S
au ngày nhận văn bằng tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội ít bữa, tôi khấp khởi mừng thầm khi được tin lên văn phòng trường tại số 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội để nhận giấy giới thiệu về Ty Giáo dục Nam Hà liên hệ công việc. Trước khi trao giấy cho tôi, thầy phụ trách công tác tổ chức với giọng trầm ấm cùng nét mặt thoáng chút băn khoăn, ái ngại nói như thanh minh:
- Việc này đáng ra phòng tổ chức của trường lo. Song người ít mà việc thì nhiều nên Ký thông cảm, cứ cầm giấy này về Nam Hà liên hệ. Được hay không em yêu cầu họ cứ ghi vào nhé! - Và thầy tạm biệt bằng nụ cười: - Chúc các em thành công!
Tôi và Lê Huy Hòa cầm giấy, cảm ơn thầy và rời cổng trường khi ánh nắng thu vàng rực như sáp ong đã đứng bóng. Chúng tôi quyết định về thành Nam ngay để kịp giờ làm việc chiều. Hai đứa vội vã bước nhanh về hướng ga Hàng Cỏ. Vừa tới nơi thì đồng hồ trên nóc ga đã chỉ 12 giờ 35. Chúng tôi tranh thủ mua vé lên tàu. Vé toa khách hết. Hai thằng đành chen chân len lên toa hàng. Toa không có ghế. Vất vả lắm Hòa mới dìu tôi vào được một vị trí tạm an toàn để đứng giữa ngổn ngang những bu gà, rõng lợn, giỏ vịt, những bó sắn, thúng khoai, bị ngô lô nhô chất chồng. Tiếng gia cầm, súc vật; tiếng người ì xèo, cãi cọ chen nhau hòa tấu khiến không khí toa tàu ồn ào huyên náo như đang giữa một phiên chợ đông. Tàu hú còi, giật mình xình xịch chuyển bánh. Ai nấy đều nghiêng ngả như trong cơn địa chấn mạnh bất ngờ. Tôi chẳng có đôi tay bình thường để giữ thăng bằng, cũng chẳng thể bám víu vào đâu được nên trước sự rung lắc quá đột ngột, người tôi chới với rồi bất ngờ ngã dụi, ngồi xệp xuống… một cái bị đựng trứng gà liền kề. Bà chủ hét lên, đẩy mạnh vào người tôi hòng cứu bị trứng. Nhưng tất cả đã muộn. Mọi người trong toa nháo nhác. Còn Hòa thì vội vàng dìu tôi đứng dậy. Bà chủ bị trứng liền lu loa:
- Thôi chết! Vỡ hết trứng tôi rồi! Những ba chục quả chứ ít ỏi gì đâu. Nhà nghèo. Chồng nó phải đi làm xa tận Lào Cai. Chắt chiu mua được ít trứng gửi mẹ mang về bồi dưỡng cho vợ đẻ ở quê. Bây giờ về tôi biết nói với con dâu thế nào đây các ông các bà ơi!!!
Trước sự bức xúc tội nghiệp của người phụ nữ khắc khổ, già nua dù mới trạc tuổi ngoài 50 mặc chiếc áo gụ bạc sờn lốm đốm những mụn vá ở vai, chiếc quần đen vải thô nhàu nhĩ; tôi bối rối chẳng biết làm gì ngoài việc đứng lặng như trời trồng trong tâm trạng day dứt không yên. Hòa thì xua tay biện minh với giọng chứa chan cầu mong sự cảm thông của mọi người:
- Thôi bà và các bác thông cảm. Anh bạn tôi đây, mọi người thấy đấy. Đôi tay anh không cử động được, nên khi bị xô đẩy bất ngờ mới sinh ra nông nỗi này. Anh là Nguyễn Ngọc Ký, người liệt hai tay phải viết bằng chân mà chắc nhiều anh chị biết.
