Vào giữa tháng 2 năm nay, tôi nhận được một bức thư của Đại đức Thích Nguyên Tú - Ủy viên Thường trực Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm Tùng Thư. Nội dung là Trung tâm mong muốn được dịch bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ của Đại sư Tinh Vân ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Nói về chuyện bản quyền, chỉ cần mạng mạch Phật pháp được truyền bá rộng khắp, “vì tương lai của Phật giáo” thì Đại sư lúc nào cũng đồng ý và rất hoan hỷ.
Nhớ lại vào ngày 01 tháng 04 năm 2000, tạp chí Nhân gian phúc báo xuất bản số đầu tiên và từ đó, mỗi ngày Sư phụ của chúng tôi đều viết một bài văn ngắn để đăng trên tạp chí này. Trải qua bốn năm, Thầy đã viết được 1.124 bài, sau đó tập hợp thành bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ như chúng ta thấy. Những người từng sáng tác văn chương đều biết rằng, mỗi tuần hạ bút viết một bài là khó, mỗi ngày cho ra một bài để đăng tạp chí lại càng không dễ gì, vậy mà chuyện viết lách này chẳng thể làm khó Thầy được.
Đại sư từng tâm sự trong Lời mở đầu của bộ sách như sau: Khi số lượng bài viết ngày một nhiều hơn, việc khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của tôi là đặt tựa cho mỗi bài viết. Cho nên, mỗi khi ngồi đàm đạo với chúng đệ tử và những học sinh khác, tôi thường kêu họ động não suy nghĩ giúp, nhằm đưa ra nhiều đề tài phong phú hơn. Chỉ cần có được ý tưởng, tôi sẽ từ từ suy nghĩ thêm dăm ba phút, lâu thì nửa tiếng là tôi có thể hoàn thành được một bài viết mới. Nội dung những bài này chủ yếu xoay quanh bài học làm người hay triết lý đạo đức của cuộc đời.
Thời gian trôi qua thật nhanh, ánh nắng ban mai vừa ló dạng thì cũng là lúc bóng tà dương dần khuất và thật may mắn thay, khi năm đó tôi được có mặt trong những buổi dạy của Thầy. Năm 2002, Đại sư mở lớp học “Bồi dưỡng về phương pháp quản lý cho chúng đệ tử Phật Quang Sơn” tại chùa Bổn Thê (Phú Sĩ - Nhật Bản), thuộc hệ thống tự viện Phật Quang Sơn toàn cầu, tôi là một học viên của lớp học ấy. Khi đứng lớp, Đại sư dạy chúng tôi cách đặt tựa đề cho những bài viết nhỏ trong bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ, đồng thời Thầy còn cổ vũ, khuyến khích học viên chủ động phát biểu ý kiến, trình bày suy nghĩ của bản thân. Vì muốn phát huy tinh thần tích cực tham gia học tập, Thầy thường mời mọi người đứng lên nói nội dung và ý chính của từng đề tài trên bảng, đồng thời cho học viên viết văn ngay tại chỗ. Mỗi đề tài chúng tôi nêu lên, thì chỉ trong vài phút ngắn ngủi, mạch văn đã tuôn chảy trong dòng tư tưởng của Đại sư, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng dẫn dắt và kết tinh thành những bài viết bất hủ của Thầy. Trong quá trình bồi dưỡng xuyên suốt một tháng, nhờ có được nhân duyên tham gia viết bài trong bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ như thế, chúng tôi đã có thêm rất nhiều kỷ niệm đẹp, cũng như cơ hội tương tác học hỏi lẫn nhau.
Quan niệm về công việc hoằng pháp và sáng tác văn chương, Ân sư luôn luôn chủ trương rằng: “Ngoài là văn học nhưng trong là triết học”. Với nguyện vọng phổ biến tư tưởng “Phật giáo Nhân gian”, Đại sư thường tâm niệm “ngôn ngữ càng dễ hiểu thì được đón nhận càng nhiều”. Làm được như vậy thì Phật pháp mới có thể “đâm chồi nảy lộc” trong đời sống hàng ngày và “ra hoa kết quả” trong trái tim mỗi người.
Bản tính của Đại sư vốn không thích nói những chuyện cao siêu màu nhiệm hay tỏ vẻ huyền bí. Trong từng lời văn ý thơ của Thầy chỉ nói đến đời sống tu tập chân chính theo tinh thần Phật giáo Nhân gian: “Lời Phật giảng dạy, điều chúng sinh cần, tịnh hóa nhân tâm, đạt chân thiện mỹ”. Như trong bài Phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật trái tim có nói: “Người có một trái tim đẹp chính là một bậc mỹ nhân, Hiền nhân, Thánh nhân chân chính. Khi có được trái tim đẹp thì ta sẽ lánh xa ba đường ác, được phúc báo sinh về cõi Trời, Người”. Hay như trong cuốn Chân nghĩa của Từ bi, Đại sư từng viết: “Từ bi chính là đạo đức đến từ việc làm thiết thực chứ Từ bi không phải là chuẩn mực để đi soi xét người khác. Chúng ta cần phải biết, Từ bi không phải cố tỏ vẻ ôn hòa, ngợi khen lấy lòng, mà là phải dùng chày Kim Cương để hàng phục ác ma, đây mới thật sự là Đại từ Đại bi, không phải ai cũng có thể làm được”.
Nhân đây, xin cảm ơn nhóm dịch giả 36 vị gồm quý thầy, cô và các bạn cư sĩ đã miệt mài Việt dịch 12 cuốn Ranh giới giữa mê và ngộ trong vòng ba tháng ngắn ngủi. Được biết, do số lượng chữ Việt khá dày so với bản gốc tiếng Hán, cho nên để tiện cho độc giả, bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ bản Việt ngữ sẽ được chia thành 24 cuốn và lần lượt xuất bản mỗi tháng ba cuốn, đến nay, bộ sách này đã chuẩn bị xuất bản. Với vai trò là thành viên tham dự, đồng thời thấy được tinh thần “Phật giáo Nhân gian” được lan tỏa trên đất nước Việt Nam, từ miền đất xa xôi, Diệu Phàm tôi xin dùng trái tim chân thành cầu nguyện tất cả những độc giả Việt Nam hữu duyên cầm trên tay bộ sách này, sẽ nhờ đó mà thắp sáng được ngọn đèn tự tính trong mình, vượt qua mọi chướng ngại phiền não, hoan hỷ tự tại, từ bi vô ngại!
Viện Nghiên cứu Phật giáo Nhân gian Phật Quang Sơn
Ngày 26 tháng 05 năm 2021
Ni sư Diệu Phàm