Tình dục cũng thiêng liêng như samadhi1. Cái thấp nhất và cái cao nhất cùng là bộ phận của một thể liên tục. Bậc thấp nhất cũng là một bộ phận của chiếc thang giống như bậc cao nhất; chúng không bị phân chia ở đâu hết. Nếu bạn từ chối cái thấp hơn, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt đến cái cao hơn.
Tình dục chẳng có gì là tội lỗi, nó là sự sống của bạn. Nó là nơi bạn đang ở – làm sao bạn có thể tránh nó được? Nếu bạn tránh nó, bạn sẽ là giả, không thật. Nếu bạn tránh nó hoặc đàn áp nó, bạn sẽ không thể dịch chuyển lên trên bởi vì năng lượng của bạn sẽ bị đàn áp thông qua nó.
Khi tính dục của bạn bắt đầu dịch chuyển, đó là một tín hiệu tốt. Nó cho thấy rằng bạn đã được liên lạc, rằng điều gì đó đã khuấy động bên trong bạn, rằng điều gì đó đã chuyển động bên trong bạn: Bạn không còn là cái vũng tù đọng – bạn đã bắt đầu tuôn chảy về phía đại dương.
1 Trạng thái thiền định. (Các chú thích trong sách đều của Ban biên tập tiếng Việt)
Chắc chắn, đại dương ở mãi xa xôi. Nó sẽ ở điểm cuối cùng. Nhưng nếu bạn không cho vũng bùn nhỏ bé này tuôn chảy, bạn sẽ không bao giờ tới đại dương. Tôi biết nó lầy lội, nhưng bạn phải chấp nhận. Bạn phải bắt đầu tuôn chảy!
Con rắn và vị cứu tinh không phải là hai – họ là một. Trên thực tế, có một truyền thống cổ xưa nói rằng sau khi Thượng Đế tạo ra Adam và Eve1 rồi bảo họ không nên ăn quả của cây Tri Thức thì Thượng Đế đã biến thành con rắn. Ông cuộn mình quanh cái cây và dụ dỗ Eve ăn quả của cây. Chính Thượng Đế đã biến thành con rắn!
Tôi thích câu chuyện này. Vài người Thiên Chúa giáo sẽ bị sốc. Nhưng chỉ Thượng Đế mới có thể làm điều này thôi – chứ không ai khác. Con rắn đến từ đâu?
1 Theo Kinh Thánh, Adam và Eve là người đàn ông và người đàn bà đầu tiên được Thượng Đế tạo ra. Ông cấm họ ăn quả của cây Tri Thức nhưng con rắn đã dụ dỗ Eve ăn và sau đó Eve đã cho Adam ăn.
Không có sự giúp đỡ của Thượng Đế, làm sao con rắn có thể khiến Eve nghe theo? Trên thực tế, toàn bộ câu chuyện đã được quyết định từ trước: Thượng Đế muốn con người lạc lối, bởi vì chỉ bằng việc lạc lối con người mới trưởng thành. Thượng Đế muốn con người phạm tội, bởi vì chỉ thông qua lầm lỗi, một ngày nào đó, con người mới đạt được quả vị thánh. Không có con đường nào khác.
Đó là lí do Thượng Đế nói: “Đừng ăn quả của cây này!” Đây là tâm lí học đơn giản. Nếu điều mà người Thiên Chúa giáo nói là đúng thì Thượng Đế là một nhà tâm lí học còn hơn cả Sigmund Freud1. Đây là tâm lí học đơn giản, nếu bạn ngăn cấm ai làm điều gì thì nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Nếu bạn nói: “Đừng làm việc này!”, bạn có thể chắc chắn rằng người ta sẽ làm. Mọi bậc phụ huynh biết điều này, và Thượng Đế là bậc phụ huynh tối thượng. Ông mà không biết ư?
Ở phương Đông, con rắn chưa bao giờ phục vụ cho Quỷ Dữ; nó luôn luôn phục vụ cho Thượng Đế.