Lời Hòa chưa dứt, hàng loạt cặp mắt xung quanh đã dồn về phía tôi với sự ngạc nhiên đến sửng sốt:
- Ồ, thế ra đây chính là anh Ký đi học trong sách lớp ba con tôi mới học đây?
- Dạ! Vâng, đúng thế đấy ạ! - Hòa đáp khiêm nhường.
- Nhưng sao nghe nói hiện anh Ký đang học đại học kia mà?
- Vâng, hiện nay Ký đã tốt nghiệp. Tôi là bạn học chung lớp với Ký suốt bốn năm đại học. Nay theo gợi ý của trường, tôi đưa Ký về Ty Giáo dục Nam Hà để liên hệ xin việc cho Ký.
Hòa đột ngột ngừng lời, ghé vào tai tôi thì thầm một ý tưởng mới. Biết tôi ưng thuận Hòa quay sang phía người đàn bà áo gụ bạc:
- Còn bà đây hiểu cho. Đây là việc bất khả kháng. Chẳng ai ngờ, ai muốn. Bà buồn một thì Ký và cháu buồn mười đấy. Là sinh viên, chúng cháu nghèo lắm. Thôi bà vui lòng nhận dùm mấy hào này về bù vào mua trứng cho cô con dâu mới sinh.
Mấy người xung quanh thấy vậy ai nấy đều tự nguyện rút hầu bao. Người hai hào, người ba hào, người năm hào, có người bỏ ra cả một đồng ủng hộ bà chủ bị trứng. Bất ngờ trước sự hảo tâm của mọi người, bà tỏ ra ngượng ngùng, lúng túng. Mặt bà đỏ rựng. Tay bà lóng ngóng khi đón nhận những tờ bạc lẻ nhàu nhĩ thấm đọng mồ hôi và tấm lòng của mọi người.
Mớ tiền trong tay xem ra đã nhiều nhiều, áng chừng có thể dư mua mấy chục quả trứng bị vỡ, bà liền xua tay, giọng dứt khoát:
- Thôi! Thôi! Tôi không nhận của ai nữa đâu.
Bà nói rồi nhẩm đếm số tiền nhận được. Khuôn mặt sạm đen hằn sâu những vết chân chim ngang dọc đầy vẻ khốn khó, bực tức ban nãy bỗng chốc giãn ra, tươi tắn. Bà nhìn thẳng vào tôi với cặp mắt khác lạ. Rồi đột nhiên, bà khe khẽ cầm lấy cánh tay mềm nhão của tôi, nói với giọng rất đỗi chân thành:
- Anh đúng là Nguyễn Ngọc Ký phải không?
- Vâng, đúng ạ! - Hòa đáp.
- Bây giờ thế này nhé. Bác không ngờ bà con ta hôm nay ở đây tốt với bác quá. Đúng là trong cái rủi lại có cái may. Cho bác được chia bớt cái may này với cháu. Âu cũng là một chút tấm lòng của bác, đặc biệt là của bà con đây hỗ trợ cháu để phần nào bớt cái khó trong việc cháu đi tìm việc. Thôi anh em cầm lấy mấy đồng này mà uống nước vậy nhé!
- Không đâu! Mọi người ủng hộ bác thì bác cứ cầm. - Tôi lắc đầu từ chối.
Hòa cũng xua tay trong nụ cười cảm động:
- Thôi! Bà không việc gì phải làm thế. Chúng cháu không nhận đâu.
Bỗng xung quanh tiếng của ai đó nói lớn:
- Bà già đây nghĩ vậy và làm vậy là phải đó. Anh Ký không nên khước từ lòng tốt của bà và của mọi người.
- Vâng, anh Ký cứ cầm lấy! Cầm lấy đi! - Tiếng mọi người đứng vây chung quanh cùng lúc cất lên. Thấy không thể làm khác, Hòa liền đánh mắt nhìn tôi. Cả hai đành miễn cưỡng trong niềm xúc động ngập tràn chỉ dám xin nhận một phần tiền nhỏ nhưng chứa chất ân nghĩa của mọi người từ tay bà có bị trứng bị tôi làm vỡ.
