Không có một bản kế hoạch hoàn thiện nào cho Trật tự Mới, nhưng từ tài liệu tịch thu được và từ những sự kiện đã diễn ra, có thể thấy Hitler biết rõ ông ta muốn nó như thế nào. Đó là một Châu Âu do Quốc xã thống trị. Nước Đức chủ nhân sẽ khai thác nguồn tài nguyên của cả Châu Âu để cung phụng cho mình. Người Đức sẽ bắt cả Châu Âu làm nô lệ cho họ, và tiêu diệt những “thành phần không mong muốn” – trên hết là người Do Thái, và thêm những dân tộc Slav ở phía Đông, đặc biệt là giới trí thức Slav.
Người Do Thái và những dân tộc Slav bị xem là những chủng người hạ đẳng. Đối với Hitler, họ không có quyền sống, ngoại trừ một số người Slav có thể được sử dụng như nô lệ để lao động trên đất nông nghiệp và hầm mỏ cho nước Đức chủ nhân. Các thành phố lớn ở Đông Âu sẽ bị san bằng vĩnh viễn: Moscow, Leningrad và Warsaw. Ngay vào ngày 18 tháng 9 năm 1941, Hitler đã chỉ thị cụ thể là “quét Leningrad khỏi bề mặt quả đất,” sau khi bao vây thì “san bằng” thành phố này bằng bom và đại pháo, cùng lúc tiêu diệt cư dân (ba triệu người). Nền văn hoá của người Nga và Ba Lan và những dân tộc Slav sẽ bị xóa hẳn, và họ sẽ không nhận được nền giáo dục. Những cơ sở công nghiệp của họ sẽ bị tháo gỡ và vận chuyển về Đức. Dân thường sẽ bị quản thúc trong những trang trại để sản xuất thực phẩm cho người Đức, được phép giữ lại một phần sản lượng vừa đủ để tồn tại. Cả Châu Âu, như các nhà lãnh đạo Quốc xã nói, sẽ “vắng bóng người Do Thái”.
Ngày 4 tháng 10 năm 1943, trong bài diễn văn mật phát biểu với sĩ quan S.S. tại Posen, Heinrich Himmler nói: “Tôi không cần biết chuyện gì xảy ra với người Nga, hoặc người Séc.” Vào thời gian này – với chức vụ Tư lệnh S.S. kiêm Chỉ huy trưởng Cảnh sát toàn nước Đức – Himmler có vị thế quan trọng thứ hai sau Hitler, nắm quyền sinh sát của 80 triệu người Đức và gấp đôi số này trên những lãnh thổ bị Đức thôn tính.
Himmler nói tiếp:
Nếu những chủng tộc có dòng máu tốt như ta, ta sẽ nhận, nếu cần thì sẽ bắt cóc con cái của họ và nuôi chúng ở đây với ta. Tôi không màng liệu các chủng tộc ấy sống trong giàu có hoặc chết đói như gia súc, miễn là họ phục vụ ta như nô lệ...
Tôi không cần biết liệu 10.000 phụ nữ Nga ngã xuống hay không vì kiệt sức trong khi đào một hố chống thiết giáp, miễn là hố chống thiết giáp ấy được hoàn tất cho nước Đức...1
Một thời gian dài trước bài phát biểu của Himmler tại Posen, các lãnh đạo Quốc xã đã vạch ra ý tưởng và kế hoạch của họ nhằm nô lệ hóa những dân tộc Đông Âu.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 1940, Hitler có quyết định về tương lai của người Séc, chủng tộc Slav đầu tiên mà ông ta thôn tính. Quốc xã sẽ “đồng hóa” phân nửa bọn họ, phần lớn bằng cách mang họ về làm nô lệ cho Đức, và “loại trừ” nửa kia, đặc biệt là “trí thức”.2
Hai tuần trước đó, Lãnh tụ cũng bày tỏ ý tưởng về số phận của người Ba Lan, chủng tộc Slav thứ hai mà ông ta sắp thôn tính. Thư ký riêng trung thành của ông ta, Martin Bormann, để lại một bản ghi nhớ dài về những kế hoạch của Quốc xã mà Hitler phác thảo cho Hans Frank, sẽ là Toàn quyền Ba Lan, và cho những quan chức khác.3
Người Ba Lan được sinh ra để làm lao động cấp thấp... Không có chuyện cải tạo họ. Cần duy trì mức sống thấp ở Ba Lan và không cho họ phát triển... Người Ba Lan có tính biếng nhác nên cần thiết phải dùng biện pháp thúc đẩy để bắt họ làm việc... Mỗi năm có thể tìm nhân công mà Đế chế cần ở đấy.
Đối với giới tăng lữ Ba Lan:
Họ sẽ rao giảng những gì ta muốn. Ta sẽ ngăn chặn những giáo sĩ nào hành động theo cách khác. Nhiệm vụ của giáo sĩ là giữ cho người Ba Lan im lặng, ngu dốt và trì trệ.
Cần đối phó với hai giai cấp khác của Ba Lan:
Nhất thiết phải nhớ rằng giới thượng lưu không được phép hiện diện; dù việc làm này nghe có vẻ tàn ác, phải tiêu diệt họ ở bất cứ nơi nào...
Chỉ có một người chủ của dân tộc Ba Lan, đó là người Đức. Không thể có hai người chủ đứng bên nhau. Vì thế, phải tiêu diệt mọi thành phần trí thức Ba Lan. Việc này nghe có vẻ tàn ác, nhưng đó là quy luật của cuộc sống.
Nỗi ám ảnh của người Đức với tư tưởng họ là chủng tộc vượt trội và những dân tộc Slav phải làm nô lệ cho họ trở nên đặc biệt hiểm độc đối với người Nga. Erich Koch, Cao Ủy Đế chế cho Ukraine, phát biểu trong một bài diễn văn tại Kiev ngày 5 tháng 3 năm 1943:
Chúng ta thuộc về chủng tộc vượt trội và phải điều hành một cách cứng rắn nhưng công bằng... Tôi sẽ khai thác tận lực lãnh thổ này... Tôi đến đây không phải để ban ơn... Người dân phải làm việc, làm việc, và làm việc thêm nữa... Chúng ta nhất quyết đến đây không phải để ban ơn phước. Chúng ta đến đây để tạo nên một nền tảng cho chiến thắng...
Chúng ta thuộc về chủng tộc vượt trội, nên nhớ rằng về mặt chủng tộc và sinh học một công nhân quèn người Đức cũng có giá trị gấp nghìn lần người dân ở đây.4
Vào ngày 23 tháng 7 năm 1942, khi quân Đức đang tiến đến gần Sông Volga và những mỏ dầu vùng Caucasus, Martin Bormann, thư ký riêng cho Hitler và bây giờ là cánh tay phải của ông ta, gửi một bức thư dài cho Rosenberg lặp lại quan điểm của Lãnh tụ, tóm tắt:
Người Slav là để làm việc cho ta. Lúc nào ta không cần họ thì họ có thể chết. Vì thế, việc tiêm chủng phòng bệnh và dịch vụ y tế của Đức là không cần thiết. Điều không tốt là người Slav sinh đẻ nhiều. Họ có thể dùng những phương tiện tránh thai hoặc phá thai – càng nhiều càng tốt. Giáo dục là nguy hiểm. Họ chỉ cần biết đếm đến 100 là đủ... Mỗi người có giáo dục là một kẻ thù trong tương lai. Tôn giáo mà ta để lại cho họ là phương thức đánh lạc hướng. Về thực phẩm, họ chỉ nhận ở mức tuyệt đối cần thiết. Chúng ta là chủ nhân. Chúng ta được ưu tiên.5
Khi quân Đức lần đầu tiên tiến vào đất Nga, ở nhiều nơi họ được người dân – vốn từ lâu đã bị chế độ hà khắc của Stalin khủng bố – ca tụng là những người giải phóng. Lúc đầu, binh sĩ Liên Xô bỏ hàng ngũ trên diện rộng. Đặc biệt là ở vùng Baltic vốn chỉ bị Liên Xô chiếm đóng một thời gian ngắn, và ở Ukraine, nơi một phong trào độc lập chưa bị dẹp tan, nhiều người cảm thấy hạnh phúc được cứu thoát khỏi ách Liên Xô – cho dù sự cứu thoát ấy do người Đức mang lại.
Có một số người ở Berlin tin rằng nếu Hitler tỏ ra khôn khéo hơn, đối xử tử tế với dân địa phương và cam kết giải thoát họ khỏi chế độ bôn-sê-vích (bằng cách cho họ hưởng quyền tự do tôn giáo, kinh tế và thiết lập những hợp tác xã thật sự theo hình thức nông trại tập thể), thậm chí cả quyền tự trị, thì đáng lẽ Đức có thể chiếm được cảm tình của người Nga. Lúc ấy, người Nga chẳng những hợp tác với người Đức trên vùng bị chiếm đóng mà còn trên những vùng khác đang mong được thoát khỏi luật lệ hà khắc của Stalin. Nếu thế, chế độ bôn- sê-vích sẽ sụp đổ và Hồng quân sẽ tan rã.
Nhưng tính bạo tàn của Quốc xã và mục đích lộ liễu – thường được tuyên bố công khai – nhằm bòn rút đất Nga, biến dân Nga thành nô lệ và mang người Đức đến định cư chẳng bao lâu làm tiêu tán điều khả dĩ ấy.
Không ai tóm tắt chính sách tai hại ấy và những cơ hội bị bỏ lỡ hay hơn là chính một người Đức, TS. Otto Bräutigam, nhà ngoại giao chuyên nghiệp và là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Lãnh thổ phía Đông của Rosenberg. Trong một báo cáo mật trình cho cấp trên ngày 25 tháng 10 năm 1942, Bräutigam dám phân tích những sai lầm của Quốc xã ở Liên Xô:
Tại Liên Xô, khi ta tiến vào chúng tôi thấy dân địa phương chán ngán chủ nghĩa bôn-sê-vích, và họ mong mỏi những khẩu hiệu mới chỉ ra viễn cảnh của một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Chính nước Đức có nghĩa vụ tìm ra những khẩu hiệu ấy, nhưng không có gì được nêu ra. Người dân địa phương hồ hởi chào đón chúng ta như là những nhà giải phóng và tự đặt họ dưới sự điều hành của ta.
Thật ra, có một khẩu hiệu mà người dân Nga chẳng bao lâu sẽ nhận ra. Bräutigam viết tiếp:
Với bản năng sẵn có của những chủng tộc phía Đông, những con người hồn nhiên chẳng bao lâu nhận thấy rằng đối với nước Đức, khẩu hiệu “Giải phóng khỏi chủ nghĩa bôn-sê-vích” chỉ là cái cớ để đưa những chủng tộc phía Đông vào vòng nô lệ theo cách của Đức... Chẳng bao lâu, công nhân và nông dân [địa phương] nhận ra rằng Đức không xem họ như là cộng sự có quyền ngang nhau, mà chỉ là đối tượng cho những mưu đồ chính trị và kinh tế... Chúng ta gạt sang một bên tất cả kiến thức chính trị và... xem những chủng tộc trên các lãnh thổ bị chiếm đóng phía Đông như là “người da trắng hạng hai” mà Ơn Trên ban cho chức năng phục vụ nước Đức chỉ như nô lệ...
Có hai yếu tố mà Bräutigam cho rằng đã khiến cho người Nga chống lại Đức: việc đối xử với tù binh Nga một cách dã man và việc bắt đàn ông và phụ nữ Nga làm nô lệ.
Cả bạn lẫn thù đều biết rằng hàng trăm nghìn tù binh Nga đã chết vì đói hoặc rét trong các trại của ta... Bây giờ chúng ta phải trải qua cảnh ngộ kỳ quặc là phải tuyển chọn hàng triệu lao động từ các lãnh thổ bị chiếm đóng phía Đông sau khi tù binh chết hàng loạt như ruồi nhặng...
Trong việc ngược đãi bất chấp giới hạn hiện nay đối với nền nhân văn Slav, những phương pháp “tuyển chọn” được áp dụng có lẽ chỉ bắt nguồn trong những giai đoạn đen tối nhất của việc vận chuyển nô lệ... Không cần xét đến sức khỏe hoặc tuổi tác, con người đang được vận chuyển đến nước Đức...
Kremlin cũng biết đến việc tù binh Nga bị thủ tiêu hàng loạt và nhân lực Nga bị khai thác làm nô lệ. Ngay từ đầu tháng 11 năm 1941, Molotov chính thức phản đối việc “thủ tiêu” tù binh chiến tranh Nga, và tháng 4 năm sau ông phản đối chương trình lao động nô lệ của Đức.
Bräutigam kết luận:
Chính sách của ta đã đẩy cả hai phe bôn-sê-vích và quốc gia Nga vào một mặt trận chung chống lại ta. Người Nga hiện giờ đang chiến đấu với lòng dũng cảm và hiến thân một cách phi thường để đạt mục đích không gì khác hơn là được công nhận về phẩm giá con người.
Trong đoạn cuối của bản ghi nhớ dài 13 trang, TS. Bräutigam yêu cầu thay đổi toàn bộ chính sách. Ông biện luận:
Cần nói cho người Nga biết cụ thể về tương lai của họ.6
Nhưng đấy chỉ là tiếng kêu lạc lõng giữa rừng thẳm Quốc xã. Như ta đã biết, trước khi mở cuộc tấn công Hitler đã ra chỉ thị phải làm gì với nước Nga và người Nga. Ông ta không phải là người có thể bị một người Đức thuyết phục thay đổi, dù chỉ là thay đổi chút ít.
Ngày 16 tháng 7 năm 1941, không đầy một tháng sau khi mở chiến dịch đánh Liên Xô và thấy một số lãnh thổ gần nằm trong tầm tay, Hitler triệu Goering, Keitel, Rosenberg, Bormann và Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Lammers đến tổng hành dinh tại Đông Phổ để nhắc nhở họ về những mục đích của ông ta trên vùng đất mênh mông vừa thôn tính được. Cuối cùng thì tư tưởng được trình bày rõ ràng trong quyển Mein Kampf về việc lấy đất ở Nga làm không gian sinh sống cho người Đức sắp thành hiện thực. Biên bản mật của Bormann (được trình ra ở Nuremberg)7 cho thấy rõ ràng là Hitler muốn các cận thần phải quán triệt ý định của mình. Tuy nhiên, ông ta nói không nên “công khai” những ý định này.
Không cần thiết phải làm [công khai] như thế nhưng điều chính yếu là ta biết ta muốn gì... Không được để cho ai nhận ra việc này khởi đầu cho giải quyết cuối cùng. Nhưng điều đó không ngăn ta thực hiện những biện pháp cần thiết – bắn hạ, tái định cư, v.v – và ta phải thực hiện.
Hitler nói, trên nguyên tắc,
bây giờ công việc của ta là cắt ổ bánh theo nhu cầu của ta để có thể:
trước hết, thống trị nó;
thứ hai, điều hành nó;
thứ ba, khai thác nó.
Hitler bảo ông ta không màng đến việc Nga đã ra lệnh tiến hành chiến tranh nhân dân phía sau các phòng tuyến Đức; “điều này giúp ta tiêu diệt bất kỳ ai chống lại ta.”
Hitler giải thích rằng Đức sẽ thống trị lãnh thổ Nga cho đến dãy núi Urals. Chỉ người Đức mới được phép mang vũ khí trên không gian bao la này. Rồi Hitler đi vào cụ thể phải làm gì với các phần của ổ bánh Nga:
Sáp nhập cả vùng Baltic vào nước Đức... Di tản mọi người nước ngoài ra khỏi Crimea và chỉ cho người Nga định cư, để trở thành lãnh thổ của Đế chế... Chiếm lấy Bán đảo Kola vì có những mỏ nickel lớn ở đây. Tiến hành sáp nhập một cách cẩn thận Phần Lan như là một bang... Lãnh tụ sẽ san bằng Leningrad rồi giao cho người Phần Lan.
Theo lệnh của Hitler, những mỏ dầu ở Baku sẽ trở thành vùng “nhượng quyền cho Đức” và những quần cư người Đức ở Volga sẽ được sáp nhập ngay. Khi đề cập vấn đề ai sẽ điều hành lãnh thổ mới, một cuộc tranh cãi bùng ra. Cũng có tranh cãi về phương pháp cai trị người Nga trong vùng đã thôn tính. Hitler đề xuất cảnh sát Đức được trang bị xe bọc thép. Goering cho rằng không cần thiết: máy bay của Không quân sẽ “thả bom trong trường hợp nổi loạn”. Goering thêm:
Dĩ nhiên là cần phải bình định vùng đất bao la này càng nhanh càng tố. Giải pháp tốt nhất là bắn bỏ bất kỳ người nào nhìn lấm lét.
Một năm trước đó, Goering đã nói với Ciano rằng ”năm nay sẽ có 20 đến 30 triệu người chết vì đói ở Nga” và rằng “có lẽ như thế là tốt.” Ông cũng nói tù binh Nga đã bắt đầu “ăn thịt lẫn nhau.”
Trên cương vị Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền đứng đầu Cơ quan Kế hoạch Bốn năm, Goering cũng được giao nhiệm vụ khai thác kinh tế ở Liên Xô. “Cướp bóc” là cụm từ đúng nghĩa hơn, như Goering vạch rõ trong bài phát biểu ngày 6 tháng 8 năm 1942 trước các ủy viên Quốc xã điều hành những lãnh thổ bị chiếm đóng:
Lúc trước người ta thường nói là cướp bóc, nhưng bây giờ nhiều việc có vẻ nhân văn hơn. Dù thế, tôi dự định sẽ cướp bóc, và cướp bóc tận lực.8
Ít nhất về việc này, ông ta làm đúng như lời nói, không những ở Liên Xô mà còn ở khắp lãnh thổ Châu Âu bị Quốc xã thôn tính. Tất cả là một phần của Trật tự Mới.
Ngày 23 tháng 5 năm 1941, Nhân viên Kinh tế của Goering ra chỉ thị: phá hủy những khu công nghiệp của Liên Xô. Công nhân và gia đình họ bị bỏ mặc cho chết đói. Chỉ thị ghi: “Cấm cứu giúp người dân ở đây để họ khỏi chết bằng cách mang thực phẩm từ vùng đất đen [Ukraine] đến.”
Quốc xã cướp bóc Châu Âu
Ta không bao giờ biết được tổng giá trị bị cướp bóc; việc tính toán là quá sức người. Nhưng sẵn có vài con số, nhiều số liệu là từ chính người Đức, cho thấy lệnh của Goering được thuộc hạ ông ta thi hành triệt để.
Mỗi khi các bạn nghĩ bất kỳ thứ gì mà dân Đức có thể cần đến, thì phải lùng sục như chó săn vậy. Phải chiếm lấy... rồi mang về Đức.9
Nhiều thứ được mang về, không chỉ hàng hóa và dịch vụ, mà còn dưới dạng tiền mặt và vàng. Mỗi khi quân Đức chiếm được một lãnh thổ, nhân viên tài chính đến tịch thu số vàng và cổ phần nước ngoài ở ngân hàng quốc gia của lãnh thổ ấy. Đó chỉ là bước đầu. Tính đến cuối tháng 2 năm 1944, Bá tước Schwerin von Krosigk, Bộ trưởng Tài chính, liệt kê trị giá thu được là 49 tỉ mác (khoảng 12 tỉ USD), trong đó của Pháp chiếm hơn một nửa. Vào cuối cuộc chiến, biên nhận là khoảng 60 tỉ mác (15 tỉ USD), kể cả những khoản chi chính thức, “tín dụng” và “tiền phạt”. Theo ước tính của Mỹ, Đức bòn rút từ các nước bị chiếm đóng đến 104 tỉ mác (26 tỉ USD).A
Chú thích:
A Theo tỷ giá chính thức (2,5 mác bằng 1 USD) thì tương đương 40 tỉ USD. Nhưng tác giả dùng tỷ giá không chính thức 4 mác bằng 1 USD, theo khả năng mua sắm thì xác thực hơn. (TG)
Nhưng có lẽ người ta không bao giờ ước lượng được trị giá tất cả hàng hóa bị tịch thu và mang về Đức. Nhiều con số được trình ra trước Tòa án Nuremberg, nhưng theo tôi được biết, không chuyên gia nào có thể diễn giải và tính tổng. Ví dụ, tại Pháp ước tính người Đức chở đi (dưới hình thức “thuế hiện vật”) 9 triệu tấn ngũ cốc, 75% tổng sản lượng lúa mạch, 85% dầu hỏa, 74% thép v.v..., với trị giá tổng cộng 184,5 tỉ franc Pháp.
