Kai Hoàng
Cuộc sống, luôn diễn ra hai thái cực, giữa nhớ và quên. Mà đáng buồn là, người ta thường nhớ về những ký ức chẳng mấy khi vui, nhưng lại muốn quên đi cả những điều đã từng là niềm hạnh phúc. Phải chăng bản thân mỗi người đã quá yếu đuối, với những cảm xúc vẫn luôn cố hữu như vậy?
1.
Ngồi tại The Coffee Bean & Tea Leaf, tôi vẫn chưa tin rằng mình đã rời khỏi Việt Nam.
Hai tiếng trước, tôi còn cặm cụi xếp đống quần áo vào chiếc vali màu lam mà Triên đã tặng cho tôi. Triên nói, chiếc vali này giống tôi, cùng tên Lam. Lúc nói ra câu đó, môi anh ấy tạo thành một nụ cười, và tôi chưa từng thấy nụ cười nào buồn đến như vậy.
Và rồi, tôi bỏ lại nụ cười của Triên, để tự theo đuổi cho mình một hành trình mới.
Tôi được cử đi học Thạc sỹ violin tại Singapore bốn năm. Trong danh sách các quốc gia được chọn học, chẳng hiểu sao tôi lại chọn đất nước xinh đẹp này. Bạn bè cùng khóa với tôi và các anh chị khóa trên nữa, tất thảy họ đều mong muốn đặt chân đến một đất nước châu Âu xa xôi nào đó, cho xứng đáng với công sức học tập chăm chỉ đã bỏ ra.
Còn riêng tôi, Singapore lại là lựa chọn đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này. Không phải vì tôi sợ đi xa, cũng chẳng phải vì nỗi lo lắng của mẹ khi nghĩ đến những chuyến bay mười mấy tiếng đồng hồ, khiến bà có cảm giác như tôi đã trôi tuột ở một phương trời nào đó mà bà không thể nào tìm đến. Chỉ đơn giản là, ở một đất nước nhỏ, thì nỗi buồn của tôi cũng chỉ gói gọn trong chừng ấy phạm vi, điều đó làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn.
Nhưng trên tất cả, bốn năm ròng rã theo học violin tại đây là khoảng thời gian đủ dài để Triên có thể lãng quên tôi. Hoặc nếu anh ấy chưa thể làm được điều đó, thì ít ra hình ảnh trong tôi cũng dần phai nhạt, như những vũng nước nhỏ đọng lại sau cơn mưa vội bốc hơi khi trời hửng nắng.
Tôi đang làm gì vậy? Thậm chí ngay cả tôi cũng không hiểu nổi. Tôi là người thường hành động theo cảm tính. Vậy nên, thật khó để giải thích những việc mình đã làm.
Tôi có yêu Triên không, tôi đã tự hỏi mình hàng ngàn lần câu hỏi đó. Chỉ biết rằng, giữa lúc lựa chọn suất học bổng và tình yêu nơi Triên, tôi chọn cách từ bỏ anh ấy. Vì điều gì? Phải chăng vì tình yêu Triên dành cho tôi không đủ lớn, đến mức tôi phải tìm cách chạy trốn sang một đất nước xa lạ và bắt đầu một cuộc sống mới?
Không. Tất cả đều phụ thuộc vào cảm xúc của tôi. Người con trai ấy yêu tôi nhiều đến mức nào, tôi có thể cảm nhận được. Nhưng rồi nỗi hồ nghi bắt đầu len lỏi, Triên có thể bỏ rơi tôi khi hết yêu, điều đó sẽ vô tình làm tôi nhớ lại nỗi ám ảnh về mối tình đầu của mình. Ở một khía cạnh nào đó, người ta dễ dàng buông tay nhau khi đã trải qua quãng thời gian hạnh phúc, và tôi lo sợ điều đó.
