Chú thích Chương 1
1. Trí năng hay lý trí: Là những suy tư tiêu cực, hay cảm xúc lo sợ miên man, không có chủ đích ở trong đầu mình.
2. Tính chấp ngã: Niềm tin rằng có một cái tôi có tự tính riêng biệt của mình, không dính dáng gì với thế giới chung quanh. Cái tôi giả tạo ấy có cảm giác nó thường trực bị bủa giăng bởi những cảm giác bất an, sợ hãi và khổ đau.
3. Sự Hiện Hữu: Ám chỉ tất cả những gì đang có mặt trong vũ trụ bao la. Kể cả những gì ta không thấy được bằng mắt, không cảm được bằng giác quan.
4. Thực tại: Một sự vật, hay cái gì đang có mặt trong phút giây này.
5. Thực Tại Vượt Thoát: Một thực tại tuyệt đối vượt lên trên thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống.
6. Đại Thể: Toàn thể đời sống bao la, muôn màu muôn vẻ, đang diễn ra khắp nơi trong vũ trụ.
7. Tôi Đang Là: Cùng nghĩa với Đại Thể.
8. Tự đồng hóa (hay tự đồng nhất) mình với trí năng: Là khi bạn thiếu hiểu biết cho rằng mình chỉ là những suy tưởng miên man, không chủ đích hay những cảm xúc lo sợ vẩn vơ thường dấy lên ở trong đầu. Khi đã đồng nhất với những thứ đó, bạn cư xử và phản ứng theo những thói quen bó buộc, tiêu cực và thiếu tự chủ.
9. Cái phần suy tưởng, cảm xúc miên man, không thể dừng lại ấy trong ta: Hay nói như Đức Phật: “Tâm viên, ý mã” để nói về bản chất của loại tâm thức suy nghĩ, lo lắng lung tung này, như một con vượn nhảy từ cành này sang cành khác. Đó là một loại tâm thức đi hoang, luôn chực để phóng đi như một con ngựa không có người cầm cương.
10. Sự phân mảnh của tâm thức: Trạng thái chia cắt, vỡ vụn của tâm thức thành nhiều mảnh, làm cho ta cảm thấy phân tán, không liền lạc, hài hòa ở trong cảm nhận, suy nghĩ.
11. Quan niệm có ta và có thế giới ngoài kia, và những gì hiện hữu trong thế giới ấy không phải là ta: Tương tự như quan niệm “ngã”, và “chúng sinh” trong kinh Kim Cương, đó là cách nhìn thế giới từ cặp mắt nhị nguyên, phân biệt: thấy một cách sai lầm rằng có ta và có những cái không phải là ta.
12. Không thể dừng lại những suy tư ở trong đầu mình: Căn bệnh của đa số trong chúng ta: Không thể tự chủ trong chuyện dừng lại tất cả những suy tư của mình. Do đó Thiền Tập là cách thực tập để chúng ta có thể quan sát những gì đang xảy ra ở trong tâm của mình và khi thực tập đều đặn, chúng ta có thể làm chậm lại và dừng hẳn những suy nghĩ lung tung đó, giúp ta được nghỉ ngơi.
13. Niềm Thương Lớn: Hay Tâm Đại Bi, là lòng thương yêu tất cả mọi người như thương yêu chính mình. Khi ta không còn phân biệt ta với mọi thứ chung quanh nữa thì Lòng Từ Bi của ta sẽ trở thành Tâm Đại Bi, thứ tình thương phát sinh từ cái nhìn hiểu biết của Vô Ngã.
14. Tâm thức nhị nguyên, phân biệt: Đó là một loại tâm thức suy tư hay so sánh, lý luận, phân biệt ở trong ta. Theo cách suy nghĩ này ta phân biệt mọi việc, mọi chuyện theo các cặp đối nghịch: đúng/sai, tốt/xấu, trắng/đen, cao/thấp,…
Chú thích Chương 2
1. Để cho loại trí năng bất trị ở trong ta hoành hành: Trong mỗi người chúng ta đều có vấn đề với chuyện nắm giữ tâm ý. Nó luôn luôn muốn phóng đi về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hay lo lắng về những chuyện chưa xảy ra ở tương lai. Nhiều khi bạn muốn đặt sự chú tâm của mình vào những chuyện mình cần làm, nhưng bạn không có khả năng giữ sự chú tâm của bạn vào công việc đó. Đó là lý do Eckhart Tolle gọi đây là loại trí năng bất trị.
2. Chúng ta khổ nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng tiêu cực ở trong ta, nhiều hay ít: Trong khi thiếu ý thức, khi có những ý tưởng hay cảm xúc tiêu cực nổi lên, chúng ta thường cho rằng mình chính là nỗi khổ đó. Ví dụ, khi có một cảm xúc lo sợ nổi lên ở trong lòng, ngay lập tức chúng ta không có ý thức và nhận lầm rằng mình chính là nỗi sợ hãi đó, và tự nhiên hành xử theo sự sai sử của nỗi sợ ấy ở trong ta.
3. Tương lai chỉ là một dự phóng của phút giây hiện tại: Bản chất không thực của tương lai là một điều không dễ gì ai cũng nhận ra. Nhưng quả thật tương lai không có thật. Đó chỉ là một tiêu điểm tưởng tượng được dự phóng từ hiện tại. Cho nên ta có thể nói: Tương lai là phút giây hiện tại chưa xảy đến; và quá khứ là phút giây hiện tại đã qua.
4. Mọi khổ đau thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta: Chúng ta khổ đau vì chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng, cảm xúc tiêu cực thường nổi lên ở trong ta. Vì không biết bản chất chân thật của chính mình, do đó trong nổ lực đi tìm nguồn cội của mình, chúng ta sáng tạo nên những con người, những nhân vật, những “cái tôi”, những Bản Ngã… không có thực để cưu mang những cảm xúc khổ đau xảy ra ở trong mình. Trong thực tế, có những cảm xúc sướng, khổ, vui, buồn khi ta trải qua một kinh nghiệm tiêu cực trong đời sống. Nhưng không nhất thiết phải có một con người, một nhân vật, một “cái tôi”, một Bản Ngã…, đứng đằng sau kinh nghiệm đó để hứng chịu những khổ đau đó. Do đó, mọi đau khổ thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta.
5. Khoảng trống không đáy: Đó là cảm giác hụt hẫng, cô đơn trong mỗi người. Chúng ta cảm thấy cô đơn, trống vắng ở trong lòng nên luôn tìm cách chạy trốn, khỏa lấp bằng sự bận rộn trong công việc, bằng quan hệ nam nữ, bằng thú vui xác thịt, sự nghiện ngập ma túy hay danh lợi,… Nhìn sâu vào cảm giác này sẽ giúp bạn nhận ra ở trong chiều sâu, bạn cảm thấy cách biệt với mọi người và mọi thứ chung quanh mình. Đó không phải là bạn, mà là cảm giác thường trực bất an của tự ngã ở trong bạn. Tự ngã luôn cảm thấy lo sợ, bất ổn, xa lạ với môi trường và thế giới chung quanh. Tiếp xúc với khoảng trống này giúp bạn thôi chạy trốn chính mình, thôi tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng ở trong mình, tức là đồng hóa mình với tự ngã, với những cô đơn trống vắng đó. Vì bạn không phải là những cô đơn trống vắng đó.
Chú thích Chương 3
1. Sự hiện hữu trong cuộc đời và vai trò của họ dính liền một cách cứng nhắc với các vấn đề của họ: Họ không thể hay không dám trở thành một người có tự do, không còn bị ràng buộc bởi quá khứ, bởi những vai trò cũ mà họ đã chọn đóng, hay thừa nhận đấy là mình, như đóng vai một người vợ bị ruồng rẫy, một người chồng bất hạnh, một người con thiếu tình thương, một người cha cô đơn, một người mẹ khốn khổ…
2. Quay đầu nhìn lại về phía sau: Ám chỉ vẫn còn luyến tiếc với quá khứ.
3. Những thói quen suy tư, cảm xúc, thái độ, phản ứng và ham muốn cứ lặp đi lặp lại theo những khuôn mẫu cũ: Đó là những khuôn mẫu đã thành một thói quen lâu đời, cố định, đã đi theo một lối mòn quen thuộc trong tâm thức, mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ: Thói quen về sắc dục. Nếu chúng ta có vấn đề vướng mắc với khía cạnh này thì năng lượng của chúng ta luôn đổ dồn vào những suy tư, ham muốn, cảm xúc liên hệ đến chuyện gối chăn, hoặc để thỏa mãn ngay lập tức, hoặc để được thỏa mãn về lâu về dài.
4. Đe dọa lấy mất nhân cách về chính họ: Nhiều khi chúng ta không ý thức tự đồng hóa, cho mình chỉ là một nhân cách, một cá tính nào đó: “Một người tàn tật”, “một nạn nhân của cuộc đời”,… nên ngay cả khi có một cơ hội để chúng ta thoát ra khỏi tình trạng này, chúng ta sẽ cảm thấy bị đe dọa, như thể chuyện được chữa lành những bệnh trạng hay khuyết tật này không quan trọng bằng chuyện đánh mất tư cách tàn tật, hay nạn nhân của mình.
5. Đừng quan tâm đến kết quả của những việc bạn làm– chỉ cần chú tâm vào những gì bạn đang làm thôi: Đây là một thái độ làm việc mới. Thông thường chúng ta làm một việc gì là có một chủ đích: để có lợi, để được người khác công nhận, khen ngợi, hoặc làm vì biết mình sẽ thành công… Nhưng đó là thái độ làm việc bị kiềm tỏa bởi tự ngã ở trong ta. Do đó, khi thực tập làm một công việc gì mà không quan tâm đến kết quả, thành hay bại, chúng ta sẽ tiếp xúc được niềm vui của an nhiên tự tại khi làm những công việc đó.