Tại Nga, đất nước đã bị tàn phá nặng nề nên Đức khó bòn rút hơn, nhưng tài liệu của Quốc xã cũng chứa đầy báo cáo “giao nhận” từ Liên Xô. Ví dụ, trong năm 1943, người Đức liệt kê các số lượng “giao nhận” là 9 triệu tấn ngũ cốc, 2 triệu tấn cỏ nuôi gia súc, 3 triệu tấn khoai tây, 662.00 tấn thịt. Ủy ban Điều tra Liên Xô thêm 9 triệu con bò, 12 triệu con heo, 13 triệu con cừu, và nhiều thứ khác – trong suốt thời gian chiếm đóng. Nhưng tổng giá trị “giao nhận” từ Liên Xô nhỏ hơn là Đức mong đợi; người Đức tính ra là khoảng 4 tỉ mác (1 tỉ USD). Theo một nghiên cứu về luật lệ Đức áp đặt cho Liên Xô, có lẽ Đức nhận được hơn thế nữa qua đường mậu dịch thông thường.
Quốc xã tham lam tìm mọi cách vắt kiệt Ba Lan. TS. Frank, Toàn quyền tại Ba Lan, từng nói: “Tôi sẽ cố vắt kiệt từ tỉnh này mọi thứ còn có thể vắt kiệt được.” Đó là vào cuối năm 1942, và trong 3 năm kể từ thời điểm đó, ông liên tục khoe khoang rằng mình đã bòn rút rất nhiều, đặc biệt là thực phẩm để nuôi người Đức trên Đế chế. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “nếu phương án mới được thi hành trong năm 1943, nửa triệu người tại Warsaw và vùng phụ cận sẽ mất thức ăn.”10
Tính chất Trật tự Mới tại Ba Lan được đề ra ngay sau khi Đức thôn tính nước này. Ngày 3 tháng 10 năm 1939, Frank thông báo cho Quân đội về chỉ thị của Hitler:
Chỉ điều hành Ba Lan bằng cách khai thác tận lực, xuất đi mọi hàng hậu cần, nguyên vật liệu, máy móc, cơ sở chế tạo v.v... quan trọng cho nền kinh tế chiến tranh của Đức, bắt mọi công nhân phải phục vụ cho Đức, giảm nền kinh tế xuống đến mức tối thiểu, chỉ đủ cho người dân tồn tại, đóng cửa tất cả cơ sở giáo dục, đặc biệt là những trường chuyên nghiệp và cao đẳng kỹ thuật nhằm ngăn chặn giới trí thức mới ra đời. Phải xem Ba Lan là một thuộc địa mới. Người Ba Lan phải là nô lệ cho Đế chế Đại Đức.11
Rudolf Hess, Phó Lãnh tụ Quốc xã, nói thêm rằng Hitler đã quyết định: “Không xây dựng lại Warsaw, và Lãnh tụ không có ý định tái thiết bất kỳ nhà máy nào.”12
Theo chỉ thị của TS. Frank, Đức tịch thu mọi tài sản của cả người Do Thái lẫn người Ba Lan mà không đền bù. Hàng trăm nghìn trang trại của người Do Thái bị thu hồi và giao cho người Đức đến định cư. Tính đến ngày 31 tháng 5 năm 1943, trong số 4 tỉnh của Ba Lan được sáp nhập vào Đức (Đông Phổ, Posen, Zichenau và Silesia), gần 710.000 trang trại với 15 triệu acre (6 triệu ha) bị “chiếm hữu” và 9.500 trang trại với 6,5 triệu acre (2,3 triệu ha) bị “tịch thu”. Sự khác biệt giữa “chiếm hữu” (nguyên tác: “seizure”) và “tịch thu” (nguyên tác: “confiscate” không được giải thích trong các bảng số liệu được soạn chi li bởi “Văn phòng Bất động sản Trung ương”13, còn đối với người Ba Lan bị truất hữu thì không có nghĩa lý gì cả.
Ngay cả bảo vật nghệ thuật của những lãnh thổ bị chiếm đóng cũng bị cướp bóc và – tài liệu Quốc xã tịch thu được cho thấy – theo lệnh cụ thể của Hitler và Goering, là hai người làm giàu cho bộ sưu tập “cá nhân” của họ từ những vụ cướp bóc ấy. Vị Thống chế Đế chế phục phịch ước tính bộ sưu tập của mình trị giá 50 triệu mác. Chính Goering là người đi đầu trong việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật. Ngay sau khi chiếm được Ba Lan, ông lập tức ra chỉ thị tịch thu bảo vật nghệ thuật ở đây, và trong vòng 6 tháng ủy viên đặc biệt được bổ nhiệm để thi hành lệnh này báo cáo rằng mình đã thu được “hầu như toàn bộ bảo vật nghệ thuật trên cả nước”.14
Nhưng phần lớn bảo vật nghệ thuật của Châu Âu nằm ở chính nước Pháp, và ngay sau khi Đức chiếm nước này, Hitler và Goering ra lệnh tịch thu. Để thi hành công tác đặc biệt này, Hitler bổ nhiệm Rosenberg thiết lập một cơ quan đặc trách được Goering lẫn Keitel hỗ trợ. Keitel ra lệnh cho quân đội ở Pháp rằng Rosenberg “có quyền vận chuyển về Đức hiện vật văn hóa có giá trị và phụ trách việc bảo quản. Lãnh tụ sẽ quyết định việc sử dụng”.15
Ý tưởng của Hitler về “việc sử dụng” được trình bày trong một chỉ thị mật của Goering ngày 5 tháng 11 năm 1940, quy định cách thức phân phối tác phẩm nghệ thuật của Bảo tàng Louvre ở Paris:
1. Những tác phẩm nghệ thuật mà Lãnh tụ đã giành quyền sử dụng.
2. Những [tác phẩm nghệ thuật] cung cấp cho bộ sưu tập của Thống chế Đế chế [Goering]...
3. Những [tác phẩm nghệ thuật] thích hợp để chuyển đến các viện bảo tàng của Đức.16
Chính phủ Pháp phản đối việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật của Pháp, tuyên bố rằng việc này vi phạm Công ước Hague. Khi một chuyên gia nghệ thuật Đức có tên Bunjes dưới quyền Rosenberg cả gan báo cáo việc này cho Goering, con người phục phịch trả lời: “Ông Bunjes thân mến, để tôi lo việc này cho. Tôi là người phán xử cao nhất trong nhà nước. Lệnh của tôi sẽ quyết định và ông phải tuân hành.”
Và thế là theo một báo cáo của Bunjes – người duy nhất xuất hiện trong lịch sử của Đế chế Thứ Ba trong lĩnh vực này – trong chừng mực tài liệu tịch thu được:
Những tác phẩm nghệ thuật thu được từ [Bảo tàng] Jeu de Paume để dành cho Lãnh tụ và những tác phẩm mà Thống chế Đế chế đã định riêng cho mình sẽ được đưa lên hai toa xe lửa nối với chuyến tàu đặc biệt của Thống chế Đế chế... đi đến Berlin.17
Tiếp theo là những chuyến tàu khác. Theo một báo cáo mật chính thức của Đức, tính đến tháng 7 năm 1944 có khoảng 137 toa tàu chở 4.174 kiện gồm 21.903 tác phẩm nghệ thuật, kể cả 10.890 bức họa.18 Tính đến tháng 1 năm 1941, Rosenberg ước lượng những tác phẩm nghệ thuật cướp từ Pháp trị giá 1 tỉ mác.19
Người ta có thể biện minh – tuy vẫn khó có thể chấp nhận – hành động vi phạm Công ước Hague khi cướp bóc nguyên vật liệu, hàng hóa, thực phẩm khiến cho dân chúng vùng bị chiếm đóng bị thiếu thốn và đôi khi chết đói. Nhưng việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật là không có lý do gì để biện minh vì không phục vụ cho mục đích chiến tranh. Đó chỉ là do tính tham lam của cá nhân Hitler và Goering.
Nạn nhân trên các vùng bị chiếm đóng có thể chịu đựng tất cả hành động cướp bóc – chiến tranh và chiếm đóng luôn gây cực khổ như thế. Nhưng đấy chỉ là một phần của Trật tự Mới – phần nhẹ nhất. Chính việc cướp đi cuộc đời con người mới khiến cho ta nhớ mãi về Trật tự Mới, may mắn là chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi. Trong lĩnh vực này, Quốc xã tụt xuống đến mức tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu đàn ông và phụ nữ vô tội bị bắt làm công nhân nô lệ, hàng triệu người khác bị tra tấn và hành hạ trong trại tập trung, và hàng triệu người khác – chỉ riêng người Do Thái là bốn triệu rưỡi – bị tàn sát một cách lạnh lùng hoặc bị cố tình bỏ đói cho đến chết, thân thể họ bị thiêu cháy để xóa dấu vết.
Nhiều người không nghĩ đã xảy ra những câu chuyện kinh hoàng khó tin này nếu chính các thủ phạm không tự lập hồ sơ và khai ra. Trong phạm vi một cuốn sách, tôi phải bỏ qua hàng nghìn chi tiết và chỉ tóm tắt ở đây dựa trên những chứng cứ không thể chối cãi, đây đó được xác minh bởi một số người còn sống sót.
Lao động nô lệ trong Trật tự Mới
Tính đến cuối tháng 9 năm 1944, có khoảng 7 triệu rưỡi dân thường nước ngoài làm lao động cho Đế chế Thứ Ba. Hầu như tất cả số người này bị bắt đi bằng vũ lực, bị đưa lên những toa tàu đóng kín, thường không có thức ăn, nước uống và phương tiện vệ sinh, rồi bị đưa đi làm việc trong nhà xưởng, trên cánh đồng và tại hầm mỏ. Họ không chỉ lao động, mà còn bị hạ nhục, đánh đập, đói khát, và thường bị bỏ mặc cho chết vì thiếu ăn, thiếu quần áo ấm và không có chỗ trú thân.
Thêm vào đó là hai triệu tù binh nước ngoài cũng bị đưa đi làm lao động nô lệ tại những nhà máy chế tạo vũ khí và đạn dược, trong sự vi phạm các công ước Hague và Geneva, vốn quy định không được sử dụng tù binh chiến tranh trong công việc như thế. Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer khai trước Tòa án Nuremberg rằng trong năm 1944 có 40% tù binh chiến tranh được sử dụng trong ngành sản xuất vũ khí, đạn dược và trong những nhà máy phụ trợ.20 Còn có thêm hàng trăm nghìn tù binh chiến tranh bị bắt xây dựng pháo đài, tải đạn ra mặt trận, thậm chí điều khiển súng phòng không, bất chấp những công ước quốc tế mà Đức đã ký kết. Một tài liệu tịch thu được cho thấy vào năm 1943 Thống chế Không quân Milch yêu cầu có thêm 50.00 tù binh chiến tranh Nga để bổ sung vào con số 30.000 đang phải điều khiển những pháo đội phòng không.21
Khi đàn ông bị đưa đi làm lao động nô lệ cho Đế chế Thứ Ba, vợ bị xa cách chồng, con cái xa cách cha mẹ, và bị phân tán ra nhiều vùng cách biệt nhau trên nước Đức. Nếu đủ tuổi, trẻ em cũng bị bắt phải lao động. Ngay cả tướng lĩnh hàng đầu của Quân đội cũng hợp tác trong việc bắt trẻ em đi làm nô lệ. Một bản ghi nhớ ngày 12 tháng 6 năm 1944 trong hồ sơ của Rosenberg cho thấy cách thức bắt nô lệ trên vùng bị chiếm đóng của Liên Xô.
Tập đoàn quân Trung tâm dự định thu nhận 40 đến 45 nghìn trẻ ở lứa tuổi từ 10 đến 14... và chở họ về Đế chế. Đại Quân đoàn Thứ Chín ban đầu đề xuất việc này... Dự định sẽ sử dụng số trẻ này làm thợ tập sự... Các ngành nghề tại Đức hoan nghênh việc này vì nó giúp giảm thiểu sự thiếu hụt thợ tập sự.
Hành động này không những nhắm vào việc ngăn chặn kẻ địch củng cố sức mạnh mà còn làm suy giảm tiềm năng sinh họcA của họ.
Chú thích:
A Có nghĩa không để cho các chủng tộc thù địch với Quốc xã sinh con đẻ cái. (ND)
Bản ghi nhớ ghi là Tập đoàn quân Ukraine-Bắc dưới quyền Thống chế Model cũng tham gia thực hiện những vụ bắt bớ đó.22
Việc bắt giữ càng ngày càng thêm bạo lực. Khởi đầu là những phương pháp tương đối nhẹ nhàng. Người đi ra từ nhà thờ hoặc rạp chiếu phim bị bắt giữ. Đặc biệt ở phía Tây, lực lượng S.S. chỉ việc phong tỏa cả khu phố của một thị trấn rồi bắt đi tất cả đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi lao động. Ở phía Đông, nơi dân địa phương thường chống lại lệnh đi làm lao động, làng mạc bị đốt cháy, cư dân chạy ra bị bắt và giải đi. Hồ sơ tịch thu được của Rosenberg chứa đầy những báo cáo của Đức về những vụ việc như thế. Ở Ba Lan, ít nhất có một quan chức nghĩ những chuyện đang xảy ra là quá đáng. Ông viết cho Toàn quyền Frank:
Việc săn lùng người một cách man rợ và tàn nhẫn, được thi hành khắp nơi từ thị trấn đến nông thôn, trên đường phố, quảng trường, nhà ga, ngay cả trong nhà thờ, nhà riêng vào ban đêm, khiến cho cư dân hoang mang vì cảm thấy thiếu an ninh. Mọi người đều có nguy cơ bị cảnh sát bỗng nhiên bắt giữ ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào, và bị đưa đến trại tập trung. Không ai biết được chuyện gì xảy ra với người thân của mình.23
Nhưng bắt giữ chỉ là bước đầu.A Tình trạng vận chuyển họ còn tệ hại hơn. Một TS. Gutkelch nào đấy mô tả một trường hợp trong báo cáo cho cơ quan của Rosenberg ngày 30 tháng 9 năm 1942, khi một đoàn xe lửa chở đầy lao động ở phía Đông trở về gặp ở đường tránh một đoàn xe lửa chở lao động Nga đi Đức.
Chú thích:
A Toàn bộ chương trình lao động nô lệ được giao cho Fritz Sauckel, Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Sử dụng Lao động. Ông thuộc hàng ngũ Quốc xã hạng nhì, trước đó làm Xứ ủy kiêm Toàn quyền Thuringia. Khi đứng trong phiên tòa Nuremberg, trông ông như là người vô danh tiểu tốt mà ở thời điểm khác có thể là anh hàng thịt ở một chợ thị trấn nhỏ. Một trong những chỉ thị của ông là đối với lao động nước ngoài “pha đối xử theo cách khai thác đến mức nhiều nhất với chi phí thấp nhất”.24 Trước Tòa án Nuremberg, ông thú nhận rằng trong số nhiều triệu lao động nước ngoài, không có đến 200.000 người là tự nguyện. Tuy nhiên, ông phủ nhận trách nhiệm về việc hành hạ người lao động. Ông vẫn bị Tòa án Nuremberg thi hành án treo cổ đêm 15 tháng 10 năm 1946. (TG)
Vì có nhiều xác chết trên xe lửa chở các lao động trở về, một thảm họa có thể xảy ra... Trên xe lửa này, một số phụ nữ sinh con trong cuộc hành trình rồi trẻ sơ sinh bị ném ra khỏi cửa sổ. Những người bị bệnh lao và những bệnh lây lan qua đường tình dục đi cùng toa xe. Nhiều người hấp hối nằm mà không có lớp rơm lót, và một người chết bị ném lên nền đường sắt... Trên các chuyến trở về hẳn cũng có tình trạng tương tự.25
Đó không phải là cách giới thiệu đầy hứa hẹn về Đế chế Thứ Ba, nhưng ít nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra kế tiếp: đói kém, đánh đập, bệnh tật, giá lạnh, nơi ở không được ấm, quần áo mỏng manh, rách rưới; lao động nhiều giờ mỗi ngày, chỉ được giảm thời gian lao động khi không còn đủ sức đứng trên hai chân.
Các tổ hợp công nghiệp Krupp chuyên sản xuất súng, xe thiết giáp và đạn dược là cơ sở thu dụng lao động điển hình, sử dụng một số lớn lao động nô lệ, kể cả tù binh chiến tranh người Nga. Có lúc 600 phụ nữ Do Thái bị đưa đến làm việc ở đây. BS. Wilhelm Jaeger, “bác sĩ cao cấp” cho các nô lệ của Krupp, mô tả trong tờ cung khai ở Tòa án Nuremberg:
Khi đến đấy lần đầu, tôi thấy những phụ nữ này bị những vết thương mưng mủ và nhiều bệnh tật khác. Tôi là bác sĩ đầu tiên mà họ gặp trong ít nhất nửa tháng... Không có vật dụng y tế... Họ không có giày, chỉ đi chân không. Trang phục duy nhất cho mỗi người chỉ là một chiếc với những lỗ cho đầu và hai tay. Họ được cạo trọc đầu. Trại được rào bằng dây kẽm gai xung quanh và được canh giữ cẩn mật bởi nhân viên S.S.. Lượng thực phẩm trong trại rất ít và chất lượng rất kém. Ai nấy đều có bọ chét...
BS. Jaeger báo cáo tình trạng với ban giám đốc của Krupp và ngay cả bác sĩ riêng của giám đốc, nhưng vô ích. Những báo cáo của ông về các trại lao động nô lệ cũng không mang đến sự cải thiện nào. Ông kể lại trong tờ cung khai về thực trạng ở sáu trại của công nhân người Nga và Ba Lan: quá đông đúc làm lây lan bệnh tật, thiếu thực phẩm, thiếu nước, thiếu nhà vệ sinh, nhiều chấy rận, ruồi muỗi, chuột bọ gây bệnh truyền nhiễm...
Nói chung, lao động nô lệ phía Tây được đối xử tốt hơn người từ phía Đông vốn bị xem như cặn bã của xã hội. Nhưng sự khác biệt chỉ là tương đối, như BS. Jaeger mô tả một trong những trại của Krupp chứa tù nhân chiến tranh Pháp:
Họ bị giam gần một năm rưỡi trong cũi chó, nhà tiểu và nhà làm bánh cũ. Các cũi chó cao chưa đến 1 m, dài chưa đến 3 m, rộng chưa đến 2 m. Năm người ngủ trong mỗi cũi. Họ phải bò vào bằng hai tay hai chân... Trong trại không có nước dùng.26
Ngoài việc tiếp nhận hàng nghìn lao động nô lệ cả dân thường và tù binh cho những nhà máy ở Đức, công ty Krupp còn xây một nhà máy gần trại thủ tiêu tại Auschwitz, nơi người Do Thái làm việc đến kiệt sức rồi bị xả khí độc cho chết.
Sau chiến tranh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn Krupp là Nam tước Gustav Krupp von Bohlen und Halbach bị khởi tố tại Tòa án Nuremberg là tội nhân chiến tranh chính, nhưng do “tình trạng thể chất và tinh thần” nên không bị đưa ra xét xử. Sau đó ông bị Tòa án Quân sự Nuremberg Mỹ tuyên 12 năm tù. Ông qua đời năm 1950.
