Ai đã từng làm việc với Thượng tướng Vũ Lăng, một vị tướng tài ba của Quân đội ta, đều nhắc mình rằng, mỗi khi có chuyện bất bình, cặp râu xồm của ông dựng lên, thì tốt nhất là tìm cách lánh xa rồi “hạ hồi phân giải”...
Nhắc đến anh Vũ Lăng, không thể không nhắc đến người chỉ huy Trung đoàn tài năng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; không thể không nhắc đến một vị tướng tham mưu sắc sảo của Tổng hành dinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tài năng đi kèm với những cơn nổi trận lôi đình của vị tướng này thì nhiều người đã biết, nhưng còn thế giới nội tâm giàu tình cảm, chân thành với đồng chí, đồng đội của ông thì không phải ai cũng hay.
… Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, những thắng lợi của ta trên toàn miền, cùng với thắng lợi to lớn trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, đã đẩy địch vào thế phòng ngự bị động. Trước cục diện chiến trường đang thay đổi một cách cơ bản có lợi cho ta, nắm vững thời cơ cuộc kháng chiến đang đi vào giai đoạn quyết định, tháng 10-1974, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên cả hai miền, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta…”. Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tăng cường một số vị tướng cho chiến trường, trong đó có đồng chí Vũ Lăng, một cán bộ tham mưu tác chiến dày dạn. Anh được Bộ Chính trị điều vào làm Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, thay đồng chí Hoàng Minh Thảo đi nhận trọng trách khác.
Một ngày đầu tháng 6-1974, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chỉ định tôi, Thượng tá Tham mưu Phó Mặt trận, người đã biết Vũ Lăng khi anh làm Phó tư lệnh Quân khu 4, ra tận đầu đường dây CO2 tại Đắc Xụ để đón anh.
Được tin anh Vũ Lăng vào, tôi rất mừng vì sẽ có một đồng chí Tư lệnh dày dạn kinh nghiệm, khi thiếu vắng anh Hoàng Minh Thảo ở một thời điểm quyết định, lại nắm vững ý định của Bộ Tổng Tư lệnh, làm yên lòng mỗi chúng tôi.
Từ Sở chỉ huy Mặt trận tại cánh Trung (tây Gia Lai), phải qua hai cung trạm giao liên mới tới được trạm cuối đường dây 559 cũng là trạm đầu đường dây CO2 Tây Nguyên. Khi qua binh trạm Bắc (tây Kon Tum), tôi dặn anh em chuẩn bị một gùi ngô non đầu mùa để mang ra chiêu đãi anh. Quá trưa ngày thứ hai, chúng tôi đã đến được điểm đón. Khoảng 3-4 giờ chiều, đoàn đến. Gặp lại, bao kỷ niệm cách đó 9 năm lại hiện về. Nhìn anh gầy rộc đi, bộ râu xồm có lẽ mấy ngày vất vả không cạo, càng làm bộ mặt anh hốc hác. Anh ôm chầm lấy tôi, nói: “Không ngờ cậu lại ra đón mình, bây giờ cậu còn giận mình nữa không?”. Tôi liền nói: “Chẳng những không giận mà tôi còn rất vui, vì lại được làm việc với anh trong một thời điểm lịch sử thế này”. Tôi đề nghị anh nghỉ ngơi, tắm giặt cho lại sức. Sau đó, tôi gọi đồng chí trạm trưởng mang rá ngô luộc ra để chiêu đãi anh. Nhìn rá ngô bốc hơi thơm ngát, anh hỏi: “Cậu lấy đâu ra thứ đặc sản này? Của dân à?”. Tôi liền thưa: “Đây là sản phẩm đầu mùa anh em chiêu đãi tân Tư lệnh đấy”. Anh cười: “Ngoài Hà Nội nghe Tây Nguyên gian khổ lắm, không ngờ lại có đặc sản này”. Tôi liền nói: “Tây Nguyên một thời gian dài là tâm điểm của nỗi cơ cực, đói cơm, đói thuốc, đói đạn, tưởng chừng không thể trụ được. Anh còn nhớ năm 1969-1970, nguồn tiếp tế ngoài không vào được, trong không ra được. Đế quốc Mỹ quyết xóa sổ chiến trường này. Nhưng không! Tây Nguyên bất khuất quyết đứng vững để giữ mạch máu Bắc Nam. Lúc này, trừ bộ phận trực tiếp cầm súng vừa đánh giặc, vừa phát rẫy, còn số không trực tiếp chiến đấu, đều đưa hết ra miền Bắc để bớt miệng ăn. Gạo chỉ dành cho thương binh, bệnh binh và một số nhân vật đặc biệt, còn là sắn, củ mài, môn thục và măng rừng. Vật lộn mấy năm, tình hình nay đã khác nhiều rồi, đã có “của ăn của để” với hàng trăm héc-ta sắn, không chỉ có sắn mà còn có nếp rẫy, với hàng đàn gà, lợn, rau xanh. Giao thừa Tết vừa rồi cơ quan Bộ Tư lệnh thực hiện khẩu hiệu “cháo chung, gà riêng”. Cháo thì chung nồi, nhưng gà thì không chung, cứ hai anh một con. Tối nay sẽ chiêu đãi anh nồi “cháo chung, gà riêng” để anh chóng hồi phục sức khỏe”. Nghe tôi nói anh mừng lắm. Tối hôm đó gần như hai anh em thức trắng để hàn huyên tâm sự. Về chuyện riêng trước đây của hai người, anh nói: “Mình rất vui khi cậu không còn giận mình, thế là chúng ta lại cùng công tác với nhau”.
