò.”19 Có lẽ đây là lần đầu tiên Đức thấy có thể hữu dụng cho họ sau này.
Tin báo này hóa ra là đúng. Ngày 7 tháng 10, Daladier trả lời Hitler, tuyên bố rằng Pháp sẽ không buông súng trừ phi có đảm bảo cho “hòa bình đích thực và an ninh chung”. Nhưng Hitler muốn nghe điều đó từ Chamberlain hơn là từ Thủ tướng Pháp. Một lần nữa, Hitler khẳng định mình đang “sẵn sàng cho hòa bình”. Ông thêm: “Đức không có lý do gì mà tiến hành chiến tranh chống phương Tây.”
Ngày 12 tháng 10, Chamberlain trả lời Hitler. Đó là gáo nước lạnh tạt vào mặt nhân dân Đức, nếu không phải vào mặt Hitler. Phát biểu trước Viện Dân biểu, vị Thủ tướng Anh gán những đề nghị của Hitler là “mơ hồ và thiếu chắc chắn” và nhận xét rằng “không có đề nghị nào nhằm sửa chữa những sai lầm đã gây ra cho Tiệp Khắc và Ba Lan”. Ông nói, không thể nào tin tưởng những lời hứa của “Chính phủ Đức hiện giờ”. Nếu Chính phủ này muốn hòa bình, thì phải thể hiện bằng hành động – chứ không phải chỉ có lời nói.
Người đã ký kết Hiệp ước Munich chẳng còn bị những lời hứa của Hitler lừa gạt nữa. Ngày hôm sau, 13 tháng 10, một bản thông cáo chính thức của Đức tuyên bố rằng khi từ chối đề nghị của Hitler về hòa bình, Chamberlain đã cố ý chọn lựa chiến tranh. Lúc này, nhà độc tài Quốc xã có lý do.
Thực ra, qua tài liệu tịch thu được của Đức, bây giờ ta biết Hitler không chờ cho Thủ tướng Anh trả lời mà đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc tấn công lập tức ở phía Tây. Ngày 10 tháng 10, ông triệu các chỉ huy quân sự đến, đọc cho họ nghe một bản ghi nhớ dài về tình hình chiến sự và thế giới, rồi ném cho họ Chỉ thị Số 6 về việc Tiến hành Chiến tranh.20
Chỉ thị của Lãnh tụ để chuẩn bị tấn công về phía Tây càng sớm càng tốt khiến cho Bộ Tư lệnh Lục quân choáng váng. Tư lệnh Brauchitsch và Tham mưu trưởng Halder, được vài tướng lĩnh hỗ trợ, kết hợp với nhau để biện minh với Lãnh tụ là không thể phát động ngay cuộc tấn công. Họ bảo sẽ cần nhiều tháng để trang bị lại cho xe tăng. Tướng Thomas trình số liệu cho thấy mỗi tháng Đức thiếu hụt 600.000 tấn thép. Tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Stuelpnagel báo cáo chỉ có đủ đạn dược cho “khoảng một phần ba số sư đoàn cho 14 ngày tác chiến” – chắc chắn không đủ để thắng một cuộc chiến với Pháp.
Nhưng Hitler không muốn nghe Tư lệnh và Tham mưu trưởng Lục quân khi hai người trình cho ông một báo cáo hoàn chỉnh vào ngày 7 tháng 10. Jodl, vị tướng ngoan ngoãn hàng đầu tại Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, nhân vật số Hai ở cơ quan này sau Keitel, cảnh cáo Halder rằng “một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng đang hình thành” bởi vì Lục quân chống đối cuộc tấn công ở phía Tây và rằng Lãnh tụ đang “gay gắt vì binh sĩ không tuân lệnh ông ấy”.
Chính trong bối cảnh như thế mà Hitler triệu tướng lĩnh đến gặp mình vào ngày 10 tháng 10. Hitler không yêu cầu họ tham mưu cho mình. Ông chỉ ra lệnh họ phải làm gì, qua Chỉ thị Số 6 đề ngày 9 tháng 10:
TỐI MẬT
Nếu tương lai gần chứng tỏ là Anh, và dưới sự cầm đầu của Anh là Pháp, không muốn chấm dứt chiến tranh, tôi quyết chí hành động cương quyết và chủ động tấn công mà không để chậm trễ nhiều...
Vì thế tôi ban hành những mệnh lệnh sau:
a. Chuẩn bị cho một cuộc hành quân tấn công... qua các nước Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Phải thực hiện cuộc tấn công này... càng sớm càng tốt.
b. Mục đích sẽ là càng nhanh càng tốt đánh bại bộ phận của quân Pháp cũng như những lực lượng đồng minh chiến đấu bên cạnh họ, và cùng lúc chiếm lấy một diện tích càng rộng càng tốt ở Hà Lan, Bỉ và miền Bắc nước Pháp để dùng làm căn cứ cho cuộc chiến sắp đến trên không và trên đất liền chống lại Anh.
Yêu cầu các Tư lệnh quân chủng nộp cho tôi càng sớm càng tốt báo cáo chi tiết về kế hoạch trên cơ sở của Chỉ thị này và thông báo thường xuyên cho tôi...
Bản ghi nhớ mật, cũng đề ngày 9 tháng 10, mà Hitler đọc lên cho các chỉ huy quân sự trước khi trao bản Chỉ thị cho họ, là một trong những tư liệu tạo ấn tượng mạnh nhất mà người cựu hạ sĩ Áo từng viết ra. Bản văn cho thấy khả năng tiên đoán khá chính xác về diễn biến và kết quả của chiến tranh ở phía Tây. Hitler nói sự đấu tranh giữa Đức và các cường quốc phương Tây đã diễn ra kể từ khi Đế chế Đức thứ Nhất bị giải tán bởi Hòa ước Muenster (Hòa ước Westphalia) năm 1648 và “sẽ phải trải qua trận chiến quyết định bằng cách này hay cách khác”.
... Tôi sẽ chỉ bàn về trường hợp cần thiết phải tiếp tục chiến đấu... Mục đích chiến tranh của Đức là kết liễu rốt ráo phương Tây bằng quân sự, nghĩa là tiêu diệt sức mạnh và khả năng của các cường quốc phương Tây để họ không còn có thể chống lại sự củng cố nhà nước và sự phát triển liên tục của dân tộc Đức ở Châu Âu.
Đối với thế giới bên ngoài, mục đích vĩnh cửu này sẽ cần vài điều chỉnh về công tác tuyên truyền... Việc này không thay đổi mục tiêu chiến tranh. Mục tiêu vẫn là tiêu diệt những kẻ thù phương Tây của ta.
Các tướng lĩnh chống đối việc vội vã tấn công phía Tây. Tuy nhiên, Hitler bảo họ rằng thời gian thuộc về phía đối phương: càng ngày họ càng thêm lợi thế. Ông nhắc cho họ nhớ rằng Đức đã chiến thắng ở Ba Lan là nhờ chỉ chiến đấu trên một mặt trận. Tình hình này vẫn còn như thế – nhưng được bao lâu?
Không một hiệp ước hoặc thỏa thuận nào có thể đảm bảo tính trung lập lâu dài của Liên Xô. Hiện giờ, có mọi lý do khiến cho Nga không từ bỏ vị trí trung lập. Trong tám tháng, một năm, hoặc ngay cả vài năm, điều này có thể thay đổi. Trong những năm gần đây, ta đã thấy các hiệp ước có tầm quan trọng rất nhỏ nhoi đối với mọi bên. Để đảm bảo chắc chắn nhất chống lại cuộc tấn công của Nga, cần... thể hiện lập tức sức mạnh của Đức.
Đối với Ý, “hy vọng về sự hỗ trợ của Ý cho Đức” tùy thuộc phần lớn vào yếu tố liệu Mussolini còn sống hay không và liệu Đức có thành công trong việc dẫn dụ thêm Mussolini hay không. Ở đây, thời gian cũng là yếu tố bất lợi cho ta giống như ở Bỉ và Hà Lan. Anh và Pháp có thể bắt buộc hai nước này từ bỏ vị thế trung lập – và Đức không thể đợi cho đến khi việc này xảy ra. Ngay cả với Hoa Kỳ, “thời gian cũng sẽ tỏ ra bất lợi cho Đức”.
Hitler công nhận rằng có vài mối hiểm nguy lớn cho Đức trong một cuộc chiến kéo dài. Những quốc gia trung lập vừa thân thiện vừa kình chống (có vẻ như Hitler chủ yếu muốn nói đến Nga, Ý và Mỹ) có thể bị kéo về phe bên kia, giống như trong Thế chiến I. Hơn nữa, “tiềm năng thực phẩm và nguyên liệu hạn chế” sẽ gây khó khăn cho việc duy trì “phương tiện tiến hành chiến tranh”. Mối hiểm nguy lớn nhất là vị thế nhạy cảm của vùng Ruhr. Nếu trung tâm công nghiệp này của Đức bị đánh bom, “nền kinh tế chiến tranh của Đức sẽ sụp đổ, tiếp theo sau là khả năng chống cự cũng suy giảm”.
Phải công nhận rằng người cựu hạ sĩ có sự hiểu biết đáng kể về chiến lược và chiến thuật quân sự, tuy thiếu đạo đức như thường lệ. Điều chủ chốt là tránh kiểu chiến tranh theo vị trí cố định như trong Thế chiến I.
[Các sư đoàn cơ giới] không được lạc lối giữa những dãy nhà mịt mùng trong các thị trấn ở Bỉ. Họ không cần phải tấn công thị trấn gì cả, nhưng... phải duy trì sức tiến công của bộ binh, không để cho chiến tuyến [của địch] trở nên ổn định mà phải phóng những mũi tiến công qua những vị trí được phòng ngự yếu ớt.
Đó là sự tiên đoán chính xác chết người về cách tiến hành chiến tranh ở phía Tây, và khi đọc qua người ta tự hỏi tại sao không ai ở bên Đồng Minh có ý tưởng tương tự.
Điều này cũng đúng cho chiến lược của Hitler. Ông nói: “Khu vực duy nhất có thể tấn công” là Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Phải ghi nhớ hai mục đích quân sự: tiêu diệt các cánh quân của Hà Lan, Bỉ, Pháp và Anh, qua đó chiếm giữ những vị trí trên Biển Manche và Biển Bắc, từ đấy Không quân Đức có thể đánh phá nước Anh.
Trên hết, Hitler nhấn mạnh đến việc tùy cơ ứng biến!
Tính chất kỳ lạ trong chiến dịch này đòi hỏi phải biến thiên sâu xa, để tập trung lực lượng tấn công hoặc phòng thủ ở những điểm nào đấy với mật độ hơn là bình thường (ví dụ: lực lượng tăng hoặc chống tăng) và tập trung lực lượng ít hơn bình thường ở những điểm khác.