Người con trai Alfried Krupp, là chủ nhân duy nhất của công ty từ năm 1943, cùng với 9 giám đốc bị khởi tố trước Tòa án Quân sự Nuremberg, nhận án 12 năm tù và bị tịch biên gia sản. Năm 1951, ông được ân xá khỏi nhà tù Landsberg (nơi Hitler ngồi tù năm 1924). Sau khi ra khỏi tù, ông quay về nắm quyền điều hành công ty. Alfried Krupp được nhận lại tài sản công ty và gia sản cá nhân trị giá khoảng 10 triệu USD. Các chính phủ Đồng Minh ra lệnh giải tán công ty nhưng Alfried Krupp vẫn né tránh. Vào thời điểm cuốn sách này được viết ra (1959), với sự chấp thuận của chính quyền Tây Đức ông tuyên bố sẽ không giải tán công ty mà còn mua thêm những nhà máy khác.
Khoảng 2 triệu rưỡi lao động nô lệ – phần lớn thuộc những chủng tộc Slav và người Ý – bị bắt làm việc ở nông trại trên nước Đức, dù cuộc sống của họ khá hơn một chút so với nhà máy ở thành phố. Trong số tài liệu tịch thu được, có một chỉ thị ngày 6 tháng 3 năm 1941 với tựa đề “Đối xử với nhân công nông nghiệp nước ngoài thuộc quốc tịch Ba Lan”, cũng được dùng để hướng dẫn đối với những người thuộc những quốc tịch khác:
Lao động nông nghiệp thuộc quốc tịch Ba Lan không có quyền khiếu nại... Cấm nghiêm ngặt việc đi lễ nhà thờ... Cấm nghiêm ngặt việc đi xem kịch, chiếu phim hoặc những loại hình giải trí khác... Cấm nghiêm ngặt quan hệ tình dục với phụ nữ.
Theo lệnh của Himmler năm 1942, lao động nô lệ có quan hệ tình dục với phụ nữ Đức sẽ bị xử tử hình. Lệnh này đặc biệt nhắm đến lao động nô lệ người Nga, quy định “đối xử đặc biệt” cho “những vi phạm nghiêm trọng về kỷ luật, kể cả việc từ chối làm việc hoặc biếng nhác trong lao động”.27 Đối xử đặc biệt có nghĩa là treo cổ. Cụm từ “đối xử đặc biệt” được sử dụng thường xuyên trong các tài liệu của Himmler và trong lối nói của Quốc xã.
Cấm nông nô sử dụng “xe lửa, xe buýt hoặc phương tiện chuyên chở công cộng khác”. Hiển nhiên việc này là nhằm ngăn nông nô trốn thoát.
Tuyệt đối cấm tùy tiện thay đổi nghề. Nông nô phải làm việc chừng nào mà người chủ muốn. Không có hạn chế về thời gian làm việc
Người chủ có quyền trừng phạt nông nô... Nếu có thể, tách họ ra khỏi cộng đồng để đưa vào chuồng nuôi gia súc, v.v.. Không được có lòng thương xót mà ngần ngại việc này.28
Ngay cả phụ nữ thuộc những chủng tộc Slav bị đưa đến làm người giúp việc cho các gia đình ở Đức cũng bị xem là nô lệ. Đầu năm 1942, Hitler ra lệnh cho Sauckel, Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Sử dụng Lao động, tập hợp nửa triệu phụ nữ Slav “nhằm làm giảm gánh nặng cho người nội trợ Đức”. Sauckel đề ra những điều kiện làm việc trong những gia đình Đức:
Không được xin có thời gian tự do... Người giúp việc phụ nữ gốc phía Đông chỉ được ra khỏi nhà người chủ để lo việc gia đình của họ... Cấm đi đến nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát và những cơ sở giải trí tương tự. Cũng cấm đi lễ nhà thờ...29
Hiển nhiên là phụ nữ cũng cần thiết gần như nam giới trong chương trình lao động nô lệ của Quốc xã. Trong số khoảng 3 triệu dân thường người Nga làm lao động nô lệ, trên phân nửa là phụ nữ. Phần lớn làm công tác nặng nhọc ở nông trại và nhà máy.
Việc bắt hàng triệu người ở các vùng bị xâm lăng làm lao động nô lệ cho Đế chế Thứ Ba không chỉ là biện pháp trong thời chiến. Từ những lời phát biểu của Hitler, Goering, Himmler và những nhân vật khác – và đấy chỉ là số ít – nếu Đức Quốc xã còn kéo dài, Trật tự Mới sẽ là sự cai trị của chủng tộc Đức ưu việt trên một đế chế nô lệ bao la trải dài từ Đại Tây Dương đến dãy núi Urals. Chắc chắn là các chùng tộc Slav ở phía Đông sẽ bị đối xử tệ hại nhất.
Như Hitler khẳng định vào tháng 7 năm 1941 – chỉ một tháng sau khi Đức tấn công Liên Xô – những kế hoạch của ông về việc chiếm đóng bao gồm “định cư cuối cùng”. Một năm sau, vào cao trào của cuộc chinh phục nước Nga, ông trách mắng các phụ tá:
Đối với hàng trăm triệu dân Slav kỳ quặc, ta sẽ đúc những người khá nhất trong bọn họ thành khuôn khổ hợp với ta, và ta sẽ những người còn lại vào trong chuồng heo của họ; còn bất kỳ ai nói về coi trọng cư dân địa phương và văn minh hóa họ thì sẽ đi ngay vào trại tập trung.30
Tù binh chiến tranh
Đối với hàng triệu tù binh chiến tranh, làm công nhân nhà máy hoặc khổ sai chiến trường là đỡ lo nhất. Điều quan trọng nhất đối với họ là giữ mạng sống đến khi chiến tranh kế thúc. Nếu họ là người Nga thì cơ may rất ít. Số tù binh người Nga là khoảng 3,8 triệu trong tổng số khoảng 5,75 triệu tù binh. Khi Đồng Minh giải thoát các trại tù binh vào năm 1945, chỉ còn khoảng một triệu người còn sống. Khoảng một triệu người được trả tự do hoặc được phép làm việc trong những đơn vị tập thể do Quân đội Đức thành lập. Hai triệu người Nga chết trong các trại tù binh của Đức – do đói khát, giá lạnh và bệnh tật. Người ta không bao giờ biết gần hai triệu người Nga còn lại sống chết ra sao, và tại Tòa án Nuremberg có ý kiến cho rằng phần lớn đã chết vì những lý do nêu trên hoặc bị lực lượng S.D. hành quyết.31
Phần lớn tù binh Nga bị Đức bắt trong giai đoạn đầu của chiến dịch, trong những trận đánh bao vây từ 21 tháng 6 đến 6 tháng 12 năm 1941. Đúng là khó chăm sóc thỏa đáng cho số người đông đảo như thế giữa chiến trường ác liệt và đà tiến quân vũ bão. Nhưng quân Đức không bao giờ có động thái muốn chăm sóc. Đúng ra, hồ sơ Quốc xã cho thấy nhiều tù binh Nga bị cố tình bỏ đói hoặc chịu lạnh giá ngoài trời cho đến chết trong mùa đông 1941-42.
Theo Rosenberg, thái độ của nhiều quan chức Quốc xã là “Tù binh chết càng nhiều thì càng tốt cho ta.”
Alfred Rosenberg, Bộ trưởng Lãnh thổ phía Đông, không phải là một đảng viên Quốc xã có nhân tính, nhất là đối với người Nga, đồng hương cũ của ông. Nhưng ngay cả ông này cũng xúc động đến mức phản đối cách đối xử với tù binh Liên Xô trong một bức thư gửi Tướng Keitel đề ngày 28 tháng 2 năm 1942. Đó là khi đợt phản công của Liên Xô lên đến đỉnh điểm, và với sự tham chiến của Mỹ, Đức nhận ra họ có thể thất trận và do đó có thể phải trả lời về những tội ác chiến tranh của họ. Rosenberg viết:
Số phận của các tù binh chiến tranh Nga ở Đức là thảm kịch bi đát nhất. Trong số 3,6 triệu người, chỉ còn vài trăm nghìn người có thể làm việc tốt. Một phần lớn đã chết đói hoặc chết vì thời tiết khắc nghiệt.
Rosenberg cho rằng có thể tránh được tình trạng này. Đức có đủ lương thực để nuôi họ.
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chỉ huy các trại cấm mang thực phẩm nuôi tù binh, mà để cho họ chết đói. Ngay cả khi dẫn giải họ đến trại, dân thường cũng bị cấm tiếp tế thực phẩm cho tù binh. Trong nhiều trường hợp khi tù binh không thể đi theo kịp vì đói hoặc kiệt sức, họ bị bắn trước đôi mắt kinh hoàng của dân thường và xác của họ bị bỏ lại. Ở nhiều trại, không có chỗ trú thân cho tù binh. Họ nằm giữa trời dưới mưa hoặc tuyết...
Cuối cùng, phải đề cập đến việc bắn tù binh. Việc này... không đếm xỉa đến mọi hiểu biết chính trị. Ví dụ, trong nhiều trại, người Châu Á bị bắn...32
Không chỉ là người Châu Á. Ngay sau khi phát động chiến dịch đánh Liên Xô, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và lực lượng S.S. thỏa thuận với nhau để S.S. “sàng lọc” tù binh Liên Xô. Otto Ohkendorf, một trong những kẻ sát nhân khét tiếng nhất của S.D. tiết lộ trong một bản cung khai:
Tất cả người Do Thái và quan chức của Liên Xô bị mang ra khỏi trại tù binh và bị hành quyết. Theo tôi được biết, hành động này được thực hiện khắp cả chiến dịch Liên Xô.33
Nhưng vẫn có khó khăn. Đôi lúc tù binh Nga quá kiệt sức nên không thể đi đến nơi hành quyết. Điều này khiến Heinrich Mueller, Chỉ huy trưởng Mật vụ, phản đối:
Chỉ huy các trại tập trung đang than phiền là từ 5 đến 10% tù binh Nga chuẩn bị chịu hành quyết, khi đi đến trại thì đã chết hoặc đang hấp hối... Cần đặc biệt ghi nhận là khi đi từ nhà ga đến trại chẳng hạn, một số khá nhiều tù binh ngã gục giữa đường vì quá kiệt sức, chết hoặc gần chết, và một chiếc xe tải chạy phía sau phải nhặt xác chết. Không tránh khỏi là có người Đức trông thấy những gì đang xảy ra.
Mật vụ không màng đến việc tù binh Nga chết gục vì đói khát hoặc kiệt sức, nhưng họ không muốn dân Đức trông thấy cảnh tượng ấy. Vì thế, ngày 9 tháng 11 năm 1941, Mueller ra lệnh:
Kể từ hôm nay, tù binh Nga có dấu hiệu biết chắc là sẽ chết và vì vậy không đủ sức đi bộ dù một quãng ngắn phải được loại ra khỏi chuyến vận chuyển đến trại tập trung để hành quyết.34
Mueller không bao giờ bị bắt sau chiến tranh. Lần cuối cùng người ta trông thấy ông là vào ngày 29 tháng 4 năm 1945, trong boong-ke của Hitler. Một đồng nghiệp còn sống của ông cho rằng sau này ông làm việc cho mật vụ Liên Xô, vốn ông rất ngưỡng mộ.
Vào năm 1942, khi Đức thấy hiển nhiên là cuộc chiến sẽ kéo dài hơn là họ mong đợi và tù binh Nga là nguồn lao động thiết yếu, Quốc xã thay đổi chính sách từ hành quyết sang sử dụng họ. Himmler giải thích sự thay đổi này trong bài phát biểu với binh sĩ S.S. tại Posen năm 1943:
Vào lúc ấy [1941] ta không đánh giá cao khối lượng nhân lực như ngày nay, như là nguyên liệu, như là lao động. Không phải ta tiếc vì mất đi nhiều thế hệ, mà vì bị mất lao động khi hàng chục và hàng trăm nghìn tù nhân chết vì kiệt sức và đói.35
Bây giờ họ được cho ăn uống đầy đủ để có sức làm việc. Tính đến tháng 12 năm 1944, 750.000 người kể cả nhiều sĩ quan làm lụng ở nhà máy vũ khí, hầm mỏ (sử dụng 200.000 người) và trên nông trường. Họ bị đối xử một cách thô bạo, nhưng ít nhất họ được sống. Ngay cả việc đóng dấu tù binh chiến tranh Nga mà Tướng Keitel đề xuất cũng được bãi bỏ.A
Chú thích:
A Ngày 20 tháng 7 năm 1942, Keitel thảo mệnh lệnh đóng dấu tù binh Liên Xô bằng một dấu hiệu đặc biệt và lâu bền...36 (TG)
Cách đối xử tù binh chiến tranh phương Tây, đặc biệt là người Anh và Mỹ, tương đối nhẹ tay so với tù binh chiến tranh Nga. Có một số trường hợp sát hại nhưng thường do tính chất bạo lực và tàn nhẫn của cá nhân chỉ huy. Một trường hợp như thế là việc hạ sát 71 tù binh chiến tranh Mỹ gần Malmédy nước Bỉ ngày 17 tháng 12 năm 1944.
Có những trường hợp khác do chính Hitler ra lệnh hành quyết tù binh chiến tranh phương Tây, như trường hợp 50 phi công Anh bị bắt vào mùa xuân 1944, sau khi trốn thoát khỏi trại Sagan. Trước Tòa án Nuremberg, Goering nói ông “xem đó là sự cố nghiêm trọng nhất trong cả cuộc chiến”, và Tướng Jodl gọi việc này “đúng là sát nhân”.
Có lẽ đó là một phần chính sách của Đức, được ban hành sau khi những cuộc ném bom của Anh-Mỹ trở nên khốc liệt hơn kể từ 1943, nhằm khuyến khích hành quyết phi công Đồng Minh sau khi họ nhảy dù xuống đất Đức. Dân thường được khuyến khích hạ sát phi công ngay sau khi họ chạm đất, và một số người Đức bị xét xử sau chiến tranh vì tội này. Năm 1944, khi những cuộc ném bom của Anh-Mỹ lên đến đỉnh điểm, Ribbentrop thúc giục hành quyết tại chỗ các phi công nhưng Hitler có ý kiến nương tay hơn. Ngày 21 tháng 5 năm 1944, ông chỉ ra lệnh xử tử những phi công bắn xe lửa chở hành khách hoặc dân thường hoặc bắn theo máy bay Đức đã hạ cánh khẩn cấp.
Đôi lúc phi công bị bắt được chuyển cho binh sĩ S.D. để “đối xử đặc biệt”. Vì thế, khoảng 47 sĩ quan phi công Mỹ, Anh và Hà Lan bị hành quyết một cách tàn nhẫn tại trại tập trung Mauthausen vào tháng 9 năm 1944. Một nhân chứng, người Pháp Maurice Lampe bị giam giữ trong trại, mô tả trước Tòa án Nuremberg:
Bốn mươi bảy sĩ quan đi chân đất bị dẫn đến mỏ đá... Ở bậc thang dưới cùng, lính gác chất đá lên lưng họ và họ phải mang lên phía trên. Trong chuyến đầu họ mang đá nặng khoảng 30 kg và bị đánh đập... Trong chuyến thứ hai, đá nặng hơn, và người nào gục xuống dưới sức nặng đều bị lính canh đá và đánh bằng dùi cui... đến tối hai mươi mốt tử thi nằm la liệt dọc con đường. Hai mươi sáu người khác chết vào sáng hôm sau.37
Đó là cách thức “hành quyết” thông thường tại Mauthausen và được áp dụng cho nhiều tù binh Nga cũng như một số người khác.
Chú thích:
A Trước Tòa án của Ban Quân quản Mỹ ở Rome xử Đại tướng Anton Dostler, luật sư biện hộ bên bị cho biết không ai tìm được bản gốc của Lệnh về Biệt kích mà chỉ có bản sao với chữ ký không rõ ràng là của ai. Dostler khai so với bản sao ghi ngày 18 tháng 10 năm 1942, bản mà ông nhận năm 1944 để thi hành có nhiều chi tiết hơn. (ND)
Từ năm 1942 – khi Đức bắt đầu thất thế – Hitler ra lệnh xử tử biệt kích Đồng Minh (Dân quân kháng chiến Liên Xô đương nhiên là bị xử tử tại chỗ.). “Lệnh về Biệt kích” tối mật của Hitler ghi ngày 18 tháng 10 năm 1942 nằm trong số tài liệu tịch thu được.A
Từ lúc này, phải giết cho đến người cuối cùng tất cả kẻ thù trong cái gọi là sứ mệnh biệt kích ở Châu Âu hoặc Châu Phi chạm trán với binh sĩ Đức, ngay cả nếu mặc quân phục, được vũ trang hay không, đang giao chiến hoặc tẩu thoát.38
Trong một chỉ thị bổ sung được ban hành cùng ngày, Hitler giải thích đó là do sự thành công của biệt kích Đồng Minh.
Tôi bắt buộc phải ra lệnh nghiêm ngặt tiêu diệt binh sĩ phá hoại của địch và tuyên bố sẽ phạt nặng những ai không tuân thủ lệnh này... Phải tỏ rõ cho địch biết rằng tất cả binh sĩ phá hoại sẽ bị tiêu diệt, không có ngoại lệ, cho đến người cuối cùng.
Điều này có nghĩa là họ không có cơ may nào trốn thoát... Không có trường hợp nào mà họ mong được đối xử theo quy định của Công ước Geneva... Nếu cần thiết phải hỏi cung mà chừa lại một hoặc hai người, thì phải bắn họ ngay sau khi hỏi cung.39
Tội ác đặc biệt này được giữ hoàn toàn bí mật. Tướng Jodl phụ thêm hướng dẫn, gạch dưới để khẳng định: Lệnh này chỉ dành cho cấp chỉ huy và trong bất cứ trường hợp nào không được để rơi vào tay địch. Họ được chỉ thị tiêu hủy tất cả các bản sau khi đã ghi chú.
Lệnh này hẳn được in sâu vào tâm trí của cấp chỉ huy Đức, vì họ mang ra thi hành. Có thể kể vài trường hợp.
Vào đêm 22 tháng 3 năm 1944, hai sĩ quan và mười ba binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Thám báo 267 của quân Mỹ từ một tàu hải quân đổ bộ lên phía sau phòng tuyến Đức ở Ý để phá một đường hầm xe lửa giữa La Spezia và Genoa. Họ đều mặc quân phục và không mang theo quần áo dân sự. Hai ngày sau khi bị bắt, họ bị xử bắn ngày 26 tháng 3 mà không qua xét xử, theo lệnh của Tướng Anton Dostler, Tư lệnh Quân đoàn LXXV của Đức. Sau chiến tranh, Dostler bị đưa ra tòa án quân sự. Ông biện minh cho hành động của mình là chỉ tuân hành Lệnh về Biệt kích của Hitler, cho rằng chính ông ta sẽ bị đưa ra tòa án quân sự nếu không tuân lệnh. Nhưng Dostler vẫn bị án tử hình.
Khoảng mười lăm người của nhóm đặc mệnh quân sự Anh-Mỹ – kể cả một phóng viên chiến tranh của hãng thông tấn Associated Press – tất cả đều mặc quân phục, nhảy dù xuống Slovakia vào tháng 1 năm 1945. Họ bị hành quyết ở trại tập trung Mauthausen theo lệnh của TS. Ernst Kaltenbrunner, người kế nhiệm Heydrich đứng đầu lực lượng S.D. và bị tòa án quân sự của Mỹ xử tử hình. Nếu không nhờ lời khai của một phụ tá chỉ huy chứng kiến vụ hành quyết, vụ việc đã không được đưa ra ánh sáng, bởi vì phần lớn hồ sơ về xử tử hàng loạt ở trại này bị tiêu hủy.A40
Chú thích:
A Có sử gia (như Max Hastings trong quyển Overlord: D-Day and the battle for Normandy) vạch ra rằng quân Đồng Minh cũng sát hại tù binh Đức trên chiến trường. (ND)
Chế độ khủng bố của Quốc xã trên vùng chiếm đóng
Ngày 22 tháng 10 năm 1941, Pháp Le Phare [có nghĩa: đèn hải đăng] đăng bản bố cáo:
Các can phạm hèn nhát nhận tiền của Anh và Moscow hạ sát chỉ huy trưởng Nantes buổi sáng ngày 20 tháng 10. Cho đến giờ, chưa bắt được những kẻ sát nhân.