Tôi và Hòa xuống tàu ở ga Nam Định khi bóng chiều đã xiên khoai. Sợ muộn giờ, hai đứa rảo bước hỏi thăm đường đến Ty Giáo dục ngay. Song vì chưa biết đường nên cứ đi vòng vo mãi vẫn chưa tìm ra địa chỉ cần đến. Phố xá tấp nập người xe, song dấu tích cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nơi thành phố này vẫn còn hiện rõ. Đây đó, những ngôi nhà cao tầng bị bom phá có nơi vẫn còn trống hoác ngổn ngang một đống gạch vụn. Nhà máy dệt, nhà máy tơ nhiều chỗ đã khôi phục; âm vang rộn rã tiếng máy chạy, song không ít chỗ còn sâu hoắm những hố bom, chơ vơ những khung thép cong queo treo lủng lẳng những mảng bê tông trông thật hãi hùng, xa xót. Đoạn đường phố tắt ngang giữa lòng khu liên hiệp dệt dấu tích những hố bom dù đã được lấp đầy bằng đá cấp phối chứ chưa nhựa hóa như cũ; đâu đây vẫn lởm chởm những ổ gà, ổ voi. Loanh quanh mãi, tới khi trời chạng vạng hai chúng tôi mới bước chân vào cổng Ty Giáo dục Nam Hà. Cả hai nôn nao mừng thầm. Nào ngờ người gác cổng ngăn lại xua tay với lời thông báo lạnh lùng:
- Hết giờ làm việc rồi! Mời hai anh ra ngoài cho tôi đóng cổng! - Như bị dội gáo nước lạnh, hai thằng chưng hửng quay gót trong tâm trạng thất vọng tràn trề.
Đi đâu, về đâu lúc này khi bóng đêm đã sầm sầm bao trùm, thành phố đã lên đèn? Về quê ư? Thôi cứ liều ra bến xe Cổng Hậu xem sao. Hai thằng thất thểu hỏi thăm được đến nơi thì hay tin chuyến xe cuối cùng về
Hải Hậu đã vừa rời bến trước đó chừng dăm phút. Thế là đành quay gót lang thang khắp phố phường thành Nam giữa bốn bề xa lạ không một người quen biết.
Để lên dây cót tinh thần cho nhau, cũng là cách động viên an ủi nhau tìm ra niềm vui trong cảnh khó, tôi chép miệng lên giọng bảo Hòa:
- Hay quá! Vậy là tối nay chúng ta tha hồ thăm thú, khám phá thành Nam, Hòa ơi!
- Ừ, chí lý đấy! Trước tiên ta qua khu chợ Rồng nhé! - Vừa nói Hòa vừa vỗ vỗ vào vai tôi cười vang ra vẻ đắc ý lắm.
May mà chợ Rồng nằm ngay trung tâm thành Nam, trên đại lộ Trần Hưng Đạo chỉ cách bến xe Cổng Hậu chừng mấy trăm mét. Hai thằng đi một thoáng đã tới nơi. Đây là ngôi chợ sầm uất hai tầng khang trang có lịch sử lâu đời nổi tiếng không chỉ ở tỉnh Nam Định mà còn của cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Hai thằng mải mê vừa thả bộ vừa ngắm không chán mắt không chỉ các gian hàng được bày biện ngăn nắp, phong phú, đủ các chủng loại, kiểu dáng, màu sắc các thứ hàng hóa mà còn được “khuây mắt” trước những cô nhân viên bán hàng đầy duyên dáng, thân thiện.