6. Thực tập Chuyển Nghiệp: Karma Yoga, lối thực tập để chuyển đổi những ác nghiệp của mình bằng sự cống hiến, phụng sự tha nhân mà không cần được báo đáp.
Chú thích Chương 4
1. Ung dung tự tại (hay an nhiên tự tại) là trạng thái tâm bạn Có Mặt một cách sâu sắc, an lạc với những gì đang xảy ra chung quanh mình. Nhưng không bị những thứ đó làm chao đảo mình.
2. Tìm về quá khứ để tạo cho mình một tấm căn cước: Vì không biết mình thực sự là ai, chúng ta chối bỏ phút giây hiện tại, và có nhu yếu đi tìm một tấm căn cước cho chính mình qua những huy hoàng, thành công cũ của quá khứ để tự hào rằng tôi đã từng là ông này, bà nọ, từng giữ chức vụ này, chức vụ kia, là một người giàu có hay nổi tiếng,… Hoặc đi tìm mình qua những thất bại, bất hạnh, bệnh tật: tôi là một nạn nhân, một người bị vợ (hay chồng) ngoại tình, tôi là một kẻ bất tài, một người tàn phế,… Tất cả những thứ đó chỉ là nỗ lực vô vọng trong chúng ta để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng vì không biết câu trả lời căn bản đó nên chúng ta phải đi tìm chính mình qua một cái tôi, một bản ngã, một tấm căn cước của những vai trò mình đã đóng trong quá khứ.
3. Trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc: là trạng thái tâm thức Có Mặt sâu sắc với phút giây hiện tại, không bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai.
4. Khi đồng nhất mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ... xảy ra ở trong bạn: Nghĩa là khi có một suy tư hay ý tưởng phát sinh ở trong đầu, như “Ồ tôi sẽ bị mất việc”,… bạn trở thành một, hay đồng nhất với ý tưởng đó và trở nên hoảng hốt, lo sợ. Hoặc giả dụ, khi có một cảm giác giận dữ phát sinh ở trong lòng, vì một người đối diện lỡ nói một điều gì phật ý mình,… bạn lập tức cho rằng mình là cảm giác giận dữ ấy, nghĩa là bạn trở thành sự giận dữ ấy, mà không hề biết, do đó bạn đánh mất chính mình, không còn tự chủ và bị sai sử bởi cơn giận đang có mặt ở trong mình.
5. Khi khối khổ đau sâu dày ở trong bạn bị kích thích và bạn đồng nhất với khối khổ đau đó: tức là khi bạn trở thành một, hay thiếu hiểu biết cho rằng “tôi chính là nỗi khổ ở trong tôi”. Nếu khối khổ đau của bạn là biểu hiện của cảm giác bất lực, thì lúc đó bạn sẽ tự nói thầm một cách thiếu hiểu biết với chính mình:“Ừ, tôi là cảm giác bất lực này” và bạn trở nên một người bất lực, không còn khả năng hành động.
6. Thực tập nuôi lớn ý thức sáng tỏ trong đời sống hằng ngày: Sự nuôi lớn những hiểu biết sáng tỏ ở trong ta, giúp ta biết rõ những gì đang xảy ra ở bên trong và chung quanh mình, khiến ta tự biết chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm.
7. Những người da trắng (thời những di dân từ châu Âu mới đến lục địa Bắc Mỹ lập nghiệp, khoảng đầu thế kỷ 17) này luôn luôn muốn một cái gì đó. Họ luôn luôn bứt rứt, không yên. Chúng tôi không biết họ muốn gì: Nhận xét này của vị thủ lĩnh người da đỏ không những đúng cho những người da trắng mà ông đã tiếp xúc, mà còn đúng cho những người đang sống trong thời đại này. Chúng ta cũng luôn luôn như muốn một cái gì, luôn cảm thấy bứt rứt, bất an, và không biết rõ ta đang muốn cái gì.
8. Loại nhiễu nền của tâm thức: Là trạng thái bất an, không yên, thường nằm lẫn ở phía sau hậu trường của tâm thức.
9. Vô thức: Hay vô minh, nghĩa là ta không có ý thức rằng mình đang làm gì.
10. Chịu trách nhiệm cho không gian bên trong: Tức là chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm ở trong lòng mình do những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin,… tiêu cực của mình.
11. Cái tôi biệt lập: Là ấn tượng ở trong ta, có vẻ rất thật, nhưng sai lầm rằng có một bản ngã, một cá thể, một con người… ở trong ta, biệt lập, không dính dáng gì đến thế giới chung quanh, ta phải tự lo liệu chuyện sinh kế, sống còn…
12. Một mớ phản xạ bị định đặt: Những cách, những khuôn mẫu mà chúng ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một thói quen lâu đời, đã cố định, đã đi theo một lối mòn quen thuộc trong tâm thức, mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ khi giận ai thì ta bị nghẹn cổ, muốn phân giải, nhưng cảm thấy bất lực, vì lúc đó ta không thể nói được gì cả, chỉ biết khóc; có người khi có chuyện bất đồng với người khác thì không muốn nói chuyện với người kia cả tuần, cả tháng… Có người khi gây gổ với ai thì chỉ muốn tuyệt giao với người đó ngay, không muốn nghe người kia phân trần gì cả.
13. “Quân Đội Thế Giới và Những Tổn Thất của Xã Hội”, trang 7, ấn bản thứ 16 của Ruth L. Sivard, do nhà xuất bản World Priorities ở Washington, DC, năm 1996.
14. Loài hữu tình: Chim muông, cầm thú, gia súc,…
15. Phóng chiếu những vấn đề tình cảm chưa ổn thỏa của mình trong quá khứ lên người khác: Ví dụ ta có một vấn đề chưa ổn thỏa với bố mình trong quá khứ, như có sự bất mãn, không nể phục nhân cách của bố. Thì khi ta vào công sở, ta rất dễ có vấn đề với cấp trên. Vì trong sự thiếu hiểu biết, ta xem người cấp trên của mình như là bố mình, và ta có khuynh hướng cư xử rất kỳ cục, và quá đáng với những chuyện bất hòa nhỏ nhặt ở sở làm. Những vết thương quá khứ này vẫn còn đau đớn nên ta không muốn đối diện với vết thương này. Do đó phóng chiếu, hoặc đổ lỗi cho người khác là một cách chúng ta làm trong sự thiếu hiểu biết vì trong ta vẫn còn sự chống đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta không muốn nhận trách nhiệm những vấn đề của ta.
16. Sự cách biệt là cơ sở cho bản ngã ở trong bạn nhận diện chính nó: Tự ngã ở trong bạn luôn bận tâm suy nghĩ, và phân biệt: “À, cái này là tôi, cái này không phải là tôi, cái này của tôi, cái này không phải của tôi…”. Nó luôn cảm thấy cách biệt với thế giới và với mọi người chung quanh. Đó là một cảm nhận rất căn bản của tự ngã ở trong ta. Vì tự ngã luôn luôn ở trong trạng thái phân ly này và luôn cảm thấy lo sợ chuyện sinh tồn, nó nghĩ nó phải tự lo liệu cho chính nó. Nếu bạn có ý thức rõ, bạn sẽ thấy rằng cuộc đời của bạn luôn luôn bị chi phối bởi một năng lượng đấu tranh, sống còn ngấm ngầm này của tự ngã mà bạn cứ lầm tưởng đó là cái lo sợ của chính bạn.
17. Mọi chuyện đâu đã vào đấy, ta không có vấn đề gì phải bận tâm cả: Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng vạn pháp đã luôn an trú trong tự tánh niết bàn của chúng, nghĩa là mọi chuyện trong đời đã ổn thỏa, đâu vào đấy cả rồi, chỉ vì tự ngã phân biệt, vô minh ở trong ta nhìn thế giới bằng nhãn quan sai lạc nên mới có lo, có sợ, luôn phóng tâm muốn làm chuyện này, thay đổi chuyện kia,… Những bậc đắc đạo thực tập hạnh vô vi, vô hành là vì họ đã có cái thấy sâu sắc này.
18. Những mô thức chống đối của lý trí – cảm xúc: Những khuôn mẫu, thói quen chống đối trong cách ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một cái nếp mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ: khi không đồng ý với người khác, chúng ta bắt đầu rơi vào thói quen chê bai, nói xấu, cảm thấy ghét bỏ, giận hờn người đó. Có những chuyện người ấy đã làm trước đây, ta chẳng có vấn đề gì, mà bây giờ sau khi có sự bất đồng với họ, tự nhiên ta chỉ muốn tìm lỗi, vạch lá tìm sâu,… chê bai, phê phán những chuyện đã qua.
19. Những mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân của bạn: Khi một biến cố gì xảy ra, chúng ta thường không nhìn sự việc chính xác, đúng đắn, khách quan. Trái lại, chúng ta có khuynh hướng nhìn sự việc rất lệch lạc và thích xem mình là nạn nhân của biến cố đó. Khi làm một nạn nhân như thế, chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm phần của mình trong biến cố và do đó đánh mất cơ hội hiểu mình hơn, cơ hội nhìn ra và chữa lành những khiếm khuyết và thương tích của mình được bộc lộ ra trong biến cố đó. Chúng ta thích làm nạn nhân của cuộc đời và thường có rất nhiều mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân được chúng ta chứng minh, kể đi, kể lại nhiều lần.