Để chuộc lại tội ác này, tôi ra lệnh bắn 50 con tin, bắt đầu là... Sẽ bắn thêm 50 con tin nếu từ bây giờ cho đến nửa đêm 23 tháng 10 không bắt được thủ phạm.
Đây là loại bố cáo quen thuộc trên những trang báo hoặc panô đỏ viền đen xuất hiện ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Liên Xô. Người Đức công khai tuyên bố tỷ lệ không thay đổi là 100 trên 1 – cứ một người Đức bị giết thì hành quyết 100 con tin.
Việc bắt giữ con tin là thói quen từ lâu đời, ví dụ như trong Đế chế La Mã, nhưng ít được áp dụng trong lịch sử cận đại ngoại trừ bởi người Đức trong Thế chiến I, người Anh ở Ấn Độ và Nam Phi trong cuộc chiến 1899-1902. Tuy nhiên, dưới chế độ Hitler, Quân đội Đức bắt giữ con tin trên diện rộng suốt Thế chiến II. Tướng Keitel và các cấp chỉ huy thấp hơn ký hàng chục chỉ thị mật – được trình ra trước Tòa án Nuremberg – ra lệnh bắt giữ và bắn con tin. Ngày 1 tháng 10 năm 1941, Keitel chỉ thị: “Quan trọng là phải bắt giữ những nhân vật hàng đầu có tiếng tăm hoặc thân nhân của họ.” Năm sau, Tướng von Stuelpnagel, chỉ huy ban quân quản ở Pháp, nêu rõ rằng “bắn người càng có tiếng tăm thì càng dễ răn đe kẻ chống đối”.
Tổng cộng, Đức hành quyết 29.660 người Pháp trong cuộc chiến, chưa kể 40.000 người “qua đời” trong các nhà giam. Số người bị hành quyết ở Ba Lan là 8.000, ở Hà Lan là khoảng 2.000. Tại Đan Mạch, Đức có chế độ “xóa sổ kẻ giết người” thay cho việc bắn con tin được loan báo công khai. Theo lệnh cụ thể của Hitler, việc hành quyết người Đan Mạch để trả thù cho việc sát hại người Đức phải được thực hiện một cách bí mật “theo tỷ lệ năm trên một”.41
Trong số những tội ác chiến tranh mà trước Tòa án Nuremberg Tướng Keitel khai đã thi hành theo lệnh của Hitler, “tệ hại nhất trong tất cả” là Nacht und Nebel Erlass, có nghĩa: Lệnh Đêm đen và Sương mù. Himmler ban hành lệnh kinh tởm này vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 để nhắm vào những dân thường không may trên những vùng đất bị chiếm đóng ở phía Tây. Như cái tên kỳ dị cho thấy, mục đích của lệnh này là bắt giữ “người nguy hại đối với an ninh của Đức” nhưng không hành quyết ngay, mà khiến cho họ mất tung tích trong đêm đen và sương mù ở một vùng hẻo lánh nào đấy trên đất Đức. Gia đình nạn nhân không hề nhận được tin tức gì về số phận của họ, ngay cả nơi chôn xác.
Ngày 12 tháng 12 năm 1941, Keitel ra một chỉ thị làm rõ lệnh của Lãnh tụ: “Trên nguyên tắc, hình phạt cho những tội trạng chống nhà nước Đức là tử hình.” Tuy nhiên,
nếu tuyên án tù, ngay cả tù khổ sai hoặc chung thân, cho những tội trạng này sẽ bị xem là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chỉ có thể răn đe được hiệu quả qua án tử hình hoặc qua những biện pháp theo đấy thân nhân của can phạm và dân chúng không biết số phận của anh ta.42
Tháng 2 năm 1942, Keitel mở rộng Lệnh Đêm đen và Sương mù. Trong trường hợp không tuyên án tử hình trong vòng tám ngày sau khi bắt giữ
phải bí mật chuyển tù nhân đến Đức... những biện pháp này sẽ có hiệu lực răn đe bởi vì
(a) tù nhân sẽ biến mất mà không để lại dấu tích gì,
(b) không đưa tin tức gì về nơi chốn hoặc số phận của họ.43
Lực lượng S.D. được giao thi hành nhiệm vụ khủng khiếp này, và hồ sơ tịch thu được của họ chứa đầy những lệnh có chữ “NN” (theo tiếng Đức, Nacht und Nebel – Đêm đen và Sương mù), đặc biệt khi giữ tuyệt đối bí mật nơi chôn xác nạn nhân. Tòa án Nuremberg không thể làm rõ bao nhiêu người đã mất tích trong “Đêm đen và Sương mù” nhưng xem dường rất ít người thoát chết khi bị ghép vào trường hợp này.
Tuy nhiên, hồ sơ của S.D. đưa ra vài con số khác liên quan đến nạn nhân của tấn trò khủng bố ở Liên Xô, phụ trách bởi các Đội Đặc nhiệm mà theo cách họ làm phải gọi là “Đội Thủ tiêu” thì đúng hơn. Con số đầu tiên được tiết lộ một cách tình cờ tại Tòa án Nuremberg.
Trước khi phiên tòa nhóm họp, Thiếu tá Whitney R. Harris của phía công tố Mỹ thẩm vấn Otto Ohlendorf về những hành động trong chiến tranh của ông này. Ohlendorf đã đứng đầu Amt III (Tình báo nội bộ) của cơ quan RSHA, nhưng trong những năm cuối cùng của cuộc chiến làm chuyên gia ngoại thương tại Bộ Kinh tế. Ông ta khai rằng ngoài một năm, thời gian còn lại ông ta làm việc ở Berlin. Khi được hỏi đã làm gì trong một năm này, Otto Ohlendorf đáp “Tôi cầm đầu Đội Đặc nhiệm D.”
Là một luật sư và làm tình báo về những sự vụ Đức, lúc này Harris đã biết được ít nhiều về các Đội Đặc nhiệm. Thế nên, ông hỏi ngay:
“Trong năm cầm đầu Đội Đặc nhiệm D, đội của anh đã giết bao nhiêu đàn ông, phụ nữ và trẻ em?
Harris kể lại, Ohlendorf nhún vai và không hề chần chừ, trả lời:
“Chín chục nghìn!”44
Ban đầu, Himmler và Heydrich tổ chức các Đội Đặc nhiệm để đi theo Quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939, và ở đây họ bắt giữ người Do Thái và đưa vào những khu biệt lập. Đến chiến dịch đánh Liên Xô, theo sự thỏa thuận với Quân đội Đức, các Đội Đặc nhiệm đi theo để thực hiện bước đầu của “giải pháp cuối cùng”. Bốn Đội Đặc nhiệm được thành lập cho mục đích này: A, B, C và D. Ohlendorf chỉ huy Đội D từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 6 năm 1942, được giao phụ trách vùng cực Nam của Ukraine và biệt phái đến Đại Quân đoàn Thứ Mười Một.
Trước Tòa án Nuremberg, khi được hỏi đã nhận lệnh gì, Ohlendorf trả lời:
“Lệnh là phải loại trừ người Do Thái và chính ủy của Liên Xô.”
“Và khi anh nói ‘loại trừ’, có phải anh muốn nói ‘giết’?”
“Vâng, tôi muốn nói giết.” Và Ohlendorf giải thích đó là gồm cả phụ nữ và trẻ em.
CHÁNH ÁN: Lý do nào mà cả trẻ em cũng bị tàn sát?
OHLENDORF: Lệnh ban ra là phải tiêu diệt hoàn toàn dân Do Thái.
CHÁNH ÁN: Ngay cả trẻ em?
Ohlendorf: Vâng.
CHÁNH ÁN: Có phải tất cả trẻ em đều bị giết?
Ohlendorf: Vâng.
Khi trả lời thêm câu hỏi và viết bản cung khai, Ohlendorf mô tả:
Đội Đặc nhiệm đi vào một làng hoặc thị trấn, ra lệnh cho công dân Do Thái có địa vị tập hợp tất cả người Do Thái cho mục đích “tái định cư”. Họ được yêu cầu giao lại mọi món đồ có giá trị, và trước khi hành quyết, họ được lệnh giao lại quần áo mặc ngoài. Họ được chở bằng xe tải đến nơi hành quyết, thường thường là rãnh đào chống thiết giáp – lúc nào cũng đủ số người phải hành quyết một lúc. Cách này là nhằm duy trì thời gian ngắn nhất từ lúc nạn nhân biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ đến lúc thực hiện cuộc hành quyết.
Rồi đội hành quyết bắn họ, quỳ hoặc đứng, rồi ném xác họ xuống rãnh đào. Tôi không bao giờ cho phép từng cá nhân bắn, mà ra lệnh vài người bắn cùng lúc để tránh trách nhiệm cá nhân trực tiếp. Chỉ huy của các đội khác đòi nạn nhân nằm sấp xuống để bị bắn sau gáy. Tôi không chấp nhận phương pháp này.
“Tại sao?”
“Bởi vì, xét theo tâm lý học, đó là gánh nặng mà cả nạn nhân và người thực hiện hành quyết không thể chịu đựng được.”
Vào mùa xuân 1942, Ohlendorf kể lại, lệnh của Himmler đưa đến để thay đổi phương pháp hành quyết phụ nữ và trẻ em, vì lý do sẽ ghi sau. Từ lúc này, phải đưa phụ nữ và trẻ em lên “xe tải khí” được hai công ty chế tạo một cách đặc biệt.
Bên ngoài không thể thấy được mục đích thật sự của loại xe tải này. Nó giống như xe tải đóng kín, được chế tạo sao cho khi nổ máy, khói xả được dẫn vào bên trong thùng xe khiến người bên trong chết ngạt trong vòng mười đến mười lăm phút.
“Làm thế nào dẫn dụ nạn nhân bước lên xe?”
“Họ được cho biết là được chuyển đến một địa điểm khác.”
Ohlendorf than phiền rằng việc chôn xác những nạn nhân trong xe tải khí là gánh nặng cho Đội Đặc nhiệm. Một TS. Becker nào đấy, mà Ohlendorf cho là người chế tạo xe tải khí, xác nhận than phiền của Ohlendorf. TS. Becker cũng chỉ ra cho cấp chỉ huy của mình rằng việc nạp khí không được thực hiện đúng cách. Để đạt kết quả nhanh, tài xế phải đạp ga đến mức tối đa. Người bị hành quyết chết vì bị ngạt thở chứ không phải chìm vào giấc ngủ như đã định.
TS. Becker là con người nhân đạo – tự ông cho là thế – nên hướng dẫn cách thay đổi:
những chỉ dẫn của tôi cho thấy qua vài hiệu chỉnh... cái chết đến nhanh hơn và tù nhân ngủ một cách yên bình. Chẳng còn thấy nét mặt nhăn nhúm và sự bài tiết như lúc trước.45
Nhưng, theo lời khai của Ohlendorf, xe tải khí chỉ có thể hành quyết mỗi lần từ 15 đến 25 người, hoàn toàn kém hiệu quả đối với việc tàn sát theo mức độ mà Hitler và Himmler đã ra lệnh, ví dụ, theo một báo cáo chính thức của Đội Đặc nhiệm, ở Kiev trong hai ngày 29-30 tháng 9 năm 1941, cần phải hành quyết 33.771 người, đa số là người Do Thái.46
Ohlendorf cùng 23 bị cáo khác bị xét xử trước Tòa án Quân sự Nuremberg. Mười bốn người bị án tử hình. Chỉ có Ohlendorf cùng 3 người khác bị xử tử tại nhà tù Landsberg – ngày 8 tháng 1 năm 1951, khoảng ba năm rưỡi sau khi tuyên án. Những tử tội khác được giảm án.
Báo cáo của một nhân chứng người Đức về một vụ hành quyết tương đối nhỏ được đọc lên trước Tòa án Quân sự Nuremberg khiến cho cử tọa nín lặng trong kinh hoàng. Đó là bản khai dưới sự tuyên thệ của Hermann Graebe, quản trị viên và kỹ sư của một văn phòng chi nhánh tại Ukraine của một công ty xây dựng Đức. Ngày 5 tháng 10 năm 1942, ông này chứng kiến Đội Đặc nhiệm, được dân quân Ukraine tiếp tay, thực hiện việc hành quyết tại Dubno nhằm thủ tiêu 5.000 người Do Thái ở thị trấn này.
... Người đốc công của tôi và tôi đi đến các hố. Tôi nghe từng loạt đạn súng trường bắn nhanh phía sau một trong những mô đất... Những người bước xuống từ các xe tải – đàn ông, phụ nữ và trẻ em mọi lứa tuổi – phải cởi bỏ quần áo theo lệnh của một binh sĩ S.S. cầm một cây roi. Họ đặt quần áo xuống nơi chỉ định, phân ra theo giày, trang phục ngoài và trang phục lót. Tôi thấy một đống giày khoảng 800 đến 1.000 đôi, những đống lớn trang phục lót và trang phục ngoài.
Không la thét hoặc khóc lóc, họ cởi bỏ quần áo, đứng xúm xít nhau theo từng gia đình, hôn nhau, nói lời vĩnh biệt với nhau và chờ dấu hiệu của một binh sĩ S.S. khác, đứng gần hố, cũng cầm một cây roi. Trong 15 phút đứng gần hố, tôi không nghe thấy một lời than vãn hoặc cầu xin nào...
Một phụ nữ già với mái tóc bạc trắng đang bế đứa trẻ 1 tuổi, hát cho nó nghe và cù lét nó. Đứa bé thầm thì một cách vui thú. Bố mẹ nó nhìn nó qua đôi mắt đẫm lệ. Người cha đang nắm tay một cậu bé khoảng 10 tuổi và nhỏ nhẹ nói chuyện với nó; cậu bé cố ghìm nước mắt. Người cha chỉ tay lên trời, xoa đầu đứa trẻ và có lẽ giải thích với nó điều gì đấy.
Vào lúc ấy, binh sĩ S.S. đứng gần hố thét lên câu gì đấy cho đồng đội anh ta. Anh này đếm khoảng 20 người và ra lệnh cho họ đi đến phía sau đống đất... Tôi còn nhớ rõ một cô gái, người thanh mảnh với mái tóc đen, khi đi qua gần tôi, chỉ vào mình và nói: “hai mươi ba tuổi”.
Tôi đi vòng qua đống đất và thấy một nấm mộ khổng lồ. Những con người bị lèn chặt lên nhau nên chỉ thấy được đầu. Hầu như tất cả đều có máu chảy từ đầu xuống vai. Vài người vẫn còn cử động. Vài người nhấc tay lên và quay đầu để cho thấy họ vẫn còn sống. Cái hố đã đầy được khoảng hai phần ba. Tôi ước tính có khoảng 1.000 người. Tôi nhìn qua người có nhiệm vụ bắn hành quyết. Anh ta là một binh sĩ S.S., ngồi ở rìa đầu hẹp của cái hố, hai chân thòng xuống hố. Anh ta cầm một khẩu súng trường trên tay và đang hút điếu thuốc.
Nhóm người, hoàn toàn khỏa thân, đi xuống vài bước và trèo qua đầu những người đang nằm để đến chỗ binh sĩ S.S. chỉ định. Họ nằm xuống, trước những người chết hoặc bị thương, vài người vuốt ve những người còn sống và thầm thì với họ. Rồi tôi nghe một loạt đạn. Tôi nhìn xuống hố và thấy những thân người đang giãy giụa hoặc những cái đầu bất động nằm phía trên những xác chết. Máu đang chảy từ cổ của họ.
Nhóm người kế tiếp đi đến. Họ đi xuống hố, đứng kề bên những nạn nhân trước rồi bị bắn.
Thế là, từng nhóm này đến nhóm khác bị hành quyết. Sáng hôm sau, người kỹ sư Đức trở lại hiện trường.
Tôi thấy có khoảng ba mươi người khỏa thân nằm kề miệng hố. Vài người vẫn còn sống... Sau đó, những người Do Thái còn sống nhận lệnh ném các tử thi xuống cái hố. Rồi chính họ phải nằm xuống để bị bắn sau gáy... Tôi thề trước Thượng Đế rằng đây hoàn toàn là sự thật.47
Tòa án Nuremberg không tính ra bao nhiêu người Do Thái và chính ủy Cộng sản bị các Đội Đặc nhiệm hành quyết, nhưng hồ sơ của Himmler, tuy lộn xộn, cho thấy một số ý tưởng.
Đội Đặc nhiệm D, với 90.000 nạn nhân, thi hành nhiệm vụ còn kém các đội khác. Ví dụ ngày 31 tháng 1 năm 1942, Đội A ở phía Bắc báo cáo đã “hành quyết” 229.052 người Do Thái ở vùng Baltic và Bạch Nga. Chỉ huy Đội A, Franz Stahlecker, kèm theo một tấm bản đồ vào báo cáo chỉ số người bị xử tử – qua biểu tượng là quan tài – ở mỗi vùng. Chỉ riêng Lithuania có 136.421 người Do Thái bị sát hại; khoảng 34.000 người khác được tạm thời tha chết “vì họ cần cho lao động”. Báo cáo cho biết Estonia, vốn tương đối có ít người Do Thái, đã “vắng bóng Do Thái”.48
Sau mùa đông khắc nghiệt khiến nhiệm vụ chậm lại, đến mùa xuân 1942 các Đội Đặc nhiệm tăng tốc công việc. Tính đến ngày 1 tháng 7, có thêm khoảng 55.000 người Do Thái bị hành quyết ở Bạch Nga, và trong tháng 10, 16.200 cư dân Do Thái còn lại của khu biệt lập ở Minsk bị hạ sát trong vòng một ngày. Vào tháng 11 năm 1942, Himmler báo cáo với Hitler rằng 363.211 người Do Thái đã bị giết ở Liên Xô trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, nhưng có lẽ con số này là phóng đại để làm vui lòng nhà Lãnh tụ khát máu.49
Ngày 31 tháng 8, Himmler ra lệnh Đội Đặc nhiệm hành quyết 100 người trong nhà tù Minsk để ông ta xem cách thức như thế nào. Theo Bach-Zalewski, sĩ quan S.S. cấp cao có mặt lúc đó, Himmler gần ngất đi khi trông thấy hậu quả của loạt đạn đầu tiên. Vài phút sau, khi loạt đạn kế tiếp không thể giết ngay hai phụ nữ Do Thái, Himmler trở nên điên dại. Vì việc này, Himmler ra lệnh từ nay trở đi không được bắn phụ nữ và trẻ em, mà hành quyết họ trong xe tải khí.50
Theo Karl Eichmann, Trưởng ban Người Do Thái của cơ quan RSHA, các Đội Đặc nhiệm hành quyết 2 triệu người, đại đa số là người Do Thái, ở phía Đông. Nhưng gần như chắc chắn đây là con số phóng đại; điều lạ lùng nhưng có thật là các chỉ huy S.S. thường thổi phồng những con số để làm vui lòng Himmler và Hitler. Ngày 23 tháng 3 năm 1943, Chuyên viên Thống kê của Himmler, TS. Richard Korherr, báo cáo rằng tổng cộng có 633.300 người ở Liên Xô đã “được tái định cư” – từ ngữ hoa mỹ chỉ việc hành quyết của Đội Đặc nhiệm.51 Điều đáng ngạc nhiên là con số này khá trùng hợp với những nghiên cứu sâu rộng của một số chuyên gia. Cộng thêm 100.000 người bị sát hại trong 2 năm cuối của cuộc chiến, có lẽ đây là con số khá chính xác.
