Trong tiếng Anh, từ Sợ HãI (Fear) được đánh vần như sau: Sai lầm (False); Những kỳ vọng (expectations); Vẻ ngoài appearing); và Thực tế (real).
- Khuyết danh
Tại sao lại phải sợ hãi?
“Sợ hãi = E sợ hay lo lắng về một điều gì đó hay một ai đó.”
Tôi không biết liệu...
K
hi không biết liệu công việc sẽ đòi hỏi ở mình điều gì, chúng ta có xu hướng sẽ chần chừ. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Nếu bạn, một người mới tập leo núi, được huấn luyện viên của mình yêu cầu tham gia vào một cuộc thi leo núi cấp quốc gia, tôi chắc rằng bạn sẽ sợ đến quíu cả lưỡi cho mà xem. Ít ra thì tôi sẽ như thế đấy!
Bạn không biết liệu mình có khả năng làm được việc đó hay không. Rất có khả năng bạn sẽ không làm được hoặc gặp phải chấn thương vì đã không tập luyện đúng đắn.
Khi không chắc chắn về việc mình phải làm, chúng ta sẽ cảm thấy bất an. Và cảm giác đó sẽ khiến ta chần chừ.
Tổng kết của mọi nỗi sợ hãi
Có thể chúng ta sợ rất nhiều thứ. Những nỗi sợ này thường xuất phát từ những trải nghiệm không mấy dễ chịu khi chúng ta còn nhỏ. Ví dụ, vài người rất sợ chó vì đã từng bị chó cắn; nhiều người thì sợ nước sôi vì đã từng bị bỏng. Tôi đã từng rất sợ bóng tối và gần như lúc nào đèn trong phòng tôi cũng được bật sáng.
Vì thế, khi cảm thấy sợ hãi trước một điều gì đó, ta sẽ có xu hướng chần chừ nếu phải làm những việc có liên quan đến nỗi sợ đó.
Chúng ta có thể sợ những thứ như:
- Các kỳ kiểm tra - Bởi vì chúng ta thường bị điểm kém hoặc chúng ta sợ sẽ bị điểm kém.
- Sự không hoàn hảo - Bởi vì chúng ta luôn lý tưởng hóa mọi thứ.
- Những điều chưa biết - Bởi vì chúng ta cảm thấy thoải mái hơn với những điều mình đã biết.
- Mắc sai lầm - Bởi vì chúng ta không thể chịu nổi hậu quả do sai lầm của mình gây ra.
- Thay đổi - Bởi vì chúng ta cảm thấy bất an trước những sự thay đổi.
- Thành công - Bởi vì có thể chúng ta không biết phải làm gì sau khi đạt được thành công.
- Sự chối bỏ - Bởi vì chúng ta không chịu được nỗi đau của việc bị từ chối.
Vậy là có quá nhiều nỗi sợ có thể khiến chúng ta chần chừ. Ở đây, chúng ta không thể liệt kê tất cả những nỗi sợ ấy ra được, nếu không, chúng ta sẽ biến cuốn sách này thành một cuốn sách nói về những nỗi sợ hãi và thành một cuốn tiểu thuyết kinh dị mất!
Điều chúng ta cần làm là phải nhận thức được rằng sợ hãi là một điều hoàn toàn bình thường. Vấn đề là chúng ta đã để những nỗi sợ hãi ấy ngăn cản quá trình vươn tới thành công của ta.
Tôi biết một cô gái tên là Angie. Nỗi sợ lớn nhất của Angie là làm bài thi và bài kiểm tra. Mỗi khi sắp có bài kiểm tra, cô đều cảm thấy vô cùng lo lắng. Lúc này, một chướng ngại tâm lý hình thành trong lòng Angie và không ngừng phát triển. Cuối cùng, vấn đề này trở nên nghiêm trọng đến mức cô muốn nghỉ học để khỏi phải làm bài kiểm tra!
Những truyện tranh đầu tiên của tôi
Sau đây, tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện tôi đã làm thế nào để những truyện tranh đầu tiên của mình được đăng trên báo và tạp chí. suốt nhiều năm qua, tôi đã vẽ rất nhiều và luôn mong nhìn thấy những tác phẩm của mình được in. Điều đã ngăn cản tôi nộp bản thảo những truyện tranh này là nỗi sợ bị từ chối. Thế là suốt một thời gian dài, tôi chần chừ không dám gửi. Và quả thực, khi thu hết can đảm đem mấy truyện tranh đó đi gửi thì tôi đã bị từ chối. Thật đáng chán phải không! Vậy là phải mất một thời gian rất dài sau đó tôi mới gửi những truyện tranh kế tiếp… nhưng sau cùng thì tôi đã thành công!
