K
hi họ về văn phòng, người trợ lý bước ra chào đón và giao cho nhà điều hành một loạt tin nhắn qua điện thoại.
- Anh có thể chờ tôi ít phút để trả lời vài cuộc điện thoại không?
- Ông cứ tự nhiên. Công việc là công việc mà.
- Tôi đưa anh xuống nhà dùng bữa trưa nhé? - Viên trợ lý đề nghị.
- Thế thì còn gì bằng!
- Quầy cà phê ở tầng trệt. Bữa trưa ở đây miễn phí cho tất cả nhân viên và khách khứa. Chúng tôi còn có vài món rau trộn rất ngon. Anh thích rau trộn chứ?
- Anh đùa tôi đấy à? Tôi là dân New York đây. Rau trộn, cá và hải sản là gu của tôi đấy.
Cả hai cùng chọn thức ăn và tiến đến một chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ nhìn ra hàng hiên. Bên ngoài, cây cối hãy còn khoác trên mình sắc màu của mùa thu.
- Hôm nay anh đã đi được những đâu? - Viên trợ lý hỏi.
- Rất thú vị. Tôi ngạc nhiên khi biết ông ấy xây nhà dành cho bọn trẻ, còn chúng thì xem ông ấy như người ông yêu dấu của chúng vậy. Quản lý ngôi nhà đó khá tốn kém phải không?
- Anh muốn nói ngôi nhà nào?
- Thế là sao? Không lẽ còn có những căn nhà như thế ở nơi khác nữa ư?
- Vâng, thực sự thì có 12 căn nhà như thế, nếu tính cả ở Mexico. Mỗi căn dành cho mười hai đứa trẻ, cùng hai người chăm sóc được xem như là cha và mẹ chúng.
Nhà môi giới ngẩn người tính toán:
- Thế ra ông ấy bảo bọc những hơn 140 người sao?
- Đúng ra là hơn 160 người, kể cả những người đóng vai trò cha mẹ. Họ được trả lương toàn thời gian đấy.
- Thật đáng kinh ngạc.
Bất chợt nhà điều hành xuất hiện nơi quầy cà phê và góp chuyện thật tự nhiên:
- Chẳng có gì ngạc nhiên đâu. Đơn giản là tôi nhận ra nhu cầu của các cháu và vì may mắn có được những điều kiện cần thiết, tôi đã đáp ứng nhu cầu đó, vậy thôi. Quan trọng là mình phải nghĩ ra nhiều cách giúp đỡ người khác.
- Ông ấy luôn dạy chúng tôi phải hành động. - Người trợ lý bổ sung.
- Anh thấy đấy, - nhà điều hành tiếp tục, - có sự khác biệt giữa giá trị bảo tồn và giá trị hoạt động. Giá trị bảo tồn là những gì người ta nói. Còn giá trị hoạt động là những gì người ta làm. Anh có bao giờ thất vọng khi thấy những gì người ta làm trong cuộc sống hoàn toàn khác với những gì họ nói, ví dụ như về giá trị gia đình chẳng hạn?
- Vâng, có chứ, và thường là ở các chính trị gia.
- Không chỉ có các chính trị gia đâu, mà ngay cả nhiều người bình thường như chúng ta nữa đấy. Chúng ta nói mình không mù quáng, nhưng khi trò chuyện với bạn bè, chúng ta vẫn thốt lên những lời trêu chọc đầy tính phân biệt chủng tộc. Chúng ta nói mình luôn quan tâm đến con cái nhưng lại không quan tâm đến chuyện trường lớp của chúng. Chúng ta nói mình quan tâm đến tương lai đất nước nhưng lại trốn thuế và thường viện lý do bận bịu để khỏi đi bầu cử.
- Tôi hiểu ý ông rồi. - Nhà môi giới thừa nhận, cố che đậy cảm giác ngột ngạt khi hiểu được hàm ý chỉ trích trong cụm từ “chúng ta”.
- Thực ra mọi chuyện rất đơn giản. Một trong những mục tiêu của đời tôi là làm tất cả những gì có thể để thực hiện lời nói của mình.
- Nói cách khác, phải chăng ông muốn nói rằng lòng chia sẻ là chìa khóa đảm bảo cho giá trị lời nói và giá trị hành động đi đôi với nhau? - Nhà môi giới hỏi.
- Anh bắt đầu hiểu ra rồi đó, anh bạn!
Sau đó, cả hai người xoay sang thảo luận về tầm quan trọng của hành động. Nhà môi giới thỉnh thoảng ghi chép lại những cảm nhận và thông tin hữu ích.