… Câu chuyện xảy ra gần 9 năm về trước vẫn đọng mãi trong tôi. Vào cuối năm 1965, Sư đoàn 325B của chúng tôi, trên đường vào Tây Nguyên, được lệnh sử dụng Trung đoàn 95 tổ chức tiêu diệt căn cứ biệt kích hỗn hợp Mỹ-ngụy tại A Sầu (tây Thừa Thiên) để mở đường cơ giới vào
miền Nam. Anh Vũ Lăng lúc này là Phó tư lệnh Quân khu 4, được chỉ định vào trực tiếp chỉ huy trận đánh. Căn cứ A Sầu được xây dựng rất kiên cố, với nhiều lớp rào kẽm gai dày đặc. Trung đoàn 95 trận đầu đánh công kiên, nên còn ít kinh nghiệm. Đêm đầu tiên, ta mới chỉ đột phá được vào trong thì bị chặn lại không phát triển được. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ cho tôi, Trưởng ban Tác chiến, lên tiền duyên cùng đồng chí Trung đoàn trưởng Lê Khắc Cần nắm lại tình hình, xốc lại lực lượng, bố trí lại đội hình và tổ chức hiệp đồng giữa các bộ phận. Công việc làm xong, tôi trở về sở chỉ huy. Lúc này, Bộ Tư lệnh và các cơ quan đều tề tựu đầy đủ để theo dõi tình hình, nét mặt mọi người rất căng thẳng. Tôi vừa bước vào hầm thì đồng chí Vũ Lăng đã nổi nóng, bộ râu xồm dựng đứng, quát tháo ầm ĩ: “Sao chưa dứt điểm cậu lại bỏ về? Cậu sợ chết à?”. Từ Chính ủy, Phó tư lệnh đến cán bộ có mặt đều lặng thinh. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng khi danh dự của mình bị xúc phạm, nước mắt tôi trào ra và giận dữ. Tôi liền đáp: “Anh không được xúc phạm tôi. Tôi làm theo đúng chỉ thị của Bộ Tư lệnh, mọi việc phía trước đã sẵn sàng, tôi về báo cáo Bộ Tư lệnh để hạ lệnh dứt điểm”. Anh lại càng quát tháo một cách giận dữ. Không kiềm chế được nữa, tôi liền nói: “Mọi việc có Bộ Tư lệnh ở đây, không phải anh muốn nạt ai thì nạt. Anh không nạt được tôi đâu. Tôi biết về nhà anh sợ vợ anh như cọp! Nếu anh không sử dụng tôi thì tôi xin đi đơn vị khác, tôi không chịu được sự xúc phạm quá đáng như vậy”. Đến đây, thấy bộ râu xồm của anh rung rung. Cả phòng họp lặng im. Để tháo gỡ tình hình, đồng chí Trần Văn Trân, Phó tư lệnh, đề nghị mỗi người về vị trí công tác, chờ Bộ Tư lệnh ra lệnh tấn công. Mười lăm phút sau, anh Lê Khắc Cần báo cáo địch có hiện tượng chuẩn bị rút chạy, đề nghị Bộ Tư lệnh cho lệnh tấn công ngay. Tôi liền đưa máy để anh Vũ Lăng nghe và hạ lệnh tấn công. Chỉ 40 phút sau, quân ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ, số đông địch bị diệt và bị bắt, một số ít vượt rào chạy thoát, hoặc bị mìn chết tại chỗ. Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thương vong còn cao. Tối hôm đó, tại hầm tác chiến, tôi trực nắm lại tình hình để sáng mai báo cáo Bộ Tư lệnh. Khoảng 1 giờ sáng, nghe tiếng sột soạt trong giao thông hào, tôi liền hỏi: “Ai đó?”. Có tiếng đáp: “Mình đây! Vũ Lăng đây!”, rồi anh bảo: “Sáng nay có chuyện với cậu, nằm không ngủ được, lại thêm bộ đội tuy đánh thắng, nhưng thương vong còn cao, thương anh em trên đường vào Nam chiến đấu, mới chỉ một trận mà người đã hy sinh, người bị thương, phải quay ra Bắc điều trị, lòng mình như lửa đốt. Mình thật có lỗi với cậu, mình sang để anh em xí xóa cho nhau. Với lại, tiện chiều nay đồng chí Bí thư huyện ủy A Lưới sang chúc mừng thắng lợi, có biếu mình một chai “quốc lủi”, biết cậu “tửu lượng” khá, lại quá vất vả trong trận đánh, mình mang sang tặng cậu và hai anh em cùng “chung ca” để bỏ qua cho mình”. Thấy thái độ chân tình của anh, tôi vội lấy chiếc ca rót đầy cốc và mời anh uống trước. Anh bảo: “Tửu lượng mình kém, chỉ nhấm nháp một tí, còn cậu cạn ca để chúng ta cùng giải tỏa nỗi niềm nhé”. Được thể, tôi làm luôn mấy hơi, gọn cả ca. Anh bắt tay tôi vui vẻ: “Thôi nhé, xong trận này, Sư đoàn tiếp tục vào Tây Nguyên, chúc cậu thành đạt trên chiến trường; mong sao có ngày gặp lại nhau, được ở chiến trường càng tốt”. Chuyện hàn huyên mãi, thấy đã gần sáng, tôi đề nghị anh về nghỉ một lát, tôi tiếp tục tổng hợp báo cáo. Anh đã về hầm chỉ huy mà lòng tôi cứ suy nghĩ mãi. Có lẽ lần đầu tôi thấy một đồng chí cấp trên, tự đến gặp cấp dưới để thừa nhận thiếu sót của mình. Và không ngờ hôm nay, tại Tây Nguyên tôi lại được đón anh vào thời điểm lịch sử của cuộc kháng chiến.