1 Nhà tâm lý học vĩ đại, cha đẻ của Phân tâm học.
Có một câu chuyện như sau:
Freud đi chơi công viên cùng vợ con, và họ rảo bước trong buổi tối mùa xuân tươi đẹp. Họ đang không để ý đến đứa bé thì đột ngột đã đến giờ đóng cửa. Chuông rung lên và mọi người phải rời đi. Vợ Freud nói: “Nhưng con chúng ta đâu rồi? Nó đã biến mất!” Và đó là một công viên lớn.
Freud nói: “Nói anh nghe: Em có cấm nó đi đến chỗ nào không?”
Và cô ấy nói: “Có, em bảo nó không được lại gần đài phun nước.”
Thế rồi ông bảo: “Đi thôi. Nếu anh đoán đúng, nó sẽ ở chỗ đài phun nước.” Và đứa bé được tìm thấy ở đài phun nước.
Người vợ ngớ người ra, cô hỏi: “Làm sao anh biết được?”
Freud đáp: “Đây là tâm lí học đơn giản. Mọi phụ huynh đều phải biết.”
Không, tôi không thể tin cậy sự diễn dịch của người Thiên Chúa giáo khi nó khiến cho Thượng Đế có vẻ rất dại dột. Ông ấy hẳn đã trù tính, biết hoàn toàn rõ rằng nếu cấm Adam ăn – nếu bảo, ra lệnh, yêu cầu anh ta: “Không bao giờ được chạm vào quả của cây đó!” – thì chắc chắn anh ta sẽ ăn nó.
Nhưng Adam là con người đầu tiên và vẫn chưa nhận thức được cách thức của con người. Anh ta là đứa trẻ đầu tiên và có lẽ là một đứa trẻ biết vâng lời. Cũng có những người biết vâng lời. Cho nên Thượng Đế hẳn đã chờ đợi trong vài ngày và Adam đã không đi đến cái cây.
Giờ đây Thượng Đế hẳn đã quyết định biến thành một con rắn và thử sử dụng người đàn bà, bởi vì khi bạn không thể lay chuyển người đàn ông, cách đúng đắn luôn luôn là sử dụng người đàn bà. Ông ấy hẳn đã thử sử dụng người đàn bà, ông ấy hẳn đã nói chuyện với Eve. Và ông đã thành công!
Đó là lí do tại sao tôi nói con rắn và vị cứu tinh là một.
Ở phương Đông, con rắn chưa bao giờ phục vụ cho Quỷ Dữ; nó luôn luôn phục vụ cho Thượng Đế. Ở phương Đông, đây là nghệ thuật tượng trưng: Con rắn ở bên trong bạn, cuộn mình ở trung tâm tình dục của bạn. Nó được gọi là kundalini – rắn cuộn mình. Nó ở đó – đang ngủ – ở cấp độ thấp nhất, gốc rễ. Cây sự sống là xương sống của bạn – nó nắm giữ sự sống của bạn, nó là thân cây của bạn. Nó nuôi dưỡng bạn, năng lượng của bạn chạy qua nó, và con rắn nằm đó ở gốc cây.
Khi điều gì đó khuấy động bạn, nó cũng khuấy động con rắn, bởi vì đó là nơi năng lượng của bạn hiện hữu. Cho nên khi nó xảy ra, đừng lo lắng, đừng cảm thấy tội lỗi. Đừng bao giờ cảm thấy tội lỗi vì bất cứ điều gì! Tất cả những điều xảy ra đều tốt. Điều xấu không xảy ra và không thể xảy ra – thế giới tràn ngập tính thần thánh, làm sao điều xấu có thể xảy ra được? Điều xấu hẳn chỉ là sự diễn dịch của chúng ta.
Tình dục và siêu ý thức cùng là một năng lượng. Con rắn và vị cứu tinh không phải là hai. Có sự liên kết giữa cái thấp nhất và cái cao nhất. Có một chuỗi dẫn dắt từ cái này tới cái kia – con đường của sự sống, con đường của tình yêu, nó tự nhiên và tất nhiên giống như cách một cái cây lớn lên.