Còn đối với vĩ cầm, tôi có thể sống chết cùng nó. Dẫu sao đó cũng là vật bất ly thân gắn bó với tôi đến hết cuộc đời. Triên có thể bỏ rơi tôi, nhưng vĩ cầm thì không, trừ khi… chính tôi chủ động rời bỏ nó, để tìm kiếm cho mình một niềm đam mê khác, một công việc khác.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, tôi sẽ sống hết phần đời còn lại của mình mà không có ai bên cạnh, ngoại trừ vĩ cầm. Tôi không biết liệu rằng đó có phải một quyết định sáng suốt hay không. Nhưng tại thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy cuộc sống của mình ổn, thực sự ổn.
Nhìn qua lớp cửa kính cách ly giữa The Coffee Bean và thành phố nhộn nhịp, Singapore bất chợt đổ mưa. Một sự chào đón không mong đợi đối với tôi. Cái lạnh bao trùm không gian quán cà phê làm tôi rùng mình. Bất giác, tôi khẽ đưa bàn tay mình áp vào tách cappuccino vẫn còn nghi ngút khói, vậy mà vẫn không cảm nhận được chút hơi ấm nào. Thực sự vậy.
2.
Ngày nào tôi cũng nhận được email của Triên. Trong mail cũng chẳng có nội dung gì quan trọng, chủ yếu là hỏi han sức khỏe và những lời nhắc nhở kèm theo. Tôi có thể hình dung, đó dường như đã là thói quen khó bỏ của Triên kể từ khi tôi đặt chân đến đất nước này. Trái lại, hú họa lắm tôi mới gửi email phản hồi cho anh ấy.
Giờ đây, chúng tôi đã sống ở hai đất nước hoàn toàn khác. Rồi thời gian sẽ phủ một lớp bụi ngăn cách giữa tôi và Triên, giống như tôi đã từng chật vật để quên đi mối tình đầu không mấy vui vẻ của mình, dù rằng, những khoảnh khắc hạnh phúc vẫn luôn tồn tại trong một mối tình tan vỡ. Nhưng sự thật là, chẳng mấy ai mong muốn phải nhớ lại những ký ức tốt đẹp ấy, trong khi kết cục vẫn là một cuộc chia tay không mong đợi.
Sống ở Singapore, tôi tốn nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống mới. Tôi sử dụng tiếng Anh thay cho tiếng mẹ đẻ, làm quen với phố xá, các trạm xe bus và ga điện ngầm, cùng những bài học dày đặc trên lớp. Về đến phòng, ăn uống qua loa rồi lại lao vào tập luyện. Cuối cùng, mệt nhoài trên giường cùng với giấc ngủ lúc nào cũng chực chờ sẵn.
Tôi gắn bó với cây đàn violin từ năm lên tám. Cây đàn là do cha tôi để lại. Ngày đó, ông ôm chặt lấy tôi vào lòng, đặt vào tay tôi cây đàn mà ông yêu quý nhất, rồi ra đi không bao giờ trở lại nữa. Năm tôi mười tám tuổi, mẹ kể cho tôi về sự ra đi đó. Bà kể rằng ông đi theo một người phụ nữ khác, và hiện giờ ông đang sống ở Phần Lan, cùng với những buổi biểu diễn dày đặc mỗi đêm.
Tôi lặng người. Trong ký ức của đứa trẻ ngày đó, tôi hân hoan đón nhận món quà cuối cùng mà cha để lại. Tôi lao vào học tập và tập luyện, cảm thấy mình có chút năng khiếu được thừa hưởng từ ông. Tôi đạt được một số thành tích lớn nhỏ trước khi quyết định theo đuổi cây vĩ cầm làm sự nghiệp của mình.
Nhưng khi nghe những điều đó, tôi cảm thấy buồn bã, và thất vọng.
Nỗi buồn bã đó còn to lớn hơn cả khi mẹ nói dối rằng ba mất trong một vụ tai nạn. Đó là quãng thời gian ngay sau khi tôi đã tốt nghiệp vào nhạc viện, tôi căm ghét ông khủng khiếp, căm ghét luôn cả cây đàn violin mà ông để lại. Tôi tìm mua một cây đàn violin khác, và tự dặn lòng không được bén mảng đến cây đàn ghê tởm đó một lần nào nữa.