Theo như tác giả được biết, không có ước tính số chính ủy của Liên Xô bị các Đội Đặc nhiệm hành quyết. Phần lớn những báo cáo của lực lượng S.D. gộp chung họ với người Do Thái. Trong báo cáo của Đội A đề ngày 15 tháng 10 năm 1941, có 3.387 “Cộng sản” trong tổng số 121.817 bị hành quyết, còn lại là người Do Thái.
“Giải pháp cuối cùng”
Một ngày tháng 6 năm 1946 tại Tòa án Nuremberg, ba thành viên trong nhóm công tố thẩm vấn Đại tướng S.S. Oswald Pohl, trong chiến tranh được giao thực hiện các dự án xây dựng trại tập trung của Quốc xã. Pohl là sĩ quan hải quân trước khi gia nhập lực lượng S.S., sau khi Đức đầu hàng cố lẩn trốn, đến tháng 5 năm 1946 mới bị bắt khi đang giả làm người làm thuê cho một nông trại.
Khi trả lời một câu hỏi, Pohl dùng một cụm từ mà các công tố Nuremberg, sau nhiều tháng đọc qua hàng triệu chữ của những tài liệu tịch thu được, bắt đầu thấy quen thuộc. Pohl khai rằng một đồng nghiệp nào đấy của ông có tên là Hoess, được Himmler sử dụng “trong giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái”.
Pohl được hỏi: “Đó là việc gì?”
Ông trả lời: “Việc thủ tiêu người Do Thái.”
Khi cuộc chiến tiếp diễn, cụm từ “giải pháp cuối cùng” càng được sử dụng thường xuyên hơn trong từ vựng và hồ sơ của giới chỉ huy Quốc xã. Có lẽ vẻ vô tội bề ngoài tránh cho họ nỗi băn khoăn nhắc nhở nhau ý nghĩa của nó là gì, và cũng có lẽ họ nghĩ nó sẽ che đậy được tội lỗi của họ nếu các tài liệu được đưa ra ánh sáng. Tại Tòa án Nuremberg, phần lớn các chỉ huy của Quốc xã chối là họ không biết ý nghĩa cụm từ này, và Goering khai rằng mình chưa bao giờ sử dụng nó. Việc dịch sai khiến cho cụm từ thành “giải pháp mong muốn” được nêu ra tại phiên xử Goering, tạo cơ hội cho Goering phủ nhận. Nhưng chẳng bao lâu, vụ việc bùng nổ.
Ngày 31 tháng 7 năm 1941, Heydrich, chỉ huy trưởng lực lượng S.D., nhận chỉ thị của Goering trong khi các Đội Đặc nhiệm đang tất bật làm việc ở Liên Xô:
Tôi giao cho anh nhiệm vụ thực hiện mọi bước chuẩn bị liên quan đến... giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái trên những lãnh thổ ở Châu Âu dưới ảnh hưởng của Đức...
Thêm nữa, tôi lệnh cho anh nộp cho tôi càng sớm càng tốt một bản dự thảo chỉ ra... những biện pháp đã được thực hiện nhằm hoàn tất giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái.52
Heydrich biết rõ Goering có ý gì trong từ ngữ ấy vì chính ông đã sử dụng gần một năm trước trong một buổi họp mật sau khi Ba Lan sụp đổ, trong đó ông phác thảo “bước đầu cho giải pháp cuối cùng”, gồm việc tập trung tất cả người Do Thái trong các khu biệt lập ở những thành phố lớn, nơi có thể đưa họ đến số phận cuối cùng một cách dễ dàng.
Trong một thời gian dài, chính Hitler nghĩ đến “giải pháp cuối cùng”, và phát biểu công khai về việc này ngay cả khi chiến tranh chưa khởi phát. Trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 30 tháng 1 năm 1939, ông ta nói:
Nếu những nhà tài chính quốc tế người Do Thái... một lần nữa nhấn chìm các quốc gia vào một cuộc chiến tranh thế giới, kết quả sẽ là... sự tiêu diệt chủng người Do Thái ở khắp Châu Âu.
Với Hitler, đó là lời tiên tri và ông ta lặp đi lặp lại năm lần, ứng khẩu, trong những phát biểu công khai sau này. Chẳng có gì khác biệt khi không phải “những nhà tài chính quốc tế người Do Thái” mà chính ông ta nhấn chìm các quốc gia vào một cuộc chiến tranh thế giới. Điều quan trọng đối với Hitler là bây giờ có chiến tranh thế giới, và ông ta có cơ hội thi hành “sự thủ tiêu”. Vào lúc cuộc tiến công Liên Xô bắt đầu, ông ta đưa ra những chỉ thị cần thiết.
“Lệnh Lãnh tụ về Giải pháp Cuối cùng” được giới lãnh đạo Quốc xã biết đến nhưng chưa hề được thể hiện trên giấy tờ – ít nhất không thể tìm ra văn bản nào trong số tài liệu tịch thu được của Quốc xã.A Mọi chứng cứ cho thấy có phần đúng là cụm từ này được truyền đạt bằng miệng cho Goering, Himmler và Heydrich, rồi những người này truyền xuống cấp dưới trong mùa hè và mùa thu năm 1941. Một số nhân chứng tại Tòa án Nuremberg khai rằng họ đã “nghe” nói đến nhưng chưa từng thấy văn bản. Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Hans Lammers khai:
Chú thích:
A Dựa trên yếu tố này, David Irving trong quyển Hitler’s war and the war path (2002) có suy diễn gây tranh cãi: việc tiêu diệt người Do Thái không phải do Hitler chủ trương, mà do Himmler và Heydrich cùng thuộc hạ của họ tự ý thi hành. (ND)
Tôi được biết lệnh Lãnh tụ được Goering truyền tải đến Heydrich... Lệnh này được gọi là “Giải pháp Cuối cùng cho Vấn đề Người Do Thái”.53
Nhưng cũng như nhiều người khác trước vành móng ngựa, Lammers khai rằng mình thật sự không biết gì về lệnh này cho đến khi ý nghĩa của nó xuất hiện tại Tòa án Nuremberg. Lammers nhận án tù 20 năm, nhưng tương tự như phần lớn đảng viên Quốc xã khác, ông được giảm án và chỉ ngồi tù 6 năm. Cần ghi nhận ở đây là phần lớn người Đức, như thể hiện tại Nghị viện Đức, không chấp nhận ngay cả những bản án nhẹ. Một số nghi can mà Đồng Minh giao cho Đức không bị truy tố – ngay cả khi họ bị kết án giết người – và một số nhanh chóng tìm được việc làm trong Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức.
Vào đầu năm 1942, Heydrich nói đã đến lúc “giải quyết những vấn đề cơ bản” của “giải pháp cuối cùng”. Để đạt mục đích này, ngày 20 tháng 1 năm 1942 Heydrich triệu tập một buổi họp gồm đại diện các bộ và ban ngành của lực lượng S.S.-S.D.. Biên bản buổi họp đóng vai trò quan trọng trong vài phiên xử của Tòa án Nuremberg.54 Dù Quân đội Đức bị thất thế ở Liên Xô, cấp lãnh đạo Quốc xã vẫn tin rằng Đức gần thắng trận và chẳng bao lâu sẽ thống trị cả Châu Âu, kể cả Anh và Ireland. Vì thế, Heydrich nói với cử tọa gồm khoảng 15 quan chức “trong quá trình thực hiện Giải pháp Cuối cùng cho vấn đề người Do Thái ở Châu Âu, khoảng 11 triệu người Do Thái có liên quan”. Rồi ông ta kể ra con số ở mỗi quốc gia. Đế chế nguyên thủy còn 138.100 người Do Thái (trong tổng số 250.000 người năm 1939), nhưng ở Liên Xô có đến 5 triệu, Ukraine có 3 triệu, Ba Lan 2 triệu rưỡi, Pháp 750.000 người và Anh 330.000 người. Ông ta ngụ ý là cần tiêu diệt tất cả 11 triệu người.
Rồi ông ta giải thích phải làm công việc to tát này như thế nào. Người Do Thái ở Châu Âu trước hết sẽ được chuyển đến phía Đông để lao động cho đến chết, và người có sức khỏe cuối cùng sẽ bị hành quyết. Còn hàng triệu người Do Thái đã sống ở phía Đông thì sao?
TS. Josef Bühler, Phó Toàn quyền Ba Lan, cho biết 2 triệu rưỡi người Do Thái ở Ba Lan sẽ “tạo thành một hiểm họa lớn”. Ông ta giải thích rằng họ là những “người mang mầm bệnh, người buôn bán chợ đen và hơn nữa không đủ khỏe mạnh để lao động”. Phương tiện vận chuyển 2 triệu rưỡi người này là chẳng thành vấn đề vì đã có sẵn. TS. Bühler kết luận:
Tôi chỉ có một yêu cầu là phải giải quyết vấn đề người Do Thái trên lãnh thổ của tôi càng sớm càng tốt.
Sự nôn nóng này là điển hình trong giới lãnh đạo cao cấp của Quốc xã cho đến Hitler. Không ai trong bọn họ hiểu được hàng triệu người Do Thái có giá trị như thế nào cho Đế chế nếu làm lao động nô lệ. Họ chỉ lo là bắt hàng triệu người Do Thái làm việc cho đến chết sẽ mất thời gian. Vì thế, Hitler và Himmler quyết định dùng những biện pháp nhanh chóng hơn.
Chủ yếu có hai biện pháp. Thứ nhất là như ta đã biết: việc sát hại tập thể người Do Thái ở Liên Xô và Ba Lan do các Đội Đặc nhiệm đảm trách, gây nên cái chết cho khoảng 750.000 người.
Himmler nói về biện pháp này khi phát biểu với tướng lĩnh S.S. tại Posen ngày 4 tháng 10 năm 1943:
... Phần lớn các anh đều biết khi 100 xác chết nằm cạnh nhau, hoặc 500, hoặc 1.000 thì là như thế nào. Thực hiện cùng một lúc – trừ những ngoại lệ do sự mềm yếu của con người – và còn giữ con người được tề chỉnh là điều khó khăn... Đây là một trang sử vẻ vang của ta vốn chưa được viết và sẽ chẳng bao giờ được viết lại...55
Chắc chắn là Himmler, người gần như bất tỉnh khi chứng kiến việc hành quyết hàng trăm người Do Thái kể cả phụ nữ, thấy phòng hơi ngạt có hiệu quả hơn và sẽ viết nên trang sử vẻ vang cho Đức. Chính ở các trại tử thần này mà “giải pháp cuối cùng” đạt được thành công một cách khủng khiếp.
Trại thủ tiêu
Tất cả 30 trại tập trung chính của Quốc xã đều là những trại tử thần, nơi hàng triệu người bị tra tấn và để đói khát cho đến chết.A Dù mỗi trại đều có hồ sơ ghi chép, phần lớn đều không đầy đủ và trong nhiều trường hợp bị thiêu hủy khi quân Đồng Minh tiến đến gần. Một phần hồ sơ còn sót của trại Mauthausen ghi 35.318 người chết từ tháng 1 năm 1939 đến tháng 4 năm 1945. Chỉ huy trại này, Franz Ziereis, cho biết con số tổng cộng là 65.000.56
Chú thích:
A Kogon ước lượng con số này là 7.125.000 trong tổng số 7.820.000 người bị giam giữ, nhưng chắc chắn con số này quá cao. (Kogon, The Theory and Practice of Hell, tr. 227.)
Vào cuối năm 1942 khi Đức cần thêm lao động, Himmler ra lệnh giảm hành quyết ở các trại tập trung. Vì sự thiếu hụt lao động, ông ta không vui khi nhận báo cáo là trong số 136.700 người mà các trại tập trung nhận được trong thời gian tháng 6 năm 1942 đến tháng 11 năm 1942, có 70.610 người chết, 9.267 người bị hành quyết và 27.846 “được chuyển đi”.57 Tức là chuyển đến phòng hơi ngạt. Như thế thì chẳng còn lại bao nhiêu để lao động.
Nhưng chính các trại thủ tiêu làm nên những bước tiến cho “giải pháp cuối cùng”. Trại lớn nhất và khét tiếng nhất là Auschwitz, gồm 4 phòng hơi ngạt khổng lồ và những lò thiêu người bên cạnh tạo nên công suất giết người và chôn xác người vượt xa những trại khác – Treblinka, Belsec, Sibibor và Chelmno, tất cả đều nằm trên đất Ba Lan. Còn có những trại nhỏ khác gần Riga, Vilna, Minsk, Kaunas và Lwów, nhưng các trại này giết người bằng súng thay vì bằng hơi ngạt.
Vào lúc cao điểm, gần giai đoạn cuối, trại Auschwitz lập kỷ lục mới là mỗi ngày hành quyết được 6.000 người bằng hơi ngạt. Một trong những chỉ huy trưởng của trại này là Rudolf Hoess, lúc trước là can phạm giết người. Trong tờ cung khai cũng như lời khai ở vành móng ngựa, ông ta luôn phóng đại về thành tích giết người của mình. Ba Lan tuyên án tử hình và tháng 3 năm 1947 treo cổ ông ta tại Auschwitz, đúng ở nơi ông ta gây tội ác nặng nề nhất.
Theo lời Hoess:
“Giái pháp Cuối cùng” cho vấn đề người Do Thái có nghĩa thủ tiêu mọi người Do Thái tại Châu Âu. Tháng 6 năm 1941, tôi nhận lệnh thiết lập cơ sở thủ tiêu tại Auschwitz...
Tôi đến trại Treblinka để tìm hiểu xem họ thực hiện thủ tiêu như thế nào. Chỉ huy trưởng trại nói với tôi rằng ông đã loại trừ 80.000 người trong vòng nửa năm. Ông quan tâm đến việc loại trừ tất cả người Do Thái trong khu biệt lập Warsaw.
Ông dùng loại khí carbon monoxide và tôi nghĩ phương pháp của ông không hiệu quả lắm. Vì thế khi thiết lập cơ sở thủ tiêu tại Auschwitz, tôi sử dụng loại khí Zyklon B, là acid prussic dạng tinh thể mà chúng tôi thả vào phòng hơi ngạt qua một cửa nhỏ. Mất từ 3 đến 5 phút để giết người trong phòng hơi ngạt, tùy điều kiện thời tiết.
Chúng tôi biết lúc nào họ đã chết bởi vì lúc đó họ ngừng la thét. Chúng tôi thường chờ trong nửa tiếng đồng hồ rồi mở các cửa và mang xác chết ra ngoài. Sau khi mang hết các xác chết ra ngoài, nhóm đặc công của chúng tôi lấy đi nhẫn và tháo vàng bịt răng của xác chết.
Một cách cải thiện khác so với Treblinka là chúng tôi xây những phòng hơi ngạt chứa một lúc 2.000 người, trong khi ở Treblinka họ có 10 phòng hơi ngạt, mỗi phòng chỉ chứa được 200 người.
Rồi Hoess giải thích việc “tuyển chọn” nạn nhân như thế nào, vì không phải tất cả tù nhân nhận vào đều bị hành quyết – ít nhất không phải cùng một lần, bởi vì cần một số người làm việc cho các xưởng hóa chất I. G. Farben và nhà máy của Krupp cho đến khi họ kiệt sức và sẵn sàng cho “giải pháp cuối cùng”.
Chúng tôi có hai bác sĩ S.S. tại Auschwitz để khám những tù nhân vừa được đưa đến. Một bác sĩ xem xét khi họ đi qua. Những người còn đủ sức khỏe được đưa vào trại. Những người khác thì đưa ngay vào nhà máy thủ tiêu. Trẻ em nhỏ tuổi thường bị thủ tiêu vì chúng không thể làm việc.
Hoess luôn thực hiện những chi tiết cải thiện trong kỹ thuật giết người hàng loạt.
Một chi tiết khác chúng tôi thực hiện cải thiện hơn so với Treblinka là tại Treblinka nạn nhân luôn biết họ sẽ bị giết, trong khi tại Auschwitz chúng tôi đánh lừa nạn nhân để họ nghĩ rằng họ sẽ qua quy trình trừ rận. Dĩ nhiên là họ thường nhận ra ý định thật của chúng tôi và thỉnh thoảng trại chúng tôi có sự nổi loạn và khó khăn. Thường thì phụ nữ giấu con cái của họ dưới lớp áo nhưng dĩ nhiên khi chúng tôi tìm ra, chúng tôi đưa trẻ em đi thủ tiêu.
Chúng tôi được yêu cầu phải thực hiện việc thủ tiêu trong bí mật, nhưng dĩ nhiên mùi hôi thối phát buồn nôn từ việc thiêu đốt xác chết liên tục lan ra cả vùng và mọi người sống xung quanh đều biết rằng việc thủ tiêu đang xảy ra tại Auschwitz.
Hoess giải thích rằng đôi lúc một số “tù nhân đặc biệt” – chỉ tù binh chiến tranh Nga – bị giết bằng cách tiêm benzine. Ông ta thêm: “Bác sĩ của chúng tôi nhận lệnh viết giấy khai tử và có thể ghi bất kỳ lý do nào cho cái chết.”58
Có thể thêm ở đây lời khai làm chứng của tù nhân sống sót và cai tù. Việc “tuyển chọn” người Do Thái nào lao động và người nào vào phòng hơi ngạt lập tức được thực hiện tại nút giao đường sắt ngay khi tù nhân bước xuống từ trên những toa tàu bị khóa kín, có thể cả tuần không có thức ăn và nước uống – vì nhiều người đến từ nơi xa như Pháp, Hà Lan và Hy Lạp. Dù có những cảnh đau lòng như tách rời vợ khỏi chồng hoặc con cái khỏi cha mẹ, không tù nhân nào biết số phận mình sẽ ra sao. Vài người còn được phát bưu thiếp đẹp đẽ để họ ký tên rồi gửi về cho thân nhân với dòng chữ in sẵn:
Chúng tôi rất khỏe mạnh ở đây. Chúng tôi có việc làm và được đối xử tử tế. Chúng tôi trông chờ mọi người đến đây.
Những phòng hơi ngạt và những lò thiêu người bên cạnh, nhìn gần, trông không có vẻ gì là ghê gớm; người ta không thể nhận ra đó là cơ sở gì. Xung quanh là thảm cỏ viền bằng những luống hoa được chăm sóc cẩn thận; biển đề ở cửa ra vào chỉ ghi NHÀ TẮM. Người Do Thái không nghi ngờ gì cả, mà chỉ nghĩ họ được đưa vào nhà tắm để trừ rận vốn là vấn nạn thường xuyên ở các trại. Và họ được đưa vào với âm nhạc làm nền!
Đúng thế: trong trại, người ta chơi loại nhạc êm dịu. Như một người còn sống sót kể lại, một dàn nhạc hòa tấu gồm những “cô gái trẻ và xinh đẹp, tất cả đều mặc áo trắng và váy màu xanh nước biển”, được thành lập trong số tù nhân. Trong khi những tù nhân khác được chọn để đi vào phòng hơi ngạt, ban nhạc độc đáo này chơi những âm điệu tươi vui trong các vở nhạc kịch The Merry WidowA và Tales of HoffmannB. Không có gì trang nghiêm như nhạc của Beethoven. Nhạc nền cho chuyến đi vào cõi chết là những giai điệu nhẹ nhàng và tươi tắn, rút ra từ những đoạn nhạc kịch diễn ở Vienna và Paris.
Chú thích:
A Có nghĩa: “Người quả phụ vui tươi”, của nhà soạn nhạc người Hungary Franz Lehár (1870-1948).
B Có nghĩa: “Những mẩu chuyện của Hoffmann”, của nhà soạn nhạc người Đức Ernst Theodor Amadeus Hoffmann (1776-1822).