Hitler bảo các tướng lĩnh còn do dự:
Thời gian khởi động không thể quá sớm. Trong mọi tình huống (nếu có thể được) thì mùa thu.
Khác với tướng lĩnh Lục quân, các đô đốc Hải quân không cần Hitler thúc giục tấn công, dù Hải quân Anh vẫn mạnh hơn. Đúng thế: Raeder đã van nài Lãnh tụ cho Hải quân được tự do hành động. Dần dà, họ được toại nguyện. Ngày 17 tháng 9, một tàu ngầm Đức bắn ngư lôi trúng tàu sân bay Courageous của Anh. Tính đến giữa tháng 10 năm 1939, hai tàu thiết giáp bỏ túi Deutschland và Graf Spee đã bắn chìm 7 tàu hàng của Anh và bắt giữ tàu City of Flintc của Mỹ.
Ngày 14 tháng 10, tàu ngầm U-17 xâm nhập hệ thống phòng thủ của căn cứ Hải quân Anh Scapa Flow và bắn chìm tàu thiết giáp Royal Oak đang thả neo, khiến cho 786 sĩ quan và thủy thủ thiệt mạng. Đó là một thắng lợi đáng kể mà TS. Goebbels khai thác tận lực trong chiến dịch tuyên truyền của Đức, và nâng cao vị thế của Hải quân trong đầu óc của Hitler.
Nhưng các tướng lĩnh Lục quân vẫn còn có vấn đề. Dù Hitler đã thuyết giảng và ném cho họ Chỉ thị Số 6, họ vẫn ù lì. Không phải vì họ cảm thấy cắn rứt lương tâm khi phải xâm lấn Bỉ và Hà Lan mà chỉ vì họ không tin tưởng vào chiến thắng trong lúc này. Tuy nhiên, vẫn có một ngoại lệ.
Tướng Wilhelm Ritter von Leeb, Tư lệnh Tập đoàn quân C đối diện với quân Pháp dọc theo Sông Rhine và Phòng tuyến Maginot, chẳng những nghi ngờ thắng lợi mà còn chống đối việc tấn công qua Bỉ và Hà Lan vì lý do đạo lý. Đích thân ông soạn một bản ghi nhớ dài gửi đến Brauchitsch và các tướng lĩnh khác. Theo ông, cả thế giới sẽ quay sang chống lại Đức vì lần thứ hai trong vòng 25 năm tấn công nước Bỉ trung lập! Chỉ mới vài tuần trước Chính phủ Đức long trọng đảm bảo, cam kết duy trì và tôn trọng nền trung lập này!
Cuối cùng, sau khi đi vào chi tiết những biện luận về mặt quân sự chống lại cuộc tấn công ở phía Tây, ông kêu gọi hòa bình: “Cả đất nước đều mong mỏi hòa bình.”21
Nhưng vào lúc này Hitler mong mỏi chiến tranh, và ông quá chán ngán với điều mà ông nghĩ là thái độ nhút nhát của tướng lĩnh. Ngày 14 tháng 10, Brauchitsch và Halder cùng hội kiến kéo dài với nhau. Vị Tư lệnh Lục quân thấy có ba khả năng: một là tấn công, hai là chờ và xem xét, ba là thay đổi một cách căn bản. Halder ghi chép trong nhật ký như thế và, sau cuộc chiến, giải thích “thay đổi một cách căn bản” có nghĩa là “lật đổ Hitler”. Nhưng con người yếu đuối Brauchitsch nghĩ biện pháp quyết liệt như thế “về cơ bản có tính tiêu cực và dễ thất bại”. Họ kết luận rằng không khả năng nào cho thấy “viễn cảnh thành công rõ rệt”. Việc duy nhất phải làm là tác động thêm đến Hitler.
Brauchitsch gặp Hitler lần nữa vào ngày 17 tháng 10, nhưng ông kể với Halder rằng những lập luận của mình không có hiệu quả. Tình hình trở nên “vô vọng”. Hitler báo cho ông biết rằng “Anh quốc chỉ chịu đàm phán một khi bị đánh bại. Ta phải đánh họ càng nhanh càng tốt. Chậm nhất là ngày 15 đến 20 tháng 11.”
Sau buổi lễ trao tặng Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt cho 14 tướng lĩnh, Lãnh tụ bàn về việc tấn công ở phía Tây. Khi Brauchitsch cố biện luận rằng Lục quân không thể sẵn sàng trong một tháng, không thể trước ngày 26 tháng 11, Hitler trả lời rằng như thế thì “quá muộn”. Ông định ngày 12 tháng 11. Brauchitsch và Halder cảm thấy mệt mỏi và thất bại. Đêm ấy, cả hai cố an ủi lẫn nhau.
“Âm mưu” Zossen lật đổ Hitler
Những người trong nhóm âm mưu nghĩ đã đến lúc nên hành động một lần nữa. Brauchitsch và Halder thấy có hai phương án: hoặc lật đổ Hitler hoặc tổ chức cuộc tấn công ở phía Tây mà họ nghĩ sẽ là thảm họa cho nước Đức. Những người âm mưu cả quân sự và dân sự bỗng hồi sức, thúc giục phương án thứ nhất.
Họ đã chùn bước một lần từ lúc khởi động cuộc chiến. Tướng về hưu von Hammerstein được gọi lại để nhận một chức tư lệnh ở phía Tây. Trong tuần lễ đầu của cuộc chiến, ông thúc giục Hitler đến thị sát tổng hành dinh của ông để chứng tỏ Lãnh tụ không bỏ quên phía Tây trong khi thôn tính Ba Lan. Thật ra Hammerstein, một kẻ thù không hề lay chuyển của Hitler, dự định bắt giữ ông này. Ogilvie Forbes được bí mật thông báo. Nhưng Lãnh tụ đánh hơi được hiểm họa, nên từ chối lời mời của vị cựu Tư lệnh Lục quân và sau đó sa thải ông này.22
Những người dân sự trong nhóm âm mưu vẫn nhận ra rằng chỉ Quân đội là có khả năng ngăn chặn Hitler, với sức mạnh tăng lên cực kỳ to lớn sau cuộc tổng động viên và chiến dịch ở Ba Lan. Nhưng Halder cố giải thích với họ rằng lực lượng lớn mạnh lại là một trở ngại. Nhiều sĩ quan trừ bị được gọi vào quân ngũ nguyên là đảng viên Quốc xã, còn binh sĩ hoàn toàn tiêm nhiễm giáo điều Quốc xã. Halder vạch ra rằng sẽ khó mà tìm ra một đội hình có thể tin cậy được để chống lại Hitler.
Có một yếu tố nữa mà các tướng lĩnh nêu ra và mọi người đều thấy đúng lý. Một vụ nổi loạn chống Hitler có thể gây hoang mang cho Quân đội và đất nước nói chung, khi ấy liệu Anh và Pháp có thể đánh qua phía TâyA, chiếm lấy Đức rồi áp đặt nền hòa bình ngặt nghèo cho người Đức – cho dù loại ra được Hitler? Vì thế, cần phải giữ mối liên lạc với Anh hầu đi đến sự thấu hiểu rằng Đồng Minh không nên lợi dụng vụ đảo chính mà chống Quốc xã.
Chú thích:
A Nghĩa là về phía đông nước Anh và Pháp. (ND)
Họ có nhiều kênh liên lạc. Một kênh là Tòa thánh Vatican thông qua TS. Josef Mueller, một luật sư nổi danh ở Munich. Qua sự sắp xếp của Đại tá Oster ở Cục Quân báo, vào đầu tháng 10 Mueller đi đến Rome và thiết lập liên lạc với Công sứ Anh ở Tòa thánh. Theo những nguồn tin của Đức, ông nhận được đảm bảo của Anh và được Giáo hoàng đồng ý làm trung gian giữa chế độ mới chống Quốc xã và Anh.23
Kênh khác là ở Bernes, Thụy Sĩ. Tại đây, Weizsaecker đã bổ nhiệm Theodor Kordt, lúc trước làm Đại biện Lâm thời tại London, hiện đang làm Đại biện Lâm thời tại Thụy Sĩ. Kordt bắt liên lạc với TS. Philip Conwell-Evans, giáo sư người Anh tại Đại học Koenigsberg. Kordt nhận từ Conwell-Evans một bản văn và nói đó là cam kết long trọng của Chamberlain đối với chế độ mới. Thật ra, đó chỉ là lời phát biểu của Chamberlain trước Nghị viện rằng Anh không có mưu đồ ở Đức. Lời phát biểu thân thiện với người dân Đức được phát thanh rộng rãi, nhưng nhóm âm mưu vẫn cho đó là cam kết là quan trọng. Thế là, với hai nguồn đảm bảo từ Anh, nhóm âm mưu quay sang Quân đội, là mối hy vọng duy nhất của họ.
Thời giờ thật là cấp bách. Quân đội Đức dự trù tấn công qua Bỉ và Hà Lan vào ngày 12 tháng 11. Phải tiến hành đảo chính trước ngày này. Như Hassell cảnh báo những người khác, không thể nào có nền hòa bình tốt đẹp sau khi Đức xâm lấn Bỉ.
Có nhiều lời giải thích tại sao tiếp đó chẳng có gì xảy ra, và những giải thích này lộn xộn và mâu thuẫn nhau. Tướng Halder giải thích trước Tòa án Nuremberg rằng “quân tiền phương” không thể đảo chính vì “trước mặt họ có quân địch được vũ trang đầy đủ”. Ông đã kêu gọi “quân hậu phương” vốn không phải đối mặt với kẻ thù, nhưng vị tư lệnh, Tướng Friedrich Fromm, trả lời “vì là người lính”24 nên ông chỉ nhận lệnh từ Brauchitsch.
Nhưng Brauchitsch còn hèn yếu hơn Halder. Tướng Beck bảo Halder:
Nếu Brauchitsch không có đủ quyết đoán, anh nên tự quyết định rồi đặt ông ấy trước chuyện đã rồi.
Nhưng Halder cho rằng vì Brauchitsch là Tư lệnh Lục quân, ông này phải lãnh trách nhiệm. Thế là quả bóng trách nhiệm cứ bị chuyền qua chuyền lại. Cuối cùng, Tướng Thomas và Đại tá Oster đứng ra cầm đầu nhóm âm mưu, làm công tác tư tưởng cho Halder để ông này thuận theo – họ nghĩ như thế – để gây cuộc đảo chính ngay khi Hitler ra lệnh tiến công phía Tây. Halder thông báo cho Tướng Beck và Goerdeler, hai trong số nhân vật âm mưu chính, sẵn sàng hành động từ ngày 5 tháng 11. Tổng hành dinh kết hợp của Tư lệnh Lục quân và Bộ Tham mưu Lục quân ở Zossen trở thành hang ổ của hoạt động phản loạn.
