Cách đây 90 năm, chiếc xe tải huyền thoại GAZ-AA đầu tiên của nhà máy chế tạo ở Nizhny Novgorod chính thức xuất xưởng, mở ra thời kỳ phát triển quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Liên Xô.
Dòng xe huyền thoại GAZ-AA được xem là phương tiện vận tải chính của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2. Chúng không phải là những cỗ máy sang trọng, xuất sắc về kỹ thuật.
Song đến năm 1941, các phiên bản của xe tải GAZ-AA gánh trọng trách vận chuyển hàng hóa quân sự chính trên khắp chiến trường và trở thành một trong những biểu tượng Chiến thắng của quân đội Liên Xô.
Quá trình chế tạo
Đầu những năm 1920, ngành công nghiệp ô tô chưa xuất hiện ở Liên Xô. Một số doanh nghiệp hoạt động trước đó dưới thời nước Nga Sa hoàng đã không còn tồn tại sau Cách mạng tháng Mười 1917. Năm 1924, với sự hỗ trợ của nước ngoài, nhà máy chế tạo ô tô cũ ở Moscow đã được cải tạo lại, nhưng nó chỉ có thể sản xuất một lượng rất hạn chế xe tải FIAT 15 Ter.
Từ giai đoạn 1924 - 1929, khoảng 3.000 chiếc FIAT 15 đã được lắp ráp. Đương nhiên, số lượng này không đáp ứng yêu cầu đề ra của lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ. Một giải pháp toàn diện cho vấn đề này không phải là mua ô tô, mà là mua toàn bộ quá trình sản xuất, từ sản xuất các bộ phận đến dây chuyền lắp ráp.
Chiếc xe tải NAZ-AA đầu tiên ra đời cách đây 90 năm. Ảnh: TASS
Hoa Kỳ là quốc gia được lựa chọn. Bởi vì, lúc này nước Mỹ dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô thế giới. Nước này tỏ ra khá thực dụng đối với chính quyền Xô Viết, trong bối cảnh cuộc Đại suy thoái khiến các nhà tư bản nước ngoài dễ dãi hơn về giá cả.
Các cuộc đàm phán sau đó đã được tổ chức với công ty Chrysler và General Motors, nhưng cuối cùng sự lựa chọn lại dành cho công ty của Henry Ford, nơi chuyên sản xuất xe giá rẻ và sản xuất hàng loạt. Năm 1922, trung bình cứ 2 chiếc xe được chế tạo trên toàn cầu thì có một chiếc của Ford. Từ năm 2029, công ty này cho ra đời mẫu xe mẫu A, bao gồm xe du lịch Model A và phiên bản chở hàng Model AA.
Công ty Ford có một hệ thống cơ sở chế tạo thống nhất, từ động cơ đến hầu hết các thành phần chính. Điểm mạnh của mẫu xe tải Model AA của Ford là giá thành rẻ. Còn nhược điểm là hoạt động giống như một chiếc xe bán tải. Nó phù hợp cho nhu cầu vận tải của các doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng tư nhân hoặc trang trại, mà không phải để vận chuyển hàng hóa quân sự. Xe có khung và hệ thống treo khá yếu. Động cơ 42 mã lực không thể cung cấp khả năng chuyên chở hơn 1,5 tấn hàng hóa.
Theo thỏa thuận, phía Mỹ sẽ xây dựng nhà máy, sau đó khởi động quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực. Có khoảng 50 nhà chế tạo ô tô tương lai đầu tiên của Liên Xô đã được cử đi thực tập ở nước ngoài, ngay sau khi ký hợp đồng vào mùa hè năm 1929.
Xe tải GAZ đầu tiên
Ban đầu, Moscow, Leningrad và Yaroslavl được xem là nơi xây dựng nhà máy, nhưng xét về tổng thể các đặc điểm, Nizhny Novgorod được ưu tiên hơn. Khu vực này có lịch sử phát triển ngành công nghiệp luyện kim đa dạng, có đủ điện, nhiều nhân lực và có mạng lưới thông tin liên lạc khá phát triển.
Việc xây dựng nhà máy chính do một nhóm 25 chuyên gia người Mỹ thực hiện, do Albert Kahn, một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới phụ trách. Chính Kahn là người trước đây đã xây dựng các văn phòng và nhà máy của Ford.
Ngoài nhà máy ô tô khổng lồ ở Nizhny Novgorod, trong kế hoạch 5 năm đầu tiên, nhóm của Kahn ở Liên Xô đã thiết kế và tổ chức xây dựng hơn 500 cơ sở khác nhau. Trong đó có các tòa nhà mới ở Kanavin, cửa hàng lắp ráp xe hơi Model A và các cơ sở đào tạo cho công nhân và kỹ sư của Nhà máy ô tô Nizhny Novgorod mang tên V.V. Molotov trong tương lai.