Trong nền nhạc như thế, gợi nhớ về những thời kỳ hạnh phúc và phù phiếm, đàn ông, phụ nữ và trẻ em được dẫn vào những “nhà tắm” rồi được lệnh trút bỏ quần áo để chuẩn bị “tắm vòi hoa sen”. Đôi lúc họ còn nhận được khăn tắm. Một khi họ đã ở trong “nhà tắm” – và có lẽ là giây phút đầu tiên họ nhận ra có chuyện gì đấy không ổn vì có đến 2.000 con người bị nén chặt như cá mòi, khó mà tắm được – cánh cửa khổng lồ được đóng sập, khóa lại và bịt kín mọi kẽ hở. Phía trên, nơi thảm cỏ và luống hoa che giấu gần kín nắp ống thông khí loe ra như cây nấm, công nhân đứng chờ sẵn để thả xuống những tinh thể màu xanh nhạt của chất hydrogen cyanide, hoặc Zyklon B, mà thoạt đầu được sử dụng làm chất khử trùng.
Qua những ô kính dày, người phụ trách công tác hành quyết có thể nhìn thấy những gì xảy ra bên trong. Các tù nhân khỏa thân nhìn lên những vòi bông sen không phun nước hoặc nhìn xuống và tự hỏi tại sao không có lỗ thoát nước. Chẳng bao lâu, họ nhận ra khí độc tỏa xuống từ những lỗ dọc ống thông khí. Chính vào lúc ấy, họ thường trở nên hoảng loạn, tránh xa khỏi ống thông khí và chen lấn nhau về hướng cánh cửa cái, xô đè lên nhau, cào cấu nhau.
Hai mươi hoặc ba mươi phút sau, khi cả đống thân người khổng lồ ngừng động đậy, bơm gió hút khí độc ra ngoài, cánh cửa cái được mở rộng và công nhân tù tiến vào. Họ là những tù nhân nam người Do Thái, được hứa tha chết và cho ăn uống đầy đủ để thực hiện những công việc kinh tởm nhất. Nhưng cuối cùng họ đều bị đưa vào phòng hơi ngạt và nhóm người mới thay thế rồi cũng chịu chung số phận. Binh sĩ S.S. không muốn có người sống sót để làm nhân chứng. Mang mặt nạ cùng giày cao su và cầm vòi phun nước, công nhân tù bắt đầu làm việc. Họ tìm kiếm vàng, cạy răng và cắt tóc của nạn nhân, rồi đưa xác chết đến lò thiêu, và rải tro trên dòng sông Sola. Có một nhân chứng khai trước Tòa án Nuremberg rằng đôi lúc tro được bán làm phân bón. Theo một tài liệu do công tố Liên Xô cung cấp, một công ty tại Danzig xây một lò điện để chế xà phòng từ mỡ người.59
Sổ sách trình ra trước Tòa án Nuremberg cho thấy những doanh nhân Đức cạnh tranh với nhau một cách sôi động để nhận hợp đồng xây cơ sở và cung ứng hóa chất giết người hàng loạt, và nộp những đề xuất về giải pháp kỹ thuật kèm bản vẽ, giống như cho công trình xây dựng thông thường. Ngày 21 tháng 2 năm 1943, Công ty I. A. Topf and Sons of Erfurt gửi thư cho Trại Auschwitz:
Chúng tôi đã nhận được thư đặt hàng của quý ông cho năm lò đốt bộ ba, kể cả hai thang máy điện dùng để nâng tử thi và một thang mày dùng trong trường hợp khẩn cấp. Một thiết bị nạp than và một thiết bị vận chuyển tro cũng được đặt hàng.60
Thư của hai công ty khác được thuê tham dự vào thương vụ đốt xác được trình ra trước tòa án Nuremberg.
Để đưa xác người vào lò đốt, chúng tôi đề xuất đơn giản là một máy nâng bằng kim khí di chuyển trên các xy-lanh.
Mỗi bộ thiết bị sẽ có lò thiêu với kích thước chỉ bằng 24x21 in [61x63 cm], bởi vì sẽ không dùng quan tài. Để di chuyển xác từ khu vực lưu trữ đến lò thiêu, chúng tôi đề xuất dùng xe đẩy trên bánh lăn, và chúng tôi xin đính kèm bản vẽ của các thiết bị theo tỷ lệ.61
Một công ty khác, C. H. Kori, muốn tìm công việc ở Belgrade, giới thiệu kinh nghiệm của họ qua việc đã xây bốn lò thiêu cho Dachau và năm lò thiêu cho Lubin.
Tiếp theo sau cuộc thảo luận giữa chúng ta về việc chuyển giao thiết bị có cách lắp đặt đơn giản để đốt xác, chúng tôi xin nộp đề xuất về những lò đốt mà chúng tôi đã hoàn thiện, chạy bằng than đá và cho đến nay tạo hài lòng hoàn toàn.
Chúng tôi đề xuất hai lò thiêu cho tòa nhà dự kiến, nhưng chúng tôi khuyến cáo quý vị tìm hiểu thêm nhắm đảm bảo hai lò thiêu là đủ cho nhu cầu.
Chúng tôi đảm bảo hiệu quả của các lò thiêu cũng như tính bền, sử dụng vật liệu tốt nhất và tay nghề xuất sắc.
Heil Hitler!
C.H. KORI, G.M.B.H.62
Cuối cùng, ngay cả nỗ lực hăng hái của doanh nghiệp tư nhân Đức, sử dụng vật liệu tốt nhất và cung ứng tay nghề hoàn thiện nhất, cũng vẫn chưa đủ cho nhu cầu thiêu xác. Các lò thiêu không đủ công suất để đáp ứng tiến độ giết người. Ngay cả các phòng hơi ngạt cũng không đủ, và phải áp dụng thêm biện pháp bắn hàng loạt theo cách thức của các Đội Đặc nhiệm. Xác người được ném xuống các hồ rồi thiêu đốt, nhiều xác cháy không hết, và xe ủi lấp đất lên trên. Chỉ huy trưởng các trại than phiền rằng các lò thiêu không những thiếu công suất mà còn “không đạt hiệu quả kinh tế”.
Tinh thể Zyklon-B dùng để giết người được cung ứng bởi hai công ty Đức nhận bản quyền phát minh từ I. G. Farben. Những hóa đơn giao nhận hàng được trình ra trước Tòa án Nuremberg.
Các giám đốc của cả hai công ty đều khai rằng họ bán sản phẩm này cho mục đích xông khói trừ mối mọt và không biết gì về việc giết người, nhưng luận cứ này bị phản bác. Thư từ được tìm thấy chỉ ra rằng họ cung ứng chẳng những hóa chất mà còn thiết bị thông khí và sưởi cho phòng hơi ngạt. Hơn nữa, Hoess còn khai rằng các công ty không thể không biết bởi vì họ cung ứng số lượng hóa chất đủ để giết cả triệu người. Kết cục, hai người nhận án tử hình và một người 5 năm tù.63
Trước các phiên tòa, người ta thường tin rằng việc giết người hàng loạt là do một số ít cấp lãnh đạo Quốc xã cuồng tín thực hiện. Nhưng sổ sách trình trước tòa cho thấy đích xác sự liên can của một số doanh nghiệp Đức, lớn lẫn nhỏ, những người có bề ngoài đứng đắn, là trụ cột cho cộng đồng của họ – giống như doanh nhân gương mẫu ở bất kỳ nơi nào khác.
Người ta không bao giờ biết được chính xác có bao nhiêu người bị sát hại tại Auschwitz. Trong bản cung khai, Hoess ước lượng “2 triệu rưỡi nạn nhân bị thủ tiêu bằng khí độc, ít nhất thêm nửa triệu chết vì đói và bệnh tật, tổng cộng là 3 triệu”. Trong phiên tòa tại Ba Lan sau đó, ông ta giảm con số còn 1.135.000 người. Reitlinger (tác giả quyển sách The Final Solution – Giải pháp cuối cùng) dựa trên một nghiên cứu sâu rộng, ước lượng 600.000 người chết trong phòng hơi ngạt, thêm 300.000 người “mất tích” do bị bắn hay chết vì đói và bệnh tật. Dù gì đi nữa, số người chết là rất cao.64
Xác chết bị thiêu cháy, nhưng vàng trám trong hốc răng người chết vẫn còn và được thu nhặt lại từ đống tro nếu trước đó công nhân tù chưa cạy ra từ xác chết. Đôi lúc người sống bị cạy vàng trước khi bị hành quyết. Một báo cáo mật của quản đốc trại giam tại Minsk cho biết từ khi ông được một nha sĩ người Do Thái trợ giúp, mọi người Do Thái “đều bị cạy vàng khỏi răng của họ... luôn luôn là 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ trước khi thực hiện hành động đặc biệt”.65
Vàng được nấu chảy rồi được chuyển về Ngân hàng Nhà nước Đức cùng với những món đồ có giá trị khác, được đưa vào tài khoản của S.S. dưới tên “Max Helliger” theo sự thỏa thuận giữa Himmler và TS. Walther Funk, Thống đốc Ngân hàng. Những vật có giá trị gồm đồng hồ bằng vàng, bông tai, vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền, và ngay cả tròng kính – vì người Do Thái được khuyến khích mang theo mọi vật có giá trị khi đi “tái định cư”. Cũng có nhiều nữ trang, đặc biệt là kim cương, và một lượng lớn những món đồ làm bằng bạc. Và cũng có rất nhiều xấp tiền mặt.
Đến đầu năm 1942, phẩm vật thuộc tài khoản “Max Helliger” chiếm đầy các tủ sắt của Ngân hàng Nhà nước. Ban giám đốc Ngân hàng luôn nghĩ đến việc tạo lợi nhuận, thế nên họ tìm cách chuyển các phẩm vật thành tiền mặt bằng cách đưa đến hiệu cầm đồ. Một bức thư của Ngân hàng Nhà nước gửi hiệu cầm đồ Thành phố Berlin nói về “chuyến vận chuyển thứ hai” và liệt kê số lượng của đồng hồ bằng vàng, bông tai, nhẫn kim cương... Đầu năm 1944, đến lượt các hiệu cầm đồ cũng đầy ắp những món đồ cướp bóc được và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước là họ không thể nhận thêm. Khi quân Đồng Minh tiến vào Đức, họ tìm ra trong những mỏ muối – nơi Quốc xã cất giấu hồ sơ và những món đồ cướp bóc được – một lượng dư thừa từ tài khoản “Max Helliger” đủ để chất đầy ba tủ sắt khổng lồ tại chi nhánh Frankfurt của Ngân hàng Nhà nước.66
Các quản trị viên ngân hàng có biết nguồn gốc của “tài khoản” này không? Quản trị viên Phòng Đá quý của Ngân hàng Nhà nước khai với Tòa án Nuremberg rằng ông và các cộng sự nhận thấy là nhiều đợt giao hàng đến từ Lublin và Auschwitz.
Tất cả chúng tôi biết những nơi này là vị trí của các trại tập trung. Vàng bắt đầu xuất hiện từ đợt giao hàng lần thứ mười vào tháng 11 năm 1943. Số lượng vàng trám răng lớn một cách bất thường.67
Oswald Pohl, Cục trưởng Kinh tế và Hành chính (WVHA) của S.S., người phụ trách các giao dịch, khẳng định TS. Funk cùng các quan chức và giám đốc của Ngân hàng Nhà nước biết rất rõ nguồn gốc những món đồ mà họ cố tìm cách mang đi cầm cố. Ông giải thích chi tiết về “giao dịch kinh doanh giữa Funk và S.S. liên quan đến việc giao nhận các món quý giá của những người Do Thái đã qua chết ở Ngân hàng Nhà nước.” Ông nhớ một cuộc đối thoại với Phó Thống đốc Ngân hàng, TS Emil Pohl.
Trong cuộc đối thoại này, điều chắc chắn là các vật thể được giao nhận là của những người Do Thái bị giết ở các trại tập trung. Các vật thể này gồm có nhãn, đồng hồ, mắt kính, vàng thỏi, nhẫn cưới, ghim hoa, kim cài, vàng trám rằng, và những món quý giá khác.
Pohl nhớ lại có một lần, sau khi đi kiểm tra qua các hầm của Ngân hàng Nhà nước lưu trữ các vật quý giá “của người Do Thái chết”, TS. đãi đoàn một bữa tối ngon miệng trong đó câu chuyện chuyển qua nguồn gốc độc đáo của chiến lợi phẩm.68 Funk bị Tòa án Nuremberg tuyên án tù chung thân.
“Khu biệt lập Warsaw chẳng còn nữa”
Nhiều nhân chứng nói về thái độ cam chịu của người Do Thái khi đối mặt với cái chết trong phòng hơi ngạt hoặc bên miệng hố hành quyết của Đội Đặc nhiệm. Không phải mọi người Do Thái đều chấp nhận một cách hiền hòa như thế. Trong những ngày mùa xuân 1943, khoảng 60.000 người Do Thái trong khu biệt lập Warsaw nổi lên chống lại Quốc xã. Họ là tất cả những người còn lại trong số ban đầu 400.000 người bị giam hãm như gia súc trong khu này năm 1940.A
Chú thích:
A Tiểu thuyết The Wall của John Hersey, dựa trên những ghi chép của người Do Thái, là câu chuyện hào hùng của cuộc nổi dậy. (TG)
Chỉ huy cuộc đàn áp khủng khiếp là Thiếu tướng S.S. Juergen Stroop. Với ngôn từ thanh nhã, ông ta mô tả vụ việc trong một báo cáo chính thức dày 75 trang, đóng bìa da, kèm thêm nhiều hình ảnh, được tìm thấy sau chiến tranh. Báo cáo có tựa đề Khu biệt lập Warsaw chẳng còn nữa.69
Sau chiến tranh, Stroop bị bắt, bị một tòa án Mỹ tuyên tử hình vì tội bắn chết con tin ở Hy Lạp, rồi bị dẫn độ về Ba Lan nhận thêm án tử hình vì sát hại người Do Thái ở Khu biệt lập Warsaw, cuối cùng đến ngày 8 tháng 9 năm 1951 thì bị treo cổ ở hiện trường tội ác.
Đến cuối mùa thu 1940, một năm sau khi Quốc xã thôn tính Ba Lan, lực lượng S.S. bố ráp và dồn khoảng 400.000 người Do Thái vào một khu biệt lập giữa bốn bức tường vây quanh, trên một vùng dài khoảng 4 kí-lô-mét và rộng 1,6 kí-lô-mét. Khu này bình thường có 160.000 cư dân, vì thế họ ở trong tình trạng đông đúc, nhưng đấy mới chỉ là bước đầu. Toàn quyền Frank không cho phép cung cấp đủ thực phẩm cho họ. Bị cấm đi ra ngoài nếu không sẽ bị bắn tại chỗ, người Do Thái không biết làm gì khác là làm việc tại một số xưởng chế tạo vũ khí của Quân đội Đức hoặc cho vài doanh nhân tham lam biết cách thu lời lớn từ lao động nô lệ. Ít nhất 100.000 người Do Thái cố sống sót bằng một bát súp mỗi ngày do người khác làm từ thiện cung cấp.
Nhưng số dân trong khu biệt lập không chết nhanh chóng như Himmler mong muốn. Vào mùa hè 1942, ông ta ra lệnh xử lý người Do Thái trong khu biệt lập Warsaw “vì lý do an ninh”. Tính đến ngày 3 tháng 10, Stroop báo cáo có trên 310.000 người được “tái định cư”. Nghĩa là, họ bị đưa đến trại thủ tiêu, phần lớn là vào phòng hơi ngạt tại Treblinka.
Nhưng Himmler vẫn chưa hài lòng. Khi đột xuất đến Warsaw vào tháng 1 năm 1943 và thấy vẫn còn 60.000 người Do Thái sống trong khu biệt lập, ông ta ra lệnh hoàn tất việc “tái định cư” vào ngày 15 tháng 2. Đây là một công tác khó khăn. Mùa đông khắc nghiệt và nhu cầu chuyển vận của Quân đội khiến cho lực lượng S.S. không thể tìm đủ số chuyến xe lửa cho việc “tái định cư” cuối cùng. Đến mùa xuân mới có thể thực hiện lệnh của Himmler. Dự định “hành động đặc biệt” kéo dài 3 ngày, nhưng cuối cùng, phải cần đến 4 tuần.
Việc mang đi 300.000 người giúp Đức giảm diện tích của khu biệt lập xuống chỉ còn 300 m dài và 100 m rộng. Tướng Stroop huy động xe thiết giáp, pháo, súng phun lửa và bộc phá, nhưng phải đi qua mạng cống rãnh, tầng hầm và khe hốc đan xen nhau như tổ ong tạo nên những công sự nhỏ. Người Do Thái có rất ít vũ khí, gồm súng lục và súng trường, khoảng một, hai chục súng máy mà họ mua lén từ bên ngoài, và lựu đạn tự chế. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong lịch sử của Đế chế Thứ Ba, người Do Thái chống trả Quốc xã bằng vũ khí.
Stroop có gần 2.100 quân, phân nửa là lính chính quy hoặc Waffen- S.S., còn lại là cảnh sát S.S., được hỗ trợ bởi 355 dân quân Lithuania, cảnh sát và lính cứu hỏa Ba Lan. Ngay từ đầu, họ bị bất ngờ vì sự chống trả mãnh liệt. Một xe thiết giáp và hai xe bọc thép bị cháy vì bom xăng, và Đức phải lui quân.
Đến ngày thứ năm, vì bị Himmler hối thúc, Stroop quyết định đốt cháy toàn khu vực. Người Do Thái liều chết nhảy ra từ tầng lầu cao, nếu bị gãy xương vẫn cố bò lết qua khu vực khác chứ không chịu để bị bắt.
Đến gần giai đoạn cuối, người Do Thái rút xuống hệ thống cống rãnh. Stroop tìm cách làm ngập cống nhưng người Do Thái cố ngăn chặn dòng nước. Rồi quân Đức thả bom khói xuống 183 hố ga để làm ngạt thở người Do Thái trốn lánh trong đường cống, nhưng vẫn không có kết quả.
Suốt một tháng, người Do Thái chiến đấu với lòng dũng cảm pha liều lĩnh, trong khi Stroop báo cáo về “phương pháp chiến đấu khôn ngoan và trò lừa lọc mà người Do Thái và bọn cướp áp dụng”. Đức đốt trụi thêm nhiều khu nhà vì “đây là phương pháp duy nhất và cuối cùng để ép thứ rác rưởi ấy phải lộ mặt”.
Cuối cùng, tổng cộng 56.065 người Do Thái bị thủ tiêu, kể cả 36.000 người bị bắt và bị đưa vào phòng hơi ngạt. Stroop báo cáo 16 tử thương và 90 bị thương. Có lẽ con số thật sự cao hơn nhiều, xét qua cách tác chiến dữ dội từ nhà này qua nhà khác.
“Giải pháp cuối cùng” tiếp diễn cho đến cuối cuộc chiến. Có nhiều tranh cãi về số người Do Thái bị sát hại. Theo hai binh sĩ S.S. làm nhân chứng tại Tòa án Nuremberg, Karl Eichmann ước tính con số này là từ 5 triệu đến 6 triệu.A B Con số đưa ra trong bản cáo trạng của Tòa án Nuremberg là 5,7 triệu, trùng hợp với ước lượng của Hội đoàn Do Thái Thế giới. Riêng Reitlinger đưa ra con số thấp hơn, từ gần 4,2 đến gần 4,6 triệu.71
Chú thích:
A Theo lời một trong những thuộc hạ, Eichmann nói “ông ta sẽ cười to mà nhảy xuống nấm mồ bởi vì năm triệu người sẽ là niềm thỏa mãn vô bờ cho lương tri ông ta.”70 Có lẽ ông ta sẽ không hề nhảy xuống nấm mồ hoặc cười to. Năm 1945 ông ta thoát khỏi một trại giam của Mỹ. Khi chuẩn bị in sách này, Chính phủ Do Thái loan tin đã bắt được Eichmann. (TG)
B Năm 1962, Eighman bị tòa án Do Thái tuyên bố phạm tội ác chiến tranh rồi bị treo cổ. (ND)
Vào năm 1939, có khoảng 10 triệu người Do Thái sống trên những lãnh thổ bị lực lượng của Hitler chiếm đóng. Dù theo ước lượng nào, điều chắc chắn là phân nửa số người này bị Quốc xã sát hại. Đó là hệ lụy cuối cùng và cái giá ghê gớm của sự lầm lạc mà nhà lãnh đạo Quốc xã mang đến – hoặc chia sẻ với – nhiều người đi theo ông ta.
