“Tình yêu thì kiên nhẫn và ân cần; không ghen ghét, vênh vang, hay tự đắc; không thô lỗ, cộc cằn, ích kỷ, hay cáu kỉnh.
Tình yêu không giữ mãi những sai lầm; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Tình yêu không bao giờ từ bỏ; đức tin, niềm hy vọng và sức chịu đựng của tình yêu không bao giờ tan biến.”
- Thánh Paul, bức thư thứ 1 gửi tín hữu thành Corinth
“Hãy lan tỏa tình yêu ra khắp muôn nơi, trước tiên là trong chính ngôi nhà của bạn. Yêu thương con cái, vợ/chồng, hàng xóm... của bạn. Đừng để ai đến với bạn rồi ra về mà không cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.”
- Mẹ Teresa
“Yêu thương là sự cảm mến và quan tâm sâu sắc. Nó làm cho con người thiết tha quan tâm và nghĩ về đối tượng mình yêu. Tình yêu có sức mạnh chữa lành mọi vết thương, an ủi, trao quyền, chế ngự, truyền thêm cảm hứng và sức sống.
Tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể biến kẻ thù thành bằng hữu.”
- Martin Luther King
Còn khi thiếu vắng tình yêu, con người cứ thấp thỏm lo âu, trầm cảm, đau khổ, tuyệt vọng, sinh bệnh và cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Yêu thương bản thân, yêu thương mọi người và vạn vật có thể được xem là mục đích sống và mục đích tâm linh của con người.
Love (tình yêu) có nguồn gốc từ leof (tiếng Đức và tiếng Anh cổ), nghĩa là thân tình , dễ chịu , hài lòng và chấp nhận . Vì vậy ta có thể nói “ Cuộc sống là tình yêu ” và “ Tình yêu là cuộc sống ”!
Chương này sẽ giới thiệu đến bạn một nguồn sức mạnh tối thượng – sức mạnh của tình yêu . Qua những câu chuyện về tình huống nguy nan, nỗi tuyệt vọng, cái chết và niềm hy vọng sau đây, bạn sẽ tìm thấy cho mình một số phương pháp giúp xoa dịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Hãy đọc với ý thức cởi mở, thấu hiểu, giàu lòng trắc ẩn để khơi dậy sức mạnh yêu thương từ chính bản thân, vì lợi ích của bạn và của mọi người.
“Tình yêu không tìm cho chính mình sự vui thỏa,
Và cũng không chăm chăm quan tâm đến bản thân,
Mà trao cho người khác sự ân cần,
Và xây dựng Thiên đường trong nỗi ê chề Hỏa ngục.”
- William Blake
Tình yêu thương & nỗi sợ hãi
Tình yêu là liều thuốc hóa giải cho hầu hết những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như nỗi sợ hãi. Sợ hãi là kết quả của ý nghĩ về sự chia lìa , rời xa , còn tình yêu là kết quả của việc vẫn sống trong các mối quan hệ. Nếu có thể sử dụng sức mạnh của tình yêu để chế ngự nỗi sợ hãi, tức là chúng ta đã tiến được một bước dài hướng tới Trí tuệ Tâm linh.
Cho & nhận
Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là cố gắng tránh né nỗi sợ hãi và thu nhận càng nhiều tình yêu thương càng tốt. Đây là một trong những bản năng sinh tồn của con người.
Ở Tây Tạng và một số nơi, các thiền sinh thực hành thiền chuyển hóa cách cho và nhận . Nghĩa là, thay vì cố thu nhận tình yêu thương, thiền sinh sẽ gửi trao yêu thương đến mọi người; và thay vì trốn chạy nỗi sợ, họ gánh lấy nỗi sợ hãi của người khác.
Hãy hình dung bạn đang “hít vào” nỗi sợ hãi và đau khổ của người khác, rồi “thở ra” tình yêu thương, niềm vui và sự hài lòng của mình. Theo cách này, bạn đang chuyển hóa nguồn năng lượng tiêu cực thành tích cực, và lan tỏa đến mọi người. Cách làm này vô cùng tinh tế và sẽ giúp ta nuôi dưỡng tình yêu thương vô vụ lợi, nhìn thấy chính mình ở người khác, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa ta với mọi người và với thế giới.
