Người lắng nghe được là người áp chế được kẻ khác
- Clerks, 1994 -
CƠ CHẾ PHÒNG VỆ (1): SỰ DỒN NÉN
Sự xuất hiện của bộ phim độc lập có kinh phí thấp về hai nhân viên cửa hàng tiện lợi kết hợp với những lời thoại phân tích tâm lí, cho thấy rằng các vấn đề dồn nén tâm lí đã đi vào dòng chảy văn hóa. Thử tìm kiếm cụm từ “bị dồn nén” trên Internet, bạn sẽ thấy nó vô cùng phổ biến, với người Mĩ, phụ nữ phương Tây, những người theo đạo Cơ-đốc giáo, cho đến người Nhật, người Ireland. Khái niệm dồn nén tính dục vốn quen thuộc với hầu hết chúng ta, và là chủ đề lặp đi lặp lại của trong các bộ phim Hollywood, từ Splendor in the Grass (1961) đến American Beauty (1999).
Hầu hết mọi người chỉ nghĩ về sự dồn nén liên quan đến các vấn đề về tính dục, phần lớn là do tầm quan trọng của tính dục trong tư tưởng của Freud, và cách nó được thể hiện trong các cuộc công kích nhằm vào những cấm kị tính dục lâu đời ở thế kỉ XX. Mặc dù chứng quên do dồn nén (repressed memory – theo giả thuyết) có thể phát triển do nhiều loại chấn thương khác nhau, nhưng trong tâm lí đám đông, hội chứng này thường liên quan đến việc bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Hãy thử hỏi bất cứ ai mắc hội chứng dồn nén kí ức xem, câu trả lời của họ rất có thể sẽ liên quan đến vấn đề tính dục.
Tuy nhiên, sự dồn nén có thể giải thích một phạm vi trải nghiệm lớn hơn nhiều. Hầu hết mọi cảm giác đau đớn cùng cực có thể bị dồn nén từ phần ý thức vào phần vô thức, như cảm giác tức giận, tội lỗi hoặc buồn khổ. Sự dồn nén là cơ chế phòng vệ đầu tiên14, chính Sigmund Freud đã phát hiện ra trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình. Đấy là khi ông bỏ qua vấn đề thôi miên, và nhận thấy rằng có một sức mạnh tinh thần ngăn cản con người nhận thức về những xung động hay ý tưởng không thể chấp nhận được, bằng cách đẩy những cảm giác đau đớn đó ra khỏi ý thức.
14 Tham khảo thêm: Isador Henry Coriat, Những cảm xúc bị dồn nén, iBooks & NXB Phụ Nữ, 2019.
Trong một bài báo viết về sự dồn nén, Freud đã mô tả khái niệm này: “Bản chất của sự dồn nén chỉ đơn giản là khi bạn quay lưng với một thứ gì đó, và giữ nó ở một khoảng cách với ý thức.”15 “Thứ gì đó” ở đây có thể coi như một cảm xúc hoặc năng lượng thôi thúc khiến bạn không thể chấp nhận được, nó có thể là một nhận thức về thực tế mà chính bạn không muốn thừa nhận. Trong khi Freud cho rằng động cơ của việc dồn nén cảm xúc đa phần là để trốn tránh xung đột – chẳng hạn như giữa ham muốn tính dục và đạo đức trong mỗi người. Tôi thấy rằng thật sự hữu ích hơn khi nhớ công thức của Donald Meltzer (Chương 1), rằng tất cả các biện pháp phòng vệ (bao gồm cả phản ứng) về cơ bản là dối trá, đó chỉ là cách mà chúng ta tự nhủ với mình khi muốn trốn tránh nỗi đau.
15 Sigmund Freud, S.E. 14.
Vì vậy, khi chúng ta kìm nén một điều gì đó (tức là giữ nó ở một khoảng cách với ý thức), đó là bởi vì chúng ta đang cố gắng né tránh nỗi đau
Trong những năm đầu, Freud đã sử dụng các thuật ngữ phòng vệ hay dồn nén thay thế cho nhau. Đôi khi ông ấy nói về sự dồn nén như một cơ chế phòng vệ riêng biệt. Còn với các nhà tâm lí trị liệu khác, nó dường như là một nguyên tắc cơ bản, nền tảng cho mọi cơ chế phòng vệ: Bất cứ thứ gì đã đi vào địa hạt của vô thức đều được ngăn chặn khỏi ý thức. Ở đây, tôi muốn nói đến một vấn đề nữa của chương này, đó là sự phủ nhận – một trong những cơ chế phòng vệ chính, theo nghĩa nào đó, cũng phụ thuộc vào sự dồn nén.
Freud đã nói rõ ràng rằng sự dồn nén không chỉ xảy ra một lần, đó là một quá trình tiêu hao năng lượng tinh thần liên tục để giữ cho đối tượng bị dồn nén không thể trỗi dậy. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng tìm nhiều cách để dồn nén cảm xúc, khiến chúng không thể thoát ra khỏi vực thẳm nội tâm. Học cách nhận biết các dấu hiệu tinh thần nỗ lực dồn nén cảm xúc là một trong những cách giúp bạn hiểu cách hoạt động của các cơ chế phòng vệ. Tôi sẽ nói kĩ hơn về vấn đề này, đặc biệt là trong Phần III.
Bất cứ ai từng thực hành hoặc trải qua liệu pháp tâm động học đều coi việc dồn nén cảm xúc như một thực tế được chấp nhận trong đời sống. Tuy nhiên, có nhiều nhà khoa học và chuyên gia sức khỏe tâm thần trong các lĩnh vực khác sẽ không tán đồng về sự tồn tại của nó. Hầu hết các cuốn sách self-help, sách tự lực đều không đề cập đến sự dồn nén hoặc vô thức. Trong những tác phẩm đó, sự phát triển tâm lí dường như chủ yếu tập trung vào hành vi và các khuôn mẫu lí trí, nắm vững các kĩ thuật nhận thức - hành vi mới và lặp lại các khẳng định.