Những thử nghiệm y học
Người Đức có một số hành động trong giai đoạn Trật tự Mới ngắn ngủi xuất phát từ tính bạo hành hơn là tính hung hãn giết người hàng loạt. Có lẽ đối với một nhà phân tâm học có sự khác biệt giữa hai tố chất này, nhưng kết quả cuối cùng của tính bạo hành mang đến số nhân mạng đứng hàng thứ nhì.
Những thử nghiệm y học của Quốc xã là một ví dụ của tính bạo hành này, vì việc sử dụng tù nhân trong trại tập trung và tù binh chiến tranh làm vật thử nghiệm chỉ tạo giá trị khoa học ít ỏi – nếu có. Dù không có đến 200 lang băm sát nhân thực hiện những cuộc “thử nghiệm”, hàng nghìn bác sĩ y khoa hàng đầu của Đế chế biết đến những hành động này. Những tài liệu cho thấy, không có ai cất tiếng phản đối công khai. Ngay cả bác sĩ giải phẫu có tiếng tăm nhất, Ferdinand Sauerbruch, dù sau này gia nhập nhóm âm mưu chống Quốc xã, cũng không có tiếng nói nào. Sauerbruch đến dự một bài giảng của hai bác sĩ kiêm sát nhân khét tiếng, Karl Gebhardt và Fritz Fisher, tại Viện Hàn lâm Quân y Berlin vào tháng 3 năm 1943 về đề tài thử nghiệm hoại tử khí trên tù nhân. Lý lẽ duy nhất của Sauerbruch trong dịp này là giải phẫu để trị hoại tử thì tốt hơn là dùng thuốc kháng sinh sulfanilamide! Sau chiến tranh, Gebhardt nhận án tử hình, còn Fisher bị án tù chung thân.
Trong những vụ giết người theo cách này, người Do Thái không phải là nạn nhân duy nhất. Các bác sĩ S.S. còn sử dụng tù binh chiến tranh Nga, tù nhân Ba Lan trong các trại tập trung, phụ nữ cũng như đàn ông, và ngay cả người Đức. Những cuộc “thử nghiệm” khá đa dạng. Tù nhân bị đặt trong buồng áp lực và chịu những thử nghiệm về độ cao cho đến khi ngừng thở. Một số khác bị chích mầm bệnh dịch hạch và sốt vàng với liều lượng gây tử vong. Nạn nhân bị đưa vào những “thử nghiệm” với nước giá lạnh hoặc phơi lõa thể ngoài trời tuyết cho đến khi chết vì tê cóng. Nạn nhân bị bắn bằng đạn chứa chất độc và cho vào buồng hơi ngạt. Phụ nữ tại trại tập trung Ravensbrueck bị gây vết thương hoại tử khí và chịu thử nghiệm ghép xương. Tù nhân tại Dachau và Buchenwald bị thử nghiệm cách sống trong nước mặn.
Thử nghiệm triệt sản được thực hiện trên diện rộng ở một số trại tập trung. Nhiều đàn ông và phụ nữ bị triệt sản; vì như một bác sĩ S.S., Adolf Pokorny, viết cho Himmler: “Không chỉ thôn tính mà còn phải triệt tiêu kẻ thù”. Nếu không thể sát hại kẻ thù vì nhu cầu lao động, thì phải ngăn chặn kẻ thù sinh sản. BS. Báo cáo với Himmler là đã tìm ra phương tiện này, cây mang tên khoa học Caladium seguinumA mà ông ta nói có hiệu lực triệt sản lâu dài. BS. Pokorny viết cho Himmler:
Chú thích:
A Cây môn cảnh, thân thảo, thuộc chi môn, ráy, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. (ND)
Chỉ với ý nghĩ ba triệu người bôn-sê-vích hiện bị Đức cầm giữ có thể bị triệt sản hầu họ có thể làm việc nhưng không thể sinh con đẻ cái mở ra những triển vọng lớn lao.72
Một bác sĩ Đức khác cũng có “những triển vọng lớn lao” là GS. BS. August Hirt, Viện trưởng Viện Giải phẫu học của Đại học Strasbourg. Ông nghiên cứu theo đường hướng khác, như ông giải thích trong một bức thư viết trong thời gian Giáng sinh năm 1941 cho Trung tướng Rudolf Brandt, phụ tá của Himmler:
Chúng tôi có bộ sưu tập lớn sọ người của hầu hết các chủng tộc. Tuy nhiên, về người Do Thái, chúng tôi có rất ít mẫu... Chiến tranh ở phía Đông cho chúng tôi một cơ hội để bù đắp phần thiếu hụt. Bằng cách kiếm thêm sọ của người Do Thái và chính ủy bôn-sê-vích đại diện cho loại ghê tởm nhưng đặc thù của chủng người hạ cấp, chúng tôi có cơ hội thu thập đủ mẫu vật khoa học.
GS. BS. Hirt không muốn nhận sọ của “người Do Thái và chính ủy bôn-sê-vích” đã chết. Ông ta đề xuất đo kích thước đầu của những người này khi họ còn sống. Rồi thì:
Sau khi gây ra cái chết mà không làm hư hỏng đầu, bác sĩ phải cắt đầu khỏi thân người và chuyển đi... trong thùng kẽm được bịt kín.
Tiếp đó, GS. BS. Hirt hứa sẽ tiến hành những việc đo đạc khoa học.73 Himmler tỏ ra hài lòng. Ông ta ra lệnh cung cấp cho GS. Hirt “mọi thứ cần thiết cho công tác nghiên cứu”.
GS. BS. Hirt được cung cấp rất đầy đủ. Nhà cung cấp thật sự là một đảng viên Quốc xã tên Wolfram Sievers, sau này ra trước Tòa án Nuremberg, có phiên xử làm chứng nhân và phiên xử khác làm bị cáo, rồi nhận án tử hình. Sievers lúc trước làm nghề bán sách, leo lên đến quân hàm Đại tá S.S. và kiêm Thư ký thường trực của Viện Nghiên cứu Di truyền, một trong những tổ chức “văn hóa” kỳ quặc mà Himmler thành lập để theo đuổi những hoang tưởng của mình. Sievers cho biết viện này có 50 “cơ sở nghiên cứu”, một trong số này là “Viện Nghiên cứu Khoa học Quân sự” mà ông cũng là người đứng đầu. Giống như nhiều nhân vật khác trong giai đoạn lịch sử này, ông ghi nhật ký rất chi tiết, và nhật ký này cùng với các thư từ đã đưa ông ta lên giá treo cổ.
Tính đến tháng 6 năm 1943, Sievers đã xử lý được 115 người, gồm 79 đàn ông Do Thái, 30 phụ nữ Do Thái, 4 Châu Á, và 2 Ba Lan. Trước Tòa án Nuremberg, Sievers được hỏi “xử lý” nghĩa là gì.
“Đo đạc nhân chủng học”, Sievers đáp.
“Trước khi họ bị sát hại, họ được đo đạc theo nhân chủng học? Chỉ thế thôi, phải không?”
“Và cũng lấy khuôn”, Sievers đáp.
Đại úy S.S. Josef Kramer khai trước tòa án của Anh:
Giáo sư Hirt... nói phải giết những người này bằng khí độc..., rồi đưa xác của họ đến Viện Cơ thể học cho ông ấy. Ông trao cho tôi một cái chai chứa khoảng một phần tư lít dung dịch muối – tôi nghĩ đó là muối cyanide – và nói cho tôi liều lượng ước chừng tôi sẽ dùng để hạ độc những tù nhân đến từ Auschwitz.
Đầu tháng 8 năm 1943, tôi tiếp nhận 8 tù nhân... Một buổi tối, tôi đi đến phòng hơi ngạt trên một chiếc xe tải nhỏ cùng với khoảng 15 phụ nữ. Tôi nói với các phụ nữ là họ phải đi vào phòng để được khử trùng... Tuy nhiên, tôi không nói cho họ biết họ sẽ bị khí độc.
Được vài binh sĩ S.S. giúp đỡ, tôi cởi bỏ quần áo họ và đẩy họ vào phòng hơi ngạt khi họ hoàn toàn khỏa thân.
Khi cánh cửa đóng lại, họ bắt đầu la hét. Tôi trút một lượng muối vào một ống... và quan sát qua ô kính những gì diễn ra bên trong. Họ thở được khoảng một phút rưỡi rồi ngã xuống sàn. Sau khi mở quạt thông gió, tôi mở cánh cửa. Tôi thấy họ nằm bất động trên sàn, người lấm bết phân.
Đại úy Kramer lặp lại quy trình cho đến khi tất cả 80 người bị giết, rồi chuyển thi thể cho Giáo sư Hirt, “theo yêu cầu”. Khi được hỏi cảm xúc của mình lúc ấy như thế nào, ông ta đáp:
Tôi không có cảm xúc khi thực hiện những việc này bởi vì tôi đã nhận lệnh giết 80 người theo phương pháp tôi kể cho các ông.
Nhân tiện, đó là cách tôi đã được huấn luyện.74
Trước đó, Kramer đã can dự vào việc giết người tại các trại Auschwitz, Mauthausen, Dachau và những trại khác. Ông ta nhận án tử hình của tòa án Anh.
Một nhân chứng khác mô tả việc kế tiếp. Tên anh là Henry Herypierre, người Pháp, làm trợ lý phòng thử nghiệm cho Giáo sư Hirt cho đến khi quân Đồng Minh tiến vào.
Đợt vận chuyển đầu tiên là thi thể của 30 phụ nữ... vẫn còn ấm khi đến nơi. Mắt họ mở to và long lanh... Có vết máu quanh mũi và miệng. Không thấy rõ dấu hiệu co cứng tử thi.
Herypierre nghi họ đã bị sát hại, và lén ghi lại số tù xăm trên cánh tay trái của họ. Có thêm hai đợt vận chuyển gồm 56 thi thể đàn ông, với cùng tình trạng. Các thi thể được ngâm trong rượu dưới sự chỉ dẫn chuyên nghiệp của BS. Hirt. Nhưng ông này tỏ ra lo lắng trong cả vụ việc. Ông bảo Herypierre: “Henry, nếu anh không giữ kín miệng, anh sẽ như họ.”
Nhưng GS. BS. Hirt vẫn tiến hành công việc. Đến lúc quân Mỹ và Pháp đang tiến đến gần Strasbou crg, Hirt yêu cầu phải có “chỉ thị đối với bộ sưu tập”. Thay mặt Hirt, Sievers báo cáo về tổng hành dinh:
Có thể lóc thịt các thi thể và qua đó không thể nhận dạng được. Tuy nhiên,... bộ sưu tập độc đáo này mất giá trị khoa học vì sau đó không thể đúc khuôn.
Bộ sưu tập xương như thế không gây chú ý. Có thể khai phần thịt là do người Pháp để lại vào thời gian ta tiếp quản Viện Cơ thể họcA...
Chú thích:
A Sau khi nước Pháp sụp đổ năm 1940, Đức sáp nhập vùng Alsace và tiếp quản Đại học Strasbourg. (TG)
Trong bầu không khí nín lặng của phiên tòa Nuremberg, công tố viên người Anh hỏi: “Nhân chứng, tại sao ông muốn lóc thịt các thi thể? Tại sao ông đề xuất đổ lỗi cho người Pháp?”
“Vì là người không chuyên môn, tôi không thể có ý kiến về việc này. Tôi chỉ truyền đạt lại câu hỏi của Giáo sư Hirt. Tôi không can dự gì vào việc sát hại những người này. Tôi chỉ thực hiện chức năng của người phát bưu kiện.”
Công tố góp ý: “Ông là nhân viên bưu điện, một trong những nhân viên bưu điện Quốc xã trá hình, phải không?”
Đó là một trong những cách biện hộ sơ hở của nhiều đảng viên Quốc xã tại các phiên xử, và lần này, cũng như những lần khác, công tố viên bắt bẻ được.75
Tài liệu của S.S. tịch thu được cho thấy vào ngày 26 tháng 10 năm 1944, Sieves báo cáo:
Bộ sự tập ở Strasbourg đã được hòa tan hoàn toàn theo chỉ thị. Cách thức này là tốt nhất xét qua tình hình tổng thể.76
Herypierre mô tả cách thức phi tang:
Vào tháng 9 năm 1944, quân Đồng Minh tiến đến Belfort, và Giáo sư Hirt ra lệnh Bong và Maier cắt các xác chết làm nhiều mảnh rồi đốt trong lò thiêu... Ngày hôm sau, tôi hỏi Maier có cắt tất cả các xác hay không, nhưng Bong trả lời: “Chúng tôi không thể cắt tất cả các xác, công việc quá nhiều. Chúng tôi để một số xác trong nhà kho.”
Khi những đơn vị của Đại Quân đoàn Thứ Bảy của Mỹ, được Sư đoàn Cơ giới 2 của Pháp dẫn đầu, tiến vào Strasbourg một tháng sau, họ tìm thấy các xác chết ở nhà kho.77
Người ta không thể tìm ra tung tích của GS. BS. Hirt. Khi ông ta rời Strasbourg, có người nghe ông ta khoe khoang rằng sẽ không ai bắt sống được mình. Dường như không ai bắt được ông ta – sống hoặc chết.A
Chú thích:
A Sau khi trốn khỏi Strasbourg tháng 9 năm 1944, August Hirt ẩn mình ở Tübingen, miền nam nước Đức. Ngày 2 tháng 6 năm 1945, ở tuổi 47, ông tự tử. Ngày 23 tháng 12 năm 1953, khi xử vắng mặt ông rồi tuyên án tử hình do tội ác chiến tranh, Tòa Quân sự Tội ác Chiến tranh họp ở Metz không biết ông đã tự tử. (https://en.wikipedia.org/wiki/August_Hirt) (ND)
Không chỉ xương, mà da người cũng được các chủ nhân ông của Trật tự Mới sưu tập, nhưng trong trường hợp này không thể viện dẫn mục đích nghiên cứu khoa học. Da của tù nhân trong trại tập trung chỉ có giá trị trang trí sau khi được xử lý một cách ghê rợn. Da người được dùng làm chụp đèn, vài chụp đèn như thế được làm theo lệnh cụ thể của Ilse Koch, vợ của chỉ huy trưởng trại Buchenwald. Bà này có quyền quyết định sống còn đối với tù nhân tại Buchenwald, và cơn bốc đồng của bà có thể mang đến sự trừng phạt khủng khiếp cho tù nhân. Trước Tòa án Nuremberg, bà nhận án tù chung thân, nhưng được giảm án còn 4 năm, rồi được trả tự do sớm. Đến năm 1951, tòa án Đức phạt bà án tù chung thân vì tội giết người. Chồng bà chịu án tử hình.
Da có hình xăm được săn lùng nhiều nhất. Một cựu tù nhân người Đức, Andreas Pfaffenberger, viết tờ khai làm chứng cho Tòa án Nuremberg:
... Tất cả tù nhân có hình xăm trên da được lệnh trình diện tại trạm xá... Sau khi xem xét, người có hình xăm đẹp nhất bị giết bằng cách tiêm thuốc độc. Thi thể được chuyển đến phòng bệnh lý, phần da có hình xăm được lột ra và xử lý tiếp. Sản phẩm được giao cho vợ của Koch, được bà này gắn lên chụp đèn và những món trang trí trong nhà.78
Ở trại tập trung Dachau, yêu cầu về da người vượt quá nguồn cung. Một tù nhân người Séc, BS. Frank Bláha, khai trước Tòa án Nuremberg:
Đôi lúc chúng tôi không có đủ xác người còn da tốt, nên BS. Rascher nói: “Được rồi, chúng ta sẽ nhận được xác.” Ngày kế, chúng tôi nhận được 20 đến 30 xác người trẻ. Hẳn họ đã bị bắn vào cổ hoặc đánh vào đầu, để bộ da không mang thương tích... Phải lấy da từ tù nhân mạnh khỏe và không có khuyết tật.79
BS. Sigmund Rascher chịu trách nhiệm về những nghiên cứu ý khoa bạo tàn hơn. Vào mùa xuân 1941, khi tham dự một khóa học y khoa đặc biệt do Không quân tổ chức, ông nảy ra sáng kiến. Rascher yêu cầu Himmler cung cấp tội nhân để mình thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của độ cao đối với phi công.80 Báo cáo kết quả của ông cùng báo cáo của những người khác được trình ra trước Tòa án Nuremberg.
BS. Rascher mang một buồng hạ khí áp của Không quân tại Munich đến trại tập trung Dachau, nơi cung cấp tù nhân làm vật thử nghiệm. Không khí bên trong được bơm ra để mô phỏng lượng khí oxy và áp suất không khí trên cao. Rồi BS. Rascher quan sát và ghi lại trong báo cáo:
Thử nghiệm thứ ba là không có khí oxy ở độ cao tương đương 8.960 mét, được thực hiện trên một người Do Thái 37 tuổi có thể chất tốt nói chung. Hô hấp tiếp tục trong 30 phút. Sau 4 phút, người thử nghiệm bắt đầu đổ mồ hôi...
Sau 5 phút, triệu chứng co giật xuất hiện; giữa phút thứ 6 và thứ 10... người thử nghiệm bất tỉnh. Từ phút thứ 11 đến phút thứ 13, hô hấp giảm còn 3 lần hít vào mỗi phút, rồi dứt hẳn vào cuối thời gian này... Khoảng nửa giờ sau khi ngừng thở, việc khám nghiệm tử thi bắt đầu.81
Một tù nhân người Áo, Anton Pacholegg, làm việc cho văn phòng của BS. Rascher, mô tả những “thử nghiệm” có mức độ kém khoa học hơn:
Qua cửa sổ quan sát chính mắt tôi thấy phòng hạ áp khi tù nhân bên trong chịu đựng chân không cho đến khi phổi anh ta bị vỡ... Họ trở nên điên loạn, giật tóc nhằm giải tỏa áp suất. Họ lấy tay cào cấu đầu và mặt... Họ đấm và húc đầu vào tường, la hét để giải tỏa áp suất trong màng tai. Các trường hợp này thường dẫn đến cái chết.82
Khoảng 200 tù nhân bị mang ra thử nghiệm như thế. Theo lời cung khai, 80 người trong số này chết trong khi thử nghiệm, số còn lại bị hành quyết để bịt miệng.
Dự án nghiên cứu này được hoàn tất vào tháng 5 năm 1942. Lúc này, Thống chế Erhard Milch, Phó Tư lệnh Không quân, gửi lời “cảm ơn” của Goering đến Himmler về thử nghiệm có tính tiên phong của BS. Rascher. Ít lâu sau, ngày 10 tháng 10 năm 1942, Trung tướng BS. Hippke, Thanh tra Quân y của Không quân gửi đến Himmler “nhân danh y học và nghiên cứu hàng không Đức” lời cảm tạ về “những thử nghiệm Dachau”. Tuy nhiên, ông nghĩ có một sơ sót: không xét đến nhiệt độ rất lạnh mà phi công phải trải qua ở độ cao. Để khắc phục sai sót này, ông thông báo với Himmler rằng Không quân đang xây một buồng giảm khí áp “được trang bị thiết bị làm lạnh hoàn toàn và ở độ cao 33.000 m... Những thử nghiệm trong nhiệt độ lạnh đang được tiến hành tại Dachau.”83
Một lần nữa, BS. Rascher đi tiên phong. Nhưng một số bác sĩ đồng nghiệp của ông ta cảm thấy băn khoăn. Làm công việc của BS. Rascher có hợp với tín đồ Cơ Đốc không? Vài bác sĩ quân y của Không quân bắt đầu tỏ ra ngờ vực. Khi nghe nói đến việc này, Himmler nổi giận và lập tức viết cho Thống chế Milch, phản đối về những khó khăn do “nhóm quân y Cơ Đốc” gây ra. Ông ta van nài Milch cho Rascher rời ngành quân y của Không quân để chuyển đến lực lượng S.S.. Ông đề nghị tìm “bác sĩ không phải là tín đồ Cơ Đốc, có danh dự của một nhà khoa học.”
