Tôi đã từng phân tích những sự kiện diễn ra trong quá khứ, để trả lời cho câu hỏi tự mình đặt ra là, yếu tố nào đã làm cho tôi có được như ngày hôm nay. Câu trả lời, đó là tính kỷ luật. Từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ và rèn luyện tính kỷ luật, có trách nhiệm đối với công việc được bố mẹ giao, dù là trông nom các em, (vì tôi là con trai cả), hay trông coi thợ làm vườn, dậy sớm đi chợ và nấu ăn cho cả gia đình. Qua đó, tính kỷ luật tự giác đã hình thành và ăn sâu vào xương tủy của tôi.
Ngoài ra, có thể do tôi là người nhiều tham vọng, háo hức với việc tích lũy "tiền của", bằng cách bỏ từng đồng xu vào ống tiết kiệm mỗi ngày một ít từ lúc còn rất nhỏ. Rồi khi đến tuổi thanh niên tôi cũng tự chăm sóc bản thân, tự đi tìm việc làm để kiếm tiền một cách nghiêm túc, ăn tiêu dè sẻn, tiết kiệm… việc đi học một mình ở xứ người cũng giúp tôi rèn luyện thêm tính kỷ luật chặt chẽ trong chi tiêu.
Khi trưởng thành và bước vào quản lý công ty thì công việc càng đòi hỏi tôi phải có tính kỷ luật cao hơn nữa trong chi tiêu. Tôi không cảm thấy khó chịu hay miễn cưỡng trong việc kiểm soát chi tiêu của công ty vì tôi biết xác định "cái gì cần, cái gì không cần" nhờ vào kinh nghiệm cũng như trực giác mách bảo.
Nhờ đó, nền tảng cho sự phát triển của Amata từng bước được củng cố và không ngừng phát triển khiến cho các cổ đông, nhất là cổ đông sáng lập Khu công nghiệp Amata cùng với tôi, đều trở nên giàu có.
Tôi còn nhớ, trong giai đoạn đầu của Amata, lương tháng của tôi chỉ là 30.000 bạt, nhà ở kiêm luôn văn phòng công ty. Ngoài việc dùng tiền của cá nhân đầu tư xây dựng tòa nhà Kromadit và cho công ty thuê làm văn phòng, tôi chưa bao giờ dùng tiền cá nhân đầu tư vào việc khác không liên quan đến công ty. Có thể nói, tôi xem Amata như chính cuộc đời tôi từ khi nó sinh ra cho đến khi tôi từ giã cõi đời này.
Việc tách biệt rõ ràng giữa tiền của "cá nhân" và tiền của "công ty" là điều rất cần thiết và mỗi người cần phải rèn luyện thành thói quen. Tôi rất coi trọng vấn đề này. 30 năm về trước, khi thành lập Công ty V&K, tôi sở hữu 100% công ty bằng tiền riêng của mình nên lúc đó tôi coi mọi thứ là tài sản của riêng tôi. Tôi muốn làm gì cũng được, nhưng khi đã thành công ty cổ phần thì nhất thiết phải thay đổi cách quản lý tiền bạc. Những tài sản nào thuộc sở hữu của công ty thì tuyệt đối không được mang ra dùng cho cá nhân. Cả sổ sách kế toán cũng phải rất rõ ràng minh bạch. Tôi đã thực hiện điều này rất nghiêm túc từ khi thành lập công ty Amata cho đến nay, nên các cổ đông đều rất yên tâm, tin tưởng.
Việc dùng tiền đúng mục đích là một nguyên tắc mà tất cả các tổ chức và nhà quản lý phải tuân thủ nghiêm ngặt và rõ ràng. Tôi đã thấy nhiều công ty bị sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế là do việc đầu tư tràn lan, không hiệu quả, hoặc trái với ngành kinh doanh chính của công ty, chẳng khác gì quăng tiền ra mua hay đầu tư vào những thứ vô hình, đôi khi họ còn làm theo cảm hứng, không phân biệt giữa cái cần và không cần, giữa cái thuộc công ty và cái thuộc cá nhân. Những nhà kinh doanh như vậy sớm muộn cũng phải "cuốn chiếu" về nhà.
Đối với Amata, chúng tôi vẫn đứng vững và tăng trưởng qua từng năm, vì tôi cương quyết giữ nguyên tắc chi tiêu đúng mục đích và tuân thủ kỷ luật, đặc biệt đối với các khoản tiền vay của ngân hàng để đầu tư vào các dự án như đã thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ em tiền vay ngân hàng đầu tư vào chỗ khác nằm ngoài dự án của Amata, khiến nhiều người ngạc nhiên không hiểu tại sao Amata là công ty sở hữu trên 6.600 ha đất mà tôi lại không sở hữu riêng một miếng đất nào hay đầu tư vào các công ty khác để kiếm lời như nhiều người khác.
Tôi thường trả lời họ rằng, cuộc đời tôi chỉ cần có đất để xây 2-3 ngôi nhà là tối đa, tùy theo hoàn cảnh cho phép. Tôi không bao giờ mua đất để đầu cơ kiếm lời cho riêng mình mà chỉ đầu tư đất đai trong khuôn khổ của Amata, vì tôi coi Amata chính là cuộc đời của mình rồi.
Đến giai đoạn tự nghỉ hưu – tách khỏi công việc sự vụ hàng ngày của công ty - để ngồi viết sách thì "tính kỷ luật" vẫn là điều tôi luôn coi trọng. Tôi xuất thân không phải nhà văn hay được đào tạo nhiều về văn chương nên mỗi khi ngồi viết một trang giấy A4 đã thấy bở hơi tai. Qua một thời gian rèn giũa thì việc thể hiện suy nghĩ và bày tỏ tình cảm bằng ngòi bút được cải thiện hơn (mặc dù tôi đã định từ bỏ việc viết lách không dưới 10 lần).
Đến nay, tôi đã có thể ngồi viết liền một mạch suốt cả ngày, chừng nào đầu óc còn sảng khoái, minh mẫn. Trung bình tôi dành 10 giờ một ngày để viết lách mà không cảm thấy mệt mỏi, chán nản như thời gian đầu tập viết văn. Đây là một ví dụ nữa nói lên tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm mà tôi đã tự rèn luyện từ nhỏ cho đến hôm nay, khi tôi ngồi viết lách chia sẻ với các bạn ở tuổi 56.