Vào ngày 5 tháng 11, quân Đức bắt đầu di chuyển đến các điểm xuất phát đối diện Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Cũng trong ngày này, Brauchitsch có hẹn đến gặp Hitler. Brauchitsch và Halder đi thị sát các đơn vị hàng đầu ở phía Tây và nghe những ý kiến tiêu cực của các chỉ huy chiến trường. Thế là, dựa trên những biện luận của tướng lĩnh trên mặt trận phía Tây, của chính mình, của Halder và của Thomas, Brauchitsch đi gặp Hitler. Nhóm âm mưu hồ hởi và lạc quan. Nếu Brauchitsch không thể thuyết phục Hitler, ông sẽ theo họ mà lật đổ Hitler.
Giống như những dịp khác, tất cả đều nhầm lẫn.
Brauchitsch không thể thuyết phục được Hitler. Khi vị tướng nói đến thời tiết xấu, Hitler trả lời xấu cho Đức thì cũng xấu cho địch. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, Brauchitsch báo cáo rằng tinh thần binh sĩ ở mức thấp tương tự như trong thời gian 1917-1918, khi có tư tưởng chủ bại, bất tuân quân lệnh và thậm chí nổi loạn.
Nhật ký của Halder ghi rằng khi nghe thế, Hitler nổi giận. Hitler muốn biết: “Đơn vị nào có trường hợp thiếu kỷ luật? Chuyện gì đã xảy ra? Ở đâu?” Ông sẽ bay đến đấy ngày mai. Vị tướng tội nghiệp cố tình cường điệu hóa nhằm làm cho Hitler nản chí, nhưng bây giờ gánh chịu toàn bộ áp lực trong cơn thịnh nộ của Lãnh tụ. Hitler thét lên: “Bộ tư lệnh đã có hành động gì? Đã thi hành bao nhiêu án tử hình?” Hitler gầm rít: Sự thật là “Quân đội không muốn chiến đấu”.
Brauchitsch khai trước Tòa án Nuremberg: “Không thể nào tiếp tục cuộc thảo luận. Nên tôi ra về.” Những người khác còn nhớ là ông thất thểu đi vào tổng hành dinh ở Zossen, trong tình trạng bị sốc nặng đến nỗi lúc đầu ông không thể kể lại rõ ràng chuyện gì đã xảy ra.
Đến đây là chấm dứt “Âm mưu Zossen”. Thêm một thất bại nhục nhã như “Âm mưu Halder” vào thời gian Hội nghị Munich. Mỗi lần đều hội đủ các điều kiện mà nhóm âm mưu đặt ra. Lần này, Hitler đã nhất quyết tiến công ngày 12 tháng 11, và có chỉ thị bằng văn bản. Vì thế, nhóm âm mưu có bằng cớ rõ ràng mà họ cần để lật đổ Hitler: lệnh tấn công vốn sẽ gây thảm họa cho nước Đức. Nhưng sau đó, nhóm âm mưu không làm gì thêm ngoại trừ hoảng hốt. Họ nháo nhào lo thiêu hủy tài liệu và che giấu chứng cớ. Chỉ có Đại tá Oster dường như còn giữ cái đầu được bình tĩnh. Ông gửi cảnh báo cho hai phái bộ Bỉ và Hà Lan ở Beerlin để đề phòng một cuộc tấn công vào sáng ngày 12 tháng 11.25 Các tướng lĩnh, kể cả Witzleben, hiểu rằng họ đã thua cuộc. Một lần nữa, người cựu hạ sĩ thắng họ quá dễ dàng.
Ít ngày sau, Tướng Rundstedt, Tư lệnh Tập đoàn quân A, triệu các tư lệnh quân đoàn và sư đoàn đến để thảo luận những chi tiết của cuộc tiến quân. Trong khi bản thân vẫn còn nghi ngờ về chiến thắng, ông khuyên các tướng lĩnh của mình nên bỏ qua những nghi ngại. Ông nói: “Quân đội đã được giao nhiệm vụ, và sẽ thi hành nhiệm vụ!”
Một ngày sau khi làm cho Brauchitsch gần loạn thần kinh, Hitler bận bịu soạn thảo thông cáo với người Bỉ và Hà Lan biện minh lý do mình tấn công họ. Halder ghi lý do: “Pháp tiến vào Bỉ.”
Nhưng hôm sau, 7 tháng 11, Hitler ra lệnh hoãn khởi động tấn công, và ấn định đến ngày 9 tháng 11 sẽ có quyết định mới, khiến cho các tướng lĩnh đều cảm thấy nhẹ nhõm.
Đây là lần hoãn đầu tiên trong số 14 lần suốt mùa thu và mùa đông; tài liệu tịch thu được26 cho thấy Hitler không bao giờ từ bỏ ý định mà chỉ dời ngày từ tuần này sang tuần khác. Có lẽ Hitler nghe theo các tướng lĩnh. Có lẽ chính ông nhận ra đúng là Quân đội chưa sẵn sàng. Điều chắc chắn là các kế hoạch chiến lược và chiến thuật vẫn chưa hoàn chỉnh, vì ông luôn loay hoay sửa đổi.
Có thể có những lý do khác khiến cho Hitler phải hoãn lần đầu ngày 7 tháng 11. Vào ngày này, phía Đức cảm thấy khá bối rối vì một thông cáo chung của Vua Bỉ và Nữ hoàng Hà Lan, tỏ ý làm trung gian “trước khi chiến tranh ở Tây Âu bắt đầu trở nên hoàn toàn khốc liệt”. Trong tình huống như thế, khó thuyết phục được ai khi nói Quân đội Đức tấn công Bỉ và Hà Lan bởi vì Pháp tiến vào Bỉ.
Lý do khác là Hitler được tin sẽ không có yếu tố bất ngờ. Cuối tháng 10, Goerdeler đi Bỉ mang theo lời nhắn của Weizsaecker cho Đại sứ Buelow-Schwante của Đức, ngầm báo động cho nhà Vua. Vị đại sứ làm theo lời, và sau đó Vua Leopold vội đi đến Hà Lan để hội ý với Nữ hoàng và soạn bản thông cáo chung. Nhưng Bỉ cũng nhận được thông tin cụ thể hơn; như chúng ta đã biết, một trong những nguồn tin đó là từ Oster. Ngày 8 tháng 11, Buelow-Schwante gửi điện cho Berlin báo Vua Leopold đã nói với Nữ hoàng Hà Lan rằng mình có “thông tin chính xác” về sự tăng cường quân sự của Đức dọc biên giới Bỉ, cho thấy Đức sẽ đánh qua Bỉ “trong hai hoặc ba ngày tới”.27
Rồi vào buổi tối 8 tháng 11 năm 1939 và buổi chiều hôm sau, hai sự kiện lạ kỳ diễn ra: một vụ nổ bom và một vụ bắt cóc.
Bắt cóc và nổ bom
Mười hai phút sau khi Hitler chấm dứt bài diễn văn hằng năm – lần này ngắn hơn các năm trước – tưởng niệm vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia ở Munich, một quả bom phát nổ sau khán đài ở một nhà hàng bia, khiến 7 người thiệt mạng và 63 người bị thương. Lúc ấy, tất cả nhân vật quan trọng của Quốc xã đã vội vã rời khỏi khu vực theo sau Hitler, dù các năm trước họ đều nán lại uống bia và cùng với chiến hữu cũ hồi tưởng lại vụ bạo loạn năm xưa.
Sáng hôm sau, chỉ duy nhất tờ báo của Quốc xã đưa tin Mật vụ Anh, và ngay cả Chamberlain, chủ mưu vụ ám sát. Tối ấy, tôi ghi vào nhật ký:
Một vụ “ám sát” chắc chắn sẽ siết chặt quần chúng phía sau lưng Hitler và khuấy động lòng thù hận đối với nước Anh... Phần lớn chúng tôi đánh hơi thêm một vụ cháy tòa nhà Nghị việnA.
Chú thích:
A Xem Chương 7. (ND)
Mật vụ Anh liên can ra sao? Đức tạo ra ngay chứng cứ. Vài giờ sau khi bom nổ, chỉ huy trưởng S.S. và Mật vụ Heinrich Himmler nhân danh Hitler để ra lệnh cho Walter Schellenberg, một trong những nhân viên S.S. đang lên, ngày hôm sau vượt biên giới qua Hà Lan để bắt cóc hai nhân viên mật vụ Anh mà Schellenberg có quan hệ.
Lệnh của Himmler dẫn đến một trong những sự kiện lạ kỳ nhất trong cuộc chiến. Trong hơn một tháng nay, Schellenberg có quan hệ với hai nhân viên tình báo Anh ở Hà Lan: Đại úy S. Payne Best và Thiếu tá R. H. Stevens. Trước mặt họ, Schellenberg giả danh là “Thiếu tá Schaemmel” ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực thuộc nhóm chống đối Hitler (Schellenberg lấy tên thật của một thiếu tá còn sống) và tạo ra một câu chuyện đáng tin là tướng lĩnh Đức đang quyết tâm lật đổ Hitler. Ông nói các tướng lĩnh cần được Anh đảm bảo sẽ đối xử công bằng dưới chế độ mới.
Vì lẽ phía Anh đã nghe những câu chuyện tương tự (như ta biết ở trên), họ muốn thiết lập mối quan hệ mật thiết với “Thiếu tá Schaemmel”. Best và Stevens cung cấp cho ông một máy thu phát sóng; sau đó là nhiều cuộc liên lạc vô tuyến và gặp gỡ tại nhiều thị trấn ở Hà Lan. Đến ngày 7 tháng 11, hai nhân viên tình báo Anh mang đến cho “Schaemmel” bản văn từ London phác thảo những điều kiện chung chung làm cơ sở cho nền hòa bình dưới chế độ mới. Hai bên hẹn nhau là “Schaemmel” sẽ dẫn một vị tướng Đức đến để bắt đầu đàm phán. Cuộc họp này được ấn định vào ngày 9 tháng 11.
Lúc ấy, mục đích của mỗi bên là rõ ràng. Phía Anh muốn liên lạc trực tiếp với nhóm chống đối Hitler nhằm khuyến khích và hỗ trợ họ. Còn Himmler muốn tìm hiểu từ bên Anh những ai nằm trong nhóm chống đối và mối quan hệ giữa Anh với nhóm chống đối là như thế nào. Hiển nhiên là Himmler và Hitler nghi ngờ vài tướng lĩnh cũng như vài sĩ quan như Oster và Canaris ở Cục Quân báo. Nhưng vào đêm 8 tháng 11, họ nghĩ ra một mục đích mới: bắt cóc hai nhân viên tình báo Anh Best và Stevens và tố cáo họ đã cho nổ bom!