Nhưng rồi, những nốt nhạc méo mó khiến tôi chán chường. Cũng có khi may mắn tôi chọn được một cây đàn ưng ý, nhưng rồi cảm giác lạ lẫm như thể nó không thuộc về mình. Tôi nhìn về cây vĩ cầm mà cha để lại, thầm nghĩ, chắc hẳn ông đã rất day dứt khi rời xa nó, và phải thật sự yêu thương tôi nên mới đành lòng bỏ lại.
Cây đàn đó là tất cả niềm đam mê và tuổi trẻ mà ông gửi gắm. Giờ đây, nó thuộc về tôi. Thay vì oán giận như trước, tôi hiểu và cảm thông với quyết định của ông. Đến Phần Lan, ắt hẳn ông sẽ được chơi những cây đàn cao cấp hơn nhiều, nhưng kỷ niệm là điều không thể thay thế. Người ta có thể chơi tốt bất cứ cây đàn violin nào được mang tới, nhưng để “feeling” trên từng nốt nhạc, chỉ có thể là từ cây đàn của mình mà thôi.
Nghĩ đến đó, lòng tôi như trút đi gánh nặng. Tôi trân trọng kỷ vật mà cha để lại. Còn về quyết định ra đi của ông, tôi không muốn nhắc lại. Tự bản thân mỗi người đều có cho riêng mình một quyết định ở một thời điểm nào đó. Có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng cuối cùng, chỉ có một sự lựa chọn mà thôi. Điều quan trọng là, không để chính bản thân mình hối tiếc về điều đó.
Tôi có hối tiếc khi rời xa Triên không? Tôi không rõ, nhưng sống ở đây hai năm, tôi vẫn luôn nhớ về anh ấy như một phần quá khứ không thể xóa nhòa. Dù rằng, tôi đã chối bỏ tình cảm của Triên chỉ để tự vỗ về cho những thương tổn và mất niềm tin từ cuộc tình trước.
Điều này quả thực không công bằng, với Triên.
3.
Ngoài những buổi học trên lớp, tôi chơi đàn tại một quán pub nhỏ mỗi tối. Tiền công chả nhiều nhặn gì, nhưng đủ để chi trả những chi phí lặt vặt khác tại đất nước đắt đỏ này, và cũng là để giúp tôi luyện tập thêm những ngón đàn. Chơi nhạc trước đông người lúc nào cũng cảm hứng hơn là tự chơi một mình trong phòng. Tôi nghĩ vậy.
Nhưng hôm nay tôi không có lịch biểu diễn. Vậy nên tôi đi bộ lang thang khắp khu Chinatown để giết thời gian. Lần nào đặt chân tới đây, tôi cũng đều nhớ đến Việt Nam. Đã hơn hai năm tôi không về nước, mẹ lúc nào cũng nói nhớ tôi qua điện thoại, và tha thiết mong tôi về nhà nếu có thời gian. Dĩ nhiên là tôi đã nói dối, lịch học và biểu diễn chỉ là cái cớ để tôi ngăn mình quay lại nơi đã sinh ra.
Tôi lo sợ điều gì? Phải chăng tôi đã quen với nỗi cô đơn khi hai năm trời sống ở Singapore với những lịch học và biểu diễn đặc kín? Hay là tôi sợ phải đối diện với tình cảm của Triên, rằng tại sao hai năm trời đằng đẵng trôi qua, anh vẫn không thôi gửi email cho tôi và tìm kiếm một cô gái khác?
Là do tôi cố chấp với nỗi buồn của mình, hay do Triên cố chấp với tình cảm của anh ấy?
Chỉ biết rằng, tôi đã nhớ nhà kinh khủng.
Tôi thèm ngủ trên chiếc giường quen thuộc mà mình bỏ lại, tôi muốn hít hà cái khí hậu Việt Nam mà suốt hai mươi hai năm trời mình đã chung sống. Tôi muốn gặp lại bạn bè cũ, những con đường cũ, những quán quen cũ… Và đâu đó trong thâm tâm, tôi biết mình muốn gặp lại Triên.