20. Sự sống chính là Bản Thể nội tại sâu xa nhất của bạn: Trong bài thơ “Hãy Gọi Đúng Tên Tôi” của thầy Nhất Hạnh (trang 64 trong cuốn Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát của Sư Cô Chân Không– Lá Bối), thầy nói rằng chúng ta không chỉ giới hạn trong tấm hình hài nhỏ bé này, mà chúng ta cũng là tất cả, ta chính là sự sống thênh thang, ngay trong phút giây này đang diễn ra khắp mọi nên trên vũ trụ; ta chưa từng đến, chưa từng đi, chưa từng sinh và cũng chưa từng diệt.
21. Tâm thức nhiễu nền của sự bất bình muôn thuở: Tức là đằng sau nền móng của tâm thức của chúng ta có một sự nhiễu xạ của những cảm giác bất bình, không hài lòng từ bao đời, bao kiếp.
22. Bước đi này: Tức là bất kỳ một việc gì mà ta đang làm, ví dụ như pha trà chẳng hạn, có thể trở thành một nghệ thuật. Trong khi pha, người pha trà để hết tâm ý của mình vào từng động tác. Tất cả mỗi cử động đều được người ấy làm trong ý thức sáng tỏ về những gì mình đang làm, làm mà không có một chút hấp tấp vội vã nào. Trái lại, mỗi động tác được làm nhẹ nhàng, có sự thưởng thức những động tác đang làm với mức độ tập trung cao. Những gì ta làm (quét nhà, rửa chén, làm vườn, hay ngay cả công việc ta thường làm ở công sở,…) nếu được làm với ý thức sáng tỏ, tất cả đều trở thành một nghệ thuật. Cái đẹp và niềm vui được biểu hiện trong ta khi ta làm động tác ấy.
23. Vô Thường: Tính không bền vững, tạm bợ của mọi sự, mọi vật. Ngày hôm nay ta đang khỏe nhưng ngày mai chưa chắc ta còn khỏe như ngày hôm nay. Ngày hôm nay ta còn sống nhưng ngày mai chưa chắc ta còn sống. Cho nên những gì ta quan trọng mà ta có thể làm được trong ngày hôm nay thì ta hãy làm cho xong. Thực tập sống với ý thức sáng tỏ ngày hôm nay như là một ngày cuối cùng trong đời sống của chúng ta, và chúng ta chu toàn mọi việc.
Chú thích Chương 5
1. Hiện Hữu: Sự sống đang có mặt khắp mọi nơi trong vũ trụ.
2. Hãy tưởng tượng rằng bạn, một vị vương tử giàu có, đi dự một dạ tiệc hóa trang. Đêm ấy bạn đóng vai một người hành khất và cuối bữa tiệc, bạn quên bẵng rằng mình nguyên là một bậc vương tử.
3. Tâm thức bản ngã: Cách nhìn giới hạn, phân biệt giữa mình và thế giới chung quanh. Thấy có sự cách biệt, lẻ loi với thế giới bên ngoài. Thấy có một cái tôi cô đơn, cần được bảo vệ.
4. Những tâm tư đang hình thành khác: Những biểu hiện của tâm như sợ hãi, giận hờn, lo lắng,…
5. “Ngày khi thời gian không còn nữa”: Một câu nói trong Thánh Kinh. Nguyên văn câu tiếng Anh là “The end of Time” thường được người đời diễn dịch sai lầm rằng đó là ngày Tận Thế. Thực ra, theo người Mayan, đó là ngày đánh dấu sự chấm dứt của sự khống chế của thời gian (quá khứ và tương lai) trong tâm thức của chúng ta. Theo lịch của người Mayan (the Mayan Calendar), đó là ngày 21 tháng 12, năm 2012, ngày đánh dấu một chuyển hướng mới trong tâm thức nhân loại.
6. Thì quá khứ: Cách dùng ngữ pháp trong tiếng Anh để chỉ về một chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ (nguyên văn là “past tense”). Ví dụ trong tiếng Việt, ta dùng từ “đã” trước một động từ để diễn tả thì quá khứ.
7. Sự nhận thức về tự tánh của mình: Trạng thái đắc đạo, trạng thái cảm nhận sâu xa bản chất thực sự của mình, hiểu được con người chân thật của mình là cái gì.
8. Nếu Thầy bạn (Chúa) đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế. Hoặc ta có thể nói một cách khác, nếu thầy của ta, Đức Phật, có Phật Tánh, và là một con người bình thường như chúng ta; Ngài có khả năng giác ngộ và đã đạt được giác ngộ viên mãn. Vậy thì mỗi người chúng ta, ai cũng có sẵn Phật Tánh như thế, và cũng có khả năng đạt đến giác ngộ như Ngài. Nên sự thị hiện của Chúa và Phật là để giúp chúng ta thấy được bản chất chân thực của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhận ra được khả năng to lớn trong mỗi người.
9. Danh và Sắc: Tên gọi và hình tướng mà ta gọi và đặt tên cho mọi chuyện, mọi vật.
Chú thích Chương 6
1. Cơ Thể Năng Lượng: Là thân thể bên trong ta làm bằng nhiều lớp năng lượng vi tế của vũ trụ. Những người nhạy cảm có thể nhìn thấy mầu sắc hay cảm được thân thể năng lượng này. Nhân điện là liệu pháp tác động vào những thân năng lượng này.
2. Chân Ngã: Cái ‘Tôi' chân thật, thâm sâu nhất của mình. Ta chính là Hiện Hữu, là tất cả những gì đang biểu hiện một cách sống động từng giây, từng phút trong phút giây này. Chân ngã của ta không có giới hạn, và vô hình nên trí năng của ta không thể nào khái niệm được.
3. An trú trong cơ thể mình: Hay có mặt, giữ tâm ý trong cơ thể mình, biết được thân thể mình đang có đó, có mặt với những gì đang xảy ra ở trong cơ thể của mình.
4. Chủ thể và đối tượng: Trong thiền quán danh từ chủ thể là người quan sát, người đặt sự chú tâm vào một cái gì đó. Đối tượng là vật hay đề tài mà ta đang quan sát, đang đặt sự chú tâm của mình vào. Ví dụ bạn đang nhìn một bông hoa, thì bông hoa đang trở thành là đối tượng của bạn. Khi Eckhart Tolle nói trong Hiện Hữu, chủ thể và đối tượng trở thành một, đồng nhất, hòa vào với nhau, không còn sự phân biệt giữa người quan sát và đối tượng đang được quan sát nữa.
5. Vượt lên trên Tên Gọi và Hình Tướng: Hiện Hữu là cái ta chỉ có thể cảm nhận trực tiếp qua sự có mặt của mình, mà không thể qua suy nghĩ, hoặc tư duy. Vì Hiện Hữu vượt lên trên những gì chúng ta có thể khái niệm, đặt tên được, hoặc những gì có hình thể, hay tướng mạo để ta có thể diễn tả hoặc khái niệm được.
6. Cái Tôi biệt lập: Là ấn tượng ở trong ta, có vẻ rất thật, nhưng sai lầm rằng có một bản ngã, một cá thể, một con người… ở trong ta, biệt lập, không dính dáng gì đến thế giới chung quanh, ta phải tự lo liệu chuyện sinh kế, sống còn…
7. Chữ mật ong không phải là mật ong: Vì chữ mật ong chỉ giúp cho ta một khái niệm về mật ong thôi, đâu thể thay thế cho mật ong thực sự hay kinh nghiệm vị ngọt khi ta bỏ mật ong vào lưỡi. Cũng như tấm bản đồ giúp ta có một khái niệm về một lãnh thổ, nhưng tấm bản đồ (chỉ là một mảnh giấy có nhiều ghi chú) không phải là tự thân lãnh thổ ấy.
8. Nhất thể: Cảm nhận hợp nhất với vạn vật, đất trời, muông thú… tất cả.
9. Ăn chay: Một thực tập vì lòng xót thương mạng sống của thú vật, chim muông, hoặc để giữ gìn sức khỏe hay có được sự quân bình năng lượng ở trong người.
10. Hành hạ thân xác: Một lối thực tập thiếu từ bi bằng cách tự hành hạ mình, như dùng roi quất vào lưng mình hay mang dây gai ở trong người để thân thể luôn cảm thấy bị đau đớn.
11. Phản ứng lý trí - tình cảm tiêu cực đã bị điều kiện hóa được nảy sinh: Cách chúng ta cư xử, suy nghĩ theo một thói quen, một khuôn mẫu nhất định, bó buộc, không thể làm khác đi được. Một trong những khuôn mẫu cư xử từ quá khứ là từ những cách cư xử của cha, mẹ hoặc những người thân trong gia đình cư xử với nhau,… Ví dụ: Khuynh hướng bạo động, tự hủy mình hoặc bạo động với người khác khi phải đối diện với nỗi khổ đau quá lớn ở trong ta.
12. Sự chú tâm của ta là định lực, như là tia sáng được hội tụ, tập trung lại khi đi qua một chiếc kính lúp, cho nên có sức mạnh soi thủng những vô minh, khổ đau dày đặc ở trong tâm thức của chúng ta. Ví dụ khi ta có một nỗi khổ ở trong lòng, chỉ cần ta yên lặng, đặt hết sự chú tâm của mình vào cảm xúc tiêu cực đó mà không có thái độ phản ứng, hay phán xét,… thì một lúc sau, tự nhiên những khổ đau, vô minh đó sẽ được chuyển hóa, trở thành niềm an lạc, trở thành nhiên liệu của ý thức. Một người vừa chuyển hóa được một mối khổ lớn thì nhận thức của người đó càng được thắp sáng hơn.