Một nhân viên quen thuộc bây giờ xuất hiện. Alfred Naujocks, người đã ngụy tạo “cuộc tấn công của Ba Lan” vào đài phát thanh Đức, chỉ huy một toán S.D. hung tợn để trợ giúp Schellenberg trong vụ bắt cóc. Công việc tiến hành suôn sẻ. Lúc 4 giờ chiều ngày 9 tháng 11, trong khi Schellenberg đang ngồi nơi điểm hẹn uống aperitif để chờ hai nhân viên tình báo Anh, chiếc xe chở hai người vừa đến thì bị lính S.S. dưới quyền Naujock bắn xối xả. Trung úy Klop, một sĩ quan tình báo Hà Lan, người luôn tháp tùng hai đặc vụ Anh, bị trọng thương. Cả ba được đưa lên chiếc xe của S.S. rồi vượt biên giới mà vào Đức.A 29
Chú thích:
A Chính phủ Hà Lan liên tiếp gửi Đức chín văn bản yêu cầu trao trả Klop cùng tài xế người Hà Lan, và điều tra việc vi phạm sự trung lập của Hà Lan. Đến ngày 10 tháng 5, Hitler mới biện minh cho việc tấn công trên đất Hà Lan vì nước này đã can dự cùng với tình báo Anh. Klop qua đời ít ngày sau vụ tấn công. Best và Stevens sống sót sau 5 năm trong trại tập trung của Quốc xã.28 (TG)
Thế là, vào ngày 21 tháng 11 Himmler thông báo với công luận rằng âm mưu ám sát Hitler đã được làm rõ: do sự xúi giục của hai nhân viên tình báo Anh bị bắt ở “biên giới Hà Lan-Đức”. Kẻ chủ mưu được cho là Georg Elser, một đảng viên Cộng sản ở Munich.
Tôi cảm thấy lời cáo buộc là đáng ngờ, như tôi ghi vào nhật ký cùng ngày. Nhưng Himmler đạt được mục đích: thuyết phục người Đức cả tin rằng Chính phủ Anh cố thắng cuộc chiến bằng cách ám sát Hitler và những nhân vật thân cận của ông ta.
Ai thật sự chủ mưu vụ nổ bom thì không bao giờ được làm rõ. Elser là người kém thông minh nhưng khá thành thực. Dĩ nhiên ông không gặp Best và Stevens trước vụ mưu sát, nhưng khi bị nhốt trong trại tập trung, ông kể lại cho Best nghe vụ việc – tuy không hợp lý hẳn.
Elser cho biết đã được gọi lên văn phòng chỉ huy trại và được hai người lạ mặt giải thích rằng cần trừ khử vài kẻ phản phúc với Hitler bằng cách cho nổ một quả bom ngay sau khi Hitler đọc xong bài diễn văn. Vì lẽ Elser là thợ mộc, điện và hàn lành nghề, hai người đề nghị Elser làm việc này. Nếu ông chịu làm, họ hứa sẽ thu xếp cho ông trốn qua Thụy Sĩ cùng một số tiền lớn để có cuộc sống thoải mái ở đấy. Nhằm chứng tỏ họ nghiêm túc, Elser được hưởng chế độ đặc biệt: thức ăn ngon, quần áo dân sự, thuốc lá đầy đủ (Elser nghiện nặng thuốc lá) và dụng cụ nghề mộc. Nơi đây, Elser lắp đặt một quả bom thô sơ nhưng có cơ chế đồng hồ để định giờ nổ và cũng có thể cho nổ bằng công tắc điện. Rồi ông được dẫn đến hiện trường để đặt quả bom vào một cây cột dưới tầng hầm của nhà hàng bia.
Buổi tối 8 tháng 11, trong khoảng thời gian quả bom được định giờ cho nổ, Elser được dẫn đi đến biên giới Thụy Sĩ, được trao một số tiền và – điều này là lạ lùng nhất – một bức ảnh tầng hầm của nhà hàng bia với cây cột nơi gài quả bom. Nhưng thay vì được dẫn qua biên giới, ông bị Mật vụ bắt giữ, cùng với bức ảnh và mọi thứ khác. Rồi Mật vụ thuyết phục ông nên cáo giác Best và Stevens trong phiên tòa sắp đến.
Sau đó, trong trại tập trung Dachau, Elser kể câu chuyện tương tự cho Mục sư NiemoellerA nghe, và ông này tin rằng vụ nổ bom là do Hitler ngụy tạo. Tuy nhiên, Gisevius khai trước Tòa án Nuremberg rằng Elser thật sự muốn ám sát Hitler.
Chú thích:
A Xem Chương 8 về Mục sư Niemoeller.
Không hề có phiên tòa xử vụ việc. Chỉ sau này, ta mới biết Himmler không dám tổ chức phiên tòa. Và cũng sau này, ta mới biết Elser tiếp tục bị giam trong trại tập trung, nhưng được đối xử tử tế, hiển nhiên là do lệnh trực tiếp của Hitler. Nhưng Himmler canh giữ ông nghiêm ngặt cho đến phút cuối; để ông sống sót mà kể lại vụ việc thì không ổn. Ít lâu trước khi chiến tranh kết thúc, ngày 16 tháng 4 năm 1945 Mật vụ thông cáo rằng Georg Elser chết trong một cuộc thả bom của Đồng Minh vào ngày hôm trước. Bây giờ, chúng ta biết Mật vụ đã sát hại ông.30
Hitler ban huấn từ cho tướng lĩnh
Ngày 20 tháng 11 năm 1939, Hitler ban hành Chỉ thị Số 8 về việc Tiến hành Chiến tranh, ban bố “tình trạng báo động” nhằm “lập tức khai thác điều kiện thời tiết thuận lợi” và ra kế hoạch tiêu diệt Hà Lan và Bỉ. Và rồi để khích động tinh thần của những người nhát gan, ông triệu các tướng chỉ huy và sĩ quan Bộ Tư lệnh Lục quân đến Phủ Thủ tướng vào giữa trưa ngày 23 tháng 11.
Đây là một trong những buổi phát biểu kín của Hitler tiết lộ nhiều bí mật nhất. Một nhân vật dự họp vô danh ghi lại nội dung, và sau chiến tranh bản ghi chép được tìm thấy trong số hồ sơ của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực.31 Hitler bắt đầu:
Mục đích của buổi họp này là để cho các anh một ý tưởng về thế giới trong suy nghĩ của tôi, ý tưởng ngự trị tôi trong khi đối mặt với những sự kiện của tương lai, và thông báo cho các anh về những quyết định của tôi.
Tâm trí của Hitler chứa đầy những sự kiện quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước nhóm thính giả chọn lọc này, ông phát biểu với sự thẳng thắn quyết đoán và hùng hồn cao độ, tóm lược một cách tài tình những gì diễn ra trong đầu óc lệch lạc nhưng phong phú của ông và dự đoán với mức độ chính xác chết người những sự kiện sắp đến. Nhưng khó tưởng tượng là các tướng lĩnh nghe ông phát biểu mà vẫn chưa nhận ra rằng người đang nắm vận mệnh của nước Đức – và của thế giới – đã trở nên hoang tưởng một cách nguy hiểm. Hitler nói về mình:
Tôi nhận rõ tiến trình khả dĩ của những sự kiện lịch sử và có chủ ý mạnh mẽ nhằm đi đến những quyết định tàn khốc... Tôi phải nói về tôi với tất cả sự khiêm tốn: không thể thay thế. Không ai trong giới quân sự hoặc dân sự có thể thay thế tôi. Có thể có âm mưu ám sát khác. Tôi tin tưởng vào năng lực trong tri thức và quyết định của tôi... Không một ai đã tạo được thành tựu như tôi... Tôi đã dẫn dắt nhân dân Đức lên một tầm cao mới, dù cho nếu bây giờ thế giới ghét bỏ ta... Vận mệnh của nước Đức chỉ tùy thuộc vào tôi. Tôi sẽ theo đó mà hành xử.
Hitler trách móc các tướng lĩnh tỏ ra nghi ngại khi ông có “quyết định cứng rắn” rút ra khỏi Hội Quốc liên, ban hành lệnh tổng động viên, chiếm vùng Rhineland, thôn tính Áo. Hitler nói: “Ít người tin tưởng vào tôi.” Ông biện luận:
Bước kế tiếp là Bohemia, Moravia và Ba Lan... Từ lúc đầu, tôi thấy rõ là không thể thỏa mãn với lãnh thổ Sudetenland. Đó chỉ là giải pháp nửa vời... Kế đến là quyết định tiến vào Bohemia rồi lập Xứ Bảo hộ, và đây là cơ sở cho việc thôn tính Ba Lan. Nhưng vào lúc ấy tôi chưa rõ nên chống phía Đông trước rồi phía Tây sau, hoặc ngược lại. Nhưng áp lực của những sự kiện khiến ta phải đánh Ba Lan. Người ta có thể lên án tôi muốn đánh và đánh thêm. Trong cuộc đấu tranh tôi nhìn thấy định mệnh của muôn loài. Không ai có thể tránh chiến đấu nếu không muốn bị áp bức.
Dân số ngày càng tăng của Đức cần đến Lebensraum [không gian sinh sống] rộng hơn. Mục đích của tôi là đạt được một tỷ lệ hợp lý giữa dân số và không gian cho họ sinh sống. Cuộc đấu tranh phải bắt đầu ở điểm này. Không một quốc gia nào có thể tránh né vấn nạn này, nếu không, quốc gia ấy sẽ phải nhân nhượng và suy tàn... Sự khôn ngoan có tính toán không giúp gì được ở đây: chỉ có giải pháp qua gươm đao. Dân tộc nào không thể phát huy sức mạnh thì phải rút lui...
Hitler cho rằng vấn nạn của các nhà lãnh đạo Đức trong quá khứ là “không đủ cứng rắn. Chỉ có thể đạt được giải pháp bằng cách tấn công một quốc gia vào thời điểm thích hợp.” Vì không nhận ra điều này mà trong Thế chiến I, Đức phải chiến đấu trên vài mặt trận cùng một lúc. Hitler tiếp:
Lần đầu tiên trong 67 năm, ta không phải khởi động một cuộc chiến hai mặt trận... Nhưng không ai có thể biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu... Tôi gây dựng Quân đội là để chiến đấu. Quyết định chiến đấu hay không luôn luôn tùy thuộc vào tôi.
Ý nghĩ về sự may mắn hiện giờ, rằng chỉ có cuộc chiến một mặt trận, kéo Hitler trở lại vấn đề của Liên Xô.
