Rất nhiều bạn bè quan tâm đến việc làm sao để cơ thể luôn khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, giữ sắc đẹp và sự trẻ trung một cách lâu dài. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân, mà tôi đã kiên trì thực hiện nhiều năm qua.
1. Chế độ sinh hoạt
Cố gắng sống điều độ, ngủ từ 7– 8 tiếng mỗi ngày (nhưng không quá 9 tiếng). Đi ngủ được lúc trước 11 giờ đêm là tốt nhất. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, vì thiếu ngủ sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Thiếu ngủ triền miên là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh tật, kể cả ung thư. Cố gắng xen kẽ các hoạt động khác nhau trong ngày.
2. Chế độ luyện tập
Tôi tập mỗi tuần tối đa 5 lần, mỗi lần khoảng 10 đến 30 phút, tùy hứng với mọi thứ: yoga, suối nguồn tươi trẻ, đi bộ nhanh, bơi, aerobic (theo các bài trên internet)... Có dịp ra biển, tôi tập trò chơi nước.
3. Chế độ ăn uống
Đây là điều khó khăn nhất khi thực hiện, và đòi hỏi nghị lực lâu dài. Chế độ ăn của tôi như sau:
• Ăn sáng:
Ta vẫn đọc, nghe đâu đó, và biết rằng bữa ăn sáng rất quan trọng với sức khỏe. Nhưng ăn như thế nào là tốt, có lẽ nhiều người chưa biết. Truyền thống ăn uống của Việt Nam: sáng làm bát phở, hoặc tô hủ tiếu, bùn bò..., thêm cốc café, được cho là tốt. Có thật vậy không? Ta hãy xem kỹ thành phần của bữa ăn sáng đó một tô phở chứa: tí tẹo bánh phở (làm từ bột tinh luyện, có thể chứa rất nhiều hóa chất dùng để bảo quản, hoặc làm dai sợi), còn lại là mỡ và thịt. Có vẻ nó chỉ cung cấp những thứ mà cơ thể đã quá thừa thãi: bánh phở sẽ được chuyển hóa ngay thành đường, còn thịt, mỡ... – lại được chất tiếp vào kho mỡ và đạm đã dư thừa của cơ thể.
Vậy bữa sáng của tôi thế nào? Đó là câu hỏi tôi nhận được từ rất nhiều bạn bè, nên tôi xin chia sẻ.
Mục 1: trước tiên, tôi uống 30 – 45 ml dầu dừa tươi lạnh. Sau 15–30 phút, uống 1 cốc nước xay, bao gồm 2–3 múi bưởi, 1 khúc nghệ và 1 khúc gừng (dài khoảng 5cm), 3 tép tỏi (không bắt buộc) 200–300 ml nước, lọc đi rồi vắt vào 1–2 quả chanh, cho thêm 1 ít cayenne pepper, uống 30 phút trước khi ăn sáng. Nếu ngại xay, các bạn có thể chỉ dùng nước trắng vắt chanh vào, cho thêm bột gừng, bột nghệ và cayenne pepper, pha thêm chút nước nóng cho nó hơi ấm vừa uống.
Mục 2: một đĩa rau củ sống (10 quả cà chua bi, 1 quả dưa leo, nếu có thêm salad thì càng tốt...) và/hoặc trái cây tươi. Nếu chỉ ăn trái cây thì đĩa trái cây đại khái sẽ bao gồm: nửa quả ổi to, 1/3 quả thanh long hoặc 1 quả táo + 1 quả cam...
Mục 3: một bắp ngô luộc (được thay đổi bằng các loại khoai và sắn).
Mục 4: một cốc sữa chua không đường (nếu mua được các loại hạt như hạt bí, hướng dương, hạt dưa...) thì tôi trộn độ 2 thìa (để sống chứ không rang) vào ăn cùng với sữa chua.
Mục 5: một cốc sữa làm từ đậu (tôi dùng tất cả các loại đậu xanh, đỏ, vàng, trắng..., mỗi ngày một loại), có thể thay thế bằng bột Flaxseed hoặc hạt Chia.
Mục 6: trà thảo dược (sả, gừng, bạc hà). Tôi chỉ uống trà xanh sau khi ăn ít nhất 1 tiếng.