Bạn đã bao giờ quan sát một cái cây lớn lên chưa – nó dò dẫm và phát triển như thế nào – nó tuân theo phương thức gì? Từ hạt giống đâm chồi, và rồi dần dần, chậm rãi, nó bắt đầu mọc lên. Nó tới từ sâu bên trong lòng đất, và rồi bắt đầu vươn cao lên bầu trời, từ rễ đến thân, cành, lá, hoa, quả... Đây cũng là điều xảy ra với cây cuộc sống của bạn.
Không có sự phân biệt giữa cái thiêng liêng và cái trần tục.
Không có phân chia giữa tình yêu thần thánh với tình yêu của con người. Nó là một sự tiếp diễn. Tình yêu của bạn và tình yêu thần thánh là hai đầu của cùng một hiện tượng, cùng một năng lượng. Tình yêu của bạn quá lầy bùn, đúng vậy – pha tạp đầy những thứ khác như thù ghét, giận dữ, ghen tị và chiếm hữu – đúng vậy. Nhưng nó vẫn là vàng – trộn lẫn với bùn – nhưng nó vẫn là vàng. Bạn phải đi qua lửa, tất cả những gì không phải vàng sẽ ra đi và chỉ vàng còn lại.
Hãy chấp nhận chính mình, bởi vì chỉ qua chấp nhận thì mới có thể chuyển hóa. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi, bạn sẽ bắt đầu kìm nén.
Tại các ngôi đền Khajuraho và Konarak ở Ấn Độ, bạn sẽ thấy điều tôi đang nói. Đây là những ngôi đền Tantra, những ngôi đền linh thiêng nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Tất cả những đền thờ khác đều bình thường.
Chỉ có Khajuraho và Konarak, hai ngôi đền này, có một thông điệp không bình thường mà phi thường – phi thường bởi vì nó là đích thực.
Thông điệp của chúng là gì?
Nếu bạn đã đến những ngôi đền này, bạn sẽ thấy trên những bức tường ngập nắng ở bên ngoài tất cả các kiểu tư thế sinh hoạt tình dục – đàn ông và đàn bà làm tình ở đủ mọi tư thế, cả có thể hiểu được lẫn không thể hiểu được, cả có thể thực hiện lẫn không thể thực hiện. Những bức tường tràn ngập tính dục. Bạn có thể bị sốc. Bạn bắt đầu nghĩ: “Tục tĩu quá!” Bạn muốn lên án nó, bạn muốn nhìn xuống đất. Bạn muốn trốn. Nhưng đó không phải tại ngôi đền, nó là bởi các tu sĩ và độc dược của họ bên trong bạn.
Khi tình dục được chấp nhận một cách tự nhiên, nó bắt đầu phát triển cao hơn.
Hãy đi vào trong. Khi bạn di chuyển vào bên trong ngôi đền, những hình người ngày càng ít đi, và phẩm chất của tình yêu bắt đầu thay đổi. Trên những bức tường bên ngoài là hoạt động tình dục thuần túy; khi bạn bước vào trong, bạn sẽ thấy rằng tình dục đang biến mất. Các cặp đôi vẫn ở đó – yêu nhau sâu sắc, nhìn vào mắt nhau, tay nắm tay, ôm lấy nhau – nhưng hoạt động tình dục không còn nữa. Tiếp tục đi sâu hơn – những hình người thậm chí càng ít hơn. Các cặp đôi ở đó, nhưng họ thậm chí không nắm tay, không chạm vào nhau. Đi sâu hơn nữa và các cặp đôi biến mất. Tiếp tục đi sâu hơn nữa...