Vào lúc này, Nga không nguy hiểm. Họ suy yếu vì nhiều điều kiện nội bộA. Hơn nữa, ta có hiệp ước với Nga. Tuy nhiên, hiệp ước chỉ được duy trì khi nào còn có mục đích. Nga sẽ duy trì hiệp ước cho đến lúc nào họ thấy vẫn còn có lợi cho họ... Nga vẫn có những mục tiêu dài hạn, trên hết là củng cố vị thế ở vùng Baltic. Ta chỉ có thể chống Nga khi rảnh tay ở phía Tây.
Về phía Ý, tất cả tùy thuộc vào Mussolini. Nếu ông ấy qua đời, mọi chuyện có thể thay đổi...
Giống như cái chết của Stalin, cái chết của Mussolini có thể gây nguy hại cho ta. Gần đây tôi thấy cái chết có thể đến với một chính khách dễ dàng như thế nào.
Chú thích:
A Ám chỉ những cuộc thanh trừng trong nội bộ Liên Xô, khiến cho nhiều cấp chỉ huy đảng và quân sự bị hao hụt. (ND)
Hitler tin rằng Hoa Kỳ lúc này chưa nguy hiểm “do quy luật trung lập của họ” và sự giúp đỡ của họ cho Đồng Minh chưa đáng kể. Nhưng thời gian có lợi cho kẻ thù. Hitler kết luận:
“Thời điểm thuận lợi là lúc này; trong 6 tháng tới thì có thể không còn thuận lợi nữa. [Vì thế] quyết định của tôi là không thay đổi. Tôi sẽ tấn công Pháp và Anh vào lúc thuận lợi nhất và sớm nhất. Việc xâm phạm nền trung lập của Bỉ và Hà Lan là chẳng thành vấn đề. Sẽ không ai cật vấn việc này sau khi ta chiến thắng. Ta sẽ không biện minh cho việc xâm phạm nền trung lập một cách ngu xuẩn như vào năm 1914.
Hitler bảo các tướng lĩnh rằng cuộc tấn công ở phía Tây có nghĩa là kết cục của chiến tranh thế giới, không phải chỉ là một hành động đơn lẻ. Việc này không liên quan đến một vấn đề duy nhất mà đến sự tồn vong của quốc gia.
Rồi ông kết thúc:
Anh linh của những nhân vật vĩ đại trong lịch sử của ta sẽ ban ơn cho tất cả chúng ta. Định mệnh đòi hỏi ở chúng ta không hơn những gì mà nó đã đòi hỏi những nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Đức. Ngày nào mà tôi còn sống, tôi chỉ nghĩ đến thắng lợi cho nhân dân ta. Tôi sẽ không thoái lui trước bất cứ cái gì và sẽ trừ khử bất kỳ ai chống lại tôi... Tôi muốn trừ khử kẻ thù!
Đó là huấn từ gây ấn tượng mạnh. Theo những gì ta biết, không hề có một tướng lĩnh nào cất tiếng hoặc để lộ nỗi nghi ngại mà hầu như tất cả chỉ huy Quân đội đều chia sẻ, hoặc để cật vấn khía cạnh đạo lý trong việc tấn công Bỉ và Hà Lan mà Đức long trọng cam kết đảm bảo tính trung lập. Theo vài tướng lĩnh hiện diện kể lại, so với những lần phát biểu trước, lần này Hitler phê phán một cách gay gắt hơn tinh thần yếu đuối của tướng lĩnh.
Lúc 6 giờ chiều, Hitler cho triệu Brauchitsch và Halder đến. Halder phải chờ bên ngoài trong khi Hitler lên giọng dạy bảo Brauchitsch một cách nghiêm khắc. Hitler lên án Bộ Tư lệnh Lục quân có “tư tưởng chủ bại” trong khi Bộ Tham mưu Lục quân của Halder có “thái độ cứng đầu mà không muốn tuân phục Lãnh tụ”. Theo lời khai của Brauchitsch trước Tòa án Nuremberg, ông xin từ chức nhưng Hitler từ khước, gay gắt nhắc nhở “rằng tôi phải chu toàn nhiệm vụ như mọi người lính khác”. Tối hôm ấy Halder ghi vào nhật ký: “Một ngày đầy khủng hoảng!”32
Xét trên nhiều khía cạnh, ngày 23 tháng 11 năm 1939 là một điểm mốc, đánh dấu vị thế áp đảo của Hitler trong Quân đội Đức. Từ ngày này trở đi, người cựu hạ sĩ gốc Áo xem sự suy xét chính trị và quân sự của mình là vượt trội so với các tướng lĩnh, và do đó không muốn nghe họ tham mưu cho mình hoặc không cho phép họ chỉ trích mình. Kết quả cuối cùng sẽ là một thảm họa cho tất cả.
Hơn nữa, ngôn từ lê thê của Hitler trong ngày mùa thu này dập tắt mọi ý nghĩ trong đầu của Brauchitsch và Halder về việc lật đổ nhà độc tài Quốc xã. Hitler cảnh cáo họ rằng ông sẽ “trừ khử” bất kỳ ai ngáng đường. Ông nói thêm một cách rành mạch rằng sẽ trấn áp bất kỳ sự chống đối nào “với sức mạnh quyết đoán”. Ít nhất vào lúc này, Halder không dám đứng lên đối mặt với lời đe dọa.
Bốn ngày sau, Schacht và Popitz thúc giục Tướng Thomas đến tìm Halder, nói “phải lật đổ Hitler”, và xin ông nhắc nhở Brauchitsch cần có động thái chống lại Hitler. Halder giải thích với Thomas về mọi “khó khăn”. Ông nói mình không chắc chắn Brauchitsch “sẽ tham dự tích cực vào một cuộc đảo chính.”33
Ít ngày sau, Halder giải thích cho Goerdeler những lý do khó tin nhất tại sao không nên lật đổ Hitler. Hassell ghi chép tất cả trong nhật ký. Halder đưa lý do “người ta không làm loạn khi đang đối mặt với kẻ thù” và thêm:
Chúng ta nên cho Hitler cơ hội cuối cùng này để cứu vớt dân tộc Đức khỏi chế độ nô lệ của chủ nghĩa tư bản của người Anh... Không có nhân vật vĩ đại nào khác... Phe chống đối chưa đủ trưởng thành... Ta không thể tin cậy những sĩ quan trẻ...
Hassell kêu gọi đến Đô đốc Canaris, nhưng không thành công. Cuối cùng, ông từ bỏ mọi hy vọng đối với các tướng lĩnh. Ít lâu sau, Hassell nhận xét rằng “Halder và Brauchitsch không khác gì những giao liênA cho Hitler.”34
Chú thích:
A Tác giả dùng từ “caddy”, có nghĩa là người phục dịch người chơi gôn, luôn vác túi gậy đánh gôn đi theo người chơi gôn. (ND)
Sự khủng bố của Quốc xã ở Ba Lan: Giai đoạn đầu
Chỉ ít ngày sau khi Đức tấn công Ba Lan, nhật ký của tôi ghi đầy những vụ việc khủng bố của Quốc xã trên lãnh thổ bị thôn tính. Sau này, người ta được biết nhiều nhật ký khác cũng thế. Ngày 19 tháng 10 Hassell cho biết đã nghe về “những hành động man rợ gây sốc của lính S.S., đặc biệt đối với người Do Thái”. Ít lâu sau ông ghi vào nhật ký về câu chuyện được kể bởi một chủ nhà người Đức:
Điều cuối cùng mà ông ấy nhìn thấy là một chỉ huy Đảng cấp huyện say xỉn ra lệnh mở cửa nhà tù, bắn năm gái mãi dâm và tìm cách hiếp dâm hai người khác.35
Ngày 18 tháng 10, Halder ghi vào nhật ký nội dung chính của cuộc trao đổi với tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Eduard Wagner, người nhận lệnh từ Hitler về tương lai của Ba Lan. Tương lai này sẽ là ảm đạm.
Ta không có ý định tái thiết Ba Lan... Phải ngăn chặn giới trí thức tự thành lập giai cấp điều hành. Chỉ tạo mức sống thấp. Nô lệ rẻ tiền...
Phải gây ra tình trạng hoàn toàn thiếu tổ chức! Đế chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Toàn quyền thực hiện kế hoạch cứng rắn này.
Đế chế Đức làm đúng như thế.
Chế độ khủng bố ở Ba Lan chỉ là sự khơi mào cho những hành động đen tối và kinh khủng mà dần dà Đức sẽ giáng xuống những dân tộc bị thôn tính khác. Nhưng từ đầu đến cuối, tình trạng ở Ba Lan là khủng khiếp nhất. Ở đây, tính bạo tàn của Quốc xã bộc lộ lên đến mức đỉnh điểm.
Ngay trước khi khởi động tấn công Ba Lan, Hitler nói với tướng lĩnh rằng nhiều sự việc sẽ xảy ra “không phù hợp với tư cách tinh tế của tướng lĩnh Đức”, và ông cảnh cáo họ rằng “không nên can dự vào những việc ấy mà chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ quân sự”.
Chẳng bao lâu, tác giả dồn dập nhận được tin tức về những vụ tàn sát của Quốc xã. Các tướng lĩnh cũng thế. Ngày 10 tháng 9, khi chiến dịch Ba Lan đang tiến mạnh, Halder ghi chép một trường hợp mà sau này trở nên khét tiếng ở Berlin. Một nhóm binh sĩ thuộc một trung đoàn pháo S.S., sau khi giám sát 50 người Do Thái làm việc suốt ngày để sửa một chiếc cầu, lùa họ vào trong một nhà nguyện Do Thái giáo rồi, như Halder ghi lại, “tàn sát bọn họ”. Ngay cả Tướng Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Ba von Kuechler, người sau này ít tỏ ra băn khoăn hơn, từ chối xác nhận bản án dành cho những kẻ sát nhân do tòa án binh tuyên xử vì quá nhẹ – một năm tù. Nhưng Brauchitsch xóa tất cả bản án vì Himmler can thiệp với lý do là các can phạm được hưởng sự “ân xá toàn diện”.
Vốn là những tín đồ Cơ Đốc chính trực, tướng lĩnh Đức cảm thấy khó chịu với tình hình đang xảy ra. Ngày 12 tháng 9, Đô đốc Canaris phản đối với Keitel về những vụ việc tàn ác ở Ba Lan. Vị Tham mưu trưởng Quân lực hay xu nịnh dấm dẳn trả lời: “Lãnh tụ đã quyết định việc này.” Nếu Quân đội “không muốn can dự vào những vụ việc này, họ sẽ phải chấp nhận S.S. và Mật vụ là đối thủ” – có nghĩa là mỗi đơn vị quân đội sẽ có chính ủy S.S. để “thực hiện công tác tận diệt”. Canaris ghi vào nhật ký của ông, được trình ra trước Tòa án Nuremberg:
Tôi vạch rõ với Tướng Keitel rằng tôi biết những vụ hành hình trên diện rộng được trù định ở Ba Lan, đặc biệt là giới quý tộc và tăng lữ sẽ bị tận diệt. Rốt cuộc thế giới sẽ quy trách nhiệm cho Quân đội Đức về những hành động này.36
Himmler quá tinh ranh nên không để cho các tướng lĩnh xoay xở trốn tránh trách nhiệm. Ngày 19 tháng 9, Heydrich, phụ tá chính cho Himmler, đến Bộ Tư lệnh Lục quân và báo cho Tướng Wagner thuộc lực lượng S.S. về kế hoạch của S.S. nhằm “quét dọn người Do Thái, các giới trí thức, tăng lữ và quý tộc [ở Ba Lan]”. Halder ghi lại phản ứng của mình sau khi Wagner báo cáo:
Quân đội đòi hỏi phải trì hoãn việc “quét dọn” cho đến khi Quân đội đã rút lui và chuyển giao quyền hành cho bộ máy hành chính dân sự. Đầu tháng 12.