13. Cõi Vô Tướng: Cõi chưa biểu hiện, nhưng tràn đầy tinh lực. Cõi Vô Tướng là cái nôi, là Cội Nguồn của tất cả những gì đang được biểu hiện, trong đó có thế giới vật lý mà chúng ta đang sống.
14. Thời gian tâm lý: đó là quá khứ và tương lai. Quá khứ là những gì đã qua, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng lại trong lòng chúng ta, thường là vì chúng ta vẫn chưa hoàn tất với quá khứ, có những niềm đau, nỗi khổ trong quá khứ mà chúng ta vẫn còn trốn chạy, không muốn cảm nhận,… nên quá khứ vẫn còn đó. Không biết rằng, ta chỉ cần yên lặng, ý thức, đối diện, quan sát mà không phê phán, những cảm xúc khổ đau, khó chịu đó khi chúng trở về ở trong lòng ta, ta sẽ hóa giải được ngay tức khắc những khổ đau này. Nếu cần khóc, ta cứ khóc tự nhiên để rũ bỏ những khổ đau này. Hoặc trong khi tâm ta đang ở trong trạng thái thiếu hiểu biết, có khi chúng ta vẫn còn tưởng rằng quá khứ đang xảy ra, nên ta vẫn luôn bị ám ảnh, và bị quá khứ chi phối đời sống hiện tại của chúng ta. Tương lai là những gì chưa xảy ra nhưng, vì không ý thức, ta cứ để những suy tư, lo lắng về tương lai ở trong ta chi phối đời sống của chúng ta trong phút giây hiện tại.
15. Khuôn mẫu phản ứng lo lắng, bất an: Trong ta có những phần rất lo lắng, ưu tư cho sự sống còn, muốn có một bảo đảm về vật chất, tinh thần,… trong tương lai. Nên khi những khuôn mẫu phản ứng lo lắng, bất an này trong ta bị kích thích, ta trở nên nóng nảy, bồn chồn như một người đang ngồi trên lửa. Chúng ta có thể sống an nhiên, tự tại trong phút giây này, không muốn phí công lo nghĩ, sợ hãi những gì chưa xảy đến vì tương lai là điều luôn nằm ngoài vòng kiểm soát của chúng ta.
16. Hơi thở có ý thức là một thực tập sâu sắc nhất trong Thiền Tập giúp bạn có mặt với chính mình và với những gì xảy ra chung quanh bạn.
17. Cái Duy Nhất: Cái Một, Cái Tất Cả, là Đời Sống, nơi mọi thứ trở thành hợp nhất trong sự toàn vẹn, vĩnh cửu, hiện tiền.
Chú thích Chương 7
1. Phương pháp chú ý đến hơi thở là một bài tập rất quan trọng được Đức Phật viết thành một cuốn kinh có tên là “kinh Quán Niệm Hơi Thở” do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành.
2. Phương pháp quán tưởng: Một lối thiền tập dùng khả năng tưởng tượng, khả năng nhìn thấy của nhãn thức ngay cả khi ta đang nhắm mắt để hồi tưởng hay sáng tạo nên những hình ảnh trong tâm thức ta, giúp cho ta thiền tập.
3. Bản chất Thượng Đế: hay còn gọi là Phật Tánh. Điều này muốn ám chỉ rằng Phật Tánh ở trong tất cả mọi sự, mọi vật, ở khắp mọi nơi.
4. “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc”: Điều này có nghĩa là sự biểu hiện của mọi sự, mọi vật đều do những điều kiện khác mới có thể xảy ra được, chứ không phải vì biểu hiện đó có một tự tánh độc lập. Đó là giáo lý Tương Tức. Ví dụ, thân thể chúng ta không thể biểu hiện nếu không có những điều kiện sống rất mật thiết như không khí, nước uống, rau quả làm thức ăn cho ta. Không khí có là nhờ lá cây xanh ở khắp mọi nơi, nên sự sống của chúng ta gắn liền với sự sống của cỏ cây, muông thú, đất đá và môi trường chung quanh ta. Và câu kinh này cũng nêu ra một sự thực về sự vắng bóng một tự tánh độc lập – Vô Ngã – của mọi hiện tượng. Đây chính là bản chất của mọi hiện tượng. Thân thể ta sau khi chết sẽ bị mục rã và trở về với 4 yếu tố lớn - Tứ Đại: đất, nước, gió, lửa. Đó là trạng thái ẩn tàng của hiện tượng thân thể. Chúng ta biết rằng không có một cái gì từ có mà trở thành không, hay hoàn toàn bị mất đi, mà chỉ có sự biểu hiện khi nhân duyên đầy đủ, và ẩn tàng khi nhân duyên kết thúc.
5. Vô Ngã: Trống rỗng, không có một tự tánh, hay tính chất độc lập, riêng biệt với mọi sự, mọi vật khác chung quanh.
6. Thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi: Vì không biết mặt mũi chân thật của mình là bất sinh, bất diệt nên chúng ta bám vào những biểu hiện tạm bợ của hình tướng như xác thân, sinh mệnh, tài sản, nghề nghiệp,... của mình. Nhưng bản chất của những biểu hiện này là tạm thời và rất không bền, nên ta đâm ra lo sợ: sợ mất mát, sợ chết, sợ xác thân ta sẽ bị hoại diệt.
7. “A Course in Miracles”: Một cuốn sách được viết trong thời gian gần đây. Cuốn sách này hướng dẫn những phương pháp thực tập mà bạn có thể làm được, thực tập này giúp bạn tạo ra những chuyển hóa sâu sắc cho chính mình. Sự chuyển hóa này nhiều khi quá kỳ diệu đến độ người ta có thể gọi đó là những phép lạ.
8. Khi Nhất Thể trở thành lưỡng cực, rồi lưỡng cực, trở thành tứ tượng,… trở thành “Mười nghìn thứ”: Ý nói khi Vô Tướng đã phân cực (từ một thành hai, hai thành ra bốn, bốn thành ra tám, … và trở thành “mười nghìn thứ”, tức Lão Tử muốn nói là khi Vô Tướng đã trở thành sự biểu hiện của toàn thể thế giới vật chất này.
9. Khi xác thân chết đi: Đó là khi ta trả lại cho cuộc đời tất cả những gì không phải là ta: Hình hài này, tài sản, công danh, sự nghiệp, … những thứ mà nhiều người đã đổ dồn hết sức lực và cuộc đời của họ để chăm sóc, lưu trữ… mà quên đi những gì chân thực và giá trị khác trong đời sống: Tình yêu gia đình, vợ chồng, tình bạn, lòng trắc ẩn, sự thong dong,…Kinh nghiệm mà chúng ta gọi là cái chết, theo “Tử Thư của Tây Tạng” chỉ là sự trở về Nguồn, trở về nhà, trở về với Vô Tướng của mỗi người trong chúng ta. Vô Tướng, sự sống bất sinh, bất diệt mới chính là bản chất chân thật của chúng ta. Nên khi bạn sinh ra làm một con người, đó là lúc Vô Tướng, từ trạng thái ẩn tàng đi sang trạng thái biểu hiện, biểu hiện qua sự riêng biệt của cá nhân bạn, để Vô Tướng có thể kinh nghiệm thế nào là riêng biệt, thế nào là cách biệt với Nguồn. Nên đến khi xác thân bạn chết đi, đó chỉ là lúc bạn sẽ trở về lại căn nhà của mình, với Vô Tướng, và bước sang trạng thái ẩn tàng.
10. “Tử Thư của Tây Tạng”: Một cuốn sách, được dịch sang tiếng Anh với tựa là “Tibetian Book of the Dead”, nói về những giai đoạn chuyển tiếp mà chúng ta sẽ trải qua khi đi vào cõi chết.
Chú thích Chương 8
1. Khi tôi có được cái này hay không vướng bận bởi cái kia, thì tôi sẽ được thong dong: Là niềm tin sai lạc rằng hạnh phúc của ta không thể có trong những gì ta đang có trong phút giây hiện tại, mà chỉ có ở tương lai.
2. Đi vào Phút Giây Hiện Tại từ chỗ bạn “đang cô đơn vì không có người kết bạn”: Trong tình trạng này, bạn đi vào phút giây hiện tại bằng cách tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình. Nếu trong mình đang có những thứ tình cảm khác như thèm khát, thì đây là một cơ hội quý cho bạn nhận diện và chuyển hóa những năng lượng đó ở trong mình.
3. Đi vào phút giây hiện tại từ chỗ bạn “đang ở trong một quan hệ luyến ái”: Nếu bạn đang có những bế tắc trong quan hệ luyến ái của mình, thì đây là cơ hội cho bạn đối diện và chuyển hóa những vấn đề đó.
4. Bạo hành về thể xác và tình cảm: Những bạo hành về thể xác thì rất dễ cho chúng ta nhận ra như sự hành hạ, đánh đập trên thân thể. Nhưng những loại bạo hành khác như về mặt tinh thần, tình cảm,… thì khó nhận ra hơn. Những khi ta dùng lời lẽ nặng nề, hay những mánh lới, thủ đoạn như đe dọa sẽ không đáp ứng chuyện sắc dục, tiền bạc,… cho người kia để uy hiếp người kia thì đó là một sự bạo hành về tinh thần hoặc tình cảm.
5. Thích gây hấn, phê bình, phán xét, đổ lỗi cho người khác, đả kích, giận dữ, báo thù một cách thiếu hiểu biết vì những khổ đau của cha mẹ mình đã gây ra cho mình trong quá khứ, hoặc thịnh nộ và đi đến khuynh hướng bạo hành về thể xác: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta thường mang theo rất nhiều hành trang của quá khứ, trong đó có những hành trang từ cha, mẹ, tổ tiên, ông bà trao truyền cho ta. Hành trang ấy gồm những hạnh phúc, những đức tính tốt, nhưng cũng gồm những khổ đau và những thói quen xấu. Do đó, những hành trang này ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người bạn gối chăn của mình. Những khó khăn trong quan hệ luyến ái này có thế có gốc rễ từ những khổ đau mà cha mẹ ta trao truyền.
