Bằng chiến thuật đánh trận độc đáo, lực lượng bộ đội pháo phòng không có đóng góp không nhỏ trong Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, trong đó phải kể đến những chiến công “có một không hai” trên thế giới, tiêu biểu cho việc vận dụng sáng tạo mọi vũ khí, trang bị chống lại kẻ thù vượt trội hơn nhiều lần…
Súng máy phòng không
Với tầm bắn hiệu quả 800-1000m, khả năng dựng màn đạn mật độ lớn, súng máy phòng không (SMPK) đã tỏ ra là vũ khí hiệu quả chống lại mục tiêu bay thấp hoặc khi chúng bổ nhào tấn công.
Bộ đội và dân quân tự vệ Việt Nam được trang bị SMPK DShK cỡ nòng 12,7mm, được sản xuất tại Liên Xô từ năm 1938. Súng được đặt trên giá ba chân và có thước ngắm chuyên biệt để bắn mục tiêu bay. SMPK KPV được thiết kế vào năm 1944, sử dụng cỡ đạn 14,5mm. Đến năm 1949, phiên bản phòng không ZPU của súng được đưa vào sử dụng, với các biến thể 1, 2 và 4 nòng. Tại Việt Nam, SMPK được bố trí phục kích, đón lõng máy bay địch trên đường bay hoặc bắn trực diện khi mục tiêu bổ nhào tấn công.
Ngày 22-12-1972, các chiến sĩ tự vệ Nhà máy Liên Cơ, Hà Nội đã bắn rơi một máy bay F-111 “Aardvark” (Lợn đất) bằng SMPK KPV 14,5mm. Ngày hôm sau 23-12, thêm một chiếc F-111 nữa bị bắn hạ bởi ba trung đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Xí nghiệp Gỗ Bạch Đằng, sử dụng ba khẩu DShK 12,7mm và hai khẩu KPV. F-111 là máy bay ném bom chiến thuật hiện đại nhất của không quân Mỹ khi đó, có khả năng bay bám địa hình với vận tốc siêu âm trong mọi điều kiện thời tiết. Đó là hai trong số 5 chiếc “cánh cụp cánh xòe” tối tân bị hạ bởi những vũ khí được cho là “lỗi thời” từ chiến tranh thế giới thứ hai.
Sử dụng cả vũ khí cá nhân
Với phương châm bất cứ ai có thể cầm súng cũng có thể cùng tham gia bắn máy bay, lực lượng phòng không thuộc bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã sử dụng cả vũ khí bộ binh trong thế trận phòng không nhiều tầng chống máy bay chiến thuật. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất làm nên kỳ tích bắn rơi máy bay phản lực bằng hỏa lực súng cá nhân.
Với 769 khẩu trung liên như RPD, RPK sử dụng đạn 7,62x39mm của tiểu liên AK, đại liên PK sử dụng đạn 7,62x54mm, các phân đội phòng không của quân và dân ta đã tổ chức nhiều trận địa trên mặt đất lẫn điểm cao, bắn chặn, bắn đón địch trên đường bay và trong giai đoạn bổ nhào cắt bom. Hỏa lực bắn từ nhiều hướng khiến mục tiêu khó có thể vận động tránh né. Cảm giác nhìn thấy những đường đạn nhằm vào máy bay từ mọi phía, dù chỉ từ súng trường nhỏ hay trung liên cũng có tác động tâm lý nặng nề, khiến phi công cắt bom kém chính xác hoặc nhiều trường hợp thả trượt hoàn toàn để cơ động thoát thân.
Tự vệ Hà Nội cùng bộ đội chuẩn bị đạn pháo sẵn sàng chiến đấu trong Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu
Pháo phòng không tầm trung
Trang bị chủ yếu của Bộ đội Cao xạ bao gồm các loại pháo cỡ nòng 37mm 61-K và phiên bản hai nòng V-47 của Liên Xô, được Trung Quốc sản xuất với định danh K-74. Pháo phòng không 37mm được sử dụng từ năm 1939, là một trong những vũ khí phòng không tầm thấp-trung tiêu diệt nhiều máy bay nhất thế giới.
Hiện đại hơn, Bộ đội Cao xạ Việt Nam sử dụng nhiều pháo cỡ nòng 57mm S-60, được sản xuất từ những năm 50. Pháo, có tốc độ bắn chiến đấu 70 viên/phút, được dẫn bắn bằng đài radar chỉ huy K8-60 có khả năng phát hiện mục tiêu tiêm kích ở khoảng cách 40km.