Bỗng nhà điều hành nói:
- Nói đến hành động, chúng ta có việc phải làm đấy. Chúng ta phải đi Leadville ngay.
- Leadville? Chưa bao giờ tôi nghe nói đến nơi này.
- Đó là một vùng núi non hùng vĩ. Anh sẽ thích cho mà xem!
- Thật không?
- Rồi anh sẽ biết ngay thôi.
***
Khi họ đi về hướng tây trên chiếc I-70, nhà điều hành hỏi:
- Anh có thích ngắm cảnh đẹp không? Hơi xa đấy, chúng ta phải đi hết con đường dẫn tới Aspen thay vì rẽ vào đường 91.
- Tôi thích Aspen. Tôi đã trượt tuyết ở đó vài lần mấy năm về trước.
- Lúc này vẫn chưa đến mùa trượt tuyết, - nhà điều hành nói, - nhưng vùng đó quanh năm đều đẹp. Từ đây đến đó khá xa, nhưng đường đẹp thì cũng đáng để đi lắm!
Nhà môi giới chẳng hiểu vì sao anh lại đồng ý ngay. Quang cảnh hai bên đường quả là tuyệt vời, nhưng anh không chịu nổi những khúc quanh zíc-zắc và những con dốc thẳng đứng nối tiếp nhau.
“Chắc mình chết mất”, anh vừa nghĩ vừa buộc lại đai an toàn và bấu chặt cạnh ghế.
- Anh ổn chứ?
- Tôi không sao. - Anh trả lời và thấy nhẹ cả người lúc trông thấy một cái cổng gỗ có ghi chữ “Leadville” hiện ra trước mắt họ.
- Thị trấn này trông cổ quá.
- Ở đây tôi có rất nhiều kỷ niệm. - Nhà điều hành giải thích thêm. - Ngày trước, khi đóng quân ở pháo đài Carson, chúng tôi thường tập quân sự ở trại Hale. Tôi yêu Leadville và tự hứa với mình một ngày nào đó tôi sẽ mua một khu đất ở đây.
- Thì ra chúng ta đến xem cảnh núi non của ông à?
- Không phải vậy. - Nhà điều hành trả lời khi lái xe xuyên qua thị trấn đi về hướng nam. Được vài dặm, ông rẽ vào một lối nhỏ, chạy ngang vòm cổng đá có gắn tấm bảng bằng sắt với dòng chữ: “Kỳ Vọng”.
- Đây rồi. - Nhà điều hành nói.
- Gì thế này? Một ngôi nhà thờ bỏ hoang à? - Chàng trai tò mò hỏi.
Nhà điều hành cười to:
- Ngược lại là đằng khác. Tôi vừa mới gây quỹ giúp giải quyết các nhu cầu cơ bản cho trẻ em. Tại đây, chúng tôi xây dựng trại Kỳ Vọng với đầy đủ nơi ăn chốn ở cho các em đang nhận học bổng của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn có một nhà trẻ ở đây.
- Dường như tất cả mọi điều ông làm đều thể hiện lòng quan tâm, chia sẻ nhỉ?
- Còn hơn thế nữa! Trại Kỳ Vọng giúp bọn trẻ có cơ hội phát triển và thử nghiệm các khả năng mới. Tôi muốn làm hết sức mình để xã hội tương lai của chúng ta tràn đầy những thanh niên biết sống tự trọng và tự tin trước những thử thách cuộc đời.
- Nhưng ông không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả trẻ em trên đời này! - Nhà môi giới khẽ nhắc.
- Đúng thế, nhưng tôi vẫn có thể tác động đến một số người. Câu lạc bộ dành cho bọn trẻ đang đáp ứng nhu cầu của một số con người đấy thôi. Giáo hội và nhà thờ có thể đến với những người khác. Chúng tôi cùng nhau làm điều này vì tin rằng dạy trẻ con khi chúng còn nhỏ dễ hơn là cải tạo người lớn sau khi họ sa ngã.
- Tôi rất đồng ý với ông về điều này. - Nhà môi giới tán thành.
Nhà điều hành hướng dẫn nhà môi giới tham quan khắp trại Kỳ Vọng. Gần cuối chuyến đi, ông bảo:
- Tôi muốn anh gặp một vài người rất đặc biệt.
Họ lái xe đến khu ký túc xá rồi vào khu vực tiếp khách được bài trí ấm áp, cũng là nơi tập trung của các em học sinh khi cần. Trông thấy nhà điều hành, một vài đứa trẻ vui mừng tiến đến.