Nhưng rồi, chúng tôi sẽ nói những gì với nhau, hay rồi khoảng thời gian xa cách sẽ làm tròn nhiệm vụ của nó, khi đẩy chúng tôi dần dần thành hai kẻ xa lạ mà chẳng biết mở lời từ đâu? Tôi không tin vào cái giả thuyết đó, bởi lẽ tôi có thể cảm nhận tình yêu mà Triên dành cho mình qua từng câu chữ trong email. Có chăng điều tôi sợ là cảm giác hụt hẫng của anh sau bao thời gian chờ đợi chỉ đổi lại sự hờ hững từ phía tôi.
Gần giáng sinh, không khí trở nên chộn rộn hẳn. Trường dành ra khoảng thời gian đủ lâu để cho học viên trở về nhà bên gia đình. Hai năm trước, tôi chỉ biết vùi mình trong phòng, chơi đi chơi lại một bản nhạc buồn và u uất, chán chường thì lại chui vào một quán rượu nhỏ và uống cho say mèm. Trong cơn say, phảng phất hình ảnh của Triên, về nụ cười buồn đến cô độc của anh ấy khi đứng trước cửa nhà tôi.
Đôi lúc tôi muốn gọi điện thoại về hỏi mẹ, chuyện ngày xưa cũ ấy, mẹ đã quên hẳn chưa.
Mười sáu năm trời, đó có phải khoảng thời gian đủ để chữa lành vết thương và quên đi cha hay chưa. Nhưng rồi tôi lại không đủ can đảm để nhắc lại quá khứ cũ kỹ đó.
Lần này, tôi quyết định trở về Việt Nam, một cách bất ngờ. Một chuyến bay đêm, và tôi có mặt tại nhà vào lúc hai giờ sáng. Mẹ mở cửa cho tôi trong tình trạng ngái ngủ, rồi trong ánh mắt của bà, tôi thấy những dòng lệ chực chờ tuôn. Kể từ khi cha đi, tôi và đứa em trai trở thành nguồn an ủi duy nhất cho cuộc sống của mẹ. Thật may mắn khi tôi chọn du học, mẹ vẫn còn một người thân bên cạnh để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Điều đó làm tôi cảm thấy có phần hổ thẹn. Tôi không nói cho Triên biết sự trở về của mình, dẫu sao đó cũng chỉ là một thời gian ngắn, tôi sẽ trở lại Singapore sau ít ngày nữa.
Đi dọc các con đường quen thuộc và chui vào những hàng quán cũ, tôi luôn bắt gặp và tìm thấy những thứ gợi nhớ về Triên. Những nơi chúng tôi đã từng đến, anh luôn cẩn trọng để lại những tờ note nhỏ màu lam, viết vài dòng chia sẻ vu vơ lên đó, dành cho tôi. Cảm giác thật ấm áp khi biết rằng mình được quan tâm nhiều đến như vậy, kể cả khi đã bỏ đi biền biệt suốt hai năm trời, vậy mà những dòng note mới tinh vẫn cứ được dán lên thật đều đặn.
Ngày cuối cùng, trước khi rời khỏi Việt Nam, mẹ đưa tôi một chiếc hộp nhỏ. Một sợi dây chuyền rất đẹp, đi kèm với nó là mặt dây chuyền hình chiếc đàn violin được làm bằng thủ công tinh tế.
- Từ đâu vậy mẹ? - Tôi hỏi.
- Của ông ấy. - Mẹ trả lời.
- Của cha à? - Tôi hỏi lại.
Mẹ chỉ gật đầu, rồi đeo sợi dây chuyền lên cổ tôi, vừa khít.
- Một món quà nhỏ tặng con nhân dịp có học bổng, tiếc là nó đến quá trễ trước khi con vừa sang Singapore.
- Mẹ còn giận ông ấy không? - Tôi rụt rè hỏi.
- Mẹ đã từng giận ông ấy ghê gớm. Nhưng rồi, nghĩ lại, chính mẹ là người đã ngăn cách ông ấy với niềm đam mê vĩ cầm. Sau này mẹ mới biết, ông ấy chẳng đi theo người phụ nữ nào cả. Tất cả chỉ là nói dối, nếu không làm thế, chắc chẳng dễ dàng gì để có thể đưa ra một quyết định khó khăn đến vậy.