Trong cùng của ngôi đền, cái ở phương Đông được gọi là garbha, tử cung – không có một hình người nào. Đám đông đã ra đi; số nhiều đã ra đi. Thậm chí không có cửa sổ nào hướng ra phía ngoài. Không có ánh sáng bên ngoài; chỉ hoàn toàn là bóng tối, im lặng, tĩnh mịch, yên bình. Thậm chí không có hình ảnh của thần linh – nó là sự trống rỗng, nó là hư không.
Trong cùng là hư không, và ngoài cùng là lễ hội. Trong cùng là thiền định, samadhi, và ngoài cùng là tính dục. Đây là toàn thể cuộc sống nhân loại được miêu tả lại. Nhưng nhớ rằng: Nếu bạn phá hủy những bức tường bên ngoài, bạn cũng sẽ phá hủy điện thờ bên trong, bởi vì im lặng và bóng tối tận cùng không thể tồn tại nếu thiếu những bức tường bên ngoài. Trung tâm của cơn lốc không thể tồn tại mà không có cơn lốc. Tâm điểm không thể tồn tại nếu thiếu chu vi. Chúng hiện hữu cùng nhau!
Cuộc sống ngoài cùng của bạn đầy ắp tính dục – hoàn toàn tốt và hoàn toàn đẹp đẽ! Khajuraho chỉ đơn giản là mô tả bạn. Nó là câu chuyện của con người được khắc trên đá; nó là vũ điệu của con người được khắc trên đá – từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất của chiếc thang, từ nhiều người đến một người, từ tình yêu đến thiền định, từ người khác đến sự trống rỗng và đơn độc của chính mình.
Những người tạo ra các ngôi đền này thật can đảm. Điểm tĩnh lặng được biểu hiện cùng với thế giới đang xoay vần.
Con đường của Tantra không phải nhục dục mù quáng cũng không chỉ là tâm linh. Nó là cả hai đồng thời. Tantra không ủng hộ triết lí “hoặc”, nó ủng hộ triết lí “và”. Nó không khước từ điều gì – nó chuyển hóa mọi thứ.
Chỉ có những kẻ nhát gan mới khước từ. Khi bạn từ chối điều gì đó, bạn sẽ nghèo túng hơn nhiều, bởi vì nó sẽ không được chuyển hóa. Một phần của bạn sẽ vẫn chưa trưởng thành, một phần của bạn sẽ vẫn là trẻ con. Sự trưởng thành của bạn sẽ không bao giờ hoàn thiện. Nó như thể một chân của bạn vẫn còn ở bậc thang đầu tiên còn tay bạn đã với tới bậc cuối cùng; bạn sẽ bị kéo căng theo sự phân cực này và bạn sẽ ở trong thống khổ, đau đớn; cuộc đời bạn sẽ không là cực lạc.
Đó là lí do tại sao tôi thuyết giảng Epicurus1 và Đức Phật cùng nhau. Epicurus vẫn còn ở bức tường bên ngoài của đền Khajuraho: Ông ấy là đúng cho đến chỗ ông ấy đi được tới, nhưng ông ấy chưa đi đủ xa. Ông ấy chỉ bước vòng quanh ngôi đền rồi về nhà. Ông ấy không nhận thức được rằng mình đã bỏ lỡ điểm quan trọng nhất của ngôi đền. Những bức tường bên ngoài đó chỉ là tường bên ngoài, chúng tồn tại để bổ trợ cho điện thờ bên trong.
Đức Phật đi vào điện thờ bên trong và ngồi ở đó. Ông ở lại trong sự im lặng đó, nhưng ông quên mất bức tường bên ngoài. Và thiếu bức tường bên ngoài thì không có điện thờ bên trong.
Với tôi, cả hai đều thiên lệch. Điều gì đó đã bị khước từ và điều gì đó đã được lựa chọn – họ chưa phải là không chọn lựa. Còn tôi nói hãy chấp nhận tất cả – cái bên ngoài lẫn cái bên trong – và bạn sẽ là người giàu có nhất quả đất.
Tantra là con đường của sự trọn vẹn – không bị ám ảnh với thế giới, cũng không rút ra khỏi thế giới.