Sức mạnh của tình yêu thương
Ngay từ khi còn bé tôi đã yêu thiên nhiên, thích tìm hiểu các quy trình, hiện tượng và sự kỳ diệu của tự nhiên. Tôi mày mò nghiên cứu, gây giống cả một đàn sinh vật, bao gồm bướm, ếch nhái, cá và thỏ.
Một trong những loài đẹp nhất mà tôi đã từng thấy là giống cá đực 3 gai. Vào mùa giao phối, cơ thể của con đực trở nên trong mờ, lấp lánh màu xanh dương trông như ánh sáng dạ quang, còn phần cổ và dưới bụng rực lên một màu đỏ. Con đực thường dùng rong để làm tổ bảo vệ trứng. Một ngày hè nọ, tôi bắt được một con cá đực to và đẹp chưa từng thấy.
Tôi thả nó vào chiếc bể khổng lồ của tôi với hy vọng nó sẽ sớm thích nghi với nơi này và chiếm được “lãnh địa” cho riêng mình. Nhưng ngạc nhiên là nó đã không làm vậy. Nó nhanh chóng bơi lủi vào một cụm rong ở bề mặt bể cá, hóa ra là anh chàng cố tránh những cuộc “đột kích” thi thoảng xảy ra từ những con đực khác.
Tôi kỳ vọng bản năng tự nhiên sẽ giúp nó cân bằng lại “quyền lực” vào ngay ngày hôm sau, nhưng con cá vẫn “án binh bất động”. Màu sắc của nó không còn rực rỡ như hôm trước. Trông nó hơi rụt rè, lo sợ và vẫn giữ thế phòng thủ.
Vài hôm sau nữa, con cá gai lộng lẫy ấy vẫn cứ ở yên một chỗ, màu sắc kém tươi sáng hơn, ngày càng nhút nhát nên càng dễ bị tấn công. Sau năm ngày, con cá nhỏ tội nghiệp trở thành một khối xám xịt, và tôi bắt đầu lo cho tính mạng của nó.
Phải nuôi dưỡng và chăm sóc cho nó thôi! Thế là tôi bắt đầu nhẹ nhàng vuốt ve chú cá, để cho nó biết rằng không có mối đe dọa nào từ tôi và chắc chắn cho nó ăn nhiều hơn một chút. Tôi cũng kéo thêm ít rong đến chỗ nó để nó có thể ẩn nấp an toàn.
Chỉ trong vòng hai ngày, tôi phát hiện có một thay đổi nhỏ ở màu sắc chú cá: trông nó sáng hơn chút đỉnh! Cứ thế, tôi thể hiện những cử chỉ yêu thương dành cho nó mỗi ngày, và theo đó tinh thần của nó cũng dần hồi phục.
Một tuần sau, nó lại “lộng lẫy” như ngày đầu tôi trông thấy và bắt đầu rời khỏi “lãnh thổ” của mình. Trong vòng hai tuần, nó đã tạo được một “khu nhà” riêng trong bể cá; và theo tự nhiên, nó đã có thể tự chăm sóc bản thân.
Rồi tôi nhận thấy các yếu tố như to , khỏe và đẹp chẳng có ý nghĩa gì đối với chú cá gai của tôi. Chú cá, và cả chúng ta, luôn cần nhận được tình yêu thương– nguồn sức mạnh vô cùng quan trọng.
Sức mạnh yêu thương sẽ giúp ta vượt lên mọi trở ngại!
Tình yêu & khoa học
Một nhân viên bán hàng giỏi sẽ có thể nhận ra bạn đang thích món hàng nào đó hoặc ai đó dù bạn có cố che giấu kỹ đến đâu!
Bằng cách nào?
Nhìn vào đôi mắt bạn!
Tại sao?
Bởi vì khi trông thấy đối tượng hợp ý mình, đôi mắt bạn sẽ mở rất to.
Não của bạn muốn 260 triệu tế bào tiếp nhận ánh sáng hoạt động “tổng lực” để thu nhận hết tất cả thông tin về đối tượng đang ở trước mặt.
Quá trình này cũng diễn ra tương tự đối với các giác quan khác.