6. Để cho sự có mặt sâu sắc của mình tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình: Nhiều khi chúng ta đi tìm một quan hệ luyến ái để chạy trốn nỗi cô đơn ở trong mình, không biết rằng khi đã có quan hệ rồi, ta vẫn thấy cô đơn, vì cô đơn là một cảm xúc ở trong mình, chỉ có mình mới có thể giúp cho mình chuyển hóa được nỗi cô đơn ở trong lòng. Khi có một cảm giác cô đơn xuất hiện, ta chỉ cần có mặt sâu sắc với cảm giác cô đơn đó, không tránh né, phê phán,… thì tự khắc cảm giác cô đơn sẽ được xoa dịu và chuyển hóa.
7. Những kiểu suy nghĩ lặp đi lặp lại ở trong đầu mình: Chúng ta để cho tâm mình đi vào những thói quen suy nghĩ lặp đi, lặp lại. Đó có thể là những hối tiếc về một chuyện gì đã qua, hay âu lo về một điều gì sắp xảy ra, dù biết chắc là chuyện ấy sẽ xảy ra. Có khi đó là một ý tưởng phán xét, chê trách về bản thân mình, ví dụ “Tại sao tôi có thể ngu ngốc đến như thế!”.
8. Những vai tuồng, nhân vật mà chúng ta đóng: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta thường không dám sống thật với chính mình, do đó không dám sống thật với mọi người chung quanh. Do đó chúng ta đóng những vai, những nhân vật “người chồng gương mẫu, người vợ hiền” ngay trong quan hệ luyến ái của mình và với mọi người chung quanh. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều được tính toán, dò chừng. Có khi, ta đóng vai một người phụ nữ yếu đuối để được hoàng tử mặc áo choàng đỏ, phi ngựa trắng đến cứu giúp. Hoặc ta đóng vai hiệp sĩ mang áo giáp sáng loáng, làm người kỵ mã anh hùng ra tay nghĩa hiệp cứu một người con gái thế cô.
9. Một “cái tôi”: Đó chính là những nhân vật, những vai tuồng mà chúng ta đóng: một vị quan tòa khắt khe, một nạn nhân của cuộc đời.
10. Những lối hành xử cưỡng bách: Khi đã lỡ đóng một vai, một nhân vật của một bi kịch mà chúng ta vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn,… chúng ta bị buộc phải cư xử, hành động theo đúng vai trò mà chúng ta chọn lựa cho mình.
11. Nhu yếu phán xét người khác: Sự phán xét vẫn là phê phán, dù nói ra thành lời hay không, và chúng ta rất thích phê phán người khác, không biết rằng khi chúng ta phán xét người khác tức là chúng ta đang phán xét chính mình. Vì trong khi thiếu hiểu biết, ta đang nói rằng “Nếu tôi mà như anh, và tôi mà hành xử như thế là tôi xấu, tôi sai, tôi sẽ khinh chính tôi”. Nhưng trí năng lật ngược, đi phóng chiếu đối tượng bị khinh rẻ kia thành một người ở bên ngoài ta. Do đó ta đi chê trách kẻ khác, không biết rằng sự thực là ta đang chê trách chính ta.
12. Những tấn tuồng: Đó là những bi kịch mà chúng ta tự tạo ra trong quan hệ luyến ái của mình. Có khi là để thưởng thức thú đau thương, cung cấp thức ăn cho khối khổ đau sâu dày cũ ở trong ta.
13. Chứng ngộ về Nhất Thể: Kinh nghiệm hợp nhất với mọi thứ, mọi vật chung quanh mình. Cảm nhận mọi người, mọi vật chung quanh mình thân thiết như tế bào trên cùng một thân thể.
14. Dùng quan hệ luyến ái như một thực tập tâm linh: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta có rất nhiều khó khăn trong cách nói năng, cư xử với nhau... Nhưng chúng ta không muốn đối diện và chuyển hóa những khó khăn, khổ đau này. Thay vào đó, chúng ta muốn đi tìm những đề tài tâm linh bí hiểm, những công án Thiền,… xa rời thực tế và những khổ đau đang có mặt ở trong đời sống vợ chồng của mình. Cho nên, người thông minh là một người biết sử dụng những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quan hệ luyến ái như là một thực tập tâm linh, để nhìn sâu và chuyển hóa những khó khăn và khổ đau đó thành niềm vui và sự an lạc.
15. Đồng nhất mình với lý trí: Xem mình là một với những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình.
16. Không muốn lặp lại những tấn tuồng qua những quan hệ luyến ái: Đối với những người đã đi qua nhiều quan hệ vợ chồng, nhiều khi những khó khăn cũ của quá khứ cứ lặp đi lặp lại như một bi kịch cũ đã xảy ra trong những quan hệ trước đây.
17. Nghiện ngập những cảm xúc mạnh mẽ gây ra bởi những tấn tuồng cảm xúc và khổ đau: Lắm khi chúng ta nghiện những cảm xúc này như nghiện thú đau thương, như những kẻ vì tê cứng, nên thích nghiện những cảm xúc khổ đau mãnh liệt để có thể cảm thấy được mình vẫn đang còn sống.
18. Phóng đại những khuôn mẫu phản ứng đầy tính lý trí: Đời sống của mỗi con người bao gồm nhiều thói quen như ăn uống, nghỉ ngơi, nói năng, hành xử v.v. Ngay cả suy tư, phản ứng của chúng ta cũng trở thành những thói quen. Trong một quan hệ luyến ái, những thói quen phản ứng trong lời nói, hành động này sẽ được phóng đại lên nhiều lần làm chúng ta vừa muốn biết về chính mình mà lại vừa không muốn biết những khiếm khuyết trong cách ta cư xử, suy tư.
19. Tâm thức mới của nhân loại: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp từ tâm thức cũ sang tâm thức mới, từ tâm thức tự ngã, riêng rẽ, cá nhân sang một loại tâm thức cộng đồng, hợp nhất. Một vận hội mới đang mở ra cho những ai đã chán ngán cách sống cũ, muốn nhìn thấy một đổi thay chưa từng có trên địa cầu, thì đây là một cơ hội hiếm có. Con đường đi đến giác ngộ chưa bao giờ được mở rộng như bây giờ. Sẽ có nhiều người cùng đạt đến trạng thái tỉnh thức, loại tỉnh thức tập thể.
20. Học cách bày tỏ những gì mình cảm nhận mà không cần phải trách móc: Cách chúng ta bắt đầu một câu nói rất quan trọng. Điều này quyết định sự truyền thông sẽ được bắt đầu hay sẽ bị tắc nghẽn. Ví dụ khi bạn cảm thấy “không được hiểu, không được lắng nghe”, bạn chỉ có thể nói về mình và những cảm xúc của mình, và bắt đầu câu nói bằng một đại danh từ để chỉ về mình, tùy theo giới tính. Nếu mình là một người phụ nữ thì nói : “Em cảm thấy rất khổ vì không được anh hiểu, và không được anh lắng nghe!”. Cách nói này sẽ giúp cho người đàn ông nghe được điều cần được nói ra mà không cảm thấy đang bị công kích, phê phán. Ngược lại, nếu bạn là người đàn ông thì bạn nên bắt đầu bằng: “Anh cảm thấy rất khổ vì không được em hiểu, và không được em lắng nghe!” mà không nên nói về phía bên kia và những khiếm khuyết của người đó: “Em không bao giờ chịu hiểu anh, hay chịu lắng nghe anh!”. Cách nói này sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy bị phán xét, đang bị kết tội… sẽ làm tắc nghẽn truyền thông.
21. Khối khổ đau sâu nặng của quá khứ: Là sự tích lũy của khổ đau chồng chất lớp này đến lớp khác thành một khối mà trước giờ chưa bao giờ được ôm ấp, nhận diện và chuyển hóa.
22. Tùy thuộc vào đặc tính của khối khổ đau ở trong người phụ nữ: Nếu khối khổ đau thuộc loại chủ động, có thêm nhiều giận dữ, thì họ sẽ dễ trở thành những thủ phạm, còn bị động thì họ dễ trở thành những nạn nhân. Nhưng đa số phụ nữ thường mang trong người khối khổ đau có tính thụ động, do đó họ thường trở thành nạn nhân của sự bạo hành. Vì đặc tính thụ động của khối khổ đau ở trong họ, họ thường trở thành nạn nhân một cách thụ động, không biết cách bảo vệ cho mình để khỏi rơi vào những tình huống dễ xảy ra bạo hành. Có sự què quặt nghiêm trọng trong giá trị tự thân và trong cách cư xử của những người phụ nữ mang đặc tính này. Họ có rất nhiều sợ hãi, nhưng rất ít cảm giác giận dữ, và họ thường không tự biết giá trị của chính họ, cho nên chỉ khi nào họ tự nhận thức được tình trạng của chính mình, thì những người phụ nữ mang đặc tính khổ đau thụ động này mới có thể thôi không còn làm nạn nhân nữa.
23. Giả vờ khổ đau đó chính là bạn: Tự ngã và khổ đau ở trong ta hay giả vờ, thì thầm bên tai ta rằng nó chính là ta, nên nếu không có mặt, ta sẽ sai lầm khi nghe theo những dụ hoặc này. Cho nên bạn phải thực tập để có mặt sâu sắc mới không rơi vào những cạm bẫy này.
