X
ưa kia, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa nhiệm vụ làm mưa để tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.
Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu!
Một hôm, các con vật họp bàn nhau lại Chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.
Bốn con vật đi mãi, đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ, nếu ai có điều gì oan ức thì đánh trống lên, Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống ầm ĩ.
Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra, nhìn ngược, nhìn xuôi mãi cũng không thấy ai, chỉ thấy con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng để kêu oan, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng.
- Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí kinh khủng. Thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.
Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói như vậy thì lấy làm giận lắm, bèn sai bầy Gà ra mổ Cóc. Nhưng bầy Gà vừa ló khỏi cửa, Cóc đã ra hiệu cho Cáo từ bụi rậm xông ra vồ gà.
Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra, chỉ kịp sủa “gâu, gâu, gâu” mấy tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không còn sót một tên nào.
Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, đổi giận làm lành, sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:
- “Cậu” lên đây có việc gì?
Cóc thưa:
- Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?
Ngọc Hoàng cho gọi thần Mưa đến. Té ra thần Mưa mải rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa. Bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:
- Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.
Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về dưới đất. Khi bốn con vật về đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông, suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:
“Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Câu chuyện về chú cóc tía nhỏ bé hẳn đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ tích cực. Bằng sự can đảm, mưu trí và nhiệt huyết, chú đã tập hợp được quanh mình một lực lượng đủ mạnh gồm các con vật: Cáo, Gấu, Cọp, để cùng nhau kéo lên Thiên đình kiện Ngọc Hoàng. Như vậy, lòng dũng cảm chính là động lực giúp ta đứng lên bảo vệ công lý, trở thành động cơ kết nối mọi người trong tình đoàn kết, tương thân tương ái