Tại sao chúng ta không nhận thức được nỗi lo lắng của mình?
“Nhận thức = Nhận ra sự tồn tại của một điều gì đó.”
Để giải quyết được vấn đề do sự sợ hãi gây ra, trước hết chúng ta phải nhận thức được những mối lo lắng của mình và đối mặt với chúng. Nhận thức được nỗi lo lắng của mình là một chuyện; giải quyết chúng lại là chuyện khác.
Ở đây, tôi xin giới thiệu hai bước để giải quyết nỗi sợ hãi của chúng ta, do Rita Emmet, tác giả của cuốn sách The Procrastinator’s Handbook, đề xuất.
Phương pháp của Rita Emmet là tự hỏi bản thân mình hai câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên: “Mình sợ cái gì?”.
Khi tự hỏi bản thân câu hỏi này, chúng ta đang tìm cách xác định nguyên nhân nỗi sợ hãi của mình. Bằng cách này, ta sẽ cảm thấy ít sợ hơn đồng thời có thể nhận thức được nó một cách rõ ràng hơn.
Câu hỏi thứ hai: “Điều gì sẽ xảy ra nếu nỗi sợ lớn nhất của mình trở thành sự thật?”.
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu nỗi sợ lớn nhất của ta trở thành sự thật. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ bị tổn thương và khốn khổ rất nhiều. Nhưng liệu chúng ta có thể vượt qua được nó không? Dĩ nhiên là có. Bằng cách trải nghiệm và vượt qua nỗi sợ này, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn đồng thời ít lo lắng về nỗi sợ này hơn.
Phương pháp này rất hiệu quả, và tôi khuyến khích bạn hãy thử áp dụng nó.
Sử dụng lời khẳng định
Lời khẳng định là những câu nói ngắn gọn và tích cực mà ta có thể dùng để tự nói với bản thân mình. Việc thường xuyên sử dụng những lời khẳng định sẽ giúp chúng ta định hình lại cách suy nghĩ của mình. Những lời khẳng định đó sẽ thay thế cho suy nghĩ tiêu cực và dẫn dắt chúng ta hành động tích cực hơn. Nếu bạn chăm chỉ luyện tập và thường xuyên sử dụng lời khẳng định, bạn hoàn toàn có thể lấp đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ tích cực. Khi bạn nói với bản thân rằng mình có khả năng và đã sẵn sàng giải quyết một công việc nào đó, bạn sẽ có động lực để bắt tay vào hành động.
Bạn có để ý thấy một vài vận động viên luôn lẩm bẩm điều gì đó trước khi bước vào thi đấu không? Đó là lúc họ đang tự nói với mình những lời khẳng định để chuẩn bị tâm lý và tinh thần thi đấu nhằm đánh bại đối thủ đấy.
Việc nói với bản thân những lời khẳng định là việc làm rất dễ dàng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một vài yếu tố sau:
1) Chúng phải ngắn gọn
Điều này hoàn toàn hợp lý. Ai mà nhớ được một câu khen ngợi dài ngoằng cơ chứ, phải không?
2) Chúng phải tích cực
Điều này cũng hoàn toàn hợp lý. Lời khẳng định mang tính tiêu cực chẳng những không đem lại lợi ích nào hết mà còn gây hại cho tinh thần của bạn.
3) Chúng phải được dùng ở thì hiện tại
Điều này rất quan trọng. Chẳng ai lại nói với bản thân rằng mình thật tuyệt vời trong quá khứ nhưng bây giờ thì không tuyệt cả.
Sau đây là một vài ví dụ về lời khẳng định:
- Tôi cảm nhận được sức mạnh của bản thân và tôi có thể làm được việc này.
- Tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ.
- Tôi đã sẵn sàng và rất háo hức muốn được bắt tay vào làm việc đó.
- Tôi rất phấn chấn trước mọi thử thách của cuộc sống.
- Tôi chẳng lo sợ điều gì hết.
Hãy đưa ra vài lời khẳng định của riêng bạn và thường xuyên lặp lại chúng trong ngày. Hãy để những lời khẳng định này truyền cho bạn sức mạnh.
Kết luận
Sợ hãi là một cảm giác hoàn toàn bình thường. Nhưng điều quan trọng hơn là ta phải “nhận thức” được nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi của mình và đối mặt với chúng!