Câu ghi chép ngắn gọn này của vị Tham mưu trưởng Lục quân giúp ta hiểu bản chất đạo đức của tướng lĩnh Đức. Họ không chống đối một cách nghiêm túc việc “quét dọn” – tức là tàn sát người Do Thái, trí thức, tăng lữ và quý tộc. Họ chỉ đòi hỏi “trì hoãn” cho đến khi họ rút khỏi Ba Lan và có thể thoát trách nhiệm. Và dĩ nhiên là phải xét đến dư luận nước ngoài. Sau một buổi họp kéo dài với Brauchitsch, Halder ghi lại:
Không nên để xảy ra chuyện gì tạo cơ hội cho nước ngoài khuấy động tuyên truyền. Tăng lữ Công giáo! Không thực hiện được vào lúc này!
Ngày hôm sau, 21 tháng 9, Heydrich gửi cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực bản kế hoạch “quét dọn” sơ khởi. Trong bước đầu, sẽ tập trung người Do Thái trong thành thị (để dễ thu gom họ mà thủ tiêu).
“Giải pháp cuối cùng” sẽ cần thời gian nhưng phải được giữ “tuyệt đối bí mật”, nhưng tướng lĩnh nào khi đọc qua bản ghi nhớ mật cũng biết “giải pháp cuối cùng” là thủ tiêu.37 Trong vòng hai năm, đấy sẽ là một trong những đặc ngữ tàn độc nhất mà quan chức cấp cao Đức sử dụng để che giấu một trong những tội ác ghê tởm nhất của Quốc xã trong chiến tranh.
Sau khi Liên Xô chiếm một phần và Đức sáp nhập một phần, phần còn lại của Ba Lan được điều hành bởi Toàn quyền Hans Frank và Phó Toàn quyền Seyss-Inquart. Frank là mẫu người đặc trưng cho lớp côn đồ trí thức của Quốc xã. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông gia nhập đảng năm 1927, và nhanh chóng thành danh như một ngọn đèn pháp lý cho phong trào. Có đầu óc lanh lợi, năng động, đọc nhiều không những về luật mà còn về văn học, say mê nghệ thuật và đặc biệt là âm nhạc, ông trở thành nhân vật chủ lực về luật pháp sau khi Quốc xã nắm lấy quyền hành, làm Bộ trưởng Tư pháp của Phổ, rồi Quốc vụ khanh và Chủ tịch của Viện Hàn lâm Luật và Hội Luật sư Đức. Là con người ăn mặc bảnh bao, nói năng bặt thiệp, cha của 5 đứa con, trí thông minh và sự trau dồi kiến thức phần nào bù đắp cho lòng cuồng tín hoang sơ của ông, và cho đến lúc này ông là một trong số người ít ghê tởm nhất xung quanh Hitler.
Nhưng phía sau bức bình phong văn minh là một kẻ sát nhân lạnh lùng. Bộ nhật ký gồm 42 tập của ông ta, được trình ra trước Tòa án Nuremberg, là một trong những tài liệu đáng ghê sợ nhất phơi bày thế giới tăm tối của Quốc xã, cho thấy tác giả của nó là một người lạnh lùng, có khả năng, tàn nhẫn, khát máu. Dường như không có ngôn từ dã man nào của ông được lược bỏ trong nhật ký.
Một ngày sau khi nhậm chức, ông ghi: “Người Ba Lan sẽ làm nô lệ cho Đế chế Đức.” Có lần ông nghe Neurath, Bảo hộ của Bohemia, trưng pa-nô thông báo việc xử tử bảy sinh viên đại học người Séc, Frank nói với một ký giả Quốc xã:
Nếu tôi muốn ra lệnh phải treo một pa-nô về việc xử tử bảy người Ba Lan, thì không đủ rừng ở Ba Lan để làm giấy cho các tấm pa-nô đó.38
Nhiệm vụ của Frank là khai thác thực phẩm, vật liệu và sức lao động của Ba Lan, và cũng là tiêu diệt giới trí thức. Ông cho biết Hitler đã nói:
Phải tiêu diệt người có khả năng lãnh đạo ở Ba Lan. Cũng phải thủ tiêu những kẻ đi theo họ... Không cần tạo thêm gánh nặng cho Đế chế... không cần đưa những thành phần này vào trại tập trung.
Hitler nói phải tống khứ họ đi, ngay trên đất Ba Lan này.39
Frank ghi vào nhật ký là vào buổi họp ngày 30 tháng 5 năm 1940 với cấp chỉ huy cảnh sát dưới quyền, một báo cáo cho biết đã bắt giữ khoảng 2.000 đàn ông và vài trăm phụ nữ, phần lớn bị “tuyên xử tại chỗ” – câu từ uyển ngữ của Quốc xã khi nói đến việc thủ tiêu. Một nhóm khác đang bị tập trung để tiếp tục “tuyên xử tại chỗ”. Tổng cộng “có khoảng 3.500 người”, những người nguy hiểm nhất trong giới trí thức, sẽ bị xử lý.40
Frank cũng không quên người Do Thái, ngay cả khi Mật vụ đang trực tiếp lo thủ tiêu những người này. Ngày 7 tháng 10 năm 1940, trong đại hội Quốc xã ở Ba Lan, ông tổng kết những nỗ lực của mình trong năm đầu tiên.
Các Đồng chí!... Chỉ trong một năm tôi không thể tiêu diệt tất cả chấy rận và người Do Thái. [Ông ghi chú ở điểm này: “Cử tọa thích thú.] Nhưng chẳng bao lâu, nếu các đồng chí hỗ trợ tôi thì mục đích này sẽ đạt được.41
Nửa tháng trước Giáng sinh năm 1941, Frank đúc kết trong một buổi họp nội các của Toàn quyền Ba Lan:
Về phần người Do Thái, tôi muốn nói thẳng là phải thanh toán họ bằng cách này hay cách khác... Tôi muốn mọi người xóa bỏ cảm nghĩ thương hại. Ta phải tận diệt người Do Thái.
Ông thừa nhận rằng “khó mà bắn hoặc bỏ thuốc độc cho ba triệu rưỡi người Do Thái [ở Ba Lan], nhưng ta sẽ có cách nào đấy để tiêu diệt họ.” Đó là lời tiên đoán chính xác.42
Việc săn lùng người Do Thái trong những ngôi nhà họ đã sống qua nhiều thế hệ được thực hiện ngay khi chiến sự kết thúc. Ngày 7 tháng 10, một ngày sau khi đọc bài “diễn văn hòa bình” trước Nghị viện, Hitler cử Himmler đứng đầu một cơ quan mới mang tên “Ủy viên Đế chế đặc trách Tăng cường tính Dân tộc Đức”, gọi tắt theo tiếng Đức là RKFDV. Nhiệm vụ của cơ quan này là trước hết trục xuất người Ba Lan và Do Thái ra khỏi những lãnh thổ đã sáp nhập vào Đức. Thế chỗ họ là người gốc Đức đến từ vùng Baltic và những vùng khác của Ba Lan. Halder đã nghe qua việc này, và ghi vào nhật ký là “cứ mỗi người Đức chuyển đến, hai người Ba Lan lại bị trục xuất khỏi đất nước này.”
Trong vòng một năm sau khi Himmler nhận chức vụ mới, 1.200.000 người Ba Lan và 300.000 người Do Thái bị đẩy về phía đông. Nhưng chỉ có 497.000 người gốc Đức thế chỗ họ. Tỷ lệ còn khác hơn so với ghi chép của Halder: 3 người Ba Lan và Do Thái bị trục xuất để nhường chỗ cho 1 người Đức.
Mùa đông 1939-1940 lạnh hơn mọi năm, và việc “tái định cư” được thực hiện trong thời tiết dưới không độ và thường dưới bão tuyết, khiến cho số người chết vì thời tiết cao hơn là số người bị Quốc xã bắn và treo cổ. Chính Himmler được cho là có thẩm quyền. Sau khi Pháp sụp đổ, trong một buổi họp của S.S. ông phát biểu:
Ở Ba Lan khi thời tiết xuống bốn mươi dưới không độ, ta phải mang đi hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người, ta phải đủ cứng rắn – các bạn phải nghe đây, nhưng lập tức phải quên đi – phải bắn bỏ hàng nghìn cấp chỉ huy Ba Lan... trong nhiều trường hợp chiến đấu với một đại đội dễ hơn là trấn áp người có văn hóa thấp, hoặc xử tử hoặc giải người đi hoặc bắt giữ đàn bà đang than khóc và điên dại.43
Ngày 21 tháng 2 năm 1940, Thiếu tướng S.S. Richard Gluecks báo cáo với Himmler rằng ông ta đã tìm ra một “vị trí thích hợp” cho một “trại cách ly” mới ở Auschwitz, một thị trấn heo hút với 12.000 cư dân trong đó có doanh trại của kỵ binh Áo thuở xưa. Công việc được xúc tiến ngay, và ngày 14 tháng 6 Auschwitz chính thức mở cửa làm trại tập trung cho tù nhân chính trị Ba Lan mà Đức muốn đối xử một cách hà khắc đặc biệt. Sau này, đây sẽ là nơi chốn đầy sát khí hơn cả.
Tạm thời, công ty hóa chất I. G. Farben thấy Auschwitz là vị trí “thích hợp” cho một nhà máy than-dầu và cao su tổng hợp, sử dụng công sức nô lệ.
Để điều hành trại mới và cung cấp lao động nô lệ cho I. G. Farben, một đám côn đồ S.S. được chọn lọc để điều đến Auschwitz. Trong số này có Josef Kramer, sau này có biệt hiệu là “Con thú ở Belsen”, và Rudolf Franz Hess, người khai trước Tòa án Nuremberg rằng mình giám sát việc thủ tiêu hai triệu rưỡi người, chưa kể nửa triệu người khác bị bỏ mặc cho chết đói.