Các khẩu đội pháo phòng không là “xương sống” của lưới lửa phòng không ở tầm cao từ 500 đến 3000m. Trong trận chiến 12 ngày đêm năm 1972, bằng cách đánh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, phục kích, nhắm bắn máy bay địch từ nhiều hướng, nhiều tầng, mật độ hỏa lực dày, Bộ đội Cao xạ 37mm, 57mm đã bắn rơi 29 máy bay phản lực các loại. Các trận địa tên lửa được giữ vững nhờ vòng bảo vệ của pháo, tập trung tiêu diệt mục tiêu chính là các máy bay B-52.
Chiến công chỉ có ở Việt Nam
Người Mỹ tự tin rằng, chỉ có tên lửa phòng không và máy bay MiG-21 mới có khả năng "chạm" tới B-52, nên đã triển khai dày đặc các phương thức tác chiến điện tử và tiêm kích hộ tống.
Nhưng đến ngày 24-12, Trung đoàn pháo cao xạ 256 (nay là Lữ đoàn 297) đã lập chiến công bắn hạ một máy bay B-52 bằng vũ khí không ai ngờ tới, pháo cao xạ 100mm KS-19.
Được giới thiệu vào năm 1949, pháo KS-19 là bản tiếp nối của họ pháo cao xạ cỡ nòng lớn, nạp từng viên với tốc độ bắn tối đa 15 viên/phút để bắn máy bay tầm cao, vốn được tất cả các quốc gia phát triển sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cho đến thời điểm những năm 60, họ pháo này bị loại hoàn toàn khỏi biên chế quân đội Liên Xô do sự phổ biến của tên lửa phòng không. Lực lượng phòng không-không quân Việt Nam được viện trợ số lượng khá nhiều pháo KS-19. Với tầm cao tối đa 15km, mặc dù không hiệu quả bằng tên lửa nhưng loại pháo này vẫn có thể gây tổn thương cho B-52.
Tối ngày 24-12-1972, sau khi radar chỉ huy phát hiện tín hiệu một tốp B-52 tiến vào TP Thái Nguyên theo hướng Tây-Tây Bắc, lọt vào tầm bắn của Trung đoàn cao xạ 256, 18 họng pháo KS-19 trút lửa lên bầu trời. Bị tấn công bất ngờ, một chiếc B-52 trúng đạn cháy lớn, đánh dấu chiếc máy bay ném bom chiến lược đầu tiên bị bắn hạ bởi pháo phòng không kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Đến đêm ngày 26-12, quyết tâm tiêu diệt trận địa, không quân Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay đánh phá khu vực Trung đoàn cao xạ 256 trấn giữ. Các chiến sĩ đã dũng cảm không rời vị trí, bình tĩnh phát hiện và bắn hạ thêm một chiếc B-52.
Sử dụng cách đánh táo bạo, mưu trí, các khẩu đội pháo KS-19 bắn cấp tập, dữ dội vào đội hình B-52 bằng đạn 100mm với ngòi nổ hẹn giờ và cảm biến tiệm cận. Đạn phát nổ ở các độ cao khác nhau khiến đội hình máy bay chiến thuật, tiêm kích hộ tống bị rối loạn, phải cơ động tránh né, để trống hoàn toàn mục tiêu chính là những chiếc B-52 to lớn, nặng nề.
Thế trận phòng không nhiều tầng, “đánh vỗ mặt, đánh tạt sườn, đánh tập hậu” của các loại súng máy, pháo phòng không, đã gây thiệt hại nặng nề cho không quân Mỹ dù chúng bay cao, thấp và thậm chí rất thấp. Nhiều phi công Mỹ thừa nhận, họ chưa từng thấy hỏa lực phòng không dày đặc như vậy trong đời. Bộ đội và nhân dân Việt Nam đã làm phá sản “canh bạc” tập kích hủy diệt của Lầu Năm Góc, chứng minh cho cả thế giới thấy rằng công nghệ hiện đại của quân đội hùng mạnh nhất vẫn có thể thất bại thảm hại trước lòng quyết tâm và thế trận phòng không sáng tạo, rất Việt Nam và sử dụng tối đa khả năng của mọi vũ khí có trong tay.
ĐĂNG SƠN
(Báo Quân đội nhân dân, mục Quốc phòng – An ninh, số ra ngày 25/12/2017)