Theo quan điểm của tôi, nếu bạn không hiểu cách hoạt động của sự dồn nén, thì bạn khó có thể lớn mạnh và trưởng thành, bởi lẽ bạn không dễ dàng kết nối với tổn thương đang dày vò chính bạn. Ngay cả khi bạn có thể vượt qua một số tâm cảm hay khuôn mẫu lí trí, bạn cũng có thể tạo ra một cách dồn nén không thích hợp khác nhằm ngăn chặn sự dồn nén bên trong. Freud luôn nhấn mạnh rằng chất liệu làm nên vô thức là thứ “không thể phá hủy”. Chỉ vì bạn không thể ý thức được mức độ tức giận của mình với bố, điều đó cũng không có nghĩa là cơn giận đã biến mất. Nó chắc chắn sẽ âm ỉ tồn tại, nó được che đậy bằng những lời châm biếm hay câu đùa tếu táo nào đó.
THÁI ĐỘ THÙ ĐỊCH VÔ THỨC VÀ HÀNH VI GÂY HẤN THỤ ĐỘNG
Một trong những thân chủ của tôi, Olivia là một người vô cùng hoàn hảo. Cô ấy tinh tế, lịch sự, tỉ mỉ, chu đáo với người khác. Cô ấy đăng kí tham gia trị liệu để tìm cách gỡ bỏ cảm giác lo lắng bên trong mình. Cô ấy có một gia đình hạnh phúc, nhưng rõ ràng là khi đồng hành với nhau càng lâu, tôi càng cảm nhận được có một khoảng cách cảm xúc giữa cô ấy và Dan – chồng mình. Mọi lời phàn nàn của Dan về vợ mình đều là cô ấy thật vụng về, động đâu hỏng đấy và thường xuyên làm rơi vỡ đồ.
Giai đoạn đầu làm việc cùng Olivia, tôi thấy cô ấy đang ở trong một cơn giận dữ vô thức. Điều đó là do dư âm lâu dài trong suốt thời thơ ấu với người bố siêu gia trưởng, siêu độc tài của cô ấy. Ông là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, bất cứ ai cũng không thể bày tỏ ý kiến trái ngược hoặc tức giận với ông ấy. Bên cạnh người cha độc tài đó là một người mẹ nghiện rượu, luôn thiếu thốn tình cảm. Trong cuộc hôn nhân của mình, Olivia luôn cảm thấy vô cùng tức giận với chồng một cách vô thức (dù có lí do hay không). Sinh ra trong một gia đình khá đặc biệt, nên cô chưa từng ý thức về việc học cách chịu đựng những cảm xúc đó, cô đã dồn nén nhận thức của mình về chúng. Trong thời gian trị liệu, chúng tôi hiểu rằng “phá phách mọi thứ” là một biểu hiện vô thức cho cơn thịnh nộ dữ dội mà cô ấy thấy là không thể chấp nhận. Điều cô ấy cần là học cách tha thứ từng chút, từng chút một.
Có nhiều người cũng dồn nén sự thù địch bên trong, họ thường biểu lộ nó một cách bí mật hoặc gián tiếp, theo những cách mà họ không nhận ra. Hành vi gây hấn thụ động nắm bắt động lực này, ở đây tôi không nói theo nghĩa chẩn đoán lâm sàng, đây là hành vi hằng ngày mà tất cả chúng ta đều hiểu. Thay vì trực tiếp thể hiện sự tức giận hoặc hành xử hung hăng, một người có thể tạm thời nín nhịn khi làm một việc quan trọng nào đó, hay phàn nàn và ngoan cố không chịu hợp tác, hoặc đơn giản là “quên” làm điều đó. Chúng ta có thể thấy rõ nhất điều này trong mối quan hệ vợ chồng. Họ như một kẻ hiếu chiến thụ động và hoàn toàn không ý thức được cơn giận dữ. Họ đã dồn nén nhạn thức về sự thù địch của chính mình, rồi sau đó nhận ra mình đã biểu lộ nó bằng một cách khác, bí mật hơn.
DỒN NÉN VÀ PHẢN KHÁNG
Freud đã hiểu được sự dồn nén thông qua những kinh nghiệm trị liệu của ông với tình trạng phản kháng ở thân chủ của mình. Trong những ngày đầu trị liệu, khi ông tin rằng việc khôi phục những kí ức đau đớn của thân chủ có thể chữa lành cho họ. Tuy nhiên, ông thấy rằng thân chủ của mình không muốn khôi phục những kí ức đó. Họ có một sự chống đối, sự kháng cự khi ông nỗ lực đưa những kí ức ấy ra ánh sáng. Bởi vậy, Freud khẳng định rằng phải có một thế lực tinh thần nào đó kìm giữ những kí ức đau đớn ấy không tiến nhập vào vùng ý thức. Sự phản kháng của bệnh nhân đối với việc nhớ lại những kí ức ấy chỉ nhằm kìm nén nỗi đau trong họ.
Việc gặp phải sự phản kháng hằng ngày của thân chủ cho thấy sự dồn nén của tôi trong công việc. Điều tôi cần làm là từ giờ tôi sẽ xác định một cách rõ ràng cho thân chủ của mình về những nỗi đau mà họ không muốn đối diện, những cảm giác tủi hổ mà họ không thể chịu đựng. Khi tôi cố gắng giúp họ nhìn nhận nó bằng chính sự đồng cảm và tinh tế của mình, thì họ lại thường phủ nhận những cảm giác ấy, hoặc vờ đồng tình với tôi, và ngay sau đó lại đổi chủ đề. Đôi khi họ cũng nói với tôi rằng tôi đã hoàn toàn sai (và tất nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng nhầm lẫn).