Vì lẽ, chẳng bao lâu Auschwitz trở thành trại hủy diệt khét tiếng nhất – khác với những trại tập trung, nơi có người sống sót đến sau chiến tranh.
Xích mích giữa hai kẻ chuyên chế
Cái trục Rome-Berlin bắt đầu kêu cót két trong mùa thu đầu của cuộc chiến.
Có những bất đồng khiến hai bên bất mãn với nhau: Đức không di tản hết người gốc Đức khỏi vùng Nam Tyrol của Ý, vốn đã được thỏa thuận là thuộc về Ý; Đức không cung cấp đủ cho Ý một triệu tấn than mỗi tháng; Ý không dám xông qua sự phong tỏa của Anh để chuyên chở vật liệu cho Đức; Ý bán cho Anh và Pháp khí cụ chiến tranh; và Ciano có thái độ chống Đức.
Như thường lệ, Mussolini liên tục dao động. Sau khi Hitler thoát chết trong một vụ mưu sát, Mussolini soạn nội dung bức điện chúc mừng một cách khó khăn. Ciano ghi vào nhật ký:
Ông ấy muốn bày tỏ một cách nhiệt tình, nhưng không quá nhiệt tình, vì ông nghĩ không người Ý nào cảm thấy vui mừng khi Hitler thoát chết – và Mussolini lại càng không vui.
20 tháng 11... Đối với Mussolini, ý nghĩ Hitler đang tiến hành chiến tranh – và tệ hơn nữa, đang chiến thắng – là điều khó chịu.
Một ngày sau Giáng sinh 1939, Mussolini “mong cho Đức chiến bại” và chỉ thị Ciano bí mật cảnh báo cho Bỉ và Hà Lan rằng hai nước sắp bị tấn công. Theo Weizsaecker, phía Đức bắt được tín hiệu của hai bức điện và giải mã được nội dung.44 Nhưng ngày 31 tháng 12, Mussolini nói về việc tham chiến bên cạnh Hitler.
Nguyên nhân chính khiến cho hai bên bất hòa là chính sách thân Liên Xô của Đức. Ngày 30 tháng 11 năm 1939, Hồng quân tấn công Phần Lan và Hitler lâm vào hoàn cảnh nhục nhã nhất: bị đẩy ra khỏi vùng Baltic qua hiệp ước với Stalin, vội vã di tản những gia đình người Đức đã sống ở đấy qua nhiều thế kỷ, bây giờ ông phải chính thức chấp nhận cuộc tấn công một cách vô cớ qua một đất nước nhỏ có mối dây thân thiết với Đức. Hitler phải ngậm đắng nuốt cay. Các phái bộ ngoại giao của Đức cùng báo đài Đức nhận lệnh nghiêm ngặt lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công của Liên Xô và tránh tỏ thái độ thông cảm với người Phần Lan.
Việc này vượt quá mức chịu đựng của Mussolini vốn đã chịu đựng những cuộc biểu tình chống Đức khắp nước Ý. Ngày 3 tháng 1 năm 1940, ông gửi một bức thư dài cho Lãnh tụ. Từ trước đến giờ và mãi về sau, đây là lần duy nhất Mussolini thẳng thắn với Hitler đến thế, cho nhiều lời khuyên gay gắt và khó chịu đến thế.
Mussolini tin tưởng “một cách sâu sắc” rằng dù cho được Ý hỗ trợ, Đức sẽ không bao giờ có thể khuất phục hoặc chia rẽ Anh và Pháp. Nghĩ như thế là lừa dối chính mình. Hoa Kỳ sẽ không cho phép các nước dân chủ bị bại trận. Vì thế, bây giờ Hitler đã ổn định biên giới phía Đông xong xuôi thì có nên đưa chế độ vào cảnh rủi ro và “hy sinh tinh hoa của các thế hệ Đức” nhằm cố đánh bại Anh và Pháp hay không? Mussolini đề nghị là có thể đạt hòa bình nếu Đức cho phép sự hiện hữu của “một nước Ba Lan khiêm tốn, không vũ trang, chỉ có người Ba Lan sinh sống”. Ông thêm:
Trừ phi anh nhất định tiến hành chiến tranh đến cùng, tôi tin rằng việc thiết lập một nhà nước Ba Lan... sẽ là yếu tố giúp giải quyết cuộc chiến và tạo nên một điều kiện đủ cho hòa bình.
Nhưng Mussolini quan ngại nhất việc Đức đối xử với Nga:
... Không cần bắn một phát súng, Nga hưởng lợi từ cuộc chiến qua Ba Lan và vùng Baltic. Nhưng... anh không thể mãi mãi hy sinh những nguyên tắc Cách mạng của anh cho những đòi hỏi cấp bách về chiến thuật... Một bước đi nữa của anh trong mối quan hệ với Nga sẽ gây hậu quả thảm khốc cho Ý...45
Bức thư của Mussolini chạm đến mục tiêu nhạy cảm nhất của Hitler: tuần trăng mật trong mối quan hệ Đức-Nga hiện bắt đầu nhạt phai. Mối quan hệ này đã giúp cho Hitler tiêu diệt Ba Lan, và còn thêm những lợi ích khác. Tài liệu tịch thu được của Đức tiết lộ một trong những bí mật được giữ kín nhất trong cuộc chiến: nhằm và tránh sự phong tỏa của Anh, Liên Xô cho phép Đức sử dụng các cảng vùng Bắc Cực, Biển Đen và Thái Bình Dương để nhận nguyên vật liệu tối cần cho chiến tranh, rồi sử dụng hệ thống xe lửa của Liên Xô để vận chuyển đến Đức.
Ngày 10 tháng 11 năm 1939, thậm chí Molotov đồng ý Chính phủ Liên Xô chịu chi phí cho tất cả hàng hóa vận chuyển trên các tuyến xe lửa của Nga.46 Nga cung cấp các cơ sở tiếp nhiên liệu và sửa chữa cho tàu Đức, kể cả tàu ngầm, ở Cảng Teriberka, phía đông Murmansk – mà Molotoc cho rằng cảng này “thích hợp bởi vì ở xa và tàu nước ngoài không trông thấy.”47
Dần dà, giao dịch hai chiều tăng lên nhanh chóng. Đức càng muốn nhận thêm nguyên liệu, đặc biệt là ngũ cốc và dầu hỏa của Liên Xô, còn Liên Xô muốn có thêm khí tài chiến tranh của Đức. Bị phong tỏa, Đức càng thêm lệ thuộc vào Liên Xô. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng trong kinh tế cũng như chính trị, người Nga tỏ ra khôn ranh và thích kỳ kèo. Tướng lĩnh Đức phản đối Bộ Ngoại giao Đức vì người Nga đòi hỏi quá nhiều khí tài của Đức. Keitel cũng than phiền nhu cầu của Nga về sản phẩm của Đức, đặc biệt là máy sản xuất đạn dược, “càng ngày càng tăng về khối lượng và thiếu hợp lý”.48
Nhưng nếu Đức muốn nhận thực phẩm và dầu hỏa từ Nga thì phải chi trả bằng những hàng hóa mà Nga cần. Vì yêu cầu cấp thiết nhận hàng hóa Nga khi Đức bị phong tỏa, ngày 30 tháng 3 năm 1940, Hitler ra lệnh phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc giao khí tài chiến tranh cho Liên Xô, ưu tiên còn hơn cả Quân đội Đức.A 50 Có lúc Đức còn đề nghị dùng tàu thiết giáp chưa hoàn thiện Luetzow làm một phần chi trả cho Nga. Trước đó, ngày 15 tháng 12, Thủy sư Đô đốc Raeder đề nghị bán bản vẽ của chiếc Bismarck, tàu thiết giáp lớn nhất thế giới (45.000 tấn), rồi đóng cho người Nga nếu họ chịu trả “giá thật cao.”51
Chú thích:
A Sau khi đánh Pháp và các Nước vùng Thấp, Goering thông báo cho Tướng Thomas, phụ trách kinh tế của OKW, “rằng Lãnh tụ chỉ yêu cầu giao hàng đúng hẹn cho Nga đến mùa xuân 1941. Sau đó, ta không còn quan tâm đến việc thỏa mãn những đòi hỏi của Nga nữa.”49 (TG)
Vào cuối năm 1939, Stalin đích thân tham dự vào các vòng đàm phán với phái bộ thương mại Đức ở Moscow. Các nhà kinh tế Đức thấy Stalin là con buôn đáng nể. Trong số tài liệu tịch thu được có các bản ghi nhớ của ba cuộc họp, cho thấy Stalin hiểu biết nhiều về những chi tiết khiến cho phía Đức phải sững sờ. Họ thấy không thể tháu cáy hoặc bắt nạt Stalin, mà ngược lại Stalin còn biết cách yêu sách. Stalin nhắc cho phía Đức nhớ rằng “Liên Xô đã giúp đỡ cho Đức rất nhiều và gây thù chuốc oán vì sự giúp đỡ này.” Trong buổi họp giữa đêm 8 tháng 2, Stalin yêu cầu Đức tính giá phải chăng cho hàng hóa Đức và không được lợi dụng lòng tử tế của Liên Xô.52
Ngày 11 tháng 2 năm 1940, hai bên ký hiệp định thương mại cho 18 tháng kế tiếp, trị giá tối thiểu 640 triệu mác Đức. Liên Xô sẽ nhận chiếc tàu tuần dương hạng nặng Luetzow, bản vẽ của tàu thiết giáp Bismarck, đại bác hải quân hạng nặng, khoảng 30 máy bay chiến đấu và máy bay thả bom hiện đại nhất, thêm máy móc, đầu máy xe lửa, tuốc bin, máy phát điện, máy nổ diesel, tàu thuyền, máy công cụ, cùng nhiều mẫu đại bác, xe thiết giáp, thuốc nổ, thiết bị chiến tranh hóa học, v.v...53
Đổi lại, Đức nhận từ Liên Xô ngũ cốc kể cả lúa mỳ, dầu hỏa, bông vải, phốt phát, đậu nành, nhiều nguyên liệu cần thiết khác, và quyền chuyển vận qua Mãn Châu.54
TS. Schnurre, chuyên gia kinh tế của Bộ Ngoại giao, người cầm đầu phía Đức để đàm phán với Nga, báo cáo:
Hiệp định mở rộng cửa ngõ về hướng Đông cho ta... Hậu quả của sự cấm vận của Anh sẽ giảm đi một cách đáng kể.55
Đó là một lý do khiến cho Hitler phải ngậm đắng nuốt cay, ủng hộ Liên Xô tấn công vào Phần Lan khiến cho người Đức rất bất mãn, và chấp nhận sự đe dọa của những căn cứ lục quân và không quân ở vùng Baltic (để sau này chống lại ai nếu không phải là Đức?). Stalin đã giúp cho Đức tránh khỏi đường hàng hải bị phong tỏa. Nhưng quan trọng hơn: Stalin đã tạo cơ hội cho Đức chỉ chiến đấu một mặt trận, tập trung toàn lực vào phía Tây để hạ gục Anh và Pháp và áp đảo Bỉ và Hà Lan, và tiếp theo là... – à, việc này thì Hitler đã nói cho các tướng lĩnh biết mình đang trù định ra sao.