Ngày 29-1-1932, ngành công nghiệp ô tô Liên Xô chính thức đi vào hoạt động, khi chiếc xe tải đầu tiên, có tên NAZ-AA, lăn bánh từ dây chuyền lắp ráp. Cuối năm đó, nhà máy đã sản xuất 60 xe tải mỗi ngày và làm chủ quy trình sản xuất xe du lịch, tương tự như Model A của Ford.
Tên gọi của xe được đổi thành GAZ-A, kể từ ngày 7-10-1932, sau khi Nizhny Novgorod bắt đầu mang tên “Gorky” để vinh danh nhà văn Xô viết nổi tiếng Maxim Gorky. Theo đó, nhà máy ô tô cũng đổi tên thành “GAZ”.
Năm 1938, chiếc xe tải được nâng cấp, sử dụng động cơ mới 50 mã lực, cùng một số cải tiến về hệ thống lái và hệ thống treo. Bề ngoài, chiếc xe mới không có gì khác biệt so với chiếc tiền nhiệm, nhưng giờ đây nó là một chiếc xe tải thuần túy của Liên Xô (khi hợp đồng với công ty Ford đã hết hạn), được gọi là GAZ-MM.
Mặc dù đã được hiện đại hóa nhưng đến cuối những năm 1930, mẫu xe GAZ-MM đã lỗi thời về mặt kỹ thuật. Các kỹ sư Liên Xô đã chế tạo ra chiếc xe GAZ-51 hoàn toàn mới, với sức chở 2,5 tấn để thay thế. Năm 1940, GAZ-51 đã thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm, và được ủy ban nhà nước chấp nhận. Cuối năm sau, chiếc xe mới được sản xuất và sử dụng thay thế cho GAZ-MM.
Phục vụ trong Chiến tranh vệ quốc
Ngày 20-6-1941, sau khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, khoảng 151.100 xe tải GAZ được đưa vào phục vụ, chiếm hơn một nửa đội xe của Hồng quân Liên Xô. Nhiệm vụ chính của chúng là vận chuyển hàng hóa dân sự và quân đội.
Các xe chở hàng thông thường có thể được trang bị thêm 4 băng ghế dài có thể tháo rời, được thiết kế để chuyên chở 16 người. Trong thời tiết xấu, thùng xe có thể được che bằng mái bạt. Ngoài ra, phía sau đuôi xe tải có thể dùng để kéo một khẩu pháo hoặc súng máy.
Khi chiến tranh bùng nổ, Nhà máy ô tô Gorky nhận được lệnh của lãnh đạo Liên Xô chuyển sang sản xuất xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép, súng cối và đạn dược. Việc thiếu xe tải trong quân đội được bù đắp bằng việc huy động xe dân sự. Sau đó, nhà máy tiếp tục tăng sản lượng lên gấp rưỡi và sản xuất thêm xe ben GAZ-410. Nhà máy cũng tiếp tục lắp ráp xe cứu thương, xe buýt chở khách GAZ-05-193, xe chở dầu, trạm radar và xưởng thực địa.
Xe tải GAZ của Liên Xô chở quân ra mặt trận. Ảnh: TASS
Trong điều kiện thiếu kim loại trầm trọng và cần phải tăng tốc sản xuất, thiết kế của xe tải quân sự GAZ-MM-V đã được đơn giản hóa. Nhiều chi tiết đã bị lược bỏ như một đèn pha và cần gạt nước bên phải, ngay cả phanh chỉ được lắp ở bánh sau.
Đến năm 1942, ngay cả cửa sắt cũng không còn được lắp trên ô tô nữa, chúng được thay thế bằng tấm bảo vệ bằng gỗ và các cuộn vải bạt. Phần cabin và mái xe cũng làm bằng gỗ phủ bạt. Việc đơn giản hóa và giảm chi phí là do điều kiện khó khăn của chiến tranh.
Xe GAZ-MM của Liên Xô không có hệ thống sưởi và hệ thống thông gió, phanh kém, cabin gỗ, dùng một đèn pha và không có cửa, nhưng dưới bàn tay điều khiển kiên cường của người lính Hồng quân, chúng chiến đấu hiệu quả hơn những chiếc xe tải tốt nhất của châu Âu. Những lái xe Liên Xô đã vượt qua giai đoạn khủng khiếp nhất của cuộc chiến, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng hóa cho tiền tuyến.
Ngay cả sau ngày Chiến thắng, những chiếc xe tải GAZ tiếp tục tham gia vào quá trình kiến thiết đất nước từ đống đổ nát sau chiến tranh. Dòng xe tải huyền thoại ấy vẫn là phương tiện vận tải nhiều nhất trên mọi nẻo đường của Liên Xô. Tổng số xe tải các loại khác nhau được sản xuất vượt quá 1 triệu chiếc.
Ngày 10-10-1949, những chiếc xe GAZ được đưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp, và trở thành tượng đài trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Liên Xô.
MINH TUẤN (Theo Iz.ru)