Trong một số ca nghiêm trọng hơn, họ sẽ từ bỏ việc trị liệu nếu tôi tiến đến quá gần đến những cảm xúc bị dồn nén của họ. Tôi đã có một trải nghiệm sâu sắc như thế với một thân chủ. Cô ấy là một người có tuổi thơ bị lạm dụng tâm lí và tình dục. Rõ ràng đây là nỗi đau tinh thần vô cùng lớn. Trong buổi trị liệu, cô ấy truyền đạt nỗi đau đó tới tôi bằng các cử chỉ, hành động phi ngôn ngữ, trong khi bản thân cô ấy dường như không ý thức được trạng thái này. Khi tôi cố gắng hướng cô ấy đến những tổn thương trong vô thức, nhắc cô ấy nhớ về tất cả những lí do khiến cô ấy thấy đau khổ, thì cô ấy chỉ vờ như đồng tình với tôi.
Trong những tuần tiếp theo, cô ấy bắt đầu có những xung đột về lịch trình. Cô ấy nói với tôi rằng cô không thể tiếp tục tham gia buổi trị liệu của tôi, vì có cuộc họp quan trọng vào ngày hôm sau và không muốn bị “phân tâm”. Sau ba buổi như vậy, cô ấy bảo mình không muốn tham gia trị liệu nữa. Tất nhiên, có nhiều cách để lí giải chuyện này. Khi một ai đó chấm dứt hợp đồng mà không một lời giải thích, thì bạn thực sự không thể nào biết được, hoặc chỉ có thể phỏng đoán. Nhưng với tôi, tôi hiểu vì sao thân chủ làm thế, rằng đó chính bởi sức mạnh của sự dồn nén và phản kháng mà tôi cố gắng khơi dậy ở bệnh nhân.
Bạn có thể cảm nhận thấy trong mình có chút kháng cự ngay lúc này. Có phải trong đầu bạn đang xảy ra một cuộc xung đột về việc liệu sự dồn nén có thực sự tồn tại không, hay liệu điều đó có thực quan trọng đến thế không? Có thể bạn tin rằng thân chủ của tôi đã có một lựa chọn sáng suốt khi cô ấy quyết định dừng trị liệu. Bạn cũng có thể muốn “thoát” ra khỏi suy nghĩ ấy bằng cách đặt cuốn sách này xuống, thay vì tiếp tục đọc nó. Chỉ là tôi đang đặt ra vấn đề thôi, mong bạn hãy giữ một tâm trí cởi mở khi đọc các chương tiếp theo.
CƠ CHẾ PHÒNG VỆ (2): SỰ PHỦ NHẬN
Giống như dồn nén, khái niệm sự phủ nhận đã trở thành một cơ chế phòng vệ chủ đạo. Hầu hết mọi người đều hiểu khi ai đó “phủ nhận” một điều gì đó nghĩa là gì. Thuật ngữ này thường xuất hiện trong các chương trình truyền hình và phim Hollywood, hay kể cả Pet Shop Boys – nhóm nhạc pop nổi tiếng Vương quốc Anh trong thập niên 80 - 90, cũng đã sáng tác một bài hát với tiêu đề này, thậm chí chúng ta còn giễu nhại dựa trên sự tương đồng của nó với tên gọi của sông Nile16. Thuật ngữ này hiện nay đã phổ biến đến mức nó bị hạ thấp xuống và gây khó chịu. Nhưng quả thật, sự phủ nhận có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn con người.
Hầu như tất cả các nhà trị liệu tâm lí đều công nhận sự tồn tại của nó, cho dù họ có coi trọng nó trong nghiên cứu và chẩn đoán lâm sàng hay không. Trong lí thuyết về 5 giai đoạn của sự đau buồn, Elisabeth Kübler-Ross17 đã định nghĩa về sự phủ nhận giống như giai đoạn đầu của trải nghiệm đau buồn ấy. Nếu các bạn đã biết chương trình cai nghiện 12 bước của tổ chức Alcoholics Anonymous, các nhà nghiên cứu đã thúc đẩy nhận thức về sự chấp nhận và phủ nhận: Một bước cơ bản để giải quyết chứng nghiện là thừa nhận rằng bạn thực đã nghiện thay vì tiếp tục phủ nhận điều đó.
16 Denial ain’t just a river in Egypt (Sự phủ nhận không chỉ là một dòng sông ở Ai Cập) là câu nói của Mark Twain. Đây là cách chơi chữ trong lối nói ẩn dụ hay nói bóng. The Nile là tên một con sông ở Ai Cập. Trong phát âm Tiếng Anh, The Nile đồng âm với denial. Có nghĩa là một trạng thái phủ nhận, tự bào chữa cho chính mình. Trước mắt của mọi người mình không tự nhìn nhận đó là sự thật, không chấp nhận mình là sai, là xấu...
17 Elisabeth Kübler-Ross (1926- 2004): Bác sĩ tâm thần người Mĩ gốc Thụy Sĩ, người tiên phong trong các nghiên cứu cận tử. Bà là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất thế giới, On Death and Dying (1969), thảo luận về về 5 giai đoạn của sự đau buồn, còn được gọi là Mô hình Kübler-Ross. Định đề rằng những trải nghiệm đau buồn đi qua 5 cảm xúc: từ chối, tức giận, mặc cả, trầm cảm và chấp nhận.