1 Triết gia Hy Lạp cổ đại.
Nó là ở trong thế giới một cách thanh thản, với nụ cười nhẹ nhàng. Nó là chơi đùa. Nó là không làm mọi thứ thành nghiêm trọng. Nó là ánh sáng của trái tim, nó cười to. Nó trần tục một cách không ngượng ngùng mà lại thoát tục vô hạn. Đất và trời gặp gỡ trong Tantra, nó là cuộc gặp của những cực đối lập.
Nếu bạn đến Khajuraho, bạn sẽ thấy nó: Trên khuôn mặt mỗi người tình được chạm trổ trên những bức tường bên ngoài có cực lạc lớn lao. Nhiều người đi tới Khajuraho và Konarak nhưng họ chỉ nhìn vào nửa dưới của những hình người này: Họ tập trung vào cơ quan sinh dục. Ít người có thể nhìn toàn bộ. Và hiếm người có thể thấy gương mặt của những hình người, bởi vì con người bị ám ảnh với tính dục – ủng hộ hoặc chống đối – đến mức họ vẫn bị giới hạn ở nửa thân dưới.
Nếu bạn đi xem Khajuraho, đừng bỏ lỡ gương mặt những người tình – chúng biểu lộ thông điệp thực sự. Những khuôn mặt phúc lạc, thanh thản, thiền định tới mức bạn sẽ không tìm thấy những khuôn mặt như thế được chạm trổ ở bất cứ nơi nào khác. Cực lạc vĩ đại làm sao! Thậm chí đá đã nở hoa trên những khuôn mặt đó; những khuôn mặt đó đã chuyển hóa đá thành hoa hồng, hoa sen.
Nhìn những khuôn mặt đó bạn sẽ có thể thấy rằng những người tình này không còn là một phần của thời gian và không gian, họ đã đi xa hơn.
Những hình người đang hoạt động tình dục, nhưng họ không bị ám ảnh bởi tình dục – không ủng hộ cũng không chống lại. Cả hai đều là ám ảnh – ủng hộ hay chống lại nghĩa là những điều đó không còn là tự nhiên. Khi mọi thứ tự nhiên, bạn không ủng hộ cũng không chống đối.
Bạn có ủng hộ hay chống lại ngủ không? Nếu bạn ủng hộ, bạn đã trở nên không tự nhiên; nếu bạn chống lại, bạn đã trở nên không tự nhiên. Bạn không thể ủng hộ hay chống lại, nó là một điều tự nhiên – tình dục cũng vậy. Khi tình dục được chấp nhận một cách tự nhiên, nó bắt đầu phát triển cao hơn. Thế rồi một ngày, nụ trở thành hoa một cách tự nhiên. Bạn không phải làm gì cả – chỉ cần để năng lượng dịch chuyển, để nhựa sống tuôn chảy, và nụ sẽ trở thành hoa.
Những khuôn mặt ở Khajuraho hoàn toàn thoải mái trong trạng thái buông bỏ. Họ đang ở trong thế giới, nhưng không thuộc về nó. Họ đang không làm gì sai, họ chỉ như những đứa trẻ nhỏ đang chơi trên bãi biển. Họ vui đùa. Nhưng những người bị ám ảnh tình dục rất chống lại Khajuraho. Mahatma Gandhi1 muốn che đậy nó bằng đất để sao cho lâu lâu một lần, khi có một vị khách đặc biệt nào đó đến từ nước ngoài, nó mới được mở ra cho người đó. Ông ấy nghĩ nó nên bị đóng cửa đối với người bình thường.