- Hôm nay ông sắp có buổi nói chuyện với chúng cháu phải không ạ?
- Đúng đấy, các cháu ạ.
- Tuyệt quá! Để chúng cháu đi báo cho mọi người biết.
Vài phút sau, họ cùng đến một gian phòng khá rộng. Các học sinh lần lượt kéo nhau vào. Chẳng mấy chốc các hàng ghế đã đầy ắp gần tám mươi học sinh trung học. Nhà điều hành đứng lên và bắt đầu:
- Ta muốn nói với các cháu về sự chuyển đổi quan trọng nhất mà ai cũng có thể trải qua. Đó là sự chuyển đổi từ trẻ con sang người lớn. Ở một số người, sự kiện này xảy ra vào tuổi 13, 15 hay 17 tuổi. Nhưng có người phải đợi đến khi đã bước sang tuổi 49, 57 hay 72. Và cũng có những người chẳng bao giờ chuyển đổi gì cả.
Các học sinh say mê ngồi nghe những lời lẽ thông thái của nhà điều hành.
Ông nói tiếp:
- Một số người thành đạt khi họ mới 24, 32 hay 41 tuổi. Nhưng họ không hề nhận ra điều gì là quan trọng thật sự. Họ luôn cảm thấy thiếu thốn một điều gì đó trong cuộc sống. Họ luôn cảm thấy một khoảng cách giữa họ và người mà họ muốn trở thành. Ý ta là trong khi có rất nhiều người có thể tìm thấy sự thành đạt, thì chỉ có một số ít người có thể trở nên quan trọng trong cuộc sống của người khác và cảm thấy thật sự hạnh phúc. Hy vọng của ta là các cháu sẽ khám phá ra con đường để trở thành một con người hạnh phúc trong cuộc sống.
Nhà điều hành mở chiếc máy chiếu cũ kỹ và bắt đầu viết lên những tấm phim:
Người sống vì sự thành đạt thường đo lường cuộc đời bằng tiền bạc, quyền lực, địa vị, danh vọng và sự công nhận. Còn người hạnh phúc quan tâm đến ý nghĩa tinh thần của cuộc sống. Họ có lòng chia sẻ, là người hay giúp người khác trở nên mạnh mẽ. Họ phụng sự lợi ích chung và giúp những người xung quanh xây dựng và phát triển các mối quan hệ bền vững.
Chúng ta hãy xem kỹ đến những từ ta viết ở đây. Bên trái là đặc điểm của người thành đạt, hay ít ra thì đó là những giá trị đo lường về người đó trong xã hội. Còn bên phải là đặc điểm của người hạnh phúc.
Trong khi người thành đạt biết cách kiếm tiền, người hạnh phúc lại là người biết cách cho tiền. Nghĩa là họ biết chia sẻ sự may mắn về tiền bạc của mình với những người còn túng thiếu hay những người làm công tác nhân đạo.
Người thành đạt có nhiều thứ lớn lao, nhưng thường thì họ giàu có nhờ vào tiền bạc của người khác. Họ hãnh diện với những gì mình đạt được. Còn người hạnh phúc hiểu rằng điều quý giá nhất mà ai cũng có thể đạt được là phục vụ người khác và giúp họ đạt mục tiêu.
Sau cùng, vì người thành đạt thường có một địa vị nhất định nên họ được người khác ngưỡng mộ, thậm chí còn xem họ như một tấm gương để noi theo. Thường thì sau đó chúng ta lại phát hiện ra rằng chính những người đó lại làm ta thất vọng, vì hóa ra họ không đại diện cho những gì chúng ta mong đợi. Ngược lại, người hạnh phúc là người biết trân trọng các mối quan hệ. Họ là người bạn tin cẩn và người cố vấn thông thái. Họ dành thời gian cho người khác hơn là cố gắng xây dựng tiếng tăm cho riêng mình.
Nếu các cháu suy nghĩ kỹ những điều ta nói, thì mọi đặc điểm tính cách của người hạnh phúc đều liên quan chặt chẽ với lòng chia sẻ. Cho đi, phục vụ và nuôi dưỡng những mối quan hệ đầy ý nghĩa với người khác cũng là một dạng chia sẻ. Lòng chia sẻ luôn gắn liền với thời gian, tài năng, của cải, và mối quan tâm.