“Bạn đang phủ nhận” là điều mà hầu hết mọi người đều từng gặp phải ở thời điểm hiện tại, hay một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Câu nói này thường ám chỉ việc bạn phủ nhận một sự thật: “Bạn đang phủ nhận chuyện Jane sẽ được thăng chức, không phải bạn.” Hoặc “Anh ấy sẽ không bao giờ bỏ vợ” cũng là bạn đang phủ nhận. Nói một cách đơn giản nhất, có một sự thật tồn tại, một sự thật mâu thuẫn với mong muốn hoặc niềm tin trong bạn, vì vậy bạn phủ nhận điều đó là đúng.
Chúng ta cũng có thể phủ nhận một cảm giác, đặc biệt là nếu chúng ta đã nhận được những thông điệp từ văn hóa ứng xử hay từ cha mẹ rằng những cảm xúc bạn có là không thể chấp nhận được. Nhờ có sự phủ nhận ấy mà bạn có thể che giấu sự tồn tại của những cảm xúc đó với người khác, thậm chí với chính mình. “Tôi không thấy giận vì bạn lại quên sinh nhật của tôi đâu”, hoặc “Không, tôi không đố kị với Envy. Thế nào mới là đố kị?” Trong lần đầu tiên cố gắng giúp cho thân chủ của tôi là Olivia nhận ra sự tức giận vô thức của mình, cô ấy đã nói với tôi rằng tôi đã sai và phủ nhận điều đó suốt một thời gian dài.
Trong học thuyết phân tâm cổ điển của Freud, sự tồn tại của xung đột là động lực thúc đẩy sự phủ nhận (và các cơ chế phòng vệ khác): Một thực tế xung đột với mong cầu trong con người, hoặc một cảm giác xung đột với các giá trị của người đó nên họ phủ nhận nó. Tôi có một người bạn thân, trong suốt quãng đời thiếu niên cho đến thanh xuân những năm 20, anh ấy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở thành người đồng tính. Anh ấy phủ nhận về vấn đề tính dục của mình vì nó mâu thuẫn với đức tin và cả những thông điệp tiêu cực về tính dục đồng giới mà anh đã tiếp nhận trong suốt thời thơ ấu của mình.
Mặc dù vai trò của xung đột trong việc kích thích tâm lí phòng vệ chắc chắn là quan trọng, nhưng tôi tin rằng nỗi đau còn đóng vai trò quan trọng hơn. Như người bạn của tôi, ý tưởng rằng anh ấy có thể bị gay làm anh vô cùng tổn thương và đau đớn, bởi sự xung đột giữa bản năng tính dục và các giá trị tôn giáo mà anh ấy theo đuổi. Đối với Olivia (cũng như mọi người), tức giận là một sự tổn thương. Sự xung đột giữa cơn giận của bản thân và những giá trị gia đình được thừa hưởng, coi cảm xúc tức giận đó là “tồi tệ” và khiến cô tổn thương.
TỪ CHỐI NHẬN THỨC
Bất cứ khi nào bạn phủ nhận, dù cảm giác hay sự thật, là bạn đang phủ nhận nhận thức của chính mình. Nói cách khác, bằng cách sử dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt này, bạn đã phủ nhận những gì mình thực sự hiểu-biết ở một mức nào đó. Do vậy, một cách tự nhiên, bạn tự chia tách nhận thức và phủ nhận một phần của nó. Điều này vẻ như là một quyết định có ý thức, nhưng ngược lại, tất cả các cơ chế phòng vệ đều diễn ra theo một cách vô thức hay nó nằm ngoài nhận thức của bạn. Nếu thực biết mình đang làm gì, chắc chắn cơ chế phòng vệ của bạn sẽ vô hiệu!
Đây là một ví dụ khác. Trong bộ phim Heartburn (Trái tim bùng cháy) năm 1986, ngày nọ Rachel Samstat đến tiệm làm tóc, cô ấy nghe được câu chuyện về một người phụ nữ khác, người này không nhận ra những dấu hiệu cho thấy chồng mình ngoại tình. Bỗng Rachel thở hổn hển với một nhận thức kinh hoàng: Hình như cô ấy cũng đang cố gắng phủ nhận việc anh chồng Mark không chung thủy, nhưng cô lại cố tỏ ra rằng gia đình mình hạnh phúc với mọi người xung quanh. Khi cô ấy nghe câu chuyện của người thợ làm tóc, cơ chế phòng vệ trong cô dường như vụn nát và sự thật đau đớn mà cô cố gắng trốn tránh bắt đầu tràn lấn sang địa hạt của ý thức.
PHỦ NHẬN TRONG TRỊ LIỆU VÀ ĐỜI SỐNG
Các nhà trị liệu tâm lí đối phó với sự phủ nhận theo nhiều cách khác nhau. Các nhà nhận thức - hành vi sẽ tránh đối diện trực tiếp với sự phủ nhận, thay vào đó họ sẽ dạy về hành vi hiệu quả hơn để đối phó với thực tại. Một người nào đó thực hành liệu pháp tâm lí động lực học có thể giải quyết vấn đề này, sau đó xem cách thân chủ phòng vệ và phản kháng lại nhận thức. Ví dụ, tôi có thể nói với một thân chủ rằng, “Ngược với những gì bạn vẫn nói về việc chấp nhận và thừa nhận mẹ mình đã qua đời, tôi nghĩ rằng bạn không thể chịu đựng được việc bạn rất thương nhớ bà ấy.”