24. Để nó có thể nhận thêm năng lượng nuôi sống chính nó: Khối khổ đau ở trong ta như là một sinh vật, nó biết cách để lấy thức ăn qua việc tạo ra những bi kịch trong ta để nuôi sống chính nó.
25. …Không thể đạt đến khả năng thực sự của mình: Có nhiều người trong chúng ta vẫn thiếu hiểu biết cho rằng vì tôi sinh ra trong một gia đình như thế, vì cha, mẹ tôi là những người như thế,… nên tôi không thể nào đạt đến khả năng thực sự của mình. Tâm thức nạn nhân này mới thực sự là sự cản trở chính không cho ta đạt được những gì ta mong muốn. Cũng như những người đã đi qua một lần dang dở, họ vẫn muốn tin rằng những đổ vỡ trong chuyện ly dị của họ là nguyên nhân làm cho họ không thể đạt được những gì họ mong muốn.
26. Tạo ra một nhân cách dễ chịu cho bản thân họ: Vì không hiểu mình là ai, chúng ta luôn cố tìm cho mình một nhân cách, ngay cả nhân cách của một nạn nhân. Chúng ta hài lòng và cảm thấy dễ chịu trong tâm thức nạn nhân này đến độ chúng ta ôm cứng lấy nhân cách đó, không chịu buông ra, ngay cả khi có cơ hội để làm lại cuộc đời mình.
Chú thích Chương 9
1. Đạo Ki-tô: Một tôn giáo tin vào Jesus Christ, tức là Chúa Jesus, một người sinh ra ở Do Thái cách đây hơn 2.000 năm, dưới thời La-Mã còn chiếm đóng đất Do Thái. Ngài là một bậc thầy đã giác ngộ. Khi bị gia hình trên cây thập tự giá, Ngài vẫn không thù ghét những người đã phỉ báng, gièm pha và sát hại Ngài. Ngài đã nói trước khi chịu chết: “Xin Cha tha tội cho những người này, vì họ không biết họ đang làm điều gì!”.
2. “Ăn phải cây tri thức, biết phân biệt về những điều tốt/xấu”: Câu kinh này ngụ ý rằng từ khi loài người có óc phân biệt tốt/xấu, thiện/ác, đúng/sai thì càng ngày càng bị tự ngã và lý trí chi phối nên càng ngày càng trở nên sai lầm, xa rời Cội Nguồn, gốc rễ của mình.
3. Tên Gọi và Hình Tướng: Hay Danh và Sắc - Danh từ Phật Giáo. Về Tên Gọi, vì con người có nhu yếu sáng tạo ra ngôn ngữ để truyền thông với nhau, từ đó họ đặt tên cho tất cả mọi sự, mọi vật để khái niệm, xác định và phân biệt vật này với vật kia. Hình tướng tức là vẻ bên ngoài của mọi sự vật. Ý nói ta phải vượt lên trên những khái niệm, sự phân biệt nhị nguyên và sự bám víu vào những hình thể bên ngoài của mọi sự, mọi vật thì ta mới tiếp xúc được với Tự tánh của vạn vật.
4. Một nhận thức đang chứng kiến những gì đang xảy ra, một chứng nhân đang quan sát tâm tư của mình: Tức là thực tập nhận diện và gọi tên tất cả những suy tư, cảm xúc gì đang xảy ra trong tâm mình. Ví dụ, khi quan sát tâm tư mình, bạn nhận ra có một cảm xúc giận dữ đang biểu hiện ở trong lòng thì bạn chỉ cần nhận diện cảm xúc đó và tự nhủ “Ồ có một cảm xúc giận dữ đang có mặt ở trong lòng tôi”. Nhận diện và gọi tên như thế mà vẫn giữ được sự có mặt của mình, vẫn duy trì hơi thở nhẹ nhàng và không tránh né, hay phán xét những gì đang có mặt trong lòng bạn dù trong bất kỳ tình huống nào. Điều này sẽ giúp cho bạn chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực đó rất nhanh chóng. Đây cũng chính là cốt lõi của Thiền tập giúp cho ta có niệm lực, định lực để nhìn ra bản chất của sự vật để có tuệ giác, giác ngộ.
5. Chừng nào bạn còn đồng hóa mình với những bi kịch của đời mình thì giác ngộ là một điều đáng sợ: Trong con đường thực tập tâm linh, khi nhìn cho rõ và thành thật với chính mình, không phải ai cũng mong muốn đi đến giác ngộ viên mãn. Vì ở trong ta luôn có những khổ đau, thói quen của sự thèm khát, những mê đắm,… mà trong vô thức, chúng ta cho đó là mình, cho nên chúng ta rất sợ giác ngộ, vì biết rõ rằng khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ đương nhiên từ bỏ những thói hư, những tiêu cực đó, nên chúng ta chỉ thực tập cầm hơi, như một thí sinh, một người đi thi bằng tiến sĩ mà sợ đỗ đạt, sợ thành công.
6. Vị thế trí năng: Tức là bảo vệ một quan điểm, một chỗ đứng nhất định, có tính không nhượng bộ, không mềm dẻo trong cách suy nghĩ, trong suy tư của mình.
7. Tiếng Pa-li: Một loại ngôn ngữ cổ được dùng để viết lại những bài giảng, những kinh tạng của Đức Phật.
8. Qua đó mà bạn tìm một nhân cách hay cá tính của mình: Vì không biết bản chất chân thực của mình là ai, nên chúng ta thường có khuynh hướng tự đồng nhất mình, cho mình chính là những vai trò mà mình đóng trong gia đình: là một người cha, người mẹ, người vợ, hay chồng,… Hoặc nghề nghiệp của mình ngoài xã hội: một người bác sĩ, một kỹ sư,… thậm chí cả những bất hạnh, khổ đau,… mà chúng ta trải qua trong cuộc đời cũng trở thành những nhân cách, cá tính của mình: ‘tôi là một người đàn ông thất bại”, “một người đàn bà bệnh hoạn”, “một kẻ không ai thương”,… Quên rằng, tất cả những thứ này chỉ là những vai trò mà chúng ta “đóng” trong những tình huống khác nhau, hoặc là những niềm tin sai lạc, mà không phải là bản chất chân thực của mình.
9. Tìm nhân cách, diện mạo của mình qua những sản phẩm mà mình sở hữu, tiêu thụ,…: Chúng ta đi tìm một nhân cách cho chính mình qua sự thành công trong nghề nghiệp, qua chuyện sở hữu một chiếc xe hơi lộng lẫy,v.v.
10. Khi đạt đến chỗ này, bạn chỉ cách tuyệt vọng có một bước chân, cũng chỉ cách giác ngộ một bước chân: Khi đến tận đáy của sự tuyệt vọng, của sự vô minh, bạn cũng đến gần với cánh cửa của giác ngộ, vì vô minh và giác ngộ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Do đó, khi nhận ra cuộc đời của mình từ trước đến nay chỉ toàn là chạy đuổi theo những phù phiếm ở bên ngoài, chúng ta sẽ đi đến đoạn cuối của con đường cũ, con đường hướng về bên ngoài này, để bắt đầu quay đầu lại để đi về một hướng đi mới, đó là con đường tâm linh, đó là hành trình hướng vào bên trong, hướng vào nội tâm.
11. “Hãy chìa má bên kia ra”: Là một thực tập chấp nhận vô điều kiện đến mức tột đỉnh. Chúa Jesus khuyên rằng khi có ai vừa đánh vào má của mình thì thay vì phản ứng, điều mà chúng ta nên làm là chấp nhận sự kiện đó mà không phản ứng, trả đũa, hay nổi giận,… nói một cách khác: “Hãy chìa má bên kia ra!”.
12. “Ngài chỉ quan tâm đến bản chất bên trong của bạn, chứ không phải những hành vi thiếu sót ở bên ngoài của bạn”: Vì Chúa Jesus đã tiếp xúc được với bản chất chân thực của Ngài nên không còn thấy có sự phân biệt giữa Chúa và chúng ta. Do đó, ngay cả đối với những người đã gièm pha, ám hại Ngài, Ngài vẫn không đem lòng oán trách, mà chỉ có thương yêu và lòng tha thứ.
13. Banzan: Bàn Sơn Bảo Tích, sinh năm 720, mất năm 814. Là một vị thiền sư người Trung Hoa, môn đệ nối pháp của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Ngài thấy được tự tánh của ngài, hoát ngộ ngay khi đang ở giữa chợ, khi đang đi ngang qua một hàng thịt, nghe mẩu chuyện trao đổi giữa khách mua và ông hàng thịt.
14. Ta khổ đau vì ta đồng nhất ta với những biểu hiện tạm bợ của hình tướng: Vì không hiểu được lẽ Vô Thường và bản chất chân thật của ta nên ta cho mình chỉ là thân thể này, với quan hệ luyến ái này… nhưng đến khi thân thể tạm bợ của ta bị bệnh, già nua hay hư hoại, ta cảm thấy tiếc thương, đau khổ. Hay đến khi quan hệ vợ, chồng, nam nữ đổ vỡ, ta cảm thấy hụt hẫng khổ đau vì đánh mất vai trò là người vợ, người chồng, người yêu,… mà ta tưởng đó là con người chân thật của ta.
15. “Hãy chết trước khi ta thực sự đối diện với cái chết!”: Đây là một thực tập trong đó hành giả quán tưởng thân thể của mình đi qua từng giai đoạn trương phình, mục rã,… sau khi chết. Để cuối cùng những xương cốt kia cũng hóa thành tro bụi. Quán chiếu này giúp ta nhận thức được cái chết của thân thể ta, và sự tàn hoại tất yếu của hình hài này. Nhưng cũng từ quá trình thực tập này mà ta nhận thức được bản chất bất tử của mình, vượt lên trên những biểu hiện tạm bợ, mong manh.