Bây giờ, nếu Mahatma Gandhi đi tới xem Khajuraho, tôi không nghĩ ông ấy sẽ có thể nhìn gương mặt của những hình người; tôi không nghĩ ông ấy sẽ có thể đi vào bên trong ngôi đền – cái bên ngoài đủ để ngăn cản ông ấy lại. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ có thể nhìn vào cái bên ngoài: Ông ấy sẽ cảm thấy rất giận dữ, rất tội lỗi, rất hổ thẹn. Nếu bạn nói với nhiều người được xem là có giáo dục ở Ấn Độ về Khajuraho, bạn sẽ thấy rằng họ cảm thấy hổ thẹn. Họ sẽ nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc nhưng những ngôi đền này không đại diện cho xu thế chủ đạo của chúng tôi. Chúng không đại diện cho văn hóa của chúng tôi. Chúng là những sự kiện kì dị trong văn hóa của chúng tôi – chúng không đại diện cho chúng tôi và chúng tôi lấy làm tiếc vì chúng tồn tại.”
1 Anh hùng dân tộc Ấn Độ, được người dân Ấn Độ tôn vinh là “Thánh”.
Nhưng những ngôi đền này đại diện cho một trong những thái độ toàn diện nhất với cuộc sống – tất cả được chấp nhận, bởi vì tất cả đều là thần thánh.
Với tôi, giai đoạn cuối cùng của một con người không phải là hiền nhân, không phải Đức Phật mà là Shiva Nataraja – Shiva Nhảy Múa1. Đức Phật đã đi rất sâu, nhưng bức tường bên ngoài bị thiếu, bức tường bên ngoài bị khước từ. Shiva chứa đựng tất cả những sự trái ngược – chứa đựng toàn thể hiện hữu, không chọn lựa. Ông ấy sống ở lõi trong cùng của điện thờ và ông ấy cũng nhảy múa trên những bức tường bên ngoài.
Trừ khi hiền nhân có thể nhảy múa, nếu không thì vẫn còn thiếu điều gì đó.
Cuộc sống là vũ điệu. Bạn phải tham gia vào nó. Bạn càng trở nên im lặng, sự tham gia của bạn càng sâu. Đừng bao giờ rút lui khỏi cuộc sống. Hãy chân thật với cuộc sống, hãy tận tâm với cuộc sống. Hãy trọn vẹn cho cuộc sống.
1 Hình ảnh nổi tiếng của thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Trong hình ảnh này, thần Shiva được mô tả là đang nhảy múa theo vũ điệu cực lạc của vũ trụ.
Nó xảy ra khi bạn đã đạt đến lõi trong cùng của ngôi đền. Chẳng có lí do gì để bạn nhảy múa, bạn có thể ở đó, im lặng. Như Đức Phật nói: Khi bạn đã đạt tới chứng ngộ, thì có hai con đường mở ra cho bạn – hoặc bạn có thể trở thành một A La Hán – bạn có thể rút lui sang bờ bên kia; hoặc bạn có thể trở thành một Bồ Tát – bạn có thể vẫn ở bờ bên này. Trên thực tế, chẳng có lí do gì để ở bờ bên này khi bạn đã trở nên chứng ngộ. Nhưng Đức Phật nói, vì lợi ích của những người khác, vì lòng trắc ẩn, hãy tạo ra lòng trắc ẩn trong bản thân mình để bạn có thể nán lại thêm một chút và giúp đỡ mọi người.
Theo cùng cách ấy, khi bạn trở nên chứng ngộ, hai khả năng mở ra – bạn có thể vẫn ở bên trong ngôi đền, trong tử cung, nơi tối tăm không có cửa sổ. Hoàn toàn không ra ngoài, thậm chí không một tia sáng lọt vào; không có âm thanh từ bên ngoài, chẳng có gì của khu chợ. Bạn có thể ngồi đó trong im lặng tuyệt đối, trong im lặng vô tận. Chẳng có lí do gì phải ra ngoài và nhảy múa. Tuy nhiên, tôi hi vọng bạn sẽ quay lại, mặc dù chẳng có lí do gì. Mặc dù hành trình của bạn đã hoàn thành, vẫn còn thiếu điều gì đó. Bạn đã học cách để im lặng – giờ đây bạn phải thể hiện xem liệu bạn có thể im lặng giữa ồn ào hay không. Bạn đã học cách một mình – giờ đây bạn phải thể hiện xem liệu bạn có thể một mình mà vẫn yêu thương hay không. Bạn phải từ trên núi trở lại khu chợ. Thử thách tối thượng là ở đó.
