Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, các kỳ thi môn văn hóa luôn được tổ chức hằng năm, thu hút sự tham gia của các bạn học sinh, quý thầy cô, của ngành giáo dục bằng một tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trong hành trình của các kỳ thi, môn Lịch sử luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn học sinh, quý thầy cô, của ngành giáo dục cũng như những ai quan tâm, đam mê và môn học ý nghĩa này. Đó là vì tính chất trang trọng của cuộc thi, là thước đo đánh giá trình độ giáo dục của các địa phương, mức độ hiểu biết và tài năng, trí tuệ của thí sinh.
Có thể môn Lịch sử được xem là môn học ít nhận được sự quan tâm và ít người theo đuổi. Nhưng trong các kỳ thi phổ thông, đại học, học sinh giỏi, và cao nhất là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, môn Lịch sử vẫn góp mặt. Thành tích của các thí sinh dự thi trong cuộc thi này vẫn nói lên sức hấp dẫn của môn Sử, cho thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ, trong đó có các bạn học sinh vẫn đam mê, giành thành tích xuất sắc và được vinh danh từ môn Sử. Từ đó đặt ra nhiều đòi hỏi, như phải thật đam mê và quan tâm môn Sử, không chỉ yêu thích mà còn phải có sở trường ở môn học này, để có thể nắm kiến thức thật vững chắc, vận dụng tốt và có khả năng tư duy.
Đề thi môn Lịch sử qua các năm có sự khác nhau về cấu trúc, số lượng câu hỏi, tuy nhiên đều dưới hình thức tự luận, chủ yếu nằm trong chương trình Lịch sử Việt Nam lớp 12 (từ 1912 đến thời kỳ đổi mới), có liên hệ, mở rộng sang các giai đoạn trước đó cũng như ngày nay. Việc chinh phục được các câu hỏi trong các đề thi môn Lịch sử luôn là điều mong mỏi của các bạn thí sinh dự thi cũng như quý thầy cô làm công tác bồi dưỡng, luyện thi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO MÔN LỊCH SỬ là sách có nội dung tham khảo, hướng dẫn ôn tập môn lịch sử cho học sinh; giúp gợi mở để các bạn có hướng tiếp cận với các nội dung, các vấn đề lịch sử Việt Nam chủ yếu trong giai đoạn 1919 – 2000. Gắn liền với đó là giải đáp các câu hỏi trong chương trình thi cũng như các đề thi.
Để giúp ích trong phần việc này, sách được nghiên cứu và thiết kế với khối lượng kiến thức rộng lớn, có chiều sâu, thông tin phong phú, mới mẻ, phù hợp với yêu cầu của các kỳ thi. Do đó, sách có thể dùng cho bồi dưỡng học sinh trong các kỳ thi môn lịch sử ở cấp phổ thông, thi học sinh giỏi, luyện thi đại học cũng như tìm hiểu, nghiên cứu Lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Tất cả thể hiện qua các chuyên đề sau:
- Đảng Cộng sản Việt Nam và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc
- Phong trào cách mạng 1930 – 1931 và 1932 – 1935
- Phong trào dân chủ 1936 – 1939
- Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1939 – 1941
- Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941 – 1945
- Sau Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến toàn quốc
- Kháng chiến toàn quốc đến Đông – Xuân 1953 – 1954
- Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Hội nghị Giơnevơ và Hiệp định Giơnevơ
- Đầu kháng chiến chống Mỹ đến phong trào Đồng khởi
- Hậu phương
- Đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh ngoại giao
- Một số vấn đề lịch sử Việt Nam từ sau Đồng khởi đến Hiệp định Paris
- Sau Hiệp định Paris và giải phóng miền Nam
- Thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và công cuộc Đổi mới
- Tổng hợp
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế bởi khả năng cũng như thời gian nên tác giả nghĩ rằng sách vẫn còn những khiếm khuyết cần được bạn đọc góp ý để có thể hoàn thiện hơn.
Bài học lớn nhất của lịch sử chính là ở chỗ người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học.
G. Bernard Shaw
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cái gì đúng, hay thì ta nói đúng, hay; cái gì dở thì ta nói là dở, là thiếu sót, khuyết điểm. Những cái ta đã nói, đã viết cơ bản là đúng nhưng chưa đúng tuyệt đối như sự thật đã diễn ra, càng chưa đủ… chúng ta phân tích kỹ càng hơn, đánh giá đúng đắn và công bằng hơn. Đó là trách nhiệm của những nhà viết sử.
Đại tướng Lê Đức Anh
Cổ truyền hay lịch sử của một dân tộc tức là cái tinh thần trong cuộc đời, cái an ủi trong lúc gian truân, cái hy vọng trong lẽ sinh tồn.
L. Denis
Lịch sử là dòng chảy của một dân tộc!
Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc!
Lịch sử là khoa học, không phải là công cụ giáo dục tư tưởng.
Nhà Sử học Lê Văn Lan
Lịch sử là nhân chứng của thời đại, là ngọn đuốc của chân lý, là sức sống của ký ức và là người truyền đạt của quá khứ.
Marcus Tullius Cicero
Nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông ta đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại.
Tìm hiểu tri thức có thể giúp cải biến bản tính của con người, còn thực nghiệm lại có thể cải biến bản thân tri thức. Bản tính của con người giống như hoa cỏ mọc hoang, tìm hiểu tri thức học tập giống như cắt tỉa đem trồng nơi khác. Đọc lịch sử làm cho người ta sáng suốt, đọc thơ làm cho người ta khôn khéo, tính toán làm cho người ta chính xác, triết lý làm cho người ta sâu sắc, luân lý học làm cho người ta có tu dưỡng, lôgic học làm cho người ta giỏi biện luận.
Francis Bacon