Khi đọc, các bạn có thể thấy phát khiếp, và hỏi rằng: “Làm sao mà ăn được lắm thế”. Tôi xin trả lời: với tôi, có lẽ thế mới đủ chất, vì nếu ăn ít hơn, tôi sẽ thấy đói sau chỉ độ 3 tiếng. Khẩu phần ăn như trên đảm bảo cho cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, lại loại trừ được quá nhiều đạm động vật và chất béo. Khi bắt đầu đổi sang ăn chế độ này, bạn nên tăng dần một cách từ từ, để khỏi bị “bội thực” nhé.
Một lợi ích nữa là nó khá rẻ tiền so với bữa ăn sáng truyền thống.
• Ăn trưa và tối:
Bao giờ tôi cũng bắt đầu bằng món salad trộn dầu olive loại extra virgin (mỗi ngày tôi ăn ít nhất 50 ml dầu này và quãng 60 ml dầu dừa – trong đó uống 45 ml và nấu 15 ml). Tôi ăn sống và trộn salad tất cả các loại rau củ: su hào, bắp cải, bí xanh hoặc đỏ, củ cải, súp lơ, khổ qua, rau má... Khi tự nấu, tôi ăn gạo lứt, rất ít ăn thịt đỏ, ăn nhiều cá (đủ loại), và các loại gà (gà ta, gà tây không bỏ da). Mỗi tuần tôi ăn 5–6 quả trứng: chọn trứng tốt, đun sôi nước rồi tắt lửa, ngâm vào nước đó 3 phút (bằng cách đó, các loại enzyme trong trứng còn nguyên vẹn, giúp cơ thể hấp thụ tốt dưỡng chất). Tất nhiên, mỗi tuần, tôi vẫn tự cho phép mình vài lần ăn bất cứ cái gì mình thích, hoặc ra ngoài ăn với bạn bè. Khi đi chơi, tôi cố gắng thuê những căn hộ có bếp để có thể tự nấu nướng (vừa rẻ lại vừa tiện lợi). Nếu ở khách sạn, thì đành phải ăn bất cứ cái gì có thể. Tôi vẫn cho phép mình thưởng thức của ngon vật lạ ở các nơi (chẳng dại gì mà bỏ qua), nhưng sau mỗi bữa ngon, tôi hay nhịn (hoặc chỉ ăn rau, trái cây) độ 2 – 3 bữa kế tiếp.
• Ăn bữa cuối trong ngày trước khi đi ngủ ít nhất 3 tiếng.
• Tôi uống thường xuyên uống các loại trà thảo dược như: hoa cúc, Atisô, nhầu, râu bắp, tâm sen, hoa hồng...
4. Thải độc:
• Thải độc sâu cơ bản: mỗi năm tôi làm 1–2 lần, mỗi lần khoảng từ 7–10 ngày. Tôi làm theo công thức Master Cleanse xen lẫn với uống nước trái cây pha loãng.
• Thải độc gan (Liver Flush): từ 2013 đến nay, tôi làm mỗi tháng một lần, đến nay tổng cộng đã được khoảng 40 lần.
• Rửa ruột bằng nước muối biển (theo công thức tôi đã làm ở trên).
• Giải quyết nhanh những trục trặc về tiêu hóa: nếu thấy cơ thể có vẻ nặng nề, hoặc bụng dạ có vấn đề, tôi thường nhịn các đợt ngắn từ 1–3 ngày, uống nước trái cây pha loãng (cam, bưởi, chanh, cà chua, cà rốt...). Không nên pha lẫn các loại nước củ với nước trái cây, vì hai loại này có thời gian tiêu hóa khác nhau, dẫn tới hiện tượng trái cây bị kéo dài thời gian tiêu hóa, dễ lên men trong đường ruột. Ai có điều kiện cũng nên ăn trái cây trước các loại khác 1 tiếng, hoặc sau khi ăn các loại khác 2 tiếng.