Khi bạn yêu, cả cơ thể bạn – rõ nhất là các giác quan – “mở ra” và cho phép rất nhiều thông tin từ Vũ trụ đi vào. Bạn trở nên cởi mở hơn. Trong trạng thái đó, khả năng học hỏi, ghi nhớ, tập trung và ứng phó đều được cải thiện; tiềm năng và sức mạnh của bạn sẽ được bộc lộ hoàn toàn.
Sức mạnh đích thực không nằm ở khả năng áp đặt ý muốn của ta lên người khác. Sức mạnh đích thực cũng không chỉ đơn giản là có một cơ thể khỏe mạnh, vượt trội hơn người. Loại quyền lực/sức mạnh này chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và sẽ suy kiệt theo thời gian. Phụ thuộc vào chúng chỉ khiến ta thêm lo sợ và thiếu tự tin.
Sức mạnh thực sự là sức mạnh của tình yêu thương, với những minh chứng sống như Đức Phật, Chúa Jesus, Tiên tri Muhammad…
Những đội quân hùng mạnh, những nhà thống lĩnh tài ba có thể bị lãng quên theo thời gian nhưng ký ức về những tinh thần bất diệt, những người đã tranh đấu với sức mạnh của tình yêu thương thì sẽ luôn còn mãi.
Và tình yêu có thể “dời non lấp biển”, khiến người bình thường cũng có thể lập nên thành tích phi thường – chẳng hạn như người mẹ nhấc cả chiếc xe hơi lên để giải cứu đứa con bị kẹt bên dưới, hoặc người cha đào bới bằng chính đôi tay trần của mình để cứu cậu con trai bị vùi dưới khối đất lở.
Nỗi đau khi mất đi người thân yêu
Một trong những khổ đau lớn nhất của con người chính là mất đi tình yêu thương, nhất là khi mất đi một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn đáng mến.
Nỗi đau này chỉ nguôi ngoai khi ta hiểu rõ “bức tranh toàn cảnh” và nhận thức nhiều hơn về người khác, cũng như hoàn cảnh của họ.
Một ngày nọ Kisa Gotami đến khóc trước mặt Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, đứa con trai duy nhất của con vừa mới qua đời. Con đã hỏi tất cả mọi người rằng liệu có loại thuốc nào có thể làm con trai con sống lại không thì họ đều bảo không có loại thuốc đó, nhưng hãy đến gặp Thế Tôn vì Ngài có thể giúp con. Bạch Thế Tôn, xin Ngài cho con loại thuốc giúp hồi sinh con trai của con ạ!”.
Nhìn người mẹ với lòng từ bi, Đức Phật trả lời: “Bà đã tìm đến đúng nơi rồi, Kisa Gotami. Hãy đi và mang về cho Ta một ít hạt cải để làm thuốc, nhớ là chỉ lấy ở những nhà nào chưa từng có ai – cha mẹ, con cái, người hầu hay bất cứ ai – qua đời”.
Vui mừng khôn xiết, Kisa Gotami liền lên đường tìm xin hạt cải. Tìm kiếm suốt cả ngày dài từ nhà này đến nhà khác nhưng ở đâu bà cũng nghe thấy tiếng than: “Chao ôi! Người đã khuất nhiều hơn người còn sống gấp bội!”.
Lấy lại sức sau chuyến đi dài mệt mỏi, cuối cùng bà cũng nhận ra: “Con trai bé bỏng của ta ơi, mẹ tưởng rằng chỉ mình con phải lìa bỏ thế gian. Nhưng bây giờ mẹ nhận thấy điều này không chỉ xảy ra với con, mà đây là quy luật chung cho cả nhân loại”.
Đời là bể khổ! Khi mất đi tình yêu thương, bạn hãy cố gắng tránh đẩy “năng lượng mất mát” vào vòng xoáy tiêu cực (than trách, tuyệt vọng) mà cần học cách thấu hiểu, thể hiện lòng quan tâm và trắc ẩn nhiều hơn nữa.
Sau đây là câu chuyện về một người phụ nữ phi thường đã vượt qua nỗi đau mất mát và lấy kinh nghiệm sống quý báu của mình để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.
