Sự mở lòng – hay lòng trắc ẩn – đối với con người chính là cội nguồn xây dựng nên thái độ sống cho mỗi người. Lòng trắc ẩn là sự cảm thông sâu sắc đối với mọi người, sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người khác, là tạm thời quên mình để hiểu người và học cả cách yêu thương họ. Qua đó, bạn sẽ hiểu hơn về những khó khăn, nỗi đau khổ cũng như những lúc tuyệt vọng của người khác – những điều bạn chưa từng trải qua. Trong quá trình nhận thức vấn đề và giúp đỡ người khác, chúng ta đồng thời mở rộng lòng mình cũng như củng cố lòng biết ơn đối với người khác.
Lòng trắc ẩn là một dạng cảm xúc bạn có thể phát triển bằng cách luyện tập. Nó bao gồm hai giai đoạn: ý định và hành động. Ý định là giai đoạn khởi đầu nhắc nhớ bạn mở lòng với người khác. Còn hành động là giai đoạn bạn sẽ thực hiện ý định đó. Bạn có thể thể hiện lòng trắc ẩn bằng những cách hết sức đơn giản, như góp một ít tiền bạc, thời gian (hay cả hai) để giúp đỡ một ai đó đang trong hoàn cảnh khó khăn, hoặc đôi khi bạn chỉ cần nở một nụ cười thật tươi và cất lời chào ai đó trên đường. Điều quan trọng không phải là bạn làm được gì, mà là bạn có làm hay không. Mẹ Teresa từng nói: "Chúng ta không thể làm nên những điều lớn lao trên đời này. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu lớn lao".
Lòng trắc ẩn còn giúp bạn tăng cường sự biết ơn đối với người khác khi lôi kéo sự chú ý của bạn khỏi những điều nhỏ nhặt mà hầu hết chúng ta thường nghiêm trọng hóa chúng. Khi bạn dành thời gian suy ngẫm về những điều kỳ diệu trong cuộc sống – dù là nhỏ bé – món quà của ánh nhìn, của tình yêu cùng tất cả những thứ khác, chúng đều giúp nhắc nhở rằng nhiều thứ bạn nghĩ là to tát thật ra chỉ là những "chuyện nhỏ" mà thôi.