16. Tâm hành: Là tất cả những biểu hiện tình cảm ở trong tâm thức mình như: buồn, vui, lo sợ, khổ đau, hạnh phúc,…
17. Tên Gọi và Hình Tướng: Tức là “Danh và Sắc”, xin xem mục số 3) đã giải thích ở trên. Ý nói những gì không thực, chỉ là những khái niệm quy ước ở trong ta mới thực chết mà thôi.
18. Chưa bao giờ có “bức tượng đá” ở đó cả: Nghĩa là vì ảo tưởng thị giác nên ta nhìn sai thiên thần thành “bức tượng đá”. Do đó khi đã điều chỉnh lại thị giác thì ta chỉ nhìn thấy vị thiên thần, do đó mới nói là “chưa bao giờ có bức tượng đá ở đó cả!”.
19. Tỉnh giấc khỏi thói quen tự đồng nhất mình với những hình tướng: Nhận thức được ta không phải là những giận dữ, ganh tị, tuyệt vọng, … hoặc những tình cảm tiêu cực khác ở trong mình.
20. Lòng Từ Bi đích thực: Là tình thương yêu rộng lớn cùng khắp mọi người, mọi vật, không phân biệt bạn, thù, thân sơ. Tình thương đó đến từ sự hiểu biết rằng mình và vạn hữu là một, không còn phân biệt ta và người, ta và thế giới chung quanh ta.
21. Giúp người khác hóa giải nghiệp căn: Giúp họ hóa giải tận gốc nguyên nhân của những vô minh nguyên thủy từ đó tạo ra nghiệp quả. Cảm giác mình là một cá thể tách biệt với Cội Nguồn và với thế giới chung quanh chính là một sai lầm, một nghiệp căn rất căn bản, từ đó chúng ta gây ra vô số những tham đắm, sai lầm khác sau đó mà ta gọi là nghiệp quả. Do đó, chuyển hóa phải được chú trọng đến nguyên nhân sai lầm từ ban đầu, đến nghiệp căn thì mới mong tác động được gốc rễ của vấn đề.
22.“Hãy yêu kẻ thù của mình!”: Tức yêu những người đã gây ra khổ đau cho mình. Khi bạn cảm nhận được sự liên hệ mật thiết giữa mình và mọi người chung quanh mình thì bạn nhận ra bạn trong chính họ. Sở dĩ họ còn hành xử thiếu hiểu biết vì nhận thức của họ bị kềm hãm bởi vô minh và mê mờ, nên bạn không thù ghét, oán hận họ. Vì trong chiều sâu, họ chính là bạn nên làm gì có một kẻ thù để mà ghét bỏ.
23. Nghiệp quả: Hậu quả của những hành động chúng ta làm trong trạng thái vô minh, thiếu hiểu biết.
Chú thích Chương 10
1. Chấp nhận những gì đang xảy ra: Thường khi có chuyện gì xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng không chấp nhận rằng chuyện ấy đã hoặc đang xảy ra, như thể chúng ta có năng lực không cho chuyện ấy xảy ra. Không ít thì nhiều, chúng ta có sự chống đối ở trong lòng. Chúng ta bất mãn và khổ sở với sự chống đối đó như thể sự việc ấy chưa xảy ra. Thực ra thì những gì mà ta đang chống đối đã xảy ra rồi.
2. Nương theo hơn là đi ngược lại dòng chảy của đời sống: Trong võ thuật, như nhu đạo, người võ sĩ không chống lại sức mạnh của đối thủ mình. Ngược lại, người ấy không dùng sức mạnh của mình, mà chỉ nương theo sức mạnh của đối phương và dùng sức mạnh có sẵn ấy để đánh ngã đối thủ.
3. Phút giây hiện tại là phút giây duy nhất có thực trong đời sống. Vì đời sống chỉ có một phút giây liên tục xảy ra: phút giây hiện tại. Cái mà ta gọi là Quá Khứ chính là những phút giây hiện tại đã qua. Và Tương Lai cũng chỉ là những phút giây hiện tại sắp tới. Cho nên, nếu ta đánh mất phút giây hiện tại là chúng ta đánh mất tất cả.
4. Lý trí: Là danh từ nói chung về tất cả những suy tính thiệt hơn, lợi hại cho bản thân mình ở trong đầu ta của tự ngã (ấn tượng sai lầm, cái tôi biệt lập ở trong mình) hay những cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an thường trực ở trong lòng mình. Chúng ta xét đoán sự việc từ chỗ suy tính, phân biệt hoặc lo sợ,… sai lầm này cho nên chúng ta ít khi có được một cái nhìn đúng đắn về những gì đang xảy ra.
5. Ung dung tự tại hay an nhiên tự tại: Là tư thái sống an nhàn, thanh thoát trong sự có mặt trầm tĩnh, sáng suốt và toàn vẹn với những gì đang xảy ra chung quanh mình.
6. Phản ứng có tính chất rập khuôn, đầy quán tính: Trong mỗi người chúng ta có một thói quen phản ứng được tự động hóa, mà ta không thể làm khác đi được khi sự phản ứng đó bị kích thích. Ví dụ khi có ai đó làm một chuyện gì phật ý ta, tự nhiên ta trở nên nóng giận không thể kềm lại được. Lúc đó thói quen hành xử một cách tự động khi phản ứng đã bị kích thích sẽ được thi hành. Chúng ta trở nên cư xử rất lỗ mãng trong cách nói năng, ứng xử. Hãy tưởng tượng bạn phản ứng rập khuôn như một chiếc máy bán nước ngọt, chỉ cần bỏ vào 50 xu thì sẽ bấm ngay được một lon nước. Trong trường hợp này, chỉ cần chọc cho bạn giận là trăm lần như một, bạn sẽ phản ứng với sự giận dữ cao độ, bạn sẽ lỗ mãng trong lời ăn, tiếng nói y hệt như những lần đã xảy ra trước đó. Bạn không còn tự chủ nữa khi đã bị bấm vào điểm yếu này.
7. Cái Biết mầu nhiệm: Ở trong mỗi người chúng ta, có một khả năng Biết, khả năng ý thức sâu sắc về mọi sự mọi vật mà chúng ta tiếp xúc. Nhận thức, hay cái Biết ấy, được biểu hiện qua ý thức và năm giác quan: tai (nghe), mắt (thấy), mũi (ngửi), lưỡi (mùi vị) và thân thể (xúc chạm). Những khi Tâm ta ở trong tư thái ung dung tự tại, không bị những cảm xúc mạnh hay Tự Ngã điều khiển, thì cái Biết ấy hết sức là chân thật, trong sáng. Chừng nào chưa nhận ra được cái Tôi chân thật, không hình tướng, bất hoại này thì chúng ta sẽ còn trôi nổi, chìm đắm chạy theo những hình tướng bên ngoài.
8. Đồng hóa với những cảm xúc đó: Là khi đồng nhất mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ... xảy ra ở trong mình: Nghĩa là khi có một suy tư hay ý tưởng phát sinh ở trong đầu, như “Ồ tôi sẽ bị mất việc”,… bạn trở thành một, hay đồng nhất với ý tưởng đó và trở nên hoảng hốt, lo sợ. Hoặc giả dụ, khi có một cảm giác giận dữ phát sinh ở trong lòng (vì một người đối diện lỡ nói một điều gì phật ý mình,…) bạn lập tức cho rằng mình là cảm giác giận dữ ấy, nghĩa là bạn trở thành sự giận dữ ấy, mà không hề biết; do đó bạn đánh mất chính mình, không còn tự chủ và bị sai sử bởi cơn giận đang có mặt ở trong mình.
9. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời của mình: Nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh sống của mình, chấp nhận những gì mình đang có hay đang không có. Vì tất cả những thứ đó là kết quả của những gì mình đã nói, làm và suy nghĩ trong quá khứ, dù mình có ý thức hay không ý thức. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời mình cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm cho những cảm xúc khó chịu hay dễ chịu xảy ra ở trong mình mà không đổ thừa cho người khác. Vì tất cả những cảm xúc xảy ra ở trong mình đa số là những thứ đã có sẵn, và chỉ biểu hiện ra khi có cơ hội qua tiếp xúc, chung đụng với người khác. Những biến cố này sẽ giúp ta thấy được những góc cạnh khác ở trong ta mà ta chưa thấy trước đây.
10. Đừng kháng cự lại sức mạnh của đối phương, chỉ cần nương vào đó mà vượt qua: Đây là nguyên lý của nhu đạo, một loại võ thuật của Nhật Bản, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh.
11. Vô Vi: Tức là thái độ sống an nhiên, thảnh thơi. Có chuyện gì ta cần thì làm, nhưng làm việc trong tư thái nhẹ nhàng, thanh thoát, không vội vã, không âu lo.
12. Nhà giả kim: Thời Trung Cổ, có những người luyện kim có khả năng chuyển sắt thành vàng. Ở đây tác giả muốn so sánh với khả năng chuyển hóa tật bệnh thành an lạc, khổ đau thành giác ngộ.
13. Hấp dẫn và thể hiện: Theo nguyên tắc Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nghĩa là những gì giống nhau sẽ hấp dẫn với nhau. Nếu bạn là người có nhiều khổ đau, bạn sẽ hấp dẫn những người có nhiều khổ đau đến với bạn và thể hiện những khổ đau ấy qua quan hệ của hai người. Nếu bạn là người nhẹ nhàng, vui vẻ, bạn sẽ thu hút những người nhẹ nhàng, vui vẻ và sẽ thể hiện sự nhẹ nhàng vui vẻ ấy trong quan hệ giữa hai người.