Vượt qua nỗi mất mát lớn về tình cảm
Vào lần nọ, tôi được dịp tiếp xúc với một người phụ nữ đã chịu nỗi mất mát lớn về tình cảm. Khi đó, cô và chồng cùng đi trên con tàu băng qua eo biển. Rồi tàu bị đắm, với tổn thất lớn về nhân mạng. Cô là một trong những người còn sống sót, nhưng chồng cô thì đã vĩnh viễn ra đi.
Cô đã không thể đối mặt với sự thật nghiệt ngã này trong suốt 10 năm. Cái ký ức về chuyến đi định mệnh cứ lởn vởn trong tâm trí cô mỗi khi cô sắp chìm vào giấc ngủ.
Và cũng suốt ngần ấy năm, cô thường xuyên tìm đến những chuyên gia tham vấn tâm lý hòng được giúp thoát khỏi những ký ức đau buồn. Tôi giải thích với cô rằng không thể “thoát khỏi” nó trừ khi cô cắt đi một phần bộ não! Cách xử lý êm đẹp nhất là... trìu mến đón nhận và khai thác nó.
Tôi yêu cầu cô ấy dũng cảm nhìn lại những gì đã thực sự xảy ra. Nếu làm được như vậy, hy vọng sau này cô ấy sẽ có thể đương đầu với những thảm kịch khác, biến nó thành lợi thế để tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp thay vì để trái tim mình mãi đắm theo xác con tàu vỡ. Cô rất can đảm và chấp nhận thay đổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã lấy lại được tinh thần.
Khi con tàu bắt đầu chìm, chồng cô ngân nga một bài hát dân ca Ailen và hạnh phúc thốt lên: “ Một chuyến đi tuyệt làm sao! ”. Trong khi đó mọi người xung quanh đều hoảng hốt kêu gào: “ Thôi rồi! ”, “ Trời ơi, xong đời rồi! ”, “ Chúng ta sắp chết! ”, “ Chẳng còn hy vọng gì nữa! ”… Còn cô thì quyết liệt giành lấy sự sống! Cô liền bảo với chồng: “ Đi nào! ” (nhưng anh ta đã không làm vậy), rồi chạy đến lối thoát hiểm gần nhất.
Lách qua đám đông hoảng loạn, cô lủi thẳng về phía nơi có thuyền cứu sinh. Cũng có nhiều người nhảy ùm xuống nước và bơi thẳng về phía thuyền cứu sinh gần đó. Cùng bám vào thuyền cứu sinh với vài người sống sót khác, trong suốt một giờ khủng khiếp sau đó, cô quan sát thấy hầu như những ai lao xuống nước, bám lấy thuyền cứu sinh thì đều có mong muốn sống sót, ra sức bảo toàn tính mạng của mình và của người khác. Còn những người bỏ cuộc thì đều phải bỏ mạng.
Hồi tưởng lại biến cố đã qua, cô nhận ra rằng chồng cô không hề sợ chết, còn cô thì đã sống sót sau những giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một nghị lực phi thường và lòng ham sống hết sức mạnh mẽ.
Cuối cùng, cô đã có thể dùng những trải nghiệm sống quý giá ấy để giúp mọi người hiểu về nỗi sợ của họ và vượt qua nghịch cảnh. Đồng thời việc làm này cũng giúp cô tìm lại cảm giác thanh thản, bình yên trong tâm hồn và cảm nhận rõ hơn mục đích sống của mình.
Câu chuyện về những tù nhân lãnh án tử hình
Vào những năm 1990, một nhà báo phụ trách chuyên mục phóng sự điều tra ở Mỹ đã thực hiện một cuộc điều tra đặc biệt: cô nhờ các thủ thư tại các nhà tù cung cấp cho cô danh mục loại sách mà những tử tù thường đọc nhất trong thời gian trước khi hành hình.
Từ danh sách dưới đây, hãy chọn ra thể loại mà bạn nghĩ là phổ biến nhất:
Thật ngạc nhiên, các sách hướng dẫn cách làm thơ và viết thư tình được chọn đọc nhiều nhất!