Ngay ngày 17 tháng 10 năm 1939, khi chiến dịch Ba Lan chưa xong xuôi già cả, Hitler nhắc nhở Keitel rằng lãnh thổ Ba Lan có tầm quan trọng với ta theo khía cạnh quân sự như là điểm xuất quân tiền tiêu và vùng tập trung chiến lược của quân sĩ. Vì thế, phải duy trì các tuyến xe lửa, đường sá và các kênh liên lạc viễn thông.56
Cuối năm 1939, Hitler nhận ra rằng không thể trông mong Liên Xô sẽ trung lập mãi mãi. Ông nói tình hình sẽ thay đổi trong vòng 8 tháng hoặc 1 năm. Ông khẳng định với các tướng lĩnh rằng “ta chỉ có thể chống Nga một khi rảnh tay ở phía Tây.” Đó là ý nghĩ không bao giờ rời khỏi đầu óc chộn rộn của Hitler.
Năm đầu tiên của cuộc chiến, chạm súng trên bộ không diễn ra, và trên không những chiếc máy bay thả bom nặng nề chỉ lo rải truyền đơn – mà lại là thứ truyền đơn được viết ra một cách lôi thôi. Chỉ có chiến tranh trên mặt biển. Tàu ngầm Đức tiếp tục gây thiệt hại cho Anh và đôi khi cho tàu hàng của nước trung lập.
Ở Nam Đại Tây Dương, chiếc Graf Spee, một trong ba tàu thiết giáp bỏ túi của Đức, xuất phát từ điểm chờ đợi trong vòng ba tháng đánh đắm 9 tàu hàng của Anh có tổng tải trọng 50.000 tấn. Ngày 14 tháng 12 năm 1939, dân Đức được thông báo trên truyền thanh và báo chí một chiến thắng lớn: ngày hôm trước chiếc Graf Spee đụng độ với ba tàu tuần dương của Anh và loại họ ra khỏi vòng chiến. Thế rồi, ba ngày sau có thông cáo báo chí cho biết chiếc Graf Spee bị tự đánh chìm. Chiến thắng là như thế nào? Ngày 21 tháng 12, Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết Đại tá hạm trưởng Hans Langsdorff của Graf Spee đã “đi theo con tàu” và vì thế “như một chiến sĩ và anh hùng đã hoàn thành kỳ vọng của Lãnh tụ, nhân dân và Hải quân của Đức”.
Người Đức đau khổ không bao giờ được biết rằng chiếc Graf Spee bị ba tàu tuần dương của Anh bắn hư hại nặng đến nỗi phải xin vào vịnh Montevideo của Uruguay để sửa chữa, và chiếu theo công pháp quốc tế Chính phủ Uruguay chỉ cho phép chiếc tàu chiến lưu lại trong 72 giờ. Đại tá Hạm trưởng Langsdorff thấy không thể sửa chữa xong trong thời gian ngắn như thế, nên ra lệnh đánh chìm chiếc Graf Spee thay vì ra khơi liều giao chiến thêm với tàu Anh, rồi hai ngày sau tự sát trong một căn phòng khách sạn lẻ loi. Dĩ nhiên là người dân Đức cũng không hề biết rằng, như Jodl ghi vào nhật ký, Lãnh tụ “rất tức giận vì việc tự đánh chìm chiếc Graf Spee mà không chịu chiến đấu” và cho triệu Tư lệnh Hải quân Thủy sư đô đốc Raeder đến la mắng.57
Ngày 12 tháng 12 năm 1939, Hitler ban hành một chỉ thị tối mật hoãn cuộc tấn công ở phía Tây cho đến sớm nhất là ngày 1 tháng 1 năm 1940, và cho nghỉ phép Giáng sinh. Nhật ký của tôi ghi lại đó là mùa Giáng sinh ảm đạm, ít có quà tặng nhau, thực phẩm nghèo nàn, nhiều gia đình xa cách nhau, đường sá tối đen, rèm cửa phải khép kín, và mọi người đều than phiền về chiến tranh, thức ăn và thời tiết rét mướt.
Tại Berlin, nhân các ngày nghỉ lễ, Đại sứ Hassel trao đổi với những người âm mưu Popitz, Goerdeler và Tướng Beck. Ngày 30 tháng 12, ông ghi vào nhật ký kế hoạch mới nhất:
Điều một số sư đoàn ghé lại Berlin trong khi đang di chuyển từ Tây sang Đông. Rồi Witzleben đến Berlin và giải tán S.S.... Beck nắm quyền chỉ huy từ Brauchitsch. Một bác sĩ tuyên bố Hitler không có khả năng tiếp tục công việc, rồi giam Hitler lại. Hiệu triệu toàn dân theo nội dung: ngăn chặn để S.S. đỡ tàn bạo, vãn hồi khuôn phép và đạo đức của Cơ Đốc giáo, tiếp tục chiến tranh nhưng sẵn sàng cho hòa bình trên cơ sở bình đẳng...
Nhưng đấy chỉ là hư ảo; tất cả chỉ là lời nói suông. Những người âm mưu tỏ ra rối trí đến nỗi Hassell phải viết ra dài dòng trong nhật ký để xem xét liệu họ nó nên bắt giữ Goering hay không!
Sau khi đã hoãn cuộc tấn công thêm một lần nữa, đến ngày 10 tháng 1 năm 1940, Hitler ấn định ngày tấn công là 17 tháng 1 năm 1940, nhưng Không quân phải bắt đầu thả bom ngày 14 tháng 1.
Nhưng ngày 13 tháng 1, Hitler lại ra lệnh hoãn “vì lý do tình trạng thời tiết”. Tài liệu của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực tịch thu được không ghi chép việc gì cho đến ngày 7 tháng 5. Bây giờ, ta biết được có hai sự kiện góp phần vào việc đình hoãn – một sự cố không lưu và một cơ hội mới.
Ngày 10 tháng 1, cùng ngày Hitler ra quyết định đánh Bỉ và Hà Lan, một máy bay quân sự Đức từ Muenster bay đi Cologne nhưng bị mất phương hướng trên không phận Bỉ, nên phải đáp xuống gần Mechelen-sur-Meuse. Máy bay chở Thiếu tá Helmut Reinberger, một sĩ quan tham mưu quan trọng của Không quân Đức, và trong chiếc cặp của ông là phương án tấn công phía Tây cùng một số bản đồ đi kèm. Khi binh sĩ Bỉ tiến đến chiếc máy bay, vị thiếu tá chạy vào bụi rậm gần đấy và đốt các tài liệu. Việc này khiến binh sĩ Bỉ thêm chú ý, nên họ cố dập tắt lửa và thu hồi những gì còn lại. Được đưa về một doanh trại quân đội gần đấy, Reinberger lại cố thu nhặt số tài liệu cháy dở mà một sĩ quan Bỉ để trên bàn rồi và ném vào lò sưởi đang cháy. Người sĩ quan Bỉ vội nhặt tài liệu ra khỏi lò sưởi.
Reinberger nhanh chóng nhờ Đại sứ quán Đức báo cáo về Bộ Tư lệnh Không quân rằng đã đốt rụi các tài liệu, chỉ còn “một số mảnh không đáng kể, nhỏ như lòng bàn tay”. Nhưng Quân đội Đức vẫn lo lắng, không rõ đối phương đã biết được những gì. Jodl lập tức báo cáo cho Hitler biết “những gì quân địch có thể biết hay có thể không biết.” Nhưng chính ông cũng không biết. Sau khi gặp Hitler ngày 12 tháng 1, ông viết trong nhật ký:
Nếu quân địch thu được tất cả tài liệu thì tình hình sẽ là đại họa.
Tối hôm ấy, Ribbentrop gửi một bức điện “tối khẩn” cho Đại sứ quán Đức tại Bỉ, yêu cầu báo cáo lập tức về việc phá hủy tài liệu.
Ngày 13 tháng 1, nhật ký của Jodl cho biết về một buổi họp giữa Goering với tùy viên Không quân Đức tại Bỉ và các sĩ quan Không quân cấp cao. Jodl ghi kết quả: “Điện cho Tướng Halder chỉ thị: Ngừng lại tất cả các cuộc chuyển quân.”
Cùng ngày, Đại sứ Đức tại Bỉ báo cáo về là có nhiều cuộc di chuyển đáng kể của quân Bỉ “do hậu quả của những tài liệu đáng lo mà Bộ Tổng Tham mưu Bỉ nhận được”, và ngày hôm sau báo cáo tiếp là Bỉ đang kêu gọi quân trừ bị. Ông nghĩ một phần lý do là “nội dung của công văn bị cháy dở của người sĩ quan Không quân Đức”.
Đến buổi tối 15 tháng 1, đầu óc giới chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Đức dấy lên nỗi nghi ngờ về việc liệu Thiếu tá Reinberger có thật sự phá hủy tất cả tài liệu như ông này đã báo cáo hay không.
Ngày 17 tháng 1, Ngoại trưởng Bỉ Paul-Henri Spaak cho triệu Đại sứ Đức đến và bảo ông này một cách thẳng thừng, như ông này báo cáo lại, rằng chiếc máy bay đáp xuống khẩn cấp ngày 10 tháng 1 đưa vào tay Bỉ một tài liệu có nội dung bất thường và nghiêm trọng nhất, cho thấy rõ ràng có một ý đồ tấn công. Đây không phải là phương án hành quân, mà là một chỉ thị tấn công được soạn thảo theo từng chi tiết, chỉ cần điền vào thời điểm.
Phía Đức không thể nào biết liệu Spaak có tháu cáy hay không. Về phía Đồng Minh, các bộ tư lệnh Anh và Pháp nhận được bản sao của phương án của Đức, và họ có ý xem tài liệu này là giả mạo nhằm đánh lạc hướng. Churchill kể rằng ông chống lại ý kiến ấy và than rằng không ai làm gì để đối phó với phương án trong tài liệu của Đức. Điều chắc chắn là vào ngày 13 tháng 1, Hitler hoãn cuộc tấn công cho đến mùa xuân, lúc ấy phương án hoàn toàn được thay đổi.58
Nhưng sự cố máy bay đáp khẩn cấp không phải là lý do duy nhất. Kế hoạch tấn công hai quốc gia nhỏ khác ở Bắc Âu giờ đã chín muồi ở Berlin và chiếm ưu tiên. Chiến tranh lấm lét sắp kết thúc khi mùa xuân đến gần.