“Những gì được tưởng thưởng đều là những gì đã được hoàn thành.”
- Khuyết danh
Tại sao lại lười biếng?
“Lười biếng = Biếng nhác.”
Tôi đang đi về đâu với thứ này?
Đ
ôi khi, sự lười biếng sẽ khuất phục được ta, khiến ta rơi vào trạng thái trì trệ và trì hoãn việc hoàn tất công việc của mình. Thực tế là, tất cả chúng ta đều có những lúc lười biếng. Nó chỉ tùy thuộc vào việc chúng ta đã để “con quái vật lười biếng” ảnh hưởng đến mình như thế nào mà thôi.
Sự thực thì nguyên nhân khiến chúng ta lười biếng là do cuộc đời ta thiếu những mục tiêu rõ ràng. Nếu không có mục tiêu rõ ràng, ta sẽ không có động lực hành động và trở nên chần chừ.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy những người có động lực luôn có ánh nhìn rất tập trung và những bước chân đầy quả quyết. Ngược lại, những người không có mục tiêu sẽ thiếu động lực và trở nên lười biếng. Nếu giống những người này, chúng ta cũng có thể lạc lối như một cái la bàn bị hỏng và không biết mình đang ở đâu. Khi chúng ta lười biếng, chúng ta sẽ chần chừ.
Một trạng thái tinh thần
Lười biếng là một trạng thái tinh thần và cũng là một thói quen. Thói quen sẽ được hình thành khi bạn cứ lặp đi lặp lại một việc gì đó. Chẳng hạn, ngôi sao bóng rổ Michael Jordan đã tập ném phạt nhiều đến mức cơ thể ông đã tiếp thu một cách vô thức và “ghi nhớ” thói quen ném bóng từ vạch ném phạt này. Cơ thể và tâm trí của ông đã quen thuộc với việc ném phạt đến mức ông có thể nhắm mắt mà vẫn ném trúng rổ!
Tương tự, sự lười biếng cũng có thể trở thành một thói quen của ta. Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng lười biếng mà không hề hay biết chưa?
Phạm vi thoải mái: Một nơi vô cùng thoải mái
Phạm vi thoải mái là nơi mà mọi thứ đều rất tốt đẹp và khiến bạn hài lòng. Tuy nhiên, nếu ở quá lâu trong vị trí ấy, chúng ta sẽ có cảm giác mình giống như một con ếch đang ngồi đáy giếng vậy.
Chúng ta thường phải ra khỏi phạm vi thoải mái của mình để làm một việc gì đó. Cảm giác khó chịu khi phải ra khỏi phạm vi thoải mái đã khiến ta chần chừ. Đôi khi, do quá lười biếng nên chúng ta không muốn ra khỏi phạm vi thoải mái của mình! sở dĩ như vậy là vì chúng ta phải nỗ lực thêm trong khi không biết điều gì đang chờ đón mình phía trước.
Con ếch ngồi đáy giếng có tầm nhìn rất hạn hẹp và không được trải nghiệm thế giới bên ngoài cái giếng của nó. Kết quả là nó chẳng bao giờ biết được điều gì đang chờ đợi nó ở ngoài kia.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tự thưởng để có động lực hơn?
“Tự thưởng = Tự tặng cho mình một món quà khi ta đạt được một thành quả nào đó.”
Tự thưởng cho mình
Để khắc phục sự lười biếng, bạn chỉ việc nghĩ đến phần thưởng hoặc những sự khích lệ tuyệt vời mà mình sẽ nhận được khi hoàn thành công việc. phần thưởng có thể trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy ta bắt tay vào làm việc.
Chúng ta không cần phải đặt ra cho mình phần thưởng thật hoành tráng bởi vì có thể ta sẽ không đủ tiền để mua nó. Hãy bắt đầu với một món quà nhỏ nhưng tương xứng với công việc mà ta vừa hoàn thành. Đừng chơi ăn gian bằng cách hoàn thành một công việc đơn giản nhưng lại tự thưởng cho mình món quà thật hoành tráng! Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết tự kiểm soát bản thân, nếu không, có thể ta sẽ luôn tự thưởng cho mình trong khi lại chẳng làm được gì nhiều cả.
Dưới đây là danh sách những phần thưởng mà bạn có thể tham khảo:
1) Xem một bộ phim
2) Nghe đĩa nhạc bạn yêu thích
3) Gọi điện thoại cho người bạn thân nhất
4) Đi chơi với bạn bè
5) Chơi trò chơi điện tử mà bạn thích
6) Chăm sóc cho thú cưng
7) Thưởng thức món ăn bạn thích
8) Tận hưởng một sở thích nào đó
9) Đi mua sắm
10) Làm những điều bạn thích (mà không cảm thấy tội lỗi)
Phần thưởng như là nguồn động lực
Jeffrey Gitomer - tác giả của những cuốn sách bestseller như The Sales Bibble và The Little gold Book of YES! Attitude - kể rằng trong suốt những năm đầu khởi nghiệp, ông đều mua tặng mình một món quà gì đó mỗi khi bán được hàng. Bằng cách này, ông có động lực rất lớn để cố gắng hết mình và hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra!
Elaine là cô bé rất năng nổ trong mọi hoạt động. Khi được hỏi về nguồn động lực của mình, Elaine nói với tôi rằng cô bé luôn tự thưởng cho mình mỗi khi đạt được một thành quả nào đó. phần thưởng đôi khi chỉ đơn giản là ăn một que kem nhưng đó chính là bí quyết thành công của Elaine!
Kết luận
Tự thưởng là một phương thuốc hữu hiệu có thể giúp chúng ta trị dứt chứng bệnh lười biếng. Chúng ta nên tự thưởng cho mình món quà nào đó mỗi khi hoàn thành công việc!