Trong giai đoạn đen tối nhất của đời người, ngay cả những người bị lên án như là “cầm thú”, là “cặn bã của xã hội” cũng đều xem tình yêu thương là điều đáng lưu ý nhất, và muốn bày tỏ tình yêu thương như là một việc làm có ý nghĩa vào lúc cuối đời.
Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
Trong kỷ nguyên của thông tin ngày nay, khi mà tiền bạc được đánh đồng với quyền lực và một cuộc sống bận rộn điên cuồng là dấu hiệu của sự thành công thì việc biểu lộ cảm xúc bị xem là “lối ứng xử của những kẻ yếu mềm”. Chính vì vậy, chúng ta có xu hướng đánh giá thấp hoặc kiềm chế việc bộc lộ cảm xúc, trong đó có tình yêu thương.
Giờ đây, ta đã biết sức mạnh đích thực và “chủ nghĩa anh hùng” không nằm ở những thứ hữu hình, mà chỉ có ở tình yêu tâm linh và lòng trắc ẩn. Hãy tập trung nuôi dưỡng những giá trị này, rồi bạn sẽ nhận được phần thưởng vô hạn.
Cũng giống như tình yêu thương và lòng trắc ẩn, trong nhiều xã hội hiện đại, việc thể hiện nỗi đau buồn cũng bị coi là “yếu mềm, ủy mị”. Điều này là sai. Biết cách thể hiện nỗi đau buồn mới là mạnh mẽ .
Ai mà không cảm thấy đớn đau. Kìm nén nỗi đau mãi trong lòng thì chẳng lành mạnh chút nào – hoàn toàn vô lý và phản tác dụng! Hãy cứ khóc và đừng ngại bày tỏ những muộn phiền của bạn.
Cách hữu ích nhất để trút bỏ nỗi đau trong lòng là hãy ghi ra . Nỗi lòng sẽ được giải tỏa, đồng thời ta cảm thấy tĩnh tâm hơn, có thể nắm bắt những khoảnh khắc yêu thương vốn trước đó đã bị nỗi đau che lấp, và tiếp tục tiến bước.
Qua câu chuyện về Kisa Gotami, chúng ta nhận thấy tất cả mọi người đều phải trải qua nỗi khổ đau nào đó. Trải nghiệm sống của con người thường dày lên theo những bi kịch và nỗi đau – bệnh tật, mất mát – trong cuộc đời.
Hãy nâng cấp “cỗ máy trắc ẩn” của bạn, nhìn sâu vào đôi mắt những lữ khách đồng hành cùng bạn trên hành trình cuộc sống để bạn thấu cảm câu chuyện đời của họ hơn. Rồi bạn sẽ dễ dàng ôm lấy họ với sự thấu hiểu và tình yêu thương.
“Yêu là chẳng trao đi điều gì ngoài bản thân, và cũng chẳng mất gì ở bản thân.
Tình yêu chẳng chiếm hữu điều gì, và cũng không bị chiếm hữu.
Vì luôn có đủ cho tình yêu.”
- Kahlil Gibran
Khi những điều “tệ hại”, “tiêu cực” xảy đến với mình, ta thường thốt lên những lời than vãn: “ Tại sao lại là tôi? ”, “ Thật không công bằng! ”; “ Sao tai họa cứ luôn ập đến tôi? ”; “ Số tôi đen quá! ”…
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng đâu phải chỉ mỗi ta mới rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Thay vì tập trung vào những khổ não, kém may mắn của bản thân, ta hãy sử dụng nó để tiếp cận với hàng triệu người khác, những người cũng đang chịu đựng đau khổ giống ta.
Những gì đã xảy ra với bạn hoặc những việc bạn từng làm chỉ là một phần trong câu chuyện đời. Hãy nhớ lại câu chuyện về người phụ nữ và con thuyền đắm để nhận ra rằng những trải nghiệm “tiêu cực” hay “tệ hại” đều là những sự kiện đặc biệt và duy nhất trong đời bạn. Bạn có thể lấy kinh nghiệm sống quý báu này để giúp người khác tránh khỏi hoặc hóa giải bi kịch tương tự. Đó mới là khôn ngoan, sáng suốt.
Hãy yêu thương bản thân, vì chỉ khi ta yêu và tôn trọng chính mình thì ta mới có thể yêu và tôn trọng người khác.