Khán phòng bỗng nổi lên những tràng pháo tay vang dội. Nhà điều hành mỉm cười rồi nói tiếp:
- Ta có thể thấy nhiều người trong số các cháu đã hiểu ý ta. Các cháu xem trọng việc cho hơn là nhận. Các cháu tình nguyện hướng dẫn cho các em nhỏ ở trại Kỳ Vọng. Các cháu nhận làm tư vấn viên trong trại hè. Lúc này các cháu chưa hề có nhiều của cải, nhưng các cháu đã biết đầu tư thời gian, tài năng, và mối quan hệ cho các em nhỏ khác đang cần các cháu.
Khi nhà điều hành kết thúc buổi nói chuyện, nhiều học sinh tiến đến bên ông và chia sẻ với ông những câu chuyện về việc chúng làm tư vấn viên. Lắng nghe bọn trẻ, nét mặt nhà điều hành lộ rõ sự mãn nguyện và hạnh phúc.
Trên đường ra xe, nhà môi giới nói đầy vẻ ngưỡng mộ:
- Thật đáng kinh ngạc! Ông thậm chí đã truyền tư tưởng cho lớp trẻ để chúng có thể giữ triết lý đó sống mãi cho thế hệ sau.
- Anh nói rất chính xác. Tất cả chúng ta đều để lại một di sản nào đó trong cuộc sống. Tôi mong mọi người nhớ đến tôi như một người giúp người khác biết sống trong tình yêu thương và chia sẻ.
- Tôi thấy tất cả những gì ông làm – học bổng, nhà nuôi dưỡng, nhà trẻ – đều thể hiện rõ mục tiêu cuộc đời của ông.
- Điều đó còn tùy vào cách anh nhìn nhận vấn đề. Tôi xem lợi nhuận chỉ là điểm số của trò chơi chứ không phải tên gọi của trò chơi. Trò chơi của tôi là bán phụ tùng và sửa chữa xe hơi. Nếu tôi làm tốt, khách hàng sẽ trả tiền cho tôi. Nếu tôi quan tâm đặc biệt đến nhân viên, họ sẽ có được phong cách phục vụ và nụ cười dễ thương nhất trước khách hàng. Nếu mọi nhà quản lý của chúng tôi thực sự có cơ hội thành đạt, họ sẽ làm mọi thứ để được thành đạt. Sự thật là nhiều người trong số nhân viên quản lý của chúng tôi đã quyết định dành 10% thu nhập của họ để làm từ thiện.
Nhà môi giới ngạc nhiên:
- 10% thu nhập sao? Tại sao phải làm như vậy?
- Đó là một nguyên tắc họ học được từ Kinh Cựu ước, một điều lỗi thời theo cách anh gọi!
- Tôi đoán thế nào ông cũng trả lời như thế. - Nhà môi giới có ý khích bác. - Nhưng điều đó nghĩa là gì?
- Đơn giản thôi, nghĩa là khi chúng ta may mắn có được nhiều thứ hơn người khác thì chúng ta nên dành ra một phần thu nhập của mình để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
- Vậy chẳng lẽ ta phải coi điều đó như một nguyên tắc sao?
- Không, với tôi đó là một cơ hội tuyệt vời thì đúng hơn. Một thói quen tốt cần rèn luyện, cũng giống như thói quen tiết kiệm và đầu tư. Khách hàng của anh có thể có thói quen dành một phần thu nhập đem đầu tư ở chỗ anh để lấy lời. Tôi cũng vậy, nhưng tôi dành một phần thu nhập của mình cho việc giúp đỡ người khác.
- Thế ông có yêu cầu những người quản lý của mình cũng làm như ông không?
- Không hề. - Nhà điều hành trả lời. - Họ tự nguyện vì họ hiểu ý nghĩa việc làm đó. Thật ra, nhiều người còn nộp nhiều hơn mười phần trăm thu nhập của bản thân. Tôi tin rằng khi các nhà quản lý của tôi làm điều này thì họ không phải mất đi mà ngược lại, họ đang cho đi và đồng thời cũng đang nhận về.
- Vậy ông cho đi để được nhận lại ư? - Nhà môi giới hoài nghi.
- Không đâu. - Nhà điều hành kiên nhẫn trả lời. - Tôi nhận để cho. Nếu công ty tôi chỉ có một đại lý, bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Nhưng với hơn 800 chi nhánh, chúng tôi sẽ có doanh thu và lợi nhuận lớn hơn. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có nhiều tiền hơn để cho đi. Nghĩa là tôi có thêm nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác mà thôi.
“Có lẽ ông này từ trên trời rơi xuống!”. Nhà môi giới thầm nghĩ khi anh mở cửa xe và tạm biệt nhà điều hành.
Trước khi chia tay, nhà điều hành không quên dặn dò:
- Tôi sẽ đón anh vào sáng mai.