Hôm nọ tôi lang thang trên mạng, tình cờ tìm được chia sẻ của một bà mẹ có tên là Joyce Rachel Lee-Bates, vào thứ Sáu, ngày 27 tháng Hai, 2015.
Mong là bài viết sẽ giúp ích được cho mọi người. Cô Joyce Rachel Lee-Bates chưa biết về công thức Master Tonic của bác sĩ Christopher, hoặc công thức đã được tôi cải tiến tại Việt Nam và đặt tên là Kháng sinh tự nhiên (xem Sức khỏe trong tay bạn - Tập 1). Tôi nghĩ để có hiệu quả tốt và nhanh, nên kết hợp vài phương pháp.
Nguyên văn bài chia sẻ như sau:
Tôi chắc bà mẹ nào cũng đã trải qua những bệnh phổ biến của con trẻ: sốt, cảm cúm, ho, đau họng, viêm dạ dày ruột, tiêu chảy, sốt phát ban, tay chân miệng (TCM), thủy đậu. Cho tới giờ, con trai 18,5 tháng tuổi của tôi đã nếm qua tất cả các món này, trừ bệnh TCM và thủy đậu.
Sau khi tổng kết từ các bà mẹ trong các nhóm FB, tôi thấy mỗi nhà đều trữ ít nhất ba thứ, như là bắt buộc, trong chạn đồ ăn như sau:
1. Giấm táo (Apple Cider Vinegar - ACV )
2. Dầu dừa Nguyên chất (Virgin Coconut Oil - VCO)
3. Mật ong Nguyên chất, như là mật ong Manuka (có chỉ số kháng khuẩn UMF ít nhất là 10).
Ngoài ra, những thứ nên có là chanh, tỏi, hành tây đỏ, gừng.
Lên cơn sốt
Theo Bách khoa Toàn thư MedlinePlus Medical: Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt tạm thời để đáp ứng với một căn bệnh nào đó hay tình trạng ốm đau. Một đứa trẻ bị sốt khi nhiệt độ bằng hoặc cao hơn một trong các mức: 38°C đo ở hậu môn; 37,5°C đo ở miệng; 37,2°C đo ở nách.
Sốt là một phản ứng quan trọng của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Dù là tín hiệu về một cuộc chiến đang xảy ra trong cơ thể, cơn sốt là đồng minh của con người trong trận chiến này chứ nó không làm hại chúng ta.
Lưu ý: Đừng hành động theo cảm tính. Nếu bạn thấy cần đưa con đi khám nhi khoa hay cấp cứu thì nên làm ngay. Những liệu pháp này chỉ được giới thiệu cho trường hợp sốt nhẹ và để dỗ cháu bé, chứ không loại tận gốc nguyên nhân của của cơn sốt.
Tôi luôn theo làm theo nguyên tắc như sau. Đưa con đi khám nếu con:
– Từ 3 tháng tuổi trở xuống và nhiệt độ đo ở hậu môn là 38°C hoặc cao hơn
– Từ 3 đến 12 tháng tuổi và sốt đến 39°C hoặc cao hơn
– 2 tuổi trở xuống, sốt kéo dài hơn 24 đến 48 tiếng
– Lớn tuổi hơn và bị sốt kéo dài hơn 48 đến 72 tiếng
– Bị sốt 40,5°C hoặc cao hơn, trừ khi giảm ngay khi điều trị và cháu bé thấy thoải mái
– Có triệu chứng của căn bệnh nào đó có thể cần phải được điều trị, chẳng hạn như đau họng, đau tai, hoặc ho
– Sốt đi sốt lại đến cả tuần hoặc nhiều hơn, kể cả khi cơn sốt không phải là nặng
– Gần đây mới tiêm chủng.
Dưới đây là một số phương pháp chữa sốt mà tôi học được từ những người mẹ khác.
# 1: Giấm táo
Giấm táo làm giảm sốt rất nhanh vì axit trong đó giúp giải nhiệt trên da.