Tôi thoáng thấy nỗi buồn trong mắt mẹ. Có lẽ, mẹ đã mong gặp lại cha tôi biết nhường nào, dù cho có biết hay không biết sự thật đó đi chăng nữa. Tôi nghĩ đến Triên, giờ này anh ấy đang ở đâu, làm gì? Có lẽ Triên cũng như cha tôi, đều cô độc và nghĩ đến người mình yêu thương nhất, dù ở bất cứ đâu đi chăng nữa, Việt Nam hay Phần Lan, chỉ với những hành động âm thầm, không phô trương, không ầm ĩ.
Một người sẵn sàng yêu tôi vô điều kiện, chắc chắn sẽ không thể nào bỏ rơi tôi. Và hẳn nhiên, cũng sẽ yêu quý luôn cây vĩ cầm mà tôi luôn nâng niu từ nhỏ. Giờ tôi đã tìm thấy câu trả lời cho riêng mình, tôi có thực sự yêu Triên không, câu hỏi mà tôi đã luôn tự hỏi, để rồi phớt lờ nó.
Giờ thì tôi biết, thực sự biết, mình yêu Triên nhiều như thế nào.
Hai năm trời sống ở Singapore, là khoảng thời gian để tôi chạy trốn tình cảm đó, để rồi nhận ra mình không phút giây nào không nghĩ đến Triên.
Giữa mùa đông, tôi chạy thật nhanh đến nhà Triên, đứng dưới hiên nhà và gọi tên người con trai mình đã từng rời bỏ.
Giữa mùa đông, tôi ôm chặt người con trai đã yêu thương mình vô điều kiện, người luôn tôn trọng từng quyết định của tôi, dù rằng, tôi đã luôn tìm cách chối bỏ tình cảm đó cùng với niềm tin đã đôi phần sứt mẻ của mình.
Giữa mùa đông, tôi nghe trái tim mình ấm nóng, mặc cho những cơn gió lạnh nửa đêm cứ thay phiên nhau thốc vào lớp áo mỏng manh.
Giáng Sinh, là nơi để mọi người quay trở về, và bày tỏ tình cảm của mình. Phải chăng tình cảm của tôi cũng tuân theo quy luật tự nhiên như thế?
4.
Tôi quay trở lại Singapore để hoàn thành nốt hai năm học còn lại, nhưng với một tâm thế hoàn toàn khác. Hai năm trời có phải là khoảng thời gian đủ lâu để quên đi quá khứ không? Dĩ nhiên là không. Người ta chỉ thực sự quên khi bản thân đã đủ tin tưởng về một tình yêu mà mình muốn gắn bó, trong suốt phần đời còn lại.
Và giờ, vĩ cầm sẽ không còn cô độc, bởi bên cạnh tôi là người con trai luôn tạo cho tôi cảm giác tin tưởng và an yên.
Những bản nhạc buồn sẽ không còn ngân lên trong căn phòng nhỏ, giữa lòng đất nước Singapore chật hẹp.
Bất giác, tôi muốn viết thư cho cha, rằng ở đất nước quanh năm có mùa đông như Phần Lan, chắc hẳn ông đã đủ buồn và cô độc đến nhường nào. Tôi muốn kể cho ông nghe về câu chuyện cô gái chơi vĩ cầm đã tìm được người bạn đồng hành đến hết cuộc đời. Và nhân tiện, tôi muốn xây dựng một câu chuyện mới, về một người phụ nữ mong chờ được nghe khúc vĩ cầm mà năm xưa ông đã mang đi, đến một đất nước châu Âu chỉ toàn giá lạnh. Người phụ nữ với hai đứa con giờ đã trưởng thành.
Đó sẽ không còn là một câu chuyện buồn của quá khứ. Mà là một câu chuyện mới, khởi đầu lại niềm hạnh phúc đã từng bỏ dở, với vĩ cầm.