Chẳng có lí do nào cho điều này – cho nên tôi muốn nhắc lại. Chẳng có lí do gì cho thế giới này, nhưng có vần và điệu. Không có lí do nhưng có vần và điệu. Khi đã trở nên im lặng, hãy tạo ra âm thanh – và sự im lặng của bạn sẽ đi sâu thêm nhờ âm thanh tương phản. Khi bạn đã biết một mình là gì, hãy ở cùng mọi người – và mọi người cùng sự hiện diện của họ sẽ giúp bạn biết một mình sâu sắc hơn nhiều. Khi bạn đã biết làm sao để tĩnh tại, hãy nhảy múa – và vũ điệu sẽ cho bạn phông nền trong đó sự tĩnh tại trở nên lớn hơn và rõ ràng hơn.
Chẳng có lí do gì cho nó, nhưng có vần và điệu trong nó. Hãy đi đến cái đối nghịch. Đó là ý nghĩa của Shiva Nataraja – Shiva, vũ công của các vũ công. Ông là một vị Phật, nhưng trong những hoạt động bên ngoài, ông là người trần tục.
Đây là điều tối thượng của Tantra, trở thành thần thánh mà vẫn là một phần của thế giới này. Khi bạn có thể quay trở lại chợ với chai rượu trên tay1, bạn đạt tới điều tối thượng.
1 Trong Thiền có mười bức tranh miêu tả mười bước để đạt tới chứng ngộ mà thường được gọi là “Thập mục ngưu đồ”. Bức thứ mười vẽ cảnh một người đang quay trở lại chợ sau khi chứng ngộ, tay cầm chai rượu, say trong men say của cực lạc. Để biết thêm, xin đọc cuốn Thiền của Osho, cùng bộ với cuốn sách này.
TANTRA CỦA HINDU GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
Chỉ có hai con đường cơ bản: con đường của hiến dâng, cầu nguyện cùng tình yêu, và con đường của thiền định cùng nhận biết. Hai cách tiếp cận khác nhau này vẫn tiếp tục tồn tại.
Cách tiếp cận của Shiva là cách tiếp cận của hiến dâng, cầu nguyện, tình yêu. Cách tiếp cận của Saraha là cách tiếp cận của thiền định, nhận biết. Phân biệt chỉ là hình thức, bởi vì tình nhân và thiền nhân cùng tới một đích đến. Mũi tên của họ được phóng ra từ những cây cung khác nhau, nhưng chúng tới cùng một mục tiêu. Cuối cùng thì cây cung không quan trọng. Bạn chọn loại cung nào không thành vấn đề miễn là đạt được mục tiêu.
Đây là hai cây cung – con đường của thiền định và con đường của hiến dâng – bởi vì con người được phân chia thành kiểu tư duy và kiểu cảm xúc. Bạn có thể tiếp cận thực tại thông qua tư duy hoặc thông qua cảm xúc.
Cách tiếp cận của Phật giáo – cách tiếp cận của Đức Phật và Saraha – là thông qua trí tuệ. Saraha căn bản là dịch chuyển thông qua tâm trí. Tất nhiên, cuối cùng tâm trí phải bị bỏ lại phía sau, nhưng phải như thế. Dần dần, tâm trí phải tan biến vào trong thiền, nhưng phải như thế, sự suy nghĩ phải được chuyển hóa và trạng thái vô ý nghĩ phải được tạo ra. Hãy nhớ: Nó là trạng thái không có ý nghĩ và chỉ có thể được tạo ra thông qua việc dần dần vứt bỏ ý nghĩ. Cho nên toàn bộ công việc cốt ở phần tư duy.
