Bài tham khảo dưới đây do Phó Giáo sư Nguyễn Duy Hinh viết trên báo Công An Nhân Dân, được Việt Báo và nhiều trang web khác đăng lại, nội dung như sau:
Trong chuyến vào Thành phố Đà Lạt năm 2006, tình cờ tôi gặp ba chiếc bàn xoay và được biết chúng xuất xứ từ một gia đình người làng An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Điều lạ lùng là khi một mình tôi đặt tay lên chiếc bàn xoay tại nhà số 30A đường Khe Sanh thì bàn không xoay dù tôi đã ra lệnh. Phải hai người đặt tay bàn mới xoay. Nhưng khi đến khu du lịch đồi Mộng Mơ, một mình tôi đặt hai tay lên mặt bàn ra lệnh thì bàn xoay. Bấy giờ có mươi khách tham quan đang đứng vây quanh bàn. Một du khách kêu lớn: “Ông này ghê quá!”. Tôi nảy ra ý định thử tìm hiểu vấn đề này.
Không chuyên về hiện tượng siêu nhiên mà có người gọi là “Ngoại cảm”, “Đặc dị công năng”, “Tâm linh”… tôi chỉ gặp gỡ trong một vài cuốn sách trên bước đường nghiên cứu các tín ngưỡng và tôn giáo. Tôi biết với sức lực và tri thức một mình tôi thì không thể nghiên cứu tương đối khoa học về vấn đề này. Tôi cũng không có mục đích nghiên cứu khoa học thật sự đề tài này, chẳng qua một chút hiếu kỳ lúc có cơ hội.
Đầu năm 2007, trong một dịp trở lại Đà Lạt, nhân ngày chủ nhật rảnh rỗi, tôi dự định làm một cuộc trắc nghiệm bàn xoay, dùng 4 nam 2 nữ, có người đã kết hôn, người chưa kết hôn, người có trình độ sau đại học...
Đáng tiếc đến chiều thì Đà Lạt đổ mưa chỉ còn tôi và một nam tài xế taxi tên là Nguyễn Anh Tuấn đi nghiên cứu. Nhờ một cán bộ khoa Đông Phương giúp đỡ, tôi được Tạ Hoàng Giang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch đồi Mộng Mơ giúp đỡ tận tình. Nếu không có anh việc nghiên cứu khó lòng được như đã làm.
Kế hoạch của tôi là trắc nghiệm từng cá nhân đặt một tay, hai tay, một ngón tay lên bàn xoay. Tay đặt sấp ngửa, nam nữ thay nhau để kiểm tra khả năng có tác dụng âm dương hay không. Đo đạc và cân mặt bàn để tìm hiểu lực cản. Đo tốc độ di chuyển của bàn nhanh chậm. Nhưng việc đo tốc độ không thực hiện được vì thiếu trợ lý. Những chiếc bàn xoay đều là đối tượng khai thác khách tham quan nên không thể tiếp tục nghiên cứu làm ảnh hưởng kinh doanh của chủ nhân chiếc bàn. Thời gian nghiên cứu dài nhất là chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ.
Cả 3 chiếc bàn được tôi chọn trắc nghiệm đều cùng một mô thức: 3 chân nhỏ đỡ thân bàn là một trụ gỗ tròn mà đầu trụ đút vào một lỗ tròn dưới mặt bàn làm trục cho mặt bàn xoay. Cả 3 bàn đều như thế và mặt bàn đều là ván ghép chứ không phải một tấm gỗ tròn nguyên vẹn. Dưới mặt bàn đều có 2 thanh gỗ dài nhỏ ghép đỡ mặt bàn và cùng hai đoạn gỗ ngắn cấu tạo thành một ô tứ giác, trong đó có lỗ trục hình tròn. Độ tròn 3 mặt bàn đều không hoàn toàn chuẩn nhưng không sai số lớn nên nhìn mắt thường đều tròn.
Theo nhìn nhận của tôi thì 3 chiếc bàn cùng một loại gỗ đen sẫm thớ rất mịn, không biết gỗ gì nhưng có lẽ không phải gỗ tạp mà cũng không phải tứ thiết. Khác biệt chăng là bàn cao thấp khác nhau, đường kính mặt bàn khác nhau, độ dày mặt bàn khác nhau.
Kích thước cụ thể của chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ như sau: cao 87cm, đường kính mặt bàn 74cm, mặt bàn dày 1,7cm, mặt bàn cân nặng 8,5kg.
Lần lượt trắc nghiệm 4 người: đặt 1 tay, 2 tay, úp bàn tay và ngửa bàn tay, dùng suy nghĩ khiến bàn xoay quay trái phải nhanh chậm dừng, không cần nói to thành lời.
Hiệu quả là tất cả các trường hợp trắc nghiệm: mặt bàn đặt trên trục bàn, mặt bàn úp sấp trên ghế nhựa, mặt bàn để ngửa trực tiếp trên sàn gạch men, mặt bàn đặt nghiêng trên sàn gạch men thì bàn đều xoay như ý muốn người trắc nghiệm không kể tay đặt âm hay dương, không kể nam hay nữ, không kể người thành hôn hay chưa thành hôn, nam đặt tay sấp cùng nữ đặt tay ngửa.
Về chiếc bàn xoay nhà bác Trần Mến, anh Tạ Hoàng Giang nói: Bàn xoay này do bác Trần Mến, 47 tuổi, cổ đông sáng lập Công ty Du lịch đồi Mộng Mơ mang đến. Bác Trần Mến là người xã Hoài Phú, gần thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định mua bàn xoay ở xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bác Mến lập nghiệp bằng bàn xoay. Hiện tại, nhà bác còn một chiếc bàn xoay nhỏ hơn.