Như tôi đã đề cập trước đó, sự dồn nén hoặc phủ nhận không phải là sự kiện chỉ xảy ra một lần. Bởi lẽ những cảm xúc bị dồn nén hoặc phủ nhận luôn muốn thoát ra, đó là một tình trạng không ổn định, luôn đòi hỏi sự liên tục liên tục tiếp diễn. Một kiểu động lực ngầm ẩn liên quan đến việc lặp lại những hành vi trái ngược, như trong ví dụ trên, thân chủ khăng khăng rằng cô ấy đã chấp nhận cái chết của mẹ mình, nhưng sự thật không phải vậy. Sự lặp lại này chỉ xảy ra trong suy nghĩ của mỗi người, như với người bạn của tôi khi anh ấy luôn tự nhủ rằng mình không đồng tính. Hoặc như cách Rachel Samstat làm trong bộ phim Heartburn, cô ấy thường xuyên nói với mọi người rằng mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hơn 400 năm trước, Shakespeare gần như đã hoàn toàn nắm bắt được bí mật này, và cho đến giờ chúng ta vẫn luôn nhắc lại lời thoại kinh điển ấy: “Thưa bà, bà luôn thề thốt quá nhiều” (Hamlet, chương III, cảnh 2).
Giống như các biện pháp phòng vệ khác, phủ nhận có các chức năng thông thường và hữu dụng. Ví dụ, nhiều người trong chúng ta thường phủ nhận thực tế rằng, mình chẳng khác nào những kẻ sống mòn. Nếu thành thật với bản thân, tôi biết mình không hề tin vào điều đó, ít nhất không phải lúc nào cũng vậy. Nếu làm thế, tôi có thể sẽ gặp khó khăn trong đời và trong việc theo đuổi những mục tiêu của mình. Vậy hôm nay tôi đi tập gym thì có ích gì, khi ngày mai cơ thể tôi cuối cùng cũng rã rời và chết đi? Thi thoảng, việc tạm thời phủ nhận giúp bạn đối phó với nỗi mất mát quá sức chịu đựng của mình. Bạn có thể phủ nhận rằng mình cảm thấy vô cùng buồn khổ, vì phải đối mặt với tất thảy nỗi đau bên trong cùng một lúc, những nỗi đau ấy có thể chực tràn, nuốt chửng lấy mình. Và hẳn là bạn sẽ phải nhận thức được sự mất mát ấy từng chút, từng chút một.
TÔI LÀ AI, BẠN LÀ AI (1)
Mỗi chương trong Phần II sẽ bao gồm phần thảo luận về những phương pháp điển hình mà các cơ chế phòng vệ cụ thể có thể dùng để đối phó với những vấn đề tâm lí cốt lõi của con người, gồm:
(a) Các mong cầu và sự phụ thuộc;
(b) Những cảm xúc mãnh liệt;
(c) Lòng tự trọng.
Sau khi có cái nhìn tổng quát về từng cơ chế phòng vệ, tôi sẽ giải thích cách nó vận hành trong từng cơ chế đó, việc dồn nén nhận thức về mong cầu và sự phụ thuộc có thể ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của một người, khi họ phủ nhận cơn giận của mình. Vận dụng những kiến thức về các vấn đề tâm lí cốt lõi, bạn có thể học cách quan sát hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của mình để nhận biết các dấu hiệu, từ đó nhận biết các cơ chế phòng vệ một cách rõ nét hơn.
Không ai cùng lúc sử dụng hết tất cả các cơ chế phòng vệ này. Tôi sẽ liên kết từng cơ chế phòng vệ với các dấu hiệu bên ngoài và quá trình suy nghĩ bên trong, từ đó giúp bạn quyết định liệu có thể dựa vào nó hay không. Đặc biệt, cách bạn dựa vào các cơ chế phòng vệ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn như thế nào. Tôi cũng sẽ thảo luận về cách bạn có thể nhận ra dấu hiệu của các cơ chế này ở nơi làm việc và ở những người khác nữa.
Trong quá trình này, tôi sẽ đề cập đến bài tập từ Chương II và 6 nhóm nhận định đã được đưa ra nhằm giúp bạn xác định vấn đề tâm lí mà mình quan tâm. Nếu bạn không hoàn toàn thấy mình phù hợp với nhóm nào, tôi nghĩ bạn nên quay lại đó và đọc lại một lần nữa, sau đó chúng ta sẽ cùng tiến đến các cơ chế phòng vệ khác.
Một điều cần lưu ý đó là, nếu bạn cảm thấy nhiều cơ chế phù hợp với mình, đừng cho rằng điều đó có nghĩa là bạn đang gặp rắc rối sâu sắc hoặc có vấn đề lớn với những vấn đề này. Mỗi người trong chúng ta đều dựa vào những cơ chế phòng vệ để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đấy cũng không phải một triệu chứng tâm thần gì cả. Nó là điều rất bình thường. Chỉ khi bạn dựa dẫm quá nhiều vào các cơ chế phòng vệ đó thì nó mới trở thành một vấn đề. Và khi việc sử dụng một cơ chế phòng vệ tâm lí nào đó lại khiến bạn thêm đau khổ hơn, thì lúc ấy bạn cần phải, nhìn lại bản thân, hướng nội sâu sắc.
MONG CẦU VÀ SỰ PHỤ THUỘC
Nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn khi phải chịu đựng những mong cầu của chính mình. Thực tế là, chúng ta đều là người trần mắt thịt. Chúng ta cũng phải phụ thuộc vào người khác để đáp ứng những nhu cầu của bản thân, và thường là do trải nghiệm ban đầu của ta về sự phụ thuộc đã gây ra những tổn thương hoặc cảm giác không tin tưởng. Kết quả là, chúng ta có thể dồn nén nhận thức về mong cầu của chính mình, trở nên độc lập và tự chủ cao. Chúng ta có thể phủ nhận những mong cầu hoặc ước muốn bên trong mình.