Cách tiếp cận của Shiva là cách tiếp cận của cảm xúc, của trái tim. Cảm xúc phải được chuyển hóa. Tình yêu phải được chuyển hóa để trở thành sự cầu nguyện. Trên con đường của Shiva, người mộ đạo và vị thần vẫn còn, nhưng tại đỉnh tối thượng, họ tan biến vào trong nhau. Hãy lắng nghe một cách cẩn thận: Khi Tantra của Shiva đạt tới cực khoái tối thượng của nó, cái Ta tan vào trong Ngươi và cái Ngươi tan vào trong Ta – chúng ở cùng với nhau, chúng trở thành một thể thống nhất.
Khi Tantra của Saraha đạt đến đỉnh tối thượng của nó, cả Ta cả Ngươi đều không đúng, cả Ta cả Ngươi đều không thật, cả Ta cả Ngươi đều không tồn tại – cả hai tan biến. Hai số không gặp nhau – Ta và Ngươi không phải mà không phải Ta không phải Ngươi cũng không phải.
Hai số không, hai không gian trống rỗng, tan vào trong nhau bởi vì toàn thể nỗ lực trên con đường của Saraha là làm thế nào để loại bỏ suy nghĩ, mà Ta và Ngươi là một phần của suy nghĩ.
Khi suy nghĩ bị loại bỏ hoàn toàn, làm sao bạn có thể gọi chính mình là Ta? Và bạn sẽ gọi ai là Thượng Đế của bạn? Thượng Đế là một phần của suy nghĩ, Thượng Đế là do suy nghĩ sáng tạo ra, do suy nghĩ xây dựng nên, do tâm trí xây dựng nên. Do đó tất cả những thứ do tâm trí xây dựng tan rã và shunya, tính không, nảy sinh.
Trên con đường của Shiva bạn không còn yêu hình tướng, bạn không còn yêu con người – bạn bắt đầu yêu toàn thể hiện hữu. Toàn thể hiện hữu trở thành Ngươi của bạn – bạn được gửi thẳng cho toàn thể hiện hữu. Chiếm hữu bị vứt bỏ, ghen tị bị vứt bỏ, thù ghét bị vứt bỏ – tất cả những gì tiêu cực trong cảm xúc bị vứt bỏ. Cảm xúc trở nên ngày một thuần khiết hơn cho đến một khoảnh khắc có yêu thương thuần khiết. Trong khoảnh khắc của yêu thương thuần khiết đó, bạn tan vào trong Ngươi và Ngươi tan vào trong bạn. Các bạn cũng biến mất, nhưng các bạn không biến mất như hai số không, các bạn biến mất như người được yêu tan biến vào trong người yêu và người yêu tan biến vào trong người được yêu.
Cho tới điểm này những con đường là khác nhau, nhưng cả điều đó cũng chỉ là khác biệt về hình tướng. Xa hơn điểm này, việc bạn biến mất như người yêu và người được yêu hay bạn biến mất như hai con số không có còn quan trọng không? Điểm căn bản, điểm nền tảng, là bạn biến mất, chẳng có gì còn lại, chẳng dấu vết nào còn lại. Sự biến mất đó là chứng ngộ.
Cho nên bạn hãy hiểu điều này: nếu tình yêu hấp dẫn bạn, Shiva sẽ hấp dẫn bạn và Sách của những bí mật1 sẽ là kinh điển Tantra của bạn. Nếu thiền định hấp dẫn bạn, thì Saraha sẽ hấp dẫn bạn. Cả hai đều đúng, cả hai đều đi trên cùng một hành trình. Bạn muốn du hành cùng ai – đó là lựa chọn của bạn.
Nếu bạn có thể một mình và phúc lạc, thì hãy chọn Saraha; nếu bạn không thể phúc lạc khi bạn một mình, nếu phúc lạc của bạn đến chỉ khi bạn có mối quan hệ, thì hãy chọn Shiva.
Đây là sự khác biệt giữa Tantra Hindu giáo và Tantra Phật giáo.
1 Tên một cuốn sách của Osho tập hợp những bài nói của ông về 112 kỹ thuật thiền Tantra.