14. Bày tỏ niềm đau của mình: Khi mình khổ, mình có thể nói “Anh cảm thấy khổ quá khi em nói (hay em làm) như thế này,…” hoặc “Em rất đau đớn khi nghe anh nói (hay anh làm) như vậy,…” mà không cần phải vẽ vời, hay đổ lỗi gì cả. Những lầm lỡ khi ta bắt đầu một câu nói trực tiếp, có vẻ kết luận về nhân cách hay thói quen tiêu cực của người kia như: “Em lúc nào cũng cho mình là đúng” hay “Anh luôn luôn ăn hiếp em!” là chúng ta làm cho người kia cảm thấy bị công kích, làm cho họ cảm thấy cần phải tự tạo ra những chướng ngại không cần thiết trong mối quan hệ giữa hai người.
15. Khi ta khổ, ta có khuynh hướng đồng hóa mình với vấn đề của mình như là một tấm căn cước: “Tôi là một người bị ung thư” hoặc trở thành một nạn nhân: “Tôi là một người bị phụ tình, bị bạc đãi”. Ta có thể nói sự thật mà không cần có một căn cước hoặc phải làm một nạn nhân: “Tôi đang có vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe, đó là một chứng ung thư” hoặc “Nhà tôi không còn sống chung với tôi nữa, bà/ông ấy đã đi ở với một người khác”.
16. Đây là ngọn lửa của ý thức sẽ soi sáng và xoa dịu những niềm đau ở trong bạn: Khi ta mang ý thức, sự chú tâm của ta để soi chiếu vào một vấn đề hay một cảm xúc khó chịu gì ở trong lòng thì tự nhiên trong ta sẽ có sự dễ chịu, và sự chuyển hóa lập tức xảy ra. Đó là khả năng trị liệu của sự có mặt, ý thức sáng tỏ ở trong ta. Khi ta lắng nghe một người đang có một nỗi khổ cần được thổ lộ, chỉ cần ta lắng nghe với sự chú tâm và có mặt là người đó sẽ vơi nhẹ bớt ngay khổ đau.
17. Thầy Nhất Hạnh dùng hình ảnh sóng và nước để diễn minh cùng một chân lý: Cuộc đời ta được biểu hiện như một đợt sóng, một cá thể riêng biệt trong thế giới hiện tượng có sinh, có diệt này. Nên khi cuộc đời ta đến chỗ cuối cùng, ta không sợ chết vì biết rằng bản chất chân thực của ta là nước, không bao giờ sinh nên không bao giờ bị hoại diệt. Hãy tưởng tượng ta đi vào sinh, tử như một trò chơi, như những đợt sóng khi biểu hiện, khi không biểu hiện.
18. Sự giả dối này: Đó là ấn tượng ở trong mỗi người rằng mình là một cá thể biệt lập, có một bản ngã riêng, không dính gì đến mọi sự, mọi vật chung quanh mình. Đó là sự giả dối, là một sai lầm từ nguyên thủy. Nói theo Thánh Kinh, đó là tội lỗi nguyên thủy trong mỗi chúng ta, tức là sự sai lầm khi bắt đầu cho rằng mình và Thượng Đế là hai thực thể riêng biệt, có sự phân ly. Khi thức ngộ hoàn toàn, ta sẽ hiểu ra được điều giả dối, sai lầm này. Do đó khi Eckhart Tolle nói “cái chết của sự giả dối này”, tức là sự cáo chung của sai lầm nguyên thủy này sẽ là một giải thoát lớn cho chúng ta.
19. Tâm thức: Cách ta suy nghĩ, cảm nhận, phán đoán mọi sự mọi việc trong đời ta.
20. Khuôn mẫu cư xử: Cách chúng ta cư xử, suy nghĩ theo một thói quen, một khuôn mẫu nhất định, bó buộc, không thể làm khác đi được. Một trong những khuôn mẫu cư xử từ quá khứ là từ những cách cư xử của cha, mẹ hoặc những người thân trong gia đình cư xử với nhau,… Ví dụ, nếu một người con gái lớn lên trong một gia đình mà bố mình thường hành hung, đánh đập mẹ mình thì trong sự thiếu hiểu biết, người con gái đó có khuynh hướng tìm đến những người thanh niên hay bạn trai có khuynh hướng bạo hành và sai lầm xem chuyện mình bị hành hung là một cử chỉ biểu lộ yêu thương và cách cư xử theo khuôn mẫu là chịu trận, không biết phản ứng, hay cầu cứu… Mặt khác, nếu một thanh niên mà thuở bé hay bị mẹ hay chị mình la mắng, uy hiếp bắt phải phục tùng theo ý họ thì khi trưởng thành, người thanh niên ấy có khuynh hướng chọn những bạn gái, vợ, hay cấp trên,… là những phụ nữ có uy quyền, hay lấn lướt chồng,… như mẹ, hoặc chị mình đã làm trong quá khứ để chàng có dịp phục tùng mẹ, hay chị,… tìm lại quá khứ quen thuộc của mình qua cách cư xử thụ động với bạn gái, với vợ hay với cấp trên (là một phụ nữ) của mình. Đây chính là một hành động của sự thiếu hiểu biết, muốn tái tạo lại những gì quen thuộc, đã xảy ra,… trong quá khứ. Mặt khác, nếu chúng ta lớn lên trong một gia đình nghèo mà khi cần bất cứ thứ gì như áo quần, giầy dép,… ta cũng phải đấu tranh thì khi lớn lên, chúng ta có khuynh hướng giành giựt, đấu tranh với người hôn phối của mình hoặc người đồng sự ở công sở, những khi có chuyện gì xung đột, hay cảm thấy quyền lợi của mình bị sứt mẻ.
21. Cảm thấy không xứng đáng được yêu thương: Khi có một biến cố trong thời thơ ấu, khuynh hướng của con người nói chung là muốn tìm hiểu tại sao chuyện không may ấy xảy ra cho mình, nên chúng ta cố tìm cách giải thích biến cố đó theo đầu óc non nớt, vụng dại của mình hoặc cố gắng điền vào những chỗ mà chúng ta không biết. Cho nên, chúng ta thường đi đến những kết luận sai lầm về chính mình và về biến cố đó, những kết luận thiếu sót ấy tạo thành những niềm tin sai lạc nhưng in đậm nét trong tâm thức ấu thơ của mình. Và chúng ta quên bẵng đi những ký ức bất hạnh này, và từ đó trở về sau, chúng ta luôn tìm cách chứng minh từ chuyện này qua chuyện khác rằng “tôi là một kẻ không ai thương!”, … và xem kết luận, suy đoán sai lầm đó như là sự thật và hành xử một cách thiếu hiểu biết theo những niềm tin sai lạc đó. “Tôi là một kẻ không ra gì!” hoặc “Tôi là một kẻ không xứng đáng để được yêu thương” là hai niềm tin sai lạc phổ thông nhất.
22. Cảm thấy mình rất đáng bị trừng phạt: Thuở ấu thơ, có khi chúng ta vụng dại làm những điều lầm lỗi và cảm thấy rất hối hận, cảm thấy mình rất đáng bị trừng phạt. Trong một quan hệ nam nữ, có khi ta bị đối xử một cách quá đáng so với những lỗi lầm mà ta phạm phải, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy bị phạt chưa đủ. Vì chúng ta mang tâm thức ấu thơ này đi vào đời sống của một người trưởng thành nên trong lòng ta luôn có ấn tượng rằng mình rất đáng bị trừng phạt. Hội chứng tội tỗi này dễ làm chúng ta tìm đến những quan hệ có tính chất bạo hành mà mục đích thực là để giúp chúng ta nhìn ra được những kết luận sai lầm này trong quá khứ và rũ bỏ những thương tích ấy, sống một đời sống mới có hạnh phúc. Nhưng thông thường chúng ta không nhận ra rằng mình có hội chứng tội lỗi này, hoặc chúng ta không đủ can đảm để chấm dứt những quan hệ bạo hành, bệnh hoạn mà chúng ta đang có. Không có một quan hệ vợ chồng hay nam nữ nào quá quan trọng hay xứng đáng để chúng ta phải bị đánh đập, ngược đãi hoặc bị đối xử một cách hung bạo.
23. Cần tạo thêm khổ đau mới để làm thức ăn nuôi dưỡng khối khổ đau cũ ở trong ta được sống mãi: Hãy để ý xem, khi ta có một niềm đau ở trong ta mà ta không ý thức về khổ đau ấy, ta sẽ bị niềm đau ấy sai sử để nói và làm những điều gây thêm đổ vỡ, đau thương. Vì khối khổ đau cũ ở trong ta như một sinh vật, nó cần được nuôi dưỡng bằng thức ăn: đó là những đau đớn, khổ sở mới, được tạo ra ở trong ta. Bạo hành là một biểu hiện của hiện tượng này, trong đó người gây ra bạo hành có sẵn rất nhiều khổ đau bị đè nén, chỉ chực chờ bùng nổ, và họ có khuynh hướng muốn chứng tỏ cho người bị họ ngược đãi rằng: “Muốn nếm mùi khổ đau hả? Đây, khổ là như thế này này!”. Dĩ nhiên là họ ít khi nói ra được điều này thành lời Do đó, bạo hành là sự biểu hiện, phóng chiếu những khổ đau của chính mình lên trên kẻ khác vì tự thân người bạo hành không thể chịu trách nhiệm cho khối khổ đau quá lớn ở trong họ. Có khi họ không ý thức được họ đang chất chứa rất nhiều khổ đau ở trong lòng. Những người gây bạo hành thường là những người đã từng là nạn nhân của bạo hành.