Cho nửa chén giấm táo vào nước ấm (KHÔNG phải nước lạnh) trong bồn tắm. Ngâm bé trong dung dịch này khoảng 5-10 phút. Tôi thường làm điều này hai lần một ngày – buổi sáng muộn và buổi chiều tối.
Ngâm khăn mặt trong hỗn hợp gồm một phần giấm táo với hai phần nước ấm. Vắt khăn mặt rồi đắp lên trán và bụng bé. Thay khăn khi nó bị ấm lên. Lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bé giảm sốt.
Ngâm tất chân trong hỗn hợp gồm một phần giấm táo với hai phần nước ấm. Vắt tất và đi vào chân cho bé. Thay tất khi nó bị ấm lên. Lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bé giảm sốt.
# 2: Dầu dừa nguyên chất
Uống 1 thìa cà phê 3-4 lần một ngày.
# 3: Uống nhiều nước
Ví dụ: nước lọc, nước dừa tươi, nước lúa mạch, nước hầm trong.
Cúm và ho
# 1: Giấm táo + Mật ong nguyên chất
Trộn 1 thìa canh giấm táo và 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất vào 1 cốc nước ấm. Uống thành 3-4 lần trong ngày. Phương thuốc này không thích hợp cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
# 2: Dầu dừa nguyên chất
Uống 1 thìa cà phê 3-4 lần một ngày.
# 3: Gừng + Nước chanh + Mật ong nguyên chất
Thái lát khoảng một lóng tay gừng và đập dập. Đun sôi trong một cốc nước. Thêm 1 thìa cà phê nước cốt chanh, 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất. Uống thành 3-4 lần trong ngày. Phương thuốc này không thích hợp cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
# 4: Hấp quả lê với gừng
# 5: Hấp nước ép hành tây
# 6: Hấp cách thủy lê cát (Lê vàng Trung Quốc hoặc lê Hàn Quốc)
1 quả lê vàng + 1 quả la hán + 3 quả táo tàu to + 2 thì canh hạnh nhân tàu + 600-900ml nước. Đun cách thủy trong vòng 3 tiếng.
Đau họng
# 1: Dầu dừa nguyên chất
Uống 1 thìa cà phê 3-4 lần một ngày.
# 2: Giấm táo + Mật ong nguyên chất + Nước chanh
Trộn 1 thìa canh giấm táo, 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất và một thìa cà phê nước cốt chanh vào một cốc nước ấm. Uống thành 3-4 lần trong ngày. Phương thuốc này không thích hợp cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
# 3: Kem nhà làm
Trộn trái cây tươi với sữa chua Hy Lạp và bỏ vào ngăn đá thành kem. Ăn thoải mái.
Bệnh tiêu chảy
# 1: Uống nhiều nước
Ví dụ: nước lọc, nước dừa tươi, nước lúa mạch, nước hầm trong.
# 2: Bỏ các sản phẩm sữa
Đặc biệt là sữa tươi, pho mát và sữa bột.
# 3: Ăn sữa chua trắng
Cần phải bỏ các sản phẩm sữa vì chúng gây tiêu chảy. Tuy nhiên, sữa chua lại là ngoại lệ. Sữa chua chứa lợi khuẩn đường ruột giúp bảo vệ ruột non và tạo ra axit lactic để thải độc tố.
# 4: Ăn thực phẩm BRAT (Bananas, Rice, Applesauce and Toast)
Gồm chuối, cơm, sốt táo (táo nghiền), và bánh mì nướng. Nước hầm và cháo loãng cũng tốt.
# 5: Dùng Probiotic sau khi hết tiêu chảy
Một liệu trình thường trong hai tuần, với mỗi ngày một viên.
Trên đây là kinh nghiệm nuôi con của tôi. Mong các bạn chia sẻ phương pháp mình đang áp dụng.
Xin cám ơn!
Joyce Rachel Lee-Bates
Nguồn: http://www.joycescapade.com/2015/02/home-remedies-for-common-kids.html