Những “thử nghiệm đông lạnh” của BS. Rascher gồm hai loại: thứ nhất, xem con người có thể chịu lạnh được đến đâu trước khi chết; thứ hai, tìm phương pháp tốt nhất để làm cơ thể ấm lại sau khi sống trong nhiệt độ rất lạnh. Rascher nộp nhiều báo cáo cho Himmler. Một trong những thử nghiệm đầu tiên được thực hiện ngày 10 tháng 9 năm 1942.
Người thử nghiệm mang bộ áo phi công đầy đủ được nhúng vào nước. Một áo phao giữ họ không bị chìm. Thử nghiệm được thực hiện ở nhiệt độ nước từ 36,5 đến 53,5 độ Fahrenheit [2,5 đến 12 độ Celsius]...
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy tầm quan trọng của bộ áo phi công có chức năng làm ấm đầu và cổ để bảo vệ phi công, hiện đang được triển khai.84
Một bảng trình bày sáu “Trường hợp Tử vong” liệt kê nhiệt độ nước, nhiệt độ cơ thể khi mang ra khỏi nước, nhiệt độ cơ thể khi chết, thời gian ngâm trong nước và thời gian sống sót. Người khỏe nhất chịu được 100 phút trong nước đá, người yếu nhất 43 phút.
Walter Nef, một tù nhân giúp việc cho BS Rascher, khai trước “Phiên tòa xử Bác sĩ” ở Nuremberg:
... Hai sĩ quan Nga được mang ra từ trại tù binh. Rascher bắt họ cởi quần áo và họ phải khỏa thân đi vào một chum nước. Trong khi bình thường chậm nhất 60 phút là bị bất tỉnh, hai người trong cái chum còn sống sau 2 giờ rưỡi. Rascher bác bỏ mọi lời họ cầu xin được chích thuốc cho ngủ yên giấc. Sau 3 giờ, một người nói với người kia: “Đồng chí, hãy nói với tên sĩ quan bắn chúng ta đi.” Người kia trả lời rằng ông không muốn nhận ân huệ từ con chó phát-xít. Hai người bắt tay nhau với câu nói “Vĩnh biệt, Đồng chí”... Một anh trai trẻ Ba Lan định cho hai người ngửi thuốc mê chloroform, nhưng Rascher cầm súng đe dọa chúng tôi... Thử nghiệm kéo dài ít nhất 5 tiếng đồng hồ họ mới chết.85
Người chỉ đạo của những thử nghiệm nước lạnh ban đầu là BS. Holzloehner, Giáo sư Y khoa tại Đại học Kiel, được BS. Finke phụ tá, và sau khi làm việc với Rascher, họ tin rằng đã thử nghiệm hết những tình huống. Vì thế, ba người soạn một báo cáo tối mật cho Không quân có tựa đề “Thử nghiệm điều kiện giá lạnh trên con người” và triệu tập một buổi hội thảo tại Nuremberg vào hai ngày 26-27 tháng 10 năm 1942 để công bố và thảo luận kết quả. Chủ đề của buổi hội thảo là “Những Vấn đề Y khoa trong những Tình huống Khẩn cấp trên Biển và Mùa đông”. Thành viên tham dự gồm có 95 nhà khoa học của Đức, kể cả vài người có tiếng tăm trong ngành. Dù ba nhà nghiên cứu nêu rõ rằng nhiều người đã mất mạng trong các thử nghiệm, không ai đặt câu hỏi nào và không ai phản đối gì cả.
Lúc này, GS. Holzloehner và BS. Finke xin rút khỏi cuộc thử nghiệm. Holzloehner có lẽ có mặc cảm tội lỗi, vì khi bị quân Anh bắt, ông tự tử sau vòng thẩm vấn đầu tiên. BS. Rascher còn tiếp tục cho đến năm 1943, loại thử nghiệm mà ông ta gọi là “lạnh khô”. Ông ta yêu cầu Himmler dời cơ sở thử nghiệm đến Auschwitz nhưng vì lý do nào đấy không được chấp thuận. Khi mùa đông đến vào đầu năm 1943, ông ta báo cáo với Himmler:
Cảm ơn Thượng Đế, chúng tôi có một đợt rét đậm ở Dachau. Vài người ở ngoài trời trong 14 tiếng đồng hồ với nhiệt độ 21 độ F [-6 độ C], đạt nhiệt độ bên trong [cơ thể] 77 độ F [25 độ C], với triệu chứng cóng lạnh ngoại vi...86
Nhân chứng Neff khai trong “Phiên tòa xử Bác sĩ”:
Một tù nhân khỏa thân được đặt trên một cái cáng để bên ngoài doanh trại vào buổi tối. Người ông được phủ một tấm vải, và cứ mỗi giờ, một chậu nước lạnh được tưới lên người. Người thử nghiệm được để ngoài trời như thế cho đến sáng...
Sau đó, BS. Rascher nói điều sai lầm là phủ đối tượng bằng một tấm vải... Trong tương lai, không được che phủ người thử nghiệm...
Khi tù nhân bị lạnh cóng dần, BS. Rascher và cộng sự đo nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, v.v... Neff giải thích trong phiên tòa:
Khởi đầu BS. Rascher cấm thực hiện thử nghiệm trong tình trạng bị gây mê. Nhưng người thử nghiệm gây huyên náo đến nỗi phải có thuốc mê thì BS. Rascher mới làm thử nghiệm được.87
Người thử nghiệm bị bỏ mặc cho đến chết trong thùng chứa nước lạnh hoặc trên nền đất ngoài trời tại Dachau. Nếu họ còn sống, họ sẽ bị hành quyết. Nhưng những phi công và thủy thủ có thể gặp nguy cấp trên Bắc Băng Dương hoặc Bắc Cực lạnh giá cần được cấp cứu. Vì thế, BS. Rascher tiếp tục sử dụng người để thực hiện “thử nghiệm làm ấm”. Himmler đề nghị “làm ấm bằng hơi nóng thú vật”. Lúc đầu, Rascher tỏ ý nghi ngờ, nhưng rồi bắt đầu một số “thử nghiệm” kinh tởm nhất, ghi chép mọi chi tiết. Bốn nữ tù nhân được chọn từ trại tập trung Ravensbrueck, nhưng có một người làm nghề bán dâm. Khi Rascher dạy bảo cô này bán dâm là đáng hổ thẹn, cô đáp: “Thà nửa năm trong khách sạn bán dâm còn hơn là nửa năm trong trại tập trung.” Rashcer từ chối sử dụng cô chỉ vì cô thuộc chủng tộc Bắc Âu chứ không phải thuộc chủng người hạ đẳng.88 Ông ta chọn những người khác có màu tóc sậm hơn và mắt ít xanh hơn.
Ông trình bày kết quả trong một báo cáo “Mật” gửi cho Himmler ngày 12 tháng 2 năm 1942:89
Người thử nghiệm được làm lạnh theo cách thức quen thuộc. Khi nhiệt độ đo ở hậu môn xuống đến 300C, họ được mang ra.
Người thử nghiệm được đặt giữa hai phụ nữ khỏa thân trên một cái giường rộng. Những phụ nữ được chỉ thị phải ôm người bị lạnh càng chặt càng tốt. Cả ba người được phủ bằng chăn...
Một khi người thử nghiệm tỉnh lại, họ không bao giờ bất tỉnh nữa... Nhiệt độ cơ thể tăng lên theo tốc độ tương đương với người thử nghiệm được làm ấm trong những lớp chăn dạ... Một ngoại lệ được ghi nhận khi 4 người thực hiện giao hợp ở nhiệt độ 30 đến 320C. Sau khi giao hợp, nhiệt độ của 3 người tăng nhanh, tương đương với việc ngâm vào nước nóng.
Theo lời khai trước phiên tòa, khoảng 400 “thử nghiệm” được thực hiện trên 300 người, từ 80 đến 90 người trong bọn họ chết ngay trong lúc thử nghiệm, những người còn lại trừ một số ngoại lệ bị thủ tiêu, một số người hóa điên. BS. Rascher không có cơ hội khai trước tòa. Quân S.S. bắt ông ta và bà vợ vì tội khai man do Himmler tin rằng bà bắt đầu sinh ba đứa con ở tuổi 48 trong khi thật ra bà ta bắt cóc con người khác để nuôi. Vì thế, BS. Rascher bị đưa vào trại Dachau mà ông ta quen thuộc, còn bà vợ vào trại Ravensbrueck, nơi chồng bà ta tiếp nhận gái bán dâm cho những thử nghiệm của mình. Cả hai người đều không sống sót, và người ta tin rằng chính Himmler ra lệnh thủ tiêu họ. Họ có thể là những nhân chứng gây phiền hà.
Một số nhân chứng gây phiền hà như thế sống sót sau chiến tranh. Bảy người trong bọn họ bị xử tử hình bằng cách treo cổ, cho đến phút cuối vẫn biện hộ những thử nghiệm chết người của họ là do hành động yêu nước, để phục vụ Tổ quốc họ. BS. Herta Oberheuser, phụ nữ duy nhất trong “Phiên tòa xử Bác sĩ”, thú nhận đã chích thuốc độc cho “năm hoặc sáu” phụ nữ Ba Lan trong số hàng trăm người chịu nhiều cách “thử nghiệm” khác nhau tại trại Ravensbrueck.
Một số bác sĩ được tha bổng, trong đó có Pokorny, người muốn triệt sản kẻ thù.
Vài người tỏ ra ăn năn. BS. Edwin Katzenellenbogen, lúc trước ở trong ban giảng huấn của Trường Y khoa Harvard, xin tòa tuyên án tử hình. Ông nói: “Bất kỳ bác sĩ nào phạm cái tội mà tôi bị quy kết thì đáng bị tử hình.” Ông bị án tù chung thân.90
Heydrich chết và Lidice bị xóa sổ
Khi cuộc chiến đi được nửa thời gian, có một sự trả thù chống lại chủ nhân côn đồ của Trật tự Mới vì đã sát hại các dân tộc bị chinh phục. Reinhard Heydrich, Chỉ huy trưởng Cảnh sát An ninh và S.D., Chỉ huy phó Mật vụ, chịu một cái chết tàn khốc.
Luôn có tham vọng về quyền lực và bí mật mưu đồ lật đổ thủ trưởng Himmler, Heydrich vẫn cố xoay xở để nhận thêm chức Quyền Bảo quốc Bohemia và Moravia. Bảo quốc Neurath nghỉ ốm vô thời hạn từ tháng 9 năm 1941 theo lệnh của Hitler, và Heydrich thay Neurath ngồi vào chiếc ghế của những vị vua Bohemien tại Lâu đài Hradschin ở Prague. Nhưng không được lâu.
Vào buổi sáng 29 tháng 5 năm 1942, khi ông đi trên chiếc Mercedes thể thao mui trần từ ngôi biệt thự đồng quê để đến làm việc ở tòa lâu đài, một quả bom được ném vào xe, phá tan chiếc xe thành nhiều mảnh và phá nát cột sống của ông. Hai thủ phạm là người Séc, Jan Kubis và Josef Gabeik, thuộc quân đội lưu vong Tiệp Khắc tại Anh, nhảy dù từ một máy bay của Không quân Hoàng gia Anh. Các tu sĩ của dòng Karl Borromaeus ở Prague che chở cho hai người lẩn trốn.
Heydrich chết vì vết thương ngày 4 tháng 6, và Đức mở chiến dịch dã man để trả thù. Theo một báo cáo của Mật vụ, 1.331 người Séc kể cả 201 phụ nữ bị xử tử lập tức.91 Lực lượng S.S. bao vây rồi hạ sát hai người ném bom cùng 120 chiến sĩ kháng chiến Séc lẩn trốn trong nhà thờ Karl Borromaeus. Vào ngày mưu sát, Goebbels ra lệnh bắt giữ 500 người Do Thái ở Ba Lan, và vào ngày Heydrich chết, 152 người trong số này bị hành quyết để “trả đũa”.
Nhưng trong số mọi hệ lụy từ cái chết của Heydrich, có lẽ thế giới văn minh sẽ nhớ lâu nhất đến ngôi làng nhỏ bé Lidice bên cạnh thị trấn hầm mỏ Kladno gần Prague. Một cuộc tàn sát dã man xảy ra ở ngôi làng nông thôn an bình này, chỉ dựa trên lý do duy nhất là dạy cho một dân tộc bị thôn tính một bài học vì đã dám lấy đi sinh mạng của một quan chức cai trị.
Buổi sáng 9 tháng 6 năm 1942, mười chiếc xe tải chở đầy cảnh sát an ninh Đức dưới quyền chỉ huy của Đại úy Max Rostock đến bao vây ngôi làng. (Sau này Rostock bị xử tử.) Không ai được đi ra, tuy nhiên, người nào ở đấy đi ra được thì có thể trở vào. Một cậu bé 12 tuổi vì hoảng sợ cố chạy ra ngoài, bị bắn chết. Một phụ nữ nông dân chạy ra cánh đồng bên ngoài bị bắn chết. Tất cả đàn ông bị nhốt trong nhà kho, chuồng gia súc và tầng hầm của một nông dân tên Horak, cũng là xã trưởng.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm cho đến 4 giờ chiều, từng tốp 10 người bị dẫn ra khu vườn phía sau nhà kho, và bị cảnh sát an ninh hành quyết. Tổng cộng có 172 đàn ông và bé trai bị bắn ở đây. Thêm 19 dân làng đang làm việc trong hầm mỏ Kladno sau đó bị bố ráp và giải đến Prague.
Bảy phụ nữ bị đưa đến Prague để chịu hành quyết. Những phụ nữ sống trong ngôi làng, gồm 195 người, bị mang đến trại tập trung Ravensbrueck ở Đức, cuối cùng, 7 người vào phòng hơi ngạt, 3 “biến mất” và 42 chết vì bị đối xử tệ hại. Bốn phụ nữ Lidice đang mang thai được đưa đến bệnh viện phụ sản, trẻ sơ sinh bị giết, rồi các bà mẹ được đưa trở lại Ravensbrueck.
Phải ghi nhận là người Đức không bắn trẻ em của Lidice, những đứa trẻ giờ đây có cha bị giết và mẹ bị vào tù. Chúng được đưa đến một trại tập trung tại Gneisenau. Tổng cộng có 90 em, và trong số này 7 em dưới một tuổi, được Quốc xã chọn sau khi các “chuyên gia chủng tộc” của Himmler xem xét, để được đưa đến Đức, được nuôi dưỡng thành người Đức dưới tên họ Đức. Sau này, những đứa trẻ khác đều bị xử lý.
Chính phủ Tiệp Khắc trình cho Tòa án Nuremberg một báo cáo chính thức về vụ Lidice, kết luận: “Không có dấu vết gì của trẻ em.”
May thay, sau này có một số dấu vết được tìm ra. Tôi còn nhớ vào mùa thu 1945, tôi được đọc trên báo chí ở vùng do Đồng Minh kiểm soát bài báo mà các bà mẹ sống sót nhờ đăng tải, kêu gọi dân Đức giúp thông báo tung tích của con cái họ. Có 17 em được tìm ra và được đưa về cho các bà mẹ ở Tiệp Khắc.
Còn lại, ngôi làng Lidice bị xóa sạch. Sau khi hành quyết mọi đàn ông và giải đi tất cả phụ nữ và trẻ em, cảnh sát an ninh đốt trụi ngôi làng, đặt chất nổ phá tan đống đổ nát rồi san phẳng.
Dù trở thành điển hình của sự tàn bạo của Quốc xã, Lidice không phải là ngôi làng duy nhất chịu kết cục dã man như thế. Có một làng khác, Lezhaky ở Tiệp Khắc, và có thêm vài làng ở Ba Lan, Liên Xô, Hy Lạp và Nam Tư. Ngay cả ở Tây Âu, Đức lặp lại những điển hình đó, tuy trong phần lớn trường hợp – như làng Televaag ở Na Uy – đàn ông, phụ nữ và trẻ em chỉ được đưa đến trại tập trung, còn tất cả nhà cửa của ngôi làng đều bị san phẳng.
Nhưng vào ngày 10 tháng 6 năm 1944, thiếu 1 ngày là chẵn 2 năm sau vụ Lidice, một vụ tàn sát xảy ra tại làng Oradour-sur-Glane, gần Limoges. Một toán binh sĩ thuộc Sư đoàn Das Reich của S.S., đã khét tiếng vì bạo lực ở Liên Xô, đến bao vây ngôi làng và ra lệnh cư dân tập trung tại quảng trường trung tâm. Binh sĩ S.S. nói với họ rằng có tin báo chất nổ được cất giấu trong ngôi làng, họ sẽ lục soát và kiểm tra giấy tờ của cư dân. Rồi họ giam tất cả 652 người, lùa đàn ông vào các nhà kho, phụ nữ và trẻ em vào nhà thờ. Rồi cả ngôi làng bị thiêu rụi. Những đàn ông nếu không chết cháy thì bị bắn chết. Quân Đức cũng bắn phụ nữ và trẻ em trong nhà thờ, rồi nổi lửa đốt nhà thờ. Ba ngày sau, Giám mục địa phận Limoges tìm thấy xác cháy thành than của 15 trẻ em chất thành đống phía sau bục hành lễ.
Vào năm 1953, một tòa án quân sự Pháp xác nhận có 642 người – gồm 245 phụ nữ, 207 trẻ em và 190 đàn ông – bị tàn sát. Mười người sống sót. Dù bị phỏng nặng, họ đã giả chết và thoát được.
Tòa án tuyên 20 bản án tử hình cho nhóm binh sĩ S.S. nhưng chỉ thi hành án đối với 2 người, giảm án cho 18 người còn lại thành những án tù từ 5 đến 12 năm. Trung tướng S.S. Heinz Lammerding, Tư lệnh Sư đoàn Das Reich, bị án tử hình vắng mặt. Theo tôi được biết, không bao giờ người ta tìm được ông ta. Chỉ huy nhóm binh sĩ tại Oradour- sur-Glane, Thiếu tá Otto Dickman, tử trận tại Normandy vài ngày sau khi gây ra vụ việc.
Giống như Lidice, Oradour-sur-Glane không bao giờ được xây dựng lại. Đống tro tàn đổ nát vẫn là đài kỷ niệm của Trật tự Mới của Hitler ở Châu Âu. Khung nhà thờ bị cháy nổi bật giữa vùng đồng quê yên bình như để nhắc nhở về một ngày tháng 6 đẹp trời, ngay trước mùa thu hoạch, khi cư dân bất ngờ bị thảm sát. Ở một khung cửa sổ có một biển đề: “Madame Rouffance, người sống sót duy nhất tại nhà thờ, trốn thoát qua cửa sổ này.” Trước tấm biển là hình tượng Chúa Jesus gắn trên một cây thánh giá nhỏ đã gỉ sét.
Như đã ghi ở đầu chương này, đấy chỉ là những khởi đầu cho Trật tự Mới của Hitler; là phần mới nổi của Đế chế Côn đồ Quốc xã ở Châu Âu. May thay cho nhân loại, Trật tự Mới bị tiêu diệt sau khi mới khởi phát – không phải do nhân dân Đức nổi lên chống lại sự bạo tàn, mà do quân Đức thất trận và tiếp theo là Đế chế Thứ Ba sụp đổ.