Cùng làm việc bên anh trong thời gian chưa đầy một năm cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng đã để lại trong tôi đầy ắp những kỷ niệm về anh, không chỉ trên lĩnh vực chỉ huy chiến đấu, mà còn trong quan hệ đồng chí, đồng đội đầy tính nhân văn, tình người. Thời gian đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Tây Nguyên 1975 vẻn vẹn chỉ có 75 ngày đêm với 3 lần Bộ Tổng Tư lệnh thay đổi nhiệm vụ, mục tiêu. Cuối cùng chỉ trong 23 ngày đêm, ta đập tan tập đoàn chiến lược trên chiến trường Quân khu 2 ngụy, giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh ven biển Quân khu 5. Nhưng để có 23 ngày đêm đó, anh Vũ Lăng cùng cơ quan Mặt trận và chỉ huy các đơn vị đã lặn lội, trèo đèo vượt suối, băng rừng, tiếp cận các mục tiêu chiến dịch để đánh giá tình hình, lập phương án tác chiến chính xác. Ban ngày đi nghiên cứu, đêm về chong đèn bàn bạc. Điều kiện đi lại, ăn ở trong rừng quá vất vả, sức khỏe cán bộ bị giảm sút. Bản thân anh mới vào chiến trường lạ nước, bị cơn sốt rừng gần như kiệt sức, nhưng anh vẫn theo anh em suốt quá trình đi chuẩn bị chiến trường. Một hôm, sau khi đã hoàn thành trinh sát tuyến trước, cơ quan lui về tuyến sau để nghiên cứu tuyến hậu cần chiến dịch, nơi bảo đảm an toàn cho việc tập kết các chân hàng gạo, đạn, thuốc men, khu kỹ thuật… gần tối trinh sát phát hiện một đàn bò rừng, đề nghị anh cho hạ thủ một con để bồi dưỡng cho anh em. Cân nhắc độ an toàn và tuyệt đối bí mật, anh đồng ý. Tối hạ trại trên một vùng hoang vắng, được bố trí canh phòng cẩn mật, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được một bữa cải thiện cho bõ những ngày vất vả gian khổ. Ăn xong mỗi người còn được nhận một phần làm lương khô để chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Nghĩ bộ phận phía sau luôn ưu tiên cho số anh em đi chuẩn bị chiến trường, ở nhà chỉ có măng rừng, môn thục, anh bảo tôi điện về sở chỉ huy cho tiểu đội vệ binh mang gùi lên để gùi về cho anh em. Anh còn dặn tôi phân phối cho công bằng. Một hôm tổ cơ yếu bắn được một con báo, anh em nấu cao để dành cho các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và một số cán bộ chủ chốt của cơ quan. Anh bảo vào chiến dịch, ai cũng vất vả, quân y nên phân phối theo điều kiện sức khỏe của từng người, không phân biệt trên dưới và anh cũng chỉ nhận một phần như anh em cơ quan.
Những ngày cuối của giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, không khí rất khẩn trương. Cơ quan phải làm việc liên tục 24 giờ trong ngày. Trong vô vàn gian khổ, vất vả, với bao thách thức hiểm nghèo, có lúc tưởng kế hoạch sẽ đổ vỡ, nhưng cuối cùng công tác chuẩn bị đều được hoàn tất, chiến dịch đã diễn ra với một kết quả vượt yêu cầu đề ra, tạo bước đột biến chiến lược cho chiến cuộc mùa xuân 1975, hoàn thành quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
… Năm tháng trôi qua, mọi việc sẽ đi vào quá khứ, song sẽ còn đọng lại mãi trong tôi hình ảnh anh Vũ Lăng-một vị tướng tài năng, đầy cá tính và thật giàu tình người.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 14/8/2008)