5. Sử dụng thực phẩm chức năng, tôi thường xuyên uống bổ sung các loại sau:
• Vitamin tổng hợp
• Omega-3 (một ngày 2 gr EPA + DHA)
• Vitam B tổng hợp: loại 50 mg
• Vitamin C: 3.000 mg/ngày
• Vitamin D3: 1.000 IU/ngày
• Vitamin E: 800 IU/ngày
Nếu bác sĩ yêu cầu bạn uống bổ sung Calcium, thì phải nhớ rằng: cơ thể chỉ hấp thụ được calcium khi bạn uống cùng Magnesium (ví dụ 1.000mg Calcium thì phải có 500 mg Magnesium), Vitamin D3, và Vitamin K2. Thiếu Calcium thể hiện ra các trạng thái: sỏi thận, gai cột sống, xơ vữa động mạch (do cơ thể không hấp thụ được Calcium). Vậy trước tiên bạn có thể uống Magnesium và Vitamin D, Vitamin K2 trước, sau 2 – 3 tháng kiểm tra lại, nếu vẫn thiếu Calcium thì mới cần bổ sung. Tốt nhất bạn mua loại có đủ 4 thành phần trên (4 trong 1: Calcium, Magnesium, Vitamin D3, Vitamin K2).
Với các loại Vitamin C, D, E, bạn chỉ uống bổ sung thêm khi thành phần trong loại Vitamin tổng hợp chưa có đủ liều như trên. Cứ uống 1 tháng thì nghỉ độ 2 tuần để cơ thể thải bớt ra (nếu có loại nào không được hấp thụ hết). Ngoài ra, mỗi năm tôi uống thêm 2–3 đợt các loại: Barley hoặc Wheat grass, Chlorella, Spirulina, Essiac hoặc Flor Essence teas. Mỗi quý tôi uống 2 – 3 tuần từ một trong các loại sau để diệt virus, vi khuẩn, nấm, giun sán trong cơ thể: Colloidai Silvver 30PPM, Grapeseeds (viên con nhộng), Olive Leaf (viên con nhộng)...
6. Những thực phẩm tôi không bao giờ dùng: sữa bò và đường trắng tinh luyện
Tôi tuyệt đối không uống sữa bò, nhưng thường xuyên ăn các sản phẩm khác làm từ sữa bò như: yogurt, pho mai… Nếu có cơ hội lựa chọn, thì tôi luôn chọn sản phẩm làm từ sữa dê. Lý do là vì chuỗi gene trong sữa bò dài hơn chuỗi gene của người, nên gây khó tiêu (để tiêu hóa sữa bò, cơ thể tiêu tốn rất nhiều enzyme tiêu hóa, gây quá tải). Các sản phẩm được chế biến từ sữa bò như yogurt, pho mai thì gene đã được biến đổi, phù hợp với hệ tiêu hóa của con người hơn. Mặt khác, trong một quan sát diện rộng của Thụy Điển gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy: những người đàn bà uống hơn 3 cốc sữa/ngày có tỉ lệ chết (mortality) hầu như gấp đôi những người uống ít hơn 1 cốc/ngày. Thêm nữa, người uống nhiều sữa không hề có bộ xương tốt hơn và cũng chẳng có sức khỏe tốt hơn người uống ít hoặc không uống sữa. Trên thực tế, họ bị gãy xương nhiều hơn, đặc biệt là xương háng. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng kết luận: các sản phẩm làm từ sữa được lên men (yogurt và pho mai) giảm tỉ lệ chết một cách đáng kể. Với việc ăn 1 sản phẩm hàng ngày, tỉ lệ chết (mortality) giảm 10–15%. Các nhà nghiên cứu chỉ ra lý do sữa tươi gây hại do chất D-galactose, sản phẩm sinh ra từ lactose – là xúc tác gây sưng và nhiễm trùng. Trong nhiều nghiên cứu tại các nước khác nhau, uống sữa bò có liên quan tới nhiều loại ung thư như: tiền liệt tuyến, tử cung… Ngoài ra, sữa bò còn là nguyên nhân gây liên quan tới tiểu đường, cholesterol, mụn nhọt, táo bón và các bệnh đường tiêu hóa.
Tôi không bao giờ ăn hoặc uống sản phẩm có đường trắng tinh luyện (độc lắm). Nếu thật sự cần đường, tôi chọn đường nâu nguyên chất làm từ mía (không qua tinh luyện), hoặc đường dừa (coconut sugar).