Nguyễn Anh Tuấn và tôi tiến hành trắc nghiệm kết quả giống như chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ.
Chúng tôi đến nhà bác Lưu Xuân Ưởng ở số 30A đường Khe Sanh. Bác 60 tuổi, người xã Trực Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định thuê gian nhà này để kinh doanh bàn xoay. Bác cho biết, bác mua chiếc bàn xoay này của ông Nguyễn Tại thôn An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bác Ưởng biểu diễn để mặt bàn lên ghế nhựa cho xoay.
Do khó khăn về thời gian và người giúp việc nên tôi chỉ trực tiếp trắc nghiệm nhiều lần chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ, trắc nghiệm một vài lần ở hai bàn xoay sau, còn lại là do chủ nhân các bàn xoay và Nguyễn Anh Tuấn tiến hành.
Các cuộc trắc nghiệm còn ở dạng quá thô sơ và vì nhiều lý do nên chưa thực sự kỹ càng. Tôi thừa nhận trắc nghiệm chưa đủ giá trị khoa học. Nhưng dù vậy, tôi nhận thấy: Quả có một năng lượng từ trong thân thể tôi phát ra và tôi điều khiển được bàn xoay một mình theo ý muốn của tôi.
Luồng năng lượng đó thắng được trọng trường 8,5kg (trọng lượng mặt bàn xoay) và hướng tác động vào bàn xoay tùy thuộc ý chí của tôi. Điều này giống như khi tôi điều khiển con lắc. Để con lắc cách bàn tay trái một người nam vài xăng-ti-mét thì nó quay vòng tròn khi úp sấp bàn tay, lắc dọc khi đặt ngửa bàn tay; với tay phải nam giới thì lắc dọc khi úp sấp, xoay tròn khi lật ngửa bàn tay; đối với nữ thì ngược lại… Điều này đã có tài liệu nói đến.
Nghĩa là hướng con lắc di động tùy theo âm hay dương của bàn tay và nam hay nữ; tuy nhiên tôi cũng có thể khiến cho con lắc đứng yên theo ý chí của tôi. Nhưng trường hợp bàn xoay thì không phân biệt âm dương. Đáng tiếc, tôi đã không mang theo con lắc khi trắc nghiệm bàn xoay. Nhưng có lẽ con lắc và bàn xoay là hai hiện tượng khác nhau? Chúng chỉ giống nhau ở một điểm là ý chí con người có thể điều khiển được sự vận động của cả bàn xoay lẫn con lắc.
Bàn xoay cũng có hiện tượng người trắc nghiệm vô tình đẩy khi bàn đã xoay đưa cánh tay chạy ra xa mà người trắc nghiệm chưa kịp bước theo; hoặc giả người trắc nghiệm cố ý đẩy bàn xoay.
Không phải ai cũng một mình điều khiển được bàn xoay. Theo chủ nhân của 3 chiếc bàn xoay thì số người như thế không ít, nhưng đa số phải 2 người mới điều khiển được bàn xoay. Hơn 40 nam nữ sinh viên năm thứ nhất Khoa Hàn Quốc học thuộc Trường Đại học Đà Lạt không ai một mình điều khiển được bàn xoay.
Năm 2006, tôi không điều khiển được bàn xoay nhà 30A Khe Sanh nhưng ngay sau đó đến đồi Mộng Mơ thì một mình tôi điều khiển được chiếc bàn xoay ở đây. Như vậy là có vấn đề sức khỏe của người trắc nghiệm.
Lái xe Nguyễn Anh Tuấn là một thanh niên cường tráng đã tình cờ thành người trắc nghiệm chính của tôi. Anh cho biết thường xuyên đưa khách tham quan bàn xoay và lần nào một mình anh cũng điều khiển được bàn xoay.
Đã có một số sách báo viết về loại năng lượng này. Nói chung, tôi đọc không nhiều và không chuyên. Các tác giả sách báo đó đề cập đến hào quang con người, nhân điện, trường sinh học, trường năng lượng con người, trường năng lượng vũ trụ (ESP), năng lượng sinh học, bioplasma… khá phức tạp và trắc nghiệm khoa học với máy móc tinh vi, đưa ra những trị số khác nhau của năng lượng đó. Nhưng không có điều gì giải thích hiện tượng bàn xoay và cũng chưa đề cập đến hiện tượng này dù có bàn về Psychokinesis (PK tức Viễn di sinh học).
Tôi đề nghị các nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực tiềm năng con người tổ chức một dự án nghiên cứu kỹ càng hiện tượng bàn xoay một cách tỉ mỉ, khoa học, phối hợp nhiều nhà chuyên môn nhiều lĩnh vực hữu quan.
Các hiện tượng cận tâm lý (Parapsychology) và cận khoa học đều là hiện tượng siêu nhiên (Paranormal) đã được tiền nhân cảm nhận như trong Yoga, Khí công, Thiền định, Cầu cơ… nay cần thực nghiệm khoa học. Vì là hiện tượng siêu nhiên nên dễ bị người ta sử dụng để lừa gạt kẻ cả tin. Những trắc nghiệm ở Trung Quốc tiến hành mươi năm gần đây đã chứng minh điều đó. Nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, hợp tác chân thành thì hiện tượng bàn xoay sẽ có đóng góp cho việc nghiên cứu cái mà ngày nay được gọi hỗn tạp là ngoại cảm (ESP).