Nhiều vấn đề mà con người phải đối mặt trong cuộc sống có liên quan đến việc thiếu quan tâm, yêu thương bản thân. Nghiện các chất như caffeine, nicotine, rượu, hoặc ma túy là một trường hợp điển hình.
Nếu bạn đang vật vã tìm cách thoát khỏi một chất gây nghiện nào đó, hãy dùng sức mạnh của tình yêu để hóa giải. Tập trung vào những điều tốt đẹp, độc đáo của riêng mình; hướng đến tầm nhìn tương lai và tiềm năng vô hạn của bản thân; và mở rộng vòng tay yêu thương mỗi ngày. Khi đó, không gian của thói nghiện ngập sẽ dần bị “đá văng” đi, cơ thể và tâm trí bạn sẽ được giải phóng.
Động vật, nhất là chó, mèo…, cũng trải nghiệm những cảm xúc đau buồn và yêu thương giống như con người chúng ta. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những ai có nuôi vật cưng thì cảm xúc của họ ổn định hơn, họ hạnh phúc và yêu đời hơn.
Hãy nghĩ đến vẻ hân hoan của chú chó khi gặp lại chủ sau một thời gian dài, và đừng ngần ngại học cách nuôi dưỡng tình yêu thương chân thành, trong sáng như thế.
Hãy nói lời yêu thương hoặc nghĩ ra những cách khác nhau để gửi trao yêu thương đến mọi người.
Sau đây là bài tập mường tượng đơn giản giúp nuôi dưỡng tình yêu thương trong ta.
Hãy nghĩ về người từng yêu thương bạn và làm sống lại cảm giác khi bạn hoàn toàn được chấp nhận. Hình dung họ đang trìu mến nhìn bạn, để cho cảm giác đó lan tràn khắp cơ thể và tận hưởng trong vòng năm phút.
Sau đó bạn sẽ cảm thấy bạn đã sẵn sàng chia sẻ với mọi người cảm xúc yêu thương đầy ắp trong lòng mình.
Ngồi ở nơi yên tĩnh, thoải mái. Thư giãn, hít thở đều và nghĩ về những người thân yêu nhất .
Hãy để cho cảm xúc yêu thương dâng lên; nhớ lại những điều tuyệt vời ở họ và thầm cảm ơn vì họ đã đến với cuộc đời bạn. Giữ “sợi dây” kết nối yêu thương với họ trong vài phút.
Tiếp theo, hãy hướng sự chú ý đến những người bạn thích . Họ có thể là đồng nghiệp, hàng xóm hoặc những người quen biết tình cờ. Mở rộng vòng tay yêu thương và quan tâm đến họ giống như bạn đã làm đối với những người mà bạn tha thiết yêu thương. Cũng như bao người, họ đều muốn cảm nhận hạnh phúc và bình an. Vì vậy hãy dành ra một “không gian” trong tim bạn để nuôi dưỡng tình cảm yêu thương và quan tâm đối với họ.
Sau đó, chuyển sự chú ý của bạn đến với những người chưa hề quen biết. Đó có thể những người mà bạn tình cờ chạm mặt trên phố. Một lần nữa, hãy mở rộng vòng tay yêu thương và hình dung họ, cũng như bạn bè, người thân của họ, đã tìm thấy niềm vui và được giải thoát khỏi nỗi đau. Giữ lấy hình ảnh và cảm xúc này trong một lúc.
Cuối cùng, và khó nhất, hãy hình dung ra “kẻ thù” của bạn – người chuyên “đâm sau lưng” bạn trong công việc, gã tình nhân cũ với lối hành xử rất tệ hoặc kẻ thường hay bắt nạt con bạn. Hình dung họ cũng đang chịu đựng nỗi đau nào đó, muốn chấm dứt nỗi đau và trải nghiệm niềm hạnh phúc. Mở rộng vòng tay yêu thương với họ.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh
“Một ngày nào đó, sau khi đã làm chủ được gió, sóng, thủy triều và trọng lực, chúng ta sẽ khai thác đến nguồn năng lượng yêu thương. Đấy sẽ là lần thứ hai trong lịch sử, nhân loại lại khám phá ra ‘lửa’.”
- Teilhard de Chardin