Rời chợ Rồng, giật mình nhớ đến chuyện từ trưa đến giờ chưa có gì bỏ bụng, cả hai quyết định đi tìm một quán cóc nào đó để “tọa lạc”. Loanh quanh một hồi, nhận ra mình đã đặt chân vào công viên Vị Hoàng, hai thằng quyết định tìm một ghế đá ngồi giải lao hóng mát, ngắm hồ La Két lung linh những dải đèn màu viền quanh trông thật quyến rũ. Giải quyết xong mỗi thằng một ổ bánh mì và một cây kem, chúng tôi quyết định nằm xuống mặt ghế nghỉ một lát cho đỡ mỏi mệt. Chừng ít phút sau, một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi (có lẽ là nhân viên trật tự của công viên) đến nhắc chúng tôi phải ngồi dậy. Qua chuyện trò với ông, chúng tôi biết nơi công viên còn có một địa chỉ mà những ai yêu văn chương, thích hoài cổ không thể không quan tâm. Vâng, đó chính là mộ nhà thơ lừng danh Trần Tế Xương. Lập tức, chúng tôi háo hức nhờ ông chỉ đường. Tới nơi, cả hai cứ tưởng phần mộ ông Tú phải là một khu tưởng niệm hoành tráng được xây cất khang trang, nào ngờ chỉ lè tè một nấm mộ um tùm cỏ nằm lặng lẽ ở một góc công viên tù mù mà nếu không có tấm bia đá nhỏ nhoi khắc tên ông thì khó ai biết được đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng một nhà thơ trào phúng vĩ đại của đất nước đầu thế kỷ XX. Không biết mua đâu nén nhang để thắp, hai chúng tôi chỉ biết đứng lặng trong nỗi xúc động thành kính dâng trào tưởng nhớ ông trước nấm mồ đơn sơ, khiêm nhường.
Rời khu công viên, vẫn miên man trong dòng chảy cảm xúc về Tú Xương, chúng tôi lại lang thang hỏi thăm đi tìm khu phố cổ Hàng Nâu nơi nhà thơ đã gắn bó trọn đời trong gieo neo bế tắc trước sự đổi thay quá nhanh của thời cuộc với tâm trạng hoài cổ bi thiết: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Vòng vèo đã khá lâu qua nhiều phố cổ, chúng tôi vẫn chưa tìm ra địa chỉ cần đến. Người xe qua lại trên phố đã thưa vắng dần. Chắc chừng đã khuya lắm, chúng tôi rùng mình một cảm giác ớn lạnh giữa những làn gió heo may đầu mùa trong màn sương đêm mờ đục bao trùm. Đôi chân chúng tôi lúc này đứa nào cũng rã rời muốn quỵ.
- Có lẽ ta phải tìm chỗ nào nghỉ thôi Ký ơi! - Hòa hổn hển lên tiếng.
- Ừ! Tao cũng mệt lắm rồi!
May sao, vừa lúc nhìn thấy bên phải phố Trần Phú có khu Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố, tôi liền bảo Hòa dừng lại vào xem sao. Đây là địa chỉ mà năm 1964, tôi đã vinh dự được báo cáo điển hình tại đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh. Chiến tranh đã làm một góc nhà hội trường bị sập đổ. Không điện, không bóng người. Không khí hoang lạnh bao trùm cả khu nhà mênh mông. Bước chân lên khu tiền sảnh, hai thằng tiếp tục vòng ra hành lang phải rồi trái. Vẫn một không khí vắng tanh như chùa bà Đanh. Chúng tôi nhận ra đây là nơi “nghỉ” lý tưởng. Hai thằng quyết định trải báo ra một góc hành lang rồi gieo mình nằm xuống, chuyện tếu và thiếp đi lúc nào không hay sau một ngày lang thang bã bời muốn xỉu.
Khi tiếng còi tầm nhà máy dệt hú vang, chúng tôi giật mình tỉnh giấc thì trời đã sáng bạch. Hai thằng lắc đầu nhìn nhau cùng cười ra nước mắt khi nhận ra khắp chân tay mặt mũi đứa nào cũng bầm đỏ nhưng vết muỗi đốt chi chít suốt đêm qua mà chẳng hề hay biết.
Thật là một đêm khó quên giữa thành Nam trên chặng đường đầu đời tìm đường khởi nghiệp.