Nhiều gia đình không khuyến khích việc bày tỏ mong muốn của bản thân và luôn đề cao tính tự lực. Kết quả là, các thành viên trong gia đình học cách phủ nhận các nhu cầu của họ và thường trở nên phụ thuộc, cần được định hướng. Một mặt, khả năng dồn nén nhận thức giúp mọi người theo đuổi các mục tiêu dài hạn mà chưa có nhiều cơ sở thực hiện. Mặt khác, sự dồn nén này cũng có thể khiến người đó trở nên yếu nhược nếu bị tước đi hoàn toàn mọi thứ họ cần. Việc phủ nhận nhu cầu của bản thân và phụ thuộc vào người khác có thể khiến bạn coi thường và đánh giá thấp họ. Do đó, chính bạn sẽ làm hỏng các mối quan hệ của mình.
Nếu bạn có nhiều liên kết tới các nhận định trong Nhóm 1 của Chương 3, bạn có thể dựa vào sự dồn nén để tránh nhận thức về những mong cầu của bản thân. Nếu bạn bè và gia đình dựa vào bạn để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc hay tài chính của họ, và giả sử bạn không bao giờ hướng về người khác theo cách tương tự, thì có thể bạn đang phủ nhận mong muốn của mình. Nếu bạn phát triển mối quan hệ với người dường như luôn cần bạn hơn bạn cần họ, thì hãy chú ý. Đặc biệt nếu bạn cảm thấy không đồng tình hoặc có xu hướng phán xét về những người “cần” bạn quá nhiều.
Như đã thảo luận ở trên, mong muốn bị dồn nén hoặc bị phủ nhận không bao giờ biến mất hoàn toàn, chỉ là nhận thức của bạn về chúng đã bị đẩy vào vô thức. Những mong cầu vô thức này tiếp tục bộc lộ ra ngoài theo những cách tiềm ẩn. Người nghiện công việc không có thời gian cho các mối quan hệ có thể bắt đầu phát triển các triệu chứng sinh lí, cần được chăm sóc y tế. Những người dồn nén nhận thức về mong cầu của họ đối với người khác thường chuyển hướng sang các đối tượng khác như thức ăn, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích. Bản chất của nghiện là người nghiện thường thích dùng một chất mà họ có thể mua hay kiểm soát chúng về mặt lí thuyết, thay vì tiếp xúc với một người không đáng tin cậy.
Nếu bạn gặp vấn đề liên quan đén chuyện ăn uống hoặc chất gây nghiện, có thể bạn đang dồn nén hoặc phủ nhận một mong cầu khác, mong cầu liên quan đến những người xung quanh bạn. Nếu bạn cảm thấy không có hứng thú với tình dục, đụng chạm thân thể, thì gần như chắc chắn bạn đã kìm nén ham muốn của mình. Tương tự như vậy, nếu bạn bận tâm đến những nội dung khiêu dâm, đặc biệt khi bạn có một người bạn đời lãng mạn, bạn có thể đang phủ nhận mong cầu sâu thẳm của bản thân và phụ thuộc vào người khác để thỏa mãn nhu cầu sinh lí trong bạn – bạn có thể thủ dâm! Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với mọi người, có thể bạn thấy sự thiếu thốn của bản thân là không thể chấp nhận được. Những người nói với bản thân rằng họ không cần bạn bè, các mối quan hệ thân mật hoặc tình dục đều là đang phủ nhận.
NHỮNG CẢM XÚC MÃNH LIỆT
Nếu bạn dựa vào sự dồn nén hoặc phủ nhận để đối phó với những cảm xúc dữ dội bên trong, thì bạn có thể loại trừ những cảm xúc đó khỏi nhận thức, và tự xem mình như một người điềm tĩnh, không dễ nổi cáu. Bạn luôn ở trong trạng thái “cân bằng” như vậy, không quá dữ dội, không quá ồn ào. Những người dồn nén cảm xúc thường có xu hướng ngăn chặn tất cả những gì họ cảm nhận, chứ không chỉ một vài trong số ấy.
Nếu cuộc sống của bạn có vẻ “bằng phẳng” hoặc bạn thường xuyên cảm thấy buồn chán (nghĩa là, nếu bạn đồng nhất với những nhận định trong Nhóm 3), thì có thể bạn đang dồn nén cảm xúc của mình đấy. Nếu bạn tiếp cận cuộc sống theo cách lí trí và không có chỗ cho cảm xúc, hãy thử hỏi mình xem tất cả cảm xúc bạn có đã đi đâu. Bởi cảm xúc là nguồn sống cho tất thảy mọi mối quan hệ trên đời, giữa các cá nhân với nhau. Bạn có thể cảm thấy lạc lõng hoặc cô độc giữa những người mình quen, cho dù là bạn bè, đồng nghiệp, hay người yêu nếu như trong bạn không còn chút cảm xúc nào với họ.
Một trong những cảm xúc phổ biến nhất mà mọi người thường phủ nhận là tức giận. Như những gì chúng ta đã nói trong Chương III, sự thất vọng, tức giận, cơn thịnh nộ và đôi khi là sự thù ghét là những phần không thể tránh khỏi trong một mối quan hệ. Nó xuất hiện trong mọi mối quan hệ, không khi này thì khi khác. Nếu bạn không bao giờ tức giận, ngay cả khi có những tình huống mà bạn thấy mình rõ ràng có thể nổi giận với người khác, bạn có thể đang phủ nhận điều đó. Nếu ở trong một tình huống mà bạn biết mình cần phải giải quyết nó ngay lập tức nhưng bạn cố tránh đi, có thể do ai đó lợi dụng bạn hoặc khiến bạn thất vọng, thì có thể hiểu rằng bạn đang sợ hãi cơn tức giận của chính mình và liên tục phủ nhận nó.
Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi biết hầu hết các gia đình không khuyến khích sự tức giận. Nó có thể là một cảm xúc mang tính hủy hoại, đặc biệt khi cơn giận dữ biểu hiện thành các hành vi bạo lực. Tuy nhiên, nó cũng có giá trị, có tác dụng khi bạn có lí do chính đáng để tức giận, như khi bị bạn bè hoặc đồng nghiệp đối xử bất công, hoặc nếu ai đó cố tình làm tổn thương bạn. Sự tức giận có thể thúc đẩy bạn tự thoát ra khỏi những mối quan hệ tiêu cực và thực hiện một số thay đổi cần thiết trong cuộc sống. Sự giận dữ giúp bạn chống lại sự bất công, dù ở nhà, công sở, hay trong phạm vi xã hội rộng lớn hơn.
Một cảm xúc khác mà mọi người có xu hướng muốn dồn nén, đó là sự đau buồn sâu sắc hoặc khổ sở vì mất mát. Theo tiến trình phát triển của con người, rõ ràng rằng không có ai lại khuyến khích việc triền miên chìm trong đau khổ. Nhiều người coi nước mắt là dấu hiệu của sự yếu đuối và bạc nhược. Nếu bạn là người nhanh chóng đứng dậy sau tổn thương, chẳng hạn như khi kết thúc một mối quan hệ hoặc khi mất đi một người bạn, bạn có thể cũng đang dồn nén sự đau buồn trong mình. Còn nếu bạn là kiểu có thể nói với người khác rằng, “nước mắt chẳng có tác dụng gì”, thì có thể bạn đang phủ nhận cảm giác mất mát và tổn thương trong lòng.
LÒNG TỰ TRỌNG
Trải nghiệm bị tổn thương về mặt tình cảm, hay một cảm giác dằn vặt xấu hổ, theo một cách nào đó, có thể là nỗi đau khiến bạn muốn dồn nén hoặc phủ nhận nhận thức. Thay vào đó, bạn có thể tập trung vào những việc cần làm cho bản thân hay cho cuộc sống của mình, như thể mọi thứ vẫn đang diễn ra “bình thường”, thậm chí là vượt trội hơn như dựng lên một vỏ bọc để che đi cái tôi đang tổn thương. Nếu bạn thấy mình quá chú ý đến vẻ ngoài, muốn được người khác thừa nhận, hoặc có lẽ bạn muốn cho thế giới thấy rằng bạn đã có tất cả, thì có thể bạn thuộc về Nhóm 5: Bạn đang dồn nén về những cảm giác tự ti trong mình.
Những người phủ nhận cảm giác tổn thương hoặc khiếm khuyết của bản thân thường nảy sinh cảm giác có ý thức về sự vượt trội, sự phô trương và đòi hỏi được người khác ngưỡng mộ. Họ có thể cảm thấy khinh thường những người bị coi dưới trướng và khó duy trì các mối quan hệ sâu sắc. Bởi lẽ, họ đã dồn nén sự tự ti trong mình và sợ hãi khi ai đó chạm vào sự tự ti ấy. Họ cũng rất khó thừa nhận sai lầm của bản thân, thay vào đó, họ thường tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thường xuyên đổ lỗi sẽ gây ra căng thẳng, xích mích và đổ vỡ trong các mối quan hệ. Người bị đổ lỗi luôn muốn thoát khỏi mối quan hệ với họ. Do vậy, bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người thân xung quanh khi bị đổ lỗi thường sẽ muốn giữ khoảng cách với người đó.
Mỗi một đặc điểm – lòng tự ái, sự khinh thường hay đổ lỗi đều là một cơ chế phòng vệ tâm lí theo đúng nghĩa của nó, và tôi sẽ thảo luận kĩ hơn về chúng trong Chương XI - Phòng vệ chống lại sự xấu hổ.
Bài luyện tập số 4:
“TÔI ĐANG DỒN NÉN, TÔI MUỐN PHỦ NHẬN”
Nếu bạn đã xác định được rõ các tâm lí cảm xúc trong Nhóm 2, 4, 6, thì sự dồn nén và phủ nhận không xuất hiện trong các phương thức phòng vệ mạnh nhất của bạn. Do đó, bài luyện này có thể không làm bạn hứng thú. Nhưng hãy cố gắng theo dõi nó, bởi đây là tiền đề để bạn làm quen và tiếp cận với các cơ chế phòng vệ ở các chương tiếp theo.
Bước 1: Để xác định xem liệu sự dồn nén và phủ nhận có đóng vai trò quá lớn trong tâm lí của bạn hay không, hãy xem có bao nhiêu nhận định dưới đây phù hợp với bạn:
• Tôi đã trải qua một biến cố lớn (chấm dứt một mối quan hệ hoặc mất đi bạn bè) và thường tôi chẳng nhớ gì về chuyện đó;
• Tôi đã bị xúc phạm nặng nề mà không phản ứng lại;
• Cuối cùng tôi đã đạt được mục tiêu của mình, nhưng nó không khiến tôi hài lòng như mong đợi;
• Có vẻ như hầu hết người khác đều có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với các sự kiện trong đời hơn là tôi.
Những người có nỗi sợ đặc biệt với các cảm xúc mãnh liệt này có thể phủ nhận cảm xúc của họ. Tuy vậy, họ cũng có xu hướng dồn nén tất thảy cảm xúc của mình. Nếu đôi khi bạn cảm thấy như thể mình chưa sống hết mình, ít gắn kết cảm xúc trong công việc hoặc các mối quan hệ, thì rất có thể bạn đang trong trạng thái dồn nén.
Bước 2: Nếu bạn xác định được mình nằm trong những nhận định ở Bước 1, hãy tham gia vào những trải nghiệm khác biệt với thói quen thông thường của bạn, hay những hoạt động mà bạn không quen. Bạn có thể đến một câu lạc bộ mới, nghe loại nhạc mà bạn chưa từng nghe, trượt patin hoặc lái xe đến một nơi nào đó của thị trấn, đi dạo dọc những con phố bạn chưa từng đặt chân tới. (Tất nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn không gặp nguy hiểm khi đến những nơi như thế). Hay nói chuyện với một người xa lạ nào đó chẳng hạn.
• Bạn có cảm thấy bên trong mình lực cản nào đó đang ngăn bạn bước ra khỏi thói quen của mình không?
• Trải nghiệm đó khuấy động cảm xúc gì trong bạn?
• Bạn có nhận thấy mình đang cố gắng chấm dứt hoặc gạt đi những cảm xúc ấy không? Quá trình đó diễn ra như thế nào?
• Trải nghiệm này có làm bạn cảm thấy tổn thương hay không?
Người chủ yếu dựa vào sự dồn nén hoặc phủ nhận cảm xúc để chống lại những xúc cảm bên trong, thường sẽ sắp xếp cuộc sống của họ theo cách nhằm tránh những tình huống khuấy động các cảm xúc ấy, đặc biệt là họ tạo ra những thói quen nghiêm ngặt và cứng nhắc. Khi thử thách bản thân để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra sự phản kháng bên trong mình.
Bước 3: Hãy xem xét lại các mối quan hệ trong quá khứ của bạn như yêu đương, công việc, bạn bè, để xem liệu có ai dựa dẫm vào bạn nhiều hoặc bạn dựa vào họ nhiều. Nếu có như thế, có thể bạn đang phủ nhận về những mong cầu của chính mình.
Bước 4: Nếu bạn xác định được mình đúng với Bước 3, hãy thử đề nghị bạn bè, đồng nghiệp và người thân giúp đỡ. Nó có thể là một việc làm rất nhỏ, nhưng khi bạn ngỏ lời, hãy dùng những cụm từ như: “Tôi, em, con, tớ cần giúp đỡ.” Bạn có thể sẽ phải đấu tranh nội tâm vì sự phản kháng bên trong mình và tất cả những lí do bạn viện ra để trốn tránh những nhu cầu đó. Hãy quan sát và lắng nghe bản thân tại thời điểm đưa ra yêu cầu trợ giúp, để xem thực sự bạn cảm nhận thấy gì. Nếu bạn càng thấy khó chịu thì càng có khả năng: Bạn đang dồn nén mong cầu thật của mình.
Bước 5: Là một phần tiếp nối trong Bài luyện tập số 3, bạn hãy nghĩ về một trường hợp mà bạn cảm thấy xấu hổ hoặc bị sỉ nhục. Bạn có thể nhớ ra chuyện gì không? Nếu không thể đưa ra một ví dụ nào thì hẳn là sự dồn nén cảm xúc mãnh liệt bên trong bạn đã phát huy tác dụng, bởi lẽ tất cả mọi người đều sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc tự ti tại một thời điểm nào đó.
Bước 6: Hãy quan sát kĩ hành vi của mình và những gì mọi người nhận xét về bạn:
• Bạn có thường thấy mình nóng nảy hay trong trạng thái dồn nén cảm xúc, khi ai đó, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc người thân nhận lỗi trước bạn không?
• Có ai từng nói với bạn rằng bạn từ chối nhận trách nhiệm với sai lầm của mình và có xu hướng đổ lỗi cho người khác không?
• Bạn bè và người thân có bao giờ từng nói: “Bạn không thể chịu nhục trước những lời chỉ trích” không?
• Có lúc nào bạn thấy mình vượt trội hoặc trên cơ người khác, đặc biệt là những người kém thế hơn bạn, hoặc gặp vướng mắc trong chuyện tình cảm?
Nếu câu trả lời của bạn là có cho một trong số những câu hỏi ở trên thì có khả năng bạn đang vật lộn với những vấn đề về sự tự ti, nhưng lại cố gắng ru ngủ nhận thức của mình về sự thật đó.
Những bài tập đơn giản này lẽ ra phải giúp bạn nhận ra vai trò của sự dồn nén và phủ nhận trong cuộc sống của bạn. Mọi người đều dựa vào sự dồn nén hoặc phủ nhận ở một mức nào đó. Nếu bạn quá phụ thuộc vào nó, bạn có thể thấy đời sống cảm xúc, tình cảm của mình bị bó hẹp và ít có những mối quan hệ sâu sắc. Việc thực hiện những bài luyện này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những gì nằm sâu bên trong lớp “phòng vệ” của mình.
Tôi cũng đã giới thiệu một chiến lược sẽ được sử dụng xuyên suốt Phần II này. Như cách tôi làm với Bước luyện tập 2 và 4 ở trên, tôi mong bạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để bộc lộ và thách thức lớp phòng vệ cảm xúc của bạn. Chúng ta sẽ nói kĩ hơn về điều này trong Chương 13 về những diễn hóa của tâm lí khi ta chọn làm điều gì đó khác với thói quen của mình. Cơ chế phòng vệ là thói quen tinh thần được xây bồi sẵn. Để phá vỡ lớp phòng vệ đó, bạn cần phải làm những điều mà bạn không thể làm.
Phương pháp này sẽ là trọng tâm của chương cuối cùng. Tuy nhiên, trong các chương tiếp theo, tôi sẽ đưa ra những cách để giúp bạn có thể thử